...... ... |
. |
. |
. |
. |
. |
TRÁI TIM BÀ MẸ
Cư sĩ Liên Hoa
-
- Kính tặng
tất cả mọi người nhân Mùa Báo Hiếu.
-
- Thương
tặng hai con với diễm phúc còn Mẹ…
Trước bàn thờ Tổ Tiên, tôi đứng yên lặng thật lâu, để quán chiếu, để đi
sâu vào đời sống của hiện tại và từ đó, nhìn lại quá khứ của nhiều thế
hệ ông bà, cha mẹ nhiều đời trải dài xuống, cho đến hôm nay. Trong lòng
nao nao, nhiều cảm khái, xúc động. Thật sự, có được thân người rất là
khó và tự nhiên, lại nghĩ nhiều đến công ơn sinh thành, dưỡng dục cưu
mang của cha mẹ…
-
Công dưỡng dục thâm ân dốc trả
-
Nghĩa sanh thành, đạo cả mong đền
Ngoài trời đang
có những cơn mưa đổ về, tràn lan, tầm tả, tạo cho cả bầu trời khoác áo u
tịch, thừa ứ nước. Không gian như rộng lớn hơn, có chiều sâu thẳm, những
hình ảnh nầy mang dáng dấp như chiều sâu đại dương của tấm lòng các bà
Mẹ.
Mỗi
năm khi mùa Vu Lan trở về, hình như đều có những cơn mưa lê thê, rộn
ràng như thế. Những cơn mưa nặng hạt hay như những cơn mưa rào, thoáng
qua trên bầu trời- có phải chăng là những giọt nước mắt hạnh phúc hay
buồn đau vì con do tình yêu của Mẹ.
Ôi
những bà Tiên đã làm nên chùm ảnh tuyệt đẹp, như bóng mát che phủ cho
cuộc đời, nay ở đâu ?
Ngày
xưa, lúc còn bé, chúng ta thường được nghe kể chuyện cổ tích và nói đến
những bà Tiên. Một bà Tiên thật đẹp, thật dịu hiền. Bà Tiên đầy quyền
phép, hay cứu giúp hoặc che chở, chia sẻ, an ủi và chuyển đổi khổ đau
của những người khốn khổ và bà có mặt ở mọi nơi nơi, khi thấy có người
đau khổ, bất hạnh cần giúp.
Chúng ta đem lòng ngưỡng mộ, khâm phục, ao ước có ngày mình sẽ gặp được
bà Tiên để xem hình dáng, nét dịu hiền, tấm lòng thương yêu con người
của bà như thế nào? Và sự ao ước nầy nối tiếp với sự chờ mong khác; tại
sao mình không thể nào gặp được bà Tiên? Bà ở nơi đâu? Bà là người thật
hay chỉ là một mơ ước, một giấc mơ trong tâm khi đời sống có quá nhiều
nổi bất hạnh…Nhưng chúng ta lại vô tình quên rằng mình đang rất hạnh
phúc, rất đầy đủ, rất may mắn v.v…vì đã bỏ quên người Mẹ đang
sống, có thực- Một bà Tiên đẹp dịu hiền hơn tất cả, hơn cả những bà Tiên
trên vũ trụ nầy và Mẹ đang có mặt, bên mình, cạnh sát mình với tất cả
tấm lòng thương con vô bờ bến.
Nói
đến Mẹ là nói đến tình thương, nói đến tấm lòng với tình yêu rộng lớn mà
không có gì có thể so sánh được. Người ta thường nói tấm lòng thương con
của Mẹ sâu như là đại dương, là biển rộng; nhưng chiều sâu của đại dương
có thể đo được, vì là hiện tượng vật chất, còn tâm Mẹ là tấm lòng, là
tình yêu, là tinh thần, là sự sống.
-
Vũ trụ muôn màu, vực sâu không đáy
-
Tấm lòng mẹ cấy ngọt trái tim đời
-
Nếu một hôm nào, mẹ không còn nữa
-
Dòng sữa ngọt cạn khô nguồn đất sống
-
Người dù tài sắc, ôm đời viễn mộng
-
Trái tim không còn, trời đất còn không???….
-
Minh Thanh
Biết
bao nhiêu lời ca tụng, tán dương. Biết bao nhiêu văn thơ đã viết, đã nói
về tình Mẹ, nhưng đó chỉ là ngôn ngữ- viết hay nói về lòng Mẹ,
chứ không phải là nội dung sống thực của tấm lòng của Mẹ.
Mỗi
người chúng ta khi nói hay nghĩ đến tình Mẹ, thì từ trong ký ức biết bao
nhiêu hình ảnh, thơ mộng, đầy ấp kỷ niệm tự nhiên xuất hiện, không cần
phải suy nghĩ, gợi nhớ. Vì tuổi thơ của mỗi con người đều đầy ấp hình
bóng thân thương, thiêng liêng nầy.
Năm
ngoái, khi về thăm Mẹ đau nặng. Có nhiều lúc, ngồi bên người, nhìm tấm
thân còm cỏi của một bà cụ già, lòng se thắt lại. Vẫn biết cuộc đời là
vô thường, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng thời gian đã làm thay đổi Mẹ
nhiều đến như vậy. Tấm thân đó, ánh mắt, nụ cười, lời nói, tấm lòng đó …tất
cả như chứa một nội dung sâu thẳm của tấm lòng bà Mẹ. Một điều khó thể
diễn tả bằng ngôn ngữ hay lời nói. Mẹ à! Con thuơng Mẹ- đó chỉ là
lời nói tạm gọi được. Tôi muốn tiếp cận để sống lại…
“- Má còn nhớ
câu hò ru con ngày xưa không? Sao trong tiềm thức con, nó cứ văng vẳng
những tiếng hò, tiếng hát thật đẹp đó…
- Má chịu thua
rồi con ạ, không thể hát hò gì được. Má già quá rồi, sống được đến giờ
đã là may. Nhìn đàn con má lớn lên, nên người, đó là hạnh phúc quá lớn
mà trong cuộc đời má có được. Dù các con có như thế nào, có ở phương
trời nào, có chức vụ gì trong xã hội hay không v.v... cũng là con của ba
má. Ngày xưa, má có thể để nhiều thời gian để ôm ấp, để hò những câu ca
dao…để ru con ngủ…
-
Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ
-
Năm canh dài, thức đủ năm canh…
-
-
Ví dầu, cầu ván đóng đinh
-
cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi
-
Khó đi, mẹ dắt con đi
-
Con thi trường học, mẹ thi đường đời…
Giờ thì chỉ còn
đôi mắt mờ, bàn tay còm cỏi, còn nhịp đập trái tim của bà Mẹ, đó là
tiếng hò mà má theo các con đến trọn đời…”
Có
những lời ru mà tôi đã nghe biết bao nhiêu lần, đơn giản, nhẹ nhàng, lập
đi lập lại, nhưng ngọt lịm tình thương. Nay từ lời nói của Mẹ như mở
toang vùng trời êm ấm đó, tuôn tràn một chất sữa ngọt, êm dịu, ấp áp.
Nước mắt tôi chảy dài theo câu nói của Mẹ. Đã lớn rồi và qua bao nhiêu
là sóng gió cuộc đời, đã làm cho trái tim của tôi có vỏ bọc ngoài là
cứng rắn, can đảm, tích cực, nên tôi không muốn khóc. Nhưng có gì đâu,
đây là nước mắt của hạnh phúc, nước mắt của người con biết mình còn Mẹ,
đang hưởng thụ tấm lòng chân tình, thương yêu của bà Mẹ. Tôi muốn gục
đầu vào lòng Mẹ để sống lại hương thơm, hơi ấm tình mẫu tử.
-
Có một bà tiên,
-
Vui chơi trên thiên giới
-
một hôm vô tình để rớt trái tim
-
bà bỏ cuộc vui, đi xuống dương trần
-
đi tìm lại trái tim
-
để biến thành người mẹ hiền
-
đôi tay mẹ là bảo bọc ân cần
-
mẹ là dóng sông ngọt ngào, màu mỡ phù sa
-
mẹ là ruộng lúa vắt nguồn sữa mạch nha
-
là
bóng mát che con khi nắng hạn
-
là
trái tim nồng chia sẻ, ôm ấp đời con
-
để
rồi trần gian là quê của mẹ
-
mẹ
quên lối đi về
-
vì
đàn con mẹ,
-
vì
trái tim của mẹ, còn ở nơi đây…
-
Minh Thanh
Trái tim mang dấu
ấn kỳ diệu, bởi vì trong trái tim là máu, là thịt, là dòng sữa ngọt ngào,
Mẹ đã chia sớt cho con, còn ghi khắc những tình cảm cao thượng : nhẩn nại,
thương yêu, đùm bọc, tha thứ, chở che, bao dung….
Phải là trái tim với
nhịp đập của bà Mẹ đối với những đứa con, nên bà đi tìm, tìm trái tim,
tìm và bảo vệ, trân quí vì đó là sự sống của con bà, của bà. Trên đường
đời của mỗi người con, khi thất bại, khi đau khổ, khi cô đơn…chúng ta mới
nghĩ đến Mẹ để cầu cứu, để che chở, chia xẻ…tình yêu Mẹ đối với con vẫn
không hề suy giảm, dù đứa con của mình như thế nào.
Nói đến Mẹ là nói đến
đủ điều, nói đến tình thương yêu, và nói bao nhiêu cũng không đủ, bởi vì
đời sống của Mẹ cho nhiều hơn nhận, và khi nhận là nhận những sự thiệt
thòi vì chồng vì con.
«Thưở nhỏ, xa
xưa quá, lúc đó vào khoảng 5-6 tuổi, tôi bị sốt nặng do lòng bàn tay bị
mụt đinh, sưng búp, lớn gấp đôi lúc thường. Mủ mưng nhiều, đau không chịu
được. Tôi nhớ lúc đó mình đã khóc, kêu rên và sau đó mê sảng. Đau quá
thì làm sao cười vui được. Khi giật mình tỉnh dậy, tôi biết mình đang
trong nhà thương. Bàn tay bị băng lại. Cơn nóng sốt giảm nhiều. Tôi có cảm
giác mặt mình bỗng mát rượi, do chiếc khăn ướt đang lau.
Mẹ tôi đang ngồi kế
bên, thức suốt đêm, lo lắng, mắt đỏ hoe. Vừa lau mặt, lau người tôi, Mẹ
vừa thầm cầu nguyện cho con mình đừng bị gì nguy hiểm, nếu có gì thì để
Mẹ thế cho….Ôi ! Cơn đau, cơn sốt của tôi sao lại là của Mẹ. Một thâm
tình bao dung, bảo bọc.
Tôi cảm thấy ấm
cúng quá, lời nói nhẹ nhàng, chân tình của Mẹ như khắc sâu trong tâm tôi.
Chỉ có Mẹ bên cạnh cũng đã đầy đủ, bình an lắm rồi»
Tôi có đọc được đâu
đó bài viết về Mẹ như sau, không biết tác giả là ai, nhưng thấy có nhiều
điều đáng suy ngẩm, thâm thúy, xin ghi chép ra đây để chia sẻ. Tôi nghĩ
rằng tác giả cũng muốn nhìn thấy được như vậy.
«Tình Thương Yêu
của Mẹ
•
Khi 1 tuổi, Mẹ cho ăn và tắm cho bạn, còn bạn thì khóc cả đêm.
• Khi 2 tuổi, Mẹ tập cho bạn đi những bước
đầu tiên, khi đi được thì bạn lại bỏ chạy đi mất khi Mẹ gọi.
• Khi 3 tuổi, Mẹ nấu cho bạn những món ăn với tất cả tình yêu thương
thì bạn đáp lại bằng cách hất chén dĩa xuống sàn nhà.
• Khi 4 tuổi, Mẹ đưa cho bạn những cấy bút chì màu, bạn lại dùng
chúng đi bôi trét và vẽ bậy khắp nơi.
• Khi 5 tuổi, Mẹ mặc áo đẹp cho bạn đi chơi, còn bạn lại tìm cách
lăn lê trên đất bẩn.
• Khi 6 tuổi, Mẹ dẫn bạn đến trường, còn bạn cứ mãi cằn nhằn: "con
không đi học đâu!"
• Khi 7 tuổi, Mẹ mua cho bạn nhiều đồ chơi để rồi bạn lại vứt chúng
lăn lóc khắp nơi.
• Khi 8 tuổi, Mẹ mua cho cây kem, bạn ăn làm chảy kem ướt hết vạt áo.
• Khi 9 tuổi, Mẹ thuê cô giáo dạy đàn cho bạn còn bạn thì luôn phụng
phịu và miễn cưỡng tập đàn.
• Khi 10 tuổi, Mẹ cả ngày lái xe đưa bạn đi hết nơi này đến nơi khác
vui chơi cùng bạn bè, mỗi khi tới nơi bạn nhảy ra khỏi xe mà chẳng
bao giờ ngoái đầu nhìn lại.
• Khi 11 tuổi, Mẹ đưa bạn và bạn bè của bạn đi xem phim, bạn lại đi
chọn chỗ ngồi cách Mẹ mấy dãy ghế để gần bạn mình hơn.
• Khi 12 tuổi, Mẹ dặn bạn đừng xem TV quá nhiều, còn bạn thì đợi cho
đến khi Mẹ rời khỏi nhà mới mở TV xem cho thỏa thích.
• Khi 13 tuổi, Mẹ nói: "Để Mẹ cắt tóc cho con," bạn trả lời: "Mẹ
không có khiếu thẩm mỹ."
• Khi 14 tuổi, Mẹ trả tiền cho bạn đi trại hè một tháng, còn bạn lại
quên chẳng hề viết cho Mẹ một tấm thiệp từ chỗ nghỉ hè.
• Khi 15 tuổi, Mẹ bạn đi làm về và mong bạn ôm hôn Mẹ, còn bạn thì
đóng chặt cửa ở trong phòng riêng.
• Khi 16 tuổi, Mẹ khuyên bạn để tâm học hành tạo dựng tương lai, còn
bạn thường xuyên đi chơi mỗi khi có cơ hội.
• Khi 17 tuổi, trong khi Mẹ mong chờ một hồi âm điện thoại quan
trọng thì bạn ôm điện thoại trò chuyện suốt buổi.
• Khi 18 tuổi, Mẹ đã rơi lệ vui mừng trong ngày lễ tốt nghiệp trung
học của bạn, còn bạn thì ở lại vui chơi với bạn bè cho đến sáng hôm
sau mới về nhà.
• Khi 19 tuổi, Mẹ đau lòng khi bạn muốn rời khỏi tổ ấm để mướn nhà ở
riêng.
• Khi 20 tuổi, Mẹ hỏi bạn về người yêu, bạn trả lời: "Đó không phải
là việc của Mẹ!"
• Khi 21 tuổi, Mẹ gợi ý về định hướng sự nghiệp trong tương lai, đáp
lại bạn nói: "Con chẳng muốn giống như Mẹ!"
• Khi 22 tuổi, Mẹ dự lễ tốt nghiệp đại học của bạn, sau buổi lễ bạn
hỏi ngay: "Liệu Mẹ có thể trả tiền cho chuyến du lịch của con không"
• Khi 23 tuổi, Mẹ đến thăm bạn, còn bạn luôn tìm cách tránh né vì
cảm thấy ngượng ngùng trước bạn bè.
• Khi 24 tuổi, Mẹ gặp người yêu chưa cưới của bạn và nhắc nhở hai
bạn về chuyện gia đình, bạn nhăn nhó càu nhàu: "Thôi mà Mẹ!"
• Khi 25 tuổi, Mẹ giúp trả tiền đám cưới của bạn rồi Mẹ khóc và nói
với bạn rằng: "Mẹ yêu thương con biết bao!"
• Khi 30 tuổi, Mẹ ước ao có cháu để bồng bế, bạn trả lời Mẹ: "Thời
nay mọi điều đã khác!"
• Khi 40 tuổi, Mẹ rủ bạn đi mừng sinh nhật bà nôị của bạn, còn bạn
trả lời: "Bây giờ con rất bận!"
• Khi 50 tuổi, Mẹ sức khỏe đã yếu dần và muốn bạn thường xuyên đến
chăm sóc, trong khi bạn đang phải mải mê tìm đọc cuốn sách: "Những
gánh nặng cha mẹ phải chịu đựng khi nuôi con."
.
. . Và rồi một ngày kia, Mẹ âm thầm nhắm mắt ra đi. Một cảm giác
chưa bao giờ xảy ra với bạn trước đó: bạn như thấy sấm chớp nổ tung
trong tim mình. Bạn đã mất hết cả một bầu trời yêu thương trong đời
người...”
Bạn ạ! Có phải là
tất cả tình yêu của Mẹ đặt trên sự hy sinh, hay chữ « Nhẩn », điều mà mỗi
người chúng ta khó làm nổi. Khó quá, nhưng chỉ tại vì con, Mẹ đã vượt
qua mọi thử thách, ích kỷ của mình, để là bà Mẹ.
Từ trong bụng Mẹ,
ta đã thấm nhuần ân đức của tinh thương yêu và khi chào đời, dòng sữa Mẹ
đã nâng niu, đôi tay mở rộng, dòng máu luân lưu trong cơ thể của ta cũng
là của Mẹ, vì đó là trái tim của người.
Dòng sữa ngọt ngào đã tuôn chảy nuôi lớn thân thể con,
nuôi con, săn sóc con, che chở con trong những lúc khó khăn, vấp ngả, vực
con dậy, thoát ra khỏi những niềm đau v.v…Mẹ không cần phải nói, vì
đó là tâm hồn của Mẹ.
Tình Mẹ còn biến xa
hơn, phổ quát và chỉ khi có những hoạn nạn, đau thương của những người
thân, chúng ta mới nhìn thấy rõ được trái tim của Mẹ rỉ máu.
Tôi có đọc một câu
chuyện ngắn, đơn giản, nhưng lại biểu lộ đến sự cao rộng, bao la của
tình Mẹ.
Xin được nêu ra đây:
“Một
gia đình đi tắm biển. Trong lúc các con đang vui đùa, làm những hình
bằng cát trên bải biển. Từ xa, có một bà già, trên tay cầm cái bị, đang
đi rảo bước trên bải cát. Mắt nhìn xuống, thỉnh thoảng, bà cúi xuống
nhặt một cái gì đó, rồi bỏ vào giỏ. Cứ tuần tự như vậy, như không để ý
đến mọi chuyện chung quanh.
Khi đi ngang qua
những đứa bé đang đùa giỡn trên cát, bà dừng lại nhìn, mỉm cười và muốn
đến với các đứa nhỏ đang hồn nhiên vui đùa. Nhưng người cha của các đứa
bé vội chạy lại, kéo các đứa con qua một bên, không cho đến gần bà già.
Mắt trừng trừng nhìn bà già, sợ bà làm hại con mình, vì nghĩ là bà già
điên.
Bà già chỉ nhìn
các đứa nhỏ, miệng mỉm cười, rồi lại tiếp tục đi và làm lại những động
tác như cũ trên bải cát.: thỉnh thoảng cúi xuống lượm vật gì trên bải
cát, rồi bỏ vào giỏ của bà.
Người cha hỏi
những người sống ở đây lâu: Bà đó là ai vậy? Phải bà bị điên không?
Có người cho
biết rằng: Đây là bà già bình thường, không có điên. Trước đây, bà có
đứa con gái và một hôm, đứa con đi tắm biển. Khi con bà vui đùa trên bải
biển, vô tinh dẫm phải miểng chai vỡ, máu chảy ra nhiều. Nhưng không ngờ,
con bà bị nhiểm trùng, sốt, không cứu chữa kịp và qua đời vì bị tetanus
( phong đòn gánh).
Đau khổ vì sự
mất mát đứa con yêu quí duy nhất. Và cũng từ đó, mỗi ngày, người ta đều
thấy bà cầm cái bị và đi luợm mảnh chai, kiếng vỡ hay vật gì đó có thể
làm nguy hại những đứa bé nhỏ, sợ giống như đã làm chết con của bà”
Trong cuộc bể
dâu của đất nước, sau năm 1975. Mẹ đã khóc dài theo năm tháng, tần tảo,
hy sinh, biến tấm thân mảnh khảnh, yếu đuối, chuyển tất cả tấm lòng trở
thành sức mạnh để nuôi con, lo cho chồng đang lâm cảnh bất hạnh, chua
cay, tù tội của cuộc đời. Tôi nghĩ rằng lịch sử của Việt Nam sẽ không
bao giờ quên được hình ảnh nầy. Cao đẹp quá, kỳ diệu quá và lịch sử của
nhân loại cũng thêm được nét đẹp kỳ vĩ, văn hoá nhân bản- đó là tình
mẹ.
Lòng hiếu thảo
đã được nhân lên khi bắt được nguồn sống của Phật giáo, vì Đạo Phật đề
cao hạnh hiếu , vì đó cũng chính là nền tảng đầu tiên để bước làm người.
Đức Phật đã nhìn
xuyên suốt qua kiếp sống của con người, trải qua nhiều đời nhiều kiếp và
có nhân duyên chằng chịt lẫn nhau. Nếu gốc rễ của vô minh do ba độc tố:
si-tham-sân làm cho con người luân chuyển trong 6 cõi, thì tình thương
của bà Mẹ trong lúc mang thai, lúc sanh con và lúc nuôi dưỡng con v.v…là
sự khai nguyên cho một tình yêu thương vị tha, hy sinh sẽ tác động đến
tâm thức con người., kéo dài cho đến lúc vào đời.
Cho nên, Đạo
Phật đặt nặng trên nền tảng con người, với những bước chân đầu tiên từ
cha mẹ- là bậc sinh thành. Công ơn đó nặng quá, bao la vô tận, làm ấm áp
cuộc đời.
Trong nhiều kinh
sách, Phật vẫn thường giảng dạy về hạnh hiếu của con người, của người
con Phật.
"Tâm Hiếu là tâm Phật,
Hạnh Hiếu là hạnh Phật".
Mẹ dạy cho
chúng ta biết yêu thương, bảo bọc, bao dung v.v..qua những việc làm nhỏ
nhặt của người, nhưng đó là dấu ấn đậm trong tâm thức con trẻ, để sau
nầy trở thành những nhân tố làm ích nước, lợi người.
Con người thiếu
tâm hồn, thiếu tình thương, sẽ không thể cho cuộc đời nhiều hạnh phúc,
vì chúng ta không có để mà cho. Tất cả những yếu tố làm cho cuộc đời có
an lạc, hạnh phúc.
Trước cuộc đời
nhiều biến động, khổ đau. Xã hội thay đổi trầm trọng, băng hoại. Bao
nhiêu chủ thuyết, lý thuyết cố tình đẩy con người rời xa những giá trị
tâm linh, biến đổi qua khuynh hướng hưỡng thụ. Đi quá mức của bình
thường là sự tác hại: từ quảng cáo, truyền hình, truyền thông, internet
v.v…nâng cao vai trò của bạo lực, của vị ngã, tự do cá nhân quá độ, tạo
thành những dây chuyền đẩy xã hội vào vòng trầm luân đau khổ của hiện
tại, và tương lai. Phương tiện trở thành cứu cánh, nhưng khi phương tiện
đã đặt sai, thì cứu cánh sẽ đổ vỡ.
Thiên
tịnh sa
Khô đằng lão
thụ hôn nha
Tiểu kiều lưu thủy nhân gia
Cổ đạo tây phong sấu mã
Tịch dương tây hạ
Đoạn trường nhân tại thiên nha
Mã Trí Viễn
Thiên tịnh sa
Thiên
tịnh sa
Cây già bám
những dây khô
Quạ bay về đậu nhấp nhô bóng chiều
Nhà ai nước chảy ven cầu
Gió thu, ngựa ốm về đâu đêm rừng
Phương tây chiều xuống bâng khuâng
Thân du tử mãi lưng chừng chân mây (Sưu tầm)
Mùa Vu Lan trở
về khi những cơn mưa đổ xuống, tắm gội và rửa sạch những ô nhiểm, bụi
bậm của những ngày oi bức. Sự đau khổ sẽ làm cho con người bình tĩnh lại,
đặt lại vấn đề cho những lý thuyết vọng tưởng, phá bỏ tình yêu thương
của hiện tại.
Khi sống gần bên
Mẹ, chúng ta ít bao giờ biết về giá trị của tình Mẹ, đôi vòng tay ấm áp
của bà. Chúng ta hờ hững vì nghĩ là phải như vậy và là bình thường,
nhưng rồi một ngày nào đó, khi làn gió vô thường đi qua, lúc đó, chúng
ta hối hận thì đã muộn rồi.
Nếu bạn hạnh
phúc còn có Mẹ, hãy kề cận và nắm chặt lấy tay của Mẹ. Nắm lấy thời gian
quí báu nầy, hạnh phúc chỉ là những gì đơn giản, êm đềm, đơn sơ, có mặt
bên cạnh. Đừng tìm hạnh phúc quá xa, cao vời vợi, vì đó chỉ là ảo ảnh,
không thực.
Đừng quan trọng
hoá khi đang cài trên áo màu hoa hồng đỏ hay trắng, đừng đánh mất mình
cho những kỷ niệm của một ngày, một giờ; trong khi Vu Lan là ngày
tưởng niệm, gợi nhớ, báo đáp thâm ân, nhưng không chỉ là dành cho một
ngày, một giờ, một phút hay một nơi chốn nào đó v.v..mà là miên viễn khi
chúng ta còn mang thân phận hữu tình. Hãy sống thật với giây phút
hiện tại, để mở tung và nối tiếp cho tương lai, trong tình yêu bao la
của Mẹ và để thực hiện hạnh hiếu. Đó là gia tài vô giá mà Cha Mẹ lưu
truyền và là tinh thần cao đẹp của Ý nghiã Vu Lan qua “phương tiện
thiện xảo” thể hiện bởi Ngài Đại Hiếu Mục Kiền Liên.
Tình yêu thương
nếu được nhân rộng, phổ biến, phải chăng sẽ đem lại cho cuộc đời, vũ trụ,
thế giới sống trong bình an, hạnh phúc. Tất cả đều khởi hành từ trái tim
của bà Mẹ vừa khi có mặt đứa bé tượng hình trong bụng và khi chào đời.
Đó là quan niệm của chúng tôi, nhiều khi không đúng với bạn? Bạn nghĩ
sao?.....
Mùa Báo
Hiếu năm 2007
--- o0o ---
|
|