Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Ma
Minh  Ðạo

Năm 1958 tôi  học ở trường trung học Võ Tánh, Nha Trang, sửa sọan thi tú tài I. Hồi đó thi   rất căng. Ðậu được cái tú tài phải bỏ nhiều công sức. Tôi ở trọ  cùng hai đứa bạn học cùng trường, cùng  tụng nhiều thứ ‘’Chân kinh ‘’ để  ‘’vượt Vũ Môn ‘’ tú tài. Cũng có một ông giáo già dậy bậc tiểu học, tên là Tiên. Cứ theo các ghi chú trong ‘’ quyển kinh Vạn Vật (Biologie) của bác thì bác ấy đã trượt tú tài I năm lần. Sau  khi  bù đầu dùi mài  các ‘’kinh,sử ‘’ quá căng, chúng tôi bầy trò cầu cơ, coi như một môn thư dãn  tinh thần, cốt để mua vui. Hồi ấy môn cầu cơ rất thịnh, coi như một cách giao cảm với cõi âm, tuơng tự như ngày nay người ta gọi là ngoại cảm.Có nhiều vị có khả năng ngoại cảm rất tài.Các kết quả đã được kiểm chứng là đúng. 

 

Ðại khái, khi cầu cơ, người ta ghi các mẫu tự trên môt tờ giấy lớn, bên trái, phía dưới ghi chữ Ma, Quỉ, bên phải ghi chữ Thần,Thánh. Người ta dùng một miếng gỗ nhỏ, hình trái tim, ba hay bốn người, nam và nữ càng tốt, cùng đặt ngón tay chỏ vào, thắp một nén nhang, đọc một bài khấn ngắn, các vị bên kia thế giới sẽ ứng và đẩy cơ di chuyển, phần nhọn của cơ chỉ lần lượt vào các chữ cái, ghép lại thành câu làm phương tiện truyền thông. Một điều rất lạ là rất hiếm khi cơ chạy về chữ Thánh, Thần. Hóa ra phía bên kia họ  cũng sợ, không dám ăn gian!

 

Chuyện lăng nhăng nhiều.Chúng tôi cãi nhau cũng lắm. Nhưng cũng có những điều làm chúng tôi hơi (bị ) giật mình, không tin cũng chẳng được. Nay, sau hơn nửa thế kỷ, ngồi viết lại chuyên này, bảo đảm là sự thật. Tin hay không tin, tùy !

 

Một buổi tối cầu cơ, sau vài chuyện lăng nhăng, cơ chạy rất nhanh, ghi những chữ lộn xộn, ghi được trên hơn trang giấy, không ra câu chữ Việt nào cả. Chúng  tôi chọn sinh ngữ I tiếng Anh, tiếng  Pháp là sinh ngữ II nên gần như dốt đặc, sức mấy mà đặt bút thành văn! Chúng tôi cầu cứu bác Tiên, phái ‘’cựu học ‘’, giỏi tiếng Tây, đọc các tiểu thuyết tiếng Pháp dễ dàng. Xem xong, bác ấy phán: ‘’ Bỏ mẹ rồi, ma Tây chúng mày ạ! ‘’. Bác ấy viết lại thì quả là một ‘’ bài văn ‘’ Tây ! Nay tôi không nhớ lại được’’ bài  văn ‘’ ấy. Ðại khái, vị ấy xưng tên là Bernard, người Pháp, trung uý, tử trận trên một ngọn đồi ở Ðiện Biên Phủ. Ý ‘’ bài văn ‘’  khuyên chúng tôi phải sống cho đàng hoàng, lương thiện, để tránh bị ‘’ kẹt ‘’ về sau. Tóm lại là phải làm lành, lánh dữ, giống như bố mẹ tôi vẫn dạy, chẳng có huyên bí, linh thiêng gì. Nhưng hương linh bác Bernard giáng cơ là thật, không thể chối cãi được! Và bác ấy cũng rất đáng kính !

 

Cũng có lần cụ Nguyễn Khuyến nhập cơ. Chúng tôi hỏi cụ năm nay Bộ có ra đề  thi về cụ ( trong chương trình Việt văn ) hay không ? Cụ nói có, rồi cho chúng tôi một bài thơ thất ngôn bát cú. Quả thật thời ấy khả năng của chúng tôi ‘’ghép ‘’ được mấy câu thơ lục bát  tán gái cũng không xong, huống hồ là thơ  Ðường ! Tôi không nhớ bài thơ ấy, đại khái có ý khuyên chúng tôi phải chăm học và ăn ở cho tử tế. Năm ấy, môn thi Việt văn có đề tài về Cao Bá Quát.Thế là hai đứa bạn tôi trượt ! Có lẽ là thiên cơ bất khả lậu chăng ? Nhưng chắc chắn là cụ Nguyễn Khuyến có nhập cơ vì có những chi tiết chúng tôi không biết (vì học còn dốt). Và nhất là việc cụ giáng vài bài thơ chữ Hán-Việt, điểm mù của chúng tôi. Kiểm chứng trong sách thì thấy đúng.Và dù tây hay ta, các vị ấy cũng có một lời khuyên ăn hiền ở lành, sống với nhau cho tử tế.

 

Tôi quyết chắc rằng không bao giờ “quí ngài bên kia “cho những câu, chữ  mang tính xúi làm điều ác, tố cáo người này người nọ, phe nọ, phái kia...Chung nhất chỉ khuyên làm lành lánh dữ kẻo bị “kẹt ”về sau. Có lẽ những lời khuyên này được rút ra từ kinh nghiệm bản thân  của quí vị ấy. Cũng có thể ở cõi bên kia chư vị ấy cũng được nghe Phật thuyết pháp: chư ác mạc tác, chư thiện  phụng hành chăng ? Những điều đồn thổi lăng nhăng bừa bãi chỉ là “xạo hết chỗ nói ”! Nhiều người mỗi sáng cúng một ly cà phê sữa, điếu thuốc lá ngọai, để cho chắc, có khi cúng cả vịt quay cho tượng thần tài, khấn vái xụt xùi xin cho được trúng số đề, trong khi hai vị Phật trong nhà-Bồ Tát tại gia- là hai đấng sinh thành phải tìm chút gì ăn qua loa cho đỡ đói. Cà phê sữa cúng rồi còn uống được. Còn cái xe, cái nhà đã cầm, đã bán, đòi lại được chăng! Người con bất hiếu chết ,sang cõi bên kia cũng bị kẹt nhiều thứ.

 

Từ  buổi tối gặp bác Bernard, chúng tôi không dám cầu cơ nữa, sợ tùy hứng, có những lời xúc phạm các quí ngài bên kia là không xong ! Và chúng tôi, mỗi lần nghĩ điều ác, làm việc ác, nói lời ác nhớ đến lời khuyên của các quí vị ấy cũng thấy ngại, hãm bớt lại.

 

Cách nay khá lâu, báo Tuổi Trẻ trong nước có đăng một phóng sự về Nghĩa Trang Trường Sơn. Chuyện dài dòng, có nhiều khí thế, khẩu hiệu. Nhưng có một chi tiết người trưởng nhóm chăm sóc nghĩa trang kể rằng nhiều khi trời tối, đi tuần, nghe rõ ràng lời “ chào đồng chí, có khoẻ không “. Có lẽ cũng (hơi) xạo! Tấm thân kết hợp bởi tứ đại  do duyên khởi mà có nên cũng là vô thường. Sinh diệt chỉ là chuyển hóa. Phật dạy: Tất các sự vật, hiện tượng –chư pháp- nhờ nhân duyên sinh ra, đều là giả tướng, không thật.

                                   

                                      Rồi mai sau còn chi

                                      Gạch đá cũng thành tro

                                      Lụa tre dần mục nát

                                      Còn mãi chứ !

                                      Còn trái tim Bồ Tát

                                      Giội hào quang xuống địa ngục A-tì.

                                                                                    Lửa Từ Bi, Vũ Hoàng Chương

 

Âm thanh là do hai vật chất va đụng nhau, phát ra những tần số truyền đi trong không khí, tới tai nghe mà thành. Trong chân không-không có không khí- thì...tịt ! Quí vị ấy phần vật chất đã bị hủy hoại, sức mấy mà nói  được, sức mấy mà có trái tim Bồ Tát ! Có chút ít tiểu tâm Bồ Tát thì ai chẳng có, lòng lành thì hiện ra, lòng dữ thì mất, ngay tại thế gian này.

                                                                                                  

 

Con người bị luật vô thường chi phối khi chết thân xác do tứ đại duyên sinh đành bỏ lại. Chỉ có thần thức( bardo) ra đi rồi tùy nghiệp lực đẩy đưa tái sinh vào 6 nẻo luân hồi. Các anh chị em  bên ấy còn trụ được vào cái vật chất (cái  sắc) nào mà phát ngôn ‘’chào các đồng chí ‘’, làm cho các phóng viên ‘’sợ dựng tóc gáy’’ ! Các phóng viên ấy sợ ma ! Có người cho rằng những tiếng chào ấy là do đám ‘’ ma người ‘’ phát ra để chộ, để dọa những ai tò mò, kiểm tra, phát hiện những gian dối trong việc xây dựng các nấm mồ tử sĩ, khai khống, xây mộ giả để kiếm tiền. Những số tiền bất chánh kiếm được từ những ngôi mộ trống  rồi cũng là vô thường ‘’sắc tức thị không ‘’ ráo trọi  và bọn ăn gian  thoát sao được luật nhân quả ! Của ăn gian như miếng mồi thơm có ngầm chứa móc câu, nuốt vào thì ngon, dễ, nhả ra thật khó lắm thay !

 

 

Trong cuốn Cổ Học Tinh Hoa  do cụ Nguyễn văn Ngọc dịch, chép một chuyện ma : Một người  khổ quá vì nạn  tham quan ô lại, chịu không nổi nên trốn vào núi ở. Một hôm, vừa ra khỏi hang, gặp ngay một con ma lưỡi dài trông rất dữ. Kẻ trốn đời  sợ quá, quì lậy mà rằng : Lậy ông ma, xin tha mạng cho con. Ma cười : Tại sao anh lại  phải trốn vào đây. Người kia trả lời vì tham quan ô lại, vì bị người áp bức, khổ quá nên phải trốn vào đây. Ma lại cười (dễ thương !) : Thế thì người làm ngươi khổ hay ma làm ngươi khổ ? Rồi cười (lại cười !) mà bỏ đi. Chính trị hà khắc, đời sống bất công áp bức, cảnh oan khuất  hàng ngày xẩy ra trước mắt  không biết sợ, lại vu oan giá họa cho ‘’ quí vị bên kia ‘’ chẳng là...hơi (bị ) ngu sao ?

 

Trong kinh Hoa Nghiêm có kể 50 thứ  ma người, ma tâm, được xếp loại thành 10 thứ, gọi là thập ma rất đáng ngại, do ‘’năm lò sản xuất ‘’ có tên là ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng hành, thức) sinh ra. Trong số, có thứ ma sở tri chướng có lẽ là dữ nhất. Ma này bám chấp vào cái gọi là kiến thức, vào niềm tin, lý tưởng vững chắc, ‘’ vào chân lý-của các học thuyết chính trị-   không thể nào sai ‘’. Ma ấy sinh ra các thứ ma con, ma cháu, ma chắt cuồng tín, hận thù, độc ác, tàn nhẫn, khát máu, đòi đánh, đòi giết... Kinh không  kể các thứ  ‘’ma bên kia ‘’ nên chẳng có gì phải sợ. Trong truyện ngắn Chị Cả Bống, một tác giả kể chuyện một người suốt ngày, từ sáng mới tỉnh dậy cho tới tối phải đối phó với bao thứ  ma người , muốn xin vào tù cùng những người tử tế, lại hết chỗ. Thương thay ! Trong đời thường, cảnh người làm khổ người thì nhiều, rành rành trước măt thì không biết sợ. Chuyện ma làm khổ người thì ‘’chỉ nghe nói thế ‘’, lại sợ. Thật là lầm lẫn, cũng...đáng thương thay ! Kinh Hoa Nghiêm cũng dạy rằng các thứ ma người rất sợ 4 chữ Chính Ðại Quang Minh. Chỉ cần thực hành 4 chữ ấy là mọi thứ ma người  đều phải tiêu trừ.

 

Trở về chuyện cầu cơ kể trên. Thực ra chuyện này cũng không  có gì lạ. Tín đồ đạo Cao Ðài (dĩ nhiên vớí hình thức trang nghiêm, thành kính) cũng dùng cách giáng bút của thần linh để truyền đạo. Việt Nam có các môn phụ tiên, lên đồng nhập cốt...làm cách truyền thông giữa hai thế giới. Vào thời chủ nghĩa vô thần đang thịnh, gọi Trời là thằng,‘’Thằng Trời đi chỗ khác chơi. Ðể cho Nông hội thay Trời làm mưa ‘’,  thì các vị lên đồng, gọi hồn, cúng kiếng cầu phúc, bói toán, phụ đồng cốt các‘’Cô‘’ các ‘’Cậu ‘’ đều đi tù cả. Ngày nay, người ta đang đổi mới cho đúng trào lưu tiến hóa của nhân loại thì các kiểu cúng sao giải hạn, cảnh khấn vái ‘’các quí vị bên kia ‘’ xin gia hộ, độ trì, cứu giúp... rất  thịnh. Có lần, trong ngày  giỗ tổ Hùng Vương ở Phú Thọ, cảnh  các bà lên đồng rất qui mô, đẹp, được tôn vinh là ‘’ một hình thái văn hóa  dân gian cổ truyền của dân tộc ‘’. Cũng một hình thức tin ngưỡng, trước kia rình mò mà tóm, nay lại khen là văn hóa dân tộc, quan tha ma bắt, thật không thể hiểu được !

 

Ấy cái vòng Luân hồi là vậy ! Cứ cắm cổ chạy thục mạng về phía trước, chạy hết vòng thấy mình ở phía sau, trở lại thì cũng ...khó ! Vì thế mới cần phải tu, tức là đi ngược dòng.

 

Chuyện cổ kể : có người mang chai rượu, cái đùi heo luộc đến ruộng của mình, khấn rằng ‘ ruộng cao xin được đầy bồ, ruộng thấp xin được đầy kho’. Thần bảo : Có mỗi cái giò lợn, chai rượu  cho ta mà con xin được lắm thứ thế !

 

Chuyện ngày nay : vào chùa chỉ cúng Phật có mỗi nải chuối, nén nhang mà xin  cho gia đình, bản thân đủ thứ. Lối cúng ăn gian này, trái với nhân quả, chẳng lẽ Phật và Bồ Tát cũng hoan hỉ cho ! Có vị hoà thượng bảo : Nếu bảo thật là họ chẳng được gì thì rồi ra cũng chẳng còn ai tới cúng, thầy cũng đói to ! Hoà thượng nói vui nhưng nghe sao thảm quá cho đa số chùa ở Việt Nam ngày nay !

 

Ở các nước phương Tây, cụ thể là ở Pháp, các thiên phóng sự nghiêm túc về các trường hợp tái sinh rất nhiều, viết ra hàng đống sách. Gần đây, có trường hợp một em bé   tên Cameron Macaulay 6 tuổi ở thành phố  Glasgow (Anh) nhớ lại tiền kiếp của mình trên đảo Barra, trong vịnh Cockleshell (Anh) thấy lại người cha trong tiền kiếp đã chết vì tai nạn xe cộ. Ngôi nhà đá trắng bên bờ biễn nay đã xụp đổ, mẹ cậu và các anh chị em đã phiêu bạt nơi nào. Cả một ê-kíp phóng viên truyền hình, chuyên viên điều tra đã đi đến kết luận là đúng. Một em nhỏ 3 tuổi ở Tây Ban Nha được xác minh là tái sinh của một đại sư Tây Tạng rất nổi tiếng. Nay, với sự chấp thuận của cha mẹ (cũng là Phật tử) em được đưa sang tu học trong một trường đặc biệt dành cho các vị tái sinh ở Ấn Ðộ. Hay trường hợp một người Anh xác định được tiền kiêp của mình đã  chết vì một nhát dao đâm lén từ phía sau, trong một trạm gác ở một nước thuộc Trung Ðông, từ 100 năm trước Tây lịch. Người ta đã xác minh là đúng qua các kết quả khảo cổ, các tài liệu lịch sử, các cuộc phỏng vấn.

 

Ở các nước Phương Tây, Bắc Mỹ, tinh thần thực nghiệm, thực chứng rất cao, không thể lòe, chộ nhau được.

 

Hóa ra, không nhất thiết cứ phải ‘’thất thất lai tuần ‘’ thì tái sinh. Nhiều trường hợp cứ phải luẩn quẩn...ngàn năm !

 

Một người, dù chỉ có vốn kiến thức cơ bản về giáo lý nhà Phật cũng hiểu rằng sinh  để diệt, diệt để sinh, trong sinh đã có sẵn mầm diệt, trong diệt đã chứa sẵn mầm sinh. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về hậu quả thiện ác của các việc mình làm, điều mình nghĩ, lời mình nói (ba nghiệp thân, khẩu, ý). Vào đời với nghiệp, ra đi cũng chỉ mang theo nghiệp và tái sinh cũng do nghiệp lực thúc đẩy. Không ai trốn thoát cái bóng của mình. Trong khoảng 49 ngày, thần thức, do nghiệp lực thúc đẩy, mà  vào một trong sáu cõi . Sau 49 ngày, vị nào còn tiếc nhiều thứ, không sao tái sinh được, luẩn quẩn vì tiếc, vì muốn,vì tham, vì sân hận đòi trả thù trả oán, đòi ghi công này công nọ, còn tội mình thì  quên , ắt lang thang, thèm khát, nói chung là trong cõi ngạ quỉ-ma đói- Có những cái chết bất đắc kỳ tử  tạo ra những tình cảm u uất, giận hờn (cho cả người sống lẫn người chết) làm cho thần thức vương vấn, bám chấp không sao siêu thoát được, gọi chung là những oan hồn uổng tử, luẩn quẩn, hiện ra chỗ này chỗ nọ, gọi là ma. Chỉ có thể giải kết siêu sinh bằng tâm từ bi và cầu viện đến tha lực của Tam Bảo để giải thoát và tái sinh.Vì thế cần những trai đàn chẩn tế cầu siêu.

 

Khi thầy Nhất Hạnh về Việt Nam  mở Ðại Trai Ðàn Chẩn Tế Bình Ðẳng Giải Oan thì cũng có nhiều ý kiến. Có ý kiến cho rằng người bên mình là ‘’ đúng chính nghĩa ‘’, cầu mới linh, mới siêu được. Còn ‘’phía bên kia không có chính nghĩa ‘’, cứ để cho nó ‘’ chết mẹ nó đi ‘’,còn oan nỗi gì ! Cầu siêu theo kiểu này, ở cõi bên kia, ắt hai phía  còn đánh nhau to, làm sao siêu sinh cho được mà cầu !

 

Những người ở cõi bên kia  chẳng qua cũng chỉ là ông bà tổ tiên, cha mẹ  anh em, đồng bào mình đã mất còn những niềm u uẩn, bám chấp  chưa siêu sinh được nên chúng ta phải có lòng gần gũi thương yêu, kính trọng, cầu nguyện cho các vị ấy sớm siêu thoát. Không nên sợ. Chỉ đáng ngại cho những người còn sống đã phạm tội ác không sao tránh khỏi luật tối thượng nhân quả, khi chết nào biết đi về đâu ?

 

Trong cõi Ta Bà này rồi ai cũng thành ma ! lênh đênh qua cửa Thần Phù. Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm. Ông bà mình dậy như vậy. Tu gắt củ kiệu chưa chắc mai sau sẽ thành thánh, thành thần. Tu cầu tái sinh làm người tử tế, hạnh phúc-tu nhân thừa- đã khó. Không khéo, khi qua đời, bên kia họ chìa ‘’giấy nợ ‘’ra, biết trốn đi đâu !

 

Chuyện đời hễ có oan thì có ưng. Cho mình là phải thì ắt có kẻ trái ; có thương thì ắt có ghét .Cách nhìn nhị biên chấp ngã như vậy ắt sinh cãi nhau, thù ghét nhau, đánh giết nhau. Trang Tử bảo : hai con đò đụng nhau, nếu đò trống thì chỉ  than là xui quá. Nếu trên đò có người thì ắt gân cổ mắng nhau, thậm chí  đánh nhau. Chung qui cũng chỉ tại ‘’có người ‘’ mà ra. Nhà Phật bảo ấy là cái ngã, bám vào thì đứng hai bên bờ sông mà chửi nhau, gọi là cái nhìn nhị biên. Một thiền sư kể một chuyện ẩn dụ : hai người học trò đều rất yêu quí thấy nhưng ghét lẫn nhau. Thầy đau chân, hai người, mỗi người một bên, cùng bóp chân cho thầy. Vì ghét nhau nên khi thấy đối phương sắp chữa lành cho thầy thì đập gẫy chân thầy để cho kẻ kia phải bóp tiếp... cho bõ ghét  Ðây là chuyện thiền. Khi người ta đập gẫy tay tượng Me và Con ở tu viện Bát Nhã, Lâm Ðồng, chắc cũng muốn ‘’để cho chúng nó phải xây lại cho bõ ghét ‘’ !

 

 Mẹ Việt Nam cũng có những đứa con  yêu mình như thế, nên chân bà , tay bà cứ gẫy hoài, đau hoài. Ai khuyên can thì bị mắng là theo thằng bên kia!

 

                                                                                                         

                                                                                                      Paris, 11.9.2009

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/ma.htm

 


Vào mạng: 19-07-2009

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang