-
CHÙA VÀNG, CHÙA
BẠC MIẾN ĐIỆN
-
- Kiêm Đạt
Gọi là “chùa
vàng, chùa bạc” của Phật Giáo Miến Điện để chỉ toàn bộ những điện đài đa
phần trang trí bằng vàng khối, bạc khối ở hai trung tâm nổi tiếng: Pagan
thời cổ và Rangoon thời mới. Những điện đài nầy được kế tục kiến tạo từ
thế kỷ XI dưới triều vua Anoratha, một trong ba vị anh hùng của Miến
Điện, người chấn hưng PG. Miến Điện dịch theo từ Burma, hay Union
Myanmar, còn gọi tắt là Myanmar, hay gọi chung là Burmese Myanmar (B.
M) một trong những quốc gia Phật Giáo nổi tiếng vùng Đông Nam Á. Một lối
định danh theo nghĩa ban đầu là Pyidaungzu Myanmar Naingngandaw (thế kỷ
IV TL), mang ý nghĩa là “xứ sở nằm dọc theo bờ Đông Tây của vịnh Bengal
và biển Andaman”.
Theo thống kê
năm 2006, Miến Điện có dân số 46 triệu người trên một diện tích 677.000
kí lô mét vuông bao gồm nhiều sắc tộc cùng chung sống từ nhiều thế kỷ:
65% là người Miến Điện, 11% người Chan, 6% người Karen, và 4% gồm người
Rakhine, Chin, Kachin, Mon, Chinese, Indian, Assam và một số bộ tộc
thiểu số ít ỏi. Ở những vùng khác nhau trên đất nước nầy, các ngôn ngữ
thường được sử dụng phải kể đến: tiếng Burmese, Karen, Chin, Shan và
Kachin. Miến Điện là quốc gia Phật giáo theo truyền thống Theravada,
theo thống kê thì: tỷ lệ 87% dân số theo Phật giáo, 5% theo Thiên chúa
giáo, 4% là Hồi giáo, và 3% thuộc tín ngưỡng khác. Một thời Hồi Giáo
chủ đạo tôn giáo nước nầy.
Tính từ thế kỷ
XI cho đến nay, Miến Điện là xứ sở với số lượng đền đài chùa tháp đồ sộ
và rộng lớn khắp nơi đầy tích cách thiêng liêng huyền bí. Như tháp
Kyaktiyo, nơi đây có một khối đá to nằm chồng lên một hòn đá nhỏ hơn
nhưng không hề dính sát nhau, có thể kéo một sợi dây xuyên qua dễ dàng,
và khi khách hành hương đưa tay vào khoảng cách giữa hai khối đá, họ cảm
nhận khối đá ấy đang lung lay. Truyền thuyết và huyền thoại cho rằng:
khi xưa có một vị tăng may mắn giữ được một sợi tóc xá lợi Phật, vị ấy
vô cùng trân quý. Khi biết mình sắp mệnh chung, vị ấy lo sợ cho rằng:
Trong trường hợp mình mất đi, thì không ai có thể chú tâm đến việc gìn
giữ xá lợi quý báu ấy. Vị Đế Thích biết tâm vị ấy như vậy nên cho khối
đá hiện ra và an trí xá lợi tóc vào đó để bảo vệ. Người dân ở đây vẫn
tin vào luận thuyết đó! Ngày nay, khối đá ấy được phủ toàn vàng ròng vẫn
an nhiên đứng trong trời đất như chứng tỏ sự linh thiêng huyền bí làm
cho khách hành hương không khỏi ngạc nhiên và kính ngưỡng (theo Towards
Pagan- Zimmer-1937).
Khi
nhận định về những “chùa vàng, chùa bạc” Miến Điện, trong cuốn “2500
Year of Buddhism”, nhà sử học C. Sivaramamurti cho rằng: Trong nghệ
thuật Phật Giáo Miến Điện, các ngôi tháp nguyên thủy đơn giản hơn và gắn
liền với nguyên mẫu Ấn Độ của thể loại hình nầy. Chẳng hạn: Ngôi tháp
Ngakye Nadaun kiến tạo vào thế kỷ thứ X ở trung tâm Pagan thì giống với
tháp Dhamekh ở Lộc Uyển. Chùa Đại Bồ Đề (Mahabodhi) ở Rangoon thì lại
giống như chùa Đại Bồ Đề ở Gaya. Các ngôi tháp khác của Miến Điện vào
thế kỷ XI và XII thường xây 1/3 trên một bệ vuông và có phần phức tạp
hơn tháp Shwe-dagon hiện đại nhất ở Rangoon rất giống với một chóp đỉnh
có đầu cắt cụt được đặt ngược. Trong ngôi đền Ananda ở Pagan thuốc cuối
thế kỷ XI, những bản điêu khắc về cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni
mà trong đó, thấy rõ ảnh hưởng của phong cách Pala và Kalinga ở Ấn. Cũng
có thể dẫn thêm những mẫu truyện trích trong Túc Sanh Truyện (Jataka)
tại ngôi chùa Petleik ở Pagan. Thậm chí đến kiểu chữ ghi chép lại chú
thích Túc Sanh Truyện rất giống kiểu Vengi ở khu di tích Krishna ở Ấn.
Rõ ràng là ảnh hưởng qua lại của hai quốc gia nầy rất chặt chẻ.
Miến Điện lại có
thành phố cổ Pagan (hay Bagan) với hàng ngàn ngôi tháp đủ kiểu đủ dạng
rất sắc xảo về nghệ thuật, có nhiều Chùa Tháp to lớn như: Chùa
Shwe-dagon, tháp Manuha, tháp Thatbyinnyu… Nhưng bây giờ, thành phố nầy
hoàn toàn hoang vắng vì không còn dân chúng cư ngụ nơi đó. Thỉnh thoảng
vài đoàn hành hương đến thăm viếng vào ban ngày rồi lại ra đi. Thật ngạc
nhiên với một thành phố đầy kiến trúc công phu như thế chắc chắn là đã
trải qua một thời sung túc phồn thịnh mà ngày nay trở nên tuyệt nhiên
vắng lặng không dân cư.
Lại có một nơi
gần Mandalay, có một khu đất được an trí 9,000 tượng Phật ngồi dưới
nhiều cội cây bồ đề. Ngoài ra còn một số tượng Phật to hơn so với những
tượng bên trong được đặt thành một dãy dài hai bên trước khi vào cổng.
Và ở vùng đồi Sagaing Hills có hơn 900 ngôi Chùa với hơn 9.000 Tăng Ni,
nơi đây số lượng tu sĩ đông hơn so với dân chúng sống xung quanh.
Mặc dù trong
tình thế và bối cảnh hiện nay, Miến Điện rơi vào cuộc khủng hoảng chính
trị triền miên, tuy nhiên Phật Giáo vẫn thủ vai trò chủ đạo.
Thời kỳ Phật Giáo Miến hưng thịnh
Năm 1044, Anoratha người anh hùng dân tộc đã mở đầu một giai đoạn mới
trong lịch sử Myanmar. Pagan trở thành ngọn nguồn của đất nước, để từ
đây bắt đầu hình thành tinh thần và văn hóa dân tộc này.
Anoratha là vị vua rất sùng kính đạo Phật, nên ngay sau khi thống nhất
đất nước, ông đã rất chú trọng đến việc phát triển Phật giáo Theravada.
Do nhân duyên từ thời tuổi trẻ phải theo cha ẩn cư trong chùa. Ở đây,
Anoratha bắt đầu tiếp thu tư tưởng Phật giáo dưới sự dẫn dắt của cao
tăng Arhano, pháp danh Dhammadassi. Trưởng lão Arhano theo trường phái
Phật giáo Theravada, có tài hùng biệt, tinh thông Tam tạng, có tâm huyết
với sự phát triển Phật giáo và tinh thần quốc gia. Chính nhờ những giải
thích rõ ràng của trưởng lão Arhano mà Anoratha am tường giáo lý Phật
giáo và rất hiểu về tình hình sinh hoạt Tăng đoàn Phật giáo bấy giờ.
Vì
vậy, sau khi thống nhất quốc gia, vua Anoratha rất chú trọng tới việc
cải cách Tăng đoàn và thống nhất giáo lý Phật giáo. Vốn có sự hiểu biết
và thiện cảm với Phật giáo Theravada nên vua Anoratha đã chọn tư tưởng
Phật giáo này làm quốc giáo và đưa nó trở thành hệ tư tưởng phổ biến
trong dân chúng. Do nhu cầu muốn phổ biến rộng rãi Phật giáo trong dân
gian, nên Tam tạng Pali trở thành cần thiết. Theo lời đề nghị của trưởng
lão Arhano, vua Anoratha phái sứ giả đến xứ Thaton xin được ban tặng Tam
tạng và xá lợi Phật. Quốc vương Thaton chẳng những không cho mà còn làm
nhục sứ giả. Vua Anoratha tức giận phái quân đến đánh Thaton, kết quả
Thaton đại bại. Vua Anoratha cho thu thập kinh Tam tạng cùng các sách
văn vật tại các trung tâm Phật giáo Thaton với hơn 500 nhà sư thuộc
Thượng tọa bộ giới luật trang nghiêm, cùng các nhà nghệ thuật, thợ thủ
công… và cả vua Thaton cũng bị bắt làm tù binh (tu ở một ngôi chùa ở
Pagan). Đây là sự kiện lớn trong lịch sử Phật giáo ở Myanmar (1057),
đánh dấu sự hùng mạnh của vương triều Pagan.
Để
phát triển Phật Giáo trong dân gian nhà vua đã cho xây dựng nhiều chùa
tháp, đúc nhiều tượng Phật với kích cỡ khác nhau trên mọi miền đất nước
Tháp “Phật cung Thụy Hải” (Shwe-dagon) là ngọn tháp nổi tiếng ở Pagan
(khác với chùa cùng tên ở Rangoon). Ngọn tháp thiêng nầy được khởi công
vào muà thu năm 1059, mãi cho đến nhà vua băng hà vẫn chưa hoàn tất.
Người kế vị đã tiếp tục, hoàn thành năm 1087. Ngôi tháp hình chiếc
chuông vàng. Tài liệu lịch sử Myanmar cho biết: Trong ngôi tháp nầy có
cất giữ chiếc xương bả vai trước và chiếc răng Phật (trich Sử thoại Miến
Điện). Trong giai đoạn nầy, Ceylan là trung tâm của Phật Giáo Nam
Truyền. Vua Myanmar đã cử một phái đoàn tăng sĩ đông đảo sang thỉnh
kinh, mời tăng và học tập kinh nghiệm kiến trúc. Do đó, chùa tháp Miến
cũng ảnh hưởng mỹ thuật Ceylan không ít. Khi Ceylan bị người Madras và
người Chola xâm lăng, vua Myanmar đã cho quân lực hùng hậu sang giải
cứu. Sự bành trướng Phật Giáo Nam truyền lại được lan toả từ quốc gia
nầy.
Đền tháp Pagan
Trong lịch sử kiến trúc vùng Đông Nam Á, sau Borobudur và Angkor, thì
phải kể đến khu vực những đền tháp Pagan (Vạn Phật Tự). Qua thời gian,
Pagan bị hoang phế lâu đời. Những gì còn lại là do khai quật và chỉnh tu
khoảng 1945-1946. Chính những công trình kiến trúc và điêu khắc nầy
đã đem lại niềm tự hào của nền nghệ thuật kiến trúc Á Đông tiêu biểu.
Không ở đâu trên đất Á Châu, kể cả đất Ấn Độ, chỉ tại một khu vực nhỏ
thôi mà mật độ các di tích chùa tháp lại dày đặc như tại Pagan.
Thành phố cổ Pagan chỉ có diện tích khoảng 40km2, quy hoạch bình đồ
vuông, nằm trên bờ sông Iraouaddhi. Theo những truyền thuyết kể lại
thì vua Anaoratha bắt đầu theo Phật Giáo, liền sai sứ thần sang nước
láng giềng Thaton của người Môn vốn theo đạo Phật để cung thỉnh một
số kinh sách về phiên dịch. Nhưng vua nước Thaton khước từ. Vua
Anoratha đem binh sang chinh phạt Vương quốc Thaton, không những thu
hồi được nhiều kinh sách và tượng Phật Giáo, mà còn bắt nhiều thợ thủ
công của Thaton đưa về Pagan, để tham gia ngày đêm trong việc xây
dựng chùa tháp Pagan. Pagan hồi đó là kinh đô văn hoá lớn.
Cùng với việc biên dịch và hiệu đính toàn bộ Tam tạng, vua Anoratha liền
cho xây dựng một tòa lầu trang nghiêm hùng vĩ, cất giữ các bộ Tạm tạng
để cúng dường Phật, đồng thời còn cho xây dựng nhiều chùa, tháp khắp đất
nước Myanmar, trong đó, nổi tiếng nhất là tháp Shwe-dagon. Khi nhà vua
qua đời, ngôi tháp này vẫn chưa xây xong, con ông tiếp tục hoàn tất.
Ngôi tháp hình chiếc chuông vàng, trong tháp cất giữ thánh vật là chiếc
xương bả vai trước và chiếc răng của Đức Phật. Pagan trở thành một đô
thị tâm linh, một cõi đi về của cội nguồn dân tộc Myanmar. Chính nhờ sự
tận lực hộ trì của vua Anoratha, nên Phật giáo vương triều Pagan đã trở
thành trung tâm văn hóa Phật giáo Nam truyền lúc bấy giờ. Vua Sri Lanka
có lần sai xứ tới Myanmar để thỉnh cầu vua Anoratha ban cho Tam tạng
kinh và cử tăng đoàn sang Sri Lanka truyền thừa giới pháp. Vì những cống
hiến to lớn cho Phật giáo của Anoratha, nên nhà vua được tôn là “vua
Asoka” của Myanmar.
Sau khi Anoratha qua đời, người kế nghiệp bất tài, nên đã xảy ra phản
loạn. May thay, một người con khác lên nối ngôi, tên là Tilinman đã củng
cố lại vương triều. Đây là một vị vua anh minh và cũng là một Phật tử
thuần thành, ông tiếp tục mở mang lãnh thổ, phát triển đất nước, và đưa
Pagan bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất. Tilinman đã xây cho mình
một đài kỷ niệm xứng danh, đó là chùa Ananda. Ananda nổi lên lộng lẫy
giữa đô thị cổ Pagan, đứng một mình ngạo nghễ giữa trời xanh và thách đố
với thời gian.
Năm 1300, vó ngựa xâm lăng của Mông Cổ buộc những cư dân ở đây phải rời
bỏ thành Pagan cổ kính thiêng liêng, mặc cho những cơn gió cuốn theo lớp
bụi vàng của vùng cao nguyên cháy nắng phủ lên những đền đài trầm mặc,
cô tịch. Vương triều Pagan tồn tại gần 3 thế kỷ và đều lấy Phật giáo
Theravada làm quốc giáo. Điều này không chỉ có ý nghĩa thuần tuý về mặt
tôn giáo mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành quốc gia
dân tộc, và văn hóa Phật giáo đã trở thành một bộ phận không thể thiếu
được trong nền văn hóa Myanmar.
Lúc nầy có trên 5,000 chùa
tháp, nhưng qua thời gian và chinh chiến hiện nay chỉ còn khoảng 2,300
ngôi chùa tháp. Hầu hết những chùa tháp Pagan được kiến tạo vào khoảng
thế kỷ XI- XII, dưới triều đại Pagan. Những nhà khảo cổ UNESCO cho rằng:
"Pagan là cả một rừng kiến trúc Phật Giáo Tiểu Thừa". Cũng tại đây, đã
chứng minh rõ nét nhất về tinh hoa và tài năng của dân tộc Miến Điện
được thể hiện qua các đền tháp, biểu hiện phong cách kiến trúc truyền
thống Miến Điện trong giai đoạn hình thành và phát triển. Phật Giáo phát
triển tại Miến Điện bởi những sắc dân người Môn và người Piuk, vốn từ Ấn
Độ sang. Cho đến năm 1001, triều đình Miến Điện đã thừa nhận vị Tăng
Thống của Phật Giáo là Đại Lão Hoà Thượng tại Pagan.
Pagan một thời là kinh đô
của triều đình vua Anoratha. Pagan được kiến tạo từ đó. Pagan có tên
cổ là Arimadda Napura có nghĩa là "Thành phố đạp chân lên kẻ thù", ám
chỉ sự chiến thắng những bộ tộc người Môn tại Thatôn.Đi từ cổng đền vào,
có hai ngôi đền thờ, khắc chạm hình những Maha Girinat. Đây là vết
tích của đạo Nak có từ trước của người dân Miến.Đi vào trung tâm của
khu vực nầy, tất cả những đền tháp đều có tên (phần đuôi) là "Cetiya"
hay là "Gu" (tháp hay chùa).
Theo danh từ Phật học, "Cetiya"
biểu trưng cho Phật và Pháp. Cetiya gần với khái niệm "Stupa" (Tháp)
của Ấn Độ. Tất cả có đến 2,289 Cetiya. Những ngôi tháp ở Pagan được
phân chia ra làm 4 loại khác nhau, tùy tầm cỡ và tùy phong cách: Loại
thứ nhất là loại stupa (tháp) hình bầu, hơi giống như kiểu tháp
Chorten của Tây Tạng, Boutan. Ngôi tháp có niên đại sớm nhất của loại
nầy xuất hiện vào thế kỷ VIII có tên là Pupaya, do những thổ dân người
Piuk xây lên. Loại thứ nhì là một loại Stupa hình quả chuông, ở giữa
có những đường gờnổi lên, trang trí bằng những hoa văn. Chóp của loại
tháp nầy là đỉnh cao nhất của những đường gờ bao quanh. Không xác định
được niên đại của loại tháp nầy, nhưng nhiều tư liệu cho biết là triều
đình vua Aniruddha rất tán thưởng phong cách kiến trúc nầy. Những
Stupa loại này có nền hình bát giác, có 1 hay nhiều tầng,với những hồi
lang bao quanh. Thông thường thì Stupa và nền được xây dựng lên trên một
hình Kim tự tháp khổng lồ. Loại thứ ba cấu tạo theo kiểu hình chuông
và cũng có những đường gờ ở giữa. Nền hình tròn hay hình bát giác.
Trên đỉnh vòm chuông được kiến trúc theo hình bát giác. Tất cả được
trang trí hài hoà và cân đối. Loại thứ tư cũng cấu trúc hình chuông,
có nền tròn, nhiều bậc, không có hành lang rộng, không có những đường
gờ. Hầu hết bên ngoài những chùa tháp Myanmar đều có tạc Thần Hộ Vệ.
Những vị Thần chính nầy phải kể: Thần Virupaksa, Thần Virudhaka, Thần
Dhtarastra và Thần Kubera. Những tượng nầy rập theo khuôn mẫu ở chùa
tháp Bharhut (Ấn). Ảnh hưởng Ấn Giáo còn đọng lại với tượng Vichnou và
tượng Shiva.
Nhìn
chung lại, cách loại Ceytiya kể trên không giống như kiểu kiến trúc
Ấn Độ cùng thể loại nầy. Chức năng của những tháp nầycũng hoàn toàn
khác, vì toàn bộ dùng cho những hoạt động tôn giáo. Họ muốn nêu lên
biểu trưng của Niết Bàn, mục đích cao nhất trên con đường tu hành. Nền
Kim tự tháp gợi lên hình ảnh của vũ trụ, không gian hiện đang sống.
Những đền tháp ở đây đều dựa theo mô hình kiến trúc Tích Lan và Ấn Độ.
Người Miến Điện thường xây đền tháp trên những đỉnh đồi, vì họ quan
niệm càng lên cao chừng nào thì tâm hồn càng thanh thoát và xa trần tục
bấy nhiêu. Tại Pagan còn có một loại hình kiến trúc Phật Giáo khác nữa:
loại đền Gru. Những loại đền nầy được thiết kế trong những hang động
và những giả sơn (Gru có nghĩa là hang). Phần bên trong của những đền
hang nầy là một hệ thống hang động và các phòng vòm. Kiểu vòm nầy rất
phổ biến trong những kiến trúc Phật Giáo tại Miến. Đây không phải
khuôn rập theo kiến trúc Ấn Độ, mà thực chất là của người Piuk thường
xây. Đa số những ngôi đền tại Pagan được xây dựng trên những khu vực
đất bằng phẳng và có nguồn gốc từ những Stupa. Quá trình hoàn thành
các công trình nầy là do người Ấn, người Môn và người Piuk hợp tác.
Đến Myanmar là bước vào một thế giới khác với hương vị, cảnh quan, và
cảm giác hết sức quyến rũ, với một bầu không khí thật sự khác thường.
Rangoon, thủ đô của Myanmar, là một nơi kết hợp hài hoà giữa truyền
thống và hiện đại, giữa một bên là một nền văn hoá Miến Điện thực thụ
hoà cùng với những di sản thời thuộc địa sót lại, vẫn còn tồn tại hàng
thập kỷ sau khi Anh quốc rút lui. Nhịp đập của thành phố hoà nhịp cùng
những con đường rộn rã của nó, tạo nên một nét rất riêng của đất nước:
người Myanmar. Chùa Kyaikhtiyo là một trong những ngôi cổ nhất và nổi
tiếng nhất trong tất cả các ngôi chùa ở Myanmar. Chùa Kyaikhtiyo toạ lạc
gần thị trấn Kyaikhto, quận Thaton và nhiều người tin rằng nó được xây
dựng trong thời gian Đức Phật còn sống, trên 2.500 năm trước. Theo
truyền thống của đạo Phật, tên ngôi chùa này được bắt nguồn từ "Kyaik"
có nghĩa là "chùa" và "yo" có nghĩa là "ngự trên đầu của nhà ẩn dật";
còn trong tiếng Pali thì "ithi" nghĩa là "một nhà ẩn dật" và vì thế
Kyaikhtiyo hàm ý "ngôi chùa mang đầu của nhà ẩn dật". Bởi vì truyền
thuyết kể rằng sau khi một người tu hành xuống tóc vì Đức Phật thì không
còn quyến luyến gì trần đời và toàn tâm đi tìm miền cực lạc. Nơi đây có
một tảng đá thiêng, được bao bọc bởi những lá bằng vàng dát mỏng, nằm
cheo leo trên bờ một vách đá. Truyền thuyết kể rằng, sở dĩ tảng đá giữ
vững được vị trí của nó là nhờ có một sợi tóc của Phật Tổ được đặt ở một
vị trí chính xác trong một cái tháp thờ cao đến 7,3m nằm trên khối đá
này.
Ngôi chùa được xây dựng trên một tảng đá tròn, hình quả trứng rất to
lớn trên độ cao 1.100m so với mặt biển. Đây là một công trình kiến trúc
tôn giáo nổi tiếng thế giới, một di sản văn hoá khổng lồ của nhân loại.
Trước khi tới Yangon, những người nước ngoài đều đã có khái niệm sơ bộ
về kỳ quan này qua sách báo, phim ảnh hoặc lời kể. Điều đáng nói là
khoảng cách giữa khái niệm và thực tế là rất lớn, điều này tạo ra niềm
hứng thú và cảm phục cho mọi người như khi chính ta đang đứng trước
Angkor vĩ đại. Quần thể kiến trúc to lớn này toạ lạc trên đỉnh một khu
đồi lớn với nhiều hệ thống bậc thang trải dài xuống tận chân đồi và một
hệ thống thang máy hiện đại. Từ dưới chân núi, bạn chỉ nhìn thấy duy
nhất chởm đá nhô ra phía ngoài; nhưng khi lên đến đỉnh, cảnh quan diễn
ra trước mắt là một quần thể kiến trúc thống nhất. Ngôi chùa Kyaikhtiyo
cao gần đến 30mét với vô vàn tượng Phật được đặt khắp ngóc ngách, đặc
biệt có một số tượng Phật được trang điểm bằng hàng nghìn viên đá quý,
hàng trăm viên kim cương với hàng trăm chiếc chuông vàng. Toàn bộ khuôn
viên chùa vàng có kích thước hình chữ nhật, cao hơn mặt bằng thành phố
20mét. Từ 4 hướng chính có 4 dãy cầu thang có mái ngói che phủ. Dãy cầu
thang dài nhất có 175 bậc, dãy ngắn nhất 104 bậc. Hai bên các dãy bậc
thềm là hàng loạt các nhà nghỉ cho khách hành hương. Để leo lên đến được
đỉnh núi dài 12km tính từ vùng Kimmunsakhan, du khách phải leo bộ qua 20
trạm nghỉ khác nhau với các quán cóc nhỏ phục vụ đầy đủ các loại nước
giải khát và trái cây. Tuy nhiên, điểm hấp dẫn mọi người nhất là trong
suốt quãng đường dài như thế, không một tia nắng nào có thể ảnh hưởng
đến vì các tán lá cây rộng lớn có thể che mát mọi người.
Tài liệu
- Nouvelles Recherches
Archéologiques à Pagan – Tome XI - J. Auboyer – 1954 -
- The Art and Architecture of
Myanmar - A. Salmony – 1924 -
- Buddhist Art in South East
Asia – Ph. Bodel – 1925 -
- Towards Rangoon – H.G. Wales –
1967 -
http://www.buddhismtoday.com/viet/vh/chuavangchuabacMienDien.htm