Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Chữ hiếu () trong sự tích bánh Chưng và bánh Giầy
 Thích Minh Trí

Là người Việt Nam, có lẽ không ai trong chúng ta lại không nghe qua hay đọc sự tích bánh Chưng, bánh Giầy, - một câu chuyện cổ tích không những kể về nguồn gốc xuất hiện của chiếc bánh Chưng, bánh Giầy trong mỗi dịp lễ Tết cổ truyền dân tộc, mà còn đề cao tư tưởng đạo Hiếu trong mạch sống thường nhật của mỗi người dân Việt Nam từ xa xưa cho đến hôm nay.

 

Như chúng ta đã biết, vào đời Hùng Vương thứ VI, sau khi dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con để nghỉ ngơi, an dưỡng.

 

Nhân một ngày đầu Xuân, vua Hùng cho triệu tập các hoàng tử đến và phán rằng, trong số các ngươi, người nào tìm được thức ăn ngon lành, bày trên mâm cỗ sao cho có ý nghĩa nhất, ta sẽ truyền ngôi cho.

 

Các hoàng tử đua nhau sai người lên rừng xuống biển tìm kiếm của ngon vật lạ để chờ ngày dâng hiến vua cha với hy vọng giành được ngôi Cửu trùng.

 

Trong khi đó, hoàng tử thứ 18 của vua Hùng là Tiết Liêu, - còn gọi là Lang Liêu, - vốn bản tính hiền lành, đạo đức khiêm cung, hiếu kính cha mẹ. Ông mồ côi mẹ, lại đang sống với dân quê nên lòng bồn chồn lo lắng, đứng ngồi không yên, chẳng biết lấy gì tiến cúng vua cha.

 

Một hôm, Tiết Liêu nằm chiêm bao thấy có một vị Thần đến mắt bảo rằng: này con, trong trời đất, không có gì quý hơn nếp gạo, vì nếp gạo nuôi sống con người. Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông để tượng hình cho trời và đất. Hãy lấy lá bọc ngoài bánh, nhân đặt trong bánh để tượng trưng cho công ơn sinh thành dưỡng dục của cha và mẹ.

 

Tỉnh mộng, Tiết Liêu vô cùng mừng rỡ. Ông liền chọn nếp gạo thật ngon tự tay gói lại thành hình vuông để tượng hình cho đất, sau đó bỏ vào nồi chưng chín, gọi là bánh Chưng. Và ông lấy nếp chưng chín, rồi giã chúng  thật mịn làm thành hình tròn để tượng hình cho trời, gọi là bánh Giầy. Còn lá xanh bọc bên ngoài và đậu bỏ bên trong là để tượng trưng cho tình yêu thương của cha mẹ luôn đùm bọc, chăm sóc con cái.

 

Đến ngày hẹn, các hoàng tử, người nào người nấy nô nức dâng lên vua Hùng nào là sơn hào hải vị, nào là của ngon vật lạ quý hiếm. Đặc biệt, riêng hoàng tử Tiết Liêu chỉ dâng cúng vua cha hai thứ là bánh Chưng và bánh Giầy làm từ nếp gạo.

 

Hùng Vương thấy lạ quá, bèn hỏi Tiết Liêu. Tiết Liêu thành thực kể lại cho vua cha nghe câu chuyện về vị Thần và ý nghĩa của chiếc bánh Chưng, bánh Giầy. Nghe Tiết Liêu trình bày xong, vua Hùng nếm thử bánh. Vua khen ngon và hạ lệnh truyền ngôi báu cho Tiết Liêu.

 

Tuy sự tích bánh Chưng, bánh Giầy trên đây chỉ là một câu chuyện cổ tích truyền tụng trong dân gian nước ta từ ngàn xưa, nhưng nó vẫn gợi lên cho tất cả chúng ta những điều cần suy gẫm về vai trò của chữ hiểu trong cuộc sống trước đây cũng như hôm nay.

 

Tại sao vua Hùng lại không chọn, không chấm điểm những thứ sơn hào hải vị, và vật ngon quý hiếm do các hoàng tử dâng cúng ấy, và lấy những thứ đó làm tiêu chuẩn truyền ngôi báu hay tìm người kế vị lãnh đạo quần chúng?

 

Phải chăng vua Hùng đã nhận thấy rằng, tất cả những của ngon vật lạ mà các hoàng tử dâng lên ấy, chúng không những không nói lên được những đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” vốn là những đức tính “cần và đủ” của một người lãnh đạo mà chúng còn bộc lộ ý muốn “tranh danh đoạt lợi”, và phơi bày tâm lý hưởng thụ xa hoa, cho nên ngài không truyền ngôi cho một trong số các hoàng tử này?

 

Trái lại, hình ảnh chiếc bánh Chưng, bánh Giầy tuy hết sức đơn sơ bình dị nhưng nó lại gợi lên trong tâm thức vua Hùng hình ảnh của đất trời, của giang sơn gấm vóc mà suốt đời ngài đã hy sinh cống hiến để bảo vệ, và hình ảnh của những con dân tay lấm chân bùn, dãi nắng dầm mưa để tạo nên những hạt ngọc hạt vàng nuôi sống con người, - trong đó có cả chính ngài.

 

Bất chợt, vua Hùng ngộ ra cái đạo lý đơn sơ bình dị ấy vốn dĩ đã bao nhiêu năm ngài ấp ủ nó kín ở trong lòng. Đó là, chỉ có những ai hiểu rằng hạnh phúc vốn nằm ngay trong những cái rất bình thường của cuộc sống, chứ không phải nằm trong những cái cầu kỳ xa hoa mới có thể lãnh đạo non sông, đất nước. Người nào hiểu được điều ấy chính là hiểu lòng ngài. Mà để hiểu được lòng ngài phải là người con chí hiếu. Và không ai khác, đó chính là Tiết Liêu, - một người con đã thấu hiểu lòng cha khi dâng cúng chiếc bánh Chưng, bánh Giầy, vốn là biểu tượng của hiếu đạo. Khi Tiết Liêu đã thấu hiểu lòng vua cha thì cũng đồng nghĩa với việc đã thấu hiếu lẽ đất trời, tình chúng sinh. Cho nên, vua Hùng quyết định nhường ngôi báu cho ông.

 

Sự truyền ngôi báu của vua Hùng cho hoàng tử Tiết Liêu đã chứng tỏ rằng, từ ngàn xưa, cha ông ta đã biết lấy sự hiếu đạo để làm tiêu chí, và làm thước đo nhân cách trong việc lựa chọn các bậc hiền tài lãnh đạo đất nước. Quả thật, một người mà khuyết hiếu đạo thì chắc chắn sẽ khó trở nên một người lãnh đạo chân chính và xuất sắc. Bởi vì, tự thân người ấy còn chưa hiếu kính với ngay cả người đã có công sinh thành dưỡng dục ra chính họ thì làm sao người ấy có thể hiếu với bàn dân thiên hạ? và làm sao có thể yêu thương dân, lo lắng cho dân được?

 

Và cũng trong sự truyền ngôi báu này của vua Hùng, nó còn nêu lên quan niệm về chữ hiếu của cha ông ta trước đây. Hiếu không chỉ giới hạn trong phạm vi nhỏ hẹp là hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên của chính mình, mà nó còn được mở rộng, vượt ra ngoài biên giới ích kỷ cá nhân, đó là hiếu với đất trời, hiếu với tổ quốc,  hiếu với thầy tổ, hiếu với chúng sinh, hiếu với môi trường sống v.v …

 

Hơn thế nữa, người khi thể hiện đạo hiếu, thì trong lòng phải không mong cầu, không có điều kiện. Có như vậy thì tâm hiếu mới đạt đến kết quả trọn vẹn. Cũng giống như Tiết Liêu, ông đã thể hiện tâm hiếu với vua cha mà trong lòng không mong cầu. Nhờ tâm không mong cầu này cho nên ông đã đạt được cái ngoài mong cầu, - tức ngôi Cửu trùng.

 

Vả lại, theo quan điểm cha ông chúng ta trong câu chuyện cổ tích này, thì hạnh hiếu không phải chỉ thể hiện một ngày, hai ngày, mà nó phải được biểu hiện cụ thể quanh năm suốt tháng. Cho nên, ngay từ những ngày khai xuân, ông bà chúng ta nhắc nhở cho cháu sống hiếu đạo thông qua hình ảnh chiếc bánh Chưng, bánh Giầy dâng cúng trên bàn thờ Tổ tiên và Phật Thánh.

 

Với quan niệm hiếu như vậy, rõ ràng nó rất phù hợp với quan niệm hiếu của đạo Phật: “Trong muôn nết hạnh, hiếu là trên hết, - vạn hạnh hiếu vi tiên, - 萬 行孝 為 先”; và tương đồng với quan điểm hiếu của Khổng giáo: “Hiếu là cái gốc của muôn đức, giáo dục do vậy cũng từ đó mà sinh ra, - Phù hiếu đức chi bản dã, giáo chi sở do sinh dã (Hiếu Kinh), - 夫 孝 德 之 本 也, 教 之所 由 生 也 (孝 經).

 

Cho đến ngày nay, các nhà nghiên cứu văn học vẫn chưa thể xác định niên đại ra đời của sự tích bánh Chưng, bánh Giầy này. Chính vì thế, chúng ta không thể biết chính xác rằng, tư tưởng của đạo Phật hay của Khổng giáo đã tác động, ảnh hưởng đến tư duy của tổ tiên chúng ta để từ đó đã hình thành nên tác phẩm văn học dân gian truyền miệng có tác dụng giáo dục con cháu cao này về đạo hiếu trong dòng lịch sử dân tộc.

 

Giả sử, tác phẩm văn học dân gian truyền miệng này xuất hiện trước thời điểm Phật giáo du nhập nước ta trong những thập niên đầu của kỷ nguyên thứ nhất, và trước khi Khổng giáo ảnh hưởng nước ta, thì rất rõ ràng, nó đã chứng minh được rằng, từ ngàn xưa, cha ông chúng ta đã phát huy vai trò của chữ hiếu lên đến đỉnh cao không chỉ trong cuộc sống thường ngày của mỗi người dân, mà còn ngay cả trong đời sống sinh hoạt chính trị xã hội nước ta thời bấy giờ. Nếu giả thuyết này là đúng thì quả thật, vào thời Hùng Vương và sau đó, nước ta đã là nước văn minh thực sự.

 

Tuy nhiên, điều mà không ai có thể phủ nhận rằng, không phải đợi đến khi đạo Phật và đạo Khổng truyền vào nước ta, dân tộc ta mới biết sống hiếu đễ, mà có lẽ trước đó, đạo hiếu đã hiện hữu trong mạch sống thường nhật của dân tộc ta rồi. Đạo Phật và đạo Khổng cũng chỉ làm sáng thêm nghĩa chữ Hiếu vốn có trong lòng dân tộc ta mà thôi.

 

Như vậy, vào mỗi dịp lễ Vu lan theo truyền thống đạo Phật, chúng ta như được nhắc lại lần thứ hai trong năm rằng, hãy phát huy truyền thống hiếu đễ của dân tộc để đem lại an lạc, hạnh phúc cho chính ta, cho gia đình ta và cho xã hội ta. 

Viết tại chùa Phúc Lâm, Biên Hòa
Vu Lan, Mậu Tý (2008)

 

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/chuhieu.htm

 


Vào mạng: 05-8-2008

Trở về mục "Vu-lan-bồn"

Đầu trang