TƯỢNG PHẬT GIÁO CHĂM PA
KIÊM ĐẠT
-
Những tượng Phật
Dù tôn giáo chính của Chăm
Pa là Siva Giáo, tuy nhiên, trong một thời điểm nhất định trong lịch sử
đất nước nầy, dấu ấn Phật Giáo vẫn rất quan trọng. Biểu trưng rõ nét là
các tượng Phật. Khi nói đến điêu khắc Chăm Pa thời Phật Giáo hưng thịnh
tại nước nầy không thể không nói đến nghệ thuật Đồng Dương. Không phải
là ngẫu nhiên mà danh xưng “Phật Viện Đồng Dương” được dùng để đặt tên
cho cả một phong cách nghệ thuật Chăm Pa ở một giai đoạn nhất định. Các
hiện vật điêu khắc và trang trí Đồng Dương thật phong phú đa dạng:
tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng Môn thần (Dvarapala), tường người lễ bái.
Ngoài ra còn những phù điêu tuyệt đẹp trang trí kiểu kỷ hà học. Chất
liệu bằng đá, bằng đồng, bằng đất nung bền chặt. Trong nền điêu khắc
Chăm Pa, các nghệ phẩm thuộc phong cách Đồng Dương có những sắc thái đặc
biệt: cung mày nối liền nhau nối gờ lên và lượn sóng, môi dày có viền,
mũi rộng và tẹt... Đẹp nhất, độc đáo nhất trong phong cách Đồng Dương là
các môn thần. Các vị thần nầy được tạc trong nhiều tư thế: dứng trên
khuôn mặt động vật, hai chân dang ra bề thế, đầu quay về hướng động tác.
Sự quan tâm của nhà điêu khắc tập trung nhiều ở khuôn mặt, thể hiện đúng
nét của từng nhân vật. Đó là những điểm tiêu biểu nhất.
Tượng Phật Đồng Dương:
Vào tháng Tư năm 1911, nhà khảo cổ học Henri Parmentier đã tìm được tại
khu vực Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) một pho
tượng đồng tuyệt mỹ. Đây là pho tượng bằng loại đồng thau cũ khá lớn (chiều
cao đến 1,08m), không có phần bệ đỡ phía dưới như những tượng Phật khác.
Tượng thể hiện đức Phật đứng, hai tay hướng cân xứng nhau, ra phiá trước.
Phật mặc một tấm áo tu hành (Uttarasanga) dài để hở một vai (phải), lại
khoác thêm bên ngoài một tấm khoác (Samghati) Tóc Phật là những vòng
xoắn ốc đều đặn. Trên trán có một Urna lớn. Tuy cùng làm một động tác
như tay phải, nhưng bàn tay trái cầm một phần vải kéo ra đằng trước. (trích
theo Catalogue du Musée Cam de Tourane – BEFEO – XIX - 1919).
Theo nhà nghiên cứu Ngô
Văn Doanh thì: Tượng Phật Đồng Dương nói trên có gắn liền với truyền
thống Amaravati của Ấn Độ, cho đến nỗi có thể nào tìm ra được một dấu
tích gì thuộc truyến thống bản địa (Lâm Ấp cũ).
Căn cứ theo những vết
tích trên đây, không phải ngẫu nhiên mà vùng Phật viện Đồng Dương nằm
trong vùng được gọi là Amaravati, kinh đô của Chăm Pa trong khoảng 875 –
1000. Theo Carl Heffley (The Arts of Champa – Sai gon) thì đúng ra, khi
triệt thoái về Nam vào cuối thế kỷ thứ IX (sau Công nguyên) kinh đô phải
là Trà Kiệu mới đúng. Dựa trên tiêu chí về phong cách tượng Phật Đồng
Dương, các nhà nghiên cứu cho rằng: Niên đại của tượng Phật kể trên là
từ khoảng giữa thế kỷ thứ IV cho đến đầu thế kỷ thứ VI. Tuy nhiên, đây
cũng chỉ là giả định.
Tượng Phật Quảng Khê:
Quảng Khê thuộc tỉnh Quảng Trị, là đất Cham Pa trước thế kỷ thứ IX. Ở
đây các nhà khảo cổ thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ (E.F.E.O) đã khai quật
và phát hiện ra được một nhóm tượng Phật khoác áo che kín cả hai vai,
khác hẳn với tượng Đồng Dương kể trên. Tượng Phật Quảng Khê có lồng ngực
hẹp, hai cánh tay trần, y phục xiết chặt vào cơ thể. Nhiều phần của pho
tượng đã không còn. Căn cứ vào những chi tiết còn lại, những điều nầy
nêu ra đặc trưng có khả năng cho thấy được rằng: Tượng Phật Quảng Khê
gắn với các loại tưọng đồng thau của nghệ thuật Môn – Dvaravati hoà với
phong cách Gupta của Ấn. Thể loại tượng Phật nầy còn tìm thấy ở vùng
Sumatra (Indonesia) và Theno (Malaysia). Đặc điểm của pho tượng Quảng
Khê là có vầng hào quang được gắn biểu trưng đằng sau vai. Cũng chưa
hiểu rõ là vầng hào quang nầy được gắn vào thời sau hay cùng thời? Dựa
vào những nét tiêu biểu kể trên chúng ta có thể đoán định rằng: Niên đại
tượng Quảng Khê tương đương với tượng Pongtuk (Thái Lan) và Sumatra, tức
là thuộc vào giai đoạn thế kỷ IV đến thế kỷ VI.
Tượng Phật Bình Định: Có
thể tìm hiểu thêm ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Pa ở Đà Nẵng. Tại khu trình
bày, góc Tây Nam thuộc hành lang Bình Định, có thấy trưng bày tượng Phật
tìm thấy ở Bình Định. Tượng được định thời gian vào thế kỷ XII, chiều
cao 95cm, chiều rộng 70cm. Tượng Phật nầy được thể hiện bằng kiểu ngồi
bán già trong nghệ thuật Ấn Độ cũng như nhiều nước khác ở Đông Nam Á.
Pho tượng đã không còn phần đầu, kể từ khi trưng bày. Phật ngồi xếp bàn
tròn, tay trái đặt ngửa ở chỗ gặp nhau của hai bàn chân, tay phải chắp
lên ngực, các ngón tay chỉa thẳng lên, được gọi là “thế Anjali Mudra”.
Tư thế nầy được biểu hiện cho “cát tường”.
Y phục trên pho tượng
Bình Định nầy là loại áo cà sa quấn chung quanh người, đầu vải còn lại
thì xếp lại vắt qua vai trái, vai phải để trần. Ở đầu vải nầy xếp lại
nhiều nếp dẹp buông xuống ở vai. So sánh với những tượng Phật khác thì
loại y phục nầy cũng là một khổ vải dài và rộng rất đơn giản; chiều dài
phủ xuống đến tận chân; chiều ngang xếp lại nhiều nếp xếp phủ cho đến cổ
tay như được thấy ngày nay. Nhiều phần đã bị mất từ khi khai quật, ngón
tay cái và một phần của bàn tay trái đã bị vỡ mất. Đức Phật ngồi trên
toà sen những cánh sen được cách điệu thành những ngọn lửa mềm mại toả
ra đều đặn nhau. Kích thước của tượng Phật nầy gần bằng với kích thước
của người thật; thân hình thì mập mạp và cân đối trong mọi thành phần cơ
thể.
Nhìn
chung lại, sự hiện diện của các tượng Phật của Chăm Pa tuy ở những địa
điểm khác nhau chứng tỏ rằng: ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên, Phật
Giáo đã đóng một vai trò đáng kể tại Vương quốc Chăm Pa. Điều nầy có thể
khẳng định về câu chuyện viên tướng viễn chinh khi đánh vào Lâm Ấp đã
tịch thu được 1.350 tác phẩm Phật Giáo, được viết bằng thứ chữ “Côn Lôn”
(được hiểu là kiểu chữ Nam Ấn Độ). Nếu quả thật, thì cũng nên đánh giá
đúng vị trí Phật Giáo xứ nầy, tuy tư liệu đã không mấy thể hiện rõ.
Ngay sau khi phát hiện, tượng đồng Đồng Dương đã trở
thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khảo cổ học thuộc trường Viễn
Đông Bác Cổ (E.F.E.O) và Hội Nghiên cứu Đông Dương (S.E.I), như R.
Rougier, A. Foucher, V. Goloubew, P. Dupont, H. Parmentier. Theo nhận
định chung của các tác giả nầy thì: Pho tượng Đồng Dương là một trong
những pho tượng Phật cổ nhất và thuộc vào loại đẹp nhất ở khắp vùng Đông
Nam Á cùng thời đó. Pho tượng cao 1,08 mét, (không có bệ), thể hiện đức
Phật đang đứng với hai tay hướng cân xứng ra phía trước. Đức Phật khoác
trên mình một chiếc áo cà sa dài để hở vai phải và có một u nhỏ (Uma) ở
giữa trán.
Tượng Đồng Dương cũng như các tượng Phật cùng kiểu
khác đã được tìm thấy ở Đông Nam Á như tượng Phật ở Kô Rạt (Thái Lan),
tượng Phật Sikendung (Selebes- Indonesia), tượng Phật Jember (Java –
Indonesia), tượng Phật Angkor Borei (Kampuchia)... tất cả những pho
tượng nầy đều mang phong cách tượng Phật Amaravati của Ấn Độ. Trong khi
đi sâu vào các chi tiết khác, một số nhà nghiên cứu kể trên thì lại nhấn
mạnh: Tượng Phật Đồng Dương lại giống các tượng Phật của Amaradhapura
(Sri Lanka). Căn cứ vào đó, họ giả định rằng: Tượng Phật ở Đồng Dương có
niên đại vào khoảng thế kỷ III – IV và dã được nhập trực tiếp từ Ấn Độ
hay Sri Lanka. Như thế, đạo Phật đã đến đất Chăm Pa khá sớm, so với
những nơi khác trong vùng.
Một nhà nghiên cứu nổi tiếng người Pháp, giáo sư J.
Boisselier nhấn mạnh: Tuy không khẳng định tượng Phật ở Đồng Dương là
tác phẩm du nhập, vẫn phải công nhận là tượng nầy cũng là tác phẩm có
quan hệ sâu sắc với truyền thống truyền thống Ấn Độ, đến nổi không thể
nào phát hiện ra vết tích của một truyền thống bản địa...” Như
thế, dù là tác phẩm du nhập hai tại bản địa, pho tượng Phật Đồng Dương
là một bằng chứng về sự ảnh hưởng của Phật Giáo Amaravati của Ấn Độ đối
với tôn giáo Chăm Pa nói chuing và vùng Đồng Dương nói riêng. Cũng không
phải là chuyện ngẫu nhiên mà vùng phía bắc Chăm Pa (tức là Quảng Nam –
Đà Nẵng) vào thời đó có tên gọi là Amaravati .
Những
tượng Bồ Tát
Cũng tại Bảo tàng Điêu
khắc Chăm – Đà Nẵng, còn thấy những tượng Bồ Tát. Tại đây, có thể nhận
diên 3 loại hình Bồ Tát: Bồ tát Avatokitesvara, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi và
Bồ Tát Tara.
Bồ tát Avalokitesvara (Quán
Thế Âm): Pho tượng nầy được khai quật tại Cồn Dàng, huyện Mỹ Đức (Quảng
Nam) điêu khắc trong khoảng thế kỷ IX – X. Bồ Tát Quán Thế Âm ở đây
đứng thẳng trên đế vuông, hai cánh tay từ vai xuống đến khuỷu tay buông
thẩng theo thân mình, nhưng từ khuỷu tay đến bàn tay thì đưa ra phía
trước, đặt tựa trên hai chiếc trụ mảnh mai, từ dưới chân lên. Những
phần pho tượng không còn nguyên vẹn. Chẳng hạn như chiếc trụ và hai cánh
tay đã gãy mất, chỉ còn thấy được dấu vết hai chiếc trụ từ dưới chiếc đế.
Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm có thân hình mảnh mai, thon thả, nhưng hai
cánh tay có vẻ lớn hơn, nếu so với thân mình mảnh dẻ của tượng. Bồ Tát
mặc chiếc “sarong” dài, từ thắt lưng đến mắt cá. Sarong được trang trí
bằng những hoa văn, bố cục thành những sọc chéo uyển chuyển, đa dạng:
hình hoa thị, hình tam giác răng cưa, hình sóng nước, hình dải vòng tròn...
Pho tượng đã không còn đầu, nhưng có thể căn cứ theo miêu tả của nhà
khảo cổ Henri Parmentier và những tấm ảnh chụp từ khi trưng bày đầu tiên
(năm 1918), thì “Tác phẩm nầy là một kiệt tác trong nghệ thuật điêu khắc
Chăm Pa”. Theo bài mô tả của Henri Parmentier thì: “Tượng có nét mặt
thanh tú, mắt dài, đồng tử khá rõ nét”.
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:
Pho tượng nầy tìm thấy ở Đông Dương (Quảng Nam) được tạo dáng vào thế
kỷ thứ IX. Chiều cao 158cm, chiều rộng 106cm. Đây là một pho tượng đã
gây nhiều nhận định khác nhau, có khi tranh cãi nhau cho những nhà
nghiên cứu khi giải thích các tác phẩm điêu khắc Chăm Pa (theo Huỳnh Thị
Được – Điêu khắc Chăm Pa và Thần thoại Ấn Độ- 2005). Chính bức tượng
nầy đã khiến cho nhà khảo cổ Henri Parmentier cho là “Tượng Phật ngồi
theo kiểu Tây Phương”.
Trong khi đó, nhân định
của J. Boisselier (La Statuaire du Cham Pa) thì :”Bố cục của pho tượng
đặt ra nhiều vấn đề khác hẳn nhau. Nếu bố trí đôi chân song song, có thể
xem là phong cách Trung Quốc được tìm thấy ở vùng Longmen và Yunkang.
Nhưng hai bàn tay lại đặt trên hai đầu gối (của một vị Bồ tát) thì khó
hiểu nổi...”. Nhưng theo Jan Knappert thì: “Các Bồ tát thường ngồi trong
tư thế thiền định (dhyana). Còn Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thường được miêu
tả như thế ngồi của các vi vua trên ngai vàng” (India Mythology –1995)
Bồ tát Tara: Tượng nầy
cũng tìm thấy ở Đồng Dương (Quảng Nam), được điêu khắc vào thế kỷ IX.
Chiều cao là 114cm. Tara thường thấy nhiều trong tín ngưỡng Mật Tông Tây
Tạng. Bồ tát được thể hiện đứng thẳng, hai tay đưa ra phiá trước, tay
trái cầm tù và và ốc, tay phải cầm đài sen. Tượng mình trần, bên dưới
mặc “sarong” hai lớp, dài đến mắt cá chân. Lớp trong của sarong đơn
giản, bó sát thân mình, buông dài đến mắt cá chân. Ngoại hình của Bồ Tát
Tara cũng được chú ý nhiều. Đó là hình ảnh của một phụ nữ có thân hình
cân đối Tượng mình trần, cổ cao, có ba ngấn, đôi vai rộng, chiếc eo thon
nhỏ. Khuôn mặt và đồ trang sức nhiều công tô điểm. Toàn thể hội tụ phong
cách Đồng Dương, thế kỷ thứ IX.
Tượng La Hán
Trong đồ tượng học Phật
Giáo, La Hán biểu trưng cho các vị tu khổ hạnh đã đạt tới vị trí cao
nhất trong cảnh giới chứng quả, có thể tự chế mình, được miễn tái sinh,
đầu thai nữa. Tượng La Hán tìm thấy ở Đông Dương, điêu khăc thế kỷ IX.
Chiều cao 88cm, chiều rộng 55cm. Tượng ngồi xếp bàn, hai tay đặt xuôi
theo hai đầu gối. Mình mặc áo cà sa xếp nếp, chiều dài phủ kín đến chân.
Bệ ngồi của pho tượng có nhiều kiểu trang trí. Mặt trước bệ, ở chính
giữa là một pano hình chữ nhật đứng; trong pano có khắc họa mặt sư tử.
Phật viện Đồng Dương chỉ
xuất hiện trong vòng 125 năm (875 – 1000) rồi chìm trong quên lãng. Khi
các tộc người Chăm Pa lùi dần về phương Nam, thế nước yếu dần. Văn hoá
cũng đi vào thoái trào. Những công trình khai quật chỉ được xúc tiến
trong vòng 12 năm đầu thế kỷ XX, rồi đình chỉ hẳn (1910). Những cuộc
chiến sau đó đã phá hũy toàn vẹn khu vực Đồng Dương. Đến nay, vẫn chưa
có thêm công trình khai quật khảo cổ học nào. Thành thử thật khó đánh
giá đúng mức những công trình điêu khắc Phật Giáo ở đây.
-