Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Xuân Kỷ Sửu
Thích Nữ Giớiơng
 

Năm 2009 là kỷ sửu, tức là năm con trâu. Trong Phật giáo, biểu tượng trâu được ví cho tâm vọng tưởng, tham, sân, si, buông lung, thiếu tự chủ của chúng ta.  Đức Phật cũng như chư Tổ đã để lại nhiều lời dạy quý giá để chăn giữ con trâu tâm ý này.

Trong kinh Phóng Ngưu (Tăng Nhất A Hàm), Đức Phật dạy để trở thành người chăn trâu giỏi, vị ấy nên vâng giữ mười một điều:

1.                       Người chăn giỏi sẽ dễ dàng nhận ra trâu của mình (tức chúng ta phải quán biết sắc thân này do bốn đại: đất, nước, gió và lửa tạo thành).

2.                       Biết hình tướng của mỗi con trâu trong đàn (tức biết được các chuyển biến của thân, khẩu, ý là thiện hay bất thiện).

3.                       Biết tắm rửa cho trâu (như biết sám hối và rửa tâm tham, sân, si của mình cho sạch).

4.                       Biết chăm sóc vết thương cho trâu (tức biết sáu căn là mai mối khiến các tai họa từ ngoài nhập vào, nên phải sống phòng hộ các căn).

5.                       Biết đốt vỏ cây, un khói để trừ các loài ruồi muỗi (như biết áp dụng hương pháp nhũ để trị bịnh tâm động loạn).

6.                       Biết dẫn trâu đi con đường an toàn (tức biết trừ trợ duyên sanh tử, sống trong nhà xuất ly tam giới: dục giới, sắc giới và vô sắc giới).

7.                       Biết chỗ ở thích hợp cho trâu (nên sống trong đạo tràng đạo hạnh).

8.                       Biết cách đưa trâu lội qua sông (tức biết trạch pháp để tìm kim chỉ nam đúng).

9.                       Biết chỗ có cỏ non và nước uống cho trâu (như biết nuôi dưỡng thân tâm mình bằng cách luôn quán chiếu Tứ niệm xứ: thân bất tịnh, thọ thì khổ, tâm vô thường và pháp vô ngã).

10.                   Biết giữ gìn nơi thả trâu (tức biết tiết lượng khi nhận tứ sự cúng dường, biết tri túc, đừng để mất tín tâm Phật tử).

11.                   Biết đưa trâu lớn để dẫn đàn (tức biết kính trọng và theo gương các bậc trưởng thượng thiện hạnh).

Do chăn giữ như vậy, nên từ từ trâu tâm của chúng ta được thuần hoá và lợi ích hữu tình, giống như trâu ngoan hiền đem lại lợi ích lớn lao cho nông gia và xã hội. Chúng ta đừng để cho trâu hoang chạy lung tung xâm phạm lúa mạ, tổn thất hoa màu, mùa màng của người tức làm phiền lòng những người láng giềng lân cận xung quanh, như lời Đức Phật đã dạy trong kinh Di Giáo: “Y như chăn trâu, cầm gậy canh chừng, không để nó buông lung phạm vào lúa mạ của người.”

Trong thiền tông Trung Hoa hình ảnh con trâu cũng được minh họa rất linh động qua cách vấn đáp của các thiền sư như sau:

Một hôm, ngài Mã Tổ Đạo Nhất hỏi Thạch Củng: "Ông làm cái gì đây?"

Đáp: "Chăn trâu."

Lại hỏi: "Chăn như thế nào?"

Đáp: "Mỗi khi nó chạy a vào đồng cỏ, thì xỏ mũi kéo nó lại, thế là người chăn giỏi."

Hoặc như ngài Phước Châu Đại An hỏi tổ Bách Trượng:

"Tôi khát khao muốn hiểu Phật pháp, việc đó như thế nào?"

Bách trượng đáp: "Hệt như cỡi trâu tìm trâu!"

Hỏi: "Hiểu rồi như thế nào?"

Đáp: "Như người cỡi trâu về nhà."

Hỏi: "Rồi làm sao giữ cho trước sau khế hợp?"

Đáp: "Như người chăn trâu cầm roi giữ trâu mình, đừng cho phạm vào lúa mạ của người."

Như vậy, chăn trâu tức là luyện tâm, đừng để nó chạy rông, buông lung theo thất tình, lục dục mà không biết những hiểm nguy rình rập. Chúng ta phải dẹp trừ vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, phải cảnh giác tìm trâu, chăn trâu, làm chủ trâu và tự tại với trâu. Giai đoạn thăng tiến tâm linh này được thiền tông minh họa qua 10 bức tranh chăn trâu ‘Thập Mục Ngưu Đồ’ nổi tiếng: 1) Tìm trâu, 2) Thấy đầu, 3) Thấy trâu, 4) Được trâu, 5) Chăn trâu, 6) Cưỡi trâu, 7) Quên trâu, 8) Vắng hết, 9) Về nguồn, và 10) Vào chợ.

Ngài Thượng Sỹ Tuệ Trung (thế kỷ XIII) đã diễn tả thành công tiến trình chăn trâu này của ngài qua bài thơ sống động như sau:

“Một mình cố giữ con trâu đất

Xỏ mũi dắt về chẳng nghỉ ngơi

Vừa đến Tào khê buông xuống hết

Mênh mông nước chảy cuống bọt trôi”.

Hương xuân Kỷ Sửu 2009 đang len lõi trong gió và nắng Milwaukee, xin kính chúc Chư Tôn Đức tăng ni, quý Phật tử và quý đồng hương xa gần luôn nhớ chăn con trâu tâm ý của mình. Kính mong mỗi vị sẽ là những hiệp sĩ chăn trâu giỏi để đem an lạc và hạnh phúc đến cho mình và mọi người.

Các bậc thánh hiền cũng từ đây mà thành tựu.

Danh thơm muôn thuở cũng từ việc chăn trâu đơn giản này.

Kính mong lắm thay!

 

Phước Hậu Tự, 1/1/2009

              

           

http://www.buddhismtoday.com/viet/xuan/xuankysuu.htm

 


Vào mạng: 07-12-2008

Trở về mục "Xuân"

Đầu trang