Thực hành chánh pháp
tức là bảo vệ chánh pháp: trả lời thư của quý cư sĩ Ngô Mạnh Đức
và Nguyễn Văn Hóa
-oOo-
1
- Thư của Thiện Trí Ngô Mạnh Đức
Kính gởi Thầy Nhật Từ,
Con đọc bài "Phê bình Thần Học Ky-tô giáo . .
." và "Phê Bình Ký Sự
Hành Hương Đất Phật" của Thầy, về cuốn sách của mục sư
Tống Tuyền Thịnh và cuốn sách của ông Phan Thiết, con mới biết Thầy
là một vị Thầy uyên thâm về kinh điển Phật Giáo . . . Con nghĩ, phải có
những người như Thầy thì đạo pháp mới trường tồn, chứ không thì người
ta muốn xuyên tạc Phật giáo thế nào cũng được !
Con kính chúc Thầy được mọi điều
may mắn trên bước đường đầy chông gai . . .
Nam Mô A-di-đà Phật
-oOo-
2
- Thư của Nguyễn Văn Hóa
Kính Thầy,
Con được biết Thầy là do giới
thiệu của anh Minh An (minh-an@usa.net), một người
bạn đạo ở Cali. Con có đọc "Phê Bình Ký Sự Hành Hương Đất Phật"
của Thầy và rất tán thành công đức đó. Tụi con ủng hộ Thầy hết
mình. Con nghĩ, tu không có nghĩa là chấp tay nam-mô, im lặng . . . để cho
ma vương với nhiều ý đồ và âm mưu chính trị tôn giáo hạ thấp uy tín
và làm sai lạc tinh thần cao siêu của Phật giáo . . . Mặc dù không phải
là biểu hiện của sân si nhưng người con Phật cần phải có dũng khí để
hóa giải ma quân, để hiển thị cái dụng của hạnh Bồ-tát. . . Con mong
được làm quen và học hỏi với Thầy.
-oOo-
Cư sĩ Thiện Trí và Nguyễn Văn Hóa
kính,
Cảm ơn quý cư sĩ đã có lời
khen tặng. Chúng tôi cũng rất vui mừng khi được quen biết quý cư sĩ. Dù
chưa lần gặp mặt nhau, nhưng chúng ta có cùng chí hướng và hạnh nguyện
truyền bá và bảo vệ Phật pháp, thì chúng ta đã gần gủi nhau, và sẽ hỗ
trợ cho nhau trong tu học. Đạo Phật cần có nhiều người
như quý cư sĩ: có cái nhìn đúng đắn và dũng khí bảo vệ Phật pháp trước
những âm mưu xuyên tạc, chụp mủ, bôi nhọ của người khác đạo, dù với
mục đích chính trị hay tôn giáo. Đúng như cư sĩ Hóa đã nói người tu
Phật không có nghĩa trở nên thụ động, bạc nhược, nhắm mắt xuôi tay,
để cho người ta muốn chống phá và xuyên tạc đức Phật và đạo Phật
thế nào cũng được. Người con Phật phải có dũng khí, trí tuệ và từ
bi để xua tan các bóng tối và mây mù che phủ đạo Phật của những người
khác đạo.
Trong kinh điển Pali, đức Phật được
mô tả như một con người, nhưng là một con người với tinh thần bi-trí-dũng
trọn vẹn. Ngài thẳng thắn lên án các bất công của tôn giáo và xã hội
Ấn Độ truyền thống. Với lòng từ bi đối với chúng sanh, với dũng khí
của bậc thượng trí và với vũ khí trí tuệ xua tan màn vô minh, đức Phật
đã chống lại chế độ phân chia giai cấp và tập cấp của Ấn Độ; phủ
nhận quyền uy sáng thế giả tạo của Phạm Thiên, thiên chúa hay thượng
đế; mạnh dạn đi ngược lại truyền thống hữu thần mấy ngàn năm của
lịch sử để đề cao vị trí con người; can đảm đả phá nạn kỳ thị
giới tính, chủ trương bình đẳng và đưa vị trí của người phụ nữ từ
chỗ bị chà đạp lên đến vị trí ngang hàng với nam giới, về cả phương
diện đạo đức, trí tuệ và tu chứng. Đức Phật không hề dạy chúng ta
im lặng trước những sai lầm, bất công và tội ác. Đức Phật chỉ khuyên
chúng ta im lặng trước những gì không có giá trị về phương diện đạo
đức và phát triển tâm linh. Những gì cần tuyên bố, đức Phật đã khẳng
khái tuyên bố vì lợi ích và an lạc cho số đông, cho các thần linh và
loài người, cho dù lời tuyên bố đó có mang lại sự chống đối và thương
tổn ngài. Là người con Phật chúng ta nên bắt chước và học hỏi dũng
khí đầy trí tuệ và tình thương của ngài.
Thực ra, bảo vệ Phật pháp không
chỉ là công việc của hàng xuất gia mà là trách nhiệm chung của những
người con Phật. Trong Giới Bồ-tát có ghi rằng người tu hạnh bồ-tát
khi thấy, biết ai phỉ báng chánh pháp của đức Phật thì cảm thấy lòng
mình đau như cắt và khởi lòng đại bi thương tưởng người bất hạnh
đó. Đối với người con Phật, việc phê bình các tác giả viết phỉ
báng, xuyên tạc về đức Phật và đạo Phật không phải là hành vi "ăn
miếng trả miếng" mà thực chất là nhằm giới thiệu chánh pháp cho họ,
để họ có cơ hội học hỏi chánh pháp của đức Phật mà tu tập đạo
đức cho bản thân.
Theo tinh thần lời Phật dạy, am tường
Phật pháp là điều cần thiết, nhưng đó không phải là phương tiện duy
nhất để bảo vệ chánh pháp, và càng không phải là cứu cánh của người
tu Phật. Hiểu biết Phật pháp chỉ có giá trị dẫn đạo, như bản đồ
chỉ đường, như ngón tay chỉ mặt trăng; trong khi thực hành lời Phật dạy
mới có giá trị giải thoát, như đạt được mục đích của con đường,
như thấy được mặt trăng. Do đó, thực hành và phát huy đời sống đạo
đức, thiền định và trí tuệ chính là cách bảo vệ chánh pháp của đức
Phật hiệu quả hơn. Nếu tất cả những người con Phật, dù xuất gia hay
tại gia đều hiểu sâu và thực hành đúng lời Phật dạy thì chắc chắn
rằng những lời xuyên tạc, vu khống, chụp mủ của người khác đạo về
đức Phật và đạo Phật sẽ không có cơ hội để tồn tại.
- Kính,
- Thích Nhật Từ