9.1. Nhiều năm tu hạnh đầu đà.
Thời Phật
còn tại thế, tôn giả đại Ca-diếp tu khổ hạnh, mặc dù tuổi đã lớn
vẫn không bỏ lối tu này, Phật thương xót ông tuổi già sức yếu,
khuyên rằng: “Thầy liên tục tu khổ hạnh
nhiều năm, nên nghỉ ngơi một chút”. Tôn giả Ca Diếp vẫn một mực
tu tập khổ hạnh như vậy. Phật khen ngợi : “Thầy có thể làm gương mẫu cho tất cả
chúng sanh noi theo, chính như ta một đời tại thế, có người tu tập khổ
hạnh giống như thầy, thì Phật pháp có thể trụ ở đời mãi mãi, nếu
như không có người tu khổ hạnh thì Phật pháp sẽ diệt vong. Thầy quả
thật là người gánh vác việc lớn của Như Lai!” Sau đó, nhân trong một
buổi pháp thoại tại Linh Thứu sơn, Thế Tôn đưa lên một cành hoa, Ngài
Ca Diếp mỉm cười, chánh pháp nhãn tạng, lấy tâm truyền tâm, trao cho đại
Ca Diếp, trở thành sơ tổ thiền tông ở Ấn Độ.
Bình luận:
Hạnh đầu đà còn tồn tại
hay diệt vong đều quan hệ đến sự tồn tại hay diệt vong của Phật pháp,
đây là lời nói từ kim khẩu của Phật, câu nói này vẫn còn văng vẳng
bên tai, vậy mà người xuất gia ngày nay, ăn thì quá nhiều, mặc thì quá
đẹp, trang hoàng chỗ ở sang trọng, tứ chi mệt mỏi lười biếng, không
muốn làm việc, vật chất trang sức, tiêu khiển, thưởng ngoạn giống
như một người phú quý mà không biết xấu hổ. Phật pháp suy vi, thật tại
khiến cho lòng người vô cùng đau xót ! Sơ tổ Ca Diếp ở Ấn Độ,
phương Tây, và chúng ta, người Trung Quốc, phương Đông, quốc thổ không
đồng, nhưng những việc gương mẫu Ngài đã làm, lẽ nào Ngài đã biết
trước; sau khi Phật pháp ở Ấn Độ suy vi, Phật pháp (mà đặc biệt là
thiền tông) thạnh hành ở Trung Quốc, đến hôm nay có những bệnh xa hoa
mà không tu khổ hạnh, nên đã đặc biệt để lại phong độ này để làm
lương dược đối trị cho con cháu của Ngài chăng? Chỉ xin nguyện con em
thiền môn noi theo gương mẫu tổ sư Ca Diếp đã làm, đi tu hành không nên
lấy chỗ thời đại mạt pháp mà tự cam chịu thụt lùi.
9.2. Trải qua đủ mọi hiểm nạn
Triều
nhà Tấn, có pháp sư Vô Khát, ở Hoàng Long Đàm. Sư nghe nói đại sư Pháp
Hiển ở chùa Kinh sư, Giang Lăng, cùng với các bạn Tuệ Cánh, Đạo Chỉnh…
đến Tây Trúc thỉnh kinh, tham học, cũng phát thệ nguyện đến đó một lần.
Thế là, vào đời Tống Vũ Đế, thời Nam Triều (niên hiệu Vĩnh Sơ năm
thứ nhất 420), sư triệu tập các bạn đồng tu như Đàm Lãng, Tăng Mạnh,……
cả thảy 25 người, xuất phát từ Trường An đi Tây Thiên, vượt qua sa mạc.
Sa mạc đó, trên không có chim bay, dưới không có thú chạy, tuyệt tích
không có bóng người, nhìn về phương tây, một dãi mênh mông, tuyệt
không dấu vết, tất cả đều không biết nên đi về hướng nào mới đúng,
chỉ biết nhìn mặt trời để xác định đông tây, xem xương cốt của
người bỏ lại để xác định đã có người đi qua đây bỏ mạng, rồi
quyết định lần theo dấu vết mà đi. Đến dãy Thông Lĩnh, vùng này
không kể là mùa đông hay mùa hạ đều có tuyết rơi, có ác long thổi
khí độc, gió thổi bụi đá bay như mưa. Lại đến dãy Đại Tuyết Sơn,
dưới núi có sông lớn, nước sông chảy rất mạnh giữa hai dãy núi đông-tây,
các sư nối dây thừng lại làm cầu, mười người đi qua trước, đến bên
kia đốt lửa làm tín hiệu, người phía sau xem thấy khói lửa biết người
đi trước đã qua tới nơi an lành mới yên tâm đi theo; nếu như rất lâu
không thấy khói lửa thì biết rằng gió lớn đã thổi mất cầu giây, người
đã bị rơi xuống sông rồi.
Vượt
qua dãy Tuyết Sơn rồi, vách núi cao và dốc, không có chỗ đứng chân,
trên vách núi người trước có lưu lại cây xuân, vách núi có lỗ, mỗi lỗ
một cây xuân tương đối tốt, mỗi người cầm bốn cây xuân, trước nhỗ
cây xuân phía dưới, từ dưới lên trên, lại nắm cây xuân phía trên nữa,
cứ như vậy lần lượt nắm cây leo lên, trải qua ba ngày mới lên đến
đất bằng, điểm lại các bạn cùng đi thiếu mất mười ba người.
Tiếp tục
cuộc hành trình đi về phía trước, đến trung Ấn Độ, trên đường không
có gì cả, trống không bao la, mênh mông, chỉ mang theo một ít đường làm
lương thực, trong 13 còn lại chết thêm 8 người nữa. Đại sư Vô Khát
lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, trong lòng chỉ biết niệm Bồ tát
Quán Thế Âm, chưa vượt qua được đoạn nguy hiểm, đến Xá Vệ quốc lại
gặp một bầy voi dữ, thế là tất cả mọi người đều phó mặc tính mạng
cho Bồ Tát Quán Thế Âm, bỗng nhiên xuất hiện một con sư tử, bầy voi dữ
cuối cùng tự rút lui hết. Đến sông Hoàng Hà lại gặp một bầy tê
giác, vẫn phó mặc tính mạng, niệm Quán Thế Âm, không bao lâu thì có một
con chim Thứu rất lớn bay lại, bầy tê giác cũng sợ hãi chạy đi. Sau đó,
cuối cùng thỉnh được kinh Phật, tại Nam Ấn Độ, theo đường biển
mang kinh sách trở về Quảng Châu.
Bình luận:
Đọc truyện đại sư Vô Khát
đi Thiên Trúc, nhớ lại ân đức và tinh thần thỉnh kinh cầu đạo của tổ
sư hơn một ngàn năm trước, không ngăn được lòng cảm động rơi nước
mắt. Hiện nay, chúng ta tụng đọc một câu một chữ kinh điển đều là
xương máu, mồ hôi của tiên đức cả ! Nếu như đối với kinh điển mà
khinh thường, tay giơ không rửa mà cầm kinh, đem kinh bỏ chỗ không thanh tịnh,
hoặc cất giữ mà không đọc, đọc mà không y theo lời để tu hành, cho
đến dùng kinh để cầu cơm áo, cầu danh lợi mà thôi, những việc làm như
vậy, thì thật vô cùng tội lỗi với muôn vàn lao khổ, bỏ sống thỉnh
kinh của cổ đức. Thật đau lòng thay !
9.3. Để tang khi Phật pháp bị
huỷ diệt.
Triều
nhà Tuỳ (581-618), tại Tương Châu, chùa Diễn Không, có sư Linh Dụ, khi thấy
triều nhà Bắc Chu (557-581), vua Vũ Đế (561-597) tiêu diệt Phật giáo, sư rất
bi ai, mặc tang lễ, đầu đội khăn tang, giống như bị mất cha mẹ vậy.
Đợi đến nữa đêm đàm luận giáo lý Phật đà, sáng ra thì đọc sách
thế tục, ẩn cư để tang chờ ngày phục hưng Phật giáo.
9.4. Châm kim vào đùi để chế
tâm vọng niệm
Triều
nhà Tuỳ, ở Triệu Quận, núi Chương Hồng, có sư Trí Thuấn, người Đại
Lục, Triệu Châu, chuyên tu pháp môn quán niệm, mỗi khi vọng niệm khởi
lên, không có cách gì ngăn chận, sư liền chích vào đùi, chích cho đến
khi chảy máu, hoặc giả sư mang cục đá lớn đi nhiễu quanh tháp, luôn
luôn giữ chánh niệm, từ trước tới nay chưa có một giây lát xao lãng,
buông lung chánh niệm. Trên đùi của sư, nơi chỗ bị chích, những vết vằn
tróc từng mảng nhiều lần, trông giống như cẩm điểu.
9.5. Sang Tây Trúc thỉnh kinh
Triều
nhà Đường, ở kinh sư, chùa Đại Từ Ân, Pháp sư Huyền Trang phát nguyện
sang Tây Trúc thỉnh kinh mang về nước. Vào năm Trinh Quán thứ 3 (629), đời
vua Đường Thái Tông, sư một mình sang Tây Trúc, vượt qua muôn dặm gian
nan, nếm đủ mùi gian khổ qua các vùng sa mạc, qua nước Cao Xương, đến
nước Kế Tân, trong vùng này có rất nhiều hổ báo, chưa biết phải đi
tiếp thế nào, chỉ biết đóng cửa niệm Quan Âm gia bị. Đến đêm hôm
đó, lúc mở cửa ra, có một vị Hòa thượng đi đến, Huyền Trang lễ bái
cung kính tiếp đón, lão Hòa thượng dạy sư trì tụng kinh Bát Nhã, thế
là hỗ báo tự nhiên trốn mất, ma quỷ không hiện hình, sư tiến thẳng về
nước Phật, thỉnh được kinh trở về. Sư đã đi qua hơn một trăm năm
mươi nước, vào năm Trinh Quán thứ 19 (945), mùa đông, sư về đến kinh
sư Trường An.
9.6. Việc lao nhọc làm trước
Triều
nhà Đường, ở Phần Châu, chùa Quang Nham, pháp sư Chí Siêu, người Phùng
Dực, Đồng Châu. Lúc 27 tuổi quy y và xuất gia với Thiền sư Huệ Tánh,
ở chùa Khai Hoá, tỉnh Tinh Châu. Sư Chí Siêu tự thanh lọc thân tâm, oai
nghi đoan chính, siêng năng làm việc phục vụ đại chúng, ngày lo hai bửa
cơm ăn và những việc nhặt vặt cho hơn một trăm người xuất gia, sư phục
vụ không gián đoạn, mỗi khi gặp việc khó khăn cực nhọc sư đều làm
trước. Sau đó, sư đến chùa xây chùa Quang Nham, ở Phần Châu, ngày đêm
tinh tấn tiếp dẫn hậu học, dạy dỗ mọi người. Đương thời, triều
đình nghiêm cấm, nếu chưa được sự đồng ý của chính phủ thì không
được tự tiện thế phát độ người xuất gia, người nào vi phạm sẽ
chịu cực hình, vậy mà sư Chí Siêu không sợ, vẫn tiếp tục độ người
xuất gia như thường. Một thời người ta trốn đời đi tu, bốn phương tụ
lại, nương tựa sư tu tập như nương tựa Thái Sơn.
9.7. Rận rệp trên người không
bỏ
Triều
nhà Đường, ở Uý Châu, chùa Ngũ Đài, có sư Pháp Vân, người Cao Dương.
Ở tại chùa Mộc Qua, Ngũ Đài Sơn, một mình một bóng trong lò gạch. Áo
quần cũ rách không thể tả, bọ chét và rận nhảy đầy, mặc cho chúng
hút máu, sinh sản trên người sư. Đã từng an cư kiết hạ trên núi, đất
rận, bọ chét rất nhiều, bám trên người sư cũng không nở bỏ đi, tấm
chăn bị chúng bám vào giống như máu đong lại thành một tấm; sư Pháp
Vân chỉ tự trách mình nghiệp chướng sâu dày, tình nguyện trả cho hết
nghiệp, tuyệt đối không than vãn. Bố thí máu như vậy hơn bốn mươi
năm.
Bình luận:
Không trừ rận rệp há không phải
là giống như lối tu khổ hạnh của ngoại đạo sao? Không phải. Nếu như
khổ hạnh là phương pháp tu tập để thành đạo thì đó quả thật là
tà kiến không sai. Nhưng còn sư Vận thì khác, sư tự trách mình và tự trả
nghiệp, giống như Phật Thích Ca thuở xưa bị quả báo ăn cám ngựa, bị
ám sát bằng gươm để trả nợ xưa, đâu thể nói là giống ngoại đạo
được?.
9.8. 6 năm giả gạo
Đời nhà
Đường, tại Tinh Châu, chùa Nghĩa Hưng, có sư Đạo Lượng, người Loan Thành,
Triệu Châu. Vào núi Phong Long (tức Phi Long), với 30 người bạn tu tập, mỗi
ngày tụng kinh tu trì. Sư lo việc ngoài cho cộng đồng tu tập, mỗi ngày sư
đi ra ngoài giả năm đấu gạo mang về, như vậy 6 năm, chưa từng mệt mỏi,
gián đoạn, đi chân đất ba năm, tối về nghỉ với chúng. Sau sư khai giảng
giới luật, vang danh khắp nước, thính chúng, đồ đệ khoảng 8 trăm người.
Về sau có hơn 40 người thành giảng học sĩ.
9.9. Không làm là không ăn
Triều
nhà Đường, ở Hồng Châu, có Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải, trú trên
đỉnh núi cao chót vót trăm trượng nên gọi là Bách Trượng. Sư mỗi ngày
đều lao tác khổ nhọc với chúng để cung cấp sự sống cho mình và cho Tăng
chúng. Đại chúng thấy sư già yếu không nở tâm để sư lao động, khuyên
sư nghỉ ngơi, sư nói : “Đức hạnh của
tôi mỏng manh đâu dám lấy sức lao động của người khác để nuôi sống
mình”. Đại chúng vẫn không muốn để cho sư làm, thế là đem cuốc
của sư dấu kín, không để cho sư làm, Bách Trượng vì vậy không ăn. Đại
chúng vô phương ngăn cản, chỉ còn biết đem cuốc ra cho sư làm, nhân việc
này mà có câu “một ngày không làm thì một
ngày không ăn”.
Bình luận:
Đức hạnh như Bách Trượng mà
còn nói là đức hạnh mỏng manh, không dám làm nhọc người khác, huống
gì chúng ta. Hoặc giả có người nói: Người đảm đương việc trụ trì
thì phải chuyên lo hoằng pháp, lợi ích chúng sanh, mặc dù mỗi ngày tiêu
phí hết tiền nghìn, sai khiến cả trăm người vẫn không can hệ gì. Trái
lại, cực khổ đi làm những việc nhỏ nhặt, đây thật là không biết việc
lớn, cố chấp tiểu tiết. Ôi! Đại sư Bách Trượng kiến tạo Tòng lâm,
lập thanh quy làm mô phạm cho ngàn vạn đời, lẽ nào ngài không biết đến
những việc này? Ngài làm như vậy là muốn để cho những người xuất
gia đức hạnh mỏng manh mà ham thích hưởng thụ cơm áo cảm thấy hổ thẹn!.
9.10. Vạn dặm quyết nghi
Triều
nhà Đường, ở Ích Châu, Thiền sư Đại Tuỳ Pháp Chơn. Có một vị Tăng
đến hỏi sư : “Vào kiếp hoả, thì đại
thiên thế giới đều hoại, bổn tánh này hoại hay không?”.
Sư đáp
: Hoại!
Tăng hỏi
: Đã như vậy, chơn như bổn tánh cũng tuỳ
theo thế giới phá hoại mà tiêu mất đi chăng?
Sư đáp
: Đúng ! Tuỳ nó tiêu mất luôn.
Vị Tăng
này hoài nghi câu nói ấy. Thế là đến khắp muôn nơi tìm thầy tham vấn,
trải qua núi lớn sông sâu khắp chốn Tòng Lâm, xa đến vạn dặm.
Bình luận:
Người xưa vì một chút nghi ngờ
khó hiểu trong tâm trí, thì không dám tự mình phô diễn, miễn cưỡng tắc
tránh qua loa cho xong mọi chuyện, mà nhất định phải hỏi cho sáng tỏ, chừng
nào bùng vở, phải thông hết mọi nghi hoặc mới thôi, đâu kể gian khổ
muôn dặm xa xôi. Chỉ vì một câu nói “tuỳ tha khứ” mà vị học Tăng
vượt qua ngàn núi muôn sông, tất cả chỉ vì đạo lý này đây! Người
xuất gia ngày nay, bảo họ đi tìm thầy học đạo, chỉ đi vài bước thì
đã nhíu mày; trái lại bảo chúng đi tìm cầu danh lợi thì dù phải đi vạn
dặm cũng nhanh nhẹn vui vẻ lên đường. Còn giống như Hòa thượng ở Triệu
Châu 80 tuổi vẫn còn hành cước, Thiện Tài Đồng Tử trải qua trăm thành
sương khói, tham học với 53 vị thiện tri thức, hành trì gian khổ trác
tuyệt như vậy, cách đây dường như rất xa, rất xa, không còn thấy những
người như vậy.
9.11. Tự tay làm việc với
chúng
Triều
nhà Tống, tại Đàm Châu, Thiền sư Mộ Kết Chơn Như, ở núi Đại Qui,
người Lâm Xuyên, Phủ Châu, còn có hiệu là Triết Thị Giả. Sư trú trì
chùa Đại Quy Sơn, lãnh chúng hơn hai ngàn người. Sau buổi cơm trưa, nhất
định đến sau giảng đường cùng với đại chúng uống trà, khai thị. Mỗi
ngày, lúc công khoá giảng dạy hoàn tất nghỉ ngơi, sư đích thân đi lao
động, sư có thể sai thị giả, nhưng sư từ chối và làm công tác như mọi
người, từ trước tới nay không sai sót. Mỗi đêm khi lên lễ Phật, Sư
xem xét chánh điện và đi đốt đèn hành lang, nếu như mệt mõi rã rời
thì Sư dùng cái chăn trùm đầu lại, tại Tam thánh đường không cởi áo
lót, ngủ một chút mà thôi.
9.12.
Khiêm cung làm việc cực khổ.
Triều
nhà Tống, pháp sư Tăng Tạn. Sư thấy chùa Tăng thì lễ bái, gặp Đại đức
thì hành lễ, bất cứ người xuất gia hay tại gia làm lễ Sư, Sư rất khiêm
tốn khom lưng cúi đầu mà đi ra. Mỗi khi làm việc với đại chúng, sư đều
đem thân ra làm nô bộc cho mọi người, hết sức làm việc; xem thấy áo
quần cũ rách dơ bẩn bất cứ của ai, sư gom lại giặt sạch sẽ hoặc
may vá lại. Đến mùa hạ, vào mỗi tối Sư cởi áo treo lên rồi vào trong
rừng đem thân bố thí máu cho các loại muỗi, ve, đỉa, ruồi vàng … hút
máu. Sư thường hay niệm danh hiệu Phật A Di Đà, chưa từng gián đoạn,
tinh tấn niệm Phật như vậy nếu dùng toán số cũng không tính đếm được
bao nhiêu biến mà kể.
Bình luận
Đại sư Ổn Lăng (Triều nhà Tống, ở Tuyền
Châu, Thiền viện Bảo Thắng, sư Giới Hoàn, người Ổn Lăng, người ta
thường gọi là sư Ổn Lăng), có một câu danh ngôn : “Người xuất
gia ơi! Người ta lao động cực nhọc, cuốc bẩm cày sâu, còn ông thì ngồi
trong mát, yên ổn mà ăn; người ta khom lưng gùi gối lễ lạy, ông thì đứng
đó thọ lễ, nếu như không thoát được vòng sống chết, thì tội lỗi
này lớn quá đi!”. Tuy nhiên, có thể làm
được người như lão Tăng Tạng đây thì đại khái không có vấn đề gì.
9.13. Khắc
khổ làm việc chúng.
Triều
nhà Tống, tại Nam Khương, núi Vân Cư, Thiền sư Đạo Giản. Sư Đạo Giản
lúc đầu đến tham yết Thiền sư Đạo Ưng. Thiền sư Đạo Ưng và Sư đối
thoại với nhau ba ngày, vô cùng khen ngợi căn khí của Sư, răn dạy Sư phải
khắc khổ, chịu khó phục vụ đại chúng. Thế là Sư xách nước, giã gạo,
bổ củi, nấu cơm, lo liệu mọi việc trong chùa, có lúc cũng cùng với
chúng tham thiền học đạo, đàm luận cổ kim, mọi người đều không biết
Sư là một vị Tăng tài xuất chúng.
9.14.
Làm việc không từ lao nhọc
Triều
nhà Tống, tại Đông Kinh, có Thiền sư Huệ Lâm Viên Chiếu Tông Bổn. Năm
19 tuổi Sư theo Thiền sư Đạo Thăng ở Vĩnh An, Bỉnh Thiên, tỉnh Cô Tô,
xuất gia. Thiền sư Đạo Thăng đạo phong vang khắp, rất nhiều người đến
Tòng lâm y chỉ Sư tu hành. Sư Tông Bổn mặc áo rách, đầu mặt dơ bẩn,
thường làm việc xách nước, giã gạo, nấu cơm cúng dường đại chúng;
tối đến Sư vào thiền đường học đạo.
Thiền
sư Đạo Thăng nói với Sư : “Người khổ
hạnh kia ! Thầy làm việc phục vụ đại chúng thật là vất vả, khổ nhọc
không biết mệt mỏi sao?”. Sư trả lời : “Một người tu hành nếu bỏ mất một việc
lợi ích cho chúng sanh mà không đi làm thì không thể gọi là tâm bồ đề
viên mãn được; con nghĩ suốt cuộc đời này con chỉ làm việc này cũng
không dám nói là mệt nhọc !”.
Bình luận
Làm việc
cực nhọc cho đại chúng mà vẫn không quên học vấn, đàm luận cổ kim,
quản lý mọi việc trong nhà trù mà vẫn không quên tham thiền học đạo,
kham nhẫn nhiều việc khổ nhọc trác tuyệt như vậy. Người xuất gia ngày
nay, nhàn rỗi không làm việc gì mà vẫn tiếp nhận của cúng dường của
Phật tử, còn nói : “Tôi là người chuyên tu, làm nhiều việc”. Ôi, như
thế với người xưa thật sai biệt quá xa!.
9.15. Thường
hành khất thực
Thời
Nam Triều, đời nhà Tống, có Thiền sư Đạo Pháp, người Đông Hoàng,
chuyên tu thiền. Sau sư du học đến Tứ Xuyên, Thành Đô. Các ông Vương
Hưu, Phí Giám… thỉnh Sư trú trì chùa Hưng Lạc và Hương Tích. Sư dạy
đạo có phương pháp, thường thực hành hạnh khất thực, nhưng không nhận
thỉnh cúng một mình (biệt thỉnh), không ăn trước đại chúng. Thức ăn
sau khi dùng thừa Sư đem bố thí cho các loài động vật, côn trùng, chim,
thú… Buổi tối Sư cởi y ở trần bố thí máu cho muỗi mòng… cắn. Sau
đó, có một hôm Sư nhập định, ở trong định Sư thấy đức Phật Di Lặc
phóng hào quang chiếu soi quả báo trong ba đường địa ngục, ngạ quỉ, súc
sanh, ngay sau đó, Sư càng tinh tấn tu hành, suốt đời không nằm. Vào đời
Tống Phế Đế, niên hiệu Nguyên Huy thứ 2 (474), Sư ở trong định thị tịch.
9.16. Hành
cước
Tôi trước
đây, lúc còn là một người hành cước tham học bên ngoài, thường kham
chịu đói khát, bất chấp lạnh lẽo hoặc nắng nóng, trải qua vô số khổ
nạn. Hiện nay may mắn có được một am tranh để ở. Tuy nhiên tôi không
biết được việc tu hành, chỉ biết xấu hỗ thôi. Một vị Tăng vân du sơn
thuỷ, hành cước tham vấn đến, thì nên đối xử với họ lễ phép, ân
cần, hầu hạ cúng dường. Bản thân tôi vốn không dám thọ dụng của người
ta quá đáng. Thật sự đã từng là người lưu lạc bên ngoài, cho nên đặc
biệt thương xót, cảm thông những khách Tăng bên ngoài đến. Bần cùng phấn
đấu mà sáng nghiệp thành công, cho nên, tuy đất cát cũng như vàng bạc
phải quý trọng nó như nhau. Người xuất gia ngày nay một khi bước vào cửa
Phật liền được ở chùa, viện đã xây dựng sẵn, mọi việc đều như
ý, không lao tâm tổn sức, giống như người phú quý, không biết được
những thống khổ trong dân gian, dù cho tài trí siêu nhân, không lo tu học,
chỉ đóng cửa tự đại, giậm chân tại chỗ, lâu ngày nuôi lớn tập
khí cống cao ngã mạn, Tăng trưởng tập tính vô minh, như vậy tổn thất,
thiệt thòi cũng không phải nhỏ!
9.17. Cấp
tham cấp ngộ
Cư sĩ
Phóng Ngưu, người Hàng Châu, họ Dư, tham học với Thiền sư Vân Môn Huệ
Khai, ở Long Hưng, Hoàng Long, vào năm Thuần Hữu (1241-1253), đời vua Tống
Lý Tông, thời Nam Triều, được khai ngộ. Ông có nói một đoạn như vậy
: “Người thông minh trên đời mới nghe
qua một lần việc ‘sanh tử sự đại’
này liền dùng Tâm – Ý – Thức để lý giải, cho rằng như vậy là đã
nhận thức được bổn lai, hiểu được bổn tánh, cho nên, giống như đem
hình nộm mà làm người thật, chính như bài kệ của Thiền sư Trường Sa
Cảnh Sầm hiệu Chiêu Hiền, ở Hồ Nam
đã nói :
Học đạo chi nhân bất thức
chân
Chỉ vi
tùng lai nhận thức thần
Vô thuỷ kiếp lai sanh tử bổn
Si nhân hoán tác bổn lai nhân.
Và ngài
Vĩnh Gia Huyền Giác đại sư cũng nói : “Tổn
tài pháp, giảm công đức, không có cái nào không do tâm-ý-thức này”.
Cho nên, chủ đích của thiền tông là xa lìa tâm ý thức mà tham thiền; như
trong kinh Lăng Nghiêm có nói : “Dẹp bỏ hết
mọi thứ thấy nghe hay biết, bên trong giữ lấy sự vắng vẻ thanh nhàn,
như pháp trần phân biệt cảnh sự”. Phải nghiên cứu tinh chuyên ý
nghĩa huyền diệu cho sáng tỏ, rốt ráo giác ngộ, nếu không được như vậy
thì đợi đến lúc lâm chung, hồn lìa khỏi xác mới đến xin lão Diêm vương
: ‘hãy đợi tôi một lát, để tôi thanh
lọc thanh tâm, nhiếp phục vọng niệm đã rồi sau xin đi với ông’, muộn
màng như vậy, ngàn vạn lần không được. Phải nhanh chóng tu học, sớm
được khai ngộ mới tốt”. Mấy lời nói này của cư sĩ Phóng Ngưu có
thể nói là cảnh tỉnh người học đạo! Nếu thực sự là người đại
triệt đại ngộ thì họ sống một cuộc đời thong dong tự tại, cái gọi
là ‘bát phong’ thổi không lay động,
vô thường sanh tử, an nhiên tự tại, không vội vàng, không sợ hãi, hà tất
phải đợi thanh lọc tâm, nhiếp vọng niệm, miễn cưỡng xin thoái thác ư
? Cho nên, điều gọi là ‘cấp tu cấp ngộ’
chúng ta là người tu hành nên nổ lực tìm cầu.
TỔNG LUẬN.
Thánh hiền
luôn răn dạy rằng : “Không nên phóng dật”,
‘dật’ là đại giới của người
quân chủ, từ xưa đều lấy sự siêng năng, ân cần mà hưng quốc, do phóng
dật mà mất nước. Chương “vô dật’
trong Kinh thư, là do ông Chu Công lo lắng Chu Thành Vương mới lâm chính
phóng dật mà soạn ra. Nhà Phật cũng nói một câu răn giới như vậy : “Cẩn thận chớ có buông lung”. Cho
nên, người cầu pháp phải vì pháp mà quên đi thân mình, người vì lợi
ích chúng sanh phải vì chúng sanh mà quên đi bản ngã của mình. Người xuất
gia trẻ ngày nay, mười ngón tay không đụng đến một giọt nước (ý nói
không làm gì cả), không quan tâm đến bất cứ việc gì, bảo nó rửa
bát, nó nói : ‘đau tay’; bảo nó cầm
chổi quét nhà, nó nói : ‘đau lưng’;
bảo nó sớm tối siêng năng tu học, nó nói : ‘Thân tôi nhiều bệnh quá, không có cách gì
để hành trì tu tập được’. Có lúc mới dạy nó vài câu, nó lại
nói : “A, Ngài không biết kẻ ngu thì
dùng sức, kẻ trí thì dùng tâm, người ngu thì tu phước, người trí thì
tu huệ sao!?”. Ôi trời ! nếu như vậy thì không những tôn giả Ca Diếp
tu khổ hạnh là người ngu, Lục Tổ giã gạo, bổ củi cũng là người
ngu, mà ngay cả Phật đà không bỏ mặc các Tỷ-kheo mắt yếu giúp họ may
vá y áo há không phải cũng là người ngu sao!?