Tháng bảy chiều thu mưa buồn lất phất
Chợt nhớ chợt thương áo mẹ vai gầy
Bao năm xuôi ngược chốn trời mây
Con xa mẹ, nhớ mùa thu tháng bảy....
Sài Gòn không có mùa thu để nhuộm thêm sắc vàng cho những
chiếc lá còn lay lắt trên cành. SàiGòn cũng đâu có bầu trời thu
trong và mát để cho thi nhân thả hồn mơ mộng mà tức cảnh sanh tình.
Ở đây chỉ có cái nắng mưa bất chợt như lòng người vui buồn bất chợt,
đến đi bất chợt. Tuy vậy, nơi mảnh đất có chiều dài lịch sử hơn ba
trăm năm này, đã từng sản sinh ra nhiều cái độc đáo…vừa chung mà lại
vừa riêng. Đây cũng là nơi sẵn sàng quy tụ và phát huy mọi điều hay
đẹp, kể cả những cái dung dị nhất, bình thường nhất. Từ đó đã tạo
nên một dáng dấp Sài Gòn_ không giống ai mà cũng chẳng khác ai.
Tôi muốn lướt qua đôi nét về tính cách đa dạng của một thành phố vốn
nổi tiếng muôn sắc lắm màu này, để nói đến những cơn mưa tháng bảy,
dù không dai dẵng mà vẫn dìu dặt một điệu buồn phương nam. Trăng rằm
tháng bảy làm ta liên đến một ngày lễ hội mang ý nghĩa Phật Giáo.
Ngày lễ Vu Lan, mà ai đó thường gọi một cách trìu mến là ngày của mẹ.
Một ngày lễ được mọi người mặc nhiên công nhận. Dù có đạo hay không
có đạo. Nó tồn tại và trở thành bất biến với thời gian.
Đến với ngày lễ Vu Lan, bạn có nghe lòng mình bâng khuâng xao xuyến?
Đi giữa thành phố Sài Gòn trong mùa báo hiếu, bạn sẽ thấy người ta
đi lễ các đình chùa. Bạn dễ dàng nhận ra họ qua những bó hương dài
cầm trên tay, hay mấy cánh hoa hồng đỏ trắng được cài lên ngực áo.
Màu hoa đặc trưng của ngày lễ vu Lan và của tình mẹ. Màu hoa ấy đã
đi vào thi ca, đi vào lòng người và làm đẹp thêm cho cuộc sống.
Nếu màu hoa đỏ được biểu hiện cho tình mẹ thiêng liêng
vẫn còn hiện hữu; thì màu hoa trắng cũng ngầm nói lên những mất mát
lớn nhất trong đời người. Thế nhưng dù bạn đang hạnh phúc hay khổ
đau, dù bạn may mắn được cài hoa hồng đỏ, hay phải cài hoa hồng
trắng, thì ngày lễ Vu Lan đến cũng là sự trở về. Một ngày để tưởng
nhớ hoài niệm ân thâm phụ mẫu.
Những cơn mưa tháng bảy lại về. Những giọt mưa thu như
đắp thêm nỗi buồn cho kẻ tha hương. Có biết biết bao bà mẹ đang ngày
đêm mong đợi đứa con xa. Có biết bao những đứa con lưu lạc, cứ mỗi
độ vu lan về, lòng cứ hoài tưởng thiết tha về một thời đã xa. Cái
thời còn trắng trong như trang giấy học trò. Nào biết muộn phiền.
Nào biết lo toan. Những ngày xa xưa ấy mẹ luôn ở bên ta. Mẹ xuất
hiện như một bà tiên mỗi khi ta cảm lạnh gió sương hay gặp điều bất
như ý. Ôi ! Tình mẹ. Cuộc hành trình không bao giờ hết. Sự hy sinh
thầm lặng của mẹ biết có sông nước nào đong cho hết được.
Thế giới đã bước vào thiên niên kỷ thứ Ba. Nền văn minh
cơ khí đã làm thay đổi hoàn toàn đời sống của nhân loại. Trong chừng
mực nào đó, bạn cảm thấy hài lòng và tự mãn với những đồng tiền mang
về cho cha mẹ. Nhưng bạn có biết không? Tiền bạc nào phải đâu là tất
cả. Trên thế gian này, con người thường đánh mất nhiều thứ mà tiền
bạc không thể nào bù đắp lại được. Vậy mà nhiều người lại quan niệm
rằng có thể đem vật chất ra để trả hiếu mẹ cha. Họ đâu cần biết gì
đến câu ấm lạnh quạt nồng. Họ cũng quên đi những lời han hỏi, một cử
chỉ thân tình để gọi là làm vui lòng… đấng sanh thành. Phải chăng vì
đời sống quá bận rộn. Vì điều kiện vật chất đã choán hết thời gian
và tâm trí người ta. Đến nổi khiến cho lòng người trở nên lạnh nhạt
hết trước mọi thâm tình cốt nhục.
Tôi đang nghĩ về bạn. Những người con xa quê, xa cả vòng
tay dìu dắt của mẹ hiền. Sau những ngày vất vả đem mồ hôi đổi lấy
bát cơm đầy. Đêm về bên căn gác trọ đìu hiu, bạn chắc hẳn sẽ bồi hồi
nhớ cảnh quê xa. Nơi ấy có người mẹ hiền đang nóng lòng chờ đợi.
Ngày Vu Lan báo hiếu đã đến, bạn hãy hướng lòng mình về với mẹ, thầm
nói với mẹ những điều mà bạn chưa nói, hay chưa kịp nói. Người mẹ ấy
dù ở cách xa, hay không còn nơi trần thế, thì mẹ vẫn có nghe được
tâm tình của đứa con thơ. Những lời nói qua tâm tưởng ấy vẫn luôn
được lắng nghe bởi một thứ thinh âm vô hình mà người ta gọi là” thần
giao cách cảm”. Bạn hãy tin đi rồi bạn sẽ thấy nó mầu nhiệm diệu kỳ
lắm thay!
Ngạn ngữ có câu : “Không ai tắm hai lần trên một dòng
sông”. Dòng sông của đời tôi và đời bạn cũng không thể do hai người
mẹ cùng rứt ruột tạo ra. Đạo Phật thường nói lễ Vu Lan là ngày báo
hiếu ân thâm cha mẹ trong bảy đời. Còn hiện đời này, tôi và bạn chỉ
duy nhất một người mẹ. Vậy sao ta không báo ân mẹ trong lúc này đây.
Ngay khi mẹ còn đó và ta đang được sống cạnh người. Nào phải đợi khi
mẹ mất rồi ta mới quờ quạng đi tìm. Ta đau đớn khóc than. Ta lo sửa
soạn nào mâm cao cổ đầy để dâng cúng cho người đã khuất. Đành rằng
như vậy cũng là thể hiện chút lòng hiếu trọng thâm ân. Nhưng lòng
hiếu dưỡng khi cha mẹ sanh tiền vẫn là một điều đáng trân trọng,
đáng tôn quí hơn, bạn à!
Tôi cũng muốn nói với bạn. Những người đã vĩnh
viễn mất đi hình bóng người mẹ thân yêu. Những người mãi mãi phải
cài lên ngực áo mình khi mùa Vu lan đến, một màu hoa trắng đơn điệu
tẻ buồn. Sự sanh diệt vô thường đã chia xa tình mẫu tử, nhưng tình
mẹ là một dư âm không bao giờ đánh mất trong lòng bạn. Tình mẹ là
một thiên chức muôn đời không gì có thể thay thế được. Bạn đang đau
đớn vì sự mất mát? Vậy bạn hãy hướng lòng mình đến bao kẻ khác đi.
Bạn báo đáp ân mẹ bằng sự kính yêu con người, bằng sự trang trải với
tha nhân, và bằng đời sống hướng thiện trong sáng như mẹ bạn thầm
mong ước. Cuộc đời rồi sẽ cho bạn niềm tin, một ý chí để tồn tại, để
vươn lên. Không có mẹ, bạn vẫn sống. Vẫn ngẩng cao đầu để yêu thương
và để tìm cho mình một tương lai trọn vẹn. Một hướng đi đầy ắp tình
người luôn rộng mở./.
( Mùa thu năm 2001
)