Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .

Bí ẩn nhục thân các thiền sư - Kỳ 4: Thiền sư Chuyết Chuyết và hành trình tìm về sự thật

PGS-TS Nguyễn Lân Cường


Nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết sau khi phục nguyên

Ngày 10.10.1992, bà Nguyễn Thị Lan - Phó ban di tích, chính thức đề nghị tôi đứng ra chịu trách nhiệm phục nguyên nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết. Tổ công tác được thành lập ngay gồm: họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân, nhà điêu khắc Bùi Đình Quang, họa sĩ Nguyễn Đình Hiển, và tôi, chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp.

Toàn bộ chi phí cho việc phục dựng được nhiều phật tử đóng góp vẻn vẹn chỉ có 5 triệu đồng! Ngồi tính toán mãi tôi thấy đúng là chỉ đủ tiền mua sơn ta, vàng lá để dát và một số nguyên vật liệu khác. Tôi nói thẳng với anh em là kinh phí quá hạn hẹp, nên việc phục dựng xin cái tâm là chính, chứ không có công xá gì cả... Anh em trong cả tổ đều vui vẻ tán thành. Có khó khăn mới thấy được họ đúng là những người bạn tuyệt vời của tôi.

Được sự giúp đỡ của Sở Văn hóa - Thông tin Bắc Ninh, Phòng Văn hóa huyện Tiên Sơn, ngày 12.1.1993, chúng tôi đã chuyển 133 mảnh xương và 209 mảnh bồi về Hà Nội để nghiên cứu.

Cả nhóm chúng tôi trao đổi, tranh luận với nhau xem nên phục dựng toàn bộ pho tượng bằng cách nào. Lúc đầu, có ý kiến đưa ra là dùng dây đồng nối các xương lại, kết hợp với khung tre làm cốt để dựng tượng. Bàn đi tính lại mãi thấy không ổn, vì bản thân tôi muốn bên trong tượng của thiền sư chỉ nên có di cốt của ngài. Cuối cùng, cả nhóm nhất trí theo phương án từng bước như sau:

1. Tái tạo pho tượng bằng đất sét theo tư thế ngồi thiền.

2. Đổ khuôn pho tượng, bằng cách tạo các mảng khuôn.

3. Bồi sơn ta, lót vải màn, rắc mạt cưa, trộn sơn ta tất cả là 10 lớp ở mặt trong của khuôn.

4. Gắn xương vào đúng vị trí giải phẫu bằng chất liệu sơn ta trộn với mùn cưa.

5. Khi sơn ta với lớp vải màn, mạt cưa đã khô cứng lại, tiến hành phá khuôn thạch cao ở bên ngoài, gỡ các mảnh bó cốt và gắn thành hình tượng thô.

6. Tiếp theo là các công đoạn làm sơn thông thường: “bó” hai nước, “hom” ba nước, “lót” hai nước và “thí” hai nước.

7. Thếp bạc.

8. Quang dầu hai lần.

Cả nhóm chúng tôi đã miệt mài lao động trong hơn ba tháng rưỡi và sáng 1.5.1993, nước sơn quang cuối cùng đã phủ kín pho tượng, kết thúc công việc của một phương án táo bạo, mà chưa một nhà điêu khắc nào làm theo kiểu này: tượng hoàn toàn không có cốt bằng sắt, thép hay tre, gỗ làm trụ ở bên trong.

Mặt trong của mang khuôn

Phục nguyên nhục thân xong, tôi cứ băn khoăn mãi, vì không hiểu có chắc vị thiền sư mà chúng tôi phục nguyên là thiền sư Chuyết Chuyết hay không? Ban Di tích của chùa nói với tôi, vị sư trụ trì ở chùa Phật Tích trong thời gian trước chiến tranh là đại đức Hồng Đức, đã mất năm 1980 (?). Nhưng không thể chỉ có một vị sư ở chùa, nghĩ vậy nên tôi lần dò tìm mãi thì được biết còn có ông già Triệu vốn là sư bác của chùa vào những năm trước khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ.

Tìm đến thôn Mao Rộc, cách chùa Phật Tích 15 km, tôi gặp được cụ Nguyễn Chí Triệu, vốn là sư bác ở chùa bốn nhăm năm về trước. Tôi mở cặp lấy ra tấm ảnh chụp pho tượng mà chúng tôi vừa phục chế, đưa cho cụ xem. Nheo nheo đôi mắt, cụ trả lời ngay: “Đúng là cái tượng để trong khám rồng đấy”. Trở về Hà Nội, tôi lật tìm cuốn sách Phật Lục của Trần Trọng Kim xuất bản năm 1943, tới trang 95 thì thấy tác giả cũng khẳng định rõ “khám thờ Tổ đệ nhất bó cốt làm tượng...”. Lại có cả bản vẽ minh họa vị trí đặt pho tượng Chuyết Công trong nhà Tổ, nhưng không có ảnh chụp chiếc khám. Tiếp tục lục tìm kho tư liệu ảnh về chùa Phật Tích của Viện Thông tin khoa học xã hội, tôi không hề thấy ảnh chiếc khám nào. Nhưng thật may mắn khi lật tìm những tư liệu của chùa Bút Tháp, tôi chợt thấy bức ảnh mang ký hiệu số 7956 chụp một chiếc khám vào năm 1930 và có chú thích phía sau bằng tiếng Pháp “Khám gỗ chạm trổ thếp son giữ tượng nhà sư Chuyết Công”.

Chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh, cách chùa Phật Tích chỉ độ dăm cây số theo đường chim bay. Nơi đây cũng có tháp Báo Nghiêm, nhưng không hề có chiếc khám gỗ thờ Tổ đệ nhất. Chắc chắn người ta đã xếp nhầm bức ảnh này vào số ảnh của chùa Bút Tháp. Tôi lại vội vàng phóng xe máy lên gặp sư bác Nguyễn Chí Triệu để xác nhận xem có đúng chiếc khám của chùa Phật Tích không? Ông đã khẳng định đó là chiếc khám đặt tượng tổ Chuyết Chuyết. Từ những câu chuyện trên, chúng tôi suy đoán rằng: Khi kháng chiến bùng nổ, thấy chùa bị địch pháo kích, sau đó lại bị đốt cháy, nên có thể vị sư trụ trì của chùa đã đập vỡ pho tượng cổ thành nhiều mảnh nhỏ, đưa vào vại sành rồi giấu vào tháp Báo Nghiêm.

Đây chính là nhục thân của thiền sư Chuyết Chuyết vốn đặt trong khám rồng ở nhà Tổ. Thế là sự thật được minh chứng...

 

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200950/20091212010029.aspx

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/vh/bianthiensuChuyetChuyet.htm

 

 


Cập nhật: 16-12-2009

Trở về mục "Văn hóa Phật giáo"

Đầu trang