Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .

TỪ QUAN NIỆM VỀ VONG LINH ĐẾN LỄ HỘI VU LAN

Thích Minh Thành PH.D.

Từ thuở xa xưa, trước khi Đức Phật xuất hiện ở đời, Bà la môn giáo đã có quan niệm cho rằng sau khi mệnh chung vong linh không có thân xác, sống vất vưởng, khổ sở suốt một năm trong trạng thái trung gian. Trong trạng thái này, vong linh quấy phá, tìm cách báo cho gia đình phải tổ chức lễ sraddha cầu cúng, nhờ đó mà vong linh sẽ có được một dạng thân tướng mới, nếu không nó sẽ bị tan biến vào hư vô. Với thân tướng mới này, vong linh sẽ gia nhập vào cộng đồng của tổ tiên mình trên cõi trời.

Điều khá thú vị là tâm thức của loài người thuở ấy đã mường tượng ra một cuộc hành hình ngang qua những điểm mốc không thời gian vừa hiện thực vừa bay bổng. John Bower đã miêu tả rằng những nghi lễ của Bà-la- môn như lễ sraddha và lễ sapindakarana được cử hành để giúp vong linh người chết không bị tan mất khi bước sang thế giới bên kia. Có một ngã ba đường mà vong linh nào cũng phải đối diện và chọn lựa. Áo nghĩa thư ghi lại như sau: Sau khi chết vong linh của người ta phải đi theo một trong hai con đường: Một, con đường trở thành gia chủ; đó là con đường về phương Nam và khi đi đến cuối đường vong linh sẽ quay trở lại trần gian theo một lộ trình khá phức tạp: Đi theo con đường về phương Nam vong linh sẽ nhập vào đám khói thiêu xác của mình, rồi từ đó trải qua một đêm bay lên phần tối của vầng trăng khuyết trên bầu trời. Trải qua 6 tháng khi mặt trời di chuyển về phương Nam, nương theo đó vong linh đi về thế giới của gia chủ, rồi lại bay lên nhập vào vầng trăng sáng tròn đầy để hưởng phước. Sau khi trú ở cung Hằng cho đến khi hết phước, vong linh lại đi vào không gian, rồi nhập vào gió, khói, sương, mây, mưa, cuối cùng nằm trong cây trái. Khi một người nào đó ăn trái cây thì vong linh nhập vào tinh ba của người ấy rồi đi vào dạ con của người phụ nữ. Cuộc luân hồi lại bắt đầu. Hai, con đường lên thiên giới; đó là con đường về phương Bắc, dẫn đến chổ giải thoát. Những vong linh đi theo con đường về phía Bắc thì nhập vào đám khói bốc lên từ dàn hỏa thiêu xác của mình, rồi nhập vào ánh sáng ban ngày, rồi cũng bay lên phần tối của vầng trăng khuyết. Trải qua 6 tháng khi mặt trời chuyển về phương Bắc vong linh nhập vào mặt trời, mặt trăng và hòa tan vào ánh chớp. Từ đó vong linh được một vị phi nhơn dẫn đi lên cảnh giới của Phạm thiên.

Khái niệm vong linh (peta) của Bà la môn được Phật giáo sơ kỳ tiếp nhận sau khi lột bỏ tất cả những yếu tố, những chi tiết thuần túy tưởng tượng, hoang đường và vô bổ. Trong ánh sáng của tuệ nhãn Phật giáo thì vong linh không phải là hoàn toàn không có thân tướng, phải chờ đợi lễ sraddha mới có được thân tướng. Kinh điển Phật giáo ghi lại rằng vong linh tự nó đã là một dạng thân tướng mặc dầu thân tướng này vẫn sống nhờ vào lễ cúng của người thân.

Tác phẩm Petavatthu[1] thuộc Kinh tạng Pali đề cập một số vong linh gọi là ‘ngạ quỷ’ sống trong cảnh triền miên đau khổ, ăn uống những thứ dơ bẩn với thân thể tàn tạ, nhớp nhúa. Những vong linh này thường ở hố xí, nghạch cửa, ngã tư, hào nước, vườn rừng hay những bải tha ma để ăn xác chết. Truyền thống Đại thừa miêu tả chúng là một loài quỷ đói khát, bụng to như trống, cổ nhỏ như kim; thức ăn vật uống đi ngang qua cuốn cổ nhỏ như vậy không bao giờ đủ để làm dịu đi cảm giác đói khát nóng bỏng, bức não từng cơn. Petavatthu có cách miêu tả chừng mực hơn về nổi khổ của vong linh; đồng thời, về phương diện tích cực, vong linh trong nhiều trường hợp được so sánh gần ngang bằng với chư thiên có oai lực lớn. Trường hợp nổi bật nhất là dạng vong linh tên là Vimanapeta, tức là vong linh làm chủ nhân của những tòa lâu đài trên cõi trời.

Mặc dù những vong linh sống cùng một không gian với loài người nhưng chúng lại thuộc về cảnh giới khác, chiều kích khác, cộng thông với thế giới do Tứ thiên vương cai quản. Thế giới này rất lớn trải rộng từ bề mặt quả địa cầu đến tận đỉnh núi Tu di. Trong thế giới mênh mông và mở rộng này có nhiều dạng phi nhân từ những chủng loại lớn như Dạ xoa, Long thần, Càn thát bà, Khẩn na la, A tu la... đến những loài phi nhân nhỏ như những vị thiên trú ẩn trong gia đình, trên cây lớn, hồ lớn... Khi Phật giáo lan tỏa vào châu Á, phong phú những vị thần thánh địa phương được Phật giáo tiếp nhận rồi hòa nhập vào thế giới mở rộng này.

Chúng ta thấy rằng trong Kinh tạng sơ kỳ việc hóa sinh thành một vị thiên hay chỉ là một vong linh dường như có mức độ khác biệt không quá xa về mặt biểu hiện. Nhưng về mặt ý nghĩa, đó chính là hai đối cực trong một bảng quang phổ về hạnh phúc và khổ đau.

Theo Phật giáo, khi mệnh chung một người không hóa sinh thành chư thiên mà lại trở thành một vong linh là do khi sống người ấy không biết bố thí cúng dường hoặc đã gieo tạo nhiều nghiệp ác xấu. Thời tiền Phật giáo, điều này được ‘cứu gỡ’ qua nghi lễ tế lửa của Bà la môn. Trong nghi lễ tế lửa, vị chủ tế giúp người chết thực hiện bổn phận bố thí cúng dường ngang qua việc đưa vật cúng vào ngọn lửa linh hiến tế. Sau đó, Phật giáo đã vận dụng tập tục tín ngưỡng sẳn có này với nội dung và ý nghĩa mới, xây dựng truyền thống dâng cúng phẩm vật lên ngôi Tam bảo. Dần dần lễ Vu lan được thiết lập và câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ càng lúc càng tỏa sáng, tác động mạnh vào tâm linh của những người con hiếu thảo.

Khi tiếp xúc với nền văn hóa trọng chữ hiếu của Trung Quốc và Việt Nam, lễ Vu lan đã thăng hoa thành một lễ hội văn hóa lớn với ý nghĩa trọng tâm là ‘uống nước nhớ nguồn’, nhớ ơn và đền đáp công ơn, nhất là thâm ân sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, dù còn hiện hữu trong đời hay đã là những vong linh hay hương linh đã quá vãng. Ngày nay, lễ hội Vu lan đã là điểm son trong đời sống văn hóa của những người con Phật khắp nơi trên thế giới. 

 

[1]. Việt dịch là Ngạ Quỷ Sự đã không bao hàm được những câu chuyện về Vimanapeta, dạng vong linh có phước đức và oai lực lớn.

Nguồn http://thenhu.blogspot.com

 -ooOoo-

 http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/quanniemvonglinhdenhoiVuLan.htm

 


Cập nhật: 28-8-2007

Trở về mục "Vu-lan-bồn"

Đầu trang