Trang tiếng Anh

      Ðạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
ĂN CHAY VÀ ĂN MẶN
Nhận xét về "lời giới thiệu"của T.T Giác-Chánh trong
bản dịch quyển sách "Vấn Đề Ẩm Thực trong Đạo Phật"
Cung Đình Hướng, Chơn Chánh và Liên Tâm

Lời Ban biên tập: Sau khi đăng tải bài “Vấn Đề Ăn Chay: Về Lời Giới Thiệu của Sư Giác Chánh” của Nhóm Phật tử Phù Sa, chúng tôi được cư sĩ Tâm Diệu gởi cho tập sách của ông mang tựa đề “Quan Điểm Ăn Chay của Đạo Phật” và 3 bài viết nhận xét về lời giới thiệu của TT. Giác Chánh cho bản dịch “Vấn Đề Ẩm Thực trong Đạo Phật,” của diễn đàn Phật pháp  hoasen-1@yahoogroups.com vn-buddhism@yahoogroups.com  

Chúng tôi đăng tải toàn bộ quyển sách của cư sĩ Tâm Diệu để góp phần khuyến khích ăn chay, bảo vệ sức khoẻ và nuôi dưỡng lòng từ bi đối với các loài động vật khác. Riêng 3 bài nhận xét và phê bình, chúng tôi đăng tải thành một bài, với nguyên văn do cư sĩ Tâm Diệu gởi cho, để rộng đường dư luận mặc dù có vài lời nhận xét có phần gay gắt.

Hy vọng khi đăng tải các bài viết này, người Phật tử Nam tông và Bắc tông có sự hiểu biết nhau hơn về vấn đề ăn chay và ăn thịt, và nhất là để tránh các tranh luận gay gắt không cần thiết về sau.



Kính thưa quý vị,

Tình cờ, Hướng tôi đọc được bài dưới đây của một vị tỳ kheo viết để giới thiệu tập sách "Vấn đề ẩm thực trong Phật giáo" do một vị tỳ kheo khác viết. Người viết bài giới thiệu tự giới thiệu về bản thân là..."...không chê đồ chay nhưng không chấp nhận thành kiến ăn chay, có lẽ ảnh hưởng tinh thần Bát nhã "..."..thấy các vật thực vốn là nguyên chất đất, nước, lửa, gió..."...ăn mặn nói ngay, ăn chay nói dối ..."...". Với tinh thần phá chấp, tôi xin trân trọng giới thiệu ...." vân vân và vân vân ...

Hướng tôi có mấy điều lấn cấn trong tâm như sau, xin trình ra với chư vị Sứ Giả Như Lai, chư Đại Thiện Tri Thức và quý đạo hữu:

---Phải chăng tinh thần Bát Nhã trong đạo Phật là tu sĩ được tự do thoải mái ca ngợi sự ăn thịt chúng sinh, tự biện minh rằng " cá thịt nhưng không phải là cá thịt, nếu lúc ăn có "chánh niệm tỉnh giác", thấy các vật thực vốn là nguyên chất đất, nước, lửa, gió ..", nếu vậy, khi thấy người khác phái, ôm chầm lấy với tinh thần Bát Nhã, thấy "ngưới khác phái nhưng không phải là người khác phái" ...,... thấy thây người chết cháy cũng ăn thịt họ luôn , coi như thịt quay vì "...vốn là nguyên chất đất, nước , lửa, gió ..", được chăng?

Vị này dùng từ ngữ "đồ chay mà tâm mặn" để nói móc những người ăn những món chay có tên giả món mặn như thịt quay, cá kho v.v... Hướng tôi cầu sao cả thế giới đều chỉ ăn toàn đồ chay với tên mặn, như vậy, cả thế giới sẽ thoát được nợ máu lẫn nhau, cha mẹ đời quá khứ của Hưởng tôi (đức Phật dạy rằng "Tất cả chúng sinh đều là cha mẹ đời quá khứ và là chư Phật tương lai") sẽ không còn phải sống trong đau thương khốn khổ trong những trại tù suốt cả cuộc đời, kết thúc bằng cái chết kinh hoàng, treo dốc đầu xuống bằng chân sau, để lãnh nhát dao của người đao phủ (hay nhiều nhát dao mới chết đi được) kết thúc cuộc đời khốn khổ , ngõ hầu thỏa mãn những cái lưỡi tham ăn ngon, trong số đó có cả những vị tu sĩ trong đạo Phật từ bi, bình đẳng, dùng "tinh thần Bát Nhã" để ngụy biện cho sự ăn thịt chúng sinh (chẳng biết khi ăn các vị đó có tinh thần Bát Nhã không, chứ lúc viết bài này, Hướng tôi nghi rằng chỉ có tinh thần "tham ăn thịt chúng sinh cho ngon miệng", một trong ba độc Tham Sân Si , chi phối ngòi bút, mà thôi !!!)

Kính thưa quý vị đang ăn những món "chay giả mặn":

Xin quý vị cứ việc "ăn chay mà tâm mặn " đi, dầu sao, quý vị đã cứu cha mẹ đời quá khứ của tôi thoát khỏi sự thống khổ, đã cứu dòng nghiệp lực của chư vị thoát xiềng xích nợ máu lẫn nhau, thanh lọc bầu trời không bị những làn sóng tâm thù hận, kinh hoàng làm ô nhiễm...,xin quý vị hãy nhận nơi đây muôn ngàn đảnh lễ của Cung Đình Hướng !

Sau đây, Hướng tôi xin kính gửi tới toàn thể chư vị những lời Phật dạy trong kinh Tâm Địa Quán:

..."...Các ông Tỳ khưu! Các ông nghe cho kỹ! nghe cho kỹ!

Vào bể Phật pháp, TÍN là căn bản, qua sông sinh tử, GIỚI là thuyền bè. Nếu người xuất gia không giữ giới cấm, tham trước khoái lạc ở đời, hủy giới quý báu của Phật, hoặc mất chánh kiến, vào rừng tà kiến, dẫn vô lượng người rơi xuống hố sâu lớn, Tỳ khưu như thế không gọi là xuất gia, chẳng phải Sa-môn, chẳng phải Bà-la-môn, hình tựa Sa-môn, tâm thường tại gia, Sa-môn như thế không có hạnh viễn ly (xa-lìa).

Hạnh viễn ly có hai thứ:

---Một là, thân viễn ly

---Hai là, tâm viễn ly

Thân viễn ly , như người xuất gia ở nơi thanh vắng, không nhiễm dục cảnh là "thân viễn ly". Thân tuy xa lìa thế tục , nhưng tâm tham dục cảnh, người như thế không gọi là viễn ly được. Như tịnh-tín-nam và tịnh-tín-nữ, thân ở nơi làng xóm, phát tâm vô thượng, lấy tâm đại từ bi đem lại lợi ích cho hết thảy, tu hành như thế là "chân viễn ly". Lúc đó , lục quần Tỳ khưu ác tính nghe pháp âm ấy được "Nhu-thuận-nhẫn".

Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát .

Kính bái,
Cung Đình Hướng

 

Nhân đọc "Lời giới thiệu" của TT. Giác-Chánh trên tập sách "Vấn đề Ẩm thực trong đạo Phật" do Tỳ-kheo Thích Thiện-Minh dịch từ tên sách, Sanjivaputta "Are You Herbivore or Carnivore". England, 1992 , chúng tôi có mấy nhận xét như sau.

Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết, ở đây chúng tôi chưa đề cập đến việc ăn chay có những lợi hại nào, hoặc có nên hay không nên ăn chay, vì vấn đề này đã được các Đạo-hữu của chúng ta phân tích quá kỹ lưỡng, quá tỉ mỉ rồi.
Bài viết này chúng tôi muốn dành riêng để đóng góp ý kiến đối với lời giới thiệu quyển sách trên, do TT. Giác-Chánh viết.

Một Cư-sĩ tu Phật mà phê bình bài viết của một Điều-ngự tử là điều không nên làm. Tuy nhiên như TT Giác-Chánh đã viết, "với tinh thần phá chấp" thì ở đây không còn có chỗ nào là phân biệt nữa, nên chúng ta nói với nhau trong bình đẳng tánh, trong pháp tánh, như pháp mà nói, thì không có chỗ phạm vậy. Nghĩa là nói mà không có tính cách chỉ trích cá nhân, không chỗ vướng mắc, trói buộc theo tự ngã, mà chỉ nói trong tinh thần xây dựng, để tốt đạo đẹp đời mà thôi.

·  Trong phần đầu của lời giới thiệu, Thượng-toạ Giác-Chánh viết :

"Giòng Thiền Tào-Khê Trung-Quốc và giòng Thiền Trúc-lâm Việt-nam, các vị Tổ cũng không quá cố chấp tập quán ăn chay. Một số nước Phật-giáo Đại-thừa như Mông-cổ, Triều-tiên, Nhật-bản vv.họ cũng không bảo thủ tục ăn chay".
Chúng tôi thật bất ngờ không biết TT. Giác-Chánh căn-cứ vào đâu để quả quyết rằng các vị Tổ giòng Thiền Tào-khê và giòng Thiền Trúc-lâm "cũng không quá cố chấp tập quán ăn chay".

Trước hết, chúng tôi thấy TT. Giác-Chánh cố tình áp đặt sự "cố-chấp hay không cố chấp" và "bảo thủ hay không bảo thủ" lên chư vị Tổ sư Thiền-tông, chứ các Ngài hoàn toàn không phải vậy. Vì sao ? Vì đối với các Ngài, một chút tự ngã còn chẳng có huống là nói, có cố chấp hay không cố chấp .
Các Ngài hành đạo tuỳ duyên, không căn cứ vào bất kỳ một pháp nhứt định nào để giáo hóa chúng sanh; gặp mặn thuyết mặn, gặp chay thuyết chay, không ngoài mục đích làm cho người ngoảnh đầu mà nhận ra tự Phật, thế thì làm sao có thể bảo các Ngài là cố chấp hay không cố chấp được. Vì khi nói các Ngài"không quá cố chấp", là TT đã vô tình áp đặt các Ngài còn có tự ngã, có nghĩa rằng các Ngài tự đã có mầm "chấp" ẩn tàng trong đó rồi. Các Ngài hoàn toàn chẳng phải vậy. Chỉ có những người thời nay, như TT. Giác-Chánh chẳng hạn, không biết chút gì về pháp hành của các Ngài nên mới có những lời quá ư võ đoán và cao ngạo đối với sự nghiệp giáo hóa chúng sanh của các Ngài mà thôi. Các Ngài hoàn toàn chẳng phải như vậy.

Phải hiểu thế nào là "Không quá cố chấp tập quán ăn chay" .
Câu nói của TT Giác-Chánh không ra ngoài ý nghĩa, người xuất gia cũng như tại gia muốn ăn chay, ăn mặn gì cũng được, hoàn toàn buông thả, không câu nệ. Đó là ý nghĩa đích thực của sự không cố chấp vào tập quán ăn chay vậy.
Vậy chúng ta hãy tìm hiểu cặn kẽ xem có phải các giòng Thiền Tào-khê của Trung-hoa và giòng Thiền Trúc-lâm của Việt-nam không câu chấp trong việc ăn uống, chay cũng tốt mà mặn cũng hay, nghĩa là không cần lưu ý tới giới luật, đặt biệt là sát-giới, có đúng như lời vị Tỳ-kheo Giác-Chánh của thời đại chúng ta nói chăng ?

a). Các vị Tổ giòng Thiền Tào-khê có buông thả sát giới không ?
Khi nói đến giòng Thiền Tào-khê, tức là đề cập tới Lục-Tổ Huệ-Năng, vị Tổ sáng lập giòng Thiền Nam-tông Trung-hoa, mà Tào-khê cũng là Thánh-địa xuất sanh Tông này sang các nước khác như Việt-nam, Nhật-bản, Triều-tiên. Cũng như khi nói đến Bắc-tông là nghĩ ngay đến ngài Thần-Tú vậy (Nam Năng - Bắc Tú).

Vậy đối với sự ăn chay, chúng ta hãy xét xem ngài Huệ-Năng đã nói gì, làm gì đối với vấn đề này, có cố chấp hay không cố chấp như TT. Giác-Chánh đã nói.

* Chúng ta hãy xem trong phẩm Tự-Tự, pháp hành của Tổ khi chưa thọ cụ túc giới : "Lạp nhơn thường linh thủ võng, mỗi kiến sanh mạng tận phóng chi. Mỗi chí phạn thời, dĩ thái ký chữ nhục hoa; hoặc vấn, tắc đối viết : "Đãn khiết nhục biên thái - Bọn thợ săn thường bảo Ngài giữ miệng lưới; gặp thú mắc lưới, Ngài đều thả hết. Mỗi khi đến giờ ăn, Ngài lấy rau nấu kèm theo nồi luộc thịt mà dùng qua ngày; gặp người có hỏi, Ngài nói "Ta chỉ ăn rau luộc mà thôi".

* Sau khi thọ cụ túc giới tại chùa Pháp-tánh ở Quảng-châu và bắt đầu hóa đạo, trong phẩm Quyết nghi, thuyết pháp cho Vi Thứ-sử và đại chúng, Ngài dạy "Thiện tri thức ! Thường hành thập thiện, Thiên đường tiện chí; trừ nhơn, ngã Tu-di đảo - Này ! Các Thiện tri thức ! nên thường làm mười điều lành thì ắt tới được Thiên đường. Đoạn lìa nhơn, ngã thì làm sập núi Tu-di".

* Trong phẩm Sám-hối, Ngài dạy : "Nhứt, Giới hương tức tự tâm trung vô phi, vô ác, vô tật đố, vô tham sân, vô kiếp hại, danh Giới hương - Một là, Giới hương, tức trong tâm không nghĩ điều trái, không làm ác, không ganh ghét, không tham không giận, không giết hại, gọi là Giới hương".

Vậy thế nào là giới tham, giới giết hại, chúng tôi xin nhường lại cho người tu Phật luận bàn.

Chỉ ba đoạn trích ngắn trong kinh Pháp-Bảo-đàn, chúng ta đã thấy rõ lòng từ bi cũng như pháp dạy người của Ngài, không rời lìa tự tánh và luôn luôn làm các hạnh lành mà sát giới là hạnh quan-trọng đầu tiên trong mười hạnh mà Ngài khuyên cần phải chơn chánh tu trì.

Vậy thì giòng Thiền Tào-khê mà đại diện là Lục-Tổ Huệ-Năng, người sáng lập ra giòng Thiền này có buông thả việc sát sanh hại mạng chăng?
Bỡi vì sao? Tấm gương mà Ngài đã làm lúc còn chưa thọ cụ túc giới, bất đắc dĩ phải sống mai danh ẩn tích trong chốn thợ săn, thế mà Ngài cũng không hề phạm sát giới và vẫn ăn chay, mặc dù điều kiện sinh sống lúc ấy của Ngài vô cùng khó khăn, gian khổ. Vậy thì khi hành đạo lẽ nào lại buông thả giới sát ?
Cũng như Ngài dạy cho Vi Thứ-sử và đại chúng hành thập thiện, mà trong mười hạnh lành này, không sát hại chúng sanh để nuôi sống, làm lợi cho tự thân là hạnh đứng đầu.

Lại nữa, đối với người tu Phật, muốn cứu cánh viễn ly phiền não, đoạn lìa tử sanh, không thể không tu Giới, Định, Huệ . Mà Giới lại là pháp đứng đầu . Có Trì Giới thì Định mới sanh; Định sanh thì Huệ sáng. Cho nên Lục tổ không lúc nào không dạy người phải chơn chánh trì Giới. Mà trong Giới có phần không giết hại tất thảy các chúng sanh nói chung trong đó. Mà ăn chay tức là Giới được sát sanh, hại mạng vậy.

Thế thì lời của TT. Gíac-Chánh áp đặt cho giòng Thiền Tào khê là buông thả giới sát là hoàn toàn võ đoán và phạm thượng vậy. Đây là chúng tôi chỉ nói trong một phạm vi nhỏ hẹp, lấy riêng Pháp-Bảo đàn kinh mà nói thôi, chứ nói cách bao quát "giòng Thiền Tào-khê" thì chúng tôi có thể dẫn chứng suốt từ Lục-Tổ cho đến ngày nay, chỉ ra chỗ sai lầm trong câu nói của TT Gíac-Chánh, tới chết cũng không nói hết.
b). Các vị Tổ của giòng Thiền Trúc-Lâm Việt-nam có buông thả sát giới không ?

* Trong quyển Tam Tổ Thật Lục, là Kim-chỉ nam của giòng Thiền Trúc-lâm Việt-nam, có đoạn nói về Điều-ngự Giác-Hoàng, lúc Ngài còn chưa xuất gia :
"Tuy vinh xử cửu trùng nhi thanh tịnh cư. Thường cam sơ tố, bất ngự huân thiện - Tuy ở chốn cửu trùng cao sang mà vua vẫn sống thanh tịnh. Ngài thường dùng trai lạt, mà không ăn đồ tanh hôi (mặn)".

* Lại cũng có đoạn nói sau khi Ngài xuất gia và đi hóa đạo:
"Giáp Thìn, thập nhị niên, châu hành tụ lạc, hóa trừ dâm từ, giáo hành thập thiện - Năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng-Long thứ mười hai, Điều-Ngự đi khắp xóm làng dạy dân phá bỏ các dâm từ (đền thờ tà thần) và thật hành thập thiện".

* Người nối pháp Điều-Ngự là Nhị-Tổ Trúc-lâm Pháp-Loa Tôn-giả cũng dạy giữ giới, hành thập thiện mà sát giới là giới đứng đầu cần phải nghiêm trì.
Đệ Nhất Tổ Đầu-đà Trúc-lâm lúc chưa xuất gia, còn sống tịnh cư, ăn chay, đến khi xuất gia hành đạo dạy người cũng răng dạy chúng sanh hành mười việc thiện, đến các Tổ cũng noi theo gương ấy mà giáo hóa chúng sanh.
Thế mà TT. Giác-Chánh bảo là giòng Thiền Trúc-lâm Việt-nam không cố chấp tập quán ăn chay. Thật là lời điên đảo .

2. TT. Giác-Chánh nói : "Riêng tôi thì không chê đồ chay, nhưng không chấp nhận thành kiến ăn chay, có lẽ ảnh hưởng tinh thần Bát nhã".

Trước hết, chúng tôi khẳng định cùng TT Giác-Chánh rằng chỉ với 23 từ (lời) trong một câu nói ngắn trên của TT, đã đủ minh chứng rằng, TT. không có một chút gì dính dấp tới Bát-nhã cả. Đó là chưa nói tới hai chữ "tinh thần Bát nhã" mà TT đã dùng.

Bát-nhã là Bát-nhã, mà chẳng phải là gì cả, nên hoàn toàn không có chút gì có thể gọi là "tinh thần" Bát-nhã cả. Cũng như nói Phật là Phật, Tâm là Tâm chứ không thể nói tinh thần Phật, tinh thần Tâm được. Phật là Tâm, Tâm là Phật, Bát-nhã là Phật, mà Phật thì chẳng có tinh thần. Đến hai chữ Bát-nhã cũng chỉ là giả danh, tạm mượn để gọi chỗ tuyệt đối, không năng không sở, không khác không hai, phi đối đãi thì làm gì có tinh thần Phật, tinh thần Bát nhã trong đây.
Phật dạy ông Tu-Bồ-Đề trong kinh Kim-Cang Bát-nhã:

"Tu-bồ-đề ! Phật thuyết Bát-nhã Ba-la mật, tức phi Bát-nhã Ba-la mật, thị danh Bát-nhã Ba-la mật - Này ! Tu-Bồ-Đề ! Như-lai nói Bát-nhã Ba-la mật, tức chẳng phải Bát-nhã Ba-la mật, chỉ tạm cưỡng gọi là Bát-nhã Ba-la mật mà thôi".

Đó có nghĩa là Phật là Bát-nhã Ba-la mật, ông Tu-Bồ-đề mà nhận được ra nó thì cũng tự một trong Bát-nhã Ba-la mật mà miệng lưỡi chẳng thể với tới. Đến cái tên gọi mà còn chẳng thật có, huống là có "tinh-thần Bát-nhã". Nói tinh-thần Bát-nhã cũng chỉ là môi mép, khoe mẽ chứ thật đã biết nó rồi thì không thể mở lời mà nói trói buộc như thế được. Vì Bát-nhã hoàn toàn chẳng có tinh thần nào cả, như nói tiếng "Phật" là Phật, không khác.

Cho nên chỗ nói "không chê đồ chay, nhưng không chấp nhận thành kiến ăn chay, có lẽ do ảnh hưởng tinh thần Bát-nhã"của TT Giác-Chánh hoàn toàn trói buộc trong tư tưởng và sáo rỗng, khoe mẽ trong cách dùng từ, tịnh không có chút gì tương ưng trong thực tế.

Vì sao chúng tôi nói trói buộc và sáo rỗng ? Chúng tôi sẽ chỉ ra giùm cho TT.
Trước hết, trong chỗ riêng tư của TT, câu nói của TT rằng, tôi không chê đồ chay, có nghĩa là TT thật tâm tỏ lộ mình đang có chỗ ăn mặn, cho nên nếu có chay thì ăn cũng được chứ không chê nó.

Thứ nữa, TT là người xuất gia, lời nói phải oai nghi để người ta khỏi phải hiểu lầm về mình, nếu thật tâm mình không ăn mặn. Câu nói phù phiếm gần như nửa đùa, nửa thật "tôi không chê đồ chay nhưng .", mới nghe qua, nhiều người liền nghĩ ngay là TT đang ăn mặn, đó là điều khó tránh khỏi.

Vẫn biết việc TT làm không can hệ gì tới chúng tôi, nhưng trong lời tựa, lời giới thiệu, là những trang đầu tiên và trọng đại đối với một cuốn sách, là chỗ làm cho người ta chú ý nhiều nhất, đánh giá quyển sách nhiều nhất mà TT nói không trang nghiêm, không hợp với đạo đức của một Tỳ kheo của Phật, dễ làm cho người hiểu lầm mà lung lay tín tâm, là điều không thể chấp nhận được.
Bỡi vì sao ? Nhiều người như chúng tôi đọc đến câu ngắn ấy, liền tự nghĩ : "ông tăng này tu Phật mà nói chê hay không chê cơm chay" thì làm sao tu được. Vì trước hết, nếu ông ta thật sự chê thì không cách gì sống nổi để tu, còn nếu muốn sống phải phạm giới. Vả lại ông ta tu pháp thanh tịnh, là Bất-Nhị Pháp-Môn mà mở miệng đã bị ràng buộc vào các pháp Thường, Đoạn rồi ( chê, và không chê) thì ông này nếu không rơi vào tà kiến ắt phải rơi vào đoạn diệt tướng không sai.

Lại nữa, đã là người tu Phật sao lại nói là "không chấp nhận thành kiến ăn chay". Ăn chay sao lại gọi là thành kiến. Bộ ăn chay là xấu, là trái với luân thường đạo lý, là nghịch với mỹ tục của người mình, của đạo Phật hay sao mà nói thành kiến với không thành kiến trong đây.

Bài tựa của một Thượng-tọa trên một quyển sách có khác nào một bài pháp, tuỳ duyên giáo hóa. Vì nếu đã là Tỳ-kheo thì phải Như-Pháp mà thuyết, là chỗ nào cũng có thể thuyết được, cũng có thể làm lợi cho người được; nghĩa là thuyết từ trong Pháp-tánh, cũng là không lìa tự tánh mà thuyết vậy.

Thế mà chỉ một câu ngắn của TT đã gồm đủ cả trói buộc, sáo rỗng thì pháp nào TT có thể dẫn người đến giải thoát, tức là lìa dính mắc của hai bên.

Ăn chay mà là thành kiến à?. Nếu đã có thành kiến với nó thì làm sao có thể làm tăng, làm cư-sĩ mà tu Phật được. Hoặc giả, TT có thể nói lại, tôi tu thì tôi ăn chay, nhưng tôi không chấp nhận thành kiến ăn mặn đối những những thiện nam tín nữ tu tại gia. Chuyện gì mà TT phải lo cho người ta không ngon miệng, hay là TT thương người mà căm ghét thú vật? Nói như TT đó thì hoàn toàn không thể chấp nhận được, vì người xuất gia tu Phật mà lại nói lên cái điều đi ngược lại đức "hiếu-sinh" của Tổ Phật (phải thể hiện đức hiếu sinh đối với tất thảy chúng sanh). Bỡi vì các Ngài lúc nào cũng khuyến khích con người thật hành đức hiếu sanh mà. Nếu một người bình thường như ông Chính-Trực chẳng hạn mà nói ra câu này, thì tạm có thể chấp nhận được, vì dù sao ông ta cũng chỉ là một thân cận nam của nhà Phật, cùng lắm là chỉ làm thập hạnh. Còn riêng với người xuất gia, đã thọ đầy đủ tất cả Giới (Cụ-túc Giới), chẳng những không khuyến khích người ta mở rộng lòng từ bi mà ban ban vui cứu khổ đối với loài vật thì chớ, TT lại nói gần như khuyến khích người khác làm ngược lại giới hạnh của Thế-tôn đã dạy không bằng. Thế thì lòng "từ" TT để ở đâu ?

Tất thảy chúng sanh đều có Phật tánh. Tiền nhân bao kiếp trước của TT, của chúng tôi biết đâu cũng có trong số những chúng sanh đang chờ người ta thọc huyết, trấn nước hay sắp bẻ cổ kia.

TT nói, TT không chấp nhận thành kiến an chay vì có lẽ ảnh hưởng tinh- thần Bát-nhã. TT làm gì mà nhận ra Bát-nhã mà nói ảnh hưởng với không ảnh hưởng. Nếu đã có chút xíu Bát-nhã trí sanh trong tâm TT thì không bao giờ TT nói ra những lời như thế. Đó là điều chơn thật. Vì khi hành giả tự một với nó thì liền có chỗ thấy biết như thật rằng, vạn loại chúng sanh cùng mình đều từ trong chỗ một tuyệt đối của tánh Phật; mà cùng tột tánh này không ngoài tình thương bao la, rộng lớn đối với hàm-linh hữu tình, như cha mẹ thương con không chỗ phân biệt.

Người đã thâm nhập Bát nhã là người tự một với Bát nhã, mà không còn thấy có tinh thần nào hết. Kim-Cang là Kim-Cang, mà cũng chẳng có tinh thần nào là Kim-Cang hết. Hễ tự một được trong nó, cũng là kiến tánh thì không năng không sở, không khác không hai với nó, chứ chẳng có gì là tinh thần để ảnh hưởng hay không ảnh hưởng hết. Chỗ nói ảnh hưởng đó chỉ là vọng tưởng của tự tâm trong chỗ vọng cầu, vọng thấy mà thôi.

Một khi TT đã "một" được với nó rồi thì TT sẽ không bao giờ nói một câu không ra gì như : "tôi không chấp nhận thành kiến ăn chay".
Chỉ một câu này đã đủ nói lên TT chưa là gì cả đối với Bát nhã vậy, vì nó đã tự lìa xa Bát-nhã . Hễ được thì nó đã tự saün một cùng mình, không đâu không mình là một nó; bằng chưa được thì ngàn trùng xa thẳm, dẫu cố kiếm tìm muôn kiếp cũng không ra, chứ nói chi là ảnh hưởng với không ảnh ảnh; bỡi nó có phải là tướng giả hợp của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, của thọ, tưởng, hành , thức đâu mà nói có tinh thần hay có ảnh hưởng.
Phật dạy "Nhược thế giới thật hữu giả, tức thị nhứt hiệp tướng. Nhứt hiệp tướng giả, tức bất khả thuyết - Bằng thế giới mà thật có, thì đó tức là tướng Nhứt hợp. Tướng Nhứt hợp đó, nói không thể tới vậy".
Bát nhã là Nhứt hợp tướng, là tướng nhứt hiệp, là chơn tánh, là chơn-như mà nói không thể tới vậy.
Cho nên, Bát nhã đâu đâu cũng có mà không có tinh thần để TT có thể ảnh hưởng. Chỉ tùy duyên mà tỏ cùng không, chứ Bát-nhã chẳng có tinh thần. Thí như nói, người chết là hoàn toàn hết thở, mà hoàn toàn hết thở là chết, chứ chẳng thể nói rằng, tôi đã chết mà còn thở (còn nói) được.

Chỗ mà TT nói là tinh thần Bát nhã chỉ là tưởng tượng để loè người.
Nếu TT là Bát nhã, Bát nhã là TT, thì chổ thuyết của TT sẽ không lìa tữ tánh, sẽ không năng không sở, chứ chẳng phải ràng buộc đủ thứ như chỉ trong một câu nói ngắn ở trên mà có đủ cả tứ tướng.

Chúng tôi biết ý TT muốn nói rằng, TT là người đã đạt đạo, đã vô ngã, đã thõng tay vào chợ, là Thánh rồi, nên không còn có cái tâm nề hà, câu chấp gì về chuyện chay mặn cả. Nghĩa là đối với TT thì sao cũng được, TT đến đi đã tự tại, an nhiên rồi.

Thưa ! Chưa được gì cả đâu! Tâm chưa như-như đâu. Bằng chứng là bốn tướng còn hiện to đùng trong mỗi câu nói của TT. Lại nữa, trong chỗ vi tế, điều mà TT nghĩ suy, và có ý muốn khoe ra đó, chính là sợi dây trói buộc của tự ngã, và hoàn toàn đi ngược lại, là chống lại Bát-nhã vậy.

Chỉ một câu nói ngắn mà còn chưa hết phàm tình, chưa rổng rang không một ý, chẳng phải từ tự tánh xuất sanh thì làm sao TT có thể nói là có chỗ tự chứng để không còn biết phân biệt chay mặn, thiện ác được. Thật khổ tâm !

Vì TT lấy Lục Tổ ra nói, nên chúng tôi mới đem Pháp Bảo đàn ra nói chuyện cùng TT.
Lục Tổ nói : Ngột ngột bất tu thiện,
Đằng đằng bất tạo ác,
Tịch tịch đoạn kiến văn.
Đãng đãng tâm vô trước.
Tạm dịch : An nhiên không tu thiện.
Tự tại ác chẳng làm.
Lặng lẽ lìa nghe thấy,
Vô sở trụ, tâm trụ.
Lục Tổ Huệ-Năng lại cũng nói :
Tâm bình hà lao trì giới,
Hạnh trực hà dụng tu thiền.
Tâm bình đẳng chẳng đợi giữ giới,
Hạnh thẳng ngay không đợi tu Thiền.
Thế nào là "an nhiên không tu thiện", thế nào là "tự tại ác chẳng làm" ?
Là đã tự thể hiện cái tâm nhứt như, bình đẳng rồi, nên mới được như thế.
Tại sao Tâm bình thì chẳng cần trì giới, Hạnh trực thì chẳng đợi tu thiền ?
Đó là đã tự sống "một" trong Pháp-giới tánh, cũng là thể hiện cái tâm tuyệt đối sáng trong, như như, bình đẳng, cùng một với pháp giới tánh không hai không khác.
Thế TT Giác-Chánh đã "một" trong Pháp-tánh chưa, đã tự một với bình đẳng tánh chưa mà TT tuyên bố là với tinh thần phá chấp mà TT nói và làm như thế.
Thưa ! Đây chẳng phải là tinh thần phá chấp gì ráo, mà là tinh thần phá giới và khuyến khích người phá giới thì có!
Phật tử mà nghe TT Giác-Chánh thuyết kiểu này ắt trở thành dân ma hết.
Nếu TT thật sự "vô chấp", trọn một trong Pháp tánh, Bình đẳng, như-như, không ngã, không nhơn , không chúng sanh, không thọ mạng, thì lời nói của TT không phải bị trói buộc từng câu từng chữ như thế này đâu. Tôi sẽ chỉ ra cho TT trong những bài viết sau nếu có dịp.
TT Giác-Chánh viết "Soạn giả cũng như dịch giả của tập sách này chắc chắn không có ý chỉ trích hay xuyên tạc người ăn chay, chỉ muốn biện minh vấn đề ăn chay không phải là một trong tám muôn bốn ngàn pháp môn của đức Phật Gotama, mà chỉ là "Giáo ngoại biệt truyền" thôi.
Tại sao lại có Giáo ngoại biệt truyền lọt vô trong này.
À thì ra ông TT này chơi chữ cho thiên hạ khớp mà thôi chứ ý nghĩa câu trên (chay mặn) chẳng có chút gì dính dấp tới ông già Hồ mắt xanh cả. Đây chỉ là một cách loè người bằng chữ nghĩa.

Tại sao chúng tôi dám khẳng định là TT loè ?
Bỡi vì trong lời giới thiệu cho quyển sách, TT nói nào là tinh thần phá chấp (Vô-chấp, Vô-ngã), nào là tinh thần Bát-nhã mà thật ra TT chẳng thể hiện một chút gì là vô ngã cả, chí ít là trong lời nói; cũng như tâm thể hiện hoàn toàn trói buộc với sanh diệt pháp mà chẳng có chút gì rổng rang không dính mắt của lẽ như ( tự thể hiện trong lời nói của TT), và cũng chẳng có chút gì dính dấp tới Bát nhã trong này cả.

Đã nói là phá chấp mà còn viết : "Tôi không chê đồ chay, nhưng tôi không chấp nhận thành kiến ăn chay".TT phá chấp, vô ngã cái kiểu này thì những người nghe TT giảng pháp ắt là vào tà kiến, đoạn diệt hết. Đó là do tâm TT còn chất chứa vô số chấp, nhứt là tâm cống cao, ngã mạn.

Trong lời giới thiệu, TT. Giác-Chánh có nói "Thành thật mà nói, tục lệ ăn chay do các tu sĩ Phật giáo về sau xu hướng theo Bà-la-môn (Aán-độ giáo) ở Aán-dộ và đaọ Tiên ở Trung-Quốc để dễ thu hút tín đồ của họ, như ngài Huệ năng nói :
"Muốn lo toan độ thế,
Phương tiện phải saün sàng.
Chớ để người nghi hoặc
Tánh họ mới minh quang".

Thiệt tình chúng tôi không biết TT nói gì. Ở phần trích dẫn phía trên, đang nói về việc chay mặn, ông ta đem đút ông già Hồ vào (Giáo Ngoại Biệt Truyền), không chút gì ăn khớp với ý của bài viết. Còn ở đây thì đem việc chay mặn của các tu sĩ Phật giáo có xu hướng theo Bà la môn Aán độ và Đạo-giáo ở Trung quốc ra nói, rồi cắm vào đó bốn câu rút ra từ trong "bài kệ vô tướng" của Lục-Tổ không dính dấp, ăn nhập gì tới chuyện chay lạt hết, như thể lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia vậy, thật là xà bát, chứ chẳng thấy có chút gì là Bát-nhã cả.
Nguyên lai bốn câu kệ ấy ở trong bài kệ vô tướng mà Lục tổ dạy người nên tu.

           Dục nghị hóa tha nhơn,
           Tự tu hữu phương tiện.
           Vật linh bỉ hữu nghi.
           Tức thị tự tánh hiện,

           Nếu muốn hóa độ người
           Tu và có phương tiện.
           Chớ để người nghi lầm,
           Tức là tự tánh hiện.

TT thuyết cái kiểu này, những người đọc như chúng tôi nghe qua, xem qua rồi bỏ thì được, chứ nếu động não để mà hiểu cho được ý TT muốn nói gì, thì ắt là tẩu hỏa nhập ma mất.


 

Thưa quý đạo hữu,

Trong dịp về Việt Nam vào đầu năm 2000, tôi có mua một số sách Phật giáo, trong đó có cuốn sách dịch "Vấn đề ẩm thực trong Phật giáo". Tôi có cái tật là, trước khi đọc một cuốn sách dịch, tôi phải biết sơ qua về tác giả và dịch giả . Cuốn sách chỉ ghi sơ sài là "Sanjivaputta "."Are you herbivore or carnivore".England,1992, Tỳ kheo Thiện Minh dịch, không rõ tên tác giả, cũng như không có tên nhà xuất bản nguyên bản và dịch giả là một vị tỳ kheo tôi chưa hề biết tên.

Đối với tôi, sự không ghi rõ xuất xứ nguyên bản rất quan trọng, nó nói lên tính cách thiếu nghiêm túc, có thể là không chính xác trong việc dịch thuật, do thiếu khả năng dịch, hoặc do cố tình muốn cắt xén, thêm bớt, thay đổi nội dung cuốn sách, nên người dịch không ghi rõ xuất xứ để khỏi bị đối chiếu với nguyên bản. Do đó, tuy đã mua về, nhưng tôi cũng chưa muốn bỏ thì giờ để đọc cuốn sách.

Nay thấy có đạo hữu Cung Đình Hướng đề cập đến cuốn sách này, nên tôi mới tò mò lục ra coi . Quả thật, chỉ mới đọc lời giới thiệu của Thượng tọa Trưởng ban Văn Hóa tỉnh Đồng Nai, độc giả cũng có thể đoán được phần nào nội dung cuốn sách và cảm thông được nỗi buồn của đạo hữu Cung Đình Hướng, chia xẻ với người cư sĩ nỗi niềm thao thức, xót xa, thấm nhuần tư tưởng từ bi của đạo Phật:

"Đại từ đại bi mẫn chúng sinh,
Đại hỉ, đại xả, tế hàm thức ... "...

Đạo hữu Hướng đã can đảm, thẳng thắn bộc bạch tấm lòng nhiệt thành vì nỗi thống khổ, đọa đầy của những con vật , thay chúng mà rống lên những tiếng kêu bi thương, ai oán, nhằm thức tỉnh từ tâm của những người đã được ánh từ quang của đạo Phật chiếu rọi, nhưng còn đóng góp vào sự thống khổ của chúng sinh. Đạo hữu đã can đảm nói lên những điều mà, dù cũng có nhiều người cùng ý nghĩ, nhưng chỉ để bụng, bực bội ngầm, vì sợ sệt trước những lời dọa dẫm:" Chớ nói động đến các Trưởng Tử Như Lai (dù là Trưởng Tử Như Lai ăn thịt chúng sinh), coi chừng đọa địa ngục" , thôi thì, cứ "ngậm miệng cho chắc ăn". Đạo hữu Hướng đã nói thay cho những con vật khốn khổ, sống đau thương, chết tức tưởi, những con vật cũng có đầy đủ tình cảm, muốn sống, sợ chết, chỉ không nói được tiếng nói của loài người!

Mục đích của loạt bài này là để trình bày những điểm chánh mà tác giả, dịch giả và người giới thiệu đã đưa ra, thêm vào đó là phần nhận định của chúng tôi (Liên Tâm).

Kính,

Liên Tâm

Bài 2

Thưa quý đạo hữu:

Trong bài truớc, chúng tôi đã có vài nhận xét về những đặc điểm khác thường của bản dịch quyển sách "Vấn Đề Ẩm Thực Trong Đạo Phật" của Tỳ Kheo Thiện Minh, qua phương pháp dịch thuật của ông. Trong bài này, chúng tôi đi vào nội dung quyển sách. Nội dung sách được chia làm 10 tiết mục, từ tiết mục đầu nói về bối cảnh ăn chay đến tiết mục 10 nói về chủ nghĩa ăn chay và thịt nhân tạo. Qua đó, tác giả đã trình bày nhiều khía cạnh của vấn đề ăn chay qua cái nhìn của một người Phật Giáo theo truyền thống Nam Tông.

Mặc dầu thừa nhận mục tiêu căn bản của vấn đề ăn chay đối với đạo Phật là "tôn trọng sự sống" của chúng sinh, nhưng tiếc thay, toàn thể nội dung quyển sách, không có lời nào nói lên cách thức thể hiện sự tôn trọng sự sống mà chỉ là nhằm bảo vệ quan điểm ăn thịt cá của chính tác giả và những người đồng quan điểm với ông. Chúng tôi không cho rằng ông nói lên cho những người Phật Giáo Nam Tông, bởi vì có nhiều tu sĩ lẫn cư sĩ Phật tử Nam Tông tại Tích Lan và Việt Nam ăn chay trường.

Ngoài ra, tác giả đã không đề cập đến một điểm rất quan trọng là giới cấm sát sinh mà Đức Phật đã ban hành cho tất cả các hàng Phật tử tại gia lẫn xuất gia. Có lẽ tác giả đã cố tình làm ngơ vì biết việc ăn chay, mặc dầu không phải là giới luật, nhưng có liên hệ rất gắn bó, không thể tách rời thành hai vấn đề riêng rẽ, là một phương cách thực hành giáo pháp, thực hành hạnh từ bi và rèn luyện trí tuệ. Bất cứ truyền thống tu tập nào ngày nay và bất cứ hàng Phật tử nào cũng phải giữ một số giới, trong đó đều có giới "Cấm Sát Sinh", mà chính việc giữ giới này sẽ đem lợi ích an lạc và giải thoát cho tự thân người giữ giới (trí tuệ) và đem lại lợi ích an lạc cho tha nhân và các loài sinh vật khác (từ bi). Đó là hành động có trí tuệ và từ bi mà giới được kiến lập trên đó.

Nói rằng: "Ai sát sinh thì có tội, nhưng người ăn thì không (có tội)..." (tiết mục 1), là một điều thiếu công bình, thiếu lòng từ và ngược lại những lời dạy của Phật. Lòng từ bi của Đức Phật bao la vô cùng, Ngài xem mọi người, mọi loài như con, nên Ngài không đồng ý cho các đệ tử của Ngài giết hại sinh vật, dù là một sinh vật nhỏ nhít như con vi trùng trong cốc nước. Ngài khuyên: "chớ có sát sanh, chớ có khuyến khích sát sanh, chớ có chấp nhận sát sanh, chớ có làm hại các sinh vật nhỏ bé trong nước, thậm chí chớ có đạp trên cỏ xanh...". Vậy thì làm sao mà giáo lý của Ngài lại có thể như thế được, đã ăn thịt, lại không có lòng từ bi với những người, vì kế sinh nhai phải giết thú vật, mà lại còn đổ thừa cho họ, bắt họ phải gánh hết tội. Một ngàn lần không như vậy, trong toàn bộ giáo lý Phật Giáo không hề có những lời như thế. Chính Đức Phật, trong một tiền kiếp nào đó, đã tự hiến thân mình làm thức ăn cho bầy cọp đang đói. Cũng vì lòng từ bi mà Ngài đã chế ra ba tháng an cư vào mùa mưa để chư Tăng khỏi ra ngoài vượt núi rừng đi hoằng pháp, có thể dẫm đạp lên những sinh vật sinh nở rất nhiều trong mùa ấy.

Do đó người tu theo đạo Phật, đạo Từ Bi và Trí Tuệ, mà biện minh cho việc ăn thịt, không công nhận sự ăn chay, thì người đó chưa thâm hiểu chữ Từ Bi của đạo Phật. Từ là ban vui, Bi là cứu khổ, ban vui làm sao được khi mặc nhiên để cho người khác giết nó cho ta ăn.

Tác giả cũng nói rằng khi xưa Phật không ăn chay, ai cho món gì ăn món nấy... Chúng tôi xin thưa rằng, ngày xưa, cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm, sau khi thành Phật, Ngài mới đi hoằng pháp, chỉ dạy cho người ta làm lành tránh giữ và giữ tâm thanh tịnh. Nếu bắt buộc ai tu theo Ngài phải ăn chay mới được, thì giáo lý của Ngài, một tôn giáo vừa mới xuất hiện, còn quá mới mẻ, dễ bị xuyên tạc, bài bác, nếu về hình thức khác biệt với thế nhân nhiều quá . Truyền thống uyển chuyển ấy cũng vẫn còn được chư Tổ Sư sau này noi theo. Cho nên trên con đường truyền giáo, đạo Phật hội nhập rất hài hòa mỗi khi tiến vào những quốc gia dù là hoàn toàn xa lạ. Hơn nữa, tăng đoàn của Ngài quá đông, mỗi khi đi khất thực có đến cả ngàn Tỳ kheo, làm sao mà có đủ thực phẩm chay cúng dường..v..v

Do vậy, Phật tùy phương tiện, cho phép ăn ba thứ thịt, gọi là tam tịnh nhục: (1) Thịt thú vật chết mà không thấy người giết nó, (2) Thịt thú vật chết mà không nghe tiếng rên la kêu khóc của chúng, và (3) Thịt thú vật chết mà không phải do người ta giết với mục tiêu cúng dường mình. Nhưng có một ngày kia, Phật đến thuyết pháp cho một làng chuyên nghề săn bắn thú. Ngài khuyên họ nên bắt chước làng khác mà trồng trọt rau trái, lúa gạo mà ăn chớ đừng săn bắn nữa. Một lần khác, Ngài khuyên vua Tần Bà Xa La đừng giết thú vật để tế thần.

Như vậy, chúng ta hãy suy ngẫm, mặc dầu Phật có cho các để tử ăn tam tịnh nhục thời đó tại quốc độ đó nhưng ở một quốc độ khác, lúc khác Ngài lại khuyên đừng giết hại thú vật. Vậy không phải Ngài khuyên chúng ta ăn chay một cách "hiểu ngầm" và "hiểu ý" của Ngài sao?

Vì sao hồi đó Phật cho phép ăn tam tịnh nhục. Xin thưa là trong hoàn cảnh khó khăn của xứ Ấn Độ 2500 năm về trước, Phật rất uyển chuyển trong khi hoằng pháp, Ngài không bắt buộc Tăng đoàn phải ăn chay vì pháp khất thực do dân chúng tự nguyện cúng dường mà xứ này hồi đó nghèo khó, đất đai khô cằn, trồng hoa mầu khó khăn hơn là nuôi thú vật, chúng ta có thể nghĩ rằng, do lòng đại từ, đại bi của Đức Phật, Ngài muốn trải phước điền cho cả đến những người dân quá nghèo khổ, do nhân duyên nhiều kiếp ít thực hành hạnh bố thí, nay Ngài muốn mở cho họ một cánh cửa để làm quen với hạnh buông xả này, dù nghèo khổ đến đâu cũng có thể chia xớt chén cơm của mình để gieo duyên lành với nhà Phật, cho nên Ngài không chấp nhận những đề nghị ngặt nghèo về ăn chay, để mở lối thoát cho tất cả mọi người, vào hoàn cảnh khó khăn lúc đó .

Ngày nay, con người đã đi vào thiên niên kỷ thứ ba, đời sống khắp nơi trên thế giới đã giầu có, rau trái và nông phẩm dư thừa, nên những ai muốn cúng dường, rất dễ dàng cúng dường quý thầy Tỳ kheo thực phẩm rau đậu trái cây. Nếu quý thầy mở lời dạy dỗ Phật tử, khuyên Phật tử nên tôn trọng sự sống mà đừng giết hại sinh vật dù là gián tiếp mua ngoài chợ, thì chắc chắn Phật tử sẽ hoan hỉ tuân hành mà không dám mua tôm thịt cá mú hay sơn hào hải vị làm thực phẩm cúng dường quý thầy. Phật dạy tùy duyên bất biến, khế lý khế cơ, tùy thời tiết nhân duyên, tùy không gian quốc độ. Ngày nay khác 2500 năm về trước và quốc độ Hoa Kỳ, Thái Lan hay Việt Nam cũng khác xứ Ấn, vậy không lẽ chúng ta cứ khư khư áp dụng luật tắc "Tam Tịnh Nhục" mà Phật đã ban hành cả ba mươi thế kỷ trước đây, vẫn nói rằng "...Chư Tỳ Khưu được độ bất cứ loại thực phẩm nào theo tập tục quốc độ của mình...." (tiết mục 1).

Kính bút,

Liên Tâm

Bài 3

Thưa quý đạo hữu:

Trong tiết mục hai, tác giả cho rằng Phật Giáo nam Tông "thừa nhận thú vật là chúng sinh có tri giác, có thân thể, bản năng và có các chức năng của tâm, như cảm thọ, tưởng, hành và thức. Chúng không chỉ sống một kiếp mà sống nhiều kiếp. Chúng không phải là những sinh vật thấp hèn để loài người đối đã độc ác..." Ngoài ra, tác giả cũng nhấn mạnh "Phật Giáo Nam Tông không bao giờ cho phép giết thú vật làm thực phẩm tiêu thụ hay phục vụ bất kỳ cho mục đích khác..."

Tuy nhiên, cũng theo tác giả, Phật Giáo Nam Tông không đồng quan điểm (với Phật Giáo Bắc Tông) về giải pháp ăn chay có thể làm giảm sự giết hại thú vật và cho rằng ăn chay là một "phương pháp không có hiệu quả, chỉ bảo vệ sự sống bằng hình thức mà thôi". Tác giả còn cho rằng: "phương pháp thực hiện của Phật Giáo Truyền Thống (Phật Giáo Nguyên Thủy hay Nam Tông) trong việc đối phó với tình trạng giết hại thú vật là "phổ biến cho mọi người hiểu biết về lời dạy của Đức Phật..., về giá trị của sự sống.... Nhờ hiểu biết đúng đắn như vậy, người ta sẽ không giết thú vật cho việc tiêu thụ cá nhân hay bán ngoài chợ và có như thế mạng sống của thú vật mới được cứu nguy chứ không phải bằng cách cấm ăn thịt (bằng phương pháp ăn chay)"

Thưa quý đạo hữu:

Tôn trọng sự sống là một trong một vài đặc điểm của đạo Phật. Sự sống chính nó là linh thiêng, là mầu nhiệm, là vô cùng quý giá, mà không một ai có thể nhân danh bất cứ cho ai, cho bất cứ điều gì để phá hủy sự sống. Giết hại sự sống là ngược lại với đạo lý của con người và chống trái với luật nhân quả.

Hầu như ai tu theo đạo Phật, dù bất cứ tu tập theo truyền thống Phật giáo nào, cũng đều biết và công nhận như vậy. Tuy nhiên, hiểu biết về giá trị sự sống chưa đủ mà còn phải tôn trọng và dốc lòng bảo vệ sự sống đó, bao gồm việc ngăn ngừa không cho ai hành hạ, đánh đập hay giết hại sự sống của bất kỳ sinh vật nào.

Đối với người Phật tử, không thể bảo vệ sự sống và cứu nguy sự sống chỉ bằng sự hiểu biết suông cho thỏa mãn phần tri thức một cách tiêu cực, mà phải thể hiện bằng những hành động tích cực cụ thể (không làm điều ác, siêng làm điều lành).

Hành động tích cực cụ thể trực tiếp có thể là thả những sinh vật bị giam giữ trong lồng chậu, và dùng mọi phương tiện cứu những người hay những sinh vật khác bị giam giữ hay tù đầy oan ức...Hành động tích cực cụ thể khác để cứu sinh vật khỏi bị chết, có tính cách gián tiếp, là không ăn thịt động vật, không ăn những thú vật đã từng có sự sống.

Tất cả mọi người đều không ăn thịt thì toàn bộ địa ngục trần gian của hệ thống nuôi súc sinh để giết lấy thịt làm món ăn sẽ ngưng hoạt động, ngưng luôn tất cả những nỗi thống khổ triền miên của cuộc đời con vật bị sinh ra, nuôi lớn trong điều kiện tàn tệ đến nỗi có người đã ví rằng nếu một con chó mà bị nuôi trong tình trạng đó thì chủ nó đã vào tù vì tội tàn tệ với súc vật. Con chó thì khác gì con bò, con ngựa, con dê, con heo, con gà??? Cho nên đã có người đặt ra câu hỏi: "You love animals name "pets", why do you eat animals name "pigs"? Và những con bò, heo, dê , ngựa, gà v.v...tội nghiệp đó, thương thay, sẽ còn được kết liễu cuộc đời bằng cái chết đau đớn, ngang với hình phạt tùng xẻo của những vua chúa dã man thời phong kiến bày ra, ở đây, vì vội vã, vì đã lờn với sự chết chóc, rất nhiều khi người đồ tể không còn thì giờ mà làm một hành động nhân đạo cuối cùng ân huệ cho con vật khốn khổ bằng nhát búa chí mạng hoặc một luồng điện chạy qua óc chấm dứt cuộc đời.

Trong tất cả các hành động nhằm giảm thiểu sự giết hại sinh linh thì ăn chay có thể được xem là mộtphương pháp cụ thể hữu hiệu nhất. Theo thống kê, một người dân Hoa Kỳ, trong đó có chúng ta, kể từ lúc biết ăn thịt, lúc 5 tuổi, cho đến lúc chết, lúc 75 tuổi, ăn cả thảy 3.640 con gà. Tổng số người Hoa Kỳ ăn chay là 12,5 triệu người. Do đó một bài toán đơn giản cho chúng ta biết 12 triệu rưỡi người ăn chay đã cứu sống được trên 45 tỷ con gà, ấy là mới nói riêng về gà!

Tưởng cũng nên biết, trong thời đại ngày nay, tại các quốc gia phát triển, việc giết hại thú vật để sản xuất thịt cung cấp cho con người tiêu dùng là một loại kỹ nghệ mang lại nhiều lợi nhuận. Các nhà tư bản sản xuất thịt tùy thuộc yếu tố cung cầu của nền kinh tế thị trường mà cho thú vật ra đời, nuôi chúng và làm thịt chúng. Nếu nhu cầu đòi hỏi nhiều họ phải gia tăng sinh sản, làm cho chúng lớn nhanh để giết thật nhiều. Ngược lại nếu nhu cầu giảm, các nhà tư bản sẽ giảm cho ra đời những con vật và do đó giảm sự giết hại. Rất rõ ràng, kẻ giết thú vật, bao gồm các nhà tư bản, những đồ tể tại các lò sát sinh, không phải giết cho chính họ ăn, mà là cho các siêu thị đã đặt đơn mua từ sáu tháng trước. Nếu không có người tiêu thụ thịt, chắc chắn sẽ không có các lò sát sinh. Nếu giảm nhu cầu thịt, các nhà tư bản sẽ cho nhân viên nghỉ việc, đóng cửa và chuyển hướng đầu tự. Do đó nếu người nào ăn thịt, thì người ấy là những khách tiêu thụ của thị trường và một khi xách giỏ đi chợ mua thịt đã là ban lệnh hành quyết thú vật (order to kill)!

Theo như chúng tôi được biết, một nhà đầu tư Mỹ gốc Việt đã trình dự án thiết lập hai nhà hàng ăn nhanh Mc Donald tại Saigon và Hà Nội từ ba năm nay, nhưng chưa được công ty Mac Donald chấp thuận, không phải vì thủ tục hành chánh tại Việt Nam, mà vì hai lý do: (1) lượng cầu chưa đủ nhiều, và (2) hai bên Việt-Mỹ giằng co việc nuôi bò xẻ thịt.

Trong lời tựa quyển sách "Luật Đại Thừa" John Blofeld - dịch giả nổi tiếng , đã dịch nhiều kinh sách Đại thừa - viết trong lời tựa của quyển "Luật Đại thừa" (Mahayàna vinaya) do Tỳ khưu Yen Kiat biên soạn, rằng: "Trong thời điểm hiện đại, đặc biệt thú vật ít khi được giết cho những cá nhân; nhưng rõ ràng rằng, tất cả chúng ta thật sự có trách nhiệm cho cái chết của chúng, vì những người đồ tể chỉ đáp ứng thịt theo thị hiếu của chúng ta. Như vậy, trong điều kiện hiện nay, hình như không hợp lý tí nào cho các tu sĩ nói là họ có thể ăn thịt vì họ không biết việc thú vật bị giết". Thật là rõ ràng, thế mà tác giả quyển sách "Vấn Đề Ẩm Thực Trong Đạo Phật" cũng không đồng ý và lại còn cho rằng "những người ăn chay sẽ không thoát khỏi hậu quả và sự liên hệ của việc sát hại..." vì phải giết những sâu trùng khi trồng trọt nông phẩm (tiết mục 7). Chúng tôi xin thưa rằng, theo các nhà nghiên cứu khoa học cho biết, kỹ nghệ sản xuất thịt bò Hoa Kỳ tiêu thụ thực phẩm ngũ cốc nhiều hơn tổng số lượng tiêu thụ của cả hai nước Ấn Độ và Trung Hoa (1). Cứ 100 kg chất protein thực vật sản xuất được 6 kg thịt bò hay 9 kg thịt heo hoặc 18 kg thịt gà, hay nói một cách khác cứ mỗi 10 kg ngũ cốc cho súc vật ăn chỉ đem lại kết quả 1 kg thịt, 9 kg còn lại là chất thải, phần lớn là phân. Riêng tại Hoa Kỳ, kể từ năm 1980 đã phải nhập cảng thêm thịt bò từ các quốc gia Trung mỹ, làm cho các quốc gia này phải phá hủy rừng. Rừng Amazone, một rừng nhiệt đới quý nhất thế giới đã bị phá hủy gần 100 triệu mẫu để nuôi bò xuất khẩu (2). Thịt bò nói riêng và súc vật nuôi để làm thức ăn cho con người nói chung đã và đang hủy diệt môi sinh. Các nhà khoa học cho biết cứ mỗi quarter pound thịt bò bạn ăn là 55 square feet rừng nhiệt đới Trung Mỹ bị phá hủy và giết không kể xiết là bao nhiêu côn trùng sâu bọ. (3)

Liên Tâm

Cước Chú:

1.Perleman, M, Farming for Profit in a Hungry World;Capital and the Crisis Agriculture 1977.
2.Philip M. Fearnside, Deforestation in Brazilian Amazonia, Cambridge University Press 1990.
3.Rediscovering Planet Earth, US News and World Reports, October 31, 1988.

 


Cập nhật: 19-9-2001

Trở về mục "Ăn chay"

Ðầu trang