-
THỜ PHẬT
VÀ THỜ THÁNH MẪU
-
VÙNG
ĐỒNG BẰNG NAM BỘ
-
- Ngô
Hưng Đan
Về những sinh hoạt “tín ngưỡng hỗn dung”
trong vùng đồng bằng sông Cửu Long nhiều tài liệu Đại Nam Địa Dư Chí,
mục Văn Hóa cho biết : Núi Bà Rịa phía bắc có ngôi chùa Thần Nữ, núi
Thủy Vân ngoài mỏm núi có ngọn Thần Nữ, tục gọi là mỏm Đinh Cô; núi Thần
Mẫu, trong động có đền thờ đức Quán Thế Âm lẫn Thần Nữ. Tại nhiều chùa
miếu ở Long An, tục thờ Mẫu và Bồ Tát cũng khá phổ biến, nhiều gia đình
thờ hỗn dung ngay trong nhà mình. Ca dao Nam Bộ có đoạn : "Phụng hoàng
đua, chim sẻ cũng đua, Anh dạo chơi trước miễu, sau chùa, Đụng người mua
bán, quê mùa thiếu chi..."
Chúng ta cũng thấy sự hỗn dung này đã được lập lại ở
một trung tâm thờ Mẫu khác ở miền Nam Việt Nam, tức là điện thờ Linh Sơn
Thánh Mẫu ở núi Bà Đen, Tây Ninh. Trên một lộ trình dài theo triền núi,
cả một hệ thống chùa và điện được kiến tạo dày đặc. Lâu lâu, lại được
dựng lên một am nhỏ trên đưòng đi và lập tức được khách hành hương dừng
lại để khấn vái. Kể từ chân núi lên đến đỉnh núi Bà Đen gồm có: chùa
Trung, Linh Sơn Tiên Thánh Tự, chùa Mới, điện Bà, chùa Hang, chùa Đảnh (đỉnh
núi). Chùa Đảnh thì nay chỉ còn lại nền của chùa, do những phá hoại
trong chiến cuộc vừa qua. Những hình thức thờ phượng sầm uất nhất trong
hệ thống này đều tập trung tại chùa Hang.
Ngày trước mang tên là chùa Đá, đường lên khó khăn.
Trong Đại Nam Nhất Thống Chí đời Nguyễn có ghi lại quang cảnh ở nơi đây
như sau : " Lưng núi (Bà Đen) có chùa Đá, ít người đi đến, nhưng nay thì
hoàn cảnh đã khác hẳn. Hệ thống thờ phượng tại đây như sau : Từ bậc cấp
ngoài vào thì sau chánh điện thờ Phật lại có 2 miếu thờ Tiêu Diện Đại Sĩ
và thờ Diêu Trì Kim Mẫu cách nhau không xa. Bước vào cửa thì thấy ngay
những pho tượng Hộ Pháp và Thập Điện Diêm Vương. Kế đó là tượng đức Đại
Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát mà người thuờng dâng cúng lễ rất trang trọng
trong ngày Tự tứ rằm tháng bảy, ngày Xá tội Vong nhân tức là lễ Vu Lan
Báo Hiếu. Ngay sau đó là ba pho tượng ngay hàng là : Đức Bổn Sư Thích
ca Mâu Ni Phật Cửu Long (Phật đản sinh) ở chính giữa, bên trái (kể từ
ngoài nhìn vào) là tượng đức Quán thế Âm Bồ Tát Chuẩn Đề; bên phải cũng
là tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát cầm cành dương liễu và bình nước cam lộ.
Vào sâu hơn là ba pho tượng Tam Thế Phật (đức Thích
Ca, đức Di Đà, đức Di Lặc). Một tầng sâu hơn là tượng Ngọc Hoàng Thượng
Đế song song với đức Địa Tạng Vương Bồ tát. Sau cùng hết là tượng bà
Chúa Xứ màu trắng trong tư thế ngồi (bên phải) và tượng Linh Sơn Thánh
Mẫu, màu đen, trong tư thế ngồi (ở bên trái). Nhìn chung, việc thờ Mẫu
rất phổ biến khắp các đình miếu, nếu không thờ ngay trong chánh điện,
thì cũng được thiết lập am thờ riêng ở sân; đó là miếu của Cửu Thiên
Huyền Nữ, Ngũ Hành Nương Nương, Bà Chúa Xứ Nương Nương, Chúa Ngọc Nương
Nương, Chúa Tiên Nương Nương, Linh Sơn Thánh Mẫu, Kim Hoa Thánh Mẫu,
Thiên Hậu Thánh Mẫu, Thủy Long Thần Nữ, Bà Mẹ Thai Sinh... Xem như thế,
ta thấy người Việt trong nhiều tỉnh ở miền Nam Việt Nam, nguồn tín
ngưỡng thờ Mẫu vẫn đang còn tiếp tục phát triển trên nhiều chiều hướng
khác nhau. Bất cứ ở đầu có đền miếu thờ Thần, thì tại nơi đó thường có
thờ Mẫu. Thờ Mẫu không những phổ biến trong không gian, mà còn phong phú,
đa dạng về nội dung ý nghĩa nữa. Tại vùng này, cũng có những thời kỳ
tiếp thu văn hóa của người Khmer, người Chăm Pa, người Hoa. Tuy nhiên,
không chỉ tiếp thu, ảnh hưởng, mà người Việt ở Nam Phần thực sự đã hình
thành nguồn tín ngưỡng phổ biến, mang tính chất thiêng liêng về phương
diện triết lý nhân sinh và nhận thức.
Ở huyện Châu thành tỉnh Tây Ninh, xã Phước Hiệp Thịnh
có chùa Thái Lâm nơi chính điện thờ cốt Phật, phía sau lại thờ Linh Sơn
Thánh Mẫu. Ở tỉnh Sông Bé có nhiều nơi là miếu Bà, lập lên vào thế kỷ
XIX và phát triển nhiều nơi khác. Ở vùng Vũng Tàu, tại thị trấn Long
Hà, có miếu thờ Bà Thủy (Mẫu Thoải) thu hút khách hành hương đông đảo
trong toàn vùng vào mùa lễ hội Bà.
Ở tỉnh An Giang, có chùa Tây An nổi tiếng, ngay trong
điện thờ Phật, cũng có đặt tượng Cửu Thiên Huyền Nữ, thờ Bà Chúa Ngọc,
Chúa Tiên và Cô Hai Hiên. Tại trung tâm thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang,
cũng có nhiều miếu thờ Bảy Bà. Ở tỉnh Cần Thơ, tại chùa Nam Nhã thờ Tam
Thánh: Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử ở gian chính giữa, hai bên lại thờ Cửu
Thiên Huyền Nữ và Quan Thánh. Phía ngoài trước chùa có miếu thờ Thổ Thần
và miếu thờ Mẫu. Ở tỉnh Bến Tre, chỉ trong 7 xã An Đức, An Bình Tây, Mỹ
Nhơn, Mỹ Chánh, Tân Xuân, Phước Tuy và Phủ Ngãi của huyện Ba Tri có
nhiều miếu thờ Bà trong xã, thôn hay trong gia đình. Tại làng Hằng
Thanh, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, có thờ Ngũ Hành Nương Nương, Tứ Vị
Thánh Nương ngay trong chính tẩm.
Ở huyện Bình Đại thuộc Bến Tre, mỗi làng đều có một
miếu thờ Bà Chúa Xứ và miếu thờ Bà Thiên Hậu. Ở xã Mỹ Thạnh, thị xã Bến
Tre, có miếu thờ Cửu Vị Thánh Nương bên cạnh Tiền Hiền, Hậu Hiền. Những
tài liệu nghiên cứu khác cho biết nhiều vùng khác cũng nổi tiếng trong
việc tôn thờ Mẫu, như ở Tiền Giang tại thôn Mỹ Đông, tổng Lộc Mỹ có miếu
thờ Trinh Nữ; tại xã Kim Đông, bên bờ sông Thủ Thừa có miếu thờ Hỏa Tinh
Nương Nương, được vua Tự Đức phong làm Thượng Đẳng Thần.
Tại Sài Gòn, ít nhất là 30 chùa miếu có thờ Phật và
Mẫu. Con số thống kê năm 1985 trong số 264 ngôi miếu chùa trong thành
phố Sài Gòn có tới 42 ngôi còn bàn thờ bà Ngũ Hành, bà Linh Sơn, bà
Thiên Hậu và Tứ Vị Nương Nương. Tại đình Nhơn Hòa, quận I Sài Gòn, bàn
thờ Cửu Thiên Huyền Nữ và Ngũ Hành Nương Nương đặt trong chính điện rất
trang trọng. Tại chùa Tây An, Châu Đốc An Giang, bên trong có bàn thờ
Phật là nơi thờ Bà Chúa Xứ; hai bên có Chúa Ngọc và Chúa Tiên đứng hầu.
Lại có bàn thờ Cửu Thiên Huyền Nữ và bàn thờ Cô Hiên, mà dân chúng quen
gọi là "Phật Cô". Chùa Ba Chúc (An Giang) thì bên trong thờ theo kiểu
Tiền Phật, hậu Mẫu; bên ngoài chùa thì có miếu thờ Cửu Thiên Huyền Nữ.
Trong những trường hợp dựng miếu, dù mang tính chất thờ thánh mẫuriêng
biệt, tuy nhiên vẫn diễn ra tính chất hỗn dung, hòa hợp trong vấn đề tín
ngưỡng. Chẳng hạn như miếu thờ Bà ở chùa Cao ở thị xã Bến Tre, thời gian
qua, bên cạnh bàn thờ bà chúa Xứ (núi Sam) vẫn còn trần thiết thêm bàn
thờ Thần Tiền Hiền và Thần Hậu Hiền nữa.
Theo những nhà nghiên cứu phong tục thì việc hỗn dung
này có hai ý nghĩa :
(a) Có thể thỏa mãn được nhu cầu tâm linh của mọi
tầng lớp người.
(b) Trong trường hợp việc thờ vị Thần Thánh này không
được cúng tế đầy đủ thì việc thờ Thần Thánh kia sẽ lôi cuốn thêm vào.
Ngoài ra, việc tập trung thờ cúng tại một địa điểm thì tính chất hội tụ
vẫn cao hơn. Hai trung tâm thờ Mẫu nổi tiếng nhất của miền Nam là đền
thờ Bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc, tỉnh An Giang và điện thờ Linh Sơn
Thánh Mẫu ở núi Bà Đen, Tây Ninh. Tại những vùng có nhiều người Hoa cư
trú, như tại Chợ Lớn, Ðồng Nai, Kiên Giang, Cà Mâu, Cần Thơ, Sóc
Trăng... trong nhiều đình miếu thờ Thần, thường có bàn thờ bà Thiên Hậu;
lại có thêm Tứ Vị Nương Nương. Chẳng hạn như Thất Phủ Miếu của người Hoa
tại số 14 đường Nguyễn Chí Thanh, thị xã Vĩnh Long, trong chính điện thì
thờ Quan Công; bên phải thì thờ bà Thiên Hậu, bà mẹ Thai Sinh và Tứ Vị
Nương nương bên trái. Tất cả đều được trang hoàng lộng lẫy. Cùng với
những ngôi đình miếu, các ngôi chùa cũng là những không gian có thờ
Thánh Mẫu.
“Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức ghi lại
: Những lớp người này đã tin vào linh ứng của đức Quan Âm, mà cũng tin
vào đồng bóng, kính trọng những nữ thần như Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Động,
quen gọi người phu nhân tôn quý là "Bà", Bà Hỏa Tinh, Bà Thủy Tinh, cô
Hồng, cô Hạnh... Trong Đại Nam Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán triều
Nguyễn biên soạn khi chép về việc xây dựng vùng đất Hà Tiên cũng đã viết
: Ở châu Hòn Khoai thuộc huyện Long Xuyên, có thờ Thiên Hậu Linh Thần.
Ý nghĩa và tổ chức
Tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam vốn có từ lâu đời và
mang nhiều dạng thức từng thời kỳ và từng vùng khác nhau. Chẳng hạn như
trong thời kỳ thành Luy Lâu xây dựng đã có nền tảng tín ngưỡng bà mẹ Man
Nương, đồng thời hiện tượng thờ Tứ Pháp : Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi,
Pháp Điện. Thờ Mẫu đã phát triển từ việc thờ phụng tại cung đình cho đến
tín ngưỡng dân gian. Khi những tôn giáo đã không còn đủ sức thu hút và
niềm tin cứu đời, thì Thánh Mẫu xuất hiện; việc thờ bà Chúa Liễu Hạnh
(từ 1557) đã đưa đến hoàn chỉnh triết lý tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam :
đó là việc thờ Tam Tòa, Tứ Phủ.
Dưới thời phong kiến nhà Lê, tín ngưỡng này đã lan
tỏa nhiều vùng trên đất Bắc; cho đến thời Nguyễn, việc thờ Mẫu tại miền
Trung và miền Nam lại được tiếp thu thêm tín ngưỡng thờ "Mẹ của Xứ Sở"
của người Chăm Pa, Thiên Y A Na, để vào thời vua Khải Định (1916 -1925)
tín ngưỡng thờ Mẫu được tôn thành Thiên Tiên Thánh Mẫu (bà mẹ Trời,
Tiên, Thánh), việc thờ cúng điển hình nhất là tại điện Hòn Chén ở Ngọc
Trản. Chùa Nam Nhã tỉnh Cần Thơ thì gian chính giữa thờ đức Bổn Sư Thích
Ca Mâu Ni Phật, đức Khổng Tử và đức Lão Tử (Tam giáo đồng nguyên) gian
bên phải thì thờ đức Quan Thánh (Quan Công) có thêm Lưu Bị và Trương
Phi; gian bên trái thì thờ Cửu Thiên Huyền Nữ. Đồng thời ở bên ngoài sân
chùa, bên phải thì có miếu thờ Bà Chúa Xứ (núi Sam); bên trái thì có
miếu thờ Thổ Địa.
Những người từ Thuận Quảng đến khẩn hoang lập ấp,
những người Hoa chống Mãn Thanh đến tụ cư ở miền Nam đã kiến tạo những
đền thờ Mẫu rất sớm. Khi đạo Mẫu từ miền Bắc được du nhập vào miền Nam
theo nhiều phương thức khác nhau thì những gì đã tiếp thu lại được tiếp
thu thêm những tín ngưỡng của người Chăm Pa, người Khmer, người Hoa, đã
hỗn dung lại, để trở thành tín ngưỡng thờ Mẫu của mình. Khi được phát
triển trên một vùng đất mới ở Nam Phần trong khung cảnh thiên nhiên khác
biệt, thờ Mẫu đã không còn khuôn mẫu Tam Tòa, Tứ Phủ, tôn ông, thờ bà
như ở miền Bắc hay ở miền Trung. Con người sinh sống ở đây trong vùng
đồng bằng, xa dần rừng núi, cho nên Nhạc Phủ (Mẫu Thượng Ngàn vùng rừng
núi) đã mờ nhạt đi nhiều. Thiên Phủ, thì do triết lý âm dương nổi trôi,
cho nên đã chuyển thành thờ Cửu Thiên Huyền Nữ. Địa phủ, Thủy phủ được
tôn thờ, do đó quyền năng cai quản đất đai thuộc về các bà Chúa Xứ, Chúa
Hòn, Chúa Động, kể cả bà Mẹ xứ sở người Chăm Pa trở thành bà Chúa Ngọc,
bà Hồng, cô Hồng. Bà Rédeng của người Khmer thờ phụng cũng được hòa
chung vào. Về ý nghĩa thiêng liêng tôn thờ, là tiếp tục tôn thờ triết lý
sáng tạo âm dương ngũ hành, cho nên có Ngũ Hành Nương Nương, Bà Thủy, bà
Hỏa. Vế ý thức nhớ lại nguồn ở việc thờ Bà Chúa Tiên (Liễu Hạnh), ở bà
Thiên Hậu (Tứ Vị Nương Nương), bà mẹ Thai Sinh (ở người Hoa).
Thành thử ý niệm thiêng
liêng về triết lý thờ Mẫu ở Nam Phần Việt Nam, cũng như trong tín ngưỡng
thờ thần, đã được sự hỗn dung từ nhiều nguồn, nhiều phía. Như thế, vừa
giữ được tính chất truyền thống trong tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu, lại vừa
có tinh thần sáng tạo nữa. Việc tổ chức nơi thờ cúng của hai miền Nam và
Bắc cũng không giống nhau. Nếu ở Bắc Phần Việt Nam, thờ Mẫu thường được
tổ chức ở những phủ, những đền cũng như những đạo quán và thông thường
là chiếm một phần trong các chùa chiền, thì ở miền Nam, trước tiên
thường thấy phổ biến Mẫu ngự ở các đình làng.
Việc thờ này thường chung với các thần ở trong chính
tẩm hay có miếu thờ riêng ở sân đình làng. Thông thường, để thể hiện
biểu tượng thiêng liêng về Thánh Mẫu bằng cách viết chữ Hán trên bài vị
: Cửu Thiên Huyền Nữ, Ngũ Hành Nương Nương, Chúa Tiên, Chúa Ngọc...
Trong cách kiến trúc và bài trí điện thờ Mẫu, mỗi vùng có những dạng
khác nhau. Thông thường, những điện thờ Mẫu nhiều nơi thường được tổ
chức "phối tự" (thờ chung) cùng với việc thờ Phật, theo kiểu tiền Phật,
hậu thần hay ngược lại. Có nơi lại thờ trong một miễu riêng, hoặc
đứng biệt lập, hoặc ở sân chùa. Bà Cửu Thiên : ngồi trên ngai, đội mũ
Hoàng Hậu, khoác áo màu đỏ, quần đỏ.
Năm bà Ngũ hành ngồi trên đài sen màu hồng phấn, đội
mũ hoàng hậu áo nhiều màu. Bà hành Thổ : ngồi trên đài sen ở phía chính
giữa khoác áo màu vàng. Bà hành Hỏa : khoác áo màu đỏ, ngồi phía bên
trái tầng trên. Bà hành Mộc : khoác áo màu xanh, ngồi phía bên phải tầng
trên. Bà hành Kim : khoác áo màu trắng, ngồi phía bên trái tầng dưới. Bà
hành Thủy : khoác áo màu tím, ngồi phía bên phải tầng dưới. Miếu bà
chúa Xứ là hình ảnh rõ rệt nhất của sự hỗn dung hòa hợp này, mà trong đó
ảnh hưởng của tín ngưỡng của người Khmer cũng đã chi phối vào. Trong
điện thờ trên cao nhất là pho tượng bà bằng đá sa thạch , mặt tượng
trông phúc hậu, môi tô son, lông mày kẻ chỉ, xiêm áo lộng lẫy, đội mũ
Hoàng hậu. Tượng Bà được ngăn cách bằng y môn là hai tấm màn đỏ vén lên
vừa phải. Trước mặt tượng hai con hạc trắng đứng chầu hai bên. Tiếp
xuống phía dưới, bên phải có thờ một tượng Linga (dương vật) bằng đá mà
dân chúng thường gọi là "Thờ Cậu"; còn bên trái thì thờ Yoni (âm vật),
gọi là "Thờ Cô". Xuống lớp thứ 2 ở giữa là bàn thờ Hội Đồng, liền sát
có hai con phượng hoàng chầu hai bên.
Tiếp xuống, bên trái là bàn thờ thần Tiên Hiền Khai
Khẩn, bên phải là bàn thờ Hậu Hiền Khai Cơ. Nhận định về cách bài trí
thờ phượng tại ngôi đền thánh Mẫu nổi tiếng này, ta thấy rõ sự hòa hợp
theo nghi thức "Tiền Phật, hậu Mẫu" rất rõ nét trong khoảng không gian
thờ phượng thiêng liêng này. Tại đây, Thánh Mẫu (Bà Chúa Xứ) ngự lên
trên vị trí cao nhất dùng làm chủ điểm. Người Chân Lạp đã tiếp thu trong
văn hóa tâm linh của họ, thì bây giờ được thể hiện tại miến thờ Bà Chúa
Xứ. Tại đây thì lại được gọi là "Ban Cậu" và "Ban Cô", để trở thành văn
hóa tâm linh thờ Mẫu của người Việt. Tuy nhiên trong sự kết hợp thờ
phượng này, lại còn có thêm các vị Tiền Hiền Khai Khẩn đất đai trong
làng cùng với Hậu Hiền Khai Cơ Nghiệp, để lưu lại cho con cháu sau này.
Tính chất hội tụ này đã tạo ra một không gian thờ phượng tuy phức tạp,
nhưng đã hợp với nhu cầu tín ngưỡng của người bình dân. Trí thức thì gọi
là hình trạng của "Tam giáo đồng nguyên", nhưng với người bình dân, đã
có đủ các vị Thần Thánh để cúng bái, khẩn cầu trong bất cứ trường hợp
nào đi chăng nữa.
http://www.buddhismtoday.com/viet/vh/thoPhatvathoThanhMau.htm