Dạo ấy Ni đi rồi sân chùa không còn ai
quét lá đa nữa.
Nói vậy thôi chứ sân chùa có lúc nào vắng bóng người qua lại. Ai đến ai
đi, mỗi mùa lá đổ đều có đóng góp đôi chút công sức cho mảnh sân khu
vườn thêm thoáng đãng tươm tất...
Sáng sớm vị sư
nữ ra mở cổng Tam Quan quét dọn. Sương mù còn giăng kín ngõ. Thoáng chút
se lòng sư cô đứng lặng giữa sân như để tĩnh tâm hít thở, nhưng ý tưởng
lại miên man trước bao cảnh tượng đang diễn ra. Tiếng chim con vừa mở
mắt đã chuyền cành ríu rít. Muôn hoa còn ửng nụ lại vươn tầm khoe sắc
trước lúc ánh bình minh nghiêng mình tỏa sáng. Bên dưới nền đất ẩm ướt
còn in rõ dấu chân người. Có vài chiếc lá khô bị dẫm nát. Dường như có
gì bất thường nơi phía gốc cây bồ đề. Sư cô bước lại nhìn và thảng thốt
kêu lên khi nhận ra một hình hài bé xíu được bọc trong tấm khăn bông. Có
tiếng khua động của sự sống cùng những âm thanh rời rạc vọng lên từ cõi
chết đang kêu gọi bàn tay người cứu độ. Cảnh đời lao xao cớ chi lại làm
vướng bận đến chốn thiền môn này hay vì muốn thử thách lòng người nơi
cửa Phật từ bi.
Tiểu Ni được cứu
sống và nuôi dưỡng ở chùa từ ngày còn đỏ hỏn như thế. Không ai biết tông
tích cha mẹ của cô diệu. Thôi con chùa thì chùa nuôi. Sư cô thường nói
vậy khi có ai hỏi đến. Mà cũng chẳng ai buồn thắc mắc làm gì. Chuyện
những đứa trẻ sơ sanh bị đem bỏ trước cổng chùa xưa nay chẳng hiếm. Quan
Âm Thị Kính từng ẳm nuôi một đứa bé và hứng chịu nỗi oan khiên không một
lời phân giải.
Ngày qua ngày
Tiểu Ni lớn lên cũng không nghĩ đến đi điều gì khác hơn là giữ mình theo
khuôn phép nhà chùa. Khuya tối lo việc chuông mõ công phu tịnh độ. Sáng
sáng lại ra quét dọn hốt lá rụng trước sân, đùa vui đôi chút với mấy chú
cún con, rồi vào lo bài vở, cơm nước xong thì cắp sách đến trường. Cho
đến khi khôn lớn, Ni chưa bao giờ đi xa hơn con đường đất từ chùa đến
ngôi trường làng chỉ cách vài cây số.
Vậy mà... tin cô
diệu Tiểu Ni rời bỏ đời sống đạm bạc nơi mái chùa quê làm xôn xao cả xóm
như thể chuyện lạ có người ngoài hành tinh đến trái đất này vậy. Người
ta chỉ biết mập mờ nên suy đoán lung tung. Bởi chẳng ai chứng kiến sự
việc đến đi của cô. Sư cô trước sau chỉ im lặng. Tâm người ắt hẳn đã an
định trước mọi lẽ đến đi vô thường của cuộc sống, hay đã quen rồi với
những diễn biến thay đổi trong chốn chùa chiền nên chẳng tỏ vẻ bất ngờ
giao động. Ai hỏi đến thì sư cô chỉ nhỏ nhẹ mấy lời:
- Nghiệp trần
lôi kéo biết làm sao hơn. Nhân duyên của nó chỉ ở chùa chừng ấy thôi mà.
Duy chỉ có tôi
lại không xem chuyện đó là bình thường. Tôi chẳng phải là chỗ thân tình
thân thuộc gì của Ni. Là bạn học nhưng không chung lớp. Là phật tử tôi
chỉ đến chùa vào những ngày rằm lễ. Thỉnh thoảng phụ với Tiểu Ni quét
sân hốt lá, có nói chuyện qua lại cũng chỉ là những lời mộc mạc của một
thiện tín đối với một ni cô sớm nương nhờ cửa Phật.“Cắt ái từ thân, xuất
gia hành đạo nghiệp” Có nhiều lần tôi nghe Tiểu Ni đọc câu kinh này
và thầm nghĩ đến đứa bé bị bỏ rơi năm xưa. Lòng Tiểu Ni ắt đã sớm tỏ ngộ
lý pháp sâu xa nơi cửa đạo, nên mới xem nhẹ cảnh trần duyên mộng ảo. Tôi
từng thấy nhiều nam sinh trong trường đứng ngẩn ngơ khi thấy cô ni có
cung cách siêu phàm thoát tục đi qua. Nhìn Tiểu Ni khác nào búp sen
trắng tinh khiết chỉ để dâng lên cúng Phật, hoặc đặt ở một nơi trang
trọng nào đó. Dù có yêu thích, người ta cũng không thể ngắt bông hoa kia
trang điểm cho riêng mình. Một loài hoa sanh trưởng nơi tôn nghiêm như
vậy cớ sao lại dễ dàng vướng lụy trần ai.
Thời gian
nhanh chóng trôi qua mang theo bao chuyện vui buồn hư thật. Tôi đi học,
đi làm ở xa. Lâu lâu ghé tạt về thăm quê rồi lại vội vã đi ngay, gần như
quên hẳn ngôi chùa cùng hình bóng cô ni nhỏ năm nào. Một lần về giỗ nghe
cô em họ nói:
- Cô Tiểu Ni trở
về chùa rồi đó anh Hai!
- Tiểu Ni nào?
Tôi hỏi và cũng lờ mờ hiểu ra...
- Thì Tiểu Ni
bạn học của anh hồi đó đấy. Ngày trước ở chùa xinh xắn là vậy. Bây giờ
trở lại cùng đứa con nhỏ, trông tàn tạ đến tội.
- Cô ấy trở về
thăm chùa à?
- Nghe nói cô
trở về đời lấy chồng được vài năm thì hạnh phúc đổ vỡ. Gia cảnh cũng
khổ, nên đành mang con trở lại chùa. Ni sư thương tình nhận cả hai mẹ
con. Cửa chùa lúc nào cũng rộng mở… hơn nữa hồi nhỏ cô từng ở chùa, ai
cũng thương...
Cô em tôi lại
chép miệng than thở: - Phải chi cổ còn tu... cũng lên tới gì rồi. Bây
giờ cổ chỉ là người làm công quả ở chùa để nương nhờ tấm thân. Em nghe
nói người ăn cơm chùa từ nhỏ là mắc nợ của thập phương bá tánh, nếu ra
đời thường không thành đạt gì.
Tôi lắc đầu ngắt
lời:- Không hẳn vậy đâu. Nhưng hoàn cảnh như Tiểu Ni thì quả thật tội.
Tôi đến chùa.
Sân ngoài im vắng. Có bóng người lom khom quét dọn. Cảnh vật không thay
đổi mấy mà người trở về đã hoen màu sương gió phong trần. Người thiếu
phụ với mái tóc ngắn rối trong bộ bà ba nâu bạc không che hết khuôn mặt
xanh xao cùng một thân hình gầy còm xơ xác. Một con người... lúc này chỉ
còn là chiếc bóng chập chờn chưa đủ lấp vào chỗ thâm u bên góc hiên
chùa. Nghe động Tiểu Ni ngước lên nhìn, song lại cúi xuống làm việc.
Tiểu Ni đã mặc nhiên nhìn sự thế hay không muốn nhớ đến những gì thuộc
về dĩ vãng một thời. Lá vàng rơi đầy sân biết có khỏa lấp hết nỗi niềm
riêng tư câm lặng này.
Không muốn làm
khuấy động tâm người nên tôi chỉ yên lặng vào chùa lễ Phật rồi trở ra.
Đài sen ngoài kia đã khô cạn. Những cánh hoa rũ tàn trong nắng gió,
khiến xui lòng người còn vương vấn chút hương xa. Chiếc tịnh bình của Bồ
Tát Quan Âm với thần thông diệu dụng là thế mà vẫn không sao dập tắt hết
ngọn lửa tình trong bể ái trầm mê. Thoáng xao lòng, tôi buột miệng ta
thán: - Tạo hóa thật bất công. Người đã cho ra đời một dung nhan bạt tụy
như thế sao lại nỡ đem vùi dập chẳng chút tiếc thương. Người đã bỏ rơi
một hình hài trẻ thơ trước cổng chùa, còn đẩy vội người ta ra ngoài làm
chi để không phương chống đỡ với đời. Tiểu Ni mang con trở lại chùa có
khác gì chút nắng vàng héo hắt buổi chiều thu chỉ còn biết đợi chờ cho
đêm tối qua mau.
Dạo này tôi
hay có chuyện về thăm quê hơn. Chuyện làm ăn, chuyện đất đai thời kinh
tế thị trường ngày càng đưa đến cảnh phân chia đáng buồn giữa những
người anh em cật ruột. Những lúc căng thẳng mệt mỏi, bước chân tôi lại
đi đến chùa. Mái chùa bao năm vẫn nép mình yên ả trước cảnh bon chen sự
thế. Tôi đến chùa… bao lần chỉ để ngắm nhìn những cây sứ nở hoa rực rỡ.
Bao lần vẫn thấy mặt sân đầy lá rụng cùng một bóng người thầm lặng quét
dọn. Tiểu Ni làm việc gần như suốt ngày, hết trong chùa lại ra sân,
không chuyện trò cũng chẳng quan tâm đến điều gì ngoài phận sự. Hạnh
phúc mà cô còn giữ được chính là đứa con nhỏ. Có lẽ tình mẫu tử cùng
niềm tin đạo pháp đã ít nhiều giúp lòng cô khuây khỏa. Người lui tới
chốn Già Lam cũng cám cảnh thương tâm nên hết lòng giúp đỡ hai mẹ con.
Tôi thường ngắm mấy chú chim sâu chăm chỉ làm việc trên cành để ví von
cho cảnh tình của người mẹ trẻ. Và cảnh chim mẹ mớm mồi cho con mà vẫn
cất cao giọng hát để góp chút thanh sắc cho đời luôn khắc sâu vào tâm
trí lòng người.
Chú tiểu nhỏ
đang lăng xăng trước sân. Chú phụ mẹ quét sân, rỗi việc lại chạy loanh
quanh theo mấy chú chó, thỉnh thoảng cười lên một cách vô tư nghịch
ngợm. Tôi đứng lặng vì nhận ra bóng dáng của Tiểu Ni ngày nào. Chú tiểu
được Sư già thế phát xuất gia cạo ba chỏm. Trông ngộ nghĩnh và dễ thương
như chú đạo theo hầu Bồ Tát. Tính cách tinh nghịch hiếu động của trẻ
thơ, gần như tương phản hẳn với vẻ cô liêu thầm lặng của người mẹ. Chẳng
biết làm gì, tôi đến ngồi xuống bên gốc cây Ta La, đưa tay lượm mấy bông
hoa rụng dưới đất. Tôi thích màu hoa Ta La không hẳn vì niềm kính ngưỡng
Phật Pháp mà bởi một lẽ rất thường tình...vì màu hoa đẹp. Hồi ấy mỗi lần
quét sân, Tiểu Ni thường lượm vài bông hoa đem vào để trên bàn học rồi
thuyết giảng cho tôi nghe sử tích về đức Phật. Bây giờ hoa Ta La rụng
đầy sân, nhưng người quét dọn lại gom chung vào đống rác.
- Mô Phật! Tiểu
Nghi chào chú ạ!
Tôi hơi bất ngờ
khi chú tiểu đến bên chào hỏi với vẻ thân thiện tự nhiên. Đưa tay xoa
chỏm tóc bé xíu của chú, tôi khẽ hỏi:
- Chú tên Tiểu
Nghi. Tên nghe hay lắm. Vậy Tiểu Nghi dẫn đạo hữu lên chùa lễ Phật nhé.
Tiểu Nghi
ngoan ngoãn đưa tôi lên chánh điện. Chú ý tứ lấy nhang đưa khách rồi
đánh ba tiếng chuông ra chiều rất thông thạo. Lễ Phật xong tôi móc ví
lấy vài tờ giấy bạc rồi nhỏ nhẹ nói:
- Chú xin biếu
ít tiền để Tiểu Nghi mua bánh dùng với mẹ.
Chú lắc đầu: -
Không được đâu. Mẹ không cho phép lấy như vậy. Chú bỏ tiền vào thùng
công đức của chùa đi.
Tôi thẫn thờ
nhìn dáng chú bé thoăn thoắt chạy ra. Có cơn gió chiều vừa thổi qua.
Mảnh sân sạch mới quét xong lại đầy ắp lá vàng. Bóng hai mẹ con liêu
xiêu quét dọn hốt lá. Mặc cho gió thổi. Mặc dòng đời tấp nấp ngược xuôi
muôn nẻo.
¯
Phải ngót gần
hai mươi năm sau tôi mới có dịp trở lại thăm quê hương. Làng xã bây giờ
cũng đang thích ứng dần cơ chế thời đô thị hóa. Bao nhiêu đổi thay cùng
muôn nỗi bộn bề trong cuộc sống đã cuốn phăng hết mọi suy nghĩ hăm hở
của thời trai trẻ. Nhưng cũng có lúc bản thân ý thức việc già nua sắp
đến nên tôi tạm gác mọi việc để tìm cho mình một nơi chốn yên bình. Và
thế là tôi khăn gói về quê nghỉ ngơi luôn thể hoàn tất vài việc cần
thiết cho gia tộc vì e ngại đời người hữu hạn. Vừa chân ướt chân ráo
bước vào nhà đã nghe đứa cháu thông báo:
- Cô Ni vừa mất
đấy, cậu Hai.
Tôi thủng thỉnh
ngồi xuống bộ ván hỏi:- Cô Ni nào vậy?
-Dạ cô Tiểu Ni ở
trên chùa đó. Đám hổm rày. Chiều nay chôn rồi. Cháu nghe nói cổ là bạn
học với cậu.
Đến bây giờ mọi
người vẫn gọi cô với cái tên thân quen ấy. Đến bây giờ... tôi mới sực
nhớ ra. Cuộc đời và cả tên gọi của con người ấy, vẫn mãi là vết thâm
buồn lẩn khuất đâu đó trong cõi lòng tôi. Nhiều năm không gặp, thỉnh
thoảng cái vóc dáng tiều tụy của cô cũng thấp thoáng qua tâm trí. Tôi
không biết làm gì để giúp cô ngoài ý tưởng cầu mong mẹ con cô luôn sống
yên vui và tìm được hạnh phúc dưới mái chùa. Nay tôi trở về lại đúng lúc
cô vừa tạ thế. Chẳng hiểu duyên số hay định mệnh lại bắt tôi phải nghĩ
đến cô cho đến tận giây phút cuối đời.
Chiều khi tôi
đến chùa đã thấy chật kín người đến đưa đám. Đứa con trai của cô, bây
giờ đã là một vị đại đức chững chạc uy nghiêm đang chủ trì buổi tụng
kinh niệm Phật tiếp dẫn hương linh. Nghe nói đại đức Thiện Nghi đang trụ
trì một ngôi chùa trên tỉnh. Tiểu Ni xuất gia lại khi lớn tuổi nhưng vẫn
giữ phận cô vải làm công quả. Cô không theo về ngôi chùa của con vì muốn
giữ trọn ân tình với nơi mình đã nương náu bao năm. Hình người trong ảnh
mang bóng sắc của một ni cô luống tuổi trong chiếc áo nhật bình lam dịu
dàng từ ái, gương mặt ánh lên nụ cười thanh thoát mãn nguyện. Nụ cười
đằm thắm của ngày xưa. Người đưa đám phần nhiều là đạo hữu của chùa. Họ
biểu lộ sự kính cẩn hơn là niềm bi ai thương cảm. Nhưng mà hình như
người ta đang nói gì về cô thì phải...
- Cô đi nhẹ
nhàng lắm. Hôm ấy cô hơi có bệnh, nhắn thầy Nghi về dặn dò vài câu. Đại
khái là khuyên thầy giữ trọn đạo hạnh và tinh tấn tu hành. Sau đó cô có
vẻ mệt nhưng vẫn lớn tiếng niệm Phật. Thầy và Phật tử cùng trợ niệm.
Khoảng một giờ thì cô đi, gương mặt tươi hồng như nằm ngủ. Mọi người còn
bảo nghe cả mùi hương phảng phất quanh đó. Từ ngày trở lại mái chùa, cô
sống khiêm cung lặng lẽ. Suốt ngày lo bòn công tích phước làm lụng chẳng
kể thân. Việc tu niệm thì tinh mật. Nuôi dạy con thì nghiêm cách. Thầy
Nghi rất có hiếu với mẹ. Tiểu Ni được như vậy cũng là đại phước, chắc
chắn sẽ sanh về cõi Tịnh, không còn sợ duyên trần lôi kéo...
Không dưng tôi
bật lên tiếng cười nho nhỏ. Tôi cười bởi những gì mình luôn cầu mong cho
Tiểu Ni lại hiện thực một cách rõ ràng đến thế. Tôi cười vì cảm thấy nhẹ
lòng thư thả. Lúc sống Tiểu Ni không bao giờ hờn trách hay phiền lòng ai,
khi mất lại tạo được niềm tin tưởng hỷ lạc cho người. Trải qua bao sóng
gió, cuối cùng con thuyền đời cô cũng xuôi về bến đỗ an lành./.
http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/tieuni.htm