-
HT. Thích Khế Chơn
Hôm nay, nỗi niềm hiếu tâm của người Phật tử đang tràn
ngập khắp cõi lòng, làm ngào ngạt hương trầm Vu – Lan tỏa rộng mọi không
gian. Toàn thể Tăng Ni Phật Tử chúng ta đang thành kính kỷ niệm Vu – Lan
thắng hội Phật lịch 2552.
Rằm tháng Bảy là ngày thiêng liêng, trọng đại, nhắc nhở
chúng ta nhớ đến ngày Tự Tứ của Chư Tăng Ni sau ba tháng an cư kiết hạ,
rèn luyện thân tâm theo chánh pháp, làm cho hạnh nguyện của mình dần dần
trở nên hoàn hảo, không bị thối chuyển mục đích giải thoát cao thâm,
khỏi bị lùi tâm trên đường tu hành đầy những chông gai hiểm trở.
Đây chính là giờ phút các vị Tăng Ni tự kiểm thảo tư
tưởng, ngôn ngữ và hành vi của mình để rồi hân hoan lãnh thọ thêm một
tuổi đạo, tuổi của đức hạnh, của sự tinh tấn trên bước đường tu học.
Nếu Tết Nguyên Đán là ngày vui của dân chúng được thêm
một tuổi đời, thì lễ Vu Lan là ngày lễ của Chư Tăng Ni được thêm một
tuổi đạo.
Thực chất Vu – Lan chính là sự kết hợp của tự lực với
tha lực, từ bi với trí tuệ, tu và học, tri và hành đi đôi, đó là điều
kiện tất yếu để đi đến giải thoát.
Cũng ngày này, cách đây trên 2500 lịch sử, đức Mục Kiền
Liên nặng lòng hiếu đạo đã cứu mẹ hiền thoát khỏi vòng trầm luân cơm lửa
khổ đau.
Đâu đây tiếng chuông chùa ngân vang, hòa lẫn theo nhịp
mõ lời kinh tạo thành những âm thanh huyền diệu trong ngày Vu Lan đến,
chấm dứt một quảng đời đen tối, mở đầu cho cuộc sống sáng tươi, bà Thanh
Đề mẹ của đức Mục Kiến Liên đã từ bỏ chiếc thân đơn bạc, tiều tụy xác xơ
của kiếp đọa đày, từ giả luôn cả ngục tù tra tấn, những đói lạnh nguy
vong, hiện thân của vô vàn tội lỗi. Bà đã được sinh về cảnh giới an lành,
nhờ sức gia trì chú nguyện của thập phương Đại Đức Chúng Tăng và lòng
hiếu thảo của đức Mục Kiến Liên Tôn Giả.
Cùng chung một niềm tri ân vô hạn, ôn lại lịch sử, nhớ
gương hiếu hạnh của người xưa, lòng chúng ta rung động vì mối cảm hoài
đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
Bên cạnh những giá trị hùng tráng của một triết lý siêu
việt và vĩnh cửu, Đạo Phật cũng đã gần gũi đi vào cuộc sống dân tộc bằng
một phong thái dung dị, hòa ái đậm đà – Quê hương yêu dấu của chúng ta
đã đón nhận dòng suối mát đạo lý ấy như đón thở khí trời thoải mái và
khoáng đạt. Vu Lan với lòng báo ân cha mẹ chính là dấu hiệu chứng tỏ sự
dung hợp gắn bó giữa giá trị luân lý ngát thơm đạo vị với trái tim tình
ái quê hương.
Mỗi người chúng ta lớn lên, xương thịt và tinh thần đều
làm bằng giọt ngọc thủy tinh đôi mắt cha mẹ, đều bềnh bồng ru êm trong
tiếng hát thì thầm thương yêu sóng vỗ, đều thơm tho phong bánh chợ chiều
đường tre rợp bóng. Chúng ta lớn lên trong tiếng mẹ cha, trở mình trong
tình thương yêu ấp ủ của cha mẹ – Vu Lan chính là một sự thức giấc để
chúng ta có dịp đi về hoài niệm, để lời kinh báo hiếu ở mãi trong lòng
người.
Nói đến hiếu đạo là nói đến tình thương, một tình thương
có trước mà trên tất cả mọi tình thương.
Những gì khác trong cuộc sống của con người thì phải nhờ
có sự tiến bộ về tư tưởng hay vật chất con người mới nhận ra, nhưng tình
thương của cha mẹ đối với con cái thì đã được cảm nhận từ bao giờ rồi.
Cho nên có con người là có hiếu thảo. Đây là một bổn phận phát xuất từ
tình thương, vì vậy không có tính chất bắt buộc hay áp đặt nào cả.
Tình thương của cha mẹ là “nước trong nguồn chạy ra”
lai láng, mát dịu, ngọt ngào. Nó chính là thứ dịch thủy đã bao bọc thai
nhi trong chín tháng mười ngày, là dung môi cần cho sự sống tăng trưởng.
Thiếu nước thì vạn vật héo mòn cằn cõi, thiếu tình thương thì nhân loại
lầm than, lụi tàn trong sân hận chấp tranh; thiếu cha mẹ thì người con
lâm cảnh khốn cùng giữa cuộc đời sa mạc chói chang, khô sở thiêu đốt,
lạc lõng, bơ vơ, thân tâm không nơi nương tựa. Cho nên nếu lỡ ra, chẳng
may nguồn thương ấy mất đi thì đó là bất hạnh lớn nhất của đời người.
Thế nhưng, cuộc sống vẫn thường diễn ra lắm cảnh trớ
trêu, ý thức và cảm nhận về hạnh phúc thường đồng hóa với hạnh phúc. Cho
nên khi ở trong hạnh phúc con người thường ít khi thấy mình hạnh phúc,
chỉ khi nào hạnh phúc đã vượt khỏi tầm tay mới thấy được hạnh phúc.
Khi cha mẹ còn sống, còn khỏe, người con được tắm được
bơi trong tình thương yêu dịu mát, ngọt ngào, thì ít ai cảm nhận được
cái hương vị tuyệt vời ấy một cách rốt ráo. Chỉ khi cha mẹ đã mất rồi,
khi tình thương ấy không còn nữa, mới xót xa nuối tiếc ngợi ca.
Một thi sĩ đã cảm tác lên mấy vần thơ trong khi mất mẹ:
Khi còn mẹ con còn tất cả
Mẹ đi rồi tất cả đều đi
Mẹ ơi con chẳng còn chi
Bơ vơ đến cả khi đi lúc về
Thật đúng! Mất mẹ cha là mất tất cả bầu trời, vì trái
tim của cha mẹ là kho tàng chất chứa nguồn thương, tình âu yếm, nét dịu
hiền, bao dung, quên mình và tận tụy.
Ôi! Trọn cả cuộc đời chẳng thảnh thơi
Nhưng mong con trẻ chóng nên người!
Tình thương của cha mẹ “êm như gió lùa mặt hồ”,
“nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ”, “thương con thao thức
đêm trường, chẳng nề sớm khuya mưa nắng, lặn lội gieo neo, không quản
thân nghèo, không nao mái đầu buồn phiền nhuộm bạc. . .”
Công ơn cha mẹ cao như trời lồng lộng, rộng như đất khó
dò.
Lúc còn nhỏ cha mẹ lo miếng cơm manh áo, ngày lớn khôn
lo việc học hành.
Lo cho con lập thân vào đời, sao cho nở mặt rạng mày với
thiên hạ. Lo dựng vợ gã chồng, lo sinh cơ lập nghiệp cho con có chỗ
nương nhờ tương lai… Chính nỗi âu lo đã làm cho mái đầu cha mẹ sớm bạc
trắng trên trán cha mẹ nhiều nếp nhăn nheo và làm cho cha mẹ sớm già hơn
tuổi tác. Những đêm dài trằn trọc lo toan, những đêm khuya thức trắng
mắt khi con ốm đau tai biến. Nào những ngày triền miên như thế kỷ cha mẹ
ngồi đợi trông con, nào những giọt nước mắt lăn trên đôi má mẹ cha, tủi
hờn thân thế khi đã tận sức mình mà chẳng lo nổi cho con tròn nguyện ước
bình sinh.
Cha mẹ là nơi ẩn núp an ổn chắc chắn nhất của tuổi ấu
thơ! Bị vấp ngã bị vây đuổi, bị đe dọa, chạy vào lòng mẹ, vùi cả đầu, cả
khuôn mặt đẫm nước mắt vào áo ôm lấy cha mẹ là cảm thấy an toàn.
Lớn lên, những lúc bị vùi dập, trong nỗi khổ đau tận
cùng của thân phận, người con ở bất cứ lứa tuổi nào vẫn gọi “Cha mẹ ơi”
để than thở.
Thế mà, có những đứa con vì vô minh che khuất không thấy
được nỗi niềm của cha mẹ, đang lê thân qua mờ mịt đêm dài, làm trái tim
cha mẹ quặn đau, làm đôi mắt cha mẹ rưng rưng! Những đứa con đã ngỗ
nghịch từ thuở bào thai, đập phá vẫy vùng làm mẹ đớn đau, làm cha kinh
hãi – Những đứa con không biết ơn nặng nghĩa sâu của cha mẹ, đã chẳng
trân trọng kính yêu lại còn vong ân thất đức – Không xót xa cù lao chín
chữ … thương thay những đứa con mê mờ lầm lạc, trà đình lửa điểm, lãng
đãng ngao du theo phương cờ bạc, rượu chè, cần sa ma túy, quên cha, quên
mẹ bán bổ thâm tình, phản thầy lừa bạn, lòng lang dạ thú, bội nghĩa vong
ân, trọng tiền tài khinh nhân nghĩa, đã trở thành bất hiếu bất nhân.
Ôi! Những đứa con:
Thân người ba ngã tối tăm
Yêu cuồng, sống loạn, uống ăn tối tàn
Lọc lừa tham ác mưu toan
Đường tu xa mãi, nghiệp oan chất đầy!
Khi cha mẹ đã mất rồi, người con bất hiếu chỉ biết khóc
cho thân phận, hay rưng rưng nuốt lệ ăn năn vì đã lỡ tay đánh mất một
hạnh phúc lớn lao và vô phương cứa chữa.
Hiếu hạnh trong Đạo Phật được quan niệm một cách cứa
cánh và siêu việt về không gian và thời gian: Về thời gian là báo đền
công ơn cha mẹ trong vô lượng, vô số kiếp và không gian là tất cả chúng
sanh trong tam đồ lục đạo – Hơn nữa, hiếu là giới luật, là công đức của
muôn ngàn công đức và tâm hiếu chính là tâm Phật, hạnh hiếu chính là
hạnh Phật. Cho đến muốn cầu thành Phật Quả, hiếu dưỡng cha mẹ là việc
làm đầu tiên. Tiền kiếp Đức Thích Ca rất nặng lòng hiếu đạo và xem là
một công hạnh tiên quyết trong đạo làm người. Ngài không từ chối bất cứ
một hy sinh nào miễn cha mẹ sống còn và mạnh khỏe, dù phải móc mắt để
làm thuốc, moi tim để thế mạng, hoặc từ bỏ ngai vàng đế nghiệp để phụng
dưỡng cha mẹ. Đức Phật đã dạy: “Nếu người nào mong cầu đạo giải thoát,
mong cứu khổ chúng sinh hoặc mong đạt đến Thánh quả Vô Thượng, người ấy
tuyệt đối phải hiếu kính với cha mẹ. Người con chí hiếu sẽ thành tựu
được các hạnh lành”. Chính Phật ngôn này đã trở thành một “Thông điệp
hiếu kính” mà Đức Phật đã gởi cho nhân loại cách đây trên 2500 năm lịch
sử.
Mưa trời ngập chảy ra sông
Nhớ công dưỡng dục ra công đáp đến
Gió đưa cành trúc la đà
Mẹ cha còn sống Phật Đà hiện thân!
Cha mẹ là một ân huệ cao quý của đời ta, xin hãy trân
quý nâng niu, đừng vì lý này lẽ nọ mà lãng phí nguồn ân suối ái ấy. Xin
hãy nhìn cha mẹ bằng cái nhìn hồn nhiên, cái nhìn tìm gặp một tâm hồn,
một niềm ai ủi, mà đôi mắt hiền từ của cha mẹ là cửa ngõ gọi chờ – Hãy
nhìn cha mẹ cười, nụ cười xinh tươi hay móm mém đều biểu hiện thân ái và
cảm động… nụ cười của cha mẹ đã nói lên tất cả những gì mà mắt và lời
nói, không diễn tả hết được.
Cha mẹ là tình thương trầm lắng âm ỉ và bất diệt chớm nở
giữa loài người từ thuở hồng hoang. Tình thương yêu ấy là cội nguồn của
hiếu trung, là nơi xuất phát của tình thương nhân loại. Ta thương mẹ
thương cha vì ta là con của cha của mẹ như nước thương nguồn, như cây
thương cội. Thương mẹ kính cha không vì những ràng buộc chung quanh mới
là hiếu thảo đích thực.
Thương cha mẹ và còn có cha mẹ để mà thương đời còn chi
hơn nữa.
Giàu nghèo sang hèn xin đừng quái ngại, những người con
hiếu thảo hãy gạn lọc lòng mình hướng về Tam Bảo cầu cho cha mẹ còn sống
phước lạc trăm năm, cha mẹ quá vãng siêu sinh tịnh cảnh.
Xin hãy thành tâm cầu nguyện cho năm tháng đều trở thành
Vu Lan, cho thế giới ba ngàn khổ lụy tắm cam lồ, cho lời kinh báo ân
vang vọng tình đời, cho trần gian không còn đứa con nào làm khổ cha mẹ.
NAM MÔ ĐẠI HIẾU MỤC KIỀN LIÊN BỒ TÁT MA HA TÁT
Cố Đô Huế, mùa Vu Lan năm Mậu Tý, Phật lịch 2552
Hòa thượng THÍCH KHẾ CHƠN