NGÔI CHÙA NHỎ NƠI XÓM NHỎ
-
Vĩnh
Hảo
Đó là Chùa Thanh Trì, ngôi chùa nhỏ mà cách đây 25
năm tôi có ghé thăm một lần. Giờ này mường tượng lại, chỉ còn nhớ mang
máng một ngôi chùa xiêu vẹo, mái tranh, vách đất, nền đất, do một vị
tăng lập nên. Chùa tọa lạc sâu trong rừng, cách con lộ chính gần 10 cây
số, nên ngoài cư dân kinh tế mới, không có khách phương xa lai vãng. Từ
những năm cuối thập niên 1980, vị tăng trụ trì đã cất bước vân du hành
đạo ở phương khác, ngôi chùa hoang lạnh, được phật-tử địa phương thay
phiên đến thắp nhang, tụng niệm. Cho đến năm 1991, với lý tưởng dấn thân
hoằng pháp ở vùng xa xôi, Sư cô Thích nữ Liên Khai tự nguyện từ bỏ phố
thị, đến đây đảm nhận việc hướng dẫn tín chúng tu tập. Ngôi chùa nhỏ từ
đây được thắp lại sinh khí của một đạo tràng ấm cúng, dần dần đi vào nề
nếp, biểu hiện nếp sống thiền vị trang nghiêm của một ni tự giữa nơi
thôn dã, hắt hiu.
Cùng vươn lên với nhịp sống kinh tế của cư dân quanh
vùng, ngôi chùa dần dà theo năm tháng đã được khang trang hơn, nhưng vẫn
cứ là ngôi chùa nhỏ, của một xóm nhỏ có tên là xã Bàu Cạn, thuộc huyện
Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Xã Bàu Cạn vốn là thổ ngơi cằn cỗi của vùng kinh tế
mới rừng thiêng nước độc, từng là vùng kinh tế tự túc hầu như biệt lập
với các xã khác trong huyện, nay đã ổn định phần nào nhờ sự thông thương
của đường sá và các phương tiện chuyên chở; nhưng dù sao, ở một nơi cách
trở, xa thị tứ như vầy, đời sống người dân vẫn còn thiếu thốn nhiều mặt,
và sự cúng dường tứ sự của phật-tử đối với chùa rất giới hạn.
Vì vậy có thể nói rằng, từ ngôi chùa mái tranh vách
đất tiến đến mái ngói tường gạch là cả một chuỗi dài vất vả, khổ nhọc
của ni chúng và phật-tử địa phương: xin gạch ngói vụn, rẻo, của lò gạch,
túm vén tài chánh eo hẹp của chùa để mua cát và xi măng, rồi đem chính
công sức của mình ra để dựng nên ni tự nhỏ bé, khiêm nhường nhưng không
kém vẻ trang nghiêm hiện nay.
Hòa điệu với đời sống eo hẹp của dân chúng địa
phương, Sư cô Liên Khai đã thiết lập một đời sống kinh tế tự túc ở chùa
để tiếp nhận và nuôi dưỡng ni chúng trên hai mươi vị trong những năm
qua. Ni chúng ở đây gồm có 5 vị tỳ-kheo-ni (kể luôn sư cô trụ trì), 4 vị
sa-di-ni và 15 tiểu ni (ngũ giới sa-di-ni). Các sư cô trẻ đều được đi
học. Một sư cô đang học cao cấp Phật học tại Huế; hai sư cô học trung
cấp Phật học ở Biên Hòa; 4 sa-di-ni và các tiểu ni đều đi học trung cấp
và tiểu học phổ thông ở các trường của huyện, xã. Để lo cho ni chúng
được ăn học đầy đủ, chùa đã làm nhang bán tại chùa và gửi bán ở một số
chùa quen cũng như tiệm tạp hóa ngoài chợ. Bằng vào cách sản xuất để tự
túc duy nhất này, đã có những lúc chùa lâm vào cảnh khó khăn; nhưng nhờ
sự vén khéo của sư cô trụ trì, với nếp sống đạm bạc của ni chúng, cũng
như lòng quý mến qui ngưỡng của phật-tử địa phương dành cho chùa, khó
khăn cách nào rồi cũng vượt qua được.
Cố nhiên những thiếu thốn về vật chất không phải là
điều đáng bận tâm đối với người xuất gia chủ trương “tam thường bất túc”
(ăn, mặc, ngủ không cần đầy đủ). Nhưng để thành tựu những phật-sự lớn
hơn cho các sinh hoạt của một ngôi chùa, quả thật là điều trở ngại, khó
khăn. Chẳng hạn, đúc một đại hồng chung để sớm hôm có tiếng chuông chùa
thiền vị ngân dài khắp thôn xóm, trên thì thấu đến các cõi trời (thượng
thông thiên đường), dưới thì xuyên đến những cõi địa ngục (hạ triệt địa
phủ), không phải là việc đơn giản dễ dàng. Việc đúc một đại hồng chung
thời nay, đối với các công trình xây dựng nguy nga đồ sộ của các chùa
thành phố, thì chỉ là phật-sự nhỏ, thứ yếu. Nhưng đối với ngôi chùa nhỏ
nơi xóm nhỏ xa xôi này, là cả một ước nguyện, một giấc mơ, mà nếu chùa
phải dành dụm chắt mót bằng tiền bán nhang hàng ngày thì phải mất 20 năm
nữa mới đủ để thỉnh một đại hồng chung! Mà liệu 20 năm sau, vật giá có
còn giữ nguyên như hiện nay không, hay đến lúc đó lại phải tiếp tục dành
dụm thêm 20 năm kế tiếp cho đủ số tiền đúc chuông?
Tiếng chuông chùa thật là gần gũi, không thể thiếu
trong đời sống dân lành của mọi thời đại, mọi xứ sở, nhất là nơi quê
hương hai ngàn năm gắn bó với đạo Phật. Chùa không chuông như xác không
hồn, như thơ thiếu nhạc, như đàn thiếu giây, như người câm tiếng. Ở đô
thị tiếng chuông có thể bị lấn át bởi bao tiếng động cơ của nhà máy, xe
cộ; còn ở một xóm nhỏ vùng quê, sẽ được lắng nghe, đón nhận trọn vẹn
hơn. Nơi đây, tiếng chuông chùa lân mẫn, vỗ về bao thân phận khốn cùng,
khổ nhọc; đánh thức bao tâm hồn chìm đắm trong cuộc mộng nhân sinh.
Tiếng chuông ngân buổi chiều, từ nhặt đến thưa, nhắc nhở một ngày qua
đi, cuộc đời khép dần theo bóng hoàng hôn tàn úa. Tiếng chuông ngân buổi
sớm với đồng vọng của tiếng gà gáy canh khuya, từ thưa đến nhặt, thúc
giục hành giả tinh cần tu học, đánh thức dân làng chỗi dậy đón chào một
ngày mới tinh khôi… Chuông chùa sớm hôm là tiếng nói của hồn dân tộc.
Khi những người trong thôn xóm không có cơ hội đến chùa tụng kinh bái
sám, tiếng chuông chính là sứ giả của Phật, cùng một lúc gửi đến muôn
người, muôn nhà, nơi hẻm nhỏ, ở trường học, nơi chợ búa, đồng ruộng, hay
nơi nương rẫy, rừng xa. Tiếng chuông chùa từng được đức Phật dùng để
khai thị ngài A-nan trong kinh Thủ Lăng Nghiêm. Năng lực của âm thanh
cũng được đức Quán-thế-âm triển khai qua pháp môn Quán-âm để thành tựu
diệu dụng viên thông. Qua đó, với sự thành tâm chú nguyện, tiếng chuông
không phải chỉ gửi đến ngàn người trong thôn xóm nhỏ, mà có thể siêu
việt khắp pháp giới, cho đến những cõi tối tăm của địa ngục cũng nghe
được (nguyện thử chung thinh siêu pháp giới, Thiết-vi u ám tất giai
văn); và đối với hành giả quán niệm âm thanh theo pháp tu của đức
Quán-thế-âm, tiếng chuông cũng có thể là phương tiện để xoay ngược về
tánh nghe của mình.
Một cách tình cảm, thơ mộng và dễ cảm nhận hơn, chúng
ta có thể đọc qua hai đoạn thơ trong bài “Nhớ Chùa” của thi sĩ Huyền
Không, để thấy rằng tiếng chuông không thể thiếu khi nói đến chùa, nhớ
về chùa:
Mỗi tối dân quê đón gió lành
Khắp chùa dào dạt ánh trăng
thanh
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa
mãi
An ủi dân hiền mọi mái tranh
…
Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
Từ lợi ích thực tiễn đến lý tánh sâu xa, đại hồng
chung quả thật là cần thiết phải có trong mỗi ngôi chùa, nhất là ngôi
chùa nhỏ ở vùng hẻo lánh như Chùa Thanh Trì, nơi mà đời sống đạm bạc
thanh cao của ni chúng lặng lẽ biểu lộ hạnh nguyện độ sanh của những sứ
giả Như Lai thời mạt pháp. Lặng lẽ nhưng thật là hùng tráng. Vì ở đây,
đạo hạnh của người xuất gia được thường trực trui luyện trong gian khó
và trước những khốn khổ của dân tình xung quanh.
Tôi chắp tay cúi đầu, hướng về nơi ấy, cầu mong một
ngày rất gần, ước nguyện nhỏ có được một quả chuông cho ngôi chùa nhỏ
nơi xóm nhỏ, sẽ được tựu thành.
California, ngày 11
tháng 6 năm 2008
http://www.buddhismtoday.com/viet/vh/ngoichuanhonoixomnho.htm