Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

TIẾNG SÓNG HẢI TRIỀU ÂM
ĐẾN TỪ BẢO TƯỢNG BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

Cư sĩ Liên Hoa

 

            Mấy ngày vừa qua, thành phố Houston- Texas, mưa thật nhiều. Không biết lượng nước mưa từ đâu đổ dồn về, có lúc kéo dài 21 ngày liên tục. nhiều vùng bị lụt, nhiều nơi bị những cơn giông làm sụp nhà cửa. Theo tin tức đã có 13 người chết.

Thời tiết xấu làm lòng mọi người chùng xuống, lo âu, sợ sệt. Biết bao nhiêu là biến động đổ ập đến con người. Nào thời tiết, nào chiến tranh, nào khủng bố v.v…cũng báo động đến một hiện thực là cuộc đời mang bản chất vô thường. Không một hiện tượng nào có thể tồn tại mãi với thời gian, theo lẽ thành trụ hoại không.

Nhưng ngày vừa qua, hôm thứ sáu 13.07.2007, có một tin tức vô cùng quan trọng, làm cho tâm mọi người tràn đầy hớn hở, vui mừng, ấm cúng. Đó là tờ báo địa phương Houston Chronicle loan tin Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm  tại Trung Tâm Phật Giáo Chùa Việt Nam đuợc chọn là 1 trong 7 kỳ quan của thành phố Houston, Texas.

Đây là một tin vô cùng chấn động như sau bao nhiêu ngày mưa gió, ánh mặt trời xuất hiện trên bầu trời, soi sáng rực rỡ, xoá tan màu u ám. Đây là niềm hãnh diện to lớn đối với Cộng Đồng người Việt Nam tại Houston cũng như ở mọi nơi- nói chung, và của chư Tăng Ni Chùa Việt Nam cùng tất cả những người con Phật, nói riêng.

Như tất cả mọi người, tôi chạy vội đến chùa Việt Nam, đứng im lặng trước Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, chấp tay, chiêm ngưỡng. Cũng là của Tượng Ngài mà bao nhiêu năm tháng qua, khi đến Chùa, tôi đã gặp, nhìn và luôn tỏ lòng thán phục trước kỳ công kiến tạo nầy.

Đây phải là tâm nguyện cao đẹp do lòng từ của một con người có ý nghĩ độc đáo, của chư Tăng Ni tại Chùa- muốn có một Tôn Tượng Bồ tát Quán Thế Âm lộ thiên to lớn, cho mọi người chiêm ngưỡng; đã kết hợp cùng một cô gái tên là Mai Chi- với tấm lòng xuất trần, tâm thành thanh tịnh, thương yêu bóng dáng và công hạnh từ bi, và cùng những người con Phật với biết bao nhiêu ước nguyện, mong mỏi- đã tạo và hình thành nên pho Tượng hùng vĩ, thánh thiện, từ bi nầy. Đó là Bảo tượng Bồ tát Quán Thế Âm.

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm được tạc bằng đá màu trắng bạch, cao 72 feet. Dáng thẳng đứng, thanh thoát. Gương mặt đẹp dịu hiền, nét đẹp chứa đựng cả một cõi lòng, một bầu trời bao la của từ bi, hỷ xả. Tay cầm bình tịnh thủy, tay với nhành dương liểu.

Màu trắng là màu của “ Bạch Tịnh Thức” là tổng hợp hay do 7 màu sắc khác nhau hợp thành. Mỗi màu là mỗi sắc thái biến dị của tâm, nhưng được dung chứa trong thức Bạch Tịnh hay thức A Lại gia. Tượng vươn cao trên bầu trời như ý nghĩa vươn mình trên tất cả mọi uế nhiễm, năm trược của cuộc đời để tế độ, ban vui cứu khổ- cho đời như tấm lòng của bà mẹ “nhược mẩu ức tử “ thương yêu đứa con duy nhất . Đây quả là một kỳ công hy hữu, nhiều ý nghĩa và khó tưởng tượng có thể thực hiện được, nhưng nay, hiện đứng hùng vĩ trước sân Chùa Việt Nam.
|
Trước Tôn Tượng của Ngài, trong lòng tôi làm sao ấy. Tượng bỗng trở nên to lớn, phi thường và có một giá trị vô cùng mầu nhiệm, đối với riêng tôi- một người Phật tử Việt Nam tầm thường, cùng với tất cả những người con Phật khác.

 

Ngài trắng bạch tỏa ngời, trời xanh ngát
mắt từ bi chiếu sáng khắp muôn nơi
 “thức bạch tịnh” chứa vạn hình kính ảnh
 khổ đau vừa niệm, ứng thân cứu độ
 Nam mô Bồ tát Quán Thế Âm
 Nghe danh xưng, muôn lòng tràn ân đức
 gọi tên Ngài như gọi tiếng Mẹ yêu
Tên Ngài là âm thanh vi diệu
     Là tiếng của lắng nghe
     Là tiếng phạm âm tràn đầy các cõi
     Là tiếng sóng biển cuốn trôi đời vọng niệm
     Là tiếng của lòng từ sâu rộng, thắng phục oán thù
     Nam mô Đại bi Bồ tát Quán Thế Âm
     Hạt bồ đề lăn chuyển
     đưa người về nơi bến giác
     Tay Thiên thủ lay động
     cứu gở niềm đau, về bến thanh lương
     nhành dương nước tịnh
     hạnh nguyện không sờn
     lòng Bồ tát là mẹ hiền muôn thưở
     dập tắt lửa vô mình,
     nguyện đưa nhân loài về nơi An lạc…..


Minh Thanh

Bồ tát Quán Thế Âm, tiếng Phạn gọi là Avalokiteshvara Boddhisattva. Quán là quán tưởng, có nghĩa là xét thấy bằng tư tưởng và trong tư tưởng, tức Trí năng quán. Thế là thế gian, tức Cảnh sở quán. Âm là tiếng hay âm thanh.

Quán Thế Âm có nghĩa là xét thấy, xét nghe tiếng của thế gian đau khổ, lo sợ, bởi vì tất cả chúng sanh đều có hoặc nghiệp nên mới hoà hợp với nhau mà hiện ra các khổ tướng báo thân. Cho nên, Quán Thế âm cũng có nghĩa là Trí năng quán, tiêu biểu cho Đại bi Đại từ của Đức Phật, tức Tâm. Mà tâm thời ai cũng có, vì thế, Đức ấy có thể hiện trong bất luận chúng sinh nào, từ cõi trời xuống đến cõi người, A-tu-la v.v…để độ thoát chúng sinh trong ba nẻo, sáu đuờng…”[1]

Theo Kinh, thì “Bồ tát Quán Thế Âm đã thành Phật từ vô lượng kiếp xa xưa, hiệu là Như Lai Chánh Pháp Minh, nhưng vì đại nguyện độ sinh nên ứng hoá thân để cứu độ.
Có một số ghi nhận rằng Bồ Tát Quán Thế Âm có thể loại trừ Thất nạn ( bảy nạn) như: lửa, nước, La sát, đánh chém, ngạ quỷ, gông cùm và oán thù. Hoặc Nhị cấu ( hai sự cầu xin): cầu có con trai hoặc con gái. Hoặc Tam thập Nhị Ứng tức 32 ứng thân để độ chúng sinh.” [2] như trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn đã nói.

Nhưng cần nhấn mạnh rằng, Bồ Tát Quán Thế Âm là biểu tượng của Đức Tánh Đại Từ Đại Bi của Phật, cho nên ứng hoá thân của Ngài không chỉ có chừng đó, mà là thiên hình vạn trạng, trăm ngàn vạn ức hoá thân, tùy theo khổ nạn của chúng sanh cầu nguyện, tưởng nhớ đến mà hiện thân độ thoát. Vì chúng sanh còn bị vô minh nên chiêu cảm nghiệp lực, khổ đau, lăn chuyển trong sáu nẻo trầm luân, biến thành tâm khổ nạn biến hình thay dạng vô biên, thì ứng hoá thân của Bồ Tát cũng vô cùng vô tận để tùy duyên, tương ứng, khiến giải thoát cho khỏi tâm niệm khổ đau.

Muốn tìm hiểu sâu hơn ý nguyện, tâm nguyện và hoài bảo của vị Thượng Toạ Trụ trì Trung tâm Phật giáo Chùa Việt Nam cùng chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử qua việc kiến tạo Bảo Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm nầy, chúng ta cũng cần đào xới và khái quát qua chút ít tư liệu về Lịch sử Phật giáo tại Hoa kỳ

Theo lịch sử “Phật giáo chính thức truyền vào Hoa Kỳ từ cuối thế kỷ thứ 19 do nỗ lực truyền giáo của hai đạo hữu người Mỹ ông Henry Steel Olcott và bà Phật tử người Nga Petrova Blavatsky. Cụ thể là hai vị này đã thành lập Hội Thông Thiên Học Phat giaó (Buddhist Theosophical Society) vào năm 1875 tại New York. Đó là tổ chức PG đầu tiên tại Hoa Kỳ và tổ chức này đã nhanh chóng gây được sự chú ý của giới trí thức Mỹ, cùng với sự nỗ lực của Olcott và Blavatsky, các thành viên quan trọng khác có công truyền bá trong giai đoạn đầu ở đất nước này phải được kể đến như R. W. Emerson, W. Whitman (người Mỹ); A. Dharmapala (người Tích Lan); Soyen Shaku (người Nhật); Paul Carus (người Đức) .” ( 2)  và từ đó cho đến nay, Phật giáo ngày càng lan rộng, nhất là khi có phong trào truyền bá Giáo pháp của Đúc Thế Tôn do người Tây tạng và sau nầy, do làn sóng người Việt Nam sang tị nạn tại nơi đất nước mới và đem theo truyền thống Văn hoá và Tâm linh Phật giáo Việt Nam.

Đạo Phật hiển nhiên đã và đang thấm nhuần và mở ra một chân trời mới trong bản tâm của người dân bản xứ Hoa kỳ, vì họ nhận thấy rằng Đạo Phật là một tôn giáo kỳ diệu, khoan dung và hoà bình.

Trong lịch sử truyền bá Giáo pháp của Đức Phật Thích Ca, đạo Phật đi đến đâu đều hoà đồng, xan sẻ và đối thoại, sống chung với những nguồn văn hoá tâm linh của các quốc gia đó và chưa bao giờ là nhân tố để gây nên tranh chấp, hận thù, chiến tranh.

Đã bao lần Phật giáo bị lâm vào Pháp nạn do những thế lực vũ quyền, do những tư tưởng tôn giáo cuồng tín, kỳ thị… đàn áp, tàn sát, giết hại mạng sống, đập phá những tự viện tu hành, hũy diệt kinh sách v.v…nhưng chưa bao giờ, chưa bao giờ Phật giáo mang lòng hận thù để đối đáp, trả oán…mà chỉ chịu đựng để bị giết hại, bị đánh đập hoặc tìm cách lánh nạn đi nơi khác. Phật giáo chịu đựng, bất bạo động để rồi toả ngời sáng, lan rộng khắp năm châu bằng sự khoan dung, tha thứ, cầu xin hồi hướng đến kẻ gây khổ đau cho mình. Phật giáo im lặng để vượt lên trên cao, đem mắt trí tuệ sáng soi, đem lòng từ báo đáp, thương cho những kẻ vô minh.

Văng vẳng đâu đây, lời của Ngài Lão tăng Thái Hư:” Phồn hoa ngã bất hoài vinh nhục” hay như tiếng nói của Phật giáo Việt Nam năm nào trước họng súng đạn, trước hận thù, bạo động v.v..đã nói rằng:” Chúng tôi nguyện đem xương máu để trang trải cho Đạo Pháp và Dân tộc và nếu có chết thì chết như một chân lý trước bạo lực, chứ không phải bạo lực nầy kém bạo lực khác”.

Vâng, chỉ như cái chết của một chân lý trước bạo lực, bởi vì tấm lòng của những người theo đạo Phật là cõi lòng của Hỷ Xả Từ Bi, trong sáng và không hận thù, không bạo động. đó là tinh thần vô úy .

Đạo Phật coi trọng con người vì từ con người, mọi hướng đi về các cõi, các nẻo thành hình, như kinh Hoa Nghiêm “tâm người như người hoạ sĩ, có thể vẽ nên mọi cảnh đời” . Đau khổ, hay Hạnh phúc đều do chính con người là chủ nhân sáng tạo.

Giới sát sanh của đạo Phật coi trọng mạng sống của các loài từ mạng sống của những sinh vật nhỏ bé như: trùng dế… chí đến như các loài súc sanh lớn hơn như: chó mèo heo trâu bò v.v…huống hố là mạng sống cao quí của con người.

Cho nên, đến với Đạo Phật là đến nơi vườn tâm êm ái, không hận thù, không oán ghét và thuần hương vị hoà bình, giải thoát, vì nổi đau của muôn loài cũng là nổi đau của những người mang hạnh nguyện đem lợi ích, an vui cho người, muôn vật, thiên nhiên. Chưa có một vị Giáo chủ nào trên thế gian nầy dám nói:

“Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành

Giá trị con người đã được đạo Phật đưa lên ngang hàng với Đức Phật, nếu chuyển đổi tâm chấp trước, tâm vô minh….để trở nên vị Tỉnh thức- một con người Nhân bản đích thực. Cho nên, Đạo Phật có đầy lương dược cung cấp cho con người nguồn sống tâm linh vi diệu, sáng tạo và Hạnh phúc.

Chúng tôi nghĩ đây cũng chính là đại nguyện và hoài bảo của chư Tăng Ni và Phật tử Chùa Việt Nam muốn thể hiện qua việc tạo tác bức Tượng Bồ tát Quán thế Âm, vì Ngài biểu hiện cho tấm lòng Từ bi và Trí tuệ đó và cũng đã được chánh quyền của Thành phố Houston công nhận như 1 trong 7 kỳ quan của Thành phố.

Có nhiều công trình to lớn, đồ sộ khác v.v…đã không được chọn, lại chọn Bảo Tượng nầy như một kỳ quan- chính vì Phật giáo là biểu tượng của Tôn giáo Hoà bình, phóng khoáng, An lạc, Tình Yêu thương đích thực qua những gội rửa tâm, không còn tạp nhiễm.

Ghi lại những lời tâm thành nầy, như tấm lòng kính cám ơn chư Tôn Đức Tăng Ni cùng toàn thể người con Phật tại Trung tâm Phật giáo Chùa Việt Nam, đã cống hiến cho thành phố Houston nói riêng và đất nước Hoa kỳ nói chung, một biểu tượng đầy ý nghĩa cao đẹp nầy.

Nhân đây, chúng con cũng có đôi lời kính lên chư vị Tôn Đức Tăng Ni ở mọi nơi.
Do những nghiệt ngã của Lịch sử Dân tộc, làn sóng người Việt Nam đã có mặt tại Hoa kỳ cũng như nhiều quốc gia khác, hơn 30 năm qua. Tại Mỹ, có một Cộng đồng Việt Nam quá trẻ so với những Cộng Đồng các sắc dân khác, nhưng do những cố gắng, cần cù, chăm chỉ làm việc, nuôi dạy con cái v.v…đời sống mọi người đều dần dà đi vào ổn định và từ đó, hướng tâm đến đời sống tâm linh, tôn giáo vì đời sống con người không chỉ có vật chất như cơm ăn, áo mặc. Chúng ta ra đi đem cả núi sông, đem cả văn hoá, tiếng nói, sắc thái đặc thù và cả nền văn hoá tâm linh của đạo Phật Việt Nam đến đất nước mới nầy.

Nguồn sống tâm linh và mạng mạch của Phật giáo do nơi chư Tôn Đức duy trì và truyền bá và đời sống mọi người khi đã an cư lạc nghiệp đều hướng đến. Đạo Phật sẽ làm gì và tất cả mọi người con Phật sẽ làm gì để nguồn sống tâm linh nầy luôn luôn chan hoà trong tâm thức của người Việt Nam, người bản xứ và các thế hệ mai sau ?

Chúng ta có rất nhiều những vị Tôn Đức, những vị «  vô trụ bất thủ, sứ mệnh độ sanh », những nhà trí thức Phật giáo, những vị Tăng Ni tài đức, những Phật tử tâm huyết v.v…cũng đồng thời có nhiều khoá tu đã được tổ chức khắp mọi nơi, nhiều khoá giảng pháp, nhiều cuộc hội họp v.v…bàn đến hướng đi của Phật giáo trong hiện tại và tương lai. Thật là cao quý ! Thật là hạnh phúc lắm thay!

Tại Chùa Việt Nam ở Houston đã làm được Lễ Hội Quán Âm hay Văn hoá Dân gian Việt Nam thành truyền thống mỗi năn, để làm sống lại những bản sắc của làng xã Việt Nam trên xứ sở mới. Chúng con nghĩ rằng tất cả tâm huyết của chư Ngài cũng đều mong mỏi Phật giáo được trường tôn, phổ biến và mọi người đều được thấm nhuần để cuộc sống có an lạc, hoà bình.

Đạo Phật là Đạo của Trí Tuệ và Từ bi, Giải thoát và tất cả Đức Tánh Giác ngộ  nầy cũng đều có trong tâm mọi loài. Nhưng làm sao để hạt giống Phật trong tâm mọi người được nẩy nở và trở thành nếp sống thường nhật. Chúng ta không phải chỉ đến Chùa mới tu, vì nghĩ rằng ở đó có Thầy Tổ, có tăng thân, có giáo pháp v.v…và sau đó, khi về nhà lại không mang theo được lợi lạc gì cho chính mình, huông hồ là người thân chung quanh, vì đã bỏ lại các Đức Tánh cho Chùa. Đức tánh hay hạt giống Phật trong tâm mọi người cần phải được tưới tẩm hàng ngày bằng những việc làm thường nhật, bằng hơi thở, bằng quán chiếu trong tất cả mọi hoàn cảnh, thì mới trở thành nếp sống văn hoá tâm linh.

Nếp sống văn hoá tâm linh phải thể hiện ở mọi nơi chốn, chứ không phải ở một chỗ nào nhất định. Cho nên, làm sao để Đạo Phật trở thành nếp sống, chứ không phải chỉ thuần túy là tôn giáo. Vì xem Đạo Phật là tôn giáo, chúng ta có thể chỉ có cầu nguyện, hướng mình, phóng tâm …- dù là cả tâm thành hay không- để đến một đích nào đó, nhưng…có thể bước chân đang bay hơi cao.

Đức Phật là một thể tánh thanh tịnh, sáng suốt có trong tâm của tất cả mọi người. Đó là một Thể Tánh Phổ quát, Tánh Giác mà mọi người cần tự khai phá, phát triển v.v…Cho nên, nếu chuyển được Đạo Phật trở thành nếp sống tâm linh, chúng ta có thể thấy, tiếp cận và sống với đạo Phật, với Tánh Giác trong từng sát na, từng ngày, từng tháng v.v…trong bất cứ nơi chốn, xã hội hay quốc độ nào và sẽ không bao giờ có thể bỏ đạo được, vì đó là nếp sống, là tủy của cuộc đời. Đây cũng là chất liệu tâm linh cao quý của hôm nay và ngày mai mà có phải Thầy Tổ, chư Tôn Đức trao truyền và mong muốn sinh khởi, phổ biến và để truyền đi cho các thế hệ sau, không bao giờ bị mất như :.

«  Mái chùa che chở hồn dân tộc
   nếp sống muôn đời của tổ tông »      
Huyền Không

            Vẫn biết rằng « thế giới không hoa, thân như bào ảnh » hay « thịnh suy như giọt sương rơi đầu cành »[3], vẫn biết rằng vũ trụ vốn vô thường. Tất cả mọi hiện tượng dù hữu hay vô tướng đều theo luật sanh diệt, duyên sanh ; nhưng cho dù thời gian có thay đổi như thế nào, dù hoàn cảnh có biến thiên, nhưng một khi hạt giồng thiện đã gieo, chắc chắn sẽ nẩy mầm, sinh trưởng.


Với tất cả tâm huyết, hoài bão của chư Tôn Đức đã rung tích trượng, đánh trống pháp tại đất nước mới nầy, kính mong rằng Phật giáo nói chung và Phật Giáo Việt Nam nói riêng, sẽ là nguồn sống tâm linh đóng góp, đối thoại, chia sẻ và đem lại ích lợi to lớn- mà trong đó mọi người, mọi loài - đều được sống trong An lạc và Hạnh phúc Chân thật.

Với tất cả lòng thành, kinh mong lắm thay.!

Ngày19.07.2007

 


 

[1] Tiểu luận Liên Hoa bộ hay Đại bi quán thế Âm của Cư sĩ Liên Hoa.

[2] Pháp Hoa huyền Nghĩa- Chánh Trí Mai Thọ Truyền.

 [3] Lịch sử Phật giáo tại Hoa kỳ- Thầy Thích Nguyên Tạng biên soạn.

 


http://www.buddhismtoday.com/viet/vanhoc/tiengsonghaitrieuam.htm

 


Vào mạng: 1-8-2007

Trở về mục "Văn học"

Đầu trang