Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Phật giáo giải thích thế nào về  linh hồn, nhân quả
trong con người vô tính
Nhật Huy hỏi; Thích Giác Hoàng trả lời

Nam mô A-di-đà Phật.

Kính bạch Thầy,

Ngày nay y học hiện đại đã thực hiện  được con người và động vật vô tính, họ có thể tạo ra vô số con người tuỳ ý. Trong trường hợp này  linh hồn đó đâu mà có. Xin Thầy cho con rõ Phật giáo giải thích như thế nào về  linh hồn, nhân quả... trong con người vô tính này.

Con xin cám ơn Thầy

Nhật Huy


 

Phật tử Nhật Huy mến,

Trước nhất, Thầy đại diện Ban phụ trách HTPH gởi lời chúc lành đến Phật tử, cũng như tán thán tinh thần học hỏi giáo pháp của Phật tử, cầu chúc Phật tử luôn có tinh thần  cầu học của người con Phật như Phật tử đã có.

Dựa theo câu hỏi của Phật tử, Thầy tuần tự  trình bày một vài ý như sau:

1. Linh hồn từ đâu mà có khi khoa học có thể tạo ra vô số con người và động vật  tính?

Trong quá trình trao đổi với Phật tử  khác lúc trước, cũng có một số Phật tử đặt vấn đề với quý Thầy là tại sao dân số của loài người cứ gia tăng, nếu nói theo Đạo Phật thì mỗi chúng sanh đều có thức, vậy thì đáng lẽ ra dân số loài người không tăng không giảm mới đúng, hoặc là tổng số loài người và động vật luôn luôn bằng nhau chứ?  Tương tự, bây giờ Phật tử lại đặt vấn đề động vật vô tính được các nhà y học tạo ra vô số nếu họ muốn, thì thần thức của người kia từ đâu đến? Cả hai câu hỏi trên đều có cùng nội dung là làm thế nào để xác định trong nhân thể có thần thức, mà Phật tử gọi là linh hồn?

Trước nhất cũng xin lưu ý với độc giả là khái niệm “linh hồn” (soul // spirit) không được giới Phật giáo dùng đến,  mà lại dùng từ “thức” hay “thần thức” (vi~n~na.øna // consciousness) để chỉ cho trạng thái tâm thể  của tất cả loài hữu tình. Vì hệ thống Bà-la-môn giáo cho rằng con người chỉ là một mảnh vụn của thực thể Đại ngã (Bràma.n), con người là một àtman (tiểu ngã) bất hoại, thường nhiên như vậy, dù có trải qua trăm kiếp ngàn đời sanh tử luân hồi đi nữa thì àtma đó vẫn như nhiên, thường tại bất biến (prak.rti) vượt thời gian và không gian. Trong khi đó, Phật giáo hoàn toàn bác bỏ quan niệm trên, lại cho rằng thần thức con người tuôn chảy như thác nước (hằng chuyển như bộc lưu), không cố định, đông đặc. Do đó, thần thức của người không phải là một thực thể thường hằng bất biến, như học thuyết của Bà-la-môn giáo, mà nó luôn vận động, nhuốm màu tuỳ theo quan niệm, cách sống của chúng ta, nên từ Đức Phật  cho đến các vị Luận Sư sau này đều dùng từ thức (vi~n~nà.na) để chỉ cho các trạng thái của tâm, mà không dùng từ àtma (tiểu ngã) như Bà-la-môn.

Khái niệm “linh hồn”, nếu được hiểu theo nghĩa nôm na của dân gian Việt Nam và Trung Quốc là cái thần hồn còn lại sau khi thân xác tan hoại, nó không mất, mà có thể đi đầu thai,  nếu hiểu như vậy thì trong trường hợp này nó đồng nghĩa với chữ thần thức trong đạo Phật,  ở đây tạm chấp nhận. Nhưng ở đây, người viết  dùng từ “thần thức” thay cho  từ “linh hồn” phù hợp với cách dùng từ của Phật giáo hơn.

Theo thế giới quan Phật giáo, cũng như khoa học ngày nay đã khám phá được, ngoài sự sống trên hành tinh này còn có sự sống ngoài hành tinh khác nữa. Không phải vũ trụ này chỉ có một hành tinh của chúng ta có sự sống, mà có hàng trăm tỷ thiên hà; trong mỗi thiên hà có hàng chục tỷ sao, trái đất chúng ta đây cũng chỉ là một tinh cầu hay một ngôi sao nhỏ xíu trong vô số tinh cầu  trong các dãy thiên hà mà thôi. Do đó, trong Kinh nói là vô số chúng sanh ở các cõi tuỳ theo phước đức và nghiệp lực mà tái sanh đến các  cõi khác nhau, cũng do nghiệp lực mà khiến cho chúng sanh phải tái sanh chỗ này hay chỗ kia. Chính vì vậy mà trong Kinh  Đức Phật dạy thế giới này là thế giới do nghiệp tạo (nghiệp lực duyên khởi) là vậy.

Ngày nay khoa học đang trên đà phát triển gia tốc, có thể cấy ghép các tinh dịch và noãn bào của nam nữ trong các phòng thí nghiệm để tạo con người theo ý muốn, như vậy dựa trên cơ sở khoa học sinh vật, một con người được ra đời chỉ cần hội đủ các điều kiện về vật lý như khả năng sinh sản của người cha và mẹ, thời gian rụng trứng của người mẹ, điều kiện nuôi dưỡng thai bào đầy đủ thì   nhân mạng ấy có thể ra đời. Dựa vào cơ sở khoa sinh vật học, người ta vội kết luận rằng  một con người ra đời hoàn toàn không hề có tác động của một thần thức gì cả!?

Thời Phật tại thế, ngoại đạo Ajita Kesakambali cũng đưa ra học thuyết duy vật tương tự như vậy, không tin nhân quả tội phước, kiếp sau, thần thức, nghiệp báo mà chủ trương thuyết đoạn diệt luận (natthikavàda), cho rằng con người chỉ là sản phẩm của tứ đại, sau khi chết thì bốn yếu tố: đất, nước, gió, lửa trả về cho tứ đại, thế là hết! Học thuyết này bị Đức Phật lên tiếng phủ bác  được trình bày trong Kinh Sa-môn Qua? (số 2) thuộc Trường Bộ.

Thế kỷ XIX và XX  vừa qua với những thành tựu khoa học đáng kể đã góp phần cho xã hội loài người thêm văn minh về mặt vật chất, kỹ thuật. Giai đoạn này những triết gia duy vật dựa trên thành tựu của khoa học cũng ra đời, cho rằng, con người chỉ là sản phẩm của gien hay của các nhiễm sắc thể, hay nói cách khác chỉ là sản phẩm của cơ chế vật chất!

Điều này cũng đã làm bối rối không biết bao nhiêu Phật tử có tinh thần chuộng khoa học, những gì có thể chứng minh được qua hệ thống kiểm nghiệm đong đo cân đếm, và nghĩ rằng Đạo Phật đã bị khoa học chinh phục, Đạo Phật không bàn đến những vấn đề di truyền học, những quá trình thụ thai hay quá trình cấy tạo gien nhân tạo.v.v... Do đó, họ liền chối từ đạo Phật và đặt niềm tin vào khoa học và theo đuổi cái mà họ cho là khoa học văn minh.

 Theo như lời Đức Phật trình bày về sự ra đời của một  con người nói riêng và thế giới động vật nói chung, được ghi lại trong Đại Kinh Đoạn Tận Ái  (số 38) trong Trung Bộ, là cần hội đủ 3 điều kiện như sau:   (1) Sự giao hợp giữa cha và mẹ, (2) Người mẹ trong thời kỳ có thể thụ thai, và (3) có một hương ấm (gandhabba) xuất hiện, tức là một thần thức chúng sanh vào bụng bà mẹ. Phải hội đủ 3 điều kiện căn bản này, một bào thai của loài người mới thành tựu.

Lại nữa Kinh Assalayana (số 93) thuộc Trung Bộ có một đoạn cũng trình bày hiện tượng trên thông qua lời giải đáp của bảy ẩn sĩ Bà-la-môn với ẩn sĩ Asita Devala giống như  ý trên:

“- Chư tôn giả, chư tôn giả có biết nhập thai là như thế nào?”

“- Thưa tôn giả, chúng con biết nhập thai như thế này. Ở đây, mẹ cha phải giao hợp, người mẹ phải trong thời (có thể thọ thai), hương ấm (gandhabha) phải hiện hữu. Ba sự như vậy có hội đủ thì nhập thai mới thành tựu.”

Qua đó, chúng ta nhận thấy sự hạn chế, sự bất toàn của khoa học. Khoa học ngày nay có tiến bộ cũng chỉ đạt đến trình độ về phương diện kiểm nghiệm trên bề mặt vật lý như  Đức Phật  trình bày 2 yếu tố đầu. Khoa sinh học ngày nay cũng không vượt qua 2 nguyên tắc này, mà họ chỉ khai triển chi tiết hơn dưới cặp mắt của nhà khoa học, họ cho rằng nam nữ giao hợp, các tinh trùng  có các nhiễm sắc thể của người nam vào các ống dẫn trứng của nữ và đúng thời kỳ rụng trứng của quá trình sinh học của phụ nữ, thì một bào thai được hình thành. Điều này rất giống với những gì Đức Phật đưa ra là phải có tác nhân của cha và mẹ, đúng thời kỳ rụng trứng của người mẹ, nhưng họ thiếu hẳn và hoàn toàn không lý giải được sự hiện hữu của một hương ấm (gandhabha) hay một kiết sanh thức vào bụng người mẹ.

Khoa y học hiện đại, họ có thể cấy ghép các gien của nam nữ trong các ống thí nghiệm,  một con người có thể ra đời, vậy đâu có thần thức? Nếu khoa học thành công thật sự  trong việc này thì các công trình  nghiên cứu   các ống nghiệm đó cũng không qua được bộ máy nuôi nấng bảo quản thai nhi của người mẹ, nghĩa là cùng lắm chỉ là bộ phận nuôi nấng thai nhi của phụ nữ mà thôi. Dù trong hiện nay ngành này cũng chưa phải là ngành được ưa chuộng và phổ biến, vì nó tốn kém tiền bạc, công sức mà chẳng có lợi ích gì trên mọi phương diện. Trên thực tế, khắp thế giới đều kêu gọi và đề bạc chương trình hạn chế sinh đẻ (birth control)  để giữ mức thăng bằng kinh tế và duy trì tuổi thọ cho trái đất. Việc tạo ra con người vô tính này chưa kể đến các chứng bịnh ngặt nghèo hoặc dị dạng mà “người ống nghiệm” phải ghánh chịu.

Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, con người tiến bộ có thể cấy ghép con người theo ý muốn và bảo đảm 100% về bộ não để tư duy, có tính cách, tình cảm của con người thật sự thì các con người đó, thì theo quan điểm của nhà Phật vẫn có một thức tác động vào. Chúng ta thấy, ngay cả khi thụ thai thông thường của một người, chúng ta cũng không thể thấy được sự can dự của một hương ấm với cặp mắt thường và dù có khoa học tiến bộ tới đâu cũng không thể thấy được. Trong trường hợp tương tự, nếu khoa học tạo ra được một mạng sống tương   đối gọi là con người, theo quan điểm của Đạo Phật vẫn có một thức đi vào mà nhục nhãn của chúng ta không thể  nhận ra được mà thôi.

 

2. Làm sao giải thích được thần thức và nhân quả trong con người vô tính này?

Như trên đã nói, nếu khoa học tạo ra được một con người với đầy đủ trí năng và lương tri của một con người thật sự, thì quả thần thức của con người đó cũng giống như một người bình thường trong xã hội ngày nay. Còn nếu chưa tạo ra được một con người bình thường mà là những con người dị dạng, tật nguyền thì cũng có một thần thức của một người nghiệp lực nặng nề  mà họ đã tạo, bây giờ khiến họ bị lực hấp dẫn của nghiệp mà đi vào thân đó làm chỗ nương của thức.

Thật ra khó mà giải thích hết mọi góc cạnh của vấn đề này. Trong xã hội hiện nay, không biết bao cha mẹ có trí óc minh mẫn, có tâm hồn trong sáng, có tâm thương người mến vật, nhưng  con cái của họ vẫn bị bệnh mất trí, thiếu lương tri, độc ác. Ngược lại, có nhiều cha mẹ thiếu điều kiện học vấn, không có điều kiện được giáo dục tốt, độc ác, thiếu nhân cách nhưng con cái vẫn lịch thiệp, mẫn thế, khả ái, mẫn tuệ...

Lại nữa, nhân quả lại là một vấn đề hết sức phức tạp. Ngay cả khi trường hợp bình thường, đơn giản nhiều khi chúng ta cũng không thể lý giải một cách trọn vẹn, huống chi là những trường hợp ngoại lệ. Nếu những con người được tạo ra là do thành tựu khoa học, có lẽ họ đã tạo ra nghiệp nhân chia lìa thân nhân, bà con quyến thuộc của người khác đến cực điểm, nên nay vừa ra đời liền không có sự thương yêu chăm sóc triều mến của bàn tay cha và mẹ! Nếu họ bị dị dạng,  tâm trí bất bình thường thì cũng là quả báo của kiếp trước biết chừng giết người, giết động vật để thoả mãn óc tò mò, hoặc ly gián tình cảm, phá tán gia sản của người khác, nên kiếp này mới chịu quả như vậy! Nói chung là không có một quả nào mà không có nhân quá khứ, chỉ do mắt phàm chúng ta không thấy được mà thôi.

Cho nên, dù khoa học tiến bộ tới đâu cũng không thể nào chứng minh được quá trình nhân quả của tâm. Các khoa học gia có thể chứng minh được quá trình nhân quả của các dạng vật chất, nhưng không thể nào chứng minh được quá trình nhân quả của nghiệp lực. Họ cần được giáo pháp nhân quả đạo đức của Đức Từ Phụ soi sáng, để có thể thấy được chân trời cao viễn hơn.

Chúc Phật tử thân tâm thường an lạc, có niềm tin kiên cố với giáo pháp và tinh tấn học hỏi hơn nữa để đạt đến an lạc thật sự ngay trong kiếp này.

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/linhhon_cua_nguoivotinh.htm

 


Vào mạng: 7-11-2001

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang