Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
LỄ TỤC NGÀY TẾT
Tâm Chơn

 

Trong các Lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam thì Tết Nguyên Đán được coi là quan trọng và thiêng liêng nhất. Đó là một Lễ hội lớn mà chỉ cần nói hai tiếng "Tết đến" thôi thì người ta sẽ biết ngay là Tết Nguyên Đán, một cái Tết cổ truyền không thể lẫn lộn vào bất kỳ cái Tết nào khác trong năm như Tết Nguyên Tiêu, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu.

Tết đến mở đầu một năm mới, kết thúc một năm cũ.

Tết đến được bắt đầu sau mùa gặt hái, mọi người rảnh rang vui chơi, thăm viếng họ hàng, bè bạn.

Tết đến cho lòng người được ấm lại bên mái gia đình sum vầy hạnh phúc.

Tết đến để mọi người quay về gốc rễ tâm linh, cội nguồn huyết thống, tưởng nhớ và tri ân ông bà Tổ Tiên, các vị Thánh Thần đã phò hộ cho mùa màng đạt nhiều thành quả.

Tết đến cho người ta rũ bỏ những muộn phiền, thứ tha những lầm lỡ, cởi lòng ra chia sẻ, thương yêu nhau hơn.

Tết đến hướng niềm tin của con người vào một năm mới an lành, một tương lai tràn đầy sức sống.

Tết đến khiến tình thâm thêm khắng khít, người người sít lại gần nhau, xiết chặt nhau hơn trong các mối quan hệ gia đình, thầy trò, bạn bè, làng xóm....

Tết đến đương dịp mùa xuân, vạn vật sinh sôi nẩy nở, cỏ cây hoa trái tốt tươi.

Tết đến tạo nguồn sinh khí mới, gắn bó chan hòa hơn giữa con người với thiên nhiên.

…Và bên cạnh những ý nghĩa cao đẹp của Hội mùa xuân như trên, ngày Tết còn được gắn liền với những thuần phong mỹ tục mà nhiều đời Tổ Tiên truyền lại. Những Lễ tục mang đậm giá trị nhân bản sâu sắc đó đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc thù của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, dù ngày nay có không ít tập tục không còn thích hợp với thời đại nữa, nhưng trong sâu thẳm lòng người con Việt vẫn luôn ý thức tôn trọng các giá trị trong sáng ban đầu. Và với những tục xưa nếp cũ, những gì thích hợp thì gìn giữ và phát huy, những gì không thích hợp thì lược bỏ.

Vậy nên hôm nay, nhân dịp đầu năm mới, để nhắc nhau đừng quên những Lễ hội thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những phong tục có liên quan đến ngày Tết cổ truyền trọng đại.

 

Tết Nguyên Đán:

Tết là do từ chữ "Tiết" mà ra. Vì vậy, căn cứ theo sự thay đổi của thời tiết mà có nhiều cái Tết trong năm như: Tết Nguyên Đán, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5), Tết Trung Nguyên (Rằm tháng 7), Tết Trung Thu ( Rằm tháng 8).

Tiết, nghĩa gốc là mắt tre, cái mấu tre. Tức là cái chỗ cứng hơn hết so với các chỗ khác, và là chỗ gò lên chia cây tre thành nhiều lóng, nhiều đoạn khác nhau. Từ nghĩa này, Tiết chỉ cho sự cứng chắt, là phần hoặc các phần của một sự vật hay sự việc, là sự diễn ra chu kỳ, là một hiện tượng trong đó có hiện tượng về thời gian như Nguyên Tiêu Tiết (Rằm tháng Giêng), Đoan Ngọ Tiết (mùng 5 tháng 5), Trung Thu Tiết (Rằm tháng tám).

Nguyên là bắt đầu.

Đán là buổi sáng sớm.

Nguyên Đán là buổi sáng đầu tiên của năm Âm Lịch, mùng một tháng Giêng. (Ở miền Nam trước đây khoảng nửa thế kỷ, người ta đã phát âm chữ Nguyên thành chữ Ngươn).

Nguyên Đán lúc đầu được hiểu là ngày đầu năm, nhưng lần hồi được hiểu rộng ra là những ngày đầu năm, bao gồm ba ngày Tết chính thức: Mùng một, mùng hai, và mùng ba.

Thế nhưng, cụm từ "Ba ngày Tết" mà dân gian thường nói không hẳn chỉ đúng ba ngày đầu năm này. Mà theo thói quen, quan điểm, hoàn cảnh mà thời gian "ăn Tết" có thể kéo dài nhiều ngày hơn tùy tâm trạng, điều kiện nhu cầu “thưởng xuân vui Tết” của từng người.

Người ta còn hài hước "hết mùng tới mền" là để chỉ từ mùng một đến hết mùng mười là hết mùng, hết Tết, nhưng những ngày còn lại của tháng Giêng vẫn còn nên "tới mền" là vậy.

Thật ra, cũng tùy theo công ăn chuyện làm của từng cá nhân mà sự ăn Tết được nhiều ngày hay là ít. Như đối với cán bộ công nhân viên nhà nước thì chỉ nghỉ Tết có ba ngày, mùng bốn phải đi làm trở lại. Dân chủ hãng và người làm cho các cơ sở tư nhân, hoặc dân buôn bán thì còn tùy vào ngày khai trương mở cửa hàng mà Tết còn hay hết.

Và dầu thời gian "ăn Tết" lâu hay mau theo từng trường hợp, nhưng tinh thần vui Tết ít nhiều vẫn rộn ràng, nhộn nhịp trong không khí mùa xuân đầu năm. Do đó, "Ba ngày Tết" luôn có ý nghĩa cô đọng.

Người Việt Nam xưa còn gọi Tết Nguyên Đán là Tết Cả, có nghĩa là Tết lớn nhất trong năm. Hay những danh từ Tết Ta, Tết Âm Lịch, Tết Cổ Truyền, Tết Nhứt đều chỉ cho Tết Nguyên Đán.

Tết Nhứt không có nghĩa là Tết số một, Tết ngày đầu, Tết số dách... mà chữ Nhứt ở đây có nghĩa là đầu tiên. Những ngày Tết cũng là những ngày đầu tiên trong năm mới.

 

Tất Niên:

Cuối năm, người ta tổ chức các buổi gặp gỡ, họp mặt, báo cáo, đúc kết tình hình hoạt động trong năm. Nhân dịp này người ta nêu lên những thành quả đạt được cần phát huy và những khiếm khuyết cần khắc phục, đồng thời cùng dự buổi liên hoan vui vẻ cuối năm. Đây cũng là lúc mọi nhà sửa soạn trang hoàng lại cho tươm tất, mua sắm đồ dùng thiết yếu chuẩn bị cho "Ba ngày Tết".

 

Cúng Ông Táo:

Ông Táo là vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà. Táo có nghĩa là bếp. Truyền thuyết kể rằng xưa có hai vợ chồng vì quá nghèo khổ mà đành bỏ nhau. Trên bước đường tha phương cầu thực, người vợ may mắn có chồng giàu. Năm nọ, đúng vào ngày 23 tháng chạp, trên đường ăn xin kiếm sống, tình cờ người chồng gặp lại người vợ cũ. Vì cái nghĩa cái tình, người vợ đưa chồng về nhà cho ăn uống, tiền bạc. Nhưng không may, người chồng giàu bắt gặp, nghi ngờ cô vợ thông gian. Người vợ khó xử, uất ức nhảy vào bếp tự vẫn. Người chồng cũ cảm kích nhảy vào lửa chết theo. Người chồng giàu ân hận cũng lao vào luôn. Thấy ba người nghĩa tình chung thủy, ông Trời phong cho họ làm "Vua Bếp" mãi mãi bên nhau không rời.

Từ đó, theo tục lệ cứ vào ngày 23 tháng chạp âm lịch thì từ thành thị tới thôn quê, nhà nhà đều quét tước bếp núc sạch sẽ, bày chút lễ nghi để cúng ông Táo.

Người Việt Nam quan niệm, ông Táo là người giám sát, định đoạt phước đức cho gia đình. Ông ghi chép lại tất cả những gì con người làm trong năm để cuối năm ông về trời báo cáo với Ngọc Hoàng.

Vào ngày này, không khí Tết đã bắt đầu rõ nét.

 

Dựng Cây Nêu:

Cây nêu là một cây tre dài được đốn từ gốc tới ngọn đem cắm trước sân nhà, trễ lắm là tối giao thừa phải có. Trên ngọn cây nêu người ta buộc một lá bùa và mấy chiếc khánh để khi có gió thổi, chúng sẽ va chạm vào nhau kêu leng keng... đặng ma quỷ sợ mà không xâm phạm vô nhà.

Tục này bắt nguồn từ sự tích xưa, một thời mà quỷ sứ lộng hành quấy nhiễu dân gian. Và dân làng đã được Phật dạy dùng cây nêu cắm trước cửa nhà để phân ranh đất, làm dấu "đất có chủ" để ma quỷ không được dòm ngó, phá phách dân làng nữa. Cắm cây nêu trước nhà, mọi người yên tâm ăn Tết.

 

Đón Giao Thừa:

Giao thừa có nghĩa là "cũ giao lại, mới đón lấy" cho nên, đây là giờ phút thiêng liêng nhất đối với quan niệm của người Việt Nam, vì có hai vị thần Hành Khiển "bàn giao nhiệm vụ" cai quản năm mới.

Đây còn là lễ "Tống cựu nghinh tân", vứt bỏ những cái xấu cũ, tiếp lấy những điều tốt đẹp, chào đón một năm mới nhiều may mắn. Ngay phút này, nhà cửa đã được quét dọn sạch sẽ, trang hoàng tươm tất, mới mẽ. Con cháu được căn dặn kỹ càng việc giữ không khí vui vẻ trong những ngày đầu năm mới.

Theo ý nghĩa này mà có Lễ Trừ Tịch. Lễ này được cử hành trong lúc giao thừa. Nên còn gọi là Lễ Giao Thừa. Do vậy, Lễ Giao Thừa hay Lễ Trừ Tịch đều chỉ cho giờ phút quan trọng chuyển giao năm cũ sang năm mới. Và ngày Tết chính thức bắt đầu từ giây phút này.

 

Lễ Trừ Tịch:

Trừ là giao lại chức quan, tịch là ban đêm. Trừ Tịch là giao lại quyền cai quản giữa hai vị thần năm cũ và năm mới, giống như lễ bàn giao chức vụ của các quan cầm quyền địa phương.

Lễ Trừ Tịch diễn ra vào giờ phút cuối cùng của năm cũ và giờ phút đầu tiên của năm mới. Tức là giữa giờ Hợi ngày 30 tháng chạp âm lịch (tháng thiếu là 29 âm lịch) năm trước và giờ Tý ngày mùng một tháng giêng năm sau. Tính theo giờ đồng hồ ngày nay thì từ 21 giờ đến cuối 22 giờ là giờ Hợi, từ 23 giờ đến cuối 24 giờ (hoặc 0 giờ) là giờ Tý.

Vào giờ này, dân ta theo cổ lễ "vọng bàn ra trước cửa nhà" bày mâm hoa quả nhang đèn bánh mứt để cúng bái, tiễn các vị thần năm cũ, đón các vị thần năm mới. Đồng thời, cũng có ý nghĩa là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ để đón lấy những điều tốt của năm mới.

Lễ Trừ Tịch còn có ý nghĩa là "tiêu trừ ma quỷ".

Sau khi cúng Lễ Trừ Tịch, đón Giao thừa xong, mọi người rủ nhau đi lễ các chùa, đình, miếu cầu phúc lộc đầu năm.

 

Đốt Pháo:

Tục đốt pháo có từ hàng ngàn năm do sự tích sau:

Ngày xưa có một con quái vật chỉ có một chân mà di chuyển rất lẹ. Đêm giao thừa nó thường vào nhà dân bắt gia súc gia cầm. Một lần nọ, gặp một đống lửa đang cháy, tre nứa nổ lốp bốp, nó quáng lên hoảng sợ bỏ chạy. Từ đó, người ta chế ra pháo nổ đốt đùng đùng để xua đuổi ma quỷ, tà khí của năm cũ và chào đón một năm mới tốt lành.

Sau này, tục đốt pháo còn được dùng trong các dịp cưới hỏi, khai trương... với ngụ ý chúc mừng, tạo không khí nhộn nhịp hân hoan vui vẻ.

 

Hái Lộc Đầu Năm:

Đến các đền, chùa, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục hái một "cành lộc" để mang về nhà, chưng lên bàn thờ với ngụ ý là được thần, Phật ban cho phúc lộc đầu năm.

Xưa, "cành lộc" là những cành đa, cành đề, cành si, là những loại cây sống lâu, quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Hái lộc từ những cây này ở các đền, chùa sẽ gặp nhiều may mắn, phước lộc dồi dào.

Ngày nay, có không ít người trẻ, bắt chước người xưa hái lộc mà không hiểu hết ý nghĩa của việc làm này, nên gặp cây gì trong chùa cũng bẻ khiến cho hoa kiểng "xác sơ, trụi lũi" trong ba ngày tết.

 

Xông Đất:

Xông đất hay còn gọi là xông nhà. Tức là vào nhà một người nào đó hay chính nhà mình trước nhất trong năm khi chưa có ai tới.

Và vì đó là ngày đầu năm rất quan trọng, có ảnh hưởng đến "gia chủ" cả năm nên người ta còn có tục "kén giờ, chọn hướng" để xuất hành. Để tránh phiền phức cho mình và người khác, thường người ta xuất hành đến các đền, chùa đầu tiên để cầu phước.

Sau đó người ta đi "xông đất". Người được chọn nhờ xông đất phải là người có tuổi hợp với gia chủ, tên có ý nghĩa tốt đẹp như giàu, sang, phú, quý..., tánh tình thì vui vẻ bặt thiệp, hiền lành nhân đức, gia đình hạnh phúc con cháu đủ đầy, cuộc sống thuận hòa, làm ăn khá giả...

Thường, những người được chọn xông đất luôn là đàn ông.

 

Chúc Tết - Mừng Tuổi:

Có nhiều hình thức chúc Tết: Người ở xa không tới thăm được thì gởi thiệp chúc tết hay cuối năm có gặp nhau thì chúc Tết "trước" cho nhau.

Riêng con cháu trong nhà thì sau Giao thừa, hoặc sáng mồng một Tết tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ Tiên và chúc Tết ông bà cha mẹ chú bác. Những bậc ông, chú đó chuẩn bị sẵn bao "lì xì" cho con cháu và các em nhỏ hàng xóm láng giềng, hoặc con cháu của bạn bè thân thích khi chúng đến chúc Tết - mừng tuổi.

Lời chúc Tết thường là về sức khoẻ, tuổi thọ, làm ăn may mắn... Nói chung là những lời chúc tốt lành cho một năm mới.

Ngày xưa, trẻ em có hình thức chúc Tết "hát súc sắc súc sẻ". Nghĩa là vào đêm 30 Tết, những đứa trẻ con nhà nghèo tụ họp lại, mang một ống tre đựng mấy đồng tiền vừa đi vừa lắc thành tiếng "súc sắc". Chúng đến trước cửa nhà, hát những câu chúc tụng tốt lành và được gia chủ "lì xì" vì đã mang niềm vui tới nhà cho họ.

Còn người lớn thì có tục "hát sắc bùa", một hình thức chút Tết độc đáo có nghi lễ dân ca kết hợp với nghệ thuật sân khấu dân gian, hát, múa, diễn, xướng, chúc mừng một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự hanh thông.

 

Thiệp Chúc Tết:

Tương truyền, phong trào tặng thiệp được khởi xướng từ năm 1000 trong triều đình nhà nước phong kiến Trung Hoa.

Thường sắp đến năm mới, vua phê duyệt gởi đi các bức thông điệp chúc tụng công trạng đến các vị đứng đầu sở tại.

Mãi đến thế kỷ 16, những tấm thiệp tương đối hoàn chỉnh mới xuất hiện ở Pháp và Ý.

Ngày nay, ở các đô thị Việt Nam, thiệp chúc Tết được sử dụng rộng rãi với vô số kiểu cách, sắc màu, bày bán nhộn nhịp, sôi nổi suốt những ngày cuối năm chuẩn bị Tết đến.

 

Gửi Tết:

Gửi Tết là đem những đồ lễ đến nhà cho người gia trưởng để cúng Tổ Tiên trong dịp Tết. Đây là tập tục đẹp, thể hiện lòng biết ơn, tinh thần hiếu hạnh, đạo đức đặc thù của người Việt Nam xưa nay.

Mặt khác, Gửi Tết còn là cơ hội thắt chặt thêm mối dây liên lạc tình thâm cốt nhục giữa những người trong dòng họ xa gần.

 

Biếu Tết:

Nhân năm mới, trong lúc vui chơi thong thả, người ta nhớ đến những người thân thiết mà trọn năm vất vã không thường tới lui thăm viếng. Hoặc là trong cuộc sống có lúc xảy ra va chạm làm phật lòng nhau thì nhân dịp này, người ta mang chút quà biếu cho từng người để gọi là tưởng nhớ và quý trọng, đồng thời, cũng xin được sự cảm thông, tha thứ lỗi lầm nếu có.

Biếu Tết cũng là hình thức thông báo thành quả đạt được trong năm hay "mách nhỏ" sự khó khăn suy sụp trong việc làm ăn của năm cũ. Nhưng tất cả không ngoài muc đích tạo thêm nguồn vui thân thiện giữa con người với nhau.

 

Cúng Rước Ông Bà:

Đây là danh từ mà người Nam bộ thường gọi để chỉ cho lễ cúng gia tiên đón rước ông bà về vui Tết cùng con cháu.

Lễ được thiết đặt vào buổi chiều cuối năm khi mọi việc đã được sửa soạn xong xuôi, công việc làm ăn có thể tạm ổn, kết thúc một năm đầy bận rộn, chuyện thăm viếng và sửa sang mộ gia tiên đã hoàn tất, người ta cử hành cúng gia tiên.

Cúng sớm là vào 12 giờ trưa (giờ ngọ), trễ là vào chiều tối của ngày "Giao thừa". Sau khi cúng người ta thắp sáng đèn và đốt nhang liên tục suốt ba ngày tết.

Ngày xưa, cúng gia tiên ngày hai bữa. Ngày nay nhiều gia đình bận rộn nên chỉ cúng một ngày lần vào buổi sáng hay vào đúng giờ ngọ.

Và tới bữa mồng ba cúng “đưa ông bà” xong thì coi như phần cúng gia tiên đã hoàn tất.

 

Động Thổ:

Động thổ nghĩa là đụng chạm tới đất đai. Lễ động thổ đầu năm sẽ mở đầu cho hàng loạt công việc đồng áng, mưu sinh của người dân trên đồng ruộng như dẫn thủy nhập điền, các công việc cày xới, vỡ đất, gieo mạ... khẩn trương để theo kịp thời vụ, mùa màng hay thời tiết.

Lễ động thổ không nhất thiết phải là ngày nào. Nhưng vì để tránh cho dân làng sự vui Tết “quá độ” mà bỏ quên công ăn chuyện làm nên thường là người ta cử hành lễ này sau ba ngày Tết.

Sau lễ động thổ, dân làng mới được phép đụng tới đất đai. Ai cuốc đất trước lễ này sẽ bị làng phạt vạ. Thậm chí ngay cả việc có người không may qua đời trong những ngày này thì cũng phải đợi làng làm lễ xong mới được phép đào huyệt mai táng.

 

Lễ Tịch Điền:

Lễ này còn gọi là Lễ hạ điền, tức là lễ xuống ruộng do vua Thần Nông đặt ra. Đây là Lễ đặt đường cày đầu tiên xuống ruộng đất để mở đầu cho mùa sản xuất nông nghiệp trong năm mới. Xưa, vào đầu xuân, đích thân nhà vua cày mấy luống đất để cử hành lễ Tịch điền.

Người Việt xưa không chỉ tổ chức lễ này ở từng làng mà còn là nghi thức mang tính quốc gia.

Sử cũ của ta chép: "Năm 1088, vua Lý Thái Tông, vào mùa xuân tháng hai, ngự ra Bố Hải Khẩu cày ruộng tịch điền".

 

Khai Ấn-Triện:

Xưa, các chức quan từ Tri huyện trở lên đều có Ấn, Tổng lý có mộc Triện. Cuối năm, các quan định ngày hạn Ấn, nghĩa là bỏ Ấn vào hợp đậy kín lại để sang năm mới sẽ chọn ngày tốt mà khai ấn.

Thường là khai ấn sớm dù trong ba ngày Tết chưa làm việc cũng vậy. Vì khai ấn sớm để phòng tránh những ngày xấu, nếu có việc khẩn cấp phải dùng tới ấn thì không có sao.

Khi khai Ấn-Triện, các quan in trên giấy hồng điều, có viết dòng chữ năm... tháng... ngày... khai Ấn-Triện đại cát.

 

Khai Bút:

Vào những ngày đầu năm mới, các văn nhân thi sĩ cầm bút viết lần đầu tiên thì gọi là khai bút. Đối với các vị quan quyền thì cũng vậy, việc khai bút rất là hệ trọng nên phải coi chọn ngày tốt để viết ra những lời hay ý đẹp.

Thường là ghi lại những cảm tưởng đầu xuân của mình qua một bài văn hoặc bài thơ để coi như là vừa khai bút, vừa khai ý vậy.

 

Thi Tài Ngày Xuân:

Nhằm phát huy năng khiếu của người dân, nhất là các thanh niên nam nữ, làng thường tổ chức các cuộc thi thố tài năng đầu xuân với các môn:

-- Thi tay nghề như dệt vải.

-- Thi nữ công gia chánh như nấu ăn.

-- Thi văn chương, làm thơ, đối thơ.

-- Thi đốt pháo, tung pháo.

-- Thi bơi.

-- Thi đá cầu.

Tùy theo tục lệ mỗi vùng, miền mà có những trò chơi dân gian khác nhau, các môn thi khác nhau.

 

Gánh Nước Chúc Tết:

Để một năm mới đầy may mắn, người ta thường chuẩn bị không thiếu thứ gì cần dùng cho ba ngày Tết: Nước đổ tràn lu, gạo đong đầy khạp, thức ăn dồi dào trong bếp… Có như vậy, người ta mới hy vọng rằng năm mới chẳng những không còn thiếu hụt mà sẽ thịnh vượng, sinh sôi nẩy nở thêm ra.

Cũng vì thế, thời xưa, sau giờ giao thừa, mấy người làm nghề gánh nước đã tự động gánh đến mỗi nhà đôi thùng đầy nước với ý nghĩa rằng "đem tiền của vào nhà như nước" cho gia chủ.

Và với vài câu chúc Tết vui vẻ, người lao động thức thời này vừa được chủ nhà trả tiền công, vừa được lì xì tặng thưởng gấp bội.

 

Du Xuân:

Du xuân là đi chơi Tết, đi chơi vào những ngày đầu xuân, đầu năm.

Ngày nay, du xuân còn có nghĩa là đi đây đi đó, mở đầu cho mùa hành hương du lịch trong năm.

Tục này có từ đời nhà Lê. Vào mùng một Tết, sau khi làm lễ chúc mừng trong Triều nội xong, nhà vua ngự du xuân cùng các quan đại thần. Còn về phương hướng, địa điểm du xuân là do quan Bộ lễ chọn cho vua với mục đích để cho quanh năm nước nhà được thái bình, an khanh thịnh vượng.

 

Hạ Nêu:

Hạ nêu còn gọi là Khai hạ. Vào ngày mùng bảy, cây nêu trồng trước sân để "trừ ma quỷ" sẽ được hạ xuống và mọi công việc thường niên được bắt đầu. Theo sách Phương Sóc Chiêm Thú thì ngày mùng bảy là ngày của giống người, cho nên người ta chọn ngày này làm lễ Khai hạ.

Tuy nhiên, ngày nay người ta không còn câu nệ vào tục lệ này nữa. Mọi công việc làm ăn buôn bán có thể được tắt đầu sớm hơn hoặc trể hơn ngày mùng bảy, tùy thuộc vào ngày khai trương của từng gia chủ. Vì vậy, ngày Hạ nêu cũng có thể được coi là ngày khai trương mà người thời nay đã dùng.

 

Rằm Tháng Giêng

Rằm tháng giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, Tết Thượng Ngươn, là một lễ hội được tiếp diễn sau Tết Nguyên Đán.

Ngày này, ở Việt Nam, các đền, chùa đều có tổ chức cúng "kỳ yên" đầu năm. Và các làng đều có lễ hội tùy theo từng vùng, từng miền Nam, Bắc mà có khác nhau để dân làng vui chơi. Các hội được mở ra với mục đích cầu cho mùa màng tươi tốt. Và cũng là để tưởng nhớ đến các vị khai sáng đất nước, những anh hùng của dân tộc và các vị thần địa phương do quần chúng sở tại tôn thờ từ bao đời trước.

Nói chung, vì đây là cái Rằm đầu tiên trong năm, còn trong không khí Tết nên mọi người nô nức rủ nhau đến các chùa, miếu để cầu nguyện rất đông.

 

Kiêng Cử:

Tết Nhứt, đầu năm, đầu tháng, ai ai cũng muốn được nhiều điều tốt đẹp để có một năm may mắn trọn lành. Do đó, trong ba ngày Tết, người Việt có tục kiêng cữ như:

-- Tránh việc thiếu nợ qua năm, đòi nợ đầu năm, cho mượn nợ đầu năm.

-- Không được quét rác ra ngoài mà phải quét gom vô nhà vì rác cũng như là tiền bạc.

-- Tránh nói chuyện xui xẻo, ngôn ngữ, hành động tục tằng, thô lỗ, không hay.

-- Giữ gìn lời ăn tiếng nói, tránh la ó cãi cọ, tránh làm bể chén, đĩa, ly, tách...

Không được mặc đồ trắng, đồ đen vì đó là màu của tang chế.   

-- Trong chiến tranh, Tết không được chưng trái Bom (trái táo tây) vì trùng với bom đạn. Có người cũng không chưng cây Hạnh, vì thứ này còn gọi là cây Tắc, trùng âm với tắc nghẽn, bế tắc. Không chưng Chuối vì sợ "chúi nhủi", trợt vỏ chuối. Không chưng Cam vì sợ cam chịu, chua đắng... (Chỉ số ít người quan niệm vậy thôi).

-- Người có đại tang (tang ông bà cha mẹ) phải giữ đạo hiếu không đi lễ, không đi chúc Tết nhà người khác.

-- Đàn bà có thai cũng cữ đi thăm viếng vì sợ mang tiếng đem điềm xui đến nhà người ta.

-- Không bán chịu, bán thiếu đầu năm.

-- Ngày mùng năm không được xuất hành, mở cửa tiệm khai trương.

 

Tâm Chơn

(Lược trích theo Phạm Côn Sơn, Việt Nam Văn Hóa Lễ Tục ABC, NXB Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 2006).

 

 

 

MỘT CHÚT TRONG ĐỜI

 

Hình như có một chút buồn

Một chút nhung nhớ, chút thương yêu và

Hững hờ một chút thoáng qua

Bâng quơ một chút, quên ta…lại nhiều.

Một chút thôi, hãy chắt chiu

Phút giây chánh niệm, bao diều thiêng liêng!

Một chút lời nói dịu hiền

Nguôi ngoai hờn giận, não phiền tiêu tan

Một chút chia sẻ hân hoan

Niềm đau vơi nhẹ, buồn than xóa nhòa

Một chút an ủi chuyện trò

Làm khô dòng lệ, tơ vò tháo bung

Một chút từ những bước chân

Đưa ta đến khắp ngàn trùng dặm xa

Một chút từng hạt mưa sa

Ngát xanh bờ giậu, lá hoa reo cười

Một chút son sắt tình người

Hồn quê sưởi ấm, đất trời thênh thang

Một chút thứ lỗi nhẹ nhàng

Cho người sít lại thêm gần tình xa

Một chút rong ruổi Ta bà

Bể dâu ngày tháng san hà quẩn quanh

Một chút mây trắng trời xanh

Ngân vang chuông vọng qua mành sắc không

Một chút nhìn lại lắng lòng

Nghe  tim gõ nhịp, máu hồng luân lưu

Một chút một chút buông thư

Thân an tâm lạc Chân Như nẻo về

Một chút thôi, trong cuộc đời

Phút giây chánh niệm sáng ngời lối đi!

 

Bauxite-AR một chiều mùa Đông, 28/01/2008

 

 

 


Cập nhật: 07-02-2008

Trở về mục "Xuân"

Đầu trang