Lòng Từ
Ái
Thể Như
Này các Tỷ-kheo, hãy đến biến mãn
một phương với tâm câu hữu với từ, rồi an trú, cũng vậy phương
thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy
cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ,
cùng khắp vô biên giới, an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ,
quảng đại, vô biên, không hận, không sân. (Đại Tạng Kinh Việt Nam,
Kinh Trung Bộ, tập 1, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1992,
trang 732 - 733).
Tình cảm và lý trí được xem là hai
phương diện của con người. Tình cảm là ngôn ngữ của trái tim
còn lý trí là ngôn ngữ của khối óc. Hai phương diện này ít
khi đồng thuận mà thường hay mâu thuẩn với nhau khi ứng đối với
một việc nào đó. Chính điều này tạo ra những bi kịch của
cuộc sống: Con người là nạn nhân bị dằn xé. Một người thường
mang hai bộ mặt: thần tình ái và thần công lý, nhân từ và
‘sắt thép’, uy nghiêm ở chốn công đường và tan chảy ở chốn
riêng tư sau sàn diễn. Điều hòa được mâu thuẩn này là điều hòa
được hầu hết những đau khổ liên quan với mối quan hệ trong gia
đình và ngoài xã hội hay nói chung là giữa con người với con
người.
Đạo Phật đã mở ra một khung trời
rộng rải, thảnh thơi. Trong khung trời đó trái tim không bao giờ
‘cải nhau’ với khối óc, tình cảm không hề đối nghịch với lý
trí, và tuyệt nhiên không che mờ lý trí. Hơn thế nữa, tình cảm
trong đạo Phật không những hổ trợ cho lý trí, mà thậm chí còn
soi sáng cho lý trí. Thật vậy, một mình lý trí không thể tự
soi sáng cho chính nó, nhất là khi nó bị tiếng thì thầm của
trái tim đang loạn nhịp chen vào.
Trong đời thường tình cảm nhuộm màu
hồng làm cho nhận thức bị lệch lạc. Những ngày mới tiến tới
tiếp cận được nhau, tình cảm cháy bỏng; nàng đẹp, nết na, làm
cho bạn thật dễ chịu. Thậm chí những trái tính, trái nết,
mọi người thường cho là xấu mà sao bạn thấy cũng đáng yêu.
Đồng điệu với câu ca dao:
Đêm nằm thì ngái ó o,
Chàng thương chàng bảo ngáy cho vui nhà.
Đi chợ thường ai ăn quà,
Chàng thương chàng bảo về nhà đở cơm...
Dần dà tình cảm phai nhạt, trái tim
trở lại nhịp đập đơn điệu của nó. Những nết na giờ đây chẳng
có gì đáng kể, còn những cố tật đã trở nên không chịu nổi.
Rõ ràng tình cảm cháy bỏng ban đầu đã làm cho lý trí phán
đoán sai lầm, thần tượng hóa người mình yêu. Lúc sau, tình cảm
‘bị đóng băng’ cũng đã che mờ lý trí làm cho bạn thấy nàng
thiếu hẳn những đức tính cần thiết và cũng không còn thùy mị
chút nào. Thuở ban đầu, tình cảm đã cho lý trí mang lăng kính
màng để nhìn ý trung nhân, rồi sau đó cho lý trí mang lăng kính
màu trắng nhạt thậm chí là màu xám đen để bạn không còn khả
năng thấy được ‘trời Sài Gòn đang mưa rồi chợt nắng’ nữa. Đây
là một kịch bản mà con người đã bắt đầu trình diễn từ thuở
khai thiên lập địa, và đã diễn đi diễn lại suốt dòng trường
thiên lịch sử cho đến ngày nay.
Để con người không còn phải diễn lại
một kịch bản đã quá nhàu nát với thời gian mà trong đó cả
hai phía đều là nạn nhân, để mở ra một khung trời mới rộng
rãi thênh thang, đạo Phật giới thiệu một dạng tình cảm không
những không che mờ, ‘vặn vẹo’ lý trí, mà còn bổ xung, điều
chỉnh, thậm chí làm cho lý trí trở nên hoàn hảo hơn. Đó là
lòng từ ái, một thứ tình cảm mà mỗi người học Phật cần
phải trang bị cho mình. Ở đây người viết không đề cập đến
những ý nghĩa cao siêu khúc chiết mà các nhà tinh thâm Phật
học hay những triết gia vĩ đại của Phật giáo đã luận giảng về
từ bi hỷ xả. Người viết chỉ xin đề nghị một ý nghĩa rất đời
thường: Từ ái có nghĩa là quan tâm đến những nỗi khổ niềm đau
của một người, xem coi người ấy đang thực sự cần gì.
Lòng từ ái là dạng tình cảm đặc
biệt của Phật giáo có hai khả năng có vẽ ngược nhau: Lọc bớt
màu hồng khi quan hệ đang thân thiết mặn mà và xóa đi màu xám
khi chưa xa mặt mà đã cách lòng. Tu tập được dạng tình cảm
này thì lý trí của con người sẽ trở nên trong sáng hơn, nhận
thức được chính chắn hơn.
Quả vậy, đối với người mà lý trí
của chúng ta cho là tệ, xấu; khi hướng lòng từ ái đến chúng
ta sẽ thấy người ấy hiện ra trong một góc độ khác và tính
chất tệ, xấu sẽ không còn quá đáng như trước nữa; đồng thời
chúng ta sẽ phát hiện ra những phẩm chất tích cực mà người
ấy đã có tự bao giờ. Ngược lại là trường hợp lý trí của
chúng ta nhận thức đối tượng ngang qua lăng kính màu hồng, trái
tim thường hay tăng nhiệt của chúng ta đang làm công tác cao siêu
hóa người ấy. Lý trí đang bị nhiễu sóng biến người ấy thành
thần tượng, thành phi thường. Hãy cảnh giác. Đó là lúc chúng
ta cần phải ‘điều hòa nhiệt độ’ và ‘chỉnh sóng’ bằng chính
lòng từ ái. Thật sự, khi chúng ta nghĩ đến những nổi khổ,
niềm đau, mà ‘thần tượng’ đang phải gánh chịu, nghĩ đến những
điều mà ‘người phi thường’ đang thật sự cần, thì công tác cao
siêu hóa sẽ hạ nhiệt. Lý trí được soi sáng.
Tóm lại, nhờ tu tập lòng từ, một
dạng tình cảm được định nghĩa là: quan tâm đến những nỗi khổ
niềm đau của một người, xem người ấy đang thực sự cần gì thì
chúng ta sẽ hóa giải được ‘hội chứng nhận thức sai’ của lý
trí. Nhờ tu tập dạng tình cảm này mà lý trí của chúng ta sẽ
nhận thức các đối tượng một cách trong sáng hơn, hoàn hảo hơn.
Từ bi đã hóa thân thành trí tuệ mà trí tuệ là sự nghiệp của
tất cả những người con Phật.
Nguồn http://thenhu.blogspot.com
http://www.buddhismtoday.com/viet/vanhoc/longtuai.htm