Công cha ba năm
tình thâm lai láng,
Nghĩa mẹ đậm đà
chín tháng cưu mang,
Bên ướt mẹ nằm, bên
ráo con lăn,
Biết lấy chi đền
đáp khó khăn,
Hai đứa mình lên
non lấy đá xây lăng phụng thờ.
Công ơn cha mẹ sâu
dày như thế đó, nói làm sao hết được, chỉ khi nào :
Lên non mới biết
non cao,
Nuôi con mới biết
công lao mẫu từ (ca dao).
Nhưng xét cho kỹ,
công lao của cha mẹ đều ngang nhau, cho nên nhân mùa Vu Lan, thiết nghĩ
bổn phận làm con, không những kính hiếu dành cho người mẹ bằng hoa hồng
hay hoa trắng, mà phải lẫn người cha nữa. Bởi vì :
Con có mẹ như măng
ấp bẹ (thành ngữ)
hay là :
Con có cha như nhà
có nóc (tục ngữ)
hoặc là :
Còn cha gót đỏ như
son,
Đến khi cha chết,
gót con đen sì.
hay là :
Còn cha nhiều kẻ
yêu vì,
Một mai cha chết,
ai thì yêu con (ca dao).
Hơn nữa,
Con có cha em đẻ,
Không ai ở lỗ nẻ mà
lên (tục ngữ) ...v.v
Ngày nay, có nhiều
chùa tổ chức lễ Vu Lan không những chỉ dành cho mẹ mà lẫn cha như : cài
bông hồng cho những người nào còn mẹ hay cài bông trắng cho những người
đã mất mẹ, còn đối với cha thì cài nơ màu xanh cho những người nào còn
cha hay cài nơ trắng cho những người đã mất cha. Đây là một hành động vô
cùng công bằng, bởi vì hằng năm đến mùa Vua Lan, cha lẫn mẹ đều được các
con kính hiếu. Việc kính trọng và báo hiếu dành cho song thân, thiết
nghĩ không chỉ về vật chất là đủ, mà còn tinh thần nữa. Bởi vì, nếu những
người con lâm vào tình trạng nghèo khó, không đủ sinh sống hằng ngày,
thì lấy đâu mua quà cáp để kính dâng cho cha mẹ những món ăn ngon vật lạ,
mà chỉ có những bửa cơm đạm bạc và lo lắng sức khỏe cha mẹ khi tuổi về
chiều hoặc làm cho cha mẹ vui, bởi những lời hỏi thăm hay những hành động
không làm cho cha mẹ buồn lòng, cũng là việc kính hiếu vậy.
Trái lại, những người
con giàu có thì việc phụng dưỡng cha mẹ già về vật chất thì không khó
khăn cho mấy, nhưng lại cho rằng : nay con đã lớn khôn, giàu có, khỏe mạnh
hơn cha mẹ, xem cha mẹ không ra gì, có những hành động, lời nói vô lễ
làm cho cha mẹ buồn phiền, thì việc kính hiếu của những người con đó sẽ
không được trọn vẹn, đôi khi đưa đến bất kính hiếu là khác, bởi vì,
chúng ta dù có giàu có, có lớn xác thì chúng ta cũng là con của cha mẹ,
thì bổn phận làm con vẫn là kính hiếu cha mẹ suốt đời không bao giờ thay
đổi, có như vậy việc phụng dưỡng cha mẹ mới được kính hiếu trọn vẹn.
Hơn nữa, chúng ta
đã thấy việc làm của Đức Phật đáng cho chúng ta suy nghï, vì Ngài đã có
ngai vàng, điện các, ngọc ngà, chu báu, vợ đẹp, con ngoan...thế mà Ngài
đã hoan hỉ xuất gia từ bỏ tất cả, để ngày nay, Ngài đã đuơc cả trên thế
giới kính trọng. Bởi vi, chúng ta nên nhớ rằng : <Dù chúng ta có giàu
sang hay nghèo hèn đến đâu, khi chết không thể mang hết được>, cho nên
chúng ta phải biết thương người như thể thương thân, huống chi kính hiếu
cha mẹ.
Việc kính hiếu đối
với cha mẹ, không những thờ cha kính mẹ ngang nhau, bởi vì cha mẹ là
người sanh thành dưỡng dục, mỗi người đều có công và trách nhiệm để lo
lắng, quả đúng với câu :
Mẹ dạy thì con
khéo,
Cha dạy thì con
khôn (tục ngữ).
Đối với mẹ, chúng
ta phải có bổn phận xem người mẹ như :
Mẹ già như chuối ba
hương,
Như xôi nếp mật,
như đường mía lau.
Hoặc là : Mẹ
già như chuối chín cây,
Gió đưa trái rụng
con rày mồ côi.
(Quả
đúng vậy, bởi vì khi Mẹ già có khác gì <Chuối chín cây>, khi bị một
ngọn gió Mẹ sẽ bị đau bịnh rồi chết, hơn nữa nếu nhà nào có trồng
chuối nhiều, sẽ thấy buồng chuối chín cây, vì không đốn kịp,
mỗi khi có ngọn gió, các trái chuối lần lượt rơi rớt, có khác gì
thân Mẹ già bị ngọn gió độc vậy. Đây là, hai câu tục-ngữ rất xác-thực
trong dân gian VN, đã tài tình ví tuổi già yếu đuối của Mẹ không
khác Chuối chín cây).
Mẹ già ở túp lều
tranh.
Sớm thăm tối viếng
mới đành dạ con (cao dao).
hay là :
Muốn cho gần mẹ gần
cha,
Khi vào thúng thóc,
khi ra quan tiền
Hoặc, nếu chúng ta
ở gần chỉ còn có mẹ, thì phải đem món ngon vật lạ cho mẹ, ví như sau :
Tôm càng lột vỏ bỏ
đuôi,
Giã gạo cho trắng
mà nuôi mẹ già,
hay là :
Đói lòng ăn đọt Chà
Là,
Để cơm nuôi mẹ, mẹ
già yếu răng.
Hoặc, nếu chúng ta
ở xa cha mẹ, người con hiếu kính phải gởi về quà cáp cho cha mẹ, ví như
sau :
Ai Về tôi gởi buồng
cau,
Buồng trước kính
mẹ, buồng sau kinh thầy.
hay là :
Ai về tôi gởi đôi
giày,
Phòng khi mưa gió
để thầy mẹ đi.
Nếu một khi chúng
ta bị lỗi với người mẹ, thì chỉ than như sau :
Me ơi! Đừng đánh
con đau,
Để con bắt ốc,
hái rau mẹ nhờ.
Mẹ ơi! đừng đánh
con hoài,
Để con bắt cá,
hái xoài mẹ ăn (ca dao).
Để rồi, khi
những người con gái của mẹ đến tuổi lập gia đình, nhưng vì thương cha mẹ
già, các em còn thơ dại nên rất muốn ở gần, nên thốt ra những lời như
sau :
Mẹ ơi! Đừng gả
con xa,
chim kêu vượn hú
biết nhà mẹ đâu.
Chim đa đa đậu
nhánh đa đa,
Chồng gần không
lấy, lấy chồng xa.
Một mai cha yếu mẹ
già,
Chén cơm ai xới, kỷ
trà ai dâng (ca dao).
Thời xa xưa, cha mẹ
thường có trọn quyền định đoạt mọi việc lớn nhỏ cho con cái, kể cả việc
dựng vợ gả chồng. Hể cha mẹ chọn đâu thì con cái phải nghe theo, vì có
câu : Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó (tục ngữ). Cho nên, có những anh chàng
thất vọng vì không được cha mẹ của nàng chấp nhận, đã than thở như sau :
Cha mẹ biểu ưng, em
đừng nói phải,
Em nỡ lòng nào bạc
đãi bỏ anh (ca dao).
Thế nhưng, nàng lại
một mực từ chối việc bỏ nhà theo trai, nên mới thốt ra câu :
Cha sanh mẹ đẻ,
không lẽ theo anh,
Xấu cha, xấu mẹ đôi
mình tốt chi...
Cha mẹ tôi già như
đèn cháy nhấp nhem,
Bổn phận tôi gái, mấy
em còn khờ...(ca dao) .
Những lời của người
con gái thốt lên ở trên đối với người yêu quả thật đáng khen vì đã làm
tròn bổn phận con cái cũng như giữ gì được danh giá cho gia đình đối với
cha mẹ, đó cũng là cách báo đền kính hiếu cha mẹ vậy.
Việc kính hiếu đối
với cha mẹ từ xưa đến nay rất nhiều, riêng đối với Đức Khổng Tử chú
trọng dạy con người, trước nhứt phải đạt được chữ Nhân nghĩa là con
người phải có lòng thành thật, nhân hậu đối với những người thân cận
chung quanh mình, ví như cha mẹ, anh chị em, rồi kế đến họ hàng thân
tộc, bạn bè, sau cùng là trong thiên hạ. Nếu đối với cha mẹ mà chúng ta
không biết kính hiếu, đối với với anh chị em không thuận hòa thì không
thể nói đó là người có lòng nhân và thành thật được. Đối với cha mẹ,
chúng ta phải thương và kính, bởi vì : thương mà không kính, thì
không thể gọi là hiếu đạo được. Sách Luận Ngữ, Vi Chính II, kể lại câu
chuyện như sau : Một hôm người học trò Tử Du hỏi Khổng Tử về chữ
Hiếu. Khổng Tử đáp : Có người nói Hiếu là nuôi dưỡng cha mẹ, nhưng nếu
nuôi mà không Kính, thì có khác gì nuôi súc vật, lấy gì để phân
biệt. Như vậy, nuôi dưỡng cha mẹ phải cung kính, dầu ăn cơm hẩm, uống
nước lã, nhưng cha mẹ vẫn vui lòng. Lúc cha mẹ còn sanh tiền, con
nên sống gần gũi cha mẹ để săn sóc lo ăn uống cũng như thuốc thang mỗi
khi cha em đau ốm, cho nên con không được đi xa, bởi câu : "Phụ mẫu tồn,
tử bất khả viễn du" (Cha mẹ còn, con không được đi xa). Ngoài ra, trong
thành ngữ cũng có câu : "Con đâu, cha mẹ đó". Trường hợp con bắt buộc
phải đi xa, thì nên cho cha mẹ biết thời gian, nơi chốn rõ ràng để cha
mẹ an tâm, khỏi trông lo, bởi câu : "Phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất
hữu phương" (Luận Ngữ, Lý Nhân IV). Việc hiếu đạo tức phải có Lễ Nghĩa.
Lễ là theo cái Lý phải. Nghĩa la theo cái Đức phải. Nói rõ hơn, việc
kính hiếu cha mẹ không có nghĩa là lúc nào cha mẹ làm điều sai trái,
người con cũng phải nghe theo. Nhưng bổn phận con phải biết ngăn cản cha
mẹ làm việc sai trái, xấu xa, nếu cha mẹ cứ khư khư tiếp tục làm sai
trái không nghe theo, thì bổn phận con phải lựa lời nhã nhặn, từ tốn ôn
hòa, rồi từ từ phân tách lẽ phải trái, bẩm thưa nhiều lần, để ngỏ hầu
cha mẹ biết kịp mà tránh. Do vậy, nếu cha mẹ biểu làm điều sai trái, xấu
xa mà con cứ nhắm mắt làm theo ý cha mẹ, thì con cũng phạm tội bất hiếu
như thường : "Phụ hữu trách tử tức thân bất hảm ư bất nghĩa, đương bất
nghĩa tắc trách chi. Tùng phụ lệnh an đắc vi hiếu". Vì thế, con luôn
luôn phải biết giữ gìn danh giá, tiết nghĩa cho cha mẹ, bằng cách nghe
lời dạy bảo những điều hay lẽ phải của cha mẹ và cản ngăn cha mẹ làm
những điều sai trái, xấu xa, như vậy con mới được xem là giữ tròn hiếu
đạo. Ngoài ra, con có hiếu còn phải tiếp nối chí khí, hành động, việc
làm tốt của cha mẹ đã làm, chứ đừng nhắm mắt làm càn, không chịu suy
nghĩ tận tường : "Phù hiếu giả thiện kế nhân chi chí, thiện thuật nhân
chi sự giả gia" (Trung Dung). Khi cha mẹ mãn phần, Đức Không Tử cũng
dặn dò người con nên chú trọng đến việc thờ cúng cha mẹ, tổ tiên.
Hơn nữa, con có hiếu là người còn phải kết kính trọng những người mà cha
mẹ tôn trọng và yêu thương những người mà cha mẹ mến thương nữa. Do vậy,
người con trước sau phải một lòng tôn kính, thương tưởng cha mẹ khi còn
sanh tiền hay đã mất : "Kính kỳ sở tồn, ái kỳ sở thân, sự tử như sanh,
sự vong như sự tồn (Trung Dung).. Một người con có hiếu, còn phải biết
đến tuổi thọ của cha mẹ để hân hoan vui mừng khi thấy hằng năm cha mẹ
tăng thêm một tuổi thọ, được sống lâu với con cháu và lo âu khi thấy
sức khỏe cha mẹ càng ngày càng già yếu. Đến khi cha mẹ quá vãng, người
con kính hiếu cha mẹ cũng nên nhớ ngày giổ kỵ để cúng kiến cho cha mẹ
thật cho đáo. Trên đây, là những đơn cử, trích dẫn về quan niệm chữ hiếu
đối với cha mẹ do Đức Khổng Phu Tử đề ra.
Được biết, Đức
Khổng Phu Tử sanh vào mùa Đông tháng 10 năm Canh Tuất, năm thứ 21 đời
vua Linh Vương nhà Chu tức năm 551 trước Tây Lịch, con của ông Thúc
Lương Ngột và bà Nhan Thị, Ông mất vào năm 497, thọ được 72 tuổi, mộ
chôn tại Khổng Lâm, cách huyện Khúc Phụ, thuộc tỉnh Sơn Đông 2 dậm . Đức
Khổng Phu Tử quả là một nhà nhân bản, một bậc thầy vĩ đại của lịch sử
Trung Hoa. Trong các tác phẩm của ông và các môn đệ như : Nhan Hồi, Tăng
Tử, Tử Lộ, Mạnh Tử... gồm có : Ngũ Kinh là Kinh Thi, Kinh Thơ, Kinh
Dịch, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu và Tứ Thư là Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ,
Mạnh Tử... Đức Khổng Phu Tử cũng là nhà tư tưởng Trung Hoa đầu tiên đề
cập đến các quan hệ căn bản không những của nền Khổng Học mà cả nền
Triết Học Trung Hoa về Tu Thân (Se Perfectionner) - Tề Gia (Diriger la
famille) - Trị Quốc (Gouverner un pays) - Bình Thiên Hạ (Pacifier le
monde) trong đó có Tam Cang là Quân Thần, Phụ Tử, Phu Phụ và Ngũ Thường
là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín đối với nam nhi, còn nữ nhi thì phải làm
tròn bổn phận Tam Tòng là "Tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử
tùng tử" tức khi người con gái ở nhà cha mẹ phải nghe lời cha, khi lấy
chồng thì phải theo chồng, khi chồng chết thì phài theo con. Ngoài ra,
còn phải gìn giữ tứ đức là Công, Dung, Ngôn, Hạnh.
Gương kính hiếu cha
mẹ rất nhiều trong sách vở như : Nhị Thập Tứ Hiếu, Kim Vân Kiều, Lục Vân
Tiên...Đặc biệt, trong Tứ Thư (Luận ngữ, Mạnh Tử) cũng có nói về vua
Thuấn là người con chí hiếu, đáng cho chúng ta suy ngẫm. Vạn Chương, đệ
tử của Mạnh Tử, có hỏi Mạnh Tử: Không hiểu tại sao khi ông Thuấn còn cày
ruộng tại núi Lịch , thường ngó lên trời mà kêu gào khóc lóc như vậy?
Mạnh Tử đáp : Ông Thuấn có lòng thán oán và luyến mộ. Phàm làm con, được
cha mẹ có thương thì con vui mừng và chẳng hề quên ơn cha mẹ. Nhưng cha
mẹ có ghét thì người con làm lụng cực nhọc cha mẹ và chẳng hề than oán.
Vậy, tại sao ông Thuấn thán oán cha mẹ? Ông Công Minh Cao (môn đệ của
Tăng Tử) cho rằng : tấm lòng của người con hiếu thảo chưa dứt sầu khổ
nếu chẳng được tình thương của cha mẹ, cho nên ông Thuấn mới than! Ta
đem hết sức mình ra cày ruộng, đó chẳng qua là làm tròn bổn phận làm con
mà thôi, còn cha mẹ chẳng thương ta, ta có lỗi ở chỗ nào? Trong khi ông
Thuấn làm lụng vất vả ở giữa đồng ruộng, nơi núi Lịch, thì vua Nghiêu
sai con mình 9 trai 2 gái và bá quan phụng sự ông Thuấn, rồi lại cấp
cho đủ thứ như bò trừu, kho lẫm. Kế đến, các nhà trí thức trong thiên hạ
lại kéo nhau theo ông Thuấn rất đông, thế rồi ban đầu vua Nghiêu lập ông
Thuấn lên cai trị với vua Nghiêu, để về sau nhường ngôi lại cho ông. Ông
Thuấn dầu được cầm quyền nhiếp chánh và làm vua, nhưng vì chẳng được hòa
thuận với cha mẹ, ông Thuấn tự coi mình như kẻ khốn khổ chẳng biết nương
tựa vào ai. Ông Thuấn được các nhà trí thức trong thiên hạ hoan nghinh
và quí phục, đó là ý muốn của mọi người, thế mà ông Thuấn chẳng đủ giải
mối ưu sầu của ông. Hơn nữa, ông Thuấn lại còn được người đẹp hầu hạ bên
ông, đó là sở dục của mọi người, sự giàu có bậc nhứt là làm thiên tử gồm
cả thiên hạ mà chẳng đủ giải mối ưu sầu của ông. Duy chỉ có sự hoà thuận
với cha mẹ mớí có thể giải được mối ưu sầu này. Bực đại hiếu trọn đời
lúc nào cũng luyến mộ cha mẹ như lúc còn ấu thơ, chỉ thấy gương ở vua
đại Thuấn mà thôi.
Một hôm về thăm
nhà, cha mẹ sai sửa lẫm lúa, khi ông ở trên nóc nhà bị rút cây thang,
rồi cha là ông Cổ Tẩu liền đốt lẫm lúa, ông Thuấn nhờ cặp nách hai cái
sàng tre mà bay xuống được bình an. Một lần khác, cha mẹ lại sai ông đào
giếng, khi ông đào tới đáy giếng, thì ông cũng bị ông Cổ Tẩu cùng với
ông Tượng là em cùng cha khác mẹ liền lấp đất lại. Nhưng ông Thuấn đã
đào sẵn một đường ngách để phòng thủ, cho nên ông theo đường ngách để
lên khỏi giếng. Tưởng rằng, ông Thuấn đã chết, ông Tượng bèn hô lên :
"Mưu lấp giếng để chôn sống vị đô quân (ông Thuấn được thay quyền vua
tại đô thành) hoàn toàn do nơi công của ta. Từ đấy bò và trừu của anh
Thuấn, ta sẽ giao cho cha mẹ ta, kho lẫm của anh sẽ thuộc về ta, đồ binh
khí như can và qua về phần ta, đờn cầm, cây cung có chạm cũng về ta, hai
bà chị dâu sẽ dọn giường cho ta... Rồi ông Tượng bèn đi vào cung vua,
thì thấy ông Thuấn đang ngồi trên giường mà khải đờn cầm, khi đó vua
Thuấn nói : này bá quan và thứ dân của anh, anh sẽ giao cho em cai trị
giúp anh, khi đó ông Tượng mới xấu hổ thẹn đỏ cả mặt.
Ngoài ra, chỗ chí
hiếu của người con như ông Thuấn không chỉ lớn bằng làm cho cha mẹ được
tôn trọng, mà còn cha mẹ được hưởng nhiều hoa lợi, bởi vì ông Thuấn được
làm vua, đương nhiên ông Cổ Tẩu là cha của thiên tử tức là ông Thuấn đã
làm cho cha mẹ được tôn trọng, cao quý vậy và đem hoa lợi trong thiên hạ
để phụng dưỡng cha mẹ. Đó chính là ông Thuấn đã dày công báo đáp ơn sanh
dưỡng của cha mẹ.
Trong Kinh Thi,
Thiên Đại Nhã có chép : "Làm con lúc nào cũng nên nghĩ đến hiếu đạo
đối với cha mẹ", nhờ vậy làm giềng mối cho hậu thế, tức con cháu noi
gương theo. Ngoài ra, trong Kinh Thơ còn ghi : "Vua Thuấn thờ cha là ông
Cổ Tẩu rất kính, mỗi khi đến viếng thăm cha thì rụt rè, nễ sợ. Vì thế,
ông Cổ Tẩu mới lần hồi được cảm hóa để trở nên hòa thuận với ông Thuấn
là con ruột của mình". Đối với vua Thuấn, quan niệm ở trên đời là cha mẹ
trước nhứt, bất cứ việc gì cũng phải làm cho cha mẹ vui lòng, để cha mẹ
thuận hoà, thương yêu với con. Nếu người con làm cho cha mẹ buồn phiền,
thì dẫu người con đó làm vua và được mọi người trong thiên hạ kính nể,
ngưỡng mộ và hết lòng sủng ái, vua Thuấn không xem quan trọng bằng cha
mẹ. Hành động thờ kính cha mẹ của vua Thuấn, chỉ có vua Thuấn làm được
mà thôi. Bởi thế cho nên người đời khen vua Thuấn là bậc đại hiếu trong
thiên hạ vậy... (Mạnh Tử).
Riêng về báo hiếu
theo Phật Giáo, Đức Phật thường đề cặp đến chữ hiếu nhiều nhứt trong các
kinh như : Vu Lan, Lễ Lục Phụng, Phân Biệt, Tăng Chi, Bảo Tạng... Đức Phật
dạy cho chúng sanh rất rõ ràng về công ơn sanh thành dưỡng dục sâu dầy,
to lớn của cha mẹ, người con phải có bổn phận phụng dưỡng về vật chất lẫn
tinh thần, bằng chứng là trong kinh Lễ Lục Phụng, đã chỉ dạy người con
phải có bổn phận vơí cha mẹ được tóm lược như sau : Vâng lời và giúp đỡ
cha mẹ, chăm học, siêng làm, giữ gìn gia phong và danh dự gia đình, bảo
vệ tài sản, khích lệ cha mẹ làm việc thiện, tu theo đạo giải thoát để khỏi
khổ về sau, lúc cha mẹ già phải phụng dưỡng, đến khi cha mẹ mất, đám
tang nên theo phong tục và hoàn cảnh... Ngoài ra, trong kinh Nhẫn Nhục,
Đức Phật dạy rằng : "Tất cả các điều thiện, không có gì cao hơn là có hiếu,
tất cả các điều ác tệ nhứt là bất hiếu".Bởi vì, công ơn cha mẹ quá
cao dày, to lớn đến nỗi như thế, nếu có người con vai mặt công cha, vai
trái cõng mẹ để đi khắp cả đại địa sơn hà, rồi đấm bớp hầu hạ suốt đời,
đôi lúc cha mẹ còn đại tiểu trên vai mà không chút than phiền cũng chưa
đủ để đền đáp công ơn cha mẹ (Kinh Tăng Chi). Kinh này viết tiếp, người
con đền đáp công ơn cha mẹ chỉ bằng cách cung phụng đủ thứ vật chất hay
tiền bạc cũng chưa đủ để báo đền ơn sanh thành dưỡng dục.Ngoài ra, người
con cũng nên khuyên cha mẹ tu hạnh bố thí, nếu được cha mẹ đồng ý chấp
thuận, thì người con xem như trọn vẹn việc hiếu đạo đối với cha mẹ.
Trong kinh Vu Lan
mô tả quả nghiệp của mẹ ngài Mục Kiền Liên bi đoạ dày vào ngạ quỷ, vì
lúc sanh tiền bà quá bỏn xẻn, tham lam. Mặc dù ngài Mục Kiền Liên đã chứng
được thần thông, thấy suốt ba cõi, nhưng ngài cũng không thể tự mình cứu
mẹ ra khỏi chốn âm cung, mà phải nhờ sức chú nguyện của chư tăng thập
phương, nhân ngày lễ Vu Lan tự tứ. Noi gương ngài Mục Kiền Liên, người
phật tử dầu bận rộn trăm bề, nhưng đến ngày lễ Vu Lan báo hiếu cũng về
chùa để tụng kinh, bái sám để cầu cho những người thân, nhứt là những
người đã có cha mẹ quá vãng được sớm siêu thoát tịnh độ. Trường hợp, nếu
chúng ta có cơ hội kính hiếu mà không thực hiện được hoặc không xem việc
kính hiếu là quan trọng hàng đầu hay đôi khi còn đối xử với cha mẹ một
cách tệ bạc, vì nghĩ rằng bổn phận của cha mẹ là phải lo cho chúng ta suốt
đời. Nếu cha mẹ vì nghèo khó mà khinh khi hoặc đôi khi buông lời trách
phiền cha mẹ không cho tiền của để chúng ta có được sống sung sướng suốt
đời... Chúng ta đừng quên rằng : "Không có cha mẹ sanh thành thành dưỡng
dục thì không có chúng ta trên cõi đời này" để rồi không lo kính hiếu
cha mẹ, đôi khi chúng ta giàu có lại hành động bất kính hiếu đối với cha
mẹ lúc tuổi già, vì tập tánh : "Con đóng khố, bố cỡi truồng" (thành
ngữ) thì tội nghiệp cho cha mẹ vô cùng. Bởi vậy, một khi chúng ta đã trở
thành bậc làm cha mẹ, mới hiểu được công ơn cha mẹ, đúng với câu : Dưỡng
tử phương tri phụ mẫu ân (Đức Khổng Tử) tức nuôi con mới biết được công
ơn của cha mẹ.
Và một khi chúng ta
mất dịp kính hiếu với cha mẹ, thì sẽ phải hối hận như thầy Tử Lộ, bởi vì
khi thầy Tử Lộ đã thành công trong sự nghiệp, muốn nuôi dưỡng thì cha mẹ
không còn nữa, cho nên khi cha mẹ còn sống, chúng ta phải tận lực phụng
dưỡng cha mẹ, thì mới có ý nghĩa đáng quý và khi cha mẹ theo ông bà, phải
có bổn phận lo mồ mả, cúng kiến để vong linh cha mẹ được sớm vãng sanh về
cảnh giới an lành.
Đó là bổn phận của
người con đối với cha mẹ phải biết kính hiếu thật đúng nghĩa vậy.
Mùa Vu Lan Báo Hiếu 2008 Mậu Tý
-ooOoo-
http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/kinhhieuchame.htm