Dư Âm Trại Hè Nam Thiên 2008
Tâm Trụ
Sau một tuần lễ (kể từ ngày 21/06/2008 đến ngày 28/06/2008), khóa
SINH HOẠT HÈ - CHÙA NAM THIÊN đã khép lại, nhưng dư âm vẫn còn động
mãi đến ngày hôm nay. Đây là khóa sinh hoạt đầu tiên dành cho lứa tuổi
thanh thiếu niên được tổ chức tại tỉnh Daklak, tuy thời gian ngắn ngủi
nhưng cũng đạt được kết quả nhất định, đó là nội dung sinh hoạt đã mang
lại cho các em phần nào vốn kiến thức về đạo Phật, về những mối quan hệ
giữa con người với nhau và còn thắp sáng niềm tin, định hướng nhân cách,
giúp các em trưởng thành trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Sau đây là
diễn biến của hội trại vừa qua:
THỜI KHÓA BIỂU TRẠI SINH HOẠT HÈ
CHÙA NAM THIÊN - DAKLAK
04h 30: Thức chúng
05g 00: Ngồi Thiền
05h 30: Tụng kinh
06h 00: Thể dục
06h 15: Vệ sinh khu vực
06h 30: Ăn sáng
07h 30 – 09h 00: ĐẠO ĐỨC HỌC ĐƯỜNG
09h 15 – 10h 45: PHẬT PHÁP VÀ TUỔI TRẺ
11h 15: Ăn trưa
12h 00: Nghỉ trưa
13h 30: Thức chúng
14h 00 – 15h 30: KỶ NĂNG – NGOẠI KHÓA
15h 45 – 16h 30: THỂ LỰC
17h 15: Ăn chiều
18h 15: Tụng kinh
19h 00: PHÁP ĐÀM – SINH HOẠT NỘI BỘ
20h 15: Lễ Phật
20h 30 – 21h 00: Ngồi thiền
21h 45: nghỉ tối.
* Ngày đầu tiên của hội trại (21/06): buổi sáng, sau khi lễ KHAI MẠC
kết thúc, các trại sinh được vui chơi tự do, giao lưu và làm quen với
đời sống trại. Cũng bởi lần đầu rời xa gia đình bước vào đời sống tập
thể, các em còn rất bở ngở và thấy xa lạ, do mọi thứ sinh hoạt ở chùa
không giống ở nhà. Hơn nữa quy định của Ban Tổ Chức, khi các em tham gia
sinh hoạt trại hè ở đây, tất cả đều phải ăn chay, phải lễ Phật, tụng bài
kinh ngắn (LỜI KHẤN NGUYỆN DÀNH CHO TRẺ), những lời nguyện này
hằng sâu trong tâm tưởng các em từ bây giờ, sẽ là kim chỉ nam cho các em
trong cuộc sống mai sau. Và còn ngồi thiền trong suốt thời gian trại,
mục đích nhằm tạo tiền đề cho các em quen dần với việc tu, thông qua đó
giúp các em phát triển về mặt tâm linh mà cũng là nền tảng để xây dựng
đạo đức một cách thiết thực nhất. Không hình ảnh nào đẹp và xúc động
bằng khi chúng ta nhìn thấy cả hội chúng thanh thiếu niên ngồi thiền
nghiêm trang dưới ánh đèn đủ sáng trong đêm tịch mịch.
Buổi chiều, bắt đầu vào thời khóa chính thức. Chương trình sinh hoạt
hằng ngày bao gồm tu, học, rèn luyện thể lực và vui chơi giải trí. Nhìn
vào lịch sinh hoạt được niêm yết trước Giảng đường, phải nói rằng Ban Tổ
Chức chùa Nam Thiên rất khéo sắp xếp, lên chương trình thật logic, thấy
giờ giấc khít khao nhưng vẫn chừa một khoảng trống thoải mái, tức là
suốt một ngày, các em không chỉ có tu và học mà có sự lồng ghép, đan xen
với các hoạt động vui chơi, giải trí khác như tập hát, tập cắm hoa, tập
nấu ăn, tham gia các trò chơi ngoài trời, rồi đố vui giáo lý, giao lưu
văn nghệ, v.v…Những điều này nhằm đáp ứng nhu cầu của tuổi trẻ “Có tu,
có học mà vẫn được chơi và trong cái chơi vẫn có tu” thì như thế mới
lôi cuốn được các em đến với đạo. Tuy nhiên, một hai ngày đầu, do thay
đổi môi trường và tâm lý đột ngột khiến một số em bị bệnh và không ít em
khóc đòi về vì nhớ nhà. Quý Thầy, các cô bảo mẫu, các anh chị huynh
trưởng rất là vất vả, phải vừa vổ về, an ủi, vừa chăm sóc tận tình. Lúc
ấy, 2 thầy Đại đức Thích Tánh Khả và Thích Tuệ Minh đành pha trò, hòa
đồng với các em trong những trò chơi nhỏ, kể những câu chuyện vui, bắt
giọng những bài hát tập thể nhằm tạo không khí vui nhộn, giúp các em
quên đi cảm giác buồn và quen dần với nếp sống cộng đồng, bởi tính trẻ
là tính năng động, ham vui. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là tình thương
của những người lớn dành cho các em mà chúng cảm nhận được qua cử chỉ
thương yêu, quan tâm, ân cần, chăm sóc, chia sẻ…
Trong đó người quan tâm và chịu trách nhiệm lớn nhất là thầy trụ trì
Thích Giác An, nhìn thầy lo toan mọi việc suốt từ lúc chuẩn bị cho đến
từng ngày trực tiếp ở trại đây mà mọi người phải kính nể và thán phục.
Lúc nào thầy cũng lo lắng, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu tốt nhất cho
trại sinh. Để trại hè được viên mãn, thầy chú trọng nhất là vấn đề sức
khỏe và sự an toàn của các em, vì vậy thầy chỉ thị cho Ban Đời Sống phải
chú ý khâu dinh dưỡng, nước uống cần bảo đảm vệ sinh và thức ăn thì được
cải biến liên tục, làm thế nào để các em ăn nhiều, ngon miệng. Ngoài ra,
Ban Y Tế cũng phải chuẩn bị thuốc uống đầy đủ để trị liệu kịp thời khi
cần. Mỗi tối khi các em ngon giấc, quý thầy và các anh chị huynh trưởng
chưa thật yên tâm, phải đảo một vòng, kiểm tra tất cả khâu, xét thấy ổn
hết rồi mới đi nghỉ. Nhận thấy mọi chi phí cho trại hè trong khoản thời
gian 7 ngày với số lượng gần 300 em, không phải là nhỏ, đến nổi tấm lòng
hy sinh của quý thầy, các em trại sinh cũng cảm nhận được. Em Phạm Đỗ
Tường Vi – nhóm CHÁNH NGUYỆN đã ghi vào trang nhật ký của mình “…con
biết thầy, cô nào mình cũng phải thương, phải quý nhưng con không thể
dối lòng, con quý thầy Tánh Khả nhất, có lẽ các bạn cũng nghĩ như con
vậy. Bởi lẽ, Thầy quan tâm chúng con đến mức quên ăn, bỏ ngủ, luôn tạo
cảm giác thân thiện, gần gủi cho chúng con quên buồn. Ôi! Thầy là thầy
tiên xanh của chúng con.
Không những chỉ có thầy Tánh Khả trực tiếp quan tâm chúng con mà thầy
Giác An đứng bên trong lo toan bao nhiêu việc vì miếng ăn, giấc ngủ, học
hành cho chúng con. Giờ con mới biết đàng sau sự bận rộn ấy là cả một
tình thương vô bờ bến mà quý thầy, các cô, các anh chị huynh trưởng đã
dành cho chúng con…”.
Qua đó, cho thấy tinh thần vấn thân phụng sự của các vị Tăng Ni trẻ và
phật tử nhiệt tâm hộ đạo thời nay thật đáng trân trọng.
Rồi mọi khó khăn cũng đi qua, đến ngày thứ ba, các em tiến bộ rõ rệt,
nhìn các em vui vẻ, nụ cười luôn rạng rở mà ai nấy thảy đều vui lây. Đến
thời điểm này các em đã quen với lối sống tập thể, đa phần các trại sinh
biết nhường nhịn, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau, gặp người lớn biết cúi đầu
chào hỏi, nói năng lễ phép, có tinh thần học tập tốt hơn. Đây là dấu
hiệu tốt ban đầu, rất đáng mừng đối với những người đã tận tụy hết mình,
chăm lo, dạy dổ các em trong mấy ngày qua. Có thể nói niềm vui này không
thể mua được, chỉ có thể cảm nghiệm và luôn còn lắng đọng mãi trong tâm
hồn của người dấn thân phục vụ.
Để có được kết quả đó, phải nói rằng nhờ vào công lao giảng dạy của các
vị Giáo Thọ Sư, đó là TT. Thích Viên Giác, TT. Thích Minh Tâm, TT. Thích
Viên Trí, TT. Thích Thông Hiền, ĐĐ. Thích Thiện Thọ, ĐĐ. Thích Tuệ Minh,
ĐĐ. Thích Thiện Thuận, ĐĐ. Thích Giác Thiện, qua môn học PHẬT PHÁP VÀ
TUỔI TRẺ, với các đề tài như: Ý NGHĨA TAM BẢO, TÌNH YÊU TRONG ĐỜI
SỐNG, HÀNH TRANG CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ, NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý, TUỔI TRẺ VÀ
TÌNH YÊU, NĂM BÀI HỌC QUAN TRỌNG CỦA CUỘC ĐỜI, VỀ NHÀ, NGHI LỄ PHẬT GIÁO…
Đây là những bài học mang tính đạo đức tôn giáo, nhằm trau giồi cho các
em một nhân cách vững vàng, đáp ứng những khó khăn mà tuổi các em gặp
phải hằng ngày, đồng thời xây dựng một đời sống gần gũi với lời Phật dạy
ngay từ khi các em còn nhỏ.
Ngoài ra, kết hợp với môn học ĐẠO ĐỨC HỌC ĐƯỜNG do cư sĩ
Tường Phổ, Tường Nguyên, Khánh Chiếu Nghĩa, Tâm Trụ đảm nhiệm, thông qua
các đề tài bổ ích cho cuộc sống như HIẾU KÍNH CHA MẸ, TÔN TRỌNG THẦY
CÔ, TỬ TẾ VỚI BẠN BÈ, ĐOÀN KẾT YÊU NƯỚC…đã gieo mầm đạo đức, giúp
các em tăng trưởng khả năng nhận thức, khả năng giao tiếp. Có như vậy
mới kìm hãm được những tác hại từ môi trường xấu làm ảnh hưởng đến tâm
hồn của trẻ thơ.
Những người làm công tác giáo dục đều nhận biết “Thế giới của các em
ngày nay không còn đơn giản, hiền hòa như thế giới của người lớn trước
kia”. Hiện tại các em sống với nhiều sự thử thách của xã hội qua bạn
bè, TV, video game, internet…nên rất cần sự hổ trợ từ đạo lý nhà Phật.
Thông qua đạo đức Phật giáo, lấy đạo lý NHÂN QUẢ làm gốc, sẽ giúp
các em thanh lọc những điều xấu ra khỏi cuộc đời và tự em trở thành
người hữu ích cho xã hội. Còn môn Đạo đức các em được học ở trường tuy
cũng giúp ích cho bản thân nhưng không có chiều sâu tâm linh, nên không
đủ sức đề kháng ! các em vẫn dễ bị sa ngã trước cám dổ và tiêm nhiểm
thói hư tật xấu, bởi vì tuổi thanh thiếu niên là tuổi tìm hiểu về bản
thân và những gì xãy ra chung quanh. Nếu các em không có được một định
hướng đúng thì sẽ trôi lăn theo cuộc đời mà thôi. Đó là lý do mà hết nơi
này, nơi kia, chúng ta thấy quý thầy Tu sĩ PG thường tổ chức khóa tu
dành cho tuổi thanh thiếu niên là vậy.
Tuy nhiên, cái khó của vị thầy giáo thọ là hội chúng trước mặt mình,
trình độ hiểu biết và nhận thức không đều nhau. Có em quá nhỏ nên quý
thầy phải giảng sát thực với cuộc sống và đảm bảo các em thực tập được
cho bản thân, từ đó các em mới có tinh thần vui thích để học. Ở đây,
chúng tôi nhận thấy, vào những giờ đố vui giáo lý, giờ pháp đàm, các
trại sinh học tập rất sôi động, mạnh dạn phát biểu ý kiến, rồi thì dựa
vào nhận thức của mỗi em mà quý thầy cho lời khuyên hoặc giải thích, mục
đích là hướng các em vào con đường đạo đức. Những tưởng các em nhỏ, sợ
không hiểu hết ý quý thầy giảng dạy, nhưng không! các em đặt ra những
câu hỏi rất thông minh và thú vị khiến quý thầy giáo thọ không ngờ được.
Ví dụ một em đặt câu hỏi: Thưa thầy, người xuất gia tu hành chưa trả
hiếu cho cha mẹ, như vậy quý thầy, quý sư cô có bị mất đạo hiếu không”?
hoặc “ Khi còn là Thái tử Tất Đạt Đa, Ngài có cha là vua Tịnh Phạn và
mẹ là hoàng hậu Ma Da, nhưng tại sao khi thành Phật Thích Ca thì Ngài
không còn cha mẹ nữa”; hoặc khi được hỏi: Tình yêu là gì? Hãy kể
những quan điểm sai lầm trong tình yêu thì mỗi em định nghĩa, lý
giải mỗi cách nhưng tụ chung lại đều nêu bật được ý nghĩa đó.
Chúng ta thấy thanh thiếu niên ngày nay nhận thức chuyện đời quá sớm
“thể xác tuy nhỏ nhưng sự hiểu biết lại không nhỏ”. Tuổi mới lớn có
nhiều vấn đề rất tế nhị, nếu hiểu sai lệch thì hậu quả không lường được.
Vì vậy các em cần được giáo dục theo chánh pháp, để rồi biết ứng dụng
Phật pháp vào cuộc sống, biết điều chỉnh quan niệm về tình yêu một cách
đúng đắn. Đây là rào chắn trước sự tấn công bởi phương tiện truyền thông
hiện đại, bởi chúng bạn và thường là những điều thiếu lành mạnh.
Điều này Phật Giáo đã làm được, vì đạo Phật có một triết lý sống rất là
đặc sắc “Tất cả pháp đều là Phật pháp”, nên giới Tu sĩ đã góp
phần cùng với xã hội rèn luyện nên những con người đạo đức, thánh thiện
đó. Tuổi thơ là tương lai của gia đình, xã hội và của giáo hội. Ước gì
mọi người luôn ý thức mãi về điều này để cùng chung tay gầy dựng những
thế hệ mầm non ngày một tốt đẹp hơn.
Đến với trại hè, các em trại sinh không chỉ có tu và học mà còn được rèn
tính tự lập. Ở nhà, có nhiều em quen sống được nuông chìu, mọi sinh hoạt
đầy đủ tiện nghi nên thường ỷ lại, kiêu căng. Đến tuổi đáng ra tự mình
biết lo cho bản thân và phụ giúp người khác thì các em đây không biết
làm gì hết, mọi chuyển đổ xô cho người chung quanh, riêng cái gì tốt,
đẹp thì dành lấy cho mình. Các em quen sống hưởng thụ, ích kỷ nên dễ gây
đau khổ cho người thân, cho bạn bè và cho chính mình. Bây giờ ngược lại,
khi đến sinh hoạt trại hè, tất cả các em phải làm mọi việc như tự giặt
quần áo, thu xếp chổ ngủ, dọn cơm, rửa bát, quét nhà và còn giúp đỡ,
chia sẻ cho nhau nữa. Nhờ vậy các em sẽ biết quý trọng cuộc sống và
tương lai của mình. Em Nguyễn Minh Hiền – nhóm CHÁNH TRÍ phát biểu
“Lên chùa tự làm một số công việc hằng ngày, con mới biết bố mẹ cực khổ
thế nào để lo cho con. Trước đây con quen sống ỷ lại, việc lớn nhỏ nào
cũng chờ mẹ làm cho mình mà quên đi rằng mẹ còn phải làm việc kiếm tiền
nuôi con. Bây giờ nghĩ lại, con vô cùng hối hận, con xin hứa khi rời
chùa Nam Thiên về nhà, con sẽ là đứa con ngoan của ba mẹ, sẽ cố gắng học
hành và tự chăm sóc cho mình để mẹ con đở vất vả hơn…”.
Và để giúp các em có được khả năng tự lập, các cô trong Ban Ẩm Thực đã
dạy nấu ăn. Trong giờ thực tập nhìn các em xắt, gọt, nấu nướng… thấy vui
ghê! Đặc biệt các em nam cũng tập nấu ăn rất nhiệt tình. Có lẽ các em
thấu hiểu nghề dinh dưỡng bây giờ không còn độc quyền của nữ giới. Ngày
nay, các đầu bếp trưởng trong các nhà hàng lớn đều là nam đấy. Thật vậy,
nhìn thấy các em trai nấu ăn bao giờ cũng sáng tạo và nhanh hơn các em
gái.
Chẳng phải chỉ nấu ăn, đối với môn học cắm hoa cũng vậy. Cô Tường Nguyên
hướng dẫn kỷ thuật cắm hoa cho các em đã nhận xét “Hoa thật là đẹp
nhưng cắm hoa như thế nào để tôn lên vẻ đẹp ấy thì không phải là việc ai
cũng làm được, nó đòi hỏi sự khéo tay đặc biệt. Ở đây, chỉ vài giờ thực
tập, các em đã cắm được những bình hoa xinh xắn như thế là tốt rồi,
nhưng điều đáng nói là nhân dịp này còn phát hiện ra những em trai có
năng khiếu cắm hoa, thật bất ngờ”.
Ngoài ra với tính năng giáo dục của nghệ thuật, anh Thiện Phước cũng đến
chia sẻ kinh nghiệm chụp ảnh với các em, giúp các em khám phá thế giới
của hình ảnh rất phong phú để có thể chụp những tấm ảnh đẹp.
Mặt khác, khoản thời gian sôi nổi và vui tươi nhất đối với trại sinh có
lẽ giờ học hát. Qua các bài hát với tựa đề TỔ QUỐC VIỆT NAM, VESAK
THIÊNG LIÊNG, MÁI CHÙA YÊU THƯƠNG, AI BIẾT…Cô Khánh Chiếu Nghĩa đã
hướng dẫn các em tập hát rất hào hứng.
Chúng ta thấy chương trình của trại hè, không những các em được học giá
trị sống mà còn học kỷ năng sống, mục đích giúp trại sinh lớn lên từng
ngày về mọi mặt cả đức dục và trí dục.
Đặc biệt trong đêm thứ năm, tất cả trại sinh tham dự lễ THẮP NẾN CẦU
HÒA BÌNH rất trang nghiêm và cảm động. Qua việc làm này để giới trẻ
có cái nhìn về con người và thế giới theo quan điểm Phật giáo; đồng thời
thấy được những giá trị đạo đức thiết yếu trong mối quan hệ cuộc sống cá
nhân với cộng đồng. Từ đó tập cho các em có được tinh thần trách nhiệm
đối với tha nhân, đối với xã hội mà mình đang sống.
Và rồi dưới ánh sáng lung linh của một ngàn ngọn nến trong đêm, không ai
tránh khỏi xúc động khi nhìn vào hàng trăm khuôn mặt trẻ thơ, đang hướng
tâm lên tượng đài BỒ TÁT QUAN THẾ ÂM, cầu nguyện cho Quốc
thái – Dân an. Ôi! Nhìn sự thành kính của các em sao mà trong sáng, đẹp
đến lạ lùng. Tôi không thể diễn tả cảm xúc có được trong thời khắc
thiêng liêng đó mà chỉ phó mặc cho tình cảm mình trượt dài giữa cái se
lạnh cuả núi rừng cao nguyên với sự ấm áp của tình người.
Vùng đất Cao nguyên rất nhiều muỗi, đặc biệt muỗi rừng thường gieo mầm
bệnh độc hại cho con người. Vì vậy BTC trại hè mời
Bác sĩ Tiến đến trao đổi với các em về PHƯƠNG PHÁP PHÒNG CHỐNG BỆNH
SỐT RÉT và Sư cô Thích nữ Huệ Nguyên được mời đến hướng dẫn các em
về đề tài TÂM LÝ NỮ GIỚI. Đây là môn học GIÁO DỤC SỨC KHỎE
cũng được BTC chú trọng, đưa vào chương trình dạy trong khóa sinh hoạt
hè này.
Không chỉ chừng ấy, hiện trạng Tây Nguyên ngày nay, xe cơ giới và người
đi bộ tham gia lưu thông trên đường quá đông, nhất là những khu vực đông
dân cư như trường học, bệnh viện, cơ quan…thường xãy ra tai nạn giao
thông trên đường. Cảm thấy tầm quan trọng của vấn đề AN TOÀN GIAO
THÔNG, BTC đã mời anh Nguyễn Anh Tuấn – cán bộ CAGT đến thuyết trình
cho trại sinh nắm được những nguyên tắc an toàn khi đi bộ và chạy xe
trên đường phố, cũng như những tác hại khi xãy ra tai nạn giao thông.
Đồng thời xã hội hiện nay, nơi nào cũng có tình trạng cướp giựt, trộm
cắp, tỉnh Daklak cũng không ngoại lệ. Vì vậy để phòng chống tội phạm,
cán bộ an ninh – anh Nguyễn Công Vủ được mời đến trình bày với các em về
những vấn đề liên quan việc phòng và bảo vệ tài sản. Qua đó nhằm giáo
dục các em ý thức an toàn khi tham gia giao thông và ý thức cảnh giác
trước những tệ nạn xã hội.
Nhằm giáo dục một triết lý sống về tình thương yêu và tập cho các em có
tinh thần trách nhiệm khi làm việc chung. Theo chương trình, các trại
sinh tham gia thuyết trình đề tài CHA ĐÃ CHO TÔI NIỀM TIN VÀ CUỘC
SỐNG, với sự chứng minh của ĐĐ. Thích Giác An và ĐĐ. Thích Thiện
Thọ. Đây là câu chuyện có thật mà báo AN NINH đã đăng. Trong khi
làm bài các em đã nhận ra được ý nghĩa của câu chuyện: Chỉ cần một suy
nghĩ dịu dàng, một lời nói dễ nghe, một hành động ân cần, nhân ái trong
mọi lúc sẽ làm hoán chuyển cả thế giới này, bởi vì con người ai cũng cần
có tình thương, sự tử tế với nhau. Và mục đích tập thuyết trình là giúp
các em phát triển khả năng suy xét, lòng tự tin, sự mạnh dạn và đủ bản
lĩnh khi bước vào đời. Tuy nhiên, trong giờ thuyết trình có 2 CHÚNG viết
bài không kịp, làm cho buổi thuyết trình không đạt được kết quả tốt. Thế
là cả hội chúng bị phạt quỳ gối, cô Tường Phổ - Phó Ban Học Tập đã phân
tích những sai phạm của các em rất chân tình nhưng bằng thái độ cứng rắn
để các em biết sai mà sửa. Phải nói thất bại này là do huynh trưởng
không theo sát kiểm tra, nhắc nhở các CHÚNG làm bài đúng hạn, kế nữa có
những em không ý thức được trách nhiệm, không tuân thủ mệnh lệnh nên để
xãy ra trường họp đáng tiếc này, làm ảnh hưởng buổi thuyết trình không
được kết quả trọn vẹn. Sau khi được chỉ dạy, các em nhận ra lỗi, tất cả
hội chúng cùng quỳ lạy Phật xin sám hối; đồng thời huynh trưởng Nguyễn
văn Thuận và các Trưởng chúng đến quỳ bên ĐĐ. Thích Giác An tác bạch xin
sám hối vì sự thiếu sót của mình. Bên dưới các chúng viên cúi đầu, lắng
nghe từng lời sám hối của huynh trưởng mà nước mắt tuôn rơi như là một
sự đồng cảm trong hoạn nạn có nhau. Đây là điều đáng mừng, vì nhân cơ
hội này mới thấy được sự tiến bộ trong đạo đức của các em, tức là các em
bắt đầu biết quan tâm, chia sẻ và có tình thương yêu đối với nhau.
Về môn RÈN LUYỆN KỶ NĂNG còn có một đề tài hấp dẫn, vui nhộn, đó
là tập mua bán nhằm mục đích dạy cho các em biết cách quản lý và hiểu
được giá trị của đồng tiền. Thế là cuộc chơi HỘI CHỢ ẨM THỰC diễn
ra và nhà Chùa bất đắc dĩ phải thành lập một ngân hàng để in và phát
hành “Tiền giấy” cho các em làm phương tiện trao đổi. Trong khu
Hội chợ, mỗi quầy thiết kế mỗi kiểu và trưng bày hàng hóa rất phong phú,
đa dạng. Các em diễn xuất cũng rất bài bản, mỗi nhóm có phân công bếp
trưởng hay người quản lý, rồi bồi bàn, nhân viên tiếp thị và tiếp viên.
Phong cách của người bán hàng luôn vui vẻ, lịch sự, biết chào mời. Nhờ
vậy, ai thấy cũng thương nên quầy nào cũng đắt khách. Hôm đó nhà bếp
không nấu cơm phục vụ cả trại như mọi khi mà mọi người đều phải mua thức
ăn, nước uống từ các quầy trong Hội chợ, ngay cả quý thầy, quý cô trong
BTC cũng thế. Các em lần đầu tiên được tham gia trò chơi bán hàng có quy
ước như thật nên phấn khởi lắm. Nhớ lại bối cảnh hôm ấy, trong tôi còn
chút gì đó vui vui.
Nếu trại sinh chỉ có tu, học, làm việc mà không vui chơi sẽ mất đi ý
nghĩa của trại hè. Vì vậy trong chương trình sinh hoạt, các em được
hướng dẫn tham gia những trò chơi giải trí lành mạnh, có thi đua như là
NGƯỢC DÒNG SINH TỬ, TỈNH TÂM, ĂN CHUỐI, CHUNG SỨC… Sau trò chơi
có thưởng, quả khá hấp dẫn, các em vui mừng vì nhận được các phần quà từ
quý thầy trao tặng.
Ngày cuối cùng của trại hè thật lý thú, các em được giao lưu, học hỏi
dưới sự hướng dẫn của quý vị Tăng Ni sinh thiện nguyện thuộc HỘI CỰU
SINH VIÊN HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM do TT. Thích Viên Giác
làm Chủ tịch, thông qua trò chơi ĐỐ VUI PHẬT PHÁP, các em học
được nhiều điều bổ ích từ giáo lý đạo Phật. Ngoài ra, trại sinh còn tham
gia thi làm thơ nhanh và có thưởng. Kết quả cho thấy các em thể hiện
được sự nhạy bén, trí thông minh và cũng có tâm hồn thi sĩ. Dưới đây là
những bài thơ đạt giải thưởng.
GIẢI I
– CHÚNG CHÁNH TÂM
Trên núi rừng Tây Nguyên
Dưới mái chùa Nam Thiên
Chúng em được ngồi Thiền
Để tâm được lắng yên
Cùng với các bạn hiền
Cùng vui đùa hồn nhiên
Rồi có một Thầy tiên
Lan truyền niềm vui lớn.
GIẢI II – CHÚNG CHÁNH NIỆM
Ngày đầu tôi vào trại
Sao có nhiều bở ngỡ
Giờ bở ngỡ qua rồi
Đã đến lúc chia tay
Sao lại buồn đến thế
Tôi biết làm sao đây
Thời gian quay trở lại
Thì đừng quên tôi nhé!
Những tưởng một tuần lễ đến Chùa sinh hoạt là quá dài đối với các em vì
khi mới đến ai cũng nhớ nhà và khóc rất nhiều, nhưng khi sắp kết thúc,
em nào cũng tỏ vẻ hối tiếc, ngậm ngùi. Các em tụ từng nhóm…từng nhóm,
gục đầu lên vai nhau khóc nức nở vì biết rằng sáng mai này, các em về
lại gia đình, sẽ không còn cái giây phút được sinh hoạt tu, học và vui
chơi như mấy ngày qua. Chứng kiến cái cảnh thiêng liêng đó, người lớn
cũng “Rung động” trái tim theo. Phải chăng TÌNH THƯƠNG nó
kết nối con người lại với nhau dù trong khoảnh khắc.
Hôm nay, sau buổi cơm chiều là đêm lửa trại. Cây khô được chất chồng lên
nhau thành hình rất nghệ thuật. Khi màn đêm vừa phủ xuống thì ánh đuốc
phát sáng, bắt đầu khai mạc lửa trại. Chư Tôn Đức Tăng Ni đã cùng với
trại sinh ca hát, tham dự những trò chơi trông thật gần gủi thân thương
bên ánh lửa bập bùng. Tiếp theo là chương trình giao lưu văn nghệ do các
bạn thanh niên tình nguyện của Câu Lạc Bộ TNPT đến từ thành phố Hồ Chí
Minh với các em trại sinh biểu diễn. Mọi người bất ngờ vì “Chương
trình văn nghệ cây nhà lá vườn” nhưng thể hiện quá hay, có sức cuốn
hút tất cả thành viên tham gia hết mình, trong đó tiết mục thi hóa trang
vui của trại sinh rất lạ mắt và vui nhộn hơn hết. Những tiết mục đặc sắc
được những tràng pháo tay nhiệt tình tán thưởng. Nói chung chương trình
văn nghệ rất vui, bên cạnh đó cũng nêu bật nhiều đạo lý đã được học.
Đêm càng khuya, ánh lửa càng rực sáng và hơi ấm càng lan xa nhưng vì bảo
vệ sức khỏe cho các em, nên lửa trại chấm dứt trước khi ngọn lửa lụn
tàn. Giờ đây mọi cảnh vật chìm trong yên tỉnh, hội trại chuẩn bị khép
lại vào sáng mai.
Đúng 8h 00 ngày 28/06, Chùa Nam Thiên long trọng tổ chức lễ BẾ MẠC
TRẠI HÈ 2008. Trong buổi lễ có sự hiện diện của TT. Thích Viên Giác
– Chủ tịch Hội Cựu Sinh Viên HV PGVN – trụ trì Chùa Từ Tân, quý thầy Đại
Đức thuộc HV PGVN, các bạn thanh niên tình nguyện của Câu Lạc Bộ TNPT –
TP.HCM, các thành viên trong Ban Từ Thiện tỉnh Daklak, các thành viên
thuộc đạo tràng Phật Quang, đạo tràng Phật Đắc và đạo tràng phật tử Chùa
Nam Thiên, đông đảo phụ huynh và 275 trại sinh.
Tại buổi lể, ĐĐ. Thích Giác An – trưởng Ban Tổ Chức, đọc diễn văn bế mạc
trại hè và bày tỏ lòng tri ân lên Chư Tôn Giáo Phẩm chứng minh, lên ban
Giáo thọ đã hướng dẫn các em tận tình trong tuần qua; đồng thời cũng
không quên gửi lời cám ơn đến các cấp chính quyền Đảng, các ban ngành
đoàn thể sở tại…tất cả đã trợ duyên giúp cho trại hè được thành công tốt
đẹp. Và lời tri ân dù sâu nặng đến đâu cũng vẫn là không đủ với công lao
khôn cùng của những người tình nguyện công quả trong thời gian qua, Đại
Đức nhấn mạnh “Chúng tôi xin thay mặt cho toàn thể trại sinh vô cùng
cảm động, biết ơn sâu sắc trước sự đóng góp về sức người, sức của từ đạo
tràng Phật Quang, Phật Đắc. Hơn hết xin ghi nhận công đức của quý phật
tử công quả trong tất cả BAN, đã phải vất vả nhiều với hội trại”.
Đây là lần tổ chức đầu tiên nên không tránh khỏi thiếu sót nhưng cái
đáng trân trọng nhất, đó là tinh thần họp tác, cùng chung sức xây dựng
cuộc đời của những người con Phật, đã hội tụ về hỗ trợ cho TRẠI HÈ
NAM THIÊN 2008 được thành tựu viên mãn. Một lần nữa tôi xin cám ơn
tất cả quý liệt vị.
Và Đại Đức cũng có đôi lời sách tấn cho trại sinh trước khi chia tay
“Các cháu thân thương! Rồi đây mỗi cháu đi về mỗi nơi, sẽ dấn thân vào
lộ trình của cuộc sống và đường tương lai, thầy hy vọng các cháu hãy ghi
nhớ thâm tình, giữ lấy đạo lý học hỏi được từ quý Thầy, quý cô để sống
và lớn lên trở thành người phật tử thuần hậu, sống có ích cho quê hương
– đạo pháp”.
Kế tiếp, ĐĐ. Thích Thiện Thọ thay mặt Ban Tổ Chức báo cáo tổng kết, nêu
lên những ưu khuyết điểm về các mặt hoạt động của TRẠI HÈ trong
tuần qua và đề ra phương hướng sắp tới “Dự kiến năm sau, các em đến
Chùa đăng ký tham dự TRẠI HÈ 2009 trước ngày mùng 08/04 (Al). BTC sẽ mở
rộng cơ sở vật chất quy mô hơn, đón các cháu với số lượng nhiều hơn và
thời gian có thể kéo dài hơn nữa”.
Sau phần báo cáo, cô Nguyễn Thị Huệ đại diện cho 275 phụ huynh học sinh,
cũng bày tỏ lòng biết ơn trước sự quan tâm giáo dục tầng lớp thanh thiếu
niên của Chư Tôn Đức GHPGVN tỉnh Daklak nói chung và Chùa Nam Thiên nói
riêng, cô nói “Thưa, để có một tuần lễ học hè thật bổ ích và vui vẻ,
đó là công lao khó nhọc của thầy trụ trì, các vị giáo thọ sư, của các
cấp chính quyền địa phương, của giáo hội tỉnh nhà, của các anh chị huynh
trưởng, các nhà hảo tâm, các chú bảo vệ, các cô nhà bếp. Là phụ huynh
của các em, chúng con rất là biết ơn, tất cả đã mở lòng từ chăm lo từ
tinh thần đến vật chất cho các em. Hôm nay nhìn thấy các em vui cười,
phấn khởi, bên cạnh những giọt nước mắt chia tay, chúng con rất xúc động
vì biết rằng tâm hồn của các em có chuyển hướng tốt.
Nhớ ngày đầu đưa con đến Chùa, chúng con rất bở ngỡ và thầm lo vì thầy,
cô hướng dẫn các em học là các giáo thọ sư và người chăm sóc trực tiếp
các em là anh chị huynh trưởng, còn chổ ăn là giảng đường, chổ ngủ tập
thể là nơi chánh điện, nhà khách…đại khái cơ sở vật chất không được tiện
nghi lắm nên không biết các em có thích hợp với môi trường mới như thế
không?Tuy nhiên chúng con được biết nội quy của BTC rất là chặt chẽ, giờ
nào việc nấy và cái quý nhất là các em được dạy dổ trong tình thương yêu
nên chúng con rất yên tâm”. Giờ đây, trước phút chia tay, chúng con
không biết nói gì hơn là cầu nguyện Mười Phương Chư Phật gia hộ cho Chư
Tôn Đức, các vị khách quý, các em học sinh được nhiều sức khỏe, vạn sự
an lạc.
Tiếp theo, em Phạm Đỗ Tường Vi, đại diện cho trại sinh trình bày ước
muốn “…Đây là lần đầu tiên chúng con được sống trong môi trường tu
học dưới mái Chùa, tuy ban đầu rất bở ngỡ và chỉ muốn về nhà thôi nhưng
bây giờ thì không muốn rời xa Chùa. Một sự nghịch lý nhưng chúng con
hiểu đó là do tình thương của quý thầy, quý cô, của các anh chị huynh
trưởng đã chuyển hóa được tâm hồn chúng con như thế! Chúng con đến Chùa
được quý thầy dạy ngồi thiền, lễ Phật, học giáo lý nên hiểu biết được
nhiều giá trị hay của đạo Phật. Chúng con mong sao những khóa sinh hoạt
như thế này được tổ chức nhiều hơn, để tuổi trẻ chúng con có cơ hội hiểu
và đến với đạo Phật hơn nữa”.
Và để đáp lại công ơn của những người đã hết lòng thương yêu, dạy dổ
mình, các em đồng phát nguyện:
Dù mai đi mỗi phương trời
Những lời Thầy dạy đời đời không quên
Dù cho biển cạn non mòn
Tình huynh nghĩa đệ sắc son muôn đời.
Sau cùng, TT.Thích viên Giác – Chủ tịch Hội Cựu Sinh Viên Học Viện PGVN
tại TP.HCM, đã ưu ái, ngợi khen các sinh hoạt và thành quả mà TRẠI HÈ
NAM THIÊN đạt được, thông qua lời huấn từ vô cùng quý báu “Chúng
tôi nghĩ rằng: Ở nơi vùng Cao nguyên xa xôi, chưa lần nào tổ chức Trại
Hè mà lại qui tụ được đông đảo thanh thiếu niên như thế này. Đây lần đầu
tiên nên chắc chắn thử nghiệm thôi, chứ không dám nghĩ sẽ đạt kết quả
như mình mong ước. Tuy nhiên qua một ngày tiếp xúc với các trại sinh,
được nhìn thấy các em tu học, làm việc và vui chơi, chúng tôi nhận biết
có được phần nào sự thành công, nhất là thông qua sự đánh giá và báo cáo
tổng kết của BTC thì đúng là trại hè lần này thành công vượt quá mức
mong đợi. Đây là niềm hoan hỷ chung cho Chư Tôn Đức Tăng Ni có tấm lòng
quan tâm đến thế hệ trẻ. Tôi xin chúc mừng sự thành công của ĐĐ. Thích
Giác An”.
Đồng thời để động viên tinh thần hiếu học, ham tu của các em, TT.Thích
Viên Giác xin gửi tặng cho BTC Chùa Nam Thiên 2 bộ máy Vi tính để bổ
sung vào chương trình sinh hoạt cho tuổi trẻ về Tin học.
Và trong niềm hân hoan đó, TT.Thích Viên Giác, ĐĐ. Thích Giác An, ĐĐ.
Thích Minh Khương đại diện cho BTC phát giấy chứng nhận và trao quà cho
tất cả trại sinh gồm tập, viết, quà bánh, tập Kỷ Yếu. Mặt khác, Ban Kỷ
Thuật & Video đã hoàn thành một VCD, ghi lại toàn bộ hình ảnh sinh hoạt,
tu học của trại và trao tặng cho các em một món quà vô cùng quý báu đó.
Đặc biệt nhân dịp này, BTC cũng trao tặng 100 phần quà cho các em trại
sinh người Dân tộc. Đó là sự đóng góp từ những tấm lòng của quý thầy
Chùa Khải Đoan, Chùa Nam Thiên và Ban Từ Thiện Tỉnh Daklak.
Trước khi chia tay, ĐĐ. Thích Tánh Khả - Phó Ban Tổ Chức, bày tỏ tấm
lòng kính ngưỡng và tri ân đến Chư Tôn Đức, là những bậc Trưởng bối, là
người Thầy, người Huynh đệ của mình đã hộ niệm và quý phật tử đã trợ
duyên giúp cho Đại Đức làm tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời Đại Đức
cũng xin sám hối, vì trong quá trình làm việc không sao tránh khỏi sai
sót, xin Chư Tôn Đức, quý phật tử và các em niệm tình thứ lỗi.
Lời cuối, Đại Đức xin có đôi lời nhắn nhủ đến các em “Trước hết thầy
xin gửi tình thương yêu của thầy đến với các con. Thầy mong rằng các con
khi rời Chùa về nhà vẫn giữ thời khóa tu học như ở đây, cố gắng chăm
ngoan hơn… Thầy biết có đôi lúc thầy la rầy, thậm chí phạt các con quỳ
nhang nhưng đó là điều cần thiết. Các con biết không, có đôi lúc chúng
ta phải cứng rắn, phải mạnh mẻ và nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, bởi vì
đức tính tuân thủ kỷ luật là một yếu tố quan trọng để xây dựng một tập
thể vững mạnh và phát triển… Rồi thì lời phát biểu tắc nghẹn trong
tiếng nấc, ai nấy lặng đi, tiếng thổn thức nhanh chóng lan khắp Giảng
đường. Chờ các em bình tỉnh trở lại, Đại Đức nói tiếp “ Thầy rất vui
khi thấy các em biết nhận ra lỗi và sửa lỗi. Người có trí tuệ trong đạo
Phật không phải là người học rộng, hiểu nhiều hoặc nói hay, làm giỏi mà
là người thấy được lỗi của mình. Thầy mong là trong khóa trại hè này,
các con cảm nhận được tình thương yêu của các bậc Tôn Túc, của quý thầy
lớn, của các cô chú công quả đã làm tất cả mọi việc để chăm lo cho các
con có được một tuần lễ tu học rất bổ ích mà cố gắng học tập, rèn luyện
đạo đức thật tốt để sau này có thể đóng góp một phần năng lực nhỏ bé của
mình xây dựng quê hương và đạo pháp”.
Lễ Bế mạc được chấm dứt bằng lời cảm tạ, ĐĐ. Thích Thiện Thọ thay mặt
BTC một lần nữa gửi lời tri ân đến những vị cư sĩ nhiệt tâm như Trung,
Khoa, Vương và nhóm sinh viên tình nguyện của Câu Lạc Bộ TNPT TP.HCM đã
đóng góp thầm lặng cho BCT rất nhiều trong việc quay phim, chụp ảnh, làm
văn bản, làm kỷ yếu trong những ngày qua.
Đến đây, chương trình bế mạc đã kết thúc nhưng các em vẫn nán lại xin
chụp ảnh lưu niệm và xin chữ ký của quý thầy, quý cô. Ôi những dòng chữ
lưu niệm ghi vội bị nhòa đi vì những giọt nước mắt rơi trên những cuốn
sổ tay ấy, trông thật tội nghiệp, nhưng cái quý là con người đã đến với
nhau bằng tình thương chân thật, còn mọi sự đều tùy duyên…
Phải rồi!“Gặp nhau đây rồi chia tay, ngày vàng như đã tàn trong phút
giây…Lòng hăng say còn chưa phai, đường trường sông núi hẹn mai ta sum
vầy.”
Vừa bế mạc trại hè thì thầy trụ trì Thích Giác An liền tổ chức khóa tu
dành cho cư sĩ theo định kỳ hàng tháng. Nhìn đạo tràng tu tập gần 300 vị
dưới sự hướng dẫn của ĐĐ. Thích Thiện Thọ, chúng tôi lấy làm kính phục
đối với sức tu và tinh thần phụng sự của quý thầy trẻ. Đạo Phật ngày nay
rất cần những vị Tu sĩ trẻ có lý tưởng, trí thức và đạo đức như thế mới
độ sinh được, bởi vì giá trị của người xuất gia được đo lường bằng đời
sống tâm linh và hạnh nguyện. Cầu mong Đạo Pháp được bền vững và ngày
càng phát triển.
Ghi xong, 08/07/2008
***