- Vấn đề Kinh điển ngụy tạo
- Pháp Tịnh hỏi, Thích Giác Hoàng
trả lời
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni
Phật!
Con có câu hỏi về nguồn gốc
của một số Kinh như Kinh Thủ Lăng Nghiêm,
bộ ba Kinh A Di-Di-Đà, Kinh Dược Sư và Kinh Địa Tạng. Quý Hoà Thượng như HT. Nhất
Hạnh, HT. Thanh Từ khi giảng về các Kinh này thường mở đầu đại khái
như: “Kinh này xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ sáu, v.v…” có ý
nói Kinh được soạn ra nhiều thế kỷ sau khi Đức Phật nhập diệt. Thầy
Nhật Từ trong bài mở đầu quyển Kinh Nhật Tụng, cũng viết đại khái:
“Các Kinh như Kinh Địa Tạng có tính
chất van xin ân huệ, không hợp với tinh thần giác ngộ giải thoát của
Phật giáo…” Thầy Chơn Quang ở trong nước thì không kiêng nể gì,
tuyên bố “Kinh A-Di-Đà và Kinh Địa Tạng đều là những Kinh ngụy tạo.”
(Trong khi đó Phật tử đều biết được nguồn gốc của Kinh Pháp Bảo Đàn, Kinh Thuỷ Sám và Lương Hoàng Sám). Thái độ úp mở hoặc
ý kiến riêng của chư vị Tăng Ni làm cho Phật tử hoang mang một cách vô
ích. Con xin quý Thầy giảng về việc này.
Kính,
Pháp Tịnh.
******
Xin chào Phật tử Pháp Tịnh,
Xét về phương diện lịch sử,
các Kinh mà Phật tử vừa đề cập trên quả là ra đời rất muộn. Vẫn
biết rằng tất cả Kinh điển là do các bậc đại đệ tử của Đức Phật
nhớ và biên tập lại, nhưng dựa vào ngôn ngữ và nội dung của các Kinh
đó, các nhà nghiên cứu Phật học uyên bác, đặc biệt là chư Tăng Ni cũng như các giới nghiên cứu, học giả
đều thừa nhận có những bộ kinh ra đời hơi muộn hoặc rất muộn và tư
tưởng có đôi phần không tương hợp
với tinh thần Phật giáo thuở ban đầu. Theo như Thầy hiểu, các bộ Kinh ra đời sau được những vị
có chức năng truyền bá giáo pháp thời ấy phương tiện, quyền biến trước
tác, rồi ghi là Kinh do đức Phật thuyết.
Dưới ánh sáng của những nhà
nghiên cứu có phương pháp, dựa vào văn bản học hoặc khảo cổ học, chúng
ta không thể phủ nhận giá trị công trình khám phá của họ. Mặc dầu
các công trình khám phá đó chưa hẳn là có lợi đối với những người
có niềm tin mãnh liệt đối với Kinh điển lâu nay mà các vị ấy đã thọ
trì. Quý Thầy đã từng gặp các Phật tử đâm hoảng khi nghe các Thầy
trình bày sự thật này. Nhiều vị còn cố chấp cho rằng, không lấy gì
làm bằng chứng để chúng ta tin rằng Kinh
nào do
Phật thuyết hay không? Nếu đã như vậy thì chúng ta nên áp dụng bài Kinh
đức Phật dạy cho dân chúng Kàlàma trong Tăng Chi Bộ (Tập I, Phẩm Lớn, 65, ĐTKVN, tr.338) thì
hay hơn hết. Theo tinh thần bài Kinh này thì đức Phật cho phép quý Phật tử
trắc nghiệm lại lời của quý Thầy, vì lời dạy cao quý của đức Phật
mà đức Phật còn cho phép chúng ta nghi ngờ huống gì là lời của quý Thầy!
Điều quan trọng là đến với giáo pháp có học
hỏi được điều tốt hay không và vận
dụng như thế nào cho hành trình vạn
dặm của mình.
Như Phật tử đã đề cập một
đoạn trong Phụ Lục III: Về Một Bộ Kinh Thánh
Phật Giáo trong Kinh Tụng Hằng
Ngày (Kinh Nhật Tụng) do Thầy Nhật
Từ biên soạn và tái bản năm 2002, trong phần Đối với tuyển tập Kinh thánh Đại thừa,
có đoạn viết “Không nên giới thiệu các
Kinh Dược Sư, Địa Tạng và các kinh thần chú, vì tính chất
van xin và cầu nguyện trong các Kinh này đã đi ngược lại với tinh thần
lời dạy nguyên thủy của đức Phật.” Như Phật tử thấy, thực
trạng của Phật giáo hiện nay, nhiều Phật tử chỉ đi chùa cầu nguyện
và làm các khoá lễ cầu siêu, khi có thân nhân mất liền thỉnh quý Thầy,
Phật tử hoặc thầy cúng tụng mười bộ hoặc vài chục bộ Địa Tạng
để gọi là “cầu siêu” cho người quá vãng. Theo tinh thần Phật Pháp
mà nói, nếu một người còn sống không lo tu hành, giả như biết đọc tụng tôn kinh, nhưng không tu hành
thì khi chết dù có tụng nhiều biến kinh đi nữa cũng không hiệu quả. Đạo
Phật rất tôn trọng nhân quả. Đạo Phật không chấp nhận sự ban phước
của một bậc tối cao hoặc thần
linh nào.
Nói như vậy, không có nghĩa là
quý Thầy phản bác việc tụng Kinh Địa Tạng, mà chỉ muốn nói rằng
người Phật tử không nên xem Kinh Địa Tạng
hoặc Kinh Dược Sư như là bùa hộ mạng, là chiếc
phao cho người qua biển. Người Phật tử cần nên thọ trì các bộ Kinh
khác như Pháp Hoa, Niết-bàn, Bảo Tích, Hoa Nghêm, Lăng Nghiêm, Kim Cang, v.v…cũng
như các bộ Kinh điển hệ Nam truyền để từ đó hiểu được Phật Pháp
sâu rộng hơn, vận dụng giáo lý vào đời sống thực tiễn hơn.
Ngày nay Phật tử các chùa đều biết
đến bộ Kinh Địa Tạng, Pháp Hoa, hoặc
Dược Sư, chứ ít Phật tử biết được
các bộ Kinh Đại Thừa uyên áo khác như
Lăng Nghiêm, Kim Cang, v.v... Điều này lỗi là do các Thầy trụ trì hoặc
các vị pháp sư hướng dẫn. Rất nhiều vị còn tin rằng tụng Kinh như Dược
Sư, Địa Tạng mới có thể cầu siêu cho cha mẹ hoặc thân nhân, còn tụng
các bộ Kinh khác chỉ khiến cho bản thân bị nghiệp đổ, nóng nảy, v.v..
Lại nữa, Kinh Dược Sư dường như là
phương tiện để tạo mối liên hệ giữa đức Phật Dược Sư với người
bệnh, nên khi có người bệnh thì đem Kinh
Dược Sư ra trì tụng cùng với các nghi thức như đốt 49 ngọn đèn để
cầu nguyện, thì quả rõ ràng là không hợp với tinh thần “hãy tự thắp
đuốc lên mà đi” của Phật giáo. Các Kinh đó làm cho một số người
chưa hiểu biết nhiều về đạo Phật, họ phải thốt lên sao đạo Phật
giống thần quyền quá vậy? Người nào biết lịch sử các tôn giáo khác
thì nói Phật giáo sao mà giống các tôn giáo thời bán khai quá vậy? Các
ông thần chi phối con người nhiều quá? Rồi
họ hỏi đạo Phật có phải là đạo đa thần giáo không? Nói như vậy không
phải là quý Thầy đồng ý việc
bác bỏ hết mọi khía cạnh tích cực khác của Kinh như dạy về đạo hiếu
thảo của người làm con, đạo lý nhân quả,v.v…trong các bài Kinh đó,
mà chỉ muốn nói lên rằng người có chức năng truyền bá chánh pháp cần
phải giới thiệu các Kinh khác để Phật tử đọc có thể hiểu và tu đúng
như lời Phật dạy.
Ngẫm nghĩ lại, thời Phật còn
tại thế, Ngài không bảo chư Tăng tụng đám hoặc bảo chư Phật tử đem
Kinh ra để cầu siêu cho người quá cố
như chúng ta ngày nay. Chư Tỳ-kheo chỉ
tụng đọc lại lời Phật dạy để nhớ mà tu tập là chủ yếu, chứ
không có tụng Kinh để cầu nguyện cho vong hồn ai cả. Nói như vậy không
có nghĩa là quý Thầy bác bỏ tụng kinh, niệm Phật hoặc các thời khoá của
chùa, mà chỉ muốn thưa rằng tụng Kinh không nhất thiết phải tụng một
bộ Kinh nào, vì Kinh nào nếu chuyển tải được diệu lý của lời Phật
dạy đều đáng được trì tụng. Do đó, đọc
càng nhiều bộ Kinh khác nhau để thấy được bao quát lời dạy
của Phật, chúng ta ít mắc kẹt vào
các pháp. Xin giới thiệu đến quý Phật tử bài Ý Nghĩa của Tụng Kinh trong
cuốn Kinh Tụng Hằng Ngày do Thầy Nhật
Từ biên soạn.
Còn vấn đề khác cũng khá
quan trọng mà vấn đề Phật tử đã đưa ra, đó là khái niệm “Kinh điển
nguỵ tạo” (Apocrypha). Khái niệm này được các học giả phương Tây sử
dụng rộng rãi trong sách cũng như trong từ điển. Không phải một mình Thầy
Chơn Quang dùng khái niệm này để chỉ cho các Kinh ra đời rất muộn. Điều
này người viết cũng đã trình bày một hai lần trong các bài viết cho một
số Phật tử khác. Có lẽ khái niệm “ngụy tạo” này nên được thay
đổi cũng nên, vì từ “ngụy tạo” (apocryphal) làm cho người ta có cảm
tưởng một điều gì đó lường gạt, giả dối, không tốt, nhưng thực
chất nội dung của các Kinh đó nhằm đáp ứng
cho một nền văn hoá nào đó mà thời Phật vấn đề đó chưa
được đặt ra. Theo cách nghĩ của bản
thân người viết, chúng ta có thể tạm
sử dụng một từ khác thay cho từ nguỵ tạo,
đó là từ “Kinh văn hoá” hoặc là “Kinh bản địa Trung Hoa”,
hoặc chúng ta có thể sử dụng từ “sáng tạo” thay cho từ “nguỵ tạo”,
vì các từ này nhã hơn và ít gây cho người đọc cảm tưởng một điều
gì gian xảo, dối trá trong Kinh điển !
Cho nên, nếu chư tôn đức
Tăng Ni nào sử dụng khái niệm “nguỵ tạo” cho một số Kinh điển như
Phật tử đã nêu, hoặc một số Kinh khác, như Kinh Vu Lan Bồn, Kinh Phạm Võng thì chúng ta cũng nên tạm
chấp nhận, vì đó là một khái niệm cũ được các học giả sử dụng
nhiều lần thành quen. Nhân tiện, xin giới thiệu đến quý Phật
tử nào biết tiếng Anh tìm đọc cuốn:
Chinese Buddhist Apocrypha (Các Kinh Điển
Phật Giáo Nguỵ Tạo ở Trung Hoa). Đây là một tuyển tập gồm 9 bài viết
và dịch của nhiều học giả có uy tín, cộng với lời giới thiệu của
người biên tập Robert E. Buswell, Jr, được nhà
xuất bản Sri Satguru Publication tại Delhi ấn hành.
Như Phật tử đã trình bày, “thái độ úp mở hoặc
ý kiến riêng của chư vị Tăng Ni làm cho Phật tử hoang mang một cách vô
ích.” Thật ra, có những vấn đề đôi lúc buộc phải đáp ứng tính khế
lý hơn tính khế cơ, buộc người trả lời không có con đường chọn lựa
thứ hai. Ví dụ, một số Kinh điển Đại Thừa hoặc một số Kinh điển
thuộc Thượng Toạ Bộ, nếu có ai hỏi Kinh đó ra đời lúc nào, có phải
do chính Đức Phật tuyên thuyết hay không ? Bản thân Thầy đôi lúc không
thể áp dụng phương pháp trả lời rất dứt khoát, nhưng thiếu linh động “Yes hay No” (Có hay không) của
một số người (người Mỹ thường có thói quen này), mà chỉ áp dụng
tinh thần của Á Đông hơn, nghĩa là cần thì
có một câu trả lời thoả đáng và đưa ra một đáp án cụ
thể, minh bạch, có thể chứng minh một cách đàng hoàng, ngược lại thì
cũng trả lời như thế nào đó cho
phù hợp với tính khế cơ hơn là khế lý.
Như quý Phật tử thấy, khi đề
cập đến Kinh điển thuộc một tông phái hoặc niềm tin của một pháp
môn là đụng đến bao triệu con tim, điều đó không còn là vấn đề cá
nhân nữa. Quý Thầy rất ý thức được việc này, nhưng thỉnh thoảng phải
thực hành hạnh “trực ngôn là đạo tràng” trong Kinh Duy Ma, đành phải như thế.
Chúc Phật tử thân tâm thường
an lạc và vững niềm tin đối với chánh pháp, nỗ lực tu tập để mình
và người được nhiều hạnh phúc, an vui.
http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/kinhnguytao.htm