Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Đầu nguồn của đạo đức con người
Thích Minh Thành Ph.D.

Trong một buổi hội thảo chuyên đề “Học Làm Người” được tổ chức tại Nhà Văn Hóa Q1, đường Mạc Đỉnh Chi, chúng tôi nhận thấy quả thật những nỗi bức xúc trước thực trạng đạo đức xã hội xuống cấp là có thực. Vị chủ tọa đã dùng những lời và những ý thật mạnh mẽ để nêu bật vấn đế “đây không còn là vấn đề quan trọng, nguy cấp cần phải quan tâm mà đã là vấn đề ‘sống chết’ của một dân tộc. Hầu như diễn giả nào lên phát biểu cũng ít nhiều đề cập đến những việc cụ thể như học trò đánh thầy, “đâm lủng bụng thầy”[1], con cái không “thăm hỏi mà đòi hỏi cha mẹ”, con chửi mắng và hành hung cha mẹ, “con nít hỉ mũi chưa sạch mà đã nghiên cứu hôn m., hôn k. ...”, những bé gái phải đi phá nạo thai... nạn thuốc lắc, ma túy tràn lan xâm nhập vào cả học đường, nạn bạo hành của trẻ em. Những lời phát biểu với những lý luận chặt chẻ đầy tính thuyết phục với phong cách diễn tả thật hùng hồn và cũng có khi thiên về việc ‘xả bớt’ những bực tức đời thường khi chính diễn giả là nạn nhân hay là chứng nhân đã mục kích những tệ nạn trên.

Buổi hội thảo đã thu hút khá đông những người cầm bút vào hàng “trưởng lão” và cả những cây bút trẻ trung cho loại sách học làm người cho thấy sự quan tâm của những bậc cha mẹ, những bậc trí thức của thành phố đối với tình trạng trên. Qua hội thảo người tham dự đều có thể thấy được rằng vấn đề đạo đức của con người là vấn đề “sống chết” của dân tộc nhưng rất tiếc là không diễn giả nào, kể cả tôi trong lúc ấy, nêu lên được một cách rạch ròi và minh bạch điểm xuất phát của đạo đức của con người. Vâng, đạo đức con người phải có điểm xuất phát giống như đầu nguồn của con suối mà cuối nguồn là biển cả mênh mông. Trước khi đạo đức mang tầm cở vũ trụ. Trước khi đối tượng của đạo đức là vạn loại chúng sanh, là tất cả con người trên thế giới hay hạn hẹp hơn là dân tộc, giống nòi Việt Nam thì đối tượng của đạo đức là gì? Hay nói cách khác, điểm xuất phát của đạo đức của một người là gì? Tôi xin tham khảo hai nền đạo lý có truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam là Phật Giáo và Nho Giáo. Bài kinh tiêu biểu của Phật Giáo về vấn đề đạo đức học của con người trong xã hội là bài ‘Giáo Giới Thi-ca-la-việt’ được cả hai nền văn học Phật Giáo Pali tạng và Hán Tạng ghi lại trong kinh Trường Bộ và Trường A-hàm[2] Bài kệ quan trọng của bài kinh trên bắt đầu như sau:

Cha mẹ là phương Đông,
Sư trưởng là Phương Nam,
Vợ chồng là phương Tây,
Bạn bè là phương Bắc,
Nô bộc là phương Dưới,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Có nghĩa là phương Trên.
Cư sĩ và gia đình
Đảnh lễ phương hướng ấy.

Để diễn giải thêm cho điểm xuất phát này, bài kinh đã trình bày năm việc mà người con phải thực hiện để cho tròn ‘đạo con’ theo cách nói của câu ca dao Việt Nam mà tôi được học từ Tiểu Học:

Công cha như núi Thái Sơn;
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Năm việc đó là: (1) Nuôi dưỡng cha mẹ; (2) Làm các bổn phận của người con đối với cha mẹ; (3) Gìn giữ nề nếp và truyền thống gia đình, cụ thể là bảo vệ vinh dự và uy tín của gia đình, cúng dường các bậc tu hành phạm hạnh; (4) Bảo vệ, phục hồi, và làm phát triển tài sản thừa tự; và (5) Tổ chức tang lễ thích đáng khi cha mẹ qua đời. Cha mẹ cũng có 5 việc cần làm cho con là: (1) Ngăn chận con làm điều ác; (2) Khuyến khích con làm điều thiện; (3) Dạy con nghề nghiệp; (4) Cưới gả xứng đáng cho con; và (5) Đúng thời trao của thừa tự cho con.

Như vậy bài kinh đã cho chúng ta biết đầu nguồn hay điểm xuất phát của đạo lý con người là ‘cha mẹ’. Vâng, tình cảm ngọt ngào, thân ái và thiêng liêng của một hài nhi trứng nước là người mẹ. Ân phước tối thượng mà hầu hết những người con được hưởng là tình mẹ. Một loại tình cảm vô điều kiện đầu tiên và có thể là cuối cùng mà một người có được là tình mẩu tử. Vì vậy thiếu sót đạo đức đối với người mẹ, người đã lao đao, khổ sở, đau đớn để sinh thành, cưng dưỡng con người của mình thì khoan nói đến những dạng đạo đức khác. Thật là đáng ngượng nếu ai đó diễn thuyết một cách hùng hồn về đạo đức đối với vợ chồng, đối với bạn bè, đối với làng xóm, đối với quốc gia, đối với quốc tế, đối với vũ trụ... khi bản thân không có đạo đức đối với hai đấng sinh thành.

Với điểm xuất phát được hình thành trên nền tảng giáo lý Phật Giáo đó chúng tôi tham khảo sang chữ hiếu được thể hiện trong Nho Giáo và tác phẩm mà chúng tôi chọn làm tiêu biểu là quyển Nhị Thập Tứ Hiếu của cụ Quách Cư Nghiệp (1277 - 1367). Tác phẩm này được cụ Cử Nhân Lý Văn Phức, một bậc túc nho, diễn ra quốc ngữ bằng thể thơ song thất lục bát.

Có một trùng hợp lý thú về mặt tư tưởng giữa Ấn-độ và Trung Quốc qua hai tác phẩm này là: Cả hai đều xem chữ Hiếu đối với cha mẹ là xuất phát điểm của mọi hạnh lành. Tiết đầu tiên trong tác phẩm này kết luận rằng vì chí hiếu mà vua Thuấn cai trị dân Trung Quốc trong 18 năm bằng phương pháp ‘vô tiền khoáng hậu’ là ‘chỉ ngồi gảy đàn, hát khúc Nam phong, mà thiên hạ rất thái bình thịnh trị’[3]. Bỏ qua tính hư cấu của câu chuyện chúng ta thưởng thức được phong thái thảnh thơi của một người con hiếu dù đang sống trong tình trạng có nhiều nỗi lo toan của một ông vua[4]. Kinh Dịch có đoạn “Nghiêu Thuấn thùy y thường, nhi thiên hạ trị”. Nghĩa là không phải làm gì mà tự nhiên thiên hạ được thái bình.

Cuối cùng chúng tôi xin được thi hóa đoạn kệ trên để một lần nữa xác tín quan điểm đạo đức học của Đạo Phật và làm quà mọn cúng dường nhân mùa Vu-lan năm nay:

Cha mẹ thuộc về phương Đông,
Từ xưa khuya sớm khổ công vì mình.
Phương Nam - thầy tổ nghiêm minh
Khai thông nẽo đạo, tánh linh vun bồi.
Phương Tây chồng vợ kết đôi,
Nếp nhà gìn giữ trọn đời sắc son.
Bạn bè phương Bắc keo sơn,
Giúp nhau đúng lúc, khuyên lơn nẽo lành.
Phương Dưới, thân phận mõng manh,
Với người giúp việc lòng lành thi ân.
Phương Trên, ẩn sĩ, thượng nhân,
Siêng năng lễ bái, ân cần viếng thăm.
Sáu phương ứng với một tâm
Kính trên nhường dưới trăm năm yên lành.
Không còn hiểm nạn chung quanh
Nhơn thiên hoan hỷ chân thành tán dương. 


[1]- Những từ trong ngoặc kép là những câu chữ cụ thể được diễn giả dùng để phát biểu.

[2]- Kinh tương đương trong Tạng A-hàm là kinh Thiện Sanh, số 16, tập 1, tr. 555.

[3]- Nhị Thập Tứ Hiếu, Quách Cư Nghiệp, dg. Lý Văn Phức, nxb. Văn Nghệ, TpHCM, 1999.

[4]- Kinh Tăng Chi nói rằng ông vua là một trong 5 hạng người ngủ ít thức nhiều vì phải ưu tư, trằn trọc.

Nguồn http://thenhu.blogspot.com

 

 -ooOoo-

 

 http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/daunguoncuadaoducconnguoi.htm

 


Cập nhật: 28-8-2007

Trở về mục "Vu-lan-bồn"

Đầu trang