Thứ bảy, 22 Tháng 8 2009 20:19
Sự
xuất hiện của Phật giáo tại Trung Hoa được xem là một hiện tượng văn hóa
độc đáo có ảnh hưởng lớn đến những biến chuyển nội tại tất yếu của nền
văn minh bản xứ. Tư tưởng và luân lý của Phật giáo đã từng là những yếu
tố tiên quyết góp phần hình thành nên lối tư duy thâm thúy cũng như
những nếp sống vốn nặng tính truyền thống của người dân nơi đây. Vai trò
của Phật giáo tại Trung Hoa không chỉ giới hạn trên lĩnh vực tư tưởng
triết học, mà còn được thể hiện qua nhiều hình thái sinh hoạt văn hóa
thấm nhuần tinh thần nhân bản của giáo lý nhà Phật. Một trong những nếp
sinh hoạt như thế được diễn ra vào ngày rằm tháng bảy, đó là lễ Vu Lan.
Tại Trung Hoa, ngày rằm tháng bảy âm lịch thường rơi vào khoảng thời
gian giữa Hạ chí và Thu phân. Tháng bảy là lúc những cơn gió lạnh từ
phương xa thổi về, bầu trời thường giăng đầy sương mù vào mỗi buổi sớm.
Chương Nguyệt Lịnh trong sách Lễ ký có chép rằng vào tháng Mạnh Thu, gió
lạnh tràn về, sương trắng buông tỏa, ve sầu kêu vang, giống chim ưng
đuổi bắt các loài chim nhỏ khác. Trong sinh hoạt nông nghiệp, giai đoạn
đầu mùa Thu là thời điểm thu hoạch nông sản ở phương Bắc, nhưng lại là
lúc gieo trồng mùa vụ thứ hai ở phương Nam. Sách Lễ ký còn chép rằng đến
ngày lập Thu, vua cùng các đại thần trong triều lên đàn tế lễ phía Tây
để nghênh đón tiết Thu. Cũng vào tháng ấy, nhà nông hiến nộp lúa thóc,
vua thiết lễ dâng cúng tại lăng tẩm thờ các bậc tiên vương.
Một trong những phong tục rất phổ biến dưới thời nhà Hán vào tháng bảy
đó là tục Thu hễ. Theo tục này, vào ngày mười bốn tháng bảy dân chúng
thuộc nhiều tầng lớp khác nhau tụ họp trên bờ sông làm phép tẩy trừ ma
quỷ và các điềm xấu ác, rồi cùng nhau uống rượu, ăn mừng và thưởng thức
thơ ca. Ngoài ra, một buổi lễ khác cũng phổ biến trong dân gian đó là lễ
cúng vào đêm mồng bảy tháng bảy. Theo truyền thuyết, đây là đêm duy nhất
trong năm mà Ngưu Lang và Chức Nữ, đôi uyên ương phạm luật trời bị phạt
sống cách biệt ở hai đầu sông Ngân, gặp được nhau qua chiếc cầu Ô thước.
Vào đêm ấy, dân chúng thường rủ nhau ra sân ngắm những ánh sáng của dải
ngân hà rồi hiến cúng lễ phẩm, cầu cho gia đình được phúc lộc, giàu sang[1].
Phong tục này đã xuất hiện vào khoảng đầu TK II TL. Như thế, trong các
sinh hoạt dân gian, tháng bảy được xem là tháng thu hoạch mùa vụ, là
tháng của những lễ hội văn hóa thấm đượm tình người, là lúc mà vua chúa
và dân chúng cùng tưởng nhớ, dâng lễ, và cúng bái tổ tiên nhiều đời.
Ngày rằm tháng bảy cũng là thời điểm diễn ra tiết Trung nguyên của Đạo
giáo. Tín đồ Đạo giáo thường sùng bái ba vị quan chính là Thiên quan,
Địa quan, và Thủy quan, gọi là Tam quan đại đế. Mỗi vị có một trọng
trách riêng: Thiên quan ban phước vào tiết Thượng nguyên, Địa quan xá
tội vào tiết Trung nguyên, và Thủy quan giải ách vào tiết Hạ nguyên.
Tương truyền, vào tiết Trung nguyên, Địa quan, người có chức trách theo
dõi các sinh hoạt cùng những việc làm thiện ác của loài người trong nhân
gian cũng như các loài ma quỉ nơi địa ngục, sẽ triệu tập các vị thần
khác để cùng phán xét tội phước và tuổi thọ của loài người và ma quỉ.
Khi ấy, các loài ma quỉ, tội nhân trong địa ngục cùng tập họp tại một
nơi. Suốt cả ngày hôm ấy, tại các ngôi miếu của Đạo giáo, tín đồ trang
hoàng lộng lẫy, dâng cúng hoa quả, thực phẩm, các Đạo sĩ thì giảng đạo,
tụng kinh với niềm tin rằng nhờ sự cúng tế ấy mà tổ tiên vốn bị đọa làm
tội nhân trong địa ngục và các loài quỉ đói được ăn uống đầy đủ, xa lìa
mọi thống khổ, sanh về cõi người[2].
Trai giới lục, một tác phẩm của Đạo giáo được biên soạn vào cuối TK VII
TL còn nói rằng trong những buổi lễ cúng tế ba vị thần trên, người ta
thường sám hối những lỗi lầm của mình. Như vậy, tiết Trung nguyên không
chỉ là dịp để tín đồ Đạo giáo dâng lễ vật cúng tế thần thánh, tổ tiên,
mà còn là dịp để sám hối cho những hành vi sai trái của mình.
Để
giải thích cho ý nghĩa của tiết Trung nguyên, các Đạo gia đã biên soạn
một số bản kinh chứa nhiều giai thoại liên quan đến ngày lễ này. Trong
quá trình biên soạn như thế, các tác giả đã vay mượn khá nhiều thuật
ngữ, khái niệm, và các mẫu chuyện trong kinh điển Phật giáo. Chẳng hạn
như cuốn Thái thượng đổng huyền linh bảo tam nguyên ngọc kinh huyền đô
đại hiến kinh (được biên soạn vào TK VI TL) có nội dung giống hệt như
kinh Vu lan bồn. Trong Đại hiến kinh, Nguyên Thỉ Thiên Tôn cũng phóng
hào quang đến cõi u minh, và cuộc đối thoại giữa Thiên Tôn và đệ tử mình
là Thái Thượng Đạo Quân về cách cứu độ tội nhân trong địa ngục giống hệt
như cuộc đối thoại giữa đức Phật và tôn giả Mục-kiền-liên trong kinh Vu
lan bồn. Điều khác biệt là Thiên Tôn dạy rằng cách cứu độ duy nhất các
tội nhân trong địa ngục là dâng phẩm vật cúng dường các Đạo gia. Điều
này cho thấy khởi đầu từ quan niệm cúng tế thần thánh cùng ngạ quỉ, ngục
nhân... lễ Trung nguyên về sau mang ý nghĩa gần gũi hơn và cũng chịu ảnh
hưởng phần nào tư tưởng hiếu đạo trong kinh điển nhà Phật.
Khi Phật giáo được truyền đến Trung Hoa, một quốc gia vốn luôn đề cao
tinh thần hiếu đạo cũng như những luân lý căn bản trong đời sống gia
đình theo tư tưởng Khổng giáo, các nhà sư Phật giáo đã ý thức được tầm
quan trọng của việc giới thiệu và truyền bá những lời dạy mang tính đạo
đức thâm thúy của đạo Phật nhằm góp phần xây một xã hội nhân bản và tôn
vinh những giá trị luân lý vốn có nơi đây. Lễ hội Vu Lan Bồn được tổ
chức vào ngày rằm tháng bảy, thời điểm kết thúc mùa an cư của chư Tăng,
được xem là một trong những cống hiến tiêu biểu trên phương diện văn hóa
và tín ngưỡng của Phật giáo đối với người dân Trung Hoa. Nội dung của lễ
hội này là bày tỏ lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ hiện tiền,
thiết lễ cúng dường Tam bảo để hồi hướng công đức cầu nguyện cho cha mẹ
đã quá vãng cùng tổ tiên nhiều đời, và cúng thí cho các chúng sanh đang
bị đọa đày trong các cảnh giới khổ đau. Tất cả những việc làm này của
người Phật tử đều xuất phát từ tinh thần hiếu đạo vốn đã được đức Phật
tôn vinh và khuyến tấn. Tinh thần hiếu đạo ấy đã xuất hiện lâu đời trong
những sinh hoạt tâm linh của các hàng Tăng sĩ và Phật tử Ấn Độ.
Tại Ấn Độ, mùa an cư được kết thúc bằng nghi thức Tự tứ và sau đó là lễ
dâng y Kathina. Các bộ kinh, luật còn lại không nói gì về việc thiết lễ
cúng dường và cầu nguyện cho người đã khuất của hàng Phật tử tại gia sau
mùa an cư của chư Tăng. Tuy nhiên, tư tưởng hiếu đạo trong đạo Phật vẫn
được khắc họa rõ nét qua những lời dạy của đức Phật trong kinh điển về
việc biết ơn và đền ơn, về công ơn to lớn của các đấng sanh thành, về
cách hành xử đạo đức của con cái đối với cha mẹ, về sự tôn kính của con
cháu đối với tổ tiên trong nhiều đời, v.v... Truyền thống báo hiếu trong
đạo Phật được thể hiện qua chính cuộc đời của đức Phật khi Ngài độ cho
cho cha mẹ mình chứng đắc thánh quả. Tôn giả Xá-lợi-phất cũng noi gương
đức Phật đã trở về quê hương độ cho mẹ già quay về với chánh đạo trước
khi tôn giả viên tịch.
Truyền thống này còn được minh họa qua mẩu chuyện hiếu hạnh của một nhà
sư trẻ trong truyện Bổn Sanh Sāma như sau. Có một chàng thanh niên sinh
trưởng trong một gia đình giàu có tại Xá-vệ. Sau một đôi lần nghe đức
Phật thuyết pháp tại tinh xá Kỳ Viên, anh ta khởi tâm cảm mến và xin
được xuất gia trong Tăng đoàn. Đức Phật hứa khả và khuyên anh ta nên trở
về xin phép cha mẹ trước khi thực hiện nếp sống thanh bần của đời khất
sĩ. Vì thương quí người con duy nhất của mình, cha mẹ chàng do dự, không
muốn con mình phải sống một cuộc đời thanh đạm, cơ hàn. Song chàng thanh
niên vốn đã quyết chí xuất gia nên bèn nhịn ăn bảy ngày mong cha mẹ chấp
thuận ước nguyện của mình. Cuối cùng thì cha mẹ chàng đành phải đồng ý
cho con mình ra đi theo tiếng gọi của lý tưởng và niềm tin. Sau khi được
xuất gia và thọ giới, nhà sư trẻ này liền giã từ phố thị, theo chân các
vị sơn Tăng, ngày đêm tinh cần tu tập thiền định tại một am thất nhỏ
giữa rừng sâu. Trong khi ấy, cha mẹ của nhà sư này càng ngày càng già
yếu và một ngày kia tai họa lại xảy đến với họ: bọn gia nô cướp hết tài
sản của gia đình và tẩu thoát. Không còn tiền bạc, nghề nghiệp gì, hai
vợ chồng già trở thành những người hành khất xin ăn qua ngày. Khi hay
tin ấy, nhà sư trẻ bèn từ giã núi rừng, trở về làng quê với ý nguyện là
sẽ hoàn tục để phụng dưỡng cha mẹ. Khi đến một ngã ba, sư lưỡng lự không
biết nên theo hướng rẽ về tinh xá Kỳ Viên để gặp đức Phật trước hay
hướng về nhà mình gặp cha mẹ trước. Suy tính hồi lâu, sư cho rằng mình
nên gặp đức Bổn sư lần cuối trước khi quay về với đời sống thế tục. Nghĩ
thế, sư liền cất bước hướng về tinh xá Kỳ Viên. Cảm thông với tình cảnh
đáng thương ấy, đức Phật liền giảng bài kinh Mātuposaka Sutta cho nhà sư.
Sau khi nghe xong bài pháp, nhà sư bèn tỉnh ngộ rằng mình không cần phải
từ bỏ đời sống xuất gia trong khi phụng dưỡng cha mẹ. Kể từ đó, sau mỗi
lần khất thực, sư bèn đem thức ăn về dâng cho cha mẹ trước và bản thân
mình ăn phần cơm còn dư lại. Mỗi khi được dâng cúng vật phẩm gì, sư đều
mang về chia sẻ cho cha mẹ mình. Khi ấy có một số vị Tỳ-kheo cho rằng
việc làm này của nhà sư là trái với giới luật nên bạch lên đức Phật. Đức
Phật không những không trách cứ mà còn khen ngợi nhà sư. Nhân đó, Ngài
bèn kể lại một mẩu chuyện về sự phụng dưỡng của Ngài đối với cha mẹ
trong đời quá khứ.[3]
Câu chuyện trên cho thấy rằng người tu sĩ trong Tăng đoàn Phật giáo tuy
đề cao nếp sống viễn ly để hướng đến sự giải thoát, nhưng trong phạm vi
đạo đức xã hội, trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ là điều mà vị ấy không
thể không thực hiện. Những lời dạy của đức Phật về hiếu hạnh trong kinh
điển không phải chỉ dành cho người cư sĩ tại gia, mà ngay cả cho các vị
xuất gia. Một tấm gương hiếu hạnh khác được nhắc đến trong Ngũ phần luật
là Tỳ-kheo Tất-lăng-già-bà-sa (Pilindavatsa). Cha mẹ ngài vốn nghèo khổ,
nên ngài muốn đem y của mình dâng cho cha mẹ mà không dám. Ngài bèn bạch
lên đức Phật. Đức Phật nhân việc này bèn họp cả hội chúng và dạy rằng:
ví như một người vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ suốt cả trăm năm,
dầu cha mẹ có phóng uế trên người, dầu cung phụng cha mẹ thức ăn cùng y
phục hiếm quý cũng chưa báo đáp được ân đức sanh thành. Vì thế, nếu
Tỳ-kheo không phụng dưỡng cha mẹ thì mắc trọng tội.[4]
Tinh thần hiếu hạnh trong Phật giáo Ấn Độ không những được thể hiện qua
những tấm gương hiếu thảo của các vị xuất gia mà còn được biểu hiện qua
sự cúng dường của hàng Phật tử tại gia nhằm hồi hướng công đức cho cha
mẹ. Rất nhiều bia ký được tìm thấy tại các di tích Phật giáo ở khắp Ấn
Độ như Bhārhut, Kharoṣṭhī,
Mathurā, Bodh-Gayā, Nāgāήunikoṇda,
Sarnath, Ajaṇṭā...
cho biết rằng trong suốt nhiều thế kỷ, các nhà sư cũng như tín đồ Phật
giáo, từ hoàng tộc cho đến hàng dân dã đã xây chùa, dựng tháp, tạc
tượng, dâng y, v.v... để cúng dường lên Tam bảo hầu hồi hướng công đức
cho cha mẹ, cho tổ tiên và pháp giới chúng sanh.[5]
Điều này cho thấy rằng, kể từ thời đức Phật cho đến nhiều thế kỷ sau đó,
đạo hiếu đã được hàng Phật tử nhiệt tâm thực hành trong đời sống thường
nhật của mình. Điều đáng chú ý là các bia ký này đều ghi lại rằng, khi
dâng cúng một vật phẩm gì lên Tam bảo, người cúng dường đều không vì cầu
lợi ích cho mình mà phát nguyện hồi hướng công đức đến cho cha mẹ hiện
đời hay đã quá vãng. Như thế, đây chính là việc thực hành đạo hiếu một
cách đúng đắn theo lời dạy của đức Phật.
Truyền thống hiếu hạnh trong Phật giáo Ấn Độ như thế đã được lưu truyền
trong các sinh hoạt của người Phật tử tại nhiều mảnh đất khác nhau.
Riêng tại Trung Hoa truyền thống đó không chỉ thâm nhập trong nếp sống
thuần hòa của người Phật tử mà nó đã phát triển thành một lễ hội quan
trọng trong dân gian. Lễ hội đó chính là lễ Vu Lan.
Lễ
hội này được tổ chức dựa theo lời dạy của đức Phật về phương thức và ý
nghĩa báo hiếu trong nhiều bản kinh khác nhau như Phật thuyết vu lan bồn
kinh, Phật thăng Đao lợi thiên vị mẫu thuyết pháp kinh, Phật thuyết phụ
mẫu ân nan báo kinh, Phật thuyết báo ân phụng bồn kinh, Phật thuyết hiếu
tử kinh, Tịnh độ vu lan bồn kinh, v.v... Trong số những bản kinh này,
Phật thuyết vu lan bồn kinh là bản kinh quan trọng nhất bởi lẽ (1) cách
thức và ý nghĩa của lễ Vu Lan đều y cứ vào bản kinh này; (2) đây là bản
kinh chính được trì tụng trong lễ Vu Lan; và (3) các nhà chú giải kinh
điển thường chọn bản kinh này để viết sớ giải và trích dẫn khi viết về
truyền thống hiếu đạo trong Phật giáo. Trong các thư mục kinh điển Phật
giáo, Xuất tam tạng kí tập của ngài Tăng Hữu (445-518) là tác phẩm đầu
tiên nhắc đến kinh này. Đến năm 597, khi biên soạn Lịch đại tam bảo kỉ,
Phí Trường Phòng cho biết dịch giả của bản kinh này là ngài Trúc Pháp Hộ
(265-3130.[6]
Các tác phẩm khác được biên soạn trong thời gian sau này như Cổ kim dịch
kinh đồ kỉ (648), Đại đường nội điển lục (664), và Khai nguyên thích
giáo lục (730) đều cho biết rằng dịch giả của bản kinh này là ngài Pháp
Hộ. Theo nội dung của bản kinh này và Kinh báo ân phụng bồn, y theo lời
dạy của đức Phật, tôn giả Mục-kiền-liên là người đầu tiên thiết lễ Vu
Lan để nhờ sức chú nguyện của chư Tăng cứu độ mẹ mình khỏi cảnh ngạ quỉ
đói khát. Noi theo gương hiếu hạnh này, vào ngày rằm tháng bảy, chư Tăng
và Phật tử cùng tổ chức lễ Vu Lan để cầu nguyện cho cha mẹ và tổ tiên
của mình.
Trong Phật giáo, ngày rằm vốn là ngày quan trọng trong mỗi tháng vì đó
không chỉ là ngày Bố-tát của chư Tăng Ni, mà còn là ngày các vị có oai
lực lớn trong thế gian như bốn vị vua trời thường xem xét nếp sống hiếu
thảo, đạo đức của loài người. Theo kinh Tạp A-hàm, quyển 40, vào ngày
mồng tám mỗi tháng, bốn đại thiên vương sai các đại thần đi xem xét nhân
gian, ngày 14 vua sai thái tử thị sát nhân gian, đến ngày rằm bốn vị
thiên vương sẽ đích thân xuống thế gian để xem xét loài người có còn
hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ và làm các việc lành khác như bố thí, trì
giới, bố-tát... hay chăng.[7]
Riêng ngày rằm tháng bảy là ngày Tự tứ, ngày kết thúc mùa an cư của chư
Tăng, gọi là Phật lạp nhật, tức ngày cuối năm tính theo lịch Phật giáo.
Trong Đại Tống Tăng sử lược, ngài Tán Ninh (919-1001) có viết rằng, theo
kinh luật Phật giáo, ngày 16 tháng 7 là ngày đầu của mỗi năm mới, đánh
dấu sự sanh thành giới thân huệ mạng của mỗi vị Tỳ-kheo. Vì thế, ngày
rằm tháng bảy là ngày cuối năm. Bậc Tỳ-kheo là người thoát tục, không
tính theo lịch thế gian mà tính theo hạ lạp. Vì vậy kinh luật gọi ngày
rằm tháng bảy là ngày Phật lạp.[8]
Ngoài ra, đối với truyền thống luật học Phật giáo, vào ngày rằm tháng
bảy, vị luật sư thường dâng hương cúng dường và chấm một điểm vào quyển
luật nghi mình đang thọ trì để đánh dấu một năm vừa trôi qua. Truyền
thống này được y cứ vào thuyết Chúng Thánh Điểm Kí. Theo thuyết này,
ngài Ưu-ba-li, vị đã trùng tuyên luật tạng trong kỳ kiết tập thứ nhất,
thường chấm một điểm vào luật tạng vào ngày Tự tứ sau mỗi mùa an cư để
đánh dấu một năm. Noi theo truyền thống đó, để đánh dấu cho một năm trôi
qua, các vị luật sư đời sau thường chấm vào luật tạng một điểm sau mỗi
mùa an cư.
Nếu căn cứ vào kinh Vu lan bồn, ngày rằm tháng bảy làm thời điểm thích
hợp nhất để thiết lễ Vu Lan hầu cầu nguyện cho cha mẹ và tổ tiên trong
nhiều đời vì rằng đó là ngày chư Phật hoan hỷ, ngày mà oai lực của chư
Tăng được tăng trưởng sau ba tháng an cư, và cũng là ngày chư Tăng câu
hội đầy đủ để có thể hộ niệm cho người đã khuất. Như lời Phật dạy cho
tôn giả Mục-kiền-liên trong kinh này, để có thể cứu độ mẹ mình ra khỏi
cảnh giới ngạ quỷ, tôn giả phải nhờ đến sức oai thần không phải của một
hay một vài vị Tỳ-kheo mà là của chư Tăng trong mười phương (đương tu
thập phương chúng Tăng oai lực chi thần nãi đắc giải thoát). Vì thế, sự
câu hội đầy đủ của chư Tăng trong ngày rằm tháng bảy là thời điểm thích
hợp nhất để thiết lễ Vu Lan Bồn.
Một điều đáng chú ý là trong ngày hội Vu Lan Bồn, ngoài lễ nghi dâng
cúng hương hoa, vật thực lên đức Phật, chư Tăng để cầu nguyện cho cửu
huyền thất tổ, hồi hướng phước báu cho cha mẹ hiện tiền, còn có thêm lễ
cúng thí cho loài ngạ quỷ. Có thể nói rằng lễ cúng thí này xuất hiện là
do ảnh hưởng của sự hưng khởi của truyền thống Mật tông tại Trung Hoa mà
người có ảnh hưởng chính là ngài Bất Không Kim Cương.
Như đã trình bày ở trên, theo các thư mục Phật giáo còn lại, kinh Vu lan
bồn được ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào thời Tây Tấn (265-316). Bản kinh này
cùng kinh Báo ân phụng bồn dần dần phổ biến trong Phật giáo Trung Hoa,
nhất là vào TK VI. Trong Biện chánh luận, ngài Pháp Lâm (572-640) có ghi
lại rằng dưới thời vua Cao Đế (trị vì 479-483) nhà Tề, vào ngày rằm
tháng bảy vua gởi bồn phẩm vật đến các chùa để cúng dường cho ba trăm vị
danh Tăng.[9]
Phật tổ thống kỉ cho biết rằng vào năm 538 vua Lương Võ Đế (trị vì
502-550) đích thân đến chùa Đồng Thái, nơi vua thường tổ chức các lễ
nghi quan trọng, để thiết lễ Vu Lan Bồn[10].
Trong các triều đại kế tiếp, nhiều vị vua theo gương của vua Võ Đế
thường thiết lễ Vu Lan để cúng tế tổ tiên. Cuốn Cựu Đường thư có thuật
lại rằng vào ngày rằm tháng bảy năm 692 triều đình gởi cúng bồn Vu Lan
đến nhiều chùa khác nhau, Hoàng đế Võ Tắc Thiên cùng các đại thần trong
triều đích thân cùng dự lễ Vu Lan[11].
Đến thời vua Đại Tông (trị vì 762-779), với sự trợ giúp và hướng dẫn của
ngài Bất Không Kim Cương (705-774), lễ Vu Lan được tổ chức rất long
trọng vào năm 766 ngay trong hoàng cung. Để thiết lễ cầu nguyện cho bảy
đời phụ mẫu, vua cho đặt bảy chiếc ngai cùng bảy lá phướn thật lớn, trên
đó có ghi tên của các tiên vương. Kể từ đó trở đi, mỗi năm lễ Vu Lan đều
được tổ chức trọng thể trong hoàng cung[12].
Cũng từ giai đoạn này về sau, lễ Vu Lan còn có thêm lễ cúng thí ngạ quỷ.
Nghi lễ này được thiết lập dựa trên cuốn Phật thuyết cứu diện nhiên ngạ
quỷ đà-la-ni thần chú kinh (do ngài Thật-xoanan-đà dịch vào năm
695-700) cùng với ba tác phẩm Mật tông khác do ngài Bất Không Kim Cương
dịch, đó là Phật thuyết cứu diệm khẩu đà la ni kinh, Du già tập yếu cứu
a nan đà la ni diệm khẩu quỷ nghi kinh, và Du già tập diệm khẩu thí thực
khởi giáo a nan đà duyên do. Dựa vào những tác phẩm Mật tông này, ngài
Bất Không Kim Cương, người được xem là tổ thứ ba của Mật tông Trung Hoa,
đã soạn ra nghi thức cho lễ Thí ngạ quỷ và nghi này nhanh chóng được phổ
biến trong khắp quốc gia[13].
Đến giữa TK IX, mặc dầu Phật giáo gặp phải pháp nạn dưới thời vua Võ Đế
(trị vì 840-846), nhưng khi ấy Vu Lan Bồn vốn đã trở thành một ngày hội
dân gian, nên cứ vào rằm tháng bảy âm lịch dân chúng khắp nơi đều về
chùa thiết lễ Vu Lan thật long trọng. Ký sự của Viên Nhân, một nhà sư
Nhật có mặt tại Trung Hoa vào năm 844 có ghi lại rằng: vào ngày rằm
tháng bảy năm ấy các chùa trong kinh thành đều trang hoàng rất tôn
nghiêm, dân chúng trong những bộ y phục mới đẹp cùng đưa nhau về chùa dự
lễ, nhang trầm, đèn nến, hoa trái, thức ăn, lễ vật dâng cúng thật trang
nghiêm nơi điện Phật. Khi ấy vua chỉ trọng Đạo giáo nên ra lệnh cho dân
chúng vào ngày rằm tập hợp tại ngôi miếu chính của Đạo giáo là Hưng
Đường Quán để cùng vua thiết lễ. Vua còn ra lệnh tịch thu tất cả hoa
quả, thuốc men dâng cúng tại các chùa đưa về ngôi miếu này. Nhưng dân
chúng đã không những không đến Hưng Đường Quán, mà còn phản đối việc vua
tịch thu lễ vật nhà Phật để dâng cúng cho ma quỷ. Vua rất ngạc nhiên khi
thấy dân chúng không đến Hưng Đường Quán để dự lễ theo chiếu chỉ của
mình[14].
Điều này cho thấy lễ hội Vu Lan không chỉ là một lễ nghi hạn cuộc trong
Phật giáo mà nó đã trở thành một sinh hoạt tâm linh rất quan trọng trong
dân gian. Lễ hội này không những được phổ biến trong xã hội Trung Hoa mà
còn hiện hữu trong tất cả các quốc gia Phật giáo Đại thừa tại Á châu như
Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.
Như thế, theo truyền thống Phật giáo, rằm tháng bảy là thời điểm hội tụ
của nhiều yếu tố khác nhau trên cả hai phương diện văn hóa và tôn giáo:
ngày kết thúc chu kỳ một năm theo lịch Phật giáo, ngày đánh dấu giới đức
của hàng xuất gia được tăng trưởng sau mùa an cư qua lễ tự tứ, ngày thu
hoạch mùa vụ của dân chúng, ngày các vị thiên vương xem xét nhân gian,
ngày tổ tiên thác sanh, v.v... Nếu như trong văn hóa dân gian ngày rằm
tháng bảy là ngày mà nhịp cầu Ô thước chắp nối cho bao nỗi nhớ nhung của
hai trái tim nặng tình đôi lứa, thì trong đạo Phật lễ Vu Lan như một
nhịp cầu nối liền những tâm hồn hiếu thảo, giữa con cháu và cha mẹ, giữa
cõi dương và cõi âm, giữa thế giới trần tục và cảnh giới tịnh độ của các
bậc thánh hiền. Đối với những kẻ bất hạnh, lạc loài trong cuộc đời, đây
là dịp để họ nhìn lại chính mình và tìm về một lẽ sống ý nghĩa hơn, cao
thượng hơn. Đối với những ai hiếu kính cha mẹ, biết trân trọng huyết
thống của tổ tiên, đây là thời khắc vô cùng ý nghĩa để thể hiện nếp sống
hiếu hạnh của mình. Niềm hạnh phúc của một người con khi báo đáp được
phần nào công ơn cha mẹ như thế thật khó có thể diễn tả bằng lời, bởi lẽ
tình mẫu tử vốn thiêng liêng, bao la, vượt thoát những rào chắn nhỏ hẹp
trong ngôn ngữ của loài người.
Đồng Thành
(Nguồn: TS. Pháp Luân số 41)
[1] S. F.
Teiser, The Ghost Festival in Medieval China, Princeton: Princeton
University Press, 1988, p. 29.
[2] Sđd.,
tr. 35-36.
[3] Strong,
John. “Filial Piety and Buddhism: The Indian Antecedents to a ‘Chinese’
Problem.” In Traditions in Contact and Change, edited by Peter Slater
and Donald Wiebe, 171-86. Waterloo, Ont.: Wilfred Laurier University
Press, 1983, tr. 174-75.
[4] Ngũ
Phần Luật, T22n1421, tr. 140c.
[5] Xem chi
tiết nội dung các bia ký này trong bài khảo cứu chi tiết sau của Schopen.
Schopen, Gregory. “Filial Piety and The Monks in The Practices of
Indian Buddhism: A Question of Sincization Viewed From The Other Side.”
T’ong Pao LXX (1984), 110-126.
[6] Lịch
Đại Tam Bảo kỉ, T49n2034, tr. 64a.
[7]
Tạp A-hàm T2n99, tr. 295c.
[8]
Đại Tống Tăng Sử Lược, T54n2126, tr. 251a.
[9]
Biện Chánh Luận, T52n2110, tr. 503a.
[10]
Phật Tổ Thống Kỉ, T49n2035, tr. 450c.
[11]
S. F. Teiser, Sđd., tr. 71.
[12] M.W.D.
Visser, Ancient Buddhism in Japan, Leiden: E.J. Brill, Vol.1, 1935, p.
75.
[13] Sđd.,
tr. 84.
[14]
S. F. Teiser, Sđd., tr. 97-98