Em không làm sao quên được cái buổi chiều hôm ấy. Một buổi chiều
của định mệnh.
Hoài Thư bắt đầu kể cho tôi nghe, giọng cô bé trầm đặc lại như tắt
nghẹn. Có lẽ vì cô đang cố kiềm chế bao nỗi xúc động trong lòng. Vẫn
vóc dáng mảnh mai gầy gầy mà tôi đã gặp mấy năm về trước. Nhưng Hoài
Thư bây giờ không còn cái vẻ hoảng loạn thất thấn của người vừa trải
qua cơn chấn động tinh thần. Đôi mắt ngây dại nay đã long lanh, dù
vẫn còn phãng phất một chút buồn, một chút tư lự, thầm lặng và chịu
đựng.
Cái buổi chiều mà Hoài Thư nói là định mệnh đó cách đây đã năm năm
rồi. Hôm ấy, nhà Trường tan học sớm hơn mọi lần. Lúc trưa vào lớp
nghe tin có bão, Thầy Hiệu trưởng đã cho tất cả học sinh ra về. Hoài
thư cũng tất tả chạy về lo phụ mẹ đem những tấm lưới phơi trước sân
vào nhà. Chẳng mấy chốc bầu trời đổ sập một màu xám xịt. Mọi người
lo lắng nhìn ra ngoài biển. Gió mỗi lúc một thổi mạnh lên, cuốn theo
các đám mây đen dày đặc nhanh chóng phủ kín khắp mặt đất. Trên biển,
những đợt sóng ngầm dường như chỉ chờ có thế là bắt đầu thổi tung
bọt nước trắng xóa lên cao, quật mạnh vào bờ một cách giận dữ. Tiếng
gió rít hoà lẫn với tiếng sóng vỗ, tạo nên một thứ âm thanh chan
chát lạnh lùng đến ghê rợn. Rồi mưa trút xuống...nặng hạt và cũng
dữ dội không kém.
******
Dõi tầm mắt nhìn ra xa, Hoài thư còn trông thấy thấp thoáng mấy con
tàu nghiêng ngửa đang cố chống chọi trước cơn phong ba của biển trời.
Những cánh buồm siêu vẹo chao nghiêng đang nỗ lực tiến vào bờ. Nhưng
dường như chẳng còn kịp nữa rồi. Cơn gió cấp mười thổi với tốc độ
ghê hồn đã đánh vào những thân tàu mong manh, khi chỉ còn cách bờ
vài trăm mét làm vỡ tung hết mọi miền hy vọng sống còn của hàng trăm
sinh mạng. Tất cả bị cuốn trôi theo triều sóng. Những cái đầu người
nhấp nhô dật dừ trong giây lát rồi cũng bị nhận chìm mất hút. Trên
bờ... bỗng chốc đầy kín dòng người chạy đến. Mặc cho trời mưa gió
bão táp, họ cùng la khóc gào thét trong nỗi tuyệt vọng. Những tiếng
la đã trở nên quá lạc lõng trước bao âm thanh hổn loạn của đất trời.
Chuyện mà Hoài thư kể cho tôi nghe cũng giống như bao câu chuyện
thương tâm khác đã xãy ra nơi đây khi cơn bão số năm đi qua. Những
con tàu ra khơi đã không kịp quay về khi nghe tin có bão. Một vài
chiếc trở về, chưa kịp cập bờ cũng bị sóng đánh tan tác. Lòng đại
dương sâu thẳm đã là nơi an nghỉ vĩnh viễn cho những con người quanh
năm lăn lộn cùng mây biển. Trong số đó có cả người cha thân yêu của
Hoài Thư.
Tận mắt chứng kiến tấn thảm kịch bi thương hôm ấy, tâm lý cô gái nhỏ
đã bị kích dộng mạch. Hàng trăm xác chết được vớt lên.. hàng trăm
gia đình mất người thân kêu khóc vang xa cả một gốc trời côn đảo.
Hoài Thư cũng khóc đến ngất lịm khi người ta đem xác ba em về. Sau
đó cô bé không còn biết gì nữa. Suốt ngày cô la khóc một cách điên
dại. Có khi chạy khắp các bờ biển để kiếm tìm, cười nói một cách
ngây ngô. Người mẹ sau nỗi đau khóc chồng, lại phải lo chạy chữa cho
con. Trái tim rắn rỏi của người phụ nữ miền biển đã giúp bà vượt qua
bao cơn sóng gió.
__ Hoai Thư chưa kể cho cô nghe vì sao em lại hết bịnh?
Tôi hỏi khi thấy em trầm ngâm nghĩ ngợi.
__ Dạ…... nghe mẹ nói gia đình em lúc ấy rơi vào cảnh
túng quẩn. Anh Hai đang học trên thành phố phải bỏ về để lo cáng
đáng việc nhà. Đám ba xong thì mẹ đưa em đi chữa trị khắp nơi. Bác
sĩ bảo em bị tổn thương tinh thần, cần phải có thời gian tịnh dưỡng
mới mong hồi phục. Lúc ấy mẹ thường đến chùa để cầu siêu cho ba,
cũng có dắt em theo. Ni sư trụ trì thương cảm mới bảo mẹ để em ở
chùa để được yên tỉnh và uống thuốc nam thử xem. Có lẻ nhờ khung
cảnh tôn nghiêm thanh tịnh và một phần nhờ sự tận tình của quí sư cô
mà bịnh em dần dần thuyên giảm. Hai năm nay thì em hầu như hết hẳn.
Hiện giờ em đã về nhà vì chỉ còn mình mẹ. Anh hai cũng nối nghiệp ba
đi biển có khi hằng tháng mới về. Rồi cô bé lắc đầu:- Biết làm sao
được hả cô? Bởi cuộc sống của người dân nơi đây đã gắn liền với biển
từ bao đời nay rồi.
Tôi cũng khẽ thở dài, tỏ vẻ đồng cảm với em. Biết làm sao
được, khi biển muôn đời vẫn là nguồn lợi bất tận, để cho mọi sinh
vật tồn tại phát triển. Dù rằng trong sự tồn tại ấy, vẫn luôn phủ
trùm nhiều nỗi đau thương mất mát đến tê lòng.
Vừa nghe Hoài Thư nói chuyện tôi vừa đi, bỗng chốc đã ra tới
bờ biển. Tôi đứng lại, cố hít thật sâu để tận hưởng cái không khí
trong lành qua làn sương mằn mặn bốc lên từ biển nước. Buổi sáng
biển thường trong xanh và dìu dịu vài con sóng nhỏ nhoi đằm thắm.
Chắc hẳn biển đã thấm mệt sau một đêm tung hoành gào thét, hay vì nó
không nỡ khuấy động cái khung cảnh im ắng nầy. Từ gốc chân trời phía
đông, một ít vầng dương vừa lố dạng. Mặt trời ở biển thường ra sớm
và lặn cũng sớm. Vài tia nắng đầu tiên chiếu thẳng xuống mặt nước
tạo nên một mầu sắc lung linh sóng động, đẹp một cách mờ ảo mênh
mông.
Đang miên man suy nghĩ...Tôi quay lại thì không còn thấy Hoài Thư
đâu nữa. Cô bé biến đâu mất rồi nhỉ? Tôi nhìn quanh quất và nghe
tiếng gọi từ phía bên kia đụn cát. Hoài Thư tươi cười bước tới, trên
tay cô bé cầm chiếc vỏ sò khá to.
- Hôm nay cô trở về thành phố rồi. Hoài Thư muốn tặng cô chiếc vỏ
sò xinh xắn nầy đem về làm kỷ niệm.
Tôi cầm vỏ ốc lên ngắm nghiá rồi khẽ nói:_Cô cũng định mua cái gì để
tặng cho Hoài Thư. Em thích gì nào?
Hoài Thư lắc đầu:_ Thôi cô đừng mua nữa. Ở đây quà biển không thiếu
đâu. Cô về thành phố thỉnh thoảng ra đây thăm biển là đủ rồi.
Có tiếng chuông chùa vọng lại, ánh mắt Hoài Thư liền quay về thực
tại. Cô bé nói nhanh:_Thôi em chào cô. Chúc cô đi đường bình an.
Sáng nay trên chùa có khoá lễ, em phải lên đó bây giờ, chắc là không
thể đưa tiễn cô được.
Tôi nhìn theo dáng Hoài Thư đi khuất sau cánh cổng chùa mà lòng cứ
miên man nghĩ ngợi về một phép mầu nào đó, đã mang lại sự sống cho
cô gái nầy. Phép mầu ấy bắt nguồn từ một niềm tin sâu xa và bất diệt
hay từ trong cuộc sống đời thường, khi mà con người luôn phải vật
lộn giữa cái sống và cái chết, giữa niềm hạnh phúc đam mê cùng nỗi
đau vô tận. Dù gì thì hôm nay bầu trời cũng đã nắng ráo và trong
sáng hơn như để báo hiệu một ngày bình yên nơi biển cả. Mọi sức sống
vẫn tiềm tàng. Ngoài kia biển đang reo vui……..dưới những sắc nắng
lung linh dịu dàng mà thâm thiết..