Gió
heo may đã về trong xôn xao của những âm thanh hối hả, lo toan…Song vài
con đường trong thành phố, mùa thu vẫn đang đếm lá vàng…Những chiếc lá
vừa lìa cành vẫn như còn man mác chút tiếc nuối, vấn vương hay chút gì
đó mà người dù nhạy cảm cũng khó mà cảm nhận hết được…Cảm nhận đó chỉ
còn có thể bất chợt gặp được ở những con đường tương đối vắng …
Còn
ở dọc hai bên đường các phố sầm uất, mùa thu hiện khá rõ bằng những
chiếc lồng đèn bằng nhựa lòe lọet đủ màu. Đèn lồng phát ra âm thanh the
thé hay những bản nhạc lạ lùng, rực rỡ một cách giả tạo với ánh đèn pin,
tưởng không bao giờ tắt. Hình tượng trên những chiếc lồng đèn ấy, chao
ôi! sao mà xa lạ quá. Những nhân vật đầy bạo lực hoặc những hình tượng
lạ lẫm đã đẩy lùi không thương tiếc chiếc lồng đèn thủ công truyền thống
vắng bóng trên phố phường. Và dường như nó chỉ lạ với những đứa bé có
hòan cảnh khó khăn, chứ còn với tuổi thơ “hiện đại” ngày ngày mãi dán
mắt vào cuốn truyện tranh hay màn hình vi tính thì những nhân vật, hình
tượng ấy đã lôi các em vào trong thế giới ảo từ lâu rồi…
Ngày
nay sân đình có còn đủ rộng cho tuổi thơ xách lồng đèn tre phết giấy màu
đi phá cỗ?. Đêm trăng sáng đám trẻ hồn nhiên có còn nối đuôi nhau ngêu
ngao bài “rồng rắn đi đâu”?.Tâm hồn tuổi thơ nơi đô thị có còn chỗ cho
chú Cuội ngồi gốc cây đa?. Không biết chị Hằng xinh đẹp kia, đêm nay có
rảnh rỗi để ngồi kể chuyện, rồi quây quần cùng các em hát khúc đồng dao
mộc mạc…?. Và sau trung thu những chiếc lồng đèn tre có còn hạnh phúc
được bao bọc để dành cho năm tới?
Nhịp
sống hối hả lo toan nhiều thứ chẳng biết có còn ai nhớ lần sau cùng mình
xách lồng đèn hay chơi trò rồng rắn đi đâu là từ lúc nào?. Nhớ để bồi
hồi kể với tuổi thơ rằng: “Ngày xưa, mà cũng chưa xưa lắm, mỗi khi
trăng tròn tháng Tám, trẻ con lại háo hức xách lồng đèn đi phá cỗ…” Mà
phá cỗ là gì chứ? Hình như có một tuổi thơ hiện đại nào đó, một cách rất
ngạc nhiên và nghiêm túc hỏi….(!)
http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/thangtam.htm