Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
ÂN ĐỨC SÂU DÀY
   Tỳ Kheo Thích Thiện Hữu

Kính dâng giác linh cố Hòa Thượng khai sáng Tu Viện Huệ Quang!

 

Năm 1990 là năm đại tang trong cuộc đời con. 28 tháng giêng, Thầy an nhiên thị tịch trong tư thế tĩnh toạ, tại Tu Viện Huệ Quang. Đến 25 tháng 6 thân mẫu con vui vẻ theo Phật tại bệnh viện Nguyễn Trãi, rồi đến 28 tháng 10, Hoà thượng Kim Huê an nhiên nhi hoá sau thời gian chống chọi với tử thần. Như vậy là trong vòng 10 tháng, con đành phải chấp tay bái biệt 3 người mà suốt đời con tôn thờ, kính trọng nhất.

 

Đến giờ, 18 năm đau buồn xa cách, khi mùa Vu Lan Báo Hiếu trở về, cõi lòng con nao nao nhung nhớ, như có muôn ngàn mũi kim đâm vào tận đáy tâm hồn. Càng đau buồn và xấu hổ hơn là 18 năm qua, chưa lần nào con ghé lại Đại Tòng Lâm để đảnh lễ viếng thăm Thầy. 18 năm con mãi vui với duyên trần giả huyễn, lắm khi để cho những thứ lăng xăng bên ngoài làm ô uế cõi lòng.

Có những lúc tưởng như lạc lối quên đường, nhưng may thay, trong con lại hiện về những kỷ niệm, những hình ảnh tuyệt vời, những nhân dáng siêu thế nơi Huệ Quang Tu Viện, mảnh già lam đã được chính Thầy khai sáng. Thầy đã hun đúc tinh thần, truyền trao những giọt nước mát ngọt ngào, mồi ngọn đèn trí tuệ để con khôn lớn nên người, rồi cuối cùng, tất cả những khốn khó nhường lối cho hạnh phúc an lạc bước tới, những trở ngại nhất thời cất lên tiếng pháp thậm thâm.

 

Kính bạch Thầy, trong chùa, vào dịp Vu Lan Thắng Hội, con thường thắp nhang, tụng kinh, niệm Phật nguyện cầu cho biết bao người đã không may trở về cát bụi, nhưng chưa bao giờ con đốt một nén hương, xông một khoanh trầm để dâng cúng Thầy. Trong khi cả cuộc đời Thầy đã không tiếc công sức sách tấn, dạy dỗ từng lời, từng chữ, từng cách đi, dáng đứng, giống như Thầy xông hương cho tâm hồn con tươi nhuận trong sự nhiệm mầu của chánh pháp.

Thầy ơi, con còn nhớ rất rõ, những tháng ngày yên ả thanh bình, được nhân duyên hầu hạ, làm thị giả cho Thầy là cả một diễm phúc trên đời. Chính nhờ ân đức này, mà mảnh y giải thoát con mặc vẫn còn nguyên vẹn. Chính nhờ hồng phúc kề cận Thầy, mà con đủ đầy phước duyên tiến tu đạo nghiệp. Chính nhờ những tháng ngày phục dịch tại Tu viện mà con có dịp may vun bồi vườn trí nơi này chốn nọ.

 

Sau ngày Thầy viên tịch, con đã rời khỏi Huệ Quang trong tuần thất 21 ngày. Nghe nói Huệ Quang bây giờ đã đổi da thắm thịt nhiều lắm rồi. Nơi phương xa, lâu lâu lại được những thông tin nơi mái chùa nhỏ năm xưa phát triển không ngừng, lòng con tràn ngập niềm vui bất tận. Nhưng, dầu Tu viện Huệ Quang có theo dòng đời vô thường thay đổi gì đi nữa, cũng không làm sao đủ sức đổi thay, không làm sao có năng lực làm phủ mờ được nhân dáng ngồi như tượng vương tại thiền sàng nơi nhà tổ hoặc trên chánh điện của Thầy. Với con, thời gian không thể thay đổi những kỷ niệm đẹp đã được kết tinh, lắng đọng trong tâm tư mọi người. Thời gian không làm sao bào mòn những giá trị đạo đức tâm linh, hay những lời dạy thiết tha chân tình xuất phát từ cõi lòng của người đã thấy rõ đường về.

 

1. Suốt Đời Hành Hoá:

Kính bạch Thầy, con còn nhớ, tháng ngày ở Huệ Quang, ngoài thời giờ giảng dạy Kinh-Luật cho Tăng-Ni, Thầy đã dành hết thời gian chuyên sâu vào thiền định.

Thầy thường tĩnh toạ trên chiếc Bồ đoàn bằng cây đơn sơ, hay ngồi trên chiếc giường cũ kỷ năm nào. Mỗi ngày 6 thời, mỗi thời ít nhất 2 giờ. Nhân dáng thiền định của Thầy vững chắc như vách núi. Đôi mắt sâu kín của Thầy luôn như sẳn sàng ban trải những tình thương dạt dào đến học chúng xa gần.

 

Ôi, cuộc đời hành hoá của Thầy đã không biết mỏi mệt trong công phu tu tập, không biết dừng nghỉ trong phụng sự chúng sanh và không biết chán nản trong giáo dục, đào tạo Tăng-ni tài đức cho đạo pháp dân tộc. Có những khi, vì Phật sự đa đoan, công việc giảng dạy bộn bề, cần có thời giờ quan tâm giải quyết hay nghỉ ngơi, nhưng con vẫn thấy Thầy thong dong tự tại như không có chuyện gì. Về điểm này, con đã thấy rõ, hầu như không gì có thể buộc ràng đời sống thư thái nhẹ nhàng của Thầy, thậm chí những việc được gọi là Phật sự.

 

Mỗi tối hầu cận Thầy, Thầy thường khuyên bảo: “làm bất cứ việc gì cũng phải bằng tâm đức, phục vụ đạo pháp chúng sanh phải hết dạ hết lòng, đừng chấp chặt rồi tự chuốc lấy khổ đau”. Điều này được thể hiện rất rõ trên nét mặt hoan hỷ của Thầy hay những lúc an nhiên tĩnh toạ trên thiền sàng.

Thầy đã buông xả tất cả để trở về nguồn tâm ngời sáng, sống với thể tánh thanh tịnh nhiệm mầu bất sinh bất diệt. Vì vậy, tuy công việc ngập tràn, Phật sự đa đoan, nhưng với Thầy chỉ như cơn gió thoảng bay qua, chỉ là tuỳ duyên hành hoạt.

 

2. Trường Hạ Vĩnh Nghiêm năm nào:

Ngưỡng bạch Thầy, tình thương của Thầy trọn dành cho con luôn như bát nước đầy. Thầy đã thực sự quan tâm và ước mong con sau này trở thành vị Tăng trẻ giúp ích cho đạo, có lợi cho đời. Nên năm nào cũng vậy, Thầy luôn khuyến khích con tham dự những khoá An Cư Kiết Hạ nơi này nơi kia, mặc dù tại Huệ Quang lúc nào cũng có lớp giảng dạy Phật pháp do Thầy đảm nhiệm.

 

Con nhớ khoảnh khắc diệu kỳ và tấm lòng vị tha lo cho đàn hậu tấn của Thầy. Năm 1988, sau một đêm ân cần khuyến khích, chính Thầy ngồi xe xích lô, từ Huệ Quang ra Chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3 để gởi con cho Cố Hoà thượng viện chủ nhận con tham dự Khoá An Cư năm đó.

Thầy đã tiến dẫn con đến thẳng phương trượng của Cố Hoà thượng viện chủ, con đắp y vào đãnh lễ Người. Cố Hoà thượng viện chủ lúc nào cũng tươi cười, nét mặt khoan dung bình dị. Chính Cố Hoà thượng là người hướng dẫn con ra nhà tổ để đảnh lễ chư tổ, tác pháp Hậu An Cư cũng như đảnh lễ chư vị lãnh đạo hạ trường.

 

Ngày đó, trường hạ Vĩnh Nghiêm chỉ thu nhận những vị Thượng toạ cao đức, chư tôn túc đủ đầy nội lực và khả năng làm việc Phật sự tại các quận, huyện, nội ngoại thành. Vì vậy, Vĩnh Nghiêm luôn là Trường hạ kiểu mẫu tại thành phố. Trong khi đó, con là Tỳ kheo nhỏ nhất trong trường hạ-nhỏ tuổi đạo lẫn tuổi đời và là người đến sau hết. Trong thâm tâm của một số ít quý Thầy, lúc nào cũng cho con là người ỷ lại vào cái dù cao của Thầy và Cố Hoà thượng Hoá chủ. Nên những ngày đầu con cảm nhận không khí không vui vẻ cho lắm. Nhưng lần hồi, với uy đức của Thầy, với lòng quảng đại quan tâm thương mến của Cố Hoà thượng, con đã an tu nơi đây trong 3 tháng mà không có bất cứ sự cố đáng tiếc nào xãy ra.

 

Mái chùa Vĩnh Nghiêm năm xưa, nơi Cố Hoà thượng đức độ dung từ, luôn hoan hỹ với mọi người và luôn gánh vác những trọng trách nặng nề trong hạnh nguyện “truyền đăng tục diệm”. Con thấy, Cố Hoà thượng và Thầy là những bậc tiền bối luôn tôn kính, hoà mục và hiểu biết nhau rất nhiều, trong tu tập cũng như trong Phật sự. Đặc biệt những kỳ tổ chức các Đại Giới đàn tại Tổ đình Ấn Quang, con mới chứng kiến sự nhịp nhàng bên ngoài lẫn bên trong của hai bậc tòng lâm thạch trụ. 18 năm rồi, mà con cứ tưởng như mới hôm qua.

3. Tổ Đình Linh Sơn khó quên:

Thầy ơi, một kỷ niệm khó quên nữa là trong những năm hầu Thầy, Thầy thường khuyên dạy con “là tu sĩ, ngoài đức độ được vun đắp từ nội lực tu hành, còn phải là người am tường cả thế pháp lẫn Phật pháp”. Đối với Thầy, Tăng sĩ nếu có duyên và điều kiện về trí lực, phải thành thạo các việc tổ chức lễ lạc của truyền thống Phật giáo.

Chính Thầy có khi viết giấy giới thiệu, có lúc đích thân gởi con ra thọ học với cố Hoà thượng Tổ đình Linh Sơn, Cầu Muối bấy giờ.

18 năm qua, lúc nào con cũng nhớ hình ảnh và tấm lòng của Thầy đã ban phát cho con. Thầy luôn mong muốn con sau này, ngoài việc chính tu hành, còn phải là người có khả năng về mặt tổ chức lễ lạc và những năng lực ứng đối khác trong cuộc sống vị tha. Lúc đó, dưới cái nhìn của Thầy, cố Hoà thượng Linh Sơn là người lịch lãm trong mọi tổ chức lễ lạc Phật giáo.

 

Thật đúng như vậy, con đã được cố Hoà thượng thương tưởng tận tình chỉ dạy. Từ việc tổ chức Lễ chúc Thọ cho các bậc cao niên, Lễ Xuất gia, Lễ thọ bát quan trai, Lễ truyền trao Tam quy ngũ giới, đến cách thức tiếp đãi Phật tử và những thành phần nhân sĩ trong xã hội. Con nghĩ, chính nhờ hồng đức của Thầy mà con có cơ duyên được học hỏi nhiều đến thế. Chính nhờ sự quý mến lẫn nhau giữa Thầy và cố Hoà thượng Linh Sơn, nên Ngài đã mang hết tâm huyết truyền trao những kiến thức và kinh nghiệm của một đời người chỉ dạy cho con.

Chắc cũng giống như Huệ Quang Tu Viện, 18 năm qua, Tổ đình Linh Sơn cũng thay đổi nhiều lắm. Chư tôn đức thuở đó chắc cũng đã di chuyển nơi này chốn nọ để thiết lập đạo tràng, hoá độ chúng sanh. Có người vẫn còn hiện hữu trên trần gian và cũng có vị đã hoá sinh về bên kia cõi Tịnh.

Nhưng tâm hạnh và sở nguyện dấn thân phục vụ của Thầy và cố Hoà thượng vẫn còn mãi trong lòng Tăng-Ni, Phật tử, vẫn còn nguyên vẹn, đủ đầy như mới hôm nào.

 

Hơn thế nữa, Tăng-Ni, Phật tử ở Sài gòn thời đó đều công nhận với nhau rằng, thân tướng trang nghiêm của cố Hoà thượng Linh Sơn và Thầy đã in đậm trong lòng của Tứ chúng xa gần và của  riêng bản thân con.

Ôi đẹp đẽ và trang nghiêm làm sao, trong bất cứ buổi lễ Phật giáo nào, đều có sự chứng minh của Thầy và cố Hoà thượng thì những buổi lễ đó thêm phần trang trọng, thêm nhiều tín tâm cho mọi thành phần tham dự. Hai Ngài đều có chung sức hút mảnh liệt đối với tha nhân. Đó là nhờ thân tướng trang nghiêm, giọng nói từ tốn như chuông ngân, luôn ăn sâu vào lòng người. Những lời đáp từ văn chương khúc chiết, nhưng lưu loát khiến ai nghe cũng cảm thấy nhẹ nhàng, niềm hỷ lạc trào dâng trong tận cõi lòng trinh khiết.

Có một điều, giữa Thầy và Cố Hoà thượng Linh Sơn khác biệt đôi chút. Đó là, Cố Hoà thượng Linh Sơn có tài sử dụng những pháp phục trong mọi buổi lễ một cách thành thục nhuần nhuyễn. Thế nên, Cố Hoà thượng luôn là người dễ nổi bật hơn hết. Còn Thầy, chắc ảnh hưởng nếp sống thiền gia giản dị, nên trong bất cứ buổi lễ nào, trong vai trò chứng minh nào, con chỉ thấy Thầy sử dụng duy nhất một chiếc y chín điều, một chiếc áo tràng màu vàng đã ngã màu. Thầy không có hồng y, không có mão Hiệp chưỡng, Tỳ lư gì hết. Phải chăng, đó chính là nét nỗi bật riêng biệt của Thầy.

 

4. Chén Trà Lục Tổ nhiệm mầu:

Cung kính ngưỡng bạch Thầy, con nhớ rất rõ những lúc Thầy và Cố Hoà thượng Duy Lực trao đổi Thiền lý cũng như kinh nghiệm dịch thuật kinh luận tại phòng khách của Tu viện Huệ Quang.

Cố Hoà thượng Duy Lực là người thích uống trà, lại là người rất quý mến Thầy trong phương diện hoằng pháp và chuyên tu. Khi có việc, Cố Hoà Thượng thường đến Huệ Quang đến thỉnh thị ý kiến của Thầy. Có khi Ngài mang trà đặc biệt bên Trung quốc để biếu Thầy. Nhưng không khi nào con thấy Thầy thưởng thức một mình. Thầy để dành đó, đợi khi Cố Hoà thượng vào đàm đạo, hay trao đổi những vấn đề liên quan đến việc mở Phật Thất cho Tứ chúng xa gần về tu, Thầy mới dạy con lấy những loại trà hiếm quý như: Long Tỉnh, Thiết Quan Âm, Nhân Sâm Trà pha ra cúng dường Hoà thượng.

 

Một lần, vào buổi sáng đẹp trời, Cố Hoà Thượng Duy Lực đến vấn an sức khoẻ Thầy. Ngài có mang một gói trà nhỏ, do các đệ tử người Hoa vừa cúng dường, đó là trà Lục Tổ. Kỳ này, chính tay cố Hoà Thượng pha trà, phần con chỉ nấu nước sôi mà thôi.

Ôi món trà Lục Tổ, cho đến giờ vẫn còn đọng lại trong tâm thức, trong thân thể của con. Hương vị lạ kỳ, không sao diễn tả hết được. Vừa có vị chát, nhưng lại ngọt nhẹ, qua đến cuống họng toả ra vị đắng, nuốt vào lại ngọt thêm chút nữa. Làm cho tâm hồn người thưởng thức sản khoái, nhẹ nhàng, lâng lâng khó tả, như trở về với chân tánh Di đà hay Thích Ca, Lục Tổ. Đúng là dòng Tào Khê vẫn bất tận nhiệm mầu, trong cỏ cây núi đá, trong tất cả cảnh vật thiên nhiên, con người và vũ trụ.

Càng uống trà, con thấy Thầy và Hoà thượng càng dịu dàng hơn trong mọi oai nghi tấn chỉ. Lời nói phát xuất ra như một chưởng lực tuôn trào, luôn rúng động tâm thức con, kéo con về với thực tại nhiệm mầu. Lát sau, Thầy và Cố Hoà Thượng lại chìm trong im lặng tịch như, thoát ra ngoài mọi ngã nhân bỉ thử. Ngồi bất động không nói gì hết để đi vào thế giới minh nhiên mênh mông.

 

Thường người ta cứ lầm tưởng tổ sư thiền là phải đánh phá la hét và đập đổ, nhưng con thấy Thầy và Cố Hoà thượng lúc nào cũng từ ái nhẹ nhàng, ước muốn xương minh, xây dựng. Hai Ngài lúc nào cũng thể hiện sự hoà kính, luôn tìm phương cách này hay phương tiện nọ để sao cho đạo Phật cữu trụ Ta bà, chúng sinh ân triêm pháp hỷ.

Tuy Thầy và Cố Hoà Thượng uống trà, nhưng tâm thể và cách thức đã vượt lên trên những thể cách uống trà bình thường, hay kiểu Trà đạo truyền thống của dân tộc Nhật Bản xa xưa.

 

Con đã cảm nhận, đối với Thầy và Cố Hoà Thượng, uống trà là cơ hội để dắt dẫn tâm hồn trở về tự tánh, soi chiếu mọi hành vi tạo tác của chính mình.

Uống trà để thấy tánh, để sống an lạc hạnh phúc với Như lai thường hằng, hiển bày ngay trong phút giây tĩnh tại. Uống trà để thấy được sự sống nhiệm mầu luôn hiển thị hiện tiền. Lối uống trà này là lối uống trà truyền thống của sư Tổ Huệ Năng, của Thầy và Cố Hoà Thượng Duy Lực năm nào, và những năm gần đây con đã học và đang thực hành cho đến bây giờ.

 

Cung kính ngưỡng bạch Thầy, hôm nay thành tâm ôn lại tất cả, 18 năm trời mà tưởng như một giấc chiêm bao mới đêm khuya. Những hình ảnh, những ngôn từ, những lời khai thị, huấn thị vẫn còn tiềm ẩn, vẫn còn lưu xuất trong trái tim con.

 

18 năm, ánh dung từ của Thầy vẫn hiển hiện như mới ngày nào. Mặc dù Thầy đã tĩnh lặng vào cõi thinh không, nhưng những bước chân của Thầy trên vạn nẻo đường trần vẫn còn in dấu. Ánh mặt trời vẫn còn sáng toả bên chiếc Bồ đoàn của Thầy. Nắng hồng vẫn hằng xuyên thấu vào ngôi Tịnh thất của Thầy. Thoáng nhìn bề ngoài, tưởng như tất cả đã vào cõi lãng quên, nhưng không tan biến, không bị sự chi phối của vô thường tạm bợ.

 

Con ước nguyện, ngày nào đó, sẽ trở về Huệ Quang để quỳ dưới chân Thầy, thu mình lại trong ốc đảo tự thân rồi tiếp tục dấn thân theo con đường của Thầy. Sống ung dung phục vụ, nhưng cao khiết giữa cuộc đời. Sẳn sàng gác bỏ lại tất cả những bụi cát bên ngoài, kéo chân trên chiếc Bồ đoàn để an nhiên trong thế kiết già phu toạ!

 

Mùa Vu Lan Báo Hiếu năm nay, con thật sự vui sướng và hạnh phúc khi viết những dòng chữ này để thành kính dâng lên giác linh của Thầy!

Theo dòng đời tương tục diệt sinh, mọi huyễn hoặc pháp trần sẽ rơi rụng, những cằn cỗi não phiền sẽ chết cứng, để những kỷ niệm đẹp, những hình ảnh thân thương an bình luôn lấp lánh hiện về trong tâm thức vô ngôn của người thị giả.

Dầu ở phương trời nào đi nữa, nhưng hình ảnh của Thầy vẫn mãi ở trong con cho đến hết đoạn đường sinh diệt.

Con xin lạy tạ ân đức sâu dày của Thầy, cúi xin Thầy chứng minh cho tấm lòng thành của con!!

 
Chùa Phật Tổ, Úc Châu
Mùa Vu Lan Báo Hiếu-PL 2552; DL 2008
 
Thành  kính cúng dường
 Tỳ kheo Thích Thiện Hữu

 

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/anducsauday.htm

 


Vào mạng: 20-8-2008

Trở về mục "Vu-lan-bồn"

Đầu trang