Dòng xe cộ tấp
nập trên các ngả đường. Mùi bụi đường, mùi khói xe ngột ngạt hòa quyện
với cái nắng trưa hè như muốn nung chảy hết mọi thứ trên mặt đất. Giữa
cảnh dập dìu tất bật đó, bỗng xuất hiện một ông lão râu tóc bạc phơ, áo
quần lấm bẩn đang thong thả bước đi. Ông đi trong nắng bụi mà ngỡ mình
dạo cảnh thiên thai, với một dáng vẻ lúc nào cũng hồn nhiên tươi tỉnh
của người vô sự.
Từ đầu ngõ hẻm một đám con nít từ đâu vụt chạy túa ra. Chúng vây lấy ông
lão rồi cười cười nói nói nối theo một chuỗi hàng dài phía sau, y hệt
như đám lâu la hành khất, mà ông nghiễm nhiên trở thành bậc trưởng lão
cái bang. Chắc hẳn bọn trẻ đã đặt cho ông cái mỹ danh thân tình đó. Được
chơi với trẻ con là điều ông ưa thích nhất. Mà tự bản thân ông có năng
khiếu dẫn dụ chúng rồi bày ra các trò chơi vui nhộn hóm hỉnh. Người lớn
ai hiểu tính cách ông thì kính trọng yêu mến; Người không mấy thiện cảm
thì cho là ương gàn lập dị. Ai nói gì ông cũng chỉ cười. Có sao đâu. Ông
vẫn ung dung đi về giữa chốn chợ đời lao xao, cũng đâu làm chậm bớt quá
trình phát triển tiến hóa của nhân loại. Không nhà cửa vợ con, áo quần
chẳng mấy khi được sạch sẽ lành lặn, mà cơm cũng no bụng ngày hai bữa.
Nếu bất ngờ gặp được thân hữu hay một người nào đó từng nghe danh biết
mặt thì họ vồn vã ân cần mời ông vào quán đãi đằng thịnh soạn. Ngồi với
ông để cùng đối ẩm ngâm thơ. Thoảng hoặc được nghe ông triết lý nhân
sinh mà suy tư nghiền ngẫm về lẽ sống đời người.
Ông hay tự cho mình là kẻ rong chơi. Và cái nghiệp dĩ này nó đeo đẳng
ông từ muôn kiếp rồi. Từ những lần xa xưa ấy, ông bảo: - Đôi chân tôi đã
từng ngao du khắp sơn cùng thủy tận trong cõi Ta Bà này, chỉ mong tìm
kiếm một chốn trở về với chơn như tĩnh lặng. Rong ruổi mãi chẳng thấy
chơn như đâu cả. Thế rồi tôi bỗng nghiệm ra rằng chơn như chỉ là việc
đói ăn khát uống mệt thì nằm xuống ngủ. Vậy nên tôi đành phải tiếp tục
làm kẻ rong chơi cho tròn tâm mãn ý.
Không biết thực hư thế nào. Nhưng người ta vẫn chăm chú nghe ông nói
rồi gật gù đồng cảm. Hơn nữa đâu ai nỡ làm mất hứng một tâm hồn đầy ắp
lý tưởng nhân tình mà vận số bắt phải phong trần. Phong trần song vẫn
yên vui tự tại. Với ông muôn sự đến đi cũng bình thường như chuyện ăn
ngủ tuỳ thích của mình. Một đời không bận bịu thì có gì buộc ràng lo
lắng.
Ông thích kể chuyện cho bọn trẻ nghe. Những câu chuyện lịch sử mà ông
tâm đắc qua các thời đại. Ông đặc biệt yêu thích những nhân vật kỳ nữ
khắp trong thiên hạ từ cổ chí kim. Chuyện nàng công chúa Huyền Trân với
mối tình vương giả đầy chất bi hùng ca. Chuyện công chúa Ngọc Vạn, góp
phần cùng vua chúa nhà Nguyễn mở rộng bờ cõi phương Nam, lại có ân đức
với dân lành nên được họ tôn sùng là Quan Âm nữ. Có một câu chuyện mà
ông cho là ly kỳ nhất trong kiếp luân sinh. Chuyện kể về Bà vương phi Ỷ
Lan thời nhà Lý từng được dân chúng tôn xưng là bà Tấm. Lúc nhà vua đi
chinh phạt xa có đặc cử bà làm nhiếp chính thay quyền trị nước. Bà vốn
hiếm muộn, nhiều lần đi đến chùa cầu tự. Một lần Nhiếp chính đang tắm
trong rèm, một viên quan nhỏ từ vùng xa xôi lặn lội tìm đến, vô tình
bước vào chốn cấm nên bị quân lính chém đầu. Không bao lâu sau đó Vương
phi có mang và hạ sinh một Hoàng tử. Nhà vua được thần báo mộng là viên
quan nọ đã đầu thai vào làm con vua. Hoàng tử sau này lên làm vua nước
Việt, chính là người đã mở ra một thời kỳ vàng son rực rỡ cho văn học
Phật giáo nước nhà.
Câu chuyện kết thúc bao giờ cũng với tràng vỗ tay nhiệt thành của bọn
trẻ. Thế là người hành khất già lại được dịp cười vang thích chí. Có khi
cao hứng, ông dõng dạc tuyên bố:
- Các cháu có biết mấy vị vương phi, công chúa đó là ai không? Là những
người mẹ, người thân của lão một thời đấy nhé. Ậy! Đừng có nhốn nháo lên
như vậy. Các cháu có nghe qua những mẩu chuyện luân hồi lão hay kể rồi
mà. Con người hay con thú nếu chưa được giải thoát thì vẫn phải xoay vần
lên xuống làm cha mẹ vợ chồng con cái lẫn nhau từ đời này qua đời khác.
Và biết đâu chừng... trong số các cháu đây có đứa từng là hoàng tử con
vua nước Việt kia. À! Mà dù có làm vua làm chúa đi nữa, nếu không biết
tu thân tích đức thì cũng có ngày đọa lạc. Chẳng hạn như ông đây vậy.
Cũng từng lên xuống bao phen sanh tử. Bây giờ thành kẻ hành khất không
cửa không nhà để trả cho hết kiếp lụy tình nhân thế…
Bọn trẻ ngơ ngác nhìn ông nửa tin nửa ngờ. Rồi chừng như hiểu ra sự bông
đùa của ông, chúng lắc đầu nghểnh cổ cười ầm cả lên. Những mẫu chuyện về
nhân quả báo ứng, chúng vẫn thường nghe ông kể, có khi ông dựng chuyện
cứ y như thật vậy. Chúng yêu thích ông vì tính cách khôi hài ý vị, càng
kính trọng bởi những câu chuyện đời đạo hàm ý giáo dục sâu xa mà không
biết ông đã lượm lặt học hỏi tự bao giờ.
Dù ông có nói gì, làm gì thì người ta vẫn thích nhìn ông qua lăng kính
của một cuộc đời nhàn cư trong cõi tục. Chuyện nắng mưa vui buồn, đổi
trắng thay đen cũng không làm chùn bước chân của lão già hành khất sống
phiêu du ngoài vòng tục lụy. Thế giới đang bấn loạn vì cuộc cạnh tranh
sinh tồn, hoặc kinh hoàng bởi nạn khủng bố lan tràn, thì với ông đó chỉ
là trò loạn xạ của trẻ con. Ông cứ mặc nhiên sống, mặc nhiên đi. Và ông
đã đi như vậy, sống như vậy hết tháng qua năm, hết một thời trai trẻ cho
đến lúc đầu tóc bạc phơ tưởng chừng như chẳng có ý vị gì với cuộc đời.
Cái ý vị đời ông hẳn là không nằm ở cốt cách bên ngoài đó. Hạnh phúc đôi
khi chỉ là chút tình người, chút phẩm vật mà ông đem đến cho mỗi con
vật, cho từng cành hoa hoặc vài ngọn cỏ mà ông bất ngờ gặp gỡ trên
đường. Ông trao tặng cho đời bằng cả tấm lòng trân trọng quý mến. Đối
với ông dường như mọi thứ đều ẩn chứa ít nhiều nét tinh túy diệu kỳ của
sự sống.
Những buổi chiều, khi ánh nắng đã dịu hẳn thì người ta lại bắt gặp ông
trên khắp các ngả đường. Thời gian lúc này dường như đang trôi chậm.
Dòng xe cộ mỗi lúc một thêm dày đặc. Các con lộ đều kẹt kín người xe,
duy chỉ có ông là ung dung bước đi trên vỉa hè. Chợt mắt ông sáng lên
rồi vụt kêu lớn:
- A! Đây rồi. Ta vào viếng chùa một chút vậy.
Sau mỗi chuyến rong chơi khắp các nẻo đường trần, ông vẫn xem mái chùa
là nơi dừng chân của mình. Có lúc hứng chí ông dạo qua chiêm bái. Những
ngày vui vẻ ông cũng tìm đến để cùng mỉm cười với đức Phật từ bi cho cõi
lòng thênh thang rộng mở. Đôi khi vì buồn chân mỏi gối sao đó mà ông đến
nằm vạ suốt mấy ngày liền. Vậy mà đâu đâu cũng hoan hỷ đón nhận xem như
một quái nhân tú kiệt xuất hiện giữa chốn tôn nghiêm. Những nơi ông ghé
qua thường có lưu lại bút tích hoặc ít nhiều dấu tích của gã cùng tử
suốt đời lang thang trong cõi mộng.
Đoạn đường nào cũng phải đến đích cuối cùng của nó. Một ngày người ta
không còn thấy ông trên đường phố và cả trước sân chùa. Vắng ông mọi
người bỗng nhận ra mình mất đi một bực tri kỷ vong niên. Lũ trẻ lại đi
lung tung quậy phá. Người hướng đạo năm xưa đã mất tăm tích không còn
lui tới bảo ban chúng những việc đáng làm. Người đi đường cảm thấy thiếu
thiếu hình bóng một ông lão gầy nhom lúc nào cũng vui cười xuất hiện
trên các ngã rẽ hay mỗi đoạn đường. Người ta thoáng suy tưởng rồi thôi.
Nào ai biết rõ chuyện đến đi bất thường của ông mà tìm hiểu cho bận lòng.
Trời đất bao la, đâu đâu chẳng là quán trọ để cho cánh chim hồng dừng
bước giang hồ phiêu lãng.
Cánh chim hồng ấy đã yên giấc nghìn thu trong một buổi chiều trời im
bóng nắng. Ông ra đi âm thầm nơi một gốc phố nào đó không kèn trống rình
rang, không lời tiễn đưa mặc niệm. Một cuộc từ giã cõi đời đúng với
phong cách của người dạo chơi không vướng lụy ưu phiền. Cuộc chơi dù vui
mấy cũng có lúc phải tạm dừng. Bước chân dẫu dài cũng không thể loanh
quanh mãi trong cảnh tạm. Sự đời đôi khi ngỡ quên mà hóa ra vẫn nhớ,
tưởng có mà lại không. Cứ cho rằng ông đã đi xa thật xa. Nhưng biết đâu
ông đang trở lại với quê hương nguồn cội. Một cuộc trở về đích thực. Khi
không còn gặp ông, người ta mới ngẫm ra được điều đó. Vắng ông làm cho
thế giới của những người thích vui chơi cũng tẻ nhạt đi ít nhiều. Bạn bè
thân thiết trong lúc trà dư tửu hậu thường hỏi nhỏ nhau: “Con người ấy
giờ đây đã trở về với chốn quê xưa, hay đang tìm kiếm những cuộc chơi
mới lạ nào khác?”. Dầu như thế nào thì ông cũng đã mặc nhiên trong chốn
đi về, không làm bận lòng bao khách tri âm còn ở lại.
Bên ngoài bọn trẻ còn mãi ngơ ngác nhìn quanh. Chúng dõi tìm bóng dáng
ông lão thân quen ngày trước, dù biết rằng ông đã không còn qua lại trên
những ngả đường đầy hệ lụy. Có ai đó bảo với chúng rằng, người rong chơi
tiền kiếp sẽ trở lại với cõi đời này. Trở lại không phải để tiếp tục
cuộc hành trình ngược xuôi vô định, mà là để dấn thân vào cội nguồn chơn
như giải thoát. Cuộc sống đời người hay trò chơi nhân thế đã đến hồi kết
thúc rối đấy. Hẳn ông biết rõ điều đó hơn ai hết mà.
http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/nguoirongchoi.htm