Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
SỰ CHUYỂN HÓA NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI Á ĐÔNG KHI HỘI NHẬP THẾ GIỚI

 

Thích Lệ Thọ

 

Đông Á là một khu vực của châu Á có thể được định nghĩa theo các thuật ngữ địa lý hay văn hóa. Về mặt địa lý, nó chiếm khoảng 6.640.000 km², hay 15% diện tích của châu Á. Về mặt văn hóa, nó bao gồm các cộng đồng là một phần ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa, thể hiện rõ nét trong các ảnh hưởng lịch sử từ cổ văn Trung Quốc (chữ Nho truyền thống), Khổng giáo và Tân Khổng giáo, Phật giáo Bắc và Nam truyền, Lão giáo. Tổ hợp này của ngôn ngữ, quan niệm chính trị tôn giáo bao trùm lên trên sự phân chia địa lý của Đông Á.

Bước sang, thế kỷ 21 thuộc thời đại khoa học với những phát minh độc đáo về khoa học, kỹ thuật và con người. Đặc biệt về suy luận học đã đến giai đoạn tổng hợp các môn ngành, chẳng hạn không còn đối kháng triệt để giữa duy tâm hay duy vật vì đây là hai khía cạnh của một biện chứng hiện tượng học, tức là biện chứng Âm Dương nếu nói cách Á-đông.

Xét vấn đề toàn cầu hóa của tất cả sinh hoạt: tinh thần, sức khỏe, xã hội, kinh tế, thiên nhiên, khoa học kỹ thuật và tài chánh hiện nay cho thấy rất rõ vai trò của tâm lý học là luồng gió phát triển văn hóa Tây Phương; Ngược lại Đông Phương vẫn cẩn thận với cái gọi văn minh, hiện đại và công nghiệp hóa, để thúc đẩy nền kinh tế và tạo ra cho xã hội một cuộc sống “tiện nghi” v.v… đối với văn hóa Á Đông, đặc biệt là về quan niệm bản chất nội tâm của con người nếu nói theo Phật học thì thế giới đang làm cái việc mâu thuẫn.

Nhận thức này giúp cho con người Á Đông tỉnh táo hơn bao giờ hết, trước sự cân nhắc: Chuyển hóa nhận thức để theo con đường toàn cầu hóa của phương Tây khởi xướng, hay chỉ lấy sự phát triển của một vài nghành mà châu Âu, châu Úc và châu Mỹ đã thành công để làm chất xúc tác cho quan điểm và nền tảng văn hóa của Á Đông hoàn thiện hơn. Đây là một vấn đề lớn của khu vực cần phải đối thoại thật nhiều theo từng chủ điểm: văn hóa, tôn giáo, chính trị, kinh tế và xã hội để tìm tiếng nói chung nhằm cải thiện sự phát triển, mà phải là phát triển bền vững!

Trong phạm vi bài tham luận, tôi chỉ bàn đến bản chất nội tâm theo Phật giáo để góp tiếng nói vào diễn đàn “VIỆT NAM TRONG TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO Á ĐÔNG”, với tâm nguyện tạo ra một nhận thức mới cho con người Á Đông hiện đại!

 

1/ Khắc phục nhược điểm:

Thông thường, con người Á Đông hay dùng cảm tính, dễ dàng tin tưởng vào những người có thẩm quyền trong một lĩnh vực nào đó, nên tư duy dễ bị đóng khung. Từ đó tác động đến xã hội cục bộ nhận thức, dễ bảo thủ, Tông môn pháp phái, đoàn thể và địa phương tính…Vì vậy, khi đứng trước một trào lưu mạnh mẽ của phương Tây lan rộng thì tỏ ra lúng túng, chậm chạp trong phản ứng, dễ bị xốc phản vệ, người ta phải mất một thời gian khá dài để thích ứng. Tôn giáo truyền thống cũng không ngoại lệ.

2/ Phật giáo phải tiên phong:

Trong hai truyền thống Phật giáo đều tâm đắc bài pháp đức Phật dạy cho dân chúng Kàlàma: “Đừng tin những gì do kinh sách. Đừng tin điều gì do tập quán lưu truyền. Đừng tin điều gì vì được người ta nhắc đi nhắc lại. Đừng tin điều gì do bút tích của thánh nhơn…”[1] hay “Suốt 49 năm ta không nói một lời”. Thật tuyệt vời! Một đạo lý nhân bản không tìm thấy ở bất cứ một tôn giáo nào trên trái đất này. Tinh thần khai phóng đó giúp cho con người, độc lập tìm ra một lối đi riêng trên cái tổng thể, nếu chúng ta không dựa trên lập cước đó thì ngay cả hàng đệ tử của đức Phật cũng rơi vào cảnh nô lệ kiến thức.

3/ Tinh thần thực tiễn:

Một trong những định nghĩa về pháp là “thiết thực hiện tại”, nghĩa là giáo lý đạo Phật là thiết thực, không mơ hồ, mang tính thực tiễn, có tác dụng cụ thể, không phải lý thuyết suông. “Hiện tại” có nghĩa là không chờ đợi kết quả của tương lai, có tu tập là có hướng thượng, có giải thoát ngay hiện tại, đời này. Vì vậy, giáo lý đạo Phật là giáo lý thực nghiệm, không chờ đợi một ân sủng hay một mặc khải nào. Đức Phật thường từ chối trả lời những câu hỏi về những vấn đề siêu hình. Bởi nó không mang lại mục đích giải thoát. Ngài chỉ dạy những gì cần thiết cho cuộc đời, cho con đường thoát khổ. Có lần ở Kosambi, Đức Phật dạy: “Những gì Như Lai biết ví như lá trong rừng, còn những gì Như Lai giảng dạy như nắm lá ở trong tay, nhưng đây là những phương pháp diệt khổ[2].

          Đạo Phật cho rằng phần lớn những nỗi khổ của con người do họ không sống thật với hiện tại. Thử nhìn lại xem, con người Á Đông hiện nay đang chạy theo thụ hưởng vật chất của người phương Tây bởi những tiện nghi: “xe hơi, máy lạnh, nhà máy điện nguyên tử, nhà cao tầng, khai thác khoáng sản và mạch nước ngầm…” Nó không chỉ dừng lại ở mức sản xuất để thụ hưởng mà đã được xem như là cứu cánh cho việc tăng trưởng GDP cho từng quốc gia. Điểm này cần phải thống nhất: “không chỉ đơn thuần là một nhận xét cảm tính, vì đúng là tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) không phải là thước đo chính xác cho sự phát triển của xã hội”[3] Một việc làm lẩn quẩn, thiên tai, mất cân bằng sinh thái, dịch bệnh… có phải là di chứng của “tiện nghi” mang đến? Những trận động đất, sóng thần hay băng ở Bắc cực tan là lời cảnh báo cho thế giới nói chung và Á châu nói riêng? Nhưng xem ra, lời cảnh báo đó chưa đủ giúp cho con người dừng lại. Vì vậy, có một số người hiểu lầm đến với Phật giáo là đồng nghĩa với sự trì trệ, lạc hậu! Trong khi giáo lý của Phật giáo rất “hiện đại” là hướng con người đến một đời sống ổn định và phát triển bền vững.

Do mong việc sắp tới
Do than việc đã qua
Nên kẻ nghi héo mòn
Như lá xanh lìa cành
[4]

 

            4/Tinh thần không chấp thủ:

           Đạo Phật là giải thoát và tự do; vướng mắc vào bất cứ điều gì cũng đều đưa đến đau khổ. Đức Phật dạy: “Cuộc đời là vô thường, nên nó đem đến đau khổ (vì chấp là thường). Cái vô thường mà ta cho là của ta, là ta thì hoàn toàn không hợp lý”. Nhờ tinh thần không chấp thủ nên thái độ của đạo Phật rộng rãi, bao dung, tinh thần tu tập của người Phật tử rất thoáng. Tinh thần không chấp thủ là nội dung trí tuệ của đạo Phật; tác dụng của tinh thần ấy ngoài sự đem đến giải thoát, còn đem đến sự giải tỏa tất cả mọi áp lực, ức chế của đời sống lên trên tâm lý của con người. Tính thực tiễn, thiết thực hiện tại là một đặc tính của đạo Phật.  

5/ Trung Đạo:

Chúng ta có thể gọi đạo Phật là “Trung Đạo”, con đường chân chính của cuộc sống, một hệ thống đạo đức triết học và là một tôn giáo tự do và lý trí. Tôn giáo này dạy cho chúng ta thực hiện ba điều chính: “loại bỏ những điều ác; thực hiện các hạnh lành; giữ tâm ý thanh tịnh bằng cách xóa bỏ tất cả những phiền não nhiễm ô”.

          Hành vi đạo đức của một con người đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống, nên có lần, bậc Đạo sư đã khẳng định: “Lời dạy của ta không phải đến để tin, mà đến để thấy và thực hành” (My teaching is not to come and believe, but to come, see and practise). Nó khuyến khích người ta học hỏi giáo lý một cách đầy đủ và cho phép họ dùng trí phán đoán của mình để quyết định có nên chấp nhận hoặc không chấp nhận về giáo lý cũng như các lĩnh vực khác.

          Đến đây chúng ta có thể nhận thức được rằng: phương Tây đang quay về Á Đông để tìm lại cái mà họ đã quên gần một thế kỷ qua. Họ đang khuyến khích con người ăn rau quả tốt cho cơ thể, (giúp cân bằng lại sinh thái) hạn chế đi lại bằng máy bay, không xây thêm những lò phản ứng, (giảm bớt khí thải) khuyến khích đi xe đạp để giảm bớt khai thác quặng, (tránh bớt động đất, hoặc sóng thần) tiết kiệm nước để khỏi đánh nhau giành nước sạch…

          Thiết nghĩ, hội thảo lần này rất thiết thực cho Tăng Ni Á Đông sớm trở thành những “đại sứ” cho hòa bình, môi trường… nhằm xóa bỏ “kẻ thù” của nhân loại: “mất mùa, bão lụt, động đất, sóng thần, dịch bệnh, chiến tranh…”. Đồng thời, cũng là dịp để mỗi cá nhân tự hoàn thiện chính mình: “Hình thức lễ nghi rườm rà không có giá trị hoặc có ý nghĩa giáo dục thật sự; những pháp môn tu tập không có trong hai truyền thống Nam và Bắc truyền. Nâng cao trí tuệ cho nam, nữ Phật tử, mọi thứ đều phải được công khai hóa để cho người theo Tam bảo được chọn lọc, tự do tìm hiểu những lời dạy và tham vấn bất cứ khi nào họ muốn làm rõ các mối nghi ngờ của họ tâm linh.” Bởi đạo Phật không phải là chủ nghĩa giáo điều cũng không phải là chủ nghĩa hoài nghi; Ngài đã làm lóe lên tia sáng chói lọi của sự giác ngộ để đẩy lùi bóng đêm của vô minh.

Đối với nhà đạo đức, Ngài đã đạt đến giới hạnh cao độ và Ngài là biểu trưng tối thiện. Ngài là khuôn mẫu toàn bích cho mọi đức tính mà Ngài đã thuyết giảng. Cuộc sống của Ngài không bị vết nhiễm ô nào cả. Ngài là người phục vụ khiêm tốn của nhân loại, Ngài không bị giao động trước lời khen chê cũng như không chùng bước trước mọi khó khăn. Hãy thắp sáng chân lý ấy để nhân loại lấy nó làm hành trang cho cuộc đời; hãy biến kho tàng tri thức vô giá đó là bức thông điệp vượt thời gian, không chỉ đúng cho con người ở quá khứ, mà giáo pháp ấy sống động và thiết thực trong hiện tại và mãi đến ngàn sau.

Sài Gòn, ngày 15.08.2007

 

 


 

[1]Tăng Chi Bộ,  Tập I, Phẩm Lớn, 65, ĐTKVN, tr. 338

[2] Tương Ưng V

[3] Báo Tuổi Trẻ Online, Nguyễn Vạn Phú, GDP.Thứ Bảy, 01/11/2003, 16:05 (GMT+7)

[4] Tương Ưng I

http://www.buddhismtoday.com/viet/xhh/suchuyenhoanhanthuc.htm

 


Vào mạng: 23-8-2007

Trở về mục "Xã hội học Phật giáo"

Đầu trang