Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

VÀI SUY NGHĨ NHỎ VỀ NHỮNG TÂM HỒN LỚN NƠI MÁI TRƯỜNG VẠN HẠNH

Tâm chơn


Mười hai tuần thoáng qua nhanh. Khoá học mùa Thu kết thúc. Chúng tôi đang vào học kì hai năm thứ nhất, khoá học mùa Xuân. Mau thật!

Nhớ mới đây thôi, trong ngày khai giảng khoá VI, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, hơn 600 tăng ni vui mừng, bở ngở ngồi cạnh bên nhau chung nỗi bồn chồn, cùng niềm thấp thỏm, lo âu khi vừa nghe qua “các yêu cầu về khoá học cử nhân Phật học” mà khoá này sẽ là bước thể nghiệm cho sự cải cách. Với phương pháp học này, giảng viên chỉ là người hướng dẫn còn sinh viên mới là chủ động trong phấn đấu học tập và phát huy năng lực, sáng kiến của mình. Phương pháp dạy và học từ chương sẽ được thay bằng quy chế tín chỉ học phần. Chương trình cải cách này tuy có mới lạ đối với trường Phật học nhưng thực tế lại là tiêu chuẩn đào tạo của một trường Đại học tiên tiến…  Chao ôi! Chỉ mới nghe thôi mà chúng tôi “lạnh cả người”.

Mà không,  liền khi ấy, những nỗi lo lắng đã được xua tan bởi sự hướng dẫn tận tình, giải thích cặn kẽ của quý Thầy giáo thọ. Chúng tôi đã thôi thắc mắc. Sự thoải mái và tự tin được bắt đầu. Chúng tôi không còn cảm thấy phương pháp giáo dục mới này nặng nề như mình đã nghĩ.

À! Nhắc tới đây, tự dưng tôi muốn bày tỏ chút lòng mình cùng Phật học đường Vạn Hạnh. ( Không biết là có vội vàng lắm hay không trong khi tôi hãy còn là một học tăng mới mẻ đang ngày ngày đến giảng đường Học viện ?... )

Học viện Vạn Hạnh hay còn gọi là Đại học Phật giáo, trường Cao cấp Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM từ lâu đã trở thành mơ ước chung của những tu sĩ học trò. Hầu như không một tăng ni sinh nào khi còn ngồi trên ghế giảng đường Trung cấp mà không từng nuôi ước mơ được là sinh viên Học viện. Cho nên, để biến ước mơ thành hiện thực, không ai bảo ai, tất cả đều chuẩn bị “tư lương” cho mình. Bởi lẽ, không phải ai muốn vào học nơi Học viện là vào được. Nó đòi hỏi tăng ni sinh phải trải qua những tháng ngày thật cố gắng, chuyên cần ôn luyện nội, ngoại điển; rồi còn phải vượt qua một kì thi tuyển sinh nghiêm túc nữa thì mới có thể gọi là…

Quả thật, “cổng trường học viện thì luôn luôn mở rộng nhưng lại rất khó bước vào!”…

Hôm qua, sau giờ lên lớp, tôi lại nghĩ ngợi bâng quơ…

Ồ! Bên cạnh một Học viện dạy và học nghiêm túc, tôi còn nhận ra nơi đây đầy ắp những tấm lòng của nhà sư phạm, những nghĩa tình của bậc làm Thầy. Điều mà ngày trước tôi chỉ nghe qua.

Vâng! Điều mà chúng tôi muôn nói ở đây chính là thâm ân sâu dày của Học viện. Nơi  có những ân tình của chư Tôn đức trong Ban điều hành, quý Thầy giáo thọ, giảng viên, cũng như những tấm lòng thiết tha, bền bỉ của Ban bảo trợ. Tất cả cũng vì tương lai của PGVN mà dốc lòng chăm sóc mầm non cho Giáo hội. Suốt 20 năm kiên trì và vượt khó, Học viện đã, đang và sẽ là nơi gặp gỡ những tấm lòng hơn cả những tấm lòng chung vai phụng sự. Rất nhiều, rất nhiều chư tăng, chư ni đủ tài, đủ đức đang phục vụ tốt đạo đẹp đời đã được trưởng thành từ đây.

Bạn biết không? Đã hơn một lần chúng tôi xúc động khi nhìn thấy HT Viện trưởng dù tuổi hạc đã cao, sức già đau yếu mà vẫn đến với tăng ni trong những lần lễ- họp. Cũng như trong từng giờ chúng tôi đã nhận ra tấm lòng từ mẫu mà chư Tôn đức nơi đây sẵn dành cho sinh viên. Dù rằng, có nhiều lúc chúng tôi ương ngạnh, gây phiền hà lớp học, vậy mà các Ngài vẫn không hề to tiếng hay phẫn nộ. Nhỏ nhẹ, từ tốn trong răn dạy là phương pháp giáo dục hiệu quả mà Học viện đã mang đến cho sinh viên. Nhờ đó, chúng tôi đã dần chuyển hoá được những thói quen không tốt và lớn lên trong nhận thức.

Bạn ạ!... Đôi lời chia sẻ này cũng chỉ  những mong cùng nhau nhìn lại…

Nhìn lại để thấy rằng chúng ta hãy còn nhiều vụt chạc nên không tránh khỏi ít nhiều làm đau lòng các bậc ân sư. Nhưng không vì thế mà chúng ta bao che cho chính mình. Chúng ta có thể tha thứ cho mình nhưng thói quen thì đâu dễ dàng buông bỏ. Thói quen sẽ hình thành nên tính cách và đưa đến  kết quả không hay nếu như chúng ta không kịp thời sửa đổi những lầm lỡ của mình. Do vậy, hơn bao giờ hết chúng ta nên tập khắc kỷ, biết mình là ai và phải làm gì để không uổng phí một đời xuất gia tu Phật…

Chợt, có tiếng huynh đệ gọi, tôi lặng lẽ nhìn quanh. Tờ lịch trên tường sáng tươi màu giấy. Một năm mới bắt đầu. Đêm Sài Gòn  trời cũng đầy sao.

Sài Gòn Tết dương lịch

01-01-2006

Tâm chơn

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/tamhon_vanhanh.htm

 


Vào mạng: 3-4-2006

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang