Lễ Vu lan là một ngày lễ quan trọng trong
Phật giáo. Căn cứ vào kinh Vu lan, hằng năm vào ngày rằm tháng bảy, lễ
hội Vu lan được tổ chức long trọng để truy tiến cầu siêu cho tổ tiên cha
mẹ đã quá vãng siêu sanh về miền tịnh cảnh. Trong kinh Vu lan đức phật
dạy: “ Tôn giả Mục Kiền Liên sau khi chứng được lục thông, Ngài dùng
Thiên nhãn quan sát thế giới nhìn thấy mẹ mình sinh làm ngạ quỷ, chịu
các khổ báo mà không sao cứu mẹ ra được. Tôn giả đau buồn bi thảm liền
quay về bạch hỏi đức Phật. Đức Phật nhân đó mà thuyết ra phương pháp cứu
độ này. Vào ngày rằm tháng bảy, khi chúng Tăng Tự tứ, vì cha mẹ bảy đời,
cha mẹ hiện tại đã quá vãng đang chịu các cảnh khổ mà dùng trăm món đồ
ăn, đựng trong bồn bát cúng dường thập phương chúng Tăng. Nhờ công đức
đó mà cha mẹ bảy đời được thoát cảnh ngạ quỷ, sanh lên làm người hoặc
sanh vào cõi trời hưởng được các phước báo.” Đây chính là nhân duyên đức
Phật thuyết kinh và từ
đó lễ hội Vu lan được lưu hành trong
Phật giáo.
Kinh Vu lan có nguồn gốc từ tiếng Phạn, do
ngài Pháp Hộ (Dhamrmaraksha) dịch sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn, nay
còn lưu trong “Xuất Tam Tạng Ký Tập”, bản tiếng Phạn đã bị thất lạc.
Toàn bản kinh Hán gồm 800 chữ, được dịch ra nhiều thứ tiếng như Nhật,
Hàn, Việt nam. Ở Trung quốc, Nhật, Hàn và Việt nam có nhiều bản được
dịch thành các thể loại thơ.
Ngoài ra ở Trung quốc còn có các bản dịch
thời Đông Tấn tên là “Phật Thuyết Báo Ân Phụng Bồn Kinh” hay “Báo Chúng
Công Đức Kinh”. Những bản dịch này văn nghĩa ngắn hơn, khoảng 300 chữ.
Trong “Khai Nguyên Thính Giáo Lục” quyển thứ 18 có chép một bài kinh tên
là “Tịnh Độ Vu Lan Bồn Kinh”, kinh này hiện đã thất lạc. Trong “Pháp
Uyển Châu Lâm”, quyển 62 có chép một bản kinh tên là “Đại Bồn Tịnh Độ
Kinh”. Bản này nói có 16 quốc vương sau khi nghe đức Phật thuyết xong
câu chuyện Tôn giả Muc Liên cứu mẹ thoát vòng ngạ quỷ thì mỗi vị đều
phát tâm làm các loại bồn quý, đựng các món thức ăn cúng dường Phật và
Tăng chúng.
Theo bản “Vu Lan Bồn Kinh” của ngài Trúc
Pháp Hộ dịch thì có nhiều chú giải rõ ràng và dễ hiểu nhất. Hiện có “Vu
Lan Giảng Thuật” của Đường Huệ Tịnh, “Vu Lan Bồn Kinh Sớ” của Đường Tông
Mật, “Vu Lan Bồn Kinh Sớ Tân Ký” của Tống Nguyên Chiếu, “Vu Lan Bồn Kinh
Sớ Hội Cổ Thông Kim Ký” của Tống Phổ Quán, “Vu Lan Bốn Kinh Sớ Hiếu Hằng
Sao” của Tống Ngộ Vinh, “Vu Lan Bồn Kinh Sớ Sao Dư Nghĩa” của Tống Nhật
Tân, “Vu Lan Bồn Kinh Tân Sớ” của Minh Trí Húc, “Vu Lan Bồn Tích Trung
Sớ” của Thanh Linh Diệu, “Vu Lan Bồn Kinh Lược Sớ” của Thanh Nguyên Kỳ.
Trong các bản chú sớ này đều có một nội dung gần như giống nhau chỉ có
một vài giải thích thuật ngữ có khác đôi chút, ngoài ra không có gì sai
biệt nhau lắm.
Chữ Vu Lan Bồn có hai âm đọc, một âm là “Vu
Lan”, một âm là “Bồn”. “Vu Lan” là âm tiếng Phạn “Ulam” có nghĩa là cứu
đảo huyền, giải đảo huyền hoặc cứu tội treo ngược (hanging up side
down); “Bồn” có nghĩa là đồ đựng thức ăn. Như trong “Vu Lan Bồn Kinh
Giảng Thuật” của Đường Huệ Tịnh viết: “Đem các món thức ăn đựng trong
bồn cúng dường Phật và chúng Tăng để cầu cứu nạn treo ngược nên gọi là
Bồn”. Sớ của Đường Tông Mât chép: “Vu Lan là tiếng Tây Vức
(Western Region) nghĩa là đảo huyền; chữ Bồn là âm đọc của người Hán đời
Đông Hạ, có nghĩa là đồ đựng thức ăn dâng cúng”. Như vậy hiểu theo
sát nghĩa thì Vu Lan Bồn là đồ đựng thức ăn để dâng cúng cứu tội treo
ngược. Trong “Tân Sớ” của Minh Trí Húc, và “Tích Trung Sớ” của Nguyên
Minh Kỳ cũng giải thích như vậy.
Có một cách giải thích khác cho rằng “Vu
Lan Bồn” đều là âm dịch từ tiền Phạn. Theo “Nhứt Thiết Kinh Âm Tập”
của Huyền Ứng chép: “Vu Lan Bồn dịch âm từ chữ Ulambana nghĩa là đảo
huyền. Theo tục lệ người Tây Vực, đến ngày Tăng Tự Tứ, vì người quá cố
trong gia đình tuyệt tự không có người thờ cúng mà lại đọa vào vòng ngạ
quỷ, chịu tội báo treo ngược, vì vậy đức Phật chỉ bày cho mọi người
trồng các cội công đức, bằng cách đem thức ăn cúng dường chư Phật và
Tăng chúng, nhờ sức chú nguyện mà người quá cố được thoát cảnh địa ngục
đói khát treo ngược. Xưa gọi Vu Lan Bồn là đồ đựng thức ăn là không đúng
vậy”.
Trong “Vu Lan Bồn Kinh Sớ Hiếu Hằng Sao”
của Tống Ngộ Vinh viết: “Tên kinh vốn là Giác Giả Thuyết Cứu Đảo
Huyền Khí Kinh, Vu Lan Bồn được dịch âm từ thời Tống đã lược bớt âm của
nó, âm đầy đủ phải là Ô Lam Bà Noa (Ulambana) nghĩa là hiếu thuận, cúng
dường, báo ân và giải đảo huyền. Âm “Bồn” cũng chính là âm dịch của âm
Phạn “Bana”. Nay hiểu theo nghĩa của người Hán là đồ đựng thức ăn cứu
tội treo ngược”. Như vậy theo lời giải thích của Tống Ngộ Vinh thì
các chuyên gia dịch thuật đương thời đều hiểu với nghĩa như vây để dịch
trong kinh điển.
Thế nhưng theo những gợi ý của Kenneth K.
S. Chen trong cuốn Chenese Transformation of Buddhism, thì thuật ngữ
Ulambana là một hợp âm, nó không có trong từ điển tiếng Phạn cũng như
Pali mà chỉ có những từ như Ullambita là một quá khứ phân từ của động từ
Ud-lamb (xem Monier William, A Sanskrit English Dictiionary) có nghĩa là
treo ngược (suspended), như vậy cũng có nghĩa tương tự như Avalambana
(hanging down). Còn trong Pali English Dictionary thì có xuất hiện chữ
Ullumpana nghĩa là cứu độ, xá tội (salvation, saving, full of mercy) có
nguồn gốc từ chữ Ullumpati. Như vậy những nhà dịch thuật kinh điển thời
bấy giờ ở Trung quốc đã đọc âm trại từ Ud-lamb, Avalambana hoặc Olambana
thành Vu Lan Bồn (yu-lan-pen) và dịch thành Cứu đảo huyền hay cứu tội
treo ngược. Còn riêng chữ “Bồn” không có nghĩa riêng biệt trong những
thuật ngữ đã nói trên mà chỉ là âm đọc tiếp nối của hợp âm trên. Vì vậy
cho nên thuật ngữ Vu Lan Bồn không thể hiểu là bình bát hay bồn cứu độ.
Từ đó y theo kinh Vu Lan Bồn, lễ Vu Lan
được bắt đầu từ thời vua Lương Võ Đế. Theo “Phật Tổ Thống Ký”
quyển 37 chép: “Năm Đại Đồng thứ tư (538), nhà vua ngự giá đến chùa
Đồng Thái, thiết cỗ chay Vu Lan để cúng dường”. Và trong “Thích
Thị Lục Thiệp” của Nghĩa Sở chép: “Ngài Hoằng Minh ghi nhận rằng
hằng năm đến ngày rằm tháng bảy vua Lương Võ Đế đến chùa dâng bồn cúng
dường thể theo việc làm trong kinh của Ngài Mục Liên”. Kể từ đó về
sau lễ hội Vu Lan được duy trì và trở thành một lễ hội quan trọng trong
truyền thống văn hóa Trung Quốc được vua quan thần dân bá tánh ủng hộ và
cử hành long trọng để báo đáp thâm ân tổ tiên cha mẹ.
Trong “Pháp Uyển Châu Lâm” của Đường
Đạo Thế quyển 62 chép: “Các quốc tự lớn ở Trường An như chùa Từ Ân...
hằng năm vào ngày rằm tháng bảy mọi người đều đến chùa bày sắm trai soạn
bỏ vào bình bát, trỗi các thứ kỷ nhạc, dùng các thứ hương hoa để cúng
dường, trong số đó có những gia đình vua quan tham dự không ít...”
Như vậy cho thấy vào đời Đường phong tục cử hành lễ hôi Vu Lan được tổ
chức ngày càng long trọng và trang nghiêm hơn. Trong “Phật tổ Thống
Ký” quyển 51 chép: “Đời Đường (Lý Dự) đã từng xuống chiếu cho cử
hành lễ Vu Lan, thiết lễ trong bảy ngôi miếu thần, bày lễ chay cúng
dường. Đến đời Lý Thích, ông cũng đến chùa An Quốc thiết lễ Vu Lan dâng
bồn cúng dường chư Tăng.” Trong “Thích Thị Thông Giám” quyển
chín cho thấy nhiều sự kiện tương tự như vậy được cử hành và tổ chức đều
đặn hằng năm. “Đại Tống Tăng Sử Luận” chép: “Lúc bấy giờ có
nhiều thí chủ thiết lễ cúng dường Vu Lan Bồn, bồn được trang sức bằng
các thứ vàng ngọc đựng thức ăn cúng dường Tam bảo”. Từ sự việc được
ghi chép trên cho thấy lễ hội Vu Lan ban đầu được tổ chức trong chùa và
dần dần được rộng rãi cử hành trong dân chúng, họ đựng thức ăn trong
bình bát đem đến chùa dâng cúng, rồi về sau lễ Vu Lan còn được tổ chức
trong cung nội và bồn bát dâng cúng được sắm sửa trang nghiêm hơn. Và
trong dân gian lễ hôi cũng được tổ chức ngày càng phổ cập rộng rãi. Như
trong “Nhập Đường Cầu Pháp Tuần Lễ Hành Ký” của Viên Nhân (Ennin)
một Tăng nhân người Nhật Bản đến tham học ở Trung Quốc vào đời Đường ghi
nhận như sau: “Trong thành Trường An vào ngày rằm tháng bảy dân chúng
đến các cảnh chùa dâng đèn nến, hoa hương, oản bánh và bày lễ trai thịnh
soạn trông rất đẹp mắt. Họ đặt lễ vật trước chánh điện chùa và bắt đầu
làm lễ cầu nguyện cúng dường. Dân chúng và tất cả chùa chiền ở Trường An
tổ chức lễ hội Vu Lan rất long trọng và trang nghiêm. Năm nay các chùa
thiết lễ cúng dường lớn hơn mọi năm.” Như vậy lúc bấy giờ, không
những hàng tại gia cư sỹ tu pháp cúng dường mà hang xuất gia cũng cử
hành lễ hội Vu Lan và trai Tăng cúng dường.
Đến đời Tống, phong tục lễ hội này vẫn được
duy trì nhưng ý nghĩa việc cúng dường Phật và Tăng chúng bị giảm đi rất
nhiều và cũng bớt phần trang nghiêm, nhưng thay vào đó là chú trọng đến
việc cúng tế cho người đã khuất. Ở thời Bắc Tống trong “Đông Kinh
Mộng Hoa Lục” của Tống Mạnh Nguyên viết: “Lúc này có thiết bàn
thờ Phật, tụng kinh Mục Liên cứu mẹ. Lễ hội kéo dài bảy ngày bảy đêm cho
đến ngày rằm tháng bảy mới hoàn tất. Người đến dự hội rất đông.”
Từ đó về sau lễ hội Vu Lan trở thành ngày
hội truyền thống trong Phật giáo và trong phong tục của người Hán. Trong
“Nguyệt Phân Tu Tri” của Nguyễn Đức Huy chép rằng: “Sơ tuần
tháng bảy trong phủ huyện có tổ chức lễ Vu Lan rất trang nghiêm, mọi
người thiết đàn tụng kinh cho đến ngày 15 mới giải hội. Tối cuối cùng có
thiết lễ Vu Lan Bồn tụng kinh và cúng cô hồn.”
Đến đây chúng ta đã thấy rằng sự tổ chức lễ
hội Vu Lan ở thời này đã thay đổi rất nhiều về mặt hình thức cũng như ý
nghĩa, và từ đó theo truyền thống này lễ hội tiếp tục phát triển cho đến
ngày nay. Minh Châu Hoằng viết trong “Chánh Hoa Tập” như sau: “Trong
dân gian đến ngày rằm tháng bảy mọi người thiết lễ Vu Lan Bồn cúng dường
chư Tăng, bày lễ chay cúng quỷ thần và cầu siêu cho hương linh thân bằng
quyến thuộc đã quá vãng được siêu sanh về cõi Cực Lạc. Khởi nguyên của
lễ hội Vu Lan phát xuất từ câu chuyện tôn giả Mục Liên cứu mẹ. Cứ hằng
năm đến ngày rằm tháng bảy, chư Tăng giải hạ Tự tứ, chín tuần tu học
viên mãn, vào đúng ngày này dâng bồn cúng dường chư Phật và Tăng chúng
thì phước đức rất lớn, mà không chỉ cúng cho cô hồn ăn, bởi vì lễ cúng
cô hồn duyên khởi phát xuất từ Tôn giả Ananda không phải ngày rằm tháng
bảy.”
Đến đời Thanh lễ hội này càng phát triển
với quy mô càng lớn và trở thành một lễ hội gắn chặc với lễ hội truyền
thống trong dân gian. Trong “Bách Trượng Thanh Quy Chứng Nghĩa Ký”
có giải thích rõ về nghi thức tiến trình tổ chức lễ Vu Lan cúng dường
Tam bảo và cách thiết bày trai soạn hiến cúng thí thực âm linh cô hồn.
Lễ hội Vu Lan Bồn bao gồm tụng kinh bái sám, trên cúng dường Tam Bảo
dưới cứu bạt muôn loài. Ban ngày tổ chức lễ hội Vu Lan tụng kinh cầu
nguyện, làm phước cúng dường bố thí, nhờ sự gia bị của đức Phật và sự
chú nguyện của chư Tăng mà cửu huyền thất tổ, cha mẹ bảy đời được thác
sanh Tịnh độ. Ban đêm thiết lễ trai nghi, đăng đàn chẩn tế, phóng diệm
khẩu, cúng thí âm linh cô hồn phổ tế hàm sanh ân triêm lợi lạc.
--- o0o ---