- Nhân nào quả nấy
- qua việc Hồi giáo
Taliban phá huỷ các tượng Phật
Câu hỏi: Qua sự việc trên của
chính quyền Taliban, tôi có vài thắc mắc: Phật giáo chưa từng đi xâm chiếm
bất cứ nước nào nhưng ở điểm này sẽ hiểu như thế nào về
"Nhân nào quả nấy."
Phật giáo Đại Thừa phải chăng
không thiết thực, nên dễ bị các nước khác xâm chiếm. Các nước Hồi
Giáo hiện nay là của Phật giáo Đại Thừa. Và tình trạng Phật giáo Tây
Tạng ngày nay? Xin vui lòng giải thích, tôi rất hoang mang.
- Kính chào.
- Trần Thiện Thành.
Trả lời:
Phật tử Trần Thiện Thành mến,
Vấn đề mà Phật tử còn chưa sáng
tỏ, có lẽ không phải riêng bản thân Phật tử mà còn nhiều Phật tử
khác cũng chưa lĩnh hội hết được ý nghĩa của giáo lý Nghiệp Báo -
Duyên Khởi thâm sâu đó. Câu "nhân nào quả nấy" hay "gieo
nhân nào thì gặt quả nấy", thật ra, không phản ánh hết các khía cạnh
của giáo lý nhân quả mà chỉ trình bày một đơn vị rất nhỏ trong toàn
bộ học thuyết Đạo Đức Nhân Quả Nghiệp Báo của Phật giáo mà thôi.
Tiến trình từ nhân đến quả là
quá trình phức hợp, phải hội đủ các duyên, không thể một nhân mà tạo
ra quả được. Làm sao một hạt lúa được tạo thành dé lúa, nếu nó
được quăng trên một mảnh đất không đủ điều kiện để phát triển
như thiếu ánh sáng, phân bón, nước và bàn tay chăm sóc của con người.
Trong trường hợp nó được gieo trồng trên một mảnh đất phì nhiêu,
được chăm bón phân nước, ánh sáng đầy đủ, khi sắp thành dé hay đã
thành dé lúa rồi, nếu không may bị các loại côn trùng phá hoại thì làm
sao thành hạt thóc được.
Cũng vậy, tiến trình từ nhân đến
quả không thể đơn điệu khi có nhân tất có quả, tiến trình này thực
hiện được là nhờ 24 yếu tố hỗ trợ lẫn nhau mà trong Thắng Pháp Tập
Yếu Luận [1] gọi mỗi yếu tố là Duyên (Paccaya). Hai mươi bốn
yếu tố hỗ trợ lẫn nhau này còn gọi là 24 duyên hệ duyên (pa.t.thaanapaccayo),
vì nó phải tuỳ thuộc và phát sinh nhờ các duyên khác. Từ "nhân
duyên" (hetupaccaya) và nghiệp duyên (kammapaccaya) mà ngôn ngữ
bình dân hay bác học đều sử dụng chỉ là 2 trong 24 duyên đó thôi. Đây
chưa kể một số duyên còn lại được phân nhỏ thành 2 như Tăng thượng
duyên lại chia thành Sở tăng thượng duyên và Câu sanh tăng thượng duyên.
Nếu 24 tác nhân này được cấu kết và hoạt động thì quả báo hay nghiệp
quả (kammavipaka) đến sớm hay muộn tuỳ theo mức độ của các
duyên phối hợp đó, thậm chí bị biến dạng hoặc bị triệt tiêu.
Do đó, nghiệp báo của Phật giáo
cũng được chia thành nhiều dạng, tuỳ theo các tác nhân và lộ trình tâm
của chúng sanh mà có các nghiệp tương ứng. Theo tác phẩm Đức Phật và
Phật Pháp của Hoà Thượng Narada, nghiệp có thể chia thành 4 nhóm
chính và mỗi nhóm gồm có 4 loại nghiệp khác nhau, tuỳ theo tính chất của
mỗi loại, như vậy có tất cả 16 loại nghiệp [2]. Ví dụ, loại Nghiệp
tiêu diệt (Upaghaataka) hay Nghiệp vô hiệu lực (Asohi Kamma), thì
ta thấy mệnh đề "nhân nào quả nấy" không thể nào đứng vững
được. Tuy nhiên, nếu nó rơi và Hiện Nghiệp hay Hậu Nghiệp thì câu
"Nhân nào quả nấy" vẫn có giá trị. Cũng cần lưu ý là các loại
nghiệp có thể hỗn hợp mà sinh, nên có trường hợp các quả lành và dữ
đến cùng một lúc.
Câu "Nhân nào quả nấy" như
Phật tử đã đặt vấn đề, khi chính quyền Taliban quyết định phá huỷ
2 pho tượng khổng lồ thuộc di sản thế giới, giả thiết được đặt
ra là có phải do một nhân nào trong quá khứ mà Tăng tín đồ Phật giáo
đã tạo ra? Trong khi đó, lịch sử đã chứng minh là Phật giáo là một
tôn giáo từ bi, chưa hề có một cuộc Thánh chiến khủng khiếp nào như Hồi
giáo hay Thiên Chúa giáo, chưa hề vay mượn một giọt máu đào nào của
nhân dân để tô son tôn gíáo của mình, tại sao lại phải nhận quả báo
đau thương như vậy? Trong lý duyên khởi trùng trùng vô tận , với nhục
nhãn của chúng ta không thể thông suốt quá khứ , hiện tại, vị lai như
chư Phật Thế Tôn được, nhưng chúng ta không thể đoan chắc rằng, hành
động phá huỷ văn hoá và khiêu khích của Hồi giáo như vậy là do Phật
tử đã tạo ác nghiệp của thời quá khứ, đã vay nợ giờ đây phải trả.
Có trường hợp ta nhận quả, mà có trường hợp họ gieo nhân. Trong trường
hợp này, theo thiển ý của người viết, Phật giáo chưa hề gieo nhân
"chiến tranh thần thánh" (holy war), chưa hề gieo nhân "bắt người
khác phải cải đạo", chưa hề gieo nhân " kêu gọi tín đồ đập
phá đền thờ của các tôn giáo khác". Điều này đã được lịch sử
Phật giáo chứng minh hùng hồn qua từng trang sử truyền bá đạo lý từ
bi, trí tuệ, giác ngộ đến khắp các nước xưa cũng như nay. Do dó, người
viết khẳng định rằng, việc phá huỷ các pho tượng Phật , Bồ-tát và
Thánh Tăng và các di tích lịch sử tại Afghanistan vừa qua là ác nghiệp của
Hồi giáo cực đoan thuộc chính quyền Taliban tạo ra, không hề có một
tác nhân can dự nào từ phía Phật giáo cả.
Phần không kém quan trọng mà Phật
tử đặt vấn đề là có phải Phật giáo Đại Thừa vì thiếu tính thiết
thực nên các nước xưa vốn có truyền thống theo Phật giáo Đại Thừa lại
bị các nước khác xâm chiếm? Ở đây xin trình bày rằng, dù là Phật
giáo nào, Nguyên Thuỷ Thượng Toạ Bộ hay Đại Thừa phát triển, nói
chung Phật giáo nào cũng chứa đựng tính thiết thực cả. Nếu nội dung của
giáo pháp không chuyên chở được đặc tính thiết thực hiện tại (Dhammo
sandi.t.thiko) thì không thể gọi là Phật giáo nữa. Vì đặc tính
"giáo pháp thiết thực trong hiện tại" là một trong 6 đặc điểm
không thể thiếu trong giáo Pháp của Đức Phật (Kinh Trường Bộ, Tập
II, Kinh Phúng Tụng, tr. 592). Lại nữa, Phật giáo Trung Hoa, Nhật Bản, Mông
Cổ, Triều Tiên, toàn là Phật giáo Đại Thừa cả, sao không bị tôn giáo
khác đô hộ, đánh bật? Do đó, chúng ta không thể kết tội Phật giáo Đại
Thừa vì thiếu tính chất thiết thực, nghĩa là không triển khai về phương
diện ứng dụng của giáo Pháp nên bị Hồi giáo đánh phá và đô hộ
luôn văn hoá, tôn giáo, đến độ Phật giáo bị mất tích, có lẽ là một
sai lầm lớn!
Nguyên nhân các nước xưa kia vốn
là các nước chịu ảnh hưởng văn hoá Phật giáo mà hiện nay hoàn toàn
theo Hồi giáo và có lần Phật giáo tại Ấn cũng bị diệt vong và mãi cho
tới thế kỷ XIX mới bắt đầu phục hưng lại đã được trình bày sơ
lược trong bài "Hồi
Giáo với Những Thành Tích Phá Hoại: Xưa và Nay" của người
viết.
Riêng phần tình hình Phật giáo tại
Tây Tạng ngày nay cũng là một điều đáng tiếc và chúng ta nên chia xẻ nỗi
mất mát lớn lao của ngưòi dân Tây Tạng. Lưu vong tha phương cầu thực xứ
người, dù có được các nước khác ủng hộ đi nữa, cũng là một điều
tủi nhục cho dân tộc. Một trăm năm sau, Tây Tạng có lẽ chỉ còn lại
là một huyền thoại ?. Ai biết được? Nhân quả nghiệp báo trùng trùng
thật khó mà nói hết, câu chuyện Đức Thế Tôn vì dòng họ Thích Ca phải
đích thân ra tận biên giới để mong chuyển đổi tâm thức của vua Tỳ Lưu
Ly để cứu vãn tình hình chiến tranh của hai nước vẫn còn đâu đây…!
Chính sách và quyền lực của những
người cầm vận mệnh quốc gia có liên hệ mật thiết đến sự hưng suy
của một tôn giáo, một tôn giáo vì nhu cầu của quần chúng, vì an lạc
và hạnh phúc của quần chúng hơn là vì muốn duy trì , củng cố , bành trướng
tôn giáo của mình mà bất chấp mọi thủ đoạn, gieo rắc tai ương, nhiễu
nhương cho dân lành. Do đó, chúng ta hãy cố gắng hết sức mình để làm
những gì có thể để đem Đạo vào đời, đem ánh sáng vào những nơi
tăm tối, chỉ đường cho những người đang phân vân trước ngã ba sinh tử
cuộc đời.
Được như vậy rồi, thì ta cứ
thong dong, tự tại trong cuộc đời, như một vị Thiền Sư đời Lý:
- "Nhậm vận thịnh suy vô bố uý
- Thịnh suy như lộ thảo đầu phô"
- (Vạn Hạnh Thiền Sư)
Xin chúc Phật tử Thiện Thành và
những Phật tử nào có cơ duyên đọc đôi nét gợi ý cho câu hỏi này
thân thường an lạc, tâm giác khai thông, thường hành lợi lạc cho tự
thân và quần sanh.
Chú thích
[1] Xem Thắng Pháp Tập Yếu
Luận, tập II, bản dịch của Hoà Thượng Minh Châu.
[2] Quý Phật tử có thể tham khảo
trong cuốn Đức Phật và Phật Pháp
của Đại Lão Hoà Thượng Narada, do Phạm Kim Khánh dịch.( Tái bản:1994,
Nhà Xuất Bản Thuận Hoá và Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh, tr. 328
– 366)
Quý Phật tử có thể xem thêm: Luận
về Nhân Quả của Thầy Chơn Quang, được đăng trên trang nhà Phật
Quang.
Hoặc xem: "Nhân Quả",
"Nghiệp và Nghiệp Báo" trong Phật
Học Khái Luận của Thượng Toạ Thích Chơn Thiện tại trang
nhà Đạo Phật Ngày Nay.
Hoặc xem bài "Nhân Quả"
trong Phật Học Phổ Thông, tập I, của Hoà Thượng Thiện Hoa.
http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/5nhanquaTaliban.htm
Xem cư-sĩ Chính-Trực giải đáp