- Kinh Trung bộ
- HT. Thích Minh Châu dịch
Phần XX
(92) Kinh Sela
(93) Kinh Assalayana
(94) Kinh Ghotamukha
(95) Kinh Canki
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn du hành ở
Anguttarapa cùng với đại chúng Tỷ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, và
đi đến một thị trấn của Anguttarapa tên là Apana. Bện tóc Keniya được
nghe: "Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Sakya, du hành ở
Anguttarapa cùng với đại chúng Tỷ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, và
đã đến Apana. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây về Tôn giả Gotama được
khởi lên: "Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh
Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu,
Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ
thế giới này cùng với Thiên giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng
Sa-môn, Bà-la-môn, các loài Trời và loài Người. Khi đã chứng ngộ, Ngài
còn tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện,
trung thiện, hậu thiện văn nghĩa đầy đủ. Ngài truyền dạy Phạm hạnh
hoàn toàn đầy đủ, trong sạch. Tốt đẹp thay sự chiêm ngưỡng một vị
A-la-hán như vậy ! ".
Rồi bện tóc Keniya đi đến Thế Tôn,
sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi
nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một
bên. Thế Tôn với pháp thoại khai thị cho bện tóc Keniya đang ngồi một bên,
khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Bện tóc Keniya sau khi được
Thế Tôn với pháp thoại khai thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho
hoan hỷ, liền bạch Thế Tôn:
– Mong Tôn giả Gotama nhận lời mời
của con ngày mai dùng cơm với chúng Tỷ-kheo.
Được nghe nói vậy, Thế Tôn nói
với bện tóc Keniya:
– Này Keniya, chúng Tỷ-kheo rất lớn,
đến một ngàn hai trăm năm mươi Tỷ-kheo, và Ông có lòng tín thành với
các Bà-la-môn.
Lần thứ hai, bện tóc Keniya bạch
Thế Tôn:
– Thưa Tôn giả Gotama, dầu chúng
Tỷ-kheo rất lớn, đến một ngàn hai trăm năm mươi Tỷ-kheo, và dầu con
có lòng tín thành với các Bà-la-môn, mong Tôn giả Gotama nhận lời mời của
con, ngày mai dùng cơm với chúng Tỷ-kheo !
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với bện
tóc Keniya:
– Này Keniya, chúng Tỷ-kheo rất lớn,
đến một ngàn hai trăm năm mươi Tỷ-kheo, và Ông có lòng tín thành với
các Bà-la-môn.
Lần thứ ba, bện tóc Keniya bạch
Thế Tôn:
– Thưa Tôn giả Gotama, dầu chúng
Tỷ-kheo rất lớn, đến một ngàn hai trăm năm mươi Tỷ-kheo, và dầu con
có lòng tín thành với các vị Bà-la-môn, mong Tôn giả Gotama nhận lời mời
của con, ngày mai dùng cơm với chúng Tỷ-kheo !
Thế Tôn im lặng nhận lời. Bện
tóc Keniya, sau khi được biết Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng
dậy, đi đến tịnh xá của mình, sau khi đến liền bảo các thân hữu,
bà con huyết thống:
– Quý vị Thân hữu, bà con huyết
thống hãy nghe tôi. Sa-môn Gotama đã được tôi mời ngày mai đến dùng cơm
với chúng Tỷ-kheo. Vậy Quý vị hãy tự thân giúp việc cho tôi.
– Thưa vâng, Tôn giả.
Các thân hữu, bà con huyết thống
của bện tóc Keniya vâng đáp bện tóc Keniya. Có người thời đào hố
(làm lò nấu); có người bửa củi; có người rửa chén bát; có người sắp
đặt ghè nước; có người sửa soạn ghế ngồi; còn bện tóc Keniya tự
mình dựng lên một giàn hoa hình tròn (Mandalamala?). Lúc bấy giờ Bà-la-môn
Sela trú tại Apana, vị này tinh thông ba tập Veda, với tự vựng, lễ nghi,
ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện, thông hiểu từ ngữ và văn phạm,
thâm hiểu Thuận thế luận và Đại nhân tướng. Vị này dạy chú thuật
(manta) cho ba trăm thanh niên Bà-la-môn. Lúc bấy giờ bện tóc Keniya có lòng
tín thành với Bà-la-môn Sela. Rồi Bà-la-môn Sela, với ba trăm thanh niên
Bà-la-môn vây quanh, tản bộ du hành đi đến tinh xá của bện tóc Keniya.
Bà-la-môn Sela thấy tại tinh xá của bện tóc Keniya, có người thời đào
hố (làm lò nấu); có người bửa củi; có người rửa chén bát; có người
sắp đặt ghè nước; có người sửa soạn ghế ngồi; còn bện tóc Keniya
tự mình dựng lên một giàn hoa hình tròn. Thấy vậy, Bà-la-môn Sela bèn
nói với bện tóc Keniya:
– Có phải bện tóc Keniya sẽ rước
dâu hay sẽ đưa dâu, hay một đại tế đàn được chuẩn bị, hay vua
Seniya Bimbisara nước Magadha được mời ngày mai với cả binh lực ?
– Thưa Tôn giả Sela, tôi không có
rước dâu, cũng không đưa dâu, vua Seniya Bimbisara nước Magadha không có
được mời ngày mai với cả binh lực, nhưng tôi chuẩn bị một đại tế
đàn. Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích-ca, nay đang du
hành ở Anguttarapa với đại chúng Tỷ-kheo gồm một ngàn hai trăm năm
mươi Tỷ-kheo, đã đến Anguttarapa. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được
khởi lên về Tôn giả Gotama: "... (như trên)... Phật, Thế Tôn". Vị
ấy được con mời ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỷ-kheo.
– Tôn giả Keniya, có phải Ông
nói đức Phật ?
– Tôn giả Sela, vâng tôi nói đức
Phật.
– Tôn giả Keniya, có phải Ông
nói đức Phật ?
– Tôn giả Sela, vâng tôi nói đức
Phật.
Rồi Tôn giả Bà-la-môn Sela suy nghĩ:
"Chỉ một âm thanh đức Phật này cũng khó tìm được trong đời. Theo
Thánh điển của chúng ta được truyền lại về ba mươi hai Đại nhân tướng,
những ai có ba mươi hai tướng ấy sẽ chọn một trong hai con đường, không
có con đường nào khác: nếu là tại gia, sẽ thành vị Chuyển luân Thánh
vương chinh phục mọi quốc độ, đầy đủ bảy món báu. Bảy món báu
này là xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu và thứ
bảy là tướng quân báu. Và vị này có hơn một ngàn con trai là những vị
anh hùng, oai phong lẫm liệt, chiến thắng ngoại quân. Vị này sống thống
lãnh quả đất cùng tận cho đến đại dương, và trị vì với Chánh
pháp, không dùng gậy, không dùng đao. Nếu vị này xuất gia, từ bỏ gia đình,
sống không gia đình, vị này sẽ chứng quả A-la-hán, Chánh Đẳng Giác,
quét sạch mê lầm ở đời. Này Tôn giả Keniya, nay Tôn giả Gotama ấy, bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy trú ở đâu ?
Khi nghe nói vậy, bện tóc Keniya, duỗi
cánh tay mặt, nói với Bà-la-môn Sela:
– Tôn giả Sela, tại ngôi rừng
xanh kia.
Rồi Bà-la-môn Sela, với ba trăm
thanh niên đi đến Thế Tôn. Bà-la-môn bảo những thanh niên ấy:
– Quý vị hãy đến một cách im lặng,
đặt chân xuống từng bước một, các bậc Thế Tôn ấy như con sư tử sống
một mình, rất khó đến gần (hay ưa thích an tịnh – Durasada). Nếu ta có
thảo luận với Sa-môn Gotama, chư Tôn giả chớ ngắt lời ta. Chư Tôn giả
hãy chờ ta nói xong.
Rồi Bà-la-môn Sela đi đến Thế Tôn,
sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói
lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi
xuống một bên, Bà-la-môn Sela tìm xem ba mươi hai Đại nhân tướng trên
thân Thế Tôn, Bà-la-môn Sela thấy phần lớn ba mươi hai Đại nhân tướng
trên thân Thế Tôn, trừ hai tướng. Đối với hai Đại nhân tướng ấy,
nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, tức
là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài. Rồi Thế Tôn suy nghĩ:
"Bà-la-môn Sela này thấy trên thân Ta phần lớn ba mươi hai Đại nhân
tướng, trừ hai tướng, đối với hai Đại nhân tướng ấy, nghi hoặc
sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, tức là tướng
mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài". Thế Tôn liền dùng thần
thông khiến Bà-la-môn Sela thấy được tướng mã âm tàng của Thế Tôn,
và Thế Tôn le lưỡi, rờ đến, liếm đến hai lỗ tai; rờ đến, liếm đến
hai lỗ mũi, và dùng lưỡi le khắp cả vùng trán. Rồi Bà-la-môn Sela suy
nghĩ: "Sa-môn Gotama thành tựu ba mươi hai Đại nhân tướng một cách
đầy đủ, không phải không đầy đủ, nhưng ta chưa biết vị ấy là Phật
hay không phải Phật. Tuy vậy, ta có nghe các vị Bà-la-môn niên cao, lạp lớn,
các bậc Tôn sư, Đại Tôn sư, nói như sau: "Các Thế Tôn ấy, những bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, khi những lời tán thán của những bậc ấy
được nói đến, các bậc ấy tự hiện hình ra". Vậy ta hãy trước mặt
Thế Tôn tán thán những bài kệ xứng đáng". Rồi Bà-la-môn Sela, tán
thán trước mặt Sa-môn Gotama những bài kệ xứng đáng như sau:
- Thân trọn đủ chói sáng,
- Khéo sanh và đẹp đẽ,
- Thế Tôn sắc vàng chói,
- Răng trơn, láng, tinh cần.
- Đối với người khéo sanh,
- Những tướng tốt trang trọng,
- Đều có trên thân Ngài,
- Tất cả Đại nhân tướng.
- Mắt sáng, mặt tròn đầy,
- Cân đối, thẳng, hoàn mỹ,
- Giữa chúng Sa-môn Tăng,
- Ngài chói như mặt trời.
- Đẹp mắt vị Tỷ-kheo,
- Da sáng như vàng chói,
- Với hạnh Sa-môn, Ngài
- Cần gì sắc tối thượng.
- Ngài xứng bậc Đại vương,
- Chuyển Luân, bậc Điều Ngự,
- Chiến thắng khắp thiên hạ,
- Bậc tối thượng Diêm-phù.
- Vương tộc, hào phú vương,
- Là chư hầu của Ngài,
- Là vua giữa các vua,
- Là Giáo chủ loài Người.
- Hãy trị vì quốc độ,
- Tôn giả Gotama !
Thế Tôn liền trả lời:
- Sela, Ta là vua,
- Bậc Pháp vương vô thượng,
- Ta chuyển bánh xe pháp,
- Bánh xe chưa từng chuyển.
(Sela):
- Ngài tự nhận Giác giả
- Sela lại hỏi thêm,
- "Bậc Pháp vương vô thượng,
- Ta chuyển bánh xe Pháp",
- Ngài trả lời như vậy.
- Tôn giả Gotama,
- Ai sẽ là tướng quân ?
- Là Tôn giả đệ tử ?
- Vị đệ tử tín thành ?
- Xứng đáng bậc Đạo sư ?
- Sau Ngài, ai sẽ chuyển,
- Pháp luân Ngài đã chuyển ?
(Thế Tôn):
- Này Sela,
- Ta chuyển bánh xe Pháp,
- Bánh xe Pháp vô thượng.
- Chính Sariputta,
- Chuyển bánh xe Chánh Pháp,
- Thừa tự Như Lai vị.
- Cần biết, Ta đã biết,
- Cần tu, Ta đã tu,
- Cần bỏ, Ta đã bỏ.
- Do vậy Ta là Phật,
- Ôi, Tôn giả Phạm chí !
- Còn gì nghi ở Ta,
- Hãy gác bỏ một bên,
- Hãy giải thoát khỏi chúng,
- Ôi, Tôn giả Phạm chí !
- Thấy được bậc Chánh Giác,
- Thật thiên nan vạn nan,
- Bậc Chánh Giác ra đời,
- Thật thiên nan vạn nan !
- Ta là bậc Chánh Giác,
- Bậc Y vương vô thượng,
- Ôi, Tôn giả Phạm chí !
- Là Phạm thiên khó sánh,
- Nhiếp phục các ma quân.
- Hàng phục mọi đối nghịch,
- Ta sống tâm hoan hỷ,
- Không sợ hãi một ai,
- Không từ đâu run sợ.
(Sela):
- Chư Tôn giả, hãy nghe !
- Như bậc có mắt giảng,
- Bậc Y vương, Anh hùng,
- Sư tử rống rừng sâu.
- Thấy Phạm thiên vô tỷ,
- Nhiếp phục các ma quân,
- Ai lại không tín thành,
- Cho đến kẻ hạ tiện.
- Ai muốn, hãy theo Ta,
- Không muốn, hãy ra đi,
- Ở đây, Ta xuất gia,
- Bậc Trí Tuệ tối thượng !
(Các Bà-la-môn):
- Nếu Tôn giả tín thành,
- Giáo pháp bậc Chánh Giác,
- Chúng con cũng xuất gia,
- Bậc Trí Tuệ tối thượng !
(Sela):
- Ba trăm Phạm chí ấy,
- Chắp tay xin được phép:
- Chúng con sống Phạm hạnh,
- Do Thế Tôn lãnh đạo !
- Thế Tôn đáp: Sela,
- Phạm hạnh được khéo giảng,
- Thiết thực ngay hiện tại,
- Vượt khỏi thời gian tính.
- Ở đây sự xuất gia,
- Không uổng công hoang phí,
- Với ai không phóng dật,
- Tinh tấn chuyên tu học.
Bà-la-môn Sela cùng với hội chúng
được xuất gia dưới sự lãnh đạo Thế Tôn, được thọ đại giới.
Rồi Bà-la-môn Keniya, sau đêm ấy,
tại tinh xá của mình, sau khi cho sửa soạn các món ăn thượng vị, loại
cứng và loại mềm xong, liền báo thời giờ lên Thế Tôn: "Tôn giả
Gotama, đã đến giờ ! Cơm đã sửa soạn xong". Rồi Thế Tôn vào buổi
sáng đắp y, cầm y bát, đi đến tinh xá của bện tóc Keniya, sau khi đến,
liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn cùng với chúng Tỷ-kheo. Rồi bện tóc
Keniya sau khi tự tay mời chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu và
làm cho thỏa mãn với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Rồi
bện tóc Keniya, sau khi Thế Tôn ăn xong, tay đã rời khỏi bát, liền lấy một
ghế ngồi thấp khác và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với bện tóc
Keniya lời tùy hỷ công đức với những bài kệ sau đây:
- Tế đàn là tối thượng,
- Trong các lễ tế lửa,
- Savitti là tối thượng,
- Giữa bài thơ Veda.
- Vua là bậc tối thượng,
- Giữa thế giới loài Người,
- Đại dương là tối thượng,
- Giữa các loại sống ngòi.
- Mặt trăng là tối thượng,
- Giữa các vì sao sáng,
- Chúng Tăng thật tối thượng,
- Với những ai bố thí,
- Tâm mong ước nguyện cầu,
- (Gặt hái nhiều) công đức.
Thế Tôn sau khi dùng bài kệ này
nói những lời tùy hỷ công đức với bện tóc Keniya, từ chỗ ngồi đứng
dậy và ra đi.
Rồi Tôn giả Sela với hội chúng sống
một mình an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, cần mẫn. Và không bao
lâu, Tôn giả chứng được mục đích tối cao mà các Thiện nam tử đã xuất
gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Đó là vô thượng
Phạm hạnh ngay trong hiện tại, tự chứng đạt và an trú. Sanh đã tận,
Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này sẽ không
có đời sống khác nữa. Vị này biết như vậy và Tôn giả Sela với hội
chúng trở thành các vị A-la-hán. Rồi Tôn giả Sela với hội chúng đi đến
Thế Tôn, sau khi đến, đắp y vào một bên vai, chắp tay hướng đến Thế
Tôn và đọc lên Thế Tôn bài kệ sau đây:
- Kính bạch bậc Pháp Nhãn,
- Cách đây trước tám ngày,
- Chúng con đã đến Ngài,
- Xin (phát nguyện) quy y.
- Thế Tôn trong bảy đêm,
- Đã nhiếp phục chúng con,
- (Đã chế ngự chúng con),
- Trong giáo lý của Ngài.
- Ngài là bậc Giác Giả,
- Ngài là bậc Đạo Sư,
- Ngài là bậc Mâu-ni,
- Đã chiến thắng quần ma.
- Sau khi Ngài đoạn trừ,
- Vượt qua (biển sanh tử),
- Ngài giúp quần sanh này,
- Cùng vượt qua (bể khổ).
- Sanh y Ngài vượt qua,
- Lậu hoặc Ngài nghiền nát,
- Ngài là Sư tử (chúa),
- Không chấp, không sợ hãi.
- Ba trăm Tỷ-kheo này,
- Đồng chắp tay đứng thẳng,
- Ôi anh hùng chiến thắng,
- Hãy duỗi chân bước tới.
- Hãy để các Đại nhân
- Đảnh lễ bậc Đạo Sư.
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi,
Jetavana, tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Lúc bấy giờ khoảng
năm trăm Bà-la-môn từ nhiều quốc độ khác nhau trú tại Savatthi vì một
vài công việc. Những vị Bà-la-môn ấy suy nghĩ: "Sa-môn Gotama này chủ
trương bốn giai cấp đều thanh tịnh. Ai có thể cùng với Sa-môn Gotama thảo
luận vấn đề này ?" Lúc bấy giờ thanh niên Assalayana trú ở Savatthi,
trẻ tuổi, đầu cạo trọc, chỉ có mười sáu tuổi, tinh thông ba tập
Veda, với tự vựng, lễ nghi, ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện,
thông hiểu từ ngữ và văn phạm, thâm hiểu Thuận thế luận và Đại nhân
tướng. Rồi các Bà-la-môn ấy suy nghĩ: "Thanh niên Assalayana này trú
ở Savatthi, trẻ tuổi, đầu cạo trọc, chỉ có mười sáu tuổi, tinh
thông ba tập Veda, với tự vựng, lễ nghi, ngữ nguyên và thứ năm là các
cổ truyện, thông hiểu từ ngữ và văn phạm, thâm hiểu Thuận thế luận
và Đại nhân tướng. Vị ấy có thể thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn
đề này". Rồi những Bà-la-môn ấy đi đến thanh niên Assalayana, sau
khi đến nói với thanh niên Assalayana:
– Tôn giả Assalayana, Sa-môn Gotama
chủ trương bốn giai cấp đều thanh tịnh. Tôn giả Assalayana hãy đến thảo
luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này.
Khi nghe nói vậy, thanh niên
Assalayana nói với các Bà-la-môn ấy:
– Sa-môn Gotama là vị nói đúng
pháp. Và những ai nói đúng pháp thật rất khó thảo luận. Tôi không có
thể thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này.
Lần thứ hai các Bà-la-môn nói với
thanh niên Assalayana:
– Tôn giả Assalayana, Sa-môn Gotama
này chủ trương bốn giai cấp đều thanh tịnh. Tôn giả Assalayana hãy đến
thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này. Tôn giả Assalayana đã sống
đời sống của vị du hành khất sĩ.
Lần thứ hai, thanh niên Assalayana
nói với các vị Bà-la-môn ấy:
– Sa-môn Gotama là bậc nói đúng
pháp. Và những người nói đúng pháp thật rất khó thảo luận. Tôi không
có thể thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này.
Lần thứ ba, những vị Bà-la-môn
ấy nói với thanh niên Assalayana:
– Tôn giả Assalayana, Sa-môn Gotama
này chủ trương bốn giai cấp đều thanh tịnh. Tôn giả Assalayana, hãy đến
thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này. Tôn giả Assalayana đã sống
đời sống của vị du hành khất sĩ. Tôn giả Assalayana chớ có bị chiến
bại trong một cuộc chiến bại không có binh khí chống cự.
Khi nghe nói vậy, thanh niên
Assalayana nói với các vị Bà-la-môn ấy:
– Thật sự tôi không chấp nhận
được (lời yêu cầu) chư Tôn giả. Tôn giả Gotama là bậc nói đúng
pháp. Và những ai nói đúng pháp thật rất khó thảo luận. Tôi không có
thể thảo luận với Sa-môn Gotama về vấn đề này. Tuy vậy tôi cũng sẽ
đi, như lời chư Tôn giả yêu cầu.
Rồi thanh niên Assalayana cùng với
đại chúng Bà-la-môn đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn
những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi
thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh
niên Assalayana bạch Thế Tôn:
– Thưa Tôn giả Gotama, các vị
Bà-la-môn nói như sau: "Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp tối thượng,
giai cấp khác là hạ liệt; chỉ có Bà-la-môn là màu da trắng, giai cấp
khác là màu da đen; chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các giai cấp phi
Bà-la-môn không được như vậy. Chỉ có Bà-la-môn mới là con chính thống
Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sanh, do Phạm thiên tạo
ra, là con cháu thừa tự Phạm thiên". Ở đây, Tôn giả Gotama nói thế
nào ?
– Nhưng này Assalayana, các nữ
Bà-la-môn, vợ các Bà-la-môn được thấy là có kinh nguyệt, có mang thai,
có sanh con, có cho con bú. Dầu vậy, các vị Bà-la-môn ấy sanh ra từ nữ căn
lại nói: "Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt.
Chỉ có Bà-la-môn là màu da trắng, giai cấp khác là màu da đen; chỉ có
Bà-la-môn là thanh tịnh, các giai cấp phi Bà-la-môn không được như vậy.
Chỉ có Bà-la-môn mới là con chính thống Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm
thiên, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự Phạm thiên".
– Dầu Tôn giả Gotama có nói như
vậy, nhưng các vị Bà-la-môn vẫn tự nghĩ rằng: "Chỉ có Bà-la-môn
là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... là
con cháu thừa tự Phạm thiên".
– Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào
? Ông có nghe chăng ? Tại các biên địa quốc độ khác như Yona và Kamboja,
chỉ có hai giai cấp: chủ nhân và đầy tớ. Sau khi làm chủ nhân, lại trở
thành đầy tớ; sau khi làm đầy tớ, lại trở thành chủ nhân ?
– Thưa vâng, con có nghe. Trong các
quốc độ biên địa như Yona, Kamboja, chỉ có hai giai cấp: chủ nhân và đầy
tớ. Sau khi làm chủ nhân, lại trở thành đầy tớ, sau khi làm đầy tớ,
lại trở thành chủ nhân.
– Ở đây, này Assalayana, do sức mạnh
gì, do xác tín gì của các Bà-la-môn, mà ở đây các vị Bà-la-môn lại
nói: "Chỉ có giai cấp Bà-la-môn là tối thượng, giai cấp khác là hạ
liệt... (như trên)... là con cháu thừa tự Phạm thiên" ?
– Dầu Tôn giả Gotama có nói như
vậy, nhưng ở đây vị Bà-la-môn vẫn nghĩ như sau: "Chỉ có giai cấp
Bà-la-môn là tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... là
con cháu thừa tự Phạm thiên".
– Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào
? Chỉ có người Khattiya (Sát-đế-lỵ) sát sanh, lấy của không cho, có tà
hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm,
có tâm tham, có tâm sân, có tà kiến: sau khi thân hoại mạng chung mới bị
sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Bà-la-môn không phải như
vậy ? Và chỉ có người Vessa và người Sudda sát sanh, lấy của không cho,
có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời
phù phiếm, có tham tâm, có sân tâm, có tà kiến, sau khi thân hoại mang
chung, mới bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Các
Bà-la-môn không phải như vậy ?
– Không phải như vậy, Tôn giả
Gotama. Người Khattiya cũng vậy, Tôn giả Gotama, nếu sát sanh, lấy của
không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu,
nói lời phù phiếm, có tham tâm, có sân tâm, có tà kiến, sau khi thân hoại
mạng chung, cũng bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Bà-la-môn
cũng vậy, Tôn giả Gotama Vessa cũng vậy, Tôn giả Gotama, Sudda cũng vậy, Tôn
giả Gotama. Tất cả bốn giai cấp, Tôn giả Gotama, nếu sát sanh, lấy của
không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu,
nói lời phù phiếm, có tham tâm, có sân tâm, có tà kiến, sau khi thân hoại
mạng chung đều sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
– Ở đây, này Assalayana, do sức mạnh
gì, do xác tín gì của Bà-la-môn, mà các Bà-la-môn lại nói: "Chỉ có
giai cấp Bà-la-môn là tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)...
là con cháu thừa tự Phạm thiên" ?
– Dầu Tôn giả Sa-môn có nói như
vậy, nhưng ở đây, các Bà-la-môn vẫn nghĩ như sau: "Chỉ có
Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)...
là con cháu thừa tự Phạm thiên".
– Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào
? Chỉ có Bà-la-môn từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ
tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ
ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham tâm, không có sân tâm,
(có chánh kiến) sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú,
Thiên giới, cõi đời này. Khattiya không được vậy, Vessa không được vậy,
Sudda không được vậy ?
– Không phải vậy, Tôn giả
Gotama. Khattiya cũng vậy, Tôn giả Gotama, nếu từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy
của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ
nói hai lưỡi, từ bỏ ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham
tâm, không có sân tâm, có chánh kiến, thì sau khi thân hoại mạng chung cũng
được sanh vào thiện thú, Thiên giới; cõi đời này. Bà-la-môn cũng vậy,
Tôn giả Gotama; Vessa cũng vậy, Tôn giả Gotama; Sudda cũng vậy, Tôn giả
Gotama. Tất cả bốn giai cấp, Tôn giả Gotama, nếu từ bỏ sát sanh, từ bỏ
lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ
nói hai lưỡi, từ bỏ ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham
tâm, không có sân tâm, có chánh kiến, thì sau khi thân hoại mạng chung, đều
được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.
– Ở đây, này Assalayana, do sức mạnh
gì, do xác tín gì của Bà-la-môn, mà các Bà-la-môn lại nói: "Chỉ có
Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)...
là con cháu thừa tự Phạm thiên". ?
– Dầu Tôn giả Gotama có nói như
vậy, nhưng ở đây, các Bà-la-môn vẫn nghĩ rằng: "Chỉ có Bà-la-môn
là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... là
con cháu thừa tự Phạm thiện".
– Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào
? Chỉ có Bà-la-môn mới có thể trong quốc độ này tu tập từ tâm, không
hận, không sân, Khattiya không thể được, Vessa không thể được, Sudda không
thể được ?
– Không phải vậy, Tôn giả
Gotama. Khattiya, Tôn giả Gotama, cũng có thể trong quốc độ này tu tập từ
tâm, không hận, không sân. Bà-la-môn cũng vậy, Tôn giả Gotama; Vessa cũng vậy,
Tôn giả Gotama; Sudda cũng vậy, Tôn giả Gotama. Tất cả bốn giai cấp, Tôn
giả Gotama, đều có thể trong quốc độ này tu tập từ tâm, không hận,
không sân.
– Ở đây, này Assalayana, do sức mạnh
gì, do xác tín gì của Bà-la-môn, mà ở đây các Bà-la-môn lại nói như
sau: "Bà-la-môn là giai cấp tối thương, giai cấp khác là hạ liệt...
(như trên)... là con cháu thừa tự Phạm thiên" ?
– Dầu Tôn giả Gotama có nói như
vậy, nhưng ở đây các Bà-la-môn vẫn nghĩ rằng: "Bà-la-môn là giai cấp
tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... là con cháu thừa
tự Phạm thiên).
– Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào
? Chỉ có Bà-la-môn mới có thể, sau khi cầm cào lưng và bột tắm đi đến
sông tắm sạch bụi bặm, Khattiya không thể được, Vessa không thể được,
Sudda không thể được ?
– Không phải vậy, thưa Tôn giả
Gotama. Tôn giả Gotama, Khattiya cũng có thể, sau khi cầm cào lưng và bột tắm,
đi đến sông tắm sạch bụi bặm. Bà-la-môn cũng vậy Tôn giả Gotama;
Vessa cũng vậy, Tôn giả Gotama; Sudda cũng vậy, Tôn giả Gotama. Tất cả bốn
giai cấp, Tôn giả Gotama, đều có thể, sau khi cầm cào lưng và bột tắm,
đi đến sông tắm sạch bụi bặm.
– Ở đây, này Assalayana, do sức mạnh
gì, xác tín gì của các Bà-la-môn, mà ở đây các Bà-la-môn lại nói như
sau: "Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt...
(như trên)... là con cháu thừa tự Phạm thiên" ?
– Dầu Tôn giả Gotama có nói như
vậy, nhưng ở đây các Bà-la-môn vẫn nghĩ như sau: "Bà-la-môn là giai
cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... là con cháu
thừa tự Phạm thiên".
– Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào
? Ở đây, nếu có vua Khattiya đã làm lễ quán đảnh, cho hội họp một
trăm người thuộc nhiều chủng tánh khác nhau và nói: "Quý vị hãy đến
đây, quý vị nào thuộc gia đình Khattiya, thuộc gia đình Bà-la-môn, sanh ra
từ hoàng tộc, hãy đem đến phần trên của đồ quay lửa, bằng cây sala,
hay cây salala, hay cây chiên-đàn, hay cây sen, quay cho lửa và sức nóng hiện
ra. Còn những người thuộc gia đình Chiên-đà-la (hạ tiện), thuộc gia đình
săn bắn, thuộc gia đình làm đồ tre, thuộc gia đình làm xe cộ, thuộc
gia đình đổ phân, hãy đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa làm bằng
gỗ máng chó ăn, hay máng heo ăn, hay máng giặt đồ, hay củi khô từ cây y
lan (elanda: cây thu đủ thầu dầu), và quay cho bậc lửa và sức nóng hiện
ra". Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào ? Có phải chỉ có ngọn lửa được
nhen lên và sức nóng được tạo ra từ người thuộc gia đình Khattiya, thuộc
gia đình Bà-la-môn sanh từ hoàng tộc, sau khi đem đến bộ phận trên của
đồ quay lửa, làm bằng cây sala, hay cây salala, hay cây chiên-đàn, hay cây
sen, chỉ có lửa ấy mới có ngọn, mới có màu sắc, mới có ánh sáng,
và chỉ có ngọn lửa ấy mới dùng được vào các công việc do lửa đem
lại. Còn ngọn lửa được nhen lên và sức nóng được tạo ra từ người
thuộc gia đình hạ tiện, thuộc gia đình săn bắn, thuộc gia đình làm đồ
tre, thuộc gia đình làm xe cộ, thuộc gia đình làm đổ phân, sau khi đem đến
bộ phận trên của đồ quay lửa làm bằng gỗ máng chó ăn, hay máng heo
ăn, hay máng giặt đồ, hay củi khô từ cây y-lan, lửa ấy không có ngọn,
không có màu sắc, không có ánh sáng, và ngọn lửa ấy không có thể dùng
được vào các công việc do lửa đem lại ?
– Không phải vậy, thưa Tôn giả
Gotama. Ngọn lửa được nhen lên, sức nóng được tạo ra, Tôn giả Gotama,
từ người thuộc gia đình Khattiya, thuộc gia đình Bà-la-môn sanh từ hoàng
tộc, sau khi đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa, làm bằng cây
sala, hay cây salala, hay cây chiên-đàn, hay cây sen, lửa ấy có ngọn, có
màu sắc, có ánh sáng, ngọn lửa ấy dùng được vào các công việc do lửa
đem lại. Và ngọn lửa được nhen lên, và sức nóng được tạo ra từ
người thuộc gia đình hạ tiện, thuộc gia đình săn bắn, thuộc gia đình
làm đồ tre, thuộc gia đình làm xe cộ, thuộc gia đình đổ phân, sau khi
đem đến bộ phận trên của đồ quay lửa, làm bằng gỗ máng chó ăn, hay
máng heo ăn, hay máng giặt đồ, hay củi khô từ cây y-lan, lửa ấy cũng có
ngọn, cũng có màu sắc, cũng có ánh sáng, và ngọn lửa ấy có thể dùng
được vào công việc do lửa đem lại. Thưa Tôn giả Gotama, tất cả loại
lửa đều có ngọn, đều có màu sắc, đều có ánh sáng; tất cả loại lửa
đều có thể được dùng vào các công việc do lửa đem lại.
– Ở đây, này Assalayana, do sức mạnh
gì, do xác tín gì của các Bà-la-môn mà các Bà-la-môn ở đây lại nói:
"Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt.
Chỉ có Bà-la-môn là da trắng,, giai cấp khác là da đen. Chỉ có Bà-la-môn
là thanh tịnh, các giai cấp phi Bà-la-môn không phải như vậy. Chỉ có
Bà-la-môn mới là con chính thống Phạm thiên, sanh ra từ miệng Phạm
thiên, do Phạm thiên sanh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự Phạm
thiên" ?
– Dầu Tôn giả Gotama có nói như
vậy, nhưng ở đây các Bà-la-môn vẫn nghĩ như sau: "Chỉ có Bà-la-môn
là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... là
con cháu thừa tự Phạm thiên".
– Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào
? Ở đây một nam tử Khattiya cưới một nữ nhân Bà-la-môn làm vợ. Do
hôn phối này, họ sanh được đứa con trai. Đứa con trai ấy sanh ra từ
nam tử Khattiya và nữ nhân Bà-la-môn. Nó giống mẹ nó hay giống cha nó;
nó được gọi là Khattiya hay được gọi là Ba La Môn ?
– Thưa Tôn giả Gotama, đứa con
trai ấy sanh ra từ nam tử Khattiya và nữ nhân Bà-la-môn; nó giống mẹ nó
và cũng giống cha nó, và được gọi là Khattiya và cũng được gọi là
Bà-la-môn.
– Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào
? Ở đây, một nam tử Bà-la-môn cưới một nữ nhân Khattiya và do hôn phối
này, họ sanh được đứa con trai. Người con trai ấy được sanh từ nam tử
Bà-la-môn và nữ nhân Khattiya; nó giống mẹ nó, hay giống cha nó; nó được
gọi là Khattiya, (hay) cũng được gọi là Bà-la-môn ?
– Thưa Tôn giả Gotama, người con
trai sanh ra từ nam tử Bà-la-môn và nữ nhân Khattiya; nó giống mẹ nó; và
giống cha nó, và nó được gọi là Khattiya, và cũng được gọi là
Bà-la-môn.
– Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào
? Ở đây, có con ngựa cái giao phối với con lừa. Do sự giao phối này,
chúng sanh được con la. Con la ấy sanh ra từ con ngựa cái và con lừa; nó
giống mẹ nó, hay giống cha nó; nó được gọi là ngựa, hay nó được gọi
là lừa ?
– Tôn giả Gotama, do sự giao phối
khác giống như vậy, nó là con la. Đó là sự sai khác, thưa Tôn giả
Gotama, mà tôi thấy ở đây. Nhưng ở chỗ khác, đối với sự vật khác,
tôi không thấy sai biệt gì.
– Này Assalayana, Ông nghĩ thế nào
? Ở đây, có hai anh em thanh niên, đồng mẹ khác cha; một người đọc tụng,
thông hiểu Thánh điển; một người không đọc tụng, không hiểu Thánh
điển. Ở đây, giữa hai vị này, các Bà-la-môn sẽ cúng dường ai trước
các vật cúng cho người chết, các thực vật tế đàn, các món ăn trong các
lễ hy sinh, các đồ ăn đãi khách ?
– Thưa Tôn giả Gotama, vị thanh
niên nào đọc tụng, thông hiểu Thánh điển, các Bà-la-môn sẽ cúng dường
người ấy trước, các vật cúng cho người chết, các thực vật tế đàn,
các món ăn trong các lễ hy sinh, các đồ ăn đãi khách. Bởi vì, thưa Tôn
giả Gotama, cúng dường cho người không đọc tụng, không thông hiểu
Thánh điển làm sao có quả lớn được.
– Này Assalayana, nhà ngươi nghĩ thế
nào ? Ở đây, có hai anh em thanh niên (Bà-la-môn) đồng mẹ khác cha; một
người đọc tụng thông hiểu Thánh điển, theo ác giới, hành ác pháp; một
người không đọc tụng, không thông hiểu Thánh điển, trì giới, hành thiện
pháp. Ở đây, các người Bà-la-môn cúng dường cho ai trước các vật
cúng cho người chết, các thực vật tế đàn, các món ăn trong các lễ hy
sinh, hay các đồ ăn đãi khách ?
– Thưa Tôn giả Gotama, vị thanh
niên nào không đọc tụng, không thông hiểu Thánh điển, nhưng trì giới,
hành thiện pháp; ở đây, các Bà-la-môn cúng dường cho người ấy trước,
các vật cúng cho người chết, các thực vật tế đàn, các món ăn trong các
lễ hy sinh, hay các đồ ăn đãi khách. Bởi vì, thưa Tôn giả Gotama, cúng dường
cho người theo ác giới, hành ác pháp làm sao có quả lớn được !
– Này Assalayana, trước hết Ông
đi về sanh chủng. Bỏ sanh chủng, Ông đi về Thánh điển. Bỏ Thánh điển,
Ông đi về sự thanh tịnh của bốn giai cấp mà Ta đã chủ trương.
Nghe nói vậy, thanh niên Assalayana ngồi
im lặng, ủ rủ, co vai, cúi đầu, sững sờ, mở miệng không ra lời.
Rồi Thế Tôn sau khi biết được
thanh niên Assalayana im lặng ủ rủ, co vai, cúi đầu, sững sờ, mở miệng
không ra lời, liền nói với thanh niên Assalayana:
– Thuở xưa, này Assalayana, trong
khi bảy ẩn sĩ Bà-la-môn thảo luận trong những am thất bằng lá tại một
khu rừng, ác kiến sau đây được khởi lên: "Bà-la-môn là giai cấp tối
thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... là con cháu thừa tự
Phạm thiên". Này Assalayana, ẩn sĩ Asita Devala được nghe: "Trong khi
bảy ẩn sĩ Bà-la-môn thảo luận trong những am thất bằng lá, tại một
khu rừng, ác kiến sau đây được khởi lên: "Bà-la-môn là giai cấp tối
thượng, giai cấp khác là hạ liệt... (như trên)... con cháu thừa tự Phạm
thiên". ? Ẩn sĩ Asita Devala, sau khi sửa soạn râu tóc, đắp y vải màu
đỏ tía, đi dép với nhiều lớp (đường viền) kiên cố, cầm một cây gậy
bằng vàng, liền hiện ra trong hành lang am thất của bảy vị ẩn sĩ Bà-la-môn.
Rồi này Assalayana, ẩn sĩ Asita Devala đi qua, đi lại trong hành lang am thất
của bảy vị ẩn sĩ Bà-la-môn và nói:
– "Nay những Tôn giả ẩn sĩ
Bà-la-môn này đi đâu ? Nay những Tôn giả ẩn sĩ Bà-la-môn này đi đâu
?"
Rồi này Assalayana, bảy vị ẩn sĩ
Bà-la-môn suy nghĩ như sau: "Kẻ kia là ai đang đi qua lại trong hành lang
am thất bảy vị ẩn sĩ Bà-la-môn như một con bò đi vòng tròn, lại nói
như sau: "Nay những vị ẩn sĩ Bà-la-môn này đi đâu ? Nay những vị
ẩn sĩ Bà-la-môn này đi đâu ?" Chúng ta hãy dùng chú thuật trù yếm
Ông ta". Rồi này Assalayana, bảy ẩn sĩ Bà-la-môn dùng chú thuật trù yếm
ẩn sĩ Asita Devala: "Hãy trở thành tro tàn hạ liệt". Nhưng này
Assalayana, bảy ẩn sĩ càng dùng chú thuật trù yếm, ẩn sĩ Asita Devala càng
trở thành đẹp đẽ, trở thành dễ nhìn, trở thành khả ái. Rồi này
Assalayana, bảy vị ẩn sĩ Bà-la-môn suy nghĩ như sau: "Thật trống rỗng
thay, khổ hạnh của chúng ta ! Phạm hạnh của chúng ta không có hiệu quả.
Trước kia, khi chúng ta dùng chú thuật trù yếm người nào: "Hãy trở
thành tro tàn hạ liệt" Người ấy trở thành tro tàn ngay. Nhưng nay chúng
ta càng dùng chú thuật trù yếm người này, người này lại càng trở nên
đẹp đẽ, trở thành dễ nhìn, trở thành khả ái".
"– Khổ hạnh, chư Tôn giả,
không phải trống rỗng, Phạm hạnh (quý vị) không phải không hiệu quả.
Chư Tôn giả, hãy từ bỏ tâm oán hận đối với ta".
"– Có tâm oán hận nào đối
với Tôn giả, chúng tôi sẽ bỏ. Tôn giả là ai ?"
"– Chư Tôn giả có nghe nói đến
ẩn sĩ Asita Devala không ?"
"_ Thưa có nghe, Tôn giả".
"– Chư Tôn giả, vị ấy là
ta".
Rồi này Assalayana, bảy ẩn sĩ Bà-la-môn
đến đảnh lễ ẩn sĩ Asita Devala. Rồi ẩn sĩ Asita Devala nói với bảy
ẩn sĩ Bà-la-môn:
"– Chư Tôn giả, tôi có nghe
như sau: "Trong khi bảy vị ẩn sĩ Bà-la-môn thảo luận tại am thất bằng
lá trong khu rừng, ác tà kiến như sau khởi lên: Chỉ có Bà-la-môn là giai
cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt. Chỉ có Bà-la-môn màu da trắng,
giai cấp khác màu da đen. Chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các giai cấp phi
Bà-la-môn không được như vậy. Chỉ có Bà-la-môn là con chính thống Phạm
thiên, sanh ra từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sanh, do Phạm thiên tạo
ra, là con cháu thừa tự Phạm thiên".
"– Thưa vâng, Tôn giả".
"– Nhưng chư Tôn giả, chư tôn
giả có biết mẹ sanh của họ chỉ giao hợp với các Bà-la-môn, không với
phi Bà-la-môn ?"
"– Thưa không vậy, Tôn giả".
"– Nhưng chư Tôn giả, chư Tôn
giả có biết mẹ sanh của họ, cho đến bảy đời tổ mẫu của họ chỉ
giao hợp với các Bà-la-môn, không với phi Bà-la-môn ?"
"– Thưa không vậy, Tôn giả".
"– Nhưng chư Tôn giả, chư Tôn
giả có biết cha sanh của họ chỉ giao hợp với các nữ Bà-la-môn không với
phi nữ Bà-la-môn ?"
"– Thưa không vậy, Tôn giả"
"– Nhưng chư Tôn giả, chư Tôn
giả có biết cha sanh của họ, cho đến bảy đời tổ phụ của họ chỉ
giao hợp với các nữ Bà-la-môn, không với phi Bà-la-môn ?"
"– Không phải vậy, Tôn giả".
"– Chư Tôn giả, chư Tôn giả
có biết nhập thai là như thế nào ?"
"– Thưa Tôn giả, chúng con biết
nhập thai như thế này. Ở đây, mẹ cha phải giao hợp, người mẹ phải
trong thời (có thể thọ sanh), hương ấm (gandhabha) phải hiện hữu, ba sự
như vậy có hòa hợp, nhập thai mới thành tựu".
"– Chư Tôn giả, chư Tôn giả
có biết hương ấm ấy là Khattiya, hay Bà-la-môn, hay Vessa, hay Sudda ?"
"– Thưa Tôn giả, chúng tôi
không biết hương ấm ấy là Khattiya, hay Bà-la-môn, hay Vessa, hay Sudda".
"– Chư Tôn giả, sự tình là
như vậy, chư Tôn giả có biết chư Tôn giả là ai không ?"
"– Thưa Tôn giả, sự tình là
như vậy, chúng tôi không có biết chúng tôi là ai".
Này Assalayana, bảy vị ẩn sĩ Bà-la-môn
ấy bị ẩn sĩ Asita Devala, chất vấn, cật vấn, nạn vấn về vấn đề
sanh chủng (jativada) của họ, không có thể ứng đáp được. Làm sao nay
Ông bị ta chất vấn, cật vấn, nạn vấn về vấn đề sanh chủng của
Ông lại có thể ứng đáp được, khi Ông cùng một Đạo sư với họ và
không có Punna, người biết sử dụng thìa đổ sữa (làm lễ tế tự).
Khi được nói vậy, thanh niên
Assalayana bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, Tôn giả
Gotama ! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Mong Tôn giả Gotama nhận con làm
đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
94. KINH GHOTAMUKHA [^]
Như vầy tôi nghe.
Một thời Tôn giả Udena trú ở
Baranasi (Ba-la-nại), tại rừng xoài Khemiya. Lúc bấy giờ Bà-la-môn
Ghotamukha đến tại Baranasi có một vài công việc. Rồi Bà-la-môn Ghotamukha
tản bộ du hành và đi đến rừng xoài Khemiya. Lúc bấy giờ Tôn giả Udena
đang đi kinh hành ở giữa trời. Rồi Bà-la-môn Ghotamakha đi đến Tôn giả
Udena, sau khi đến nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Tôn giả
Udena, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền nói với
Tôn giả Udena đang đi kinh hành:
– Thưa Tôn giả Sa-môn, không có một
sự xuất gia đúng pháp. Hình như đối với con: vì không thấy một Tôn giả
như Ngài, hay ở đây pháp (ấy) là gì ?
Khi nghe nói vậy, Tôn giả Udena từ
chỗ kinh hành bước xuống, đi vào trong tinh xá (vihara), rồi ngồi xuống
trên chỗ đã soạn sẵn. Bà-la-môn Ghotamukha cũng từ chỗ kinh hành bước
xuống, vào trong tinh xá rồi đứng một bên. Tôn giả Udena nói với
Bà-la-môn Ghotamukha đang đứng một bên:
– Này Bà-la-môn, đây có những ghế
ngồi. Nếu muốn, hãy ngồi xuống.
– Trong khi chúng con đến với Tôn
giả Udena, chúng con không ngồi. Làm sao người như con lại nghĩ đến ngồi
xuống, trước khi được mời.
Rồi Ba La Môn Ghotamukha lấy một ghế
thấp khác rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn
Ghotamukha nói với Tôn giả Udena:
– Thưa Tôn giả Sa-môn, không có sự
xuất gia đúng pháp. Hình như đối với con: vì không thấy một Tôn giả
như Ngài, hay ở đây pháp ấy là gì ?
– Này Bà-la-môn, nếu Ông tán đồng
những gì ta tán đồng, và bài bác những gì cần phải bài bác, và có điều
gì ta nói mà Ông không biết. Ở đây, Ông có thể hỏi thêm ta: "Thưa
Tôn giả Udena, cái này là thế nào ? Ý nghĩa cái này là gì ?" Sau khi sắp
đặt như vậy, ở đây sẽ có cuộc nói chuyện giữa chúng ta.
– Con sẽ tán đồng những gì Tôn
giả Udena tán đồng, và bài bác những gì cần phải bài bác. Và có điều
gì Tôn giả Udena nói mà con không biết. Ở đây, con có thể hỏi thêm Tôn
giả Udena: "Tôn giả Udena, cái này là thế nào ? Ý nghĩa cái này là
gì ?" Sau khi sắp đặt như vậy, ở đây mong sẽ có cuộc nói chuyện
giữa chúng ta.
– Này Bà-la-môn, ở đây có bốn
hạng người này có mặt ở trên đời. Thế nào là bốn ? Ở đây, này
Bà-la-môn có người tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình. Ở
đây, này Bà-la-môn, có người hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người.
Ở đây, này Bà-la-môn, có người vừa tự hành khổ mình, chuyên tâm hành
khổ mình, vừa hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người. Ở đây,
này Bà-la-môn, có người vừa không hành khổ mình, không chuyên tâm hành
khổ mình, vừa không hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ người.
Người ấy không hành khổ mình, không chuyên tâm hành khổ mình, không
hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ người, ngay trong hiện tại không
tham dục, tịch tịnh, cảm thấy mát lạnh, cảm giác lạc thọ, tự ngã
trú vào Phạm thể. Này Bà-la-môn, bốn hạng người này, hạng người nào
được tâm Ông thích ý nhất ?
– Thưa Tôn giả Udena, hạng người
tự hành khổ mình chuyên tâm tự hành khổ mình; hạng người này, tâm con
không thích ý. Thưa Tôn giả Udena, hạng người hành khổ người, chuyên
tâm hành khổ người, hạng người này, tâm con không thích ý. Thưa Tôn giả
Udena, hạng người vừa tự hành khổ mình, chuyện tâm hành khổ mình, vừa
hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người; hạng người này, tâm con
không thích ý. Thưa Tôn giả Udena, hạng người vừa không tự hành khổ
mình, không chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa không hành khổ người, không
chuyên tâm hành khổ người; hạng người không tự hành khổ mình, không
hành khổ người, ngay trong hiện tại, không có tham dục, tịch tịnh, cảm
thấy mát lạnh, cảm giác lạc thọ, tự ngã trú vào Phạm thể, hạng người
này, tâm con thích ý.
– Này Bà-la-môn, vì sao tâm Ông
không thích ý ba hạng người này ?
– Thưa tôn giả Udena, hạng người
tự hành khổ mình, chuyên tâm hành khổ mình, hạng người này hành khổ
mình, hành hạ mình, trong khi tự ao ước lạc, yểm ly khổ. Do vậy, tâm
con không thích ý hạng người này. Thưa Tôn giả Udena, hạng người hành
khổ người, chuyên tâm hành khổ người; hạng người này hành khổ người
khác, hành hạ ngừơi khác, trong khi người khác ao ước lạc, yểm ly khổ.
Do vậy, tâm con không thích ý hạng người này. Thưa Tôn giả Udena, hạng
người vừa hành khổ mình, chuyên tâm hành khổ mình, vừa hành khổ người,
chuyên tâm hành khổ người; hạng người này hành khổ, hành hạ mình và
người khác, trong khi mình và người khác ao ước lạc, yểm ly khổ. Do vậy,
tâm con không thích ý hạng người này. Nhưng thưa Tôn giả Udena, hạng người
vừa không hành khổ mình, không chuyên tâm hành khổ mình, vừa không hành
khổ người, không chuyên tâm hành khổ người, hạng người này không
hành khổ mình, không hành khổ người, ngay trong hiện tại không tham dục,
tịch tịnh, cảm thấy mát lạnh, cảm giác lạc thọ, tự ngã trú vào Phạm
thể. Do vậy, tâm con thích ý hạng người này.
– Này Bà-la-môn, có hai hội chúng
này. Thế nào là hai ? Ở đây, này Bà-la-môn có hội chúng vì tham đắm châu
báu và đồ trang sức, tìm cầu vợ con, tìm cầu đầy tớ nam, đầy tớ nữ,
tìm cầu ruộng đất, tìm cầu vàng bạc. Ở đây, này Ba La Môn, lại có hội
chúng, không tham đắm châu báu và đồ trang sức, từ bỏ vợ con, từ bỏ
đầy tớ nam, đầy tớ nữ, từ bỏ ruộng đất, từ bỏ vàng bạc, xuất
gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Này Bà-la-môn, hạng người vừa
không hành khổ mình, không chuyên tâm hành khổ mình, vừa không hành khổ
người, không chuyên tâm hành khổ người, hạng người không hành khổ
mình, không hành khổ người, ngay trong hiện tại không tham dục, tịch tịnh,
cảm thấy mát lạnh, cảm giác lạc thọ, tự ngã trú vào Phạm thể. Này
Bà-la-môn, trong hội chúng nào Ông thấy phần lớn hạng người này: trong
hội chúng tham đắm châu báu và đồ trang sức, tìm cầu vợ con, tìm cầu
đầy tớ nam, đầy tớ nữ, tìm cầu ruộng đất, tìm cầu vàng bạc, hay
là trong hội chúng không tham đắm châu báu và đồ trang sức, từ bỏ vợ
con, từ bỏ đầy tớ nam, đầy tớ nữ, từ bỏ ruộng đất, từ bỏ vàng
bạc, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình ?
– Tôn giả Udena, hạng người vừa
không hành khổ mình, không chuyên tâm hành khổ mình, vừa không hành khổ
người, không chuyện tâm hành khổ người; hạng người không hành khổ
mình, không hành khổ người, ngay trong hiện tại không tham dục, tịch tịnh,
cảm thấy mát lạnh, cảm giác lạc thọ, tự ngã trú vào Phạm thể; hạng
người này, trong hội chúng không tham đắm châu báu, và đồ trang sức, từ
bỏ vợ con, từ bỏ đầy tớ nam, đầy tớ nữ, từ bỏ ruộng đất, từ
bỏ vàng bạc, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, trong hội
chúng ấy con thấy phần lớn hạng người này.
– Nhưng này Bà-la-môn, nay Ông vừa
mới nói: "Chúng con biết như sau, thưa Tôn giả Sa-môn, không có một sự
xuất gia đúng pháp. Hình như đối với con: vì không thấy một Tôn giả
như Ngài hay ở đây pháp ấy là gì ?"
– Thưa Tôn giả Udena, thật sự lời
nói ấy có lợi ích cho con. Có một sự xuất gia đúng pháp. Ở đây, đối
với con là như vậy, và mong Tôn giả Udena chấp trì con là như vậy. Bốn
hạng người được Tôn giả Udena nói một cách vắn tắt, không giải
thích rộng ra, lành thay, nếu được Tôn giả Udena khởi lòng từ phân
tích rộng rãi cho con bốn hạng người này.
– Này Bà-la-môn, vậy hãy nghe và
suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.
– Thưa vâng, Tôn giả.
Bà-la-môn Ghotamukha vâng đáp Tôn giả
Udena.
Tôn giả Udena nói như sau:
– Và này Bà-la-môn, thế nào là
người tự hành khổ mình, chuyên tâm hành khổ mình ? Ở đây, này
Bà-la-môn, có người sống lõa thể, sống phóng túng, không theo lễ nghi,
liếm tay cho sạch, đi khất thực không chịu bước tới, đi khất thực không
chịu đứng một chỗ, không nhận đồ ăn mang đến, không nhận đồ ăn dành
riêng, không nhận mời đi ăn, không nhận (đồ ăn) từ nơi miệng nồi, không
nhận từ nơi miệng chảo, không nhận tại ngưỡng cửa, không nhận giữa
những cậy gậy, không nhận giữa những cối giã gạo, không nhận từ hai
người đang ăn, không nhận từ người đàn bà có thai, không nhận từ người
đàn bà đang cho con bú, không nhận từ người đàn bà đang (giao cấu) với
người đàn ông, không nhận đồ ăn đi quyên, không nhận tại chỗ có
chó đứng, không nhận tại chỗ có ruồi bu, không ăn cá, ăn thịt, không
uống rượu nấu, rượu men. Vị ấy chỉ nhận ăn tại một nhà, hay chỉ
nhận ăn một miếng, hay vị ấy chỉ nhận ăn tại hai nhà, hay chỉ nhận
ăn hai miếng. Hay vị ấy chỉ nhận ăn tại bảy nhà, hay vị ấy chỉ nhận
ăn bảy miếng. Vị ấy nuôi sống chỉ với một bát, nuôi sống chỉ với
hai bát... nuôi sống chỉ với bảy bát. Vị ấy chỉ ăn một ngày một bữa,
hai ngày một bữa... bảy ngày một bữa... (như kinh Kandaraka số 51, trang
17, 18)
Khi được nói vậy, Bà-la-môn
Ghotamukha nói với Tôn giả Udena:
– Thật vi diệu thay, Tôn giả
Udena ! Thật vi diệu thay, Tôn giả Udena ! Thưa Tôn giả Udena, như người dựng
đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che
kín, chỉ đường cho những người đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong
bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, (Chánh) pháp
đã được Tôn giả Udena dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích.
Con xin quy y Tôn giả Udena, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả
Udena nhận còn làm cư sĩ, từ này cho đến mạng chung, con trọn đời quy
ngưỡng.
– Này Bà-la-môn, chớ có quy y với
ta. Hãy quy y với Thế Tôn, bậc mà ta đã quy y.
– Thưa Tôn giả Udena, nay Tôn giả
Gotama, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ở tại đâu ?
– Này Bà-la-môn, nay Thế Tôn, bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã nhập Niết-bàn.
– Thưa Tôn giả Udena, nếu chúng
con được nghe Tôn giả Gotama ở cách mười do-tuần (yojana), chúng con sẽ
đi mười do-tuần ấy để được yết kiến Tôn giả Gotama, bậc A-la-hán,
Chánh Đẳng Giác. Thưa Tôn giả Udena, nếu chúng con được nghe Tôn giả
Gotama ở cách hai mươi do-tuần... (như trên)... ba mươi do-tuần, bốn mươi
do-tuần, năm mươi do-tuần, chúng con sẽ đi năm mươi do-tuần để được
yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Thưa Tôn giả Udena, nếu
chúng con được nghe Tôn giả Gotama ở cách một trăm do-tuần (yojana), chúng
con sẽ đi một trăm do tuần để được yết kiến Tôn giả Gatama, bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Thưa Tôn giả Udena, vì Tôn giả Gotama đã nhập
Niết-bàn, chúng con xin quy y Tôn giả Gotama đã nhập Niết-bàn, quy y Pháp
và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Udena nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến
mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng. Thưa Tôn giả Udena, vua nước Anga có
cúng dường cho con một bố thí thường xuyên hằng ngày, nay con xin cúng dường
Tôn giả Udena bố thí thường xuyên ấy.
– Này Bà-la-môn, vua nước Anga cúng
dường thường xuyên hằng ngày cho Ông là bao nhiêu ?
– Thưa Tôn giả Udena, năm trăm
Kahapana (đồng tiền vàng).
– Này Bà-la-môn, ta không được
phép nhận vàng và bạc.
– Nếu Tôn giả Udena không được
phép nhận vàng và bạc, con sẽ cho làm một tinh xá cho Tôn giả Udena.
– Này Bà-la-môn, nếu ông muốn
xây dựng một tinh xá cho ta, thì hãy xây dựng một giảng đường cho chúng
Tăng ở Pataliputta.
– Con lại càng bội phần hân
hoan, hoan hỷ, thỏa mãn với Tôn giả Udena, khi Tôn giả khuyến khích con
cúng dường chúng Tăng. Thưa Tôn giả Udena, với bố thí thường xuyên này
và với bố thí thường xuyên khác về sau, con sẽ cho xây dựng một giảng
đường cho chúng Tăng ở Pataliputta.
Rồi Bà-la-môn Ghotamukha với bố
thí thường xuyên này và với bố thí thường xuyên khác về sau, cho xây dựng
một giảng đường cho chúng Tăng ở Pataliputta. Nay giảng đường ấy được
gọi là Ghotamukhi.
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn du hành trong nước
Kosala cùng với Đại chúng Tỷ-kheo, và đi đến một làng Bà-la-môn của
dân chúng Kosala, tên là Opasada. Thế Tôn trú tại Opasada, tại rừng chư Thiên
(Devavana), rừng cây sala (salavana), phía Bắc làng Opasada. Lúc bấy giờ,
Bà-la-môn Canki trú ở Opasada, một chỗ dân cư đông đúc, cây cỏ, ao nước,
lúa gạo phì nhiêu, một vương địa do vua Pasenadi, vua nước Kosala cấp, một
ân tứ của vua, một tịnh ấp. Các Bà-la-môn gia chủ ở Opasada được
nghe: "Sa-môn Gotama... (như kinh Ratthapala, số 82, trang 497-498 thay chữ
Thullakotthita bằng chữ Opasada)... được yết kiến một vị A-la-hán như vậy".
Rồi các Bà-la-môn gia chủ ở Opasada, từng đoàn, từng đoàn lũ lượt đi
ra khỏi Opasada và đi đến ngõ phía Bắc, rừng chư Thiên, rừng cây sala.
Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Canki đi lên trên lầu để nghỉ trưa. Bà-la-môn
Canki thấy các Bà-la-môn gia chủ ở Opasada từng đoàn, từng đoàn lũ lượt
đi ra khỏi Opasada và đi đến ngõ phía Bắc rừng chư Thiên, rừng cây
sala. Thấy vậy, Bà-la-môn Canki bèn gọi người gác cửa:
– Này người Gác cửa, vì sao các
Bà-la-môn gia chủ ở Opasada từng đoàn, từng đoàn lũ lượt đi ra khỏi
Opasada và đi đến ngõ phía Bắc, rừng chư Thiên, rừng cây sala như vậy ?
– Thưa Tôn giả Canki, có Sa-môn
Gotama, dòng họ Thích-ca, xuất gia từ gia tộc Thích-ca đang du hành trong nước
Kosala... (như kinh Ratthapala số 82, trang 497) Phật, Thế Tôn. Nay những người
ấy đi đến yết kiến Tôn giả Gotama.
– Này người Gác cửa, hãy đi đến
các Bà-la-môn gia chủ ở Opasada, khi đến nơi, hãy nói với những
Bà-la-môn gia chủ: "Bà-la-môn Canki có nói: "Này các Hiền giả,
hãy chờ đợi. Bà-la-môn Canki sẽ tự thân hành đến yết kiến Sa-môn
Gotama".
Lúc bấy giờ, có khoảng năm trăm
Bà-la-môn, từ nhiều địa phương khác nhau, đến tại Opasada vì một vài
công vụ. Những Bà-la-môn nghe: "Bà-la-môn Canki sẽ đi yết kiến Sa-môn
Gotama". Những Bà-la-môn ấy đến Bà-la-môn Canki, khi đến xong, liền
thưa với Bà-la-môn Canki:
– Có phải Tôn giả Canki sẽ đến
yết kiến Sa-môn Gotama ?
– Này các Hiền giả, đó là ý định
của ta. Ta sẽ đến yết kiến Sa-môn Gotama.
– Tôn giả Canki, chớ có đến yết
kiến Sa-môn Gotama. Thật không xứng đáng cho tôn giả Canki đến yết kiến
Sa-môn Gotama; trái lại, thật xứng đáng cho Sa-môn Gotama đến yết kiến Tôn
giả Canki. Lại nữa, Tôn giả Canki thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ,
huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ không bị một vết nhơ
nào, không bị một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vì
Tôn giả Canki thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh
cho đến bảy đời tổ phụ, không bị một vết nhơ nào, không bị một
chỉ trích nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Do điểm này, thật
không xứng đáng cho Tôn giả Canki đến yết kiến Sa-môn Gotama; trái lại,
thật xứng đáng cho Sa-môn Gotama đến yết kiết Bà-la-môn Canki. Lại nữa,
Tôn giả Canki là nhà giàu có, đại phú, sung túc... (như trên)... Lại nữa,
Tôn giả Canki là nhà phúng tụng, nhà trì chú, thông hiểu ba tập Veda với
danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền thống là thứ
năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biện tài về Thuận thế luận và
Đại nhân tướng. Tôn giả Canki đẹp trai, khả ái, làm đẹp lòng người,
với màu da thù thắng, khôi ngô tuấn tú, cử chỉ trang nhã, dáng điệu
cao thượng. Tôn giả Canki có giới hạnh, trưởng thành trong giới hạnh,
thành tựu sự trưởng thành trong giới hạnh. Tôn giả Canki thiện ngôn,
dùng lời thiện ngôn, nói lời tao nhã, ý nghĩa minh bạch, giọng nói không
bập bẹ phều phào, giải thích nghĩa lý minh xác. Tôn giả Canki là bậc
Tôn sư của hàng Tôn sư nhiều người, dạy ba trăm thanh niên Bà-la-môn tụng
đọc chú thuật. Tôn giả Candi được vua Pasenadi xứ Kosala kính trọng,
tôn sùng, chiêm ngưỡng, kính lễ, trọng vọng. Tôn giả Canki được Bà-la-môn
Pokkarasati kính trọng, tôn sùng, chiêm ngưỡng, kính lễ, trọng vọng. Tôn
giả Canki sống ở Opasada, một địa phương dân chúng đông đúc, cỏ cây,
ao nước phì nhiêu, lúa gạo sung túc, một vương lãnh địa, một tịnh thí
địa, một ân tứ của vua Pasenadi nước Kosala. Vì rằng Tôn giả Canki sống
ở Opasada... (như trên)... Do điểm này, thật không xứng đáng cho Tôn giả
Canki đến yết kiến Sa-môn Gotama; trái lại, thật xứng đáng cho Sa-môn
Gotama đến yết kiết Tôn giả Canki.
Nghe nói vậy, Bà-la-môn Canki nói với
những vị Bà-la-môn ấy:
– Các Hiền giả hãy nghe ta giải
thích, vì sao thật xứng đáng cho chúng ta đến yết kiến Sa-môn Gotama;
trái lại, thật không xứng đáng cho Sa-môn Gotama đến yết kiến chúng ta.
Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn Gotama thiện sanh cả từ mẫu hệ và
phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không bị một
vết nhơ nào, không bị một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ
sanh. Do điểm này thật không xứng đáng cho Sa-môn Gotama đến yết kiến
chúng ta, trái lại, thật xứng đáng cho chúng ta đến yết kiến Sa-môn
Gotama. Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn Gotama xuất gia, từ bỏ rất
nhiều vàng bạc, bỏ cả loại đang chôn dưới đất lẫn loại trên mặt
đất. Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn Gotama trong tuổi thanh niên,
tóc còn đen nhánh, trong tuổi trẻ đẹp của thời niên thiếu, đã xuất
gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Này các Hiền giả, thật vậy
Sa-môn Gotama, dầu song thân không đồng ý, khóc than, nước mắt thấm ướt
cả mặt, vẫn cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình,
sống không gia đình. Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn Gotama đẹp
trai, khả ái, làm đẹp lòng mọi người với màu da thù thắng, khôi ngô
tuấn tú, cử chỉ trang nhã, dáng điệu cao thượng. Này các Hiền giả, thật
vậy, Sa-môn Gotama có giới hạnh, gìn giữ giới hạnh của bậc Thánh, có
thiện đức, đầy đủ thiện đức. Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn
Gotama thiện ngôn, dùng lời thiện ngôn, nói lời tao nhã, ý nghĩa minh bạch,
giọng nói không bập bẹ, phều phào, giải thích nghĩa lý minh xác. Này
các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn Gotama là bậc Tôn sư các hàng Tôn sư của
nhiều người. Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn Gotama đã diệt trừ
tham dục, đã diệt được mọi xao động của tâm. Này các Hiền giả, thật
vậy, Sa-môn Gotama chủ trương về nghiệp, chủ trương về hành động, đặt
trọng tâm vào chí thiện khi thuyết pháp với chúng Bà-la-môn. Này các Hiền
giả, thật vậy, Sa-môn Gotama xuất gia từ chủng tộc cao quý, từ dòng họ
Sát-đế-lỵ thanh tịnh. Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn Gotama xuất
gia từ chủng tộc khá giả, đại phú, tài sản sung mãn. Này các Hiền giả,
thật vậy, dân chúng băng ngàn vượt biển (băng qua nhiều địa phương,
băng qua nhiều quốc độ) đến hỏi đạo Sa-môn Gotama. Này các Hiền giả,
thật vậy, có hàng ngàn Thiên nhân đến quy y Sa-môn Gotama. Này các Hiền
giả, thật vậy, tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Sa-môn
Gotama: "Ngài là bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh
Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu,
Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn". Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn
Gotama có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc Đại nhân. Này các
Hiền giả, thật vậy, vua Seniya Bimbisara nước Magadha, cùng với vương tử,
cung phi, thị tùng đều quy y Sa-môn Gotama. Này các Hiền giả, thật vậy,
vua Pasenadi nước Kosala, cùng với nương tử, cung phi, thị tùng đều quy y
Sa-môn Gotama. Này các Hiền giả, thật vậy, Bà-la-môn Pokkharasati cùng với
các con, vợ, thị giả đều quy y Sa-môn Gotama. Này các Hiền giả, thật vậy,
Sa-môn Gotama đã đến Opasada, nay đang ở tại Opasada về phía Bắc Opasada,
trong rừng chư Thiên, rừng cây sala. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào đến ruộng
làng chúng ta đều là khách của chúng ta. Đối với khách, chúng ta phải
kính trọng, tôn sùng, chiêm ngưỡng, kính lễ, trọng vọng. Này các Hiền
giả, nay Sa-môn Gotama đã đến Opasada, hiện ở tại Opasada, về phía Bắc
Opasada, trong rừng chư Thiên, rừng cây sala. Như vậy Sa-môn Gotama là khách
của chúng ta. Và đã là khách, chúng ta phải kính trọng, tôn sùng, chiêm
ngưỡng, kính lễ, trọng vọng. Do điểm này, thật không xứng đáng cho
Tôn giả Gotama đến yết kiến chúng ta, trái lại, thật xứng đáng cho
chúng ta đến yết kiến Tôn giả Gotama. Này các Hiền giả, đó là những
ưu điểm mà ta được biết về Tôn giả Gotama. Tôn giả Gotama không phải
có chừng ấy ưu điểm mà thôi. Tôn giả Gotama có đến vô lượng ưu điểm.
Này các Hiền giả, chỉ với một
ưu điểm thôi, thật không xứng đáng cho Tôn giả Gotama đến yết kiến
chúng ta; thật xứng đáng cho chúng ta đến yết kiến Tôn giả Gotama. Vậy
tất cả chúng ta hãy đi đến yết kiến Tôn giả Gotama.
Rồi Bà-la-môn Canki, cùng với đại
chúng Bà-la-môn đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những
lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những người chào đón hỏi thăm
thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi và
nói lên với những Bà-la-môn trưởng thượng những lời thân hữu về vấn
đề này, vấn đề khác. Khi ấy có thanh niên Bà-la-môn tên Kapathika, trẻ
tuổi, đầu cạo trọc, mới có mười sáu tuổi, từ khi sanh, thông hiểu
ba tập Veda với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử
truyền thống là thứ năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biệt tài về
Thuận thế luận và Đại nhân tướng, thanh niên này đang ngồi giữa hội
chúng ấy. Thanh niên này thỉnh thoảng cắt đứt cuộc đàm luận giữa Thế
Tôn và các vị Bà-la-môn trưởng thượng. Rồi Thế Tôn khiển trách thanh
niên Bà-la-môn Kapathika:
– Hiền giả Bharadvaja, chớ có cắt
ngang cuộc đàm luận của các Bà-la-môn trưởng thượng. Hiền giả
Bharadvaja hãy chờ cho đến khi câu chuyện chấm dứt.
Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Canki bạch
Thế Tôn:
– Tôn giả Gotama, chớ có khiển
trách thanh niên Bà-la-môn Kapathika. Thanh niên Bà-la-môn Kapathika là Thiện
nam tử. Thanh niên Bà-la-môn Kapathipa là bậc đa văn. Thanh niên Bà-la-môn
Kapathika phát ngôn thiện xảo. Và thanh niên Bà-la-môn Kapathia là bậc có
trí. Và thanh niên Bà-la-môn Kapathika có thể đàm luận với Tôn giả Gotama
trong vấn đề này.
Thế Tôn nghĩ như sau: "Thật sự
thanh niên Bà-la-môn Kapathika này đã thông hiểu ba tập Veda, và các
Bà-la-môn tôn trọng người này". Và thanh niên Bà-la-môn Kapathika nghĩ
như sau: "Khi nào Sa-môn Gotama lấy mắt nhìn con mắt ta, ta sẽ hỏi
Sa-môn Gotama". Rồi Thế Tôn với tâm tư của mình biết được tâm tư
của thanh niên Bà-la-môn Kapathika liền lấy mắt nhìn thanh niên Bà-la-môn
Kapathika. Thanh niên Bà-la-môn Kapathika suy nghĩ: "Sa-môn Gotama chăm chú
nhìn ta, vậy ta hãy hỏi Sa-môn Gotama một câu hỏi". Rồi thanh niên
Bà-la-môn Kapathika bạch Thế Tôn:
– Thưa Tôn giả Gotama, câu chú thuật
(mantapadam) của các cổ Bà-la-môn y cứ tiếng đồn, truyền thống và
Thánh tạng. Và ở đây, các vị Bà-la-môn chắc chắn đi đến kết luận:
"Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm". Ở đây, Tôn
giả Gotama đã nói gì ?
– Nhưng này Bharadvaja, có một
Bà-la-môn nào giữa các vị Bà-la-môn đã nói như sau: "Tôi biết việc
này, tôi thấy việc này. Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm".
– Thưa không, Tôn giả Gotama.
– Nhưng này Bharadvaja, có một vị
Tôn sư nào của các vị Bà-la-môn, cho đến vị Tôn sư của các vị Tôn sư
trở lui cho đến bảy đời, các vị Đại Tôn sư đã nói như sau: "Chỉ
đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm". ?
– Thưa không, Tôn giả Gotama.
– Nhưng này Bharadvaja, thuở xưa những
vị ẩn sĩ giữa các Bà-la-môn, những tác giả các chú thuật, những nhà
tụng tán các chú thuật, đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những Thánh
cú mà nay những Bà-la-môn hiện tại cũng hát lên, nói lên, đọc lên giống
như các vị trước đã làm. Như là Atthaka, Vamaka, Vamadeva, Vessamitta,
Yamatagggi, Angirasa, Bharadvaja, Vasettha, Kassapa, Bhagu, những vị ấy đã nói như
sau: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm". ?
– Thưa không, Tôn giả Gotama.
– Như vậy này Bharadvaja, không có
một Bà-la-môn nào nói như vậy với một Bà-la-môn: "Tôi biết việc
này, tôi thấy việc này. Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm".
Không có một vị Tôn sư nào của các vị Bà-la-môn, một vị Đại Tôn sư,
cho đến bảy đời, vị Đại Tôn sư đã nói như sau: "Tôi biết việc
này, tôi thấy việc này. Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm".
Thuở xưa những vị ẩn sĩ, giữa các Bà-la-môn, những tác giả các chú
thuật, những nhà tụng tán các chú thuật, đã hát, đã nói lên, đã sưu
tầm những Thánh cú và nay, những Bà-la-môn hiện tại cũng đã hát lên,
nói lên giống như các vị trước đã làm. Như là Attaka, Vamaka, Vamadeva,
Vessamitta, Yamataggi, Angirasa, Bharadvaja, Vasettha, Kassapa, Bhagu, những vị ấy
không có nói như sau: "Chúng tôi biết việc này, chúng tôi thấy việc
này. Chỉ có đây là sự thật, ngoài ta đều là sai lầm". Ví như này,
Bharadvaja, một chuỗi người mù ôm lưng nhau, người trước không thấy, người
giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy; cũng vậy, này
Bharadvaja. Ta nghĩ rằng, lời nói của các Bà-la-môn cũng giống như chuỗi
người mù: người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người
cuối cùng cũng không thấy. Này Bharadvaja, Ông nghĩ thế nào ? Sự kiện là
như vậy, có phải lòng tin của các vị Bà-la-môn trở thành không có căn
cứ ?
– Thưa Tôn giả Gotama, các
Bà-la-môn không phải chỉ dựa trên lòng tin, các Bà-la-môn ở đây còn dựa
trên điều nghe (tùy văn: anussava).
– Trước hết, này Bharadvaja, Ông
đi đến lòng tin, nay Ông nói đến tùy văn. Này Bharadvaja, năm pháp này có
hai quả báo ngay trong hiện tại. Thế nào là năm? Tín, tùy hỷ, tùy văn, cân
nhắc suy tư các lý do và chấp nhận quan điểm. Này Bharadvaja, năm pháp
này có hai quả báo ngay trong hiện tại. Tuy vậy, này Bharadvaja, có điều
được khéo tin tưởng, có thể là trống không, trống rỗng, hư vọng. Trái
lại, có điều không được khéo tin tưởng, có thể là thật, chân, không
thay đổi. Lại nữa này Bharadvaja, có điều được khéo tùy hỷ... (như trên)...
được khéo tùy văn... (như trên)... được khéo cân nhắc suy tư... (như trên)...
được khéo chấp nhận có thể là trống không, trống rỗng, hư vọng. Trái
lại, có điều không được khéo chấp nhận có thể là thật, chân, không
thay đổi. Hộ trì chân lý, này Bharadvaja không đủ để một người có
trí đi đến kết luận một chiều là: "Chỉ đây là sự thật, ngoài
ra đều là sai lầm"
– Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cho đến
mức độ nào là hộ trì chân lý ? Cho đến mức độ nào, chân lý được
hộ trì ? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về hộ trì chân lý.
– Này Bharadvaja, nếu có người có
lòng tin và nói: "Đây là lòng tin của tôi", người ấy hộ trì
chân lý, nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: "Chỉ
đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm". Cho đến như vậy, này
Bharadvaja, là sự hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, chân lý được hộ
trì. Và cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương hộ trì chân lý. Nhưng
ở đây, chưa phải là giác ngộ chân lý. Này Bharadvaja, nếu có người có
lòng tùy hỷ, này Bharadvaja, nếu có người có lòng tùy văn; này Bharadvaja,
nếu có người có sự cân nhắc suy tư các lý do; này Bharadvaja, nếu có người
chấp nhận một quan điểm và nói: "Đây là sự chấp nhận quan điểm
của tôi", người ấy hộ trì chân lý. Nhưng người ấy không đi đến
kết luận một chiều: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra là sai lầm".
Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, này
Bharadvaja, chúng tôi chủ trương hộ trì và cho đến như vậy, này
Bharadvaja, chúng tôi chủ trường hộ trì chân lý. Nhưng ở đây chưa phải
sự giác ngộ chân lý.
– Cho đến như vậy, thưa Tôn giả
Gotama là hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, chân lý
được hộ trì. Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama chúng con nhìn thấy
thộ trì chân lý. Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là
giác ngộ chân lý? Cho đến mức độ nào chân lý được giác ngộ? Chúng
con hỏi Tôn giả Gotama về giác ngộ chân lý?
– Ở đây, này Bharadvaja, Tỷ-kheo
sống gần một làng hay một thị trấn. Một gia chủ hay con trai một gia chủ
đi đến vị ấy và tìm hiểu vị ấy trong ba pháp, tức là tham pháp, sân
pháp, si pháp. Người này nghĩ rằng: "Không hiểu vị Tôn giả ấy có
tham ái hay không, do những tham ái này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi
dầu không biết vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy vẫn nói:
"Tôi thấy," hay xui khiến người khác có những hành động khiến
người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài". Trong khi
xem xét vị ấy, người này biết như sau: "Vị Tôn giả ấy không có
những tham pháp, do những tham pháp này tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi
dầu không biết vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy vẫn nói:
"Tôi thấy"; hay xui khiến người khác có những hành động khiến
người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài. Thân hành của
vị ấy là như vậy, khẩu hành là như vậy, là hành động của một người
không có lòng tham. Còn Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy,
khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị,
được người trí chấp nhận; pháp ấy không thể do một người có lòng
tham khéo giảng". Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch
không có những tham pháp, người kia lại xem xét thêm vị ấy về các sân
pháp: "Không hiểu vị Tôn giả ấy có sân pháp hay không, do những sân
pháp này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói:
"Tôi biết", dầu không thấy vẫn nói: "Tôi thấy", hay xui
khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh
phúc, phải đau khổ lâu dài". Trong khi xem xét vị ấy, người này biết
như sau: "Tôn giả ấy không có những sân pháp, do những sân pháp này,
tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói: "Tôi biết",
dầu không thấy vẫn nói: "Tôi thấy", hay xui khiến người khác
có những hành động, khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau
khổ lâu dài. Thân hành của vị ấy là như vậy, khẩu hành là như vậy,
là hành động của một người không có lòng sân. Còn Tôn giả ấy thuyết
pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt
ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận, pháp ấy
không thể do một người có lòng sân khéo giảng". Sau khi xem xét vị
ấy và thấy vị ấy trong sạch, không có những sân pháp, người kia lại
xem xét thêm vị ấy về các si pháp: "Không hiểu tôn giả ấy có si
pháp hay không, do những si pháp này, tâm của vị ấy bị chi phối đến nỗi
dầu không biết, vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy vẫn nói:
"Tôi thấy", hay xui khiến người khác có hành động khiến người
ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài". Trong khi xem xét vị
ấy, người này biết như sau: "Tôn giả ấy không có những si pháp, do
những si pháp này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết, vẫn
nói: "Tôi biết", dầu không thấy, vẫn nói: "Tôi thấy",
hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được
hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài. Thân hành của vị ấy là như vậy, khẩu
hành là như vậy, là hành động của một người không có lòng si. Còn
Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh,
thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp
nhận, pháp ấy không thể do một người có lòng si khéo giảng". Sau
khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch, không có những si pháp, người
này sanh lòng tin đối với vị ấy, với lòng tin sanh, người này đến gần,
khi đến gần liền thân cận giao thiệp, do thân cận giao thiệp, nên lóng
tai, lóng tai, người ấy nghe pháp, sau khi nghe, liền thọ trì pháp, rồi
tìm hiểu ý nghĩa các pháp được thọ trì; trong khi tìm hiểu ý nghĩa, các
pháp được hoan hỷ chấp nhận; khi các pháp được hoan hỷ chấp nhận,
ước muốn sanh, khi ước muốn sanh, liền cố gắng, sau khi cố gắng liền
cân nhắc, sau khi cân nhắc, người ấy tinh cần. Trong khi tinh cần, người
ấy tự thân chứng ngộ tối thượng chân lý, và khi thể nhập chân lý
ấy với trí tuệ, người ấy thấy. Cho đến mức độ này, này Bharadvaja
là sự giác ngộ chân lý, cho đến mức độ này, chân lý được giác ngộ,
và cho đến mức độ này, chúng tôi chủ trương sự giác ngộ chân lý, nhưng
như vậy chưa phải là chứng đạt chân lý.
– Cho đến như vậy, thưa Tôn giả
Gotama, là giác ngộ chân lý, cho đến như vậy, chân lý được giác ngộ,
và cho đến như vậy chúng con thấy giác ngộ chân lý. Nhưng thưa Tôn giả
Gotama, cho đến mức độ nào là chứng đạt được chân lý, cho đến mức
độ nào chân lý được chứng đạt. Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về sự
chúng đạt chân lý.
– Này Bharadvaja, chính nhờ luyện
tập, tu tập và hành tập nhiều lần, chân lý mới được chứng đạt.
Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy,
chân lý được chứng đạt, cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương sự
chứng đạt chân lý.
– Cho đến như vậy, thưa Tôn giả
Gotama, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy chân lý được chứng đạt,
và cho đến như vậy, chúng con thấy chứng đạt chân lý. Nhưng trong sự
chứng đạt chân lý, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều
? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự chứng đạt chân lý, pháp nào được
hành trì nhiều.
– Trong sự chứng đạt chân lý,
này Bharadvaja tinh cần được hành trì nhiều. Nếu không tinh cần (theo đuổi)
chân lý thì không thể chứng đạt chân lý. Nhưng nếu tinh cần thì chứng
đạt được chân lý. Do vậy, trong sự chứng đạt chân lý, tinh cần được
hành trì nhiều.
– Trong sự tinh cần, thưa Tôn giả
Gotama, pháp nào được hành trì nhiều ? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong
sự tinh cần, pháp nào được hành trì nhiều.
– Trong sự tinh cần, này
Bharadvaja, sự cân nhắc được hành trì nhiều. Nếu không cân nhắc thì
không thể tinh cần (theo đuổi) chân lý. Nếu có cân nhắc sẽ được tinh
cần; do vậy, trong sự tinh cần, cân nhắc được hành trì nhiều.
– Trong sự cân nhắc, thưa Tôn giả
Gotama, pháp nào được hành trì nhiều ? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong
sự cân nhắc, pháp nào được hành trì nhiều.
– Trong sự cân nhắc, này
Bharadvaja, cố gắng được hành trì nhiều. Nếu không cố gắng thì không
thể cân nhắc. Nhưng nếu có cố gắng thì có cân nhắc; do vậy trong sự
cân nhắc, thì cố gắng được hành trì nhiều.
– Trong sự cố gắng, Tôn giả
Gotama, pháp nào được hành trì nhiều ? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong
sự cố gắng, pháp nào được hành trì nhiều.
– Trong sự cố gắng này
Bharadvaja, ước muốn được hành trình nhiều. Nếu ước muốn đối với
chân lý ấy không khởi lên thì không có cố gắng. Vì ước muốn có khởi
lên nên có cố gắng, do vậy, trong sự cố gắng, ước muốn được hành
trì nhiều.
– Trong ước muốn, thưa Tôn giả
Gotama pháp nào được hành trì nhiều ? Chúng con muốn hỏi Tôn giả Gotama,
trong ước muốn, pháp nào được hành trì nhiều.
– Trong ước muốn, này Bharadvaja,
hoan hỷ chấp nhận pháp được hành trì nhiều. Nếu không hoan hỷ chấp
nhận pháp thì ước muốn không khởi lên. Vì có hoan hỷ chấp nhận pháp
nên ước muốn khởi lên; do vậy, trong ước muốn, hoan hỷ chấp nhận pháp
được hành trì nhiều.
– Nhưng trong sự hoan hỷ chấp nhận
pháp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều ? Chúng con hỏi
Tôn giả Gotama, trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, pháp nào được hành
trì nhiều.
– Trong sự hoan hỷ chấp nhận
pháp, này Bharadvaja, tìm hiểu ý nghĩa được hành trì nhiều. Nếu không
tìm hiểu ý nghĩa thì không hoan hỷ chấp nhận pháp. Và vì có tìm hiểu
ý nghĩa nên có sự chấp nhận pháp; do vậy, trong sự hoan hỷ chấp nhận
pháp, tìm hiểu ý nghĩa được hành trì nhiều.
– Nhưng trong sự tìm hiểu ý nghĩa,
thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều ? Chúng con hỏi Tôn giả
Gotama, trong sự tìm hiểu ý nghĩa, pháp nào được hành trì nhiều.
– Trong sự tìm hiểu ý nghĩa, này
Bharadvaja, thọ trì pháp được hành trì nhiều. Nếu không có thọ trì
pháp thì không tìm hiểu ý nghĩa. Và vì có thọ trì pháp, nên có tìm hiểu
ý nghĩa; do vậy, trong sự tìm hiểu ý nghĩa, thọ trì pháp được hành
trì nhiều.
– Trong sự thọ trì pháp, thưa Tôn
giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều ? Trong sự thọ trì pháp, chúng
con hỏi Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều.
– Trong sự thọ trì pháp, này
Bharadvaja, nghe pháp được hành trì nhiều. Nếu không nghe pháp thì không
có thọ trì pháp. Và do có nghe pháp nên có thọ trì pháp; do vậy, trong sự
thọ trì pháp, nghe pháp được hành trì nhiều.
– Trong sự nghe pháp, thưa Tôn giả
Gotama, pháp nào được hành trì nhiều ? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong
sự nghe pháp, pháp nào được hành trì nhiều.
– Trong sự nghe pháp, này
Bharadvaja, lóng tai được hành trì nhiều. Nếu không có lóng tai thì không
có nghe pháp. Và vì có lóng tai nên có nghe pháp; do vậy, trong sự nghe
pháp, lóng tai được hành trì nhiều.
– Trong sự lóng tai, thưa Tôn giả
Gotama, pháp nào được hành trì nhiều ? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong
sự lóng tai, pháp nào được hành trì nhiều.
– Trong sự lóng tai, này Bharadvaja,
thân cận giao thiệp được hành trì nhiều. Nếu không có thân cận giao
thiệp thì không có lóng tai. Vì có thân cận giao thiệp nên có lóng tai; do
vậy, trong sự lóng tai, thân cận giao thiệp được hành trì nhiều.
– Trong sự thân cận giao thiệp,
thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều ? Chúng con hỏi Tôn giả
Gotama, trong sự thân cận giao thiệp, pháp nào được hành trì nhiều.
– Trong sự thân cận giao thiệp,
này Bharadvaja, đi đến gần được hành trì nhiều. Nếu không đi đến gần
thì không có thân cận giao thiệp. Và vì có đi đến gần nên có thân cận
giao thiệp; do vậy, trong sự thân cận giao thiệp, đi đến gần được hành
trì nhiều.
– Trong sự đi đến gần, thưa Tôn
giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều ? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama,
trong sự đi đến gần, pháp nào được hành trì nhiều.
– Trong sự đi đến gần, này
Bharadvaja, lòng tin được hành trì nhiều. Nếu lòng tin không sanh thì không
đi đến gần. Và vì lòng tin không sanh nên có đi đến gần; do vậy, trong
sự đi đến gần, lòng tin được hành trì nhiều.
– Chúng con đã hỏi Tôn giả
Gotama về hộ trì chân lý. Tôn giả Gotama đã trả lời về hộ trì chân
lý. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận, và do vậy, chúng con hoan hỷ. Chúng
con đã hỏi Tôn giả Gotama về giác ngộ chân lý. Tôn giả Gotama đã trả
lời về giác ngộ chân lý. Chúng con đã tùy hỷ và chấp nhận; do vậy,
chúng con hoan hỷ. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về chứng đạt chân
lý. Tôn giả Gotama đã trả lời về chứng đạt chân lý. Chúng con tùy hỷ
và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ. Trong sự chứng đạt chân lý,
chúng con hỏi Tôn giả Gotama về pháp nào được hành trì nhiều. Trong sự
chứng đạt chân lý, Tôn giả Gotama đã trả lời pháp nào được hành
trì nhiều. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ.
Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về bất cứ điều gì, Tôn giả Gotama đã
trả lời các điều ấy. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng
con hoan hỷ. Thưa Tôn giả Gotama, xưa kia chúng con biết (sự phân biệt) như
sau: "Và ai là những Sa-môn trọc đầu, tiện nô, hắc nô, sanh từ gót
chân của Phạm thiên (?) và ai là những người hiểu biết Chánh
Pháp". Thật sự Tôn giả Gotama đã làm sống dậy nơi con lòng ái kính
Sa-môn đối với các Sa-môn, lòng tin kính Sa-môn đối với các Sa-môn. Thật
vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! ... (như
trên)... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng
chung, con trọn đời quy ngưỡng !