Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Mùa Trăng Tháng Bảy
Truyện ngắn - Lam Khê

                       -Cô ơi! Con nghe đài báo có bão.  Mình giăng cờ sớm quá sợ mưa gió làm hư  rách hết.

  Tôi ngước nhìn trời. Từng cụm mây xám xịt vừa bay ngang qua, chẳng mấy chốc tụ thành một bức màn đen che hết mọi khoảng trời trong sáng. Suốt tuần nay trời lúc nào cũng thâm u như thế. Những con mưa lớn kéo dài. Những con đường lênh láng vũng nước. Những bóng người đẩy xe đi lầm lũi trong mưa mà cứ ngỡ họ đang hối hả lo chạy tránh lũ. Tuy vậy, đó chỉ là những cơn mưa chợt đến chợt đi, đủ làm dịu bớt sự oi ả trong suốt nhiều tháng hè. Mưa tạnh nhanh thì nước cũng rút nhanh. Dòng xe cộ lại ngược xuôi theo trăm ngã rẽ trên đường.

         Mùa thu đến rồi sao? Sài Gòn vào thu dường như là điều không thể. Nhưng ai ai cũng thích nghĩ như vậy mà. Bởi đã có xuân hạ thì sao lại không có thu đông? Tháng bảy về, cũng là lúc trời đất chuyển giao thời tiết, kéo theo việc nắng mưa bất thường là sự chờ đợi một ngày lễ hội trăng rằm. Một ngày mà những người con đều mong được gởi mẹ của mình chút tình yêu thương hiếu đễ. Chỉ đáng buồn cho vầng trăng kia... đêm đêm phải chịu cảnh bềnh bồng trôi theo từng cụm mây trời lãng đãng.

       Tôi cầm xấp cờ bước ra sân rồi bảo Diệu Hảo:

- Dù sao chúng ta cũng phải treo cờ và băng rôn hôm nay thôi. Trời tháng này thì ngày nào không mưa gió vần vũ.

  Tấm băng rôn với hàng chữ: “ Vu Lan Thắng Hội” màu trắng in trên nền xanh  dương càng nổi bật bên chiếc cổng tam quan cũ kỷ sờn tróc. Những dây cờ ngũ sắc giăng ngang dọc trước sân chùa cũng làm tăng thêm vẻ sinh động cho ngày rằm lớn trong năm. Một ngày mang nhiều ý nghĩa mà tất cả người con Phật đều chờ đợi. Ngày dành riêng cho việc báo hiếu thâm ân phụ mẫu. Sau lễ Vu Lan là ngày tự tứ.  Chính ngày lễ hội của chúng tăng. Ngày đánh dấu một quá trình tu tập nơi chốn Tăng Già sau ba tháng an cư nhập hạ được viên tròn công đức.

       Tôi đứng lên nhìn ra phía bàn cất tiếng hỏi:

_ Diệu Hảo này! Dĩa bánh cúng cô hồn chiều qua em không mang cho mấy đứa nhỏ. Không khéo bánh hư mất rồi.

    _ Dạ tại hôm qua trời mưa quá...em quên.

    Chuyện về dĩa bánh, tôi cũng chỉ nghe Diệu Hảo kể lại cách đây vài tuần:

_Cô ơi! Khi chiều đi công phu lúc ra cúng thí thực em thấy có dĩa bánh ít. Tưởng cô mang ra cúng nên tụng kinh xong em đem vào. Hôm sau ra thí thực em cũng thấy có dĩa bánh như vậy. Lúc này em nhìn ra băng ghế đá trước sân thấy có con bé đang ngồi ở đó, bên cạnh là rổ bánh. Em biết là bánh của nó nên thôi. Nhưng sáng sớm em ra quét dọn thì dĩa bánh vẫn còn nguyên đó.

 Nhiều ngày sau, cứ chiều đến con bé lại đem bánh đến đặt ở bàn cô hồn. Khi  Diệu Hảo tụng kinh xong, nó mới đứng dậy bưng bánh đi bán. Diệu Hảo cứ băn khoăn:

_ Con bé trông tội tội sao ấy cô à! Đôi mắt nó cứ nhìn xa xăm buồn bã. Tuổi còn nhỏ đã phải bươn chải vất vả. Mà buôn bán có lời lãi bao nhiêu. Mỗi ngày cúng dĩa bánh cũng mất ít tiền.

 Tôi suy luận: _ Chắc nó muốn cầu nguyện chuyện gì cho gia đình hay người thân đã mất. Tuồi trẻ đã phải mưu sinh. Nhưng cũng biết thể hiện chút đạo tâm dù chỉ là dĩa bánh. Cuộc sống đời thường luôn đầy dẫy những hoàn cảnh đáng thương như thế. Mình tội nghiệp thì cũng chỉ biết tụng kinh cầu nguyện cho nó mà thôi.

 Trời lại sắp đổ mưa. Diệu Hảo trở vào chùa đi công phu. Còn lại mình tôi với đống cờ xí dây nhợ chưa kịp treo đã bị gió thổi tốc bay tung tóe khắp mặt sân. Tôi loay hoay ngồi nhặt lại mà cứ sợ gió bão sẽ cuốn mình đi mất. Không còn kịp nữa rồi. Mưa tuôn xối xả kéo theo những tiếng gầm gừ sấm sét. Hình như có ai đó đang nhanh nhẹn chạy lượm mấy lá cờ bị gió hất ra phía ngoài cổng. Khi vào đến mái hiên, tôi nhận ra đó là cô bé bán bánh. Em ngập ngừng đưa xấp cờ cho tôi: _Cờ ướt hết rồi thưa cô...

Tôi ái ngại nhìn em: Ừ! Cờ ướt thì cô đem hông phơi rồi sẽ khô. Còn người em và cả rổ bánh ướt hết thế này...làm sao đi bán đây?

              _  Không sao đâu thưa cô! Con ngồi một chút đợi áo quần khô sẽ đi bán tiếp.  Con rất thích nghe quý cô tụng kinh. Cô cho con ngồi đây một chút...

                Tôi mở quạt và bảo : _Em ngồi lại gần cho mau khô đồ . Không khéo lại bị cảm lạnh mất. Trời mưa gió buôn bán thật là khó khăn. Thôi rổ bánh này cô mua giúp hết để cho em về sớm nghĩ ngơi.

                Đôi mắt cô bé mở to đầy bối rối. Song lại nhanh nhẩu nói:

-Dạ thôi thưa cô. Rổ bánh này con bán đến tối sẽ hết. Chùa có mấy cô mà mua làm chi cho nhiều. Đáng lý ra con phải cúng dường quý cô mới phải.

                 Tôi cười: -Thì để cô mua cho bổn đạo. Tối họ đến tụng kinh, mỗi người dùng một cái cho vui. Cô nghe giọng nói...chắc em từ miền ngoài mới vào đây?

                - Dạ. Quê con ở ngoài Trung, vào thành phố đã gần năm nay. Ban ngày con phụ bán hàng cho một người bà con, chiều tối lấy thêm bánh đi bán, dành dụm tiền gởi về giúp mẹ lo cho ba đứa em còn đi học. Thưa... con xin lấy lại vài bánh để đem ra cúng cô hồn.

              Tôi gật đầu. Đợi em trở vào tôi khẻ hỏi:

- Em cầu nguyện gì mà ngày nào cũng đến cúng bánh như thế ? Vài cái bánh này cũng sẽ thâm vào số tiền lời ít ỏi mà em có được trong ngày.

  Hơi cúi đầu, đôi mắt cô bé đầy ngấn lệ:

 -Thưa cô, con cúng để cầu siêu cho ba. Ba con mới mất cách đây vài tháng. Trước kia ba vẫn hay dẫn chúng con đi chùa, nhất là vào tháng bảy để cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Nay con chỉ có vài cái bánh. Con muốn tưởng niệm đến ba...

                Người ta nói: “Còn cha gót đỏ như son.

                                     Đến khi cha mất gót con đen sì”

              Đó cũng chính là hoàn cảnh là tâm trạng của cô bé có cái tên rất dễ thương: Nguyệt Hà. Hà sớm chịu cảnh mồ côi cha, để rồi gia cảnh lâm vào chỗ túng quẩn ngặt nghèo. Cô học sinh vừa được tuyển thẳng lên trung học phổ thông. Chưa kịp vui mừng, chưa kịp mặc chiếc áo dài trắng nữ sinh thơ mộng mà em hằng mơ ước đã phải hứng chịu nỗi đau tang tóc. Người cha sau một chuyến đi biển xa đã mãi mãi không còn trở về. Cơn bão số một xảy ra từ những ngày đầu hạ. Mọi người trên thế giới này đều hay biết. Ai ai cũng xót xa thương cảm. Và giờ đây, trước mắt tôi là một chứng nhân bé nhỏ đang kể về thảm nạn nơi quê mình mà nỗi kinh hoàng còn phảng phất trên nét mặt thơ ngây...

              - Lần đi biển ấy ba nói khi về sẽ mua cho con bộ áo dài mặc đi học. Ba nói sẽ dẫn con đi du ngoạn một chuyến để thưởng cho công học tập của con... Nhưng rồi...

             Gió bão trùng khơi nào có xa lạ gì với cư dân vùng biển. Có điều không ai lường sự tàn phá khủng khiếp của nó đã cướp đi bao sinh mạng con người, làm tắt lịm hết mọi niềm hy vọng của nhiều gia đình và đẩy bao mái đầu xanh vào cảnh côi cút lầm than. Cuộc sống miền quê biển thật đầy bất trắc. Nào ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Vậy mà người ta vẫn bám dựa vào chút hy vọng mong manh để chờ đợi, để sống còn cùng dâu bể.

              -Cô ơi! Ngày rằm chùa có làm lễ cài hoa hồng không?

                -Có, ngày đó em ghé đây dự lễ cô sẽ cài cho em một bông hoa.

       Hà quay nhìn ra sân. Những hạt mưa vừa rơi xuống đã kết tủa thành từng chiếc bong bóng nước mong manh vụn vỡ. Đôi mắt ẩn sâu dưới hàng mi dài vẫn không che hết sự ám ảnh về những ngày tang thương bất hạnh. Em nói sau một hồi suy nghĩ. Âm thanh mất hút trong tiếng sấm rền:

          -Em sẽ cài một bông hoa màu hồng cho Mẹ. Nhưng em muốn dành ngày này để tưởng nhớ đến ba. Giữa biển khơi lạnh giá chắc ba buồn lắm. Từ đầu tháng bảy em càng nghĩ về ba nhiều hơn. Em đến chùa nghe kinh và cầu nguyện cho ba. Mà không biết ba có nghe kinh và được siêu thoát không thưa cô?

         -Nếu em thành tâm hướng về ba cầu nguyện, thì kẻ còn người mất cũng sẽ được lợi lạc. Lòng người con hiếu thuận rồi cũng được ứng nghiệm em ạ. Nỗi mất mát này thật khó có gì bù đắp được. Nhưng cuộc sống có ý nghĩa khi ta biết hướng về phía trước. Bởi vì em còn một tương lai cho mình, cho mẹ và các em...

          Sáng rằm trời âm u suốt buổi mà vẫn không mưa. Nơi các ngã đường dẫn đến những ngôi chùa lớn ở trung tâm thành phố người qua lại đông đúc hơn mọi khi. Một ngày rằm lớn để cho người con Phật có dịp quay về bổn tự sau bao lo toan tất bật vì cuộc sống. Ngôi chùa nhỏ của tôi cũng tổ chức lễ cúng rằm và cài hoa hồng cho phật tử. Cả ngày hôm qua và sáng nay, vẫn không thấy bóng dáng của Nguyệt Hà. Con bé chắc không xin nghỉ làm được. Còn mấy bông hồng tôi để dành riêng. Một cánh hoa tươi thắm cho mẹ cũng đủ gói trọn hết thâm ân của cha. Tôi ngước nhìn bức mành trúc thư pháp mà Diệu Hảo tập viết mấy hôm trước.

                             “Lưu lạc quê người lạnh giấc thu

                               Chiều nay mây trắng khói sương mù

                               Nhà ai bếp lửa thêm hiu hắt

                              Nhớ quá quê hương bóng mẫu từ”

              Diệu Hảo khoe: -Cô xem em viết có đẹp không? Em viết cho bé Hà, để nó mang về quê tặng mẹ.

          Tôi bật cười: -Nét thư pháp vẫn còn yếu lắm. Bài thơ lại không ghi tên tác giả. Bé Hà đọc bài này chắc nhớ nhà nhớ mẹ đến phát khóc. Mà sao em không viết bài nói về tình cha hay mùa vu lan  báo hiếu có lẽ thích hợp với nó hơn trong lúc này. Nhưng mà ở ngoài đó người ta đang khốn khổ thì ai còn tâm trí đâu để thưởng thức thư pháp chứ.

          Diệu Hảo đang gật gật đầu ra vẻ thích ý với tác phẩm của mình lắm, nghe tôi nói vậy thì hơi xịu mặt:

- Em mới tập viết mà. Bức này là khá hơn hết đó. Hôm trước Hà thấy em viết thì thích lắm, muốn có một bức đem về treo ở nhà. Rồi em sẽ kiếm bài khác nói về tình cha cho nó sau vậy...

         Chiều, Hà đến chùa nhưng không đem bánh theo bán như mọi ngày. Tôi hỏi ngay khi thấy em:- Hôm qua em không đi bán ?

- Dạ! Con nghĩ bán luôn rồi cô à! Mẹ con bị bệnh. Tối nay sẵn có chuyến xe của người bà con chở hàng ra Trung, nên con theo về quê luôn. Bác con cũng gọi điện bảo về. Bác sẽ xin cho con vào làm công nhân trong khu chế xuất mới thành lập ở ngoài đó. Con quyết định trở về nhà, có việc làm lại có thể gần gũi chăm sóc cho mẹ và các em. Nhưng mà cô ơi! Con cũng thấy buồn lắm. Con vừa biết chùa lại không còn dịp lui tới. Không biết bao giờ được gặp lại quý cô.

              Tôi an ủi em:- Như vậy cũng là tốt cho em rồi. Thôi đừng lo nghĩ nhiều nữa. Được về quê gần gia đình lại có điều kiện đi làm vẫn hơn là sống tha phương...

             Trời tối đã lâu. Cơn mưa nhẹ từ chiều cũng vừa dứt. Tôi lên sân thượng với ý định ngắm trăng, dù biết vầng trăng đêm nay chưa thể ló dạng khi trời đầy mây. Giờ này chắc Nguyệt Hà đã lên xe. Con bé khóc nhiều khi chia tay với ngôi chùa mà nó chỉ mới làm quen. Có gì phải lưu luyến với một nơi xa lạ. Một nơi chỉ mang dấu ấn tạm thời cho những cuộc trao đổi đến đi của đời người. Một lần tao ngộ. Một cuộc chia tay không thân thích hẹn hò, mà thâm tình sao cứ vời vợi. Thế mới biết cảnh sanh ly tử biệt càng làm não loạn lòng người biết mấy.

          - Con nhớ ba lắm. Hôm qua con định lên chùa tụng kinh cầu nguyện cho ba mà không đi được. Con muốn gởi ít tiền nhờ cô...

                    Tôi ngắt lời:- Thôi em cứ giữ lấy. Về quê còn bao việc phải lo cho mẹ cho em. Hằng đêm tụng kinh cô sẽ cầu siêu cho ba. Sau này mọi việc ổn định em nhớ gởi thư cho cô. Khi có việc vào thành phố em vẫn có thể ghé thăm chùa, thăm quý cô. Bây giờ thì cô sẽ cài cho em một bông hoa hồng. Một biểu tượng cao quí của tình mẹ nhân mùa báo hiếu vu lan.

                    - Con cám ơn cô. Con muốn xin cô thêm một bông hoa trắng nữa được không ạ? Bông hoa trắng dành cho ba. Con sẽ mang về thả trên bờ biển quê mình. Nơi con nhìn thấy ba cùng nhiều người thân bước lên thuyền ra khơi lần cuối. Ba chắc sẽ hiểu. Sẽ trở về đón nhận tình cảm chân thành của con.

Em nói qua dòng nước đã khô cạn bao ngày. Trái tim mềm yếu rồi cũng biết cứng rắn lên. Bởi em hiểu mình còn phải đi một đoạn đường dài phía trước. Còn cả một ước vọng tương lai. Và nhiều, rất nhiều những chông gai thử thách mà đôi chân bé nhỏ của em cần phải vững vàng lên mới có thể vượt qua được. Em gói bông hoa trắng trong hộp thiết nhỏ bọc giấy kiếng, trang trọng mang về quê hương. Giữa biển trời bao la, bông hoa kia sẽ vượt ngàn dặm xa xôi để làm tròn sứ mệnh như vầng khăn tang tưởng niệm. Ý tưởng này do em nghĩ ra. Ngày lễ vu lan đầu tiên của người con gái nhỏ mất cha.

              Về khuya, bóng trăng mới ra khỏi đám mây để lan tỏa chút ánh vàng mông lung mờ ảo. Mùa trăng tháng bảy vừa đi qua. Mặc cho dòng thời gian trôi và sóng gió có trùng trùng bất ổn, thì tình người vẫn nhuộm hồng trên mọi ngã đường cuộc sống. Hoa trên sóng biển cũng là món quà mang nhiều ý nghĩa cho mùa Vu lan thắng hội năm nay. Tôi sẽ đem hết những bông hoa hiếu hạnh thả trên mỗi dòng biển cuộc đời. Cho tất cả những người cha, người mẹ không còn. Cho những đứa con côi cút. Và cả những ai không hề hay biết mình là kẻ hạnh phúc khi đang sống trong mọi thâm tình. Một bông hoa muộn màng cũng đâu thể xóa nhòa hết bao niềm đau mất mát. Nhưng đó là chút lòng sẻ chia...khi mùa trăng báo hiếu vừa trở về./.

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/muatrang.htm

 


Vào mạng: 15-07-2009

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang