Ngôi nhà màu xám tro nằm vắt ngang lưng chừng một ngọn đồi, có lối kiến
trúc như tu viện, được bao bọc bởi hàng cây sao thẳng tắp. Nơi đây nằm
cách xa đường cái. Nhưng phóng tầm mắt có thể nhìn thấy bờ biển cát
trắng cùng những đợt sóng nhấp nhô mà mỗi khi ráng chiều buông xuống,
thường toả ra những tia sắc vàng lung linh tuyệt ảo.
Quế Mỹ mở cánh cổng sắt bước ra ngoài. Cô thả bộ xuống con đường đá sỏi
vòng quanh triền dốc. Mỗi chiều cô vẫn đi…như thể một người đang tận
hưởng sự yên vui nhàn nhã. Mà cuộc đời này còn muốn đòi hỏi gì hơn nữa
chứ. Ngang một khúc rẽ, Quế Mỹ bước chậm lại, quay nhìn lên ngôi nhà và
thấy đám trẻ vẫn nô đùa chạy nhảy bên mấy bụi xương rồng. Trông chúng
thật hồn nhiên ngây thơ như những cành lan đất mọc dày đặc trong rừng,
nhưng lại mang dáng vẻ bền bỉ của loài xương rồng vươn lên từ miền sỏi
cát khô cằn.
Từ bé Quế Mỹ đã có một tình yêu thắm thiết với màu xanh muôn trùng nơi
biển cả. Ngày Mẹ mất, cô hay ra biển ngồi khóc một mình. Từ ấy cô thích
nhìn biển và nghe những bài hát nói về biển. Bởi từ lòng biển sâu xa kia
là trái tim, là linh hồn của mẹ, là những gì yêu thương dịu ngọt nhất mà
cuộc đời ban tặng cho thế nhân. Sau này khi lớn lên lập gia đình rồi có
con, Quế Mỹ mới thắm thía câu nói của người xưa “Lòng mẹ bao la rộng lớn
như biển trời lai láng…” cô dành trọn tình cảm cho đứa con mình rứt ruột
đẻ ra, như ngày trước mẹ đã yêu thương lo lắng cho cô. Niềm hạnh phúc về
thiên chức làm mẹ thật đơn sơ và cao quý biết chừng nào. Thế mà… tất cả
vụt tan biến nhanh chóng sau cơn đại hồng thuỷ. Biển đã không còn bình
lặng. Biển đã cuốn hết mọi thứ nơi này và cả đứa con trai thân yêu của
cô mới chỉ hơn hai tuổi.
Có lẽ gần cả năm trời, Quế Mỹ đi thơ thẫn dọc quanh các bờ biển trong
tâm trạng hoảng loạn thương tâm tột cùng. Cô nhận ra rất nhiều người
cũng đau khổ như mình. Cảnh chết chóc diễn ra khắp nơi trên mặt biển,
trên đất liền. Tiếng khóc than râm rức không nguôi và những bóng người
thất thiểu như ma trơi chập chờn qua lại. Họ bới tung mọi hóc hẻm hang
hóc để mong tìm thấy thân xác người thân bị vùi dập đâu đó. Đến bây giờ,
Quế Mỹ không hiểu làm sao mình lại sống sót được trong bối cảnh đó. Cô
đã mất hết những người trong gia đình mình, gia đình chồng, và thằng Mi
Sa. Ôi thằng bé thật bụ bẩm xinh xắn. Nó là niềm tự hào của cô. Cô có
thể đánh đổi mọi thứ, kể cả sinh mạng của mình, để cho con được sống,
được làm người trong cuộc đời này. Lần cuối cùng cô bế nó trên tay, khi
đợt sóng thần đầu tiên đổ ập vào; Cô bồng con chạy thoát ra khỏi nhà
được một đoạn, thì ngọn sóng thứ hai dâng cao một cách dữ tợn phủ trùm
lên hai mẹ con, và cả dòng người đang hốt hoảng chạy la tán loạn. Sau đó
Quế Mỹ không còn biết chuyện gì xảy ra. Cho đến khi tỉnh dậy trong một
trạm xá. Người ta nói cho cô hay là họ thấy cô nằm sóng soại trên một
cồn cát nhỏ khi sóng rút, còn đứa bé:_ À! Có thể nó trôi dạt về đâu đó,
và được ai đó nhặt được đem đến một nơi nào khác rồi. Trong các vườn trẻ
tạm thời có rất nhiều trẻ con bị thất lạc cha mẹ.
Quế Mỹ đã đi hết các trang trại mà người ta dựng lên cho các nạn nhân.
Những nơi tập trung trẻ em vừa bị mồ côi sau tai hoạ. Cô đã không gặp Mi
Sa cùng một ai thân quen cả. Nhưng lòng người mẹ trẻ vẫn nuôi hy vọng.
Cô đi tìm, cố hỏi thăm sang các vùng lân cận với ý tưởng là con cô đang
được một gia đình tử tế nào đó nuôi nấng chăm sóc. Có rất nhiều đứa trẻ
được cứu thoát vậy tại sao Mi Sa lại không. Cô chờ đợi về điều diệu kỳ
của sự sống. Nhưng nó đã chẳng hề xảy ra với cô. Ôi !biển cả! Nơi Cô đã
lớn lên, đã yêu thương trân trọng nó biết dường nào. Chưa bao giờ cảnh
bãi bễ nương dâu, bèo mây tan hợp lại phơi bày ứng nghiệm ra trước mặt
cô rõ ràng như vậy. Biển đã hiến dâng mọi thứ cho đời, để rồi lấy đi
những gì nó muốn. Cuộc chiến đấu giữa con người và trùng dương, dường
như chưa lúc nào hung hản đến vậy.
Giữa cảnh tranh tối tranh sáng của vùng hoang vắng điêu tàn sau thiên
tai, luôn tạo ra những cảm giác lạnh lùng ghê rợn cho người ta khi đặt
chân đến. Quế Mỹ đã lang thang khắp các nơi này. Khi không còn gì để chờ
đợi hy vọng, cô vẫn đi ra biển mỗi buổi chiều để tìm lại một chút niềm
khuấy động tâm tư như ngày mẹ mất. Sóng gió đã êm mà lòng người vẫn
triền miên đau khổ. Đời người là một bức tranh vẽ đầy những cảnh sanh
khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ… Cô từng nghe nói nhiều về
điều đó, đến bây giờ khi chứng kiến mọi hiện thực xảy ra, cô vẫn không
thể hiểu con người ta làm sao có thể sống nổi với chừng ấy sự khổ đau.
Cảnh chiều trên bãi biển không còn giữ nguyên vẻ thơ mộng như ngày nào,
dù người ta cố gắng khôi phục lại mọi thứ. Quế Mỹ chiều chiều vẫn ra đây
dõi mắt nhìn về phương trời xa xăm. Chẳng có gì ngoài những bó hoa mà
ngày ngày được mọi người mang tới thả xuống biển, như một cách để tưởng
niệm người đã khuất. Quế Mỹ cũng tìm được một đoá hoa rừng có màu của
nước biển và gởi gấm trong đó những lời nguyện cầu vô vọng của mình.
Biển sẽ mang những bó hoa này đi…đi mãi cho đến tận cùng bên kia của sự
sống.
- Cô có tìm thấy chút bình yên nào không khi cứ mãi đứng mãi như
thế này ?
Quế Mỹ ngước lên và thấy một vị tu sĩ đang đứng cạnh mình. Hằng ngày có
nhiều người như thế đến đây, mang theo đầy lòng trắc ẩn thương cảm.
Những lời an ủi trong lúc này còn có ý nghĩa gì nữa không ?
Vị tu sĩ vẫn đứng đó, dường như muốn chờ đợi câu trả lời. Quế Mỹ quay
mặt ra biển rồi cười khảy, cô nói như chỉ để có nói :
_ Tôi đứng đây, để được nhìn thấy những người thân yêu, cùng dân làng
vô tội của mình đang ở tận dưới kia. Chắc chắn họ cũng muốn Tôi theo về
đoàn tụ. Vậy còn Ông. Từ đâu lại đến đây làm gì. Chẳng ai mong cầu điều
gì nơi Ông cả.
_ Tôi đến cũng như bao người khác đã từng đến. _ vị tu sĩ từ tốn nói,
không bận tâm về sự hằn học của người thiếu phụ _ Những nơi mà bao tâm
hồn đau khổ luôn cần được chở che giúp đở. Nơi có những con người dừơng
như mất hết tất cả mọi thứ. Một lời chia sẻ cảm thông trong lúc này cũng
làm họ vơi bớt niềm thương tâm....
_ Nhưng Tôi không cần những lời đó. –Quế Mỹ la lên. Nếu Ông có thể làm
được điều mà Ông nói là cứu khổ ban vui đó, thì hãy làm sao cứu sống lại
con trai của tôi đi. Còn không thì thôi, Tôi không muốn nghe gì nữa cả.
- Tôi không thể làm được điều như Cô mong muốn. Nhưng Tôi vẫn có thể
giúp được chút gì đó chứ. Trước tiên Tôi muốn kể cho Cô một câu chuyện
xảy ra từ thời Đức Phật còn tại thế. Khi ấy có một thiếu phụ đến tìm
ngài với đứa con nhỏ chết cứng trên tay. Người mẹ đau khổ khóc lóc van
xin Phật dùng phép mầu cứu sống đứa con trai là nguồn sống duy nhất của
bà. Phật dịu dàng bảo Bà đi kiếm một nắm tro bếp nơi một gia đình nào
chưa từng có người chết thì Ngài mới cứu đứa bé được. Bà ta ôm con đi
khắp làng xóm thôn ấp, với hy vọng tìm được nắm tro như thế. Cho đến
chiều bà trở lại chỗ Phật với đôi tay trống không và cõi lòng thanh
thản. Bà đã đi hết mọi nơi. Không nhà nào không từng có người chết. Lại
một lần khác. Phật gặp một người đàn bà đang đứng trước nghĩa trang khóc
lóc thảm thương vì đứa con gái của bà vừa chết được chôn cất trong này.
Ngài nói:_ Khu nghĩa trang này có hằng vạn đứa bé cùng tên họ như con
bà. Vậy thì bà khóc cho ai đây ? Người đàn bà bừng ngộ, ngừng khóc.
_ Chỉ có vậy thôi sao ? Tôi đã từng nghe nhiều câu chuyện đại loại như
thế rồi _ Quế Mỹ chậm rãi ngắt ngang, đầy vẻ bất cần.
_ Đó là chuyện ngày xưa, mà ngày nay hay bất cứ thời đại nào vẫn luôn
có ý nghĩa nhất định. Không ai chờ đợi điều bất hạnh đến với mình cả.
Vậy mà nó vẫn đến ở mọi lúc mọi nơi. Buồn đau mãi cũng đâu thể làm sống
lại những gì đã mất. Cô hãy nhìn lại cuộc sống quanh mình đi. Bao nhiêu
người cũng mất mát đau thương như cô. Nhưng mọi người đều tìm cách vươn
lên để tồn tại, và để quên đi quá khứ đau buồn.
_ Nếu phải quên đi những người đã mất quả là một điều bất nhẫn...
_ Một cuộc sống có ý nghĩa cũng là một cách để tuởng nhớ, chứ đâu phải
cứ thở than thương khóc rồi tự vùi dập mình. Còn bây giờ Cô hãy nhìn
lên ngọn đồi phía bên kia kìa. Một câu chuyện hiện thực đang xảy ra nơi
ấy. Ơû trên đó có hàng trăm đứa trẻ mất cha mất mẹ. Có rất nhiều người
phụ nữ đã mất hết con cái và người thân thuộc trong đợt sóng thần vừa
rồi. Họ nương tựa về chung một mái nhà để cùng chia sẻ, cùng sống vì
mình vì mọi người. Ngôi nhà này do một nữ tu người nước ngoài mới thành
lập để nuôi trẻ mồâ côi sau thiên tai. Nhiều chị em đã tình nguyện đến ở
đây làm việc và chăm sóc bọn trẻ. Cô tới đó đi để thấy họ tồn tại như
thế nào. Những con người chưa từng là thân thích quen biết, vậy mà họ
đã thương yêu đùm bọc lẫn nhau để làm lại cuộc đời.
Cô quay qua định cãi lại, thì chợt trông thấy mấy đứa trẻ trong ngôi nhà
mở đang đi học về được một người người phụ nữ dẫn lên ngọn đồi. Ngôi nhà
đó cô đã từng được nghe nói đến, từng đi qua và nhìn thấy. Nó vẫn là
ngôi nhà như bao ngôi nhà khác, chẳng bao giờ cô nghĩ nó thuộc về phần
đời của mình cả. Phải! Chưa bao giờ.
...Khi Quế Mỹ trở về thì trời đã nhá nhem tối, vừa bước chân vào nhà thì
thằng Mi Sa đã chạy ra ôm lấy chực khóc :_ Mẹ! anh Bo dành đồ chơi rồi
còn đánh con nữa kìa.
Mi Sa được nhặt về đây khi còn ẩm ngửa, vừa nhìn thấy nó cô đã yêu ngay,
rồi lấy tên đứa con đã mất của mình để gọi cho thằng bé. Suốt ngày nó cứ
quấn theo chân cô.
_ Nào ! Các con phải ngoan ngoãn lên chứ. Anh chị em sống chung cùng mái
nhà phải thương yêu nhường nhịn nhau, đâu có chuyện dành giựt đánh đá
nhau như thế. Này các con có nghe Mẹ nói gì không vậy. ?
Bọn trẻ đã lui về phòng học bài hết. Quế Mỹ cũng bước đến chiếc bàn nhỏ
dở sổ sách ra coi. Cô mở cánh cửa sổ nhìn thông ra biển. Biển về đêm yên
lặng trong tiếng vỗ về của từng ngọn sóng miên man chập chùng lên xuống.
Dù biển có làm gì, thì Quế Mỹ vẫn chưa bao giờ thấy lòng mình cách xa
với nó. Giông tố rồi cũng qua, để cho mỗi người tự đi theo quy trình bất
diệt của sự sống còn. Trên bờ mặt bao la của biển vẫn không ngừng nổi
lên nhiều đoá hoa với mầu sắc thật lạ. Những sắc hoa màu biển mang cả
tình yêu thương nào đâu biết đến bến bờ phân biệt.