- Kinh Duy-ma
- Hòa thượng Thích Trí Quang dịch
giải
3
-
Đường Đi Của Phật (26) [^]
Bấy giờ Văn thù đại sĩ hỏi
trưởng giả Duy ma, bồ tát làm sao thông suốt đường đi của Phật? Trưởng
giả Duy ma thưa, bồ tát đi theo những đường không phải nên đi thì gọi
là thông suốt đường đi của Phật. Hỏi: bồ tát đi theo những đường
không phải nên đi là thế nào? Đáp: là làm năm tội vô gián mà lại
không quấy phá tức giận. Đến địa ngục mà lại không có dơ bẩn của
tội ác. Đến súc sinh mà lại không có ngu muội. (Đến tu la mà lại
không có) kiêu ngạo. Đến ngạ quỉ mà lại hoàn thiện công đức. Đi
theo đường đi cõi Sắc và Vô sắc mà lại không cho là siêu việt. Thị
hiện tham dục mà lại xa rời nhiễm trước. Thị hiện sân hận mà lại
không tức giận chúng sinh. Thị hiện ngu si mà lại thuần hóa tâm tính bằng
trí tuệ. Thị hiện tham lẫn mà lại xả bỏ của trong của ngoài, tính mạng
cũng không tiếc. Thị hiện phạm giới mà lại đứng yên trong tịnh giới,
đến nỗi lỗi nhỏ cũng sợ lớn. Thị hiện giận dữ mà lại thường từ
bi, ẩn nhẫn. Thị hiện biếng nhác mà lại nỗ lực tu tập công đức. Thị
hiện loạn động mà lại thường xuyên chánh niệm, chánh định. Thị hiện
ngu si mà lại thông suốt trí tuệ thế gian xuất thế. Thị hiện dua nịnh
dối trá mà lại khéo léo phương tiện, tùy theo ý nghĩa trong kinh. Thị hiện
kiêu ngạo mà lại đối với chúng sinh thì in như cầu đường. Thị hiện
phiền não mà lại tâm thường thanh tịnh. Thị hiện ma quân mà lại thuận
với trí tuệ của Phật, không theo sự chỉ dạy của người khác. Thị hiện
thanh văn mà lại nói cho chúng sinh những pháp chưa nghe. Thị hiện duyên
giác mà lại thành tựu đại bi, giáo hóa chúng sinh. Thị hiện bần cùng
mà lại có bàn tay ngọc, công đức vô tận. Thị hiện thân hình tồi tàn
mà lại đủ các tướng hảo để tự trang nghiêm. Thị hiện thấp hèn mà
lại sinh trong dòng giống của Phật (27) , đủ mọi công đức. Thị hiện
ốm yếu xấu xí mà lại được thân na la diên, chúng sinh ai cũng thích
nhìn. Thị hiện già bịnh mà lại vĩnh viễn chặt đứt gốc rễ bịnh tật,
vượt khỏi sự sợ hãi về chết. Thị hiện có tài sản mà lại thường
xét vô thường, thật sự không ham gì cả. Thị hiện có vợ, có thiếp,
có thể nữ, mà lại thường rời xa bùn lầy năm dục. Thị hiện đần độn
mà lại thành tựu hùng biện, nhớ hết không quên. Thị hiện sự cứu vớt
theo tà pháp mà lại cứu vớt chúng sinh bằng chánh pháp. Thị hiện nhập
vào sinh tử (28) mà lại cắt đứt nhân tố sinh tử. Thị hiện nhập vào
niết bàn mà lại không cắt đứt sinh tử. Kính bạch Văn thù đại sĩ, bồ
tát có năng lực đi theo những đường không phải nên đi như vậy là
thông suốt đường đi của Phật.
Lúc ấy trưởng giả Duy ma hỏi
Văn thù đại sĩ, thế nào là hạt giống của Phật? Văn thù đại sĩ nói,
thân thể hiện hữu là giống của Phật, vô minh với ái là giống của Phật,
tham sân si là giống của Phật, bốn thứ thác loạn là giống của Phật,
năm sự che phủ là giống của Phật, sáu nhập là giống của Phật, bảy
thức xứ là giống của Phật, tám tà là giống của Phật, chín não là giống
của Phật, mười ác nghiệp là giống của Phật. Nói tổng quát thì sáu mươi
hai kiến chấp và hết thảy phiền não là giống của Phật. Hỏi: đại
sĩ nói như vậy là thế nào? Đáp: là nếu thấy vô vi, nhập chính vị,
thì không còn phát tâm vô thượng bồ đề được nữa. Đất liền vùng
cao không thể mọc lên hoa sen, bùn lầy thấp ướt mới mọc hoa ấy; như vậy
thấy vô vi, nhập chính vị, thì không bao giờ còn sinh ra những phẩm chất
của Phật, mà trong bùn lầy phiền não mới sinh khởi những phẩm chất
ấy. Gieo giống trong không thì không bao giờ mọc cây, gieo vào đất bẩn mới
mọc tốt tươi; thấy vô vi, nhập chính vị, thì không sinh ra những phẩm
chất của Phật, mà ngã chấp như núi tu di đi nữa cũng vẫn phát được
tâm vô thượng bồ đề, sinh ra những phẩm chất ấy. Do vậy, mọi phiền
não là giống của Như lai. Không vào biển cả thì không được ngọc vô
giá, không vào biển cả phiền não thì không được ngọc Nhất thế trí.
Tôn giả Đại ca diếp tán dương,
rằng tốt lắm, tốt lắm, Văn thù đại sĩ nói lời ấy thật là thú vị.
Đúng như ngài nói, phiền não là giống của Như lai. Chúng tôi ngày nay
không kham phát tâm vô thượng bồ đề. Đến nỗi kẻ làm năm tội vô
gián mà vẫn còn có thể phát tâm vô thượng bồ đề và sinh ra những phẩm
chất của Phật, nhưng chúng tôi thì vĩnh viễn không thể. Kẻ giác quan bại
liệt thì không còn được hưởng gì về năm dục; thanh văn đoạn tuyệt
kiết sử thì trong Phật pháp không còn ích gì: vĩnh viễn không có chí
nguyện gì nữa. Do vậy, kính bạch Văn thù đại sĩ, phàm phu mà báo đáp
được ơn Phật, còn thanh văn thì không thể. Tại sao, vì phàm phu nghe nói
những phẩm chất của Phật thì phát tâm vô thượng bồ đề, làm cho Tam
bảo không bị đứt mất. Còn thanh văn thì dẫu trọn đời nghe những phẩm
chất của Phật như lực, vô úy, v/v, cũng vĩnh viễn không thể phát tâm
vô thượng bồ đề.
Bấy giờ trong đại hội có vị bồ
tát danh hiệu Phổ hiện sắc thân, hỏi trưởng giả Duy ma, rằng thưa trưởng
giả, ai là cha mẹ vợ con, bà con thân thích, người giúp việc, kẻ quen biết
của trưởng giả? Tôi tớ gia nhân, voi ngựa xe cộ của trưởng giả đâu
cả? Trưởng giả Duy ma trả lời bằng chỉnh cú sau đây.
- 1. Trí độ : mẹ bồ tát,
- phương tiện ấy là cha,
- những vị thầy của người
- đều do đó mà sinh.
- 2. Pháp lạc thì là vợ,
- từ bi là con gái,
- chân thành (29) là con trai,
- nhà là tuyệt đối không.
- 3. Phiền não là đệ tử,
- tùy ý mà chuyển hóa,
- giác phần: thiện tri thức,
- do đó thành chánh giác.
- 4. Sáu độ: bạn đồng hành,
- bốn nhiếp là kyՠnữ,
- ca tụng các pháp ngôn,
- thì lấy làm âm nhạc.
- 5. Tổng trì là hoa viên,
- pháp vô lậu: cây rừng,
- giác chi là bông hoa, trái:
- giải thoát, trí tuệ.
- 6. Tám giải thoát: ao hồ,
- nước định trong và đầy,
- rải bảy thứ tịnh hoa,
- tắm cho người không bẩn (30) .
- 7. Voi ngựa là năm thông,
- đại thừa là xe cộ,
- điều khiển: tâm bồ đề (31) ,
- dạo đi đường bát chánh.
- 8. Tướng thì làm đẹp người,
- hảo thì làm đẹp dáng,
- hổ thẹn là thượng phục,
- tâm sâu xa (32) : vòng hoa.
- 9. Bảy thánh tài: vàng ngọc,
- dạy bảo để lời thêm,
- làm như nói, hồi hướng,
- thì lấy làm lợi lớn.
- 10. Bốn thiền là giường ghế
- sống trong sạch mà có (33) ,
- đa văn với trí tuệ
- là tiếng tự đánh thức.
- 11. Ăn cơm pháp cam lộ,
- Uống nước mùi giải thoát,
- tắm rửa bằng tịnh tâm
- xoa mình bằng giới pháp.
- 12. Tiêu diệt giặc phiền não
- dũng mãnh không ai bằng,
- chiến thắng bốn ma quân
- thượng cờ bồ đề tràng.
- 13. Chứng ngộ không sinh diệt,
- thị hiện nên thọ sinh,
- hiện khắp mọi thế giới
- như mặt trời khắp soi.
- 14. Hiến cúng khắp mười phương
- vô số ức Như lai,
- nhưng thân mình thân Phật
- không có ý phân biệt.
- 15. Thế giới với chúng sinh
- tuy biết toàn là không,
- nhưng thường tu tịnh độ
- giáo hóa cho quần sinh.
- 16. Sắc thanh và cử động
- của bao loại chúng sinh,
- bồ tát vô úy lực
- một lúc hiện đủ cả.
- 17. Biết đó là việc ma
- vẫn thị hiện làm cả,
- trí phương tiện khéo léo
- tùy ý hiện được hết.
- 18. Hoặc hiện già bịnh chết
- tác thành cho chúng sinh,
- biết toàn như huyễn ảo
- nên không e ngại gì.
- 19. Hiện lửa cháy tận kiếp
- trời đất đều đỏ rực,
- vì người tưởng thường còn
- hiện cho biết vô thường.
- 20. Vô số vạn ức người
- cùng đến mời bồ tát,
- bồ tát cùng đến cả
- làm cho hướng Phật tuệ.
- 21. Lý thuyết cùng chú thuật
- công nghệ với kyՠthuật,
- thị hiện làm tất cả
- lợi ích cho quần sinh.
- 22. Các đạo giáo thế gian,
- đều đi tu trong đó,
- để giải trừ sai lầm,
- không phải sa tà kiến.
- 23. Thị hiện thần thái dương,
- cùng với thần thái âm,
- lại thị hiện Phạn vương
- tự xưng chúa thế giới,
- hoặc hiện đất với nước
- cũng hiện gió với lửa.
- 24. Thời kỳ bịnh truyền nhiễm
- thì hiện các dược liệu,
- ai dùng dược liệu ấy
- hết bịnh hết độc tố.
- 25. Thời kỳ bị đói khát,
- hiện làm ẩm thực phẩm,
- trước hết cứu đói khát,
- rồi nói cho Phật pháp.
- 26. Thời kỳ có chinh chiến
- thì nổi dậy lòng từ
- giáo hóa cho chúng sinh
- đừng có tranh chấp nhau (34) .
- 27. Khi đại chiến xảy ra
- thì làm cho cân sức,
- và hiện oai thế lớn
- hòa giải cho hòa bình.
- 28. Trong tất cả thế giới
- chỗ nào có địa ngục,
- thì đi ngay đến đó
- cứu vớt mọi khổ não.
- 29. Trong tất cả thế giới
- súc vật nhai nuốt nhau,
- cũng hiện đến nơi ấy
- mà ích lợi cho chúng.
- 30. Thị hiện hưởng năm dục
- nhưng cũng hiện tu thiền,
- làm ma vương bối rối,
- không rình được cơ hội.
- 31. Trong lửa sinh hoa sen
- mới đáng gọi hiếm có,
- tu thiền trong dục lạc
- cũng hiếm có như thế.
- 32. Hoặc hiện làm dâm nữ
- dẫn dụ kẻ háo sắc,
- trước móc kéo bằng dục
- sau dắt vào đường Phật.
- 33. Hoặc làm chủ thị thành,
- hoặc cầm đầu thương mãi,
- làm quốc sư, đại thần,
- để che chở cho người.
- 34. Với bao người khốn cùng
- thì hiện kho vô tận,
- nhân đó mà khuyên bảo
- cho phát tâm bồ đề.
- 35. Với những kẻ ngã mạn
- thì hiện đại lực sĩ,
- trừ khử sự cao ngạo
- đem vào đạo tối thượng.
- 36. Ai lâm cảnh sợ hãi,
- đến trước họ an ủi,
- trước cho sự không sợ
- sau làm cho phát tâm.
- 37. Hoặc hiện xa dâm dục
- làm tiên nhân ngũ thông,
- mở mắt và dẫn đường
- cho vô số quần sinh
- được sống trong tịnh giới
- nhẫn nhục và từ bi.
- 38. Thấy ai cần cung phụng,
- thị hiện làm tôi tớ,
- cho họ đẹp dạ rồi
- sau làm cho phát tâm.
- 39. Ai cần dùng những gì
- để được nhập Phật đạo,
- thì đem phương tiện lực
- mà cung cấp đủ cả.
- 40. Đường đi này vô tận,
- đi đến không bến bờ,
- trí tuệ thật vô biên
- độ thoát vô số người.
- 41. Giả sử vô số Phật
- trải qua vô lượng kiếp,
- khen phẩm chất đường này
- còn không thể cùng tận!
- 42. Ai nghe đường đi này
- không phát bồ đề tâm?
- trừ kẻ không xứng đáng
- tối tăm không trí tuệ!
Hội Nhập Bất Nhị [^]
Bấy giờ trưởng giả Duy ma thưa với
các vị bồ tát, kính bạch các ngài, bồ tát nhập vào pháp môn bất nhị
như thế nào, xin các ngài tùy thích mà nói ra. Trong đại hội
(1) Pháp tự tại bồ tát nói, sinh
với diệt là hai, pháp vốn không sinh thì nay không diệt, được vô sinh
pháp nhẫn như vậy, ấy là nhập vào pháp môn bất nhị.
(2) Đức thủ bồ tát nói, ngã với
ngã sở là hai, nhưng có ngã thì có ngã sở, không ngã thì không ngã sở,
ấy là nhập vào pháp môn bất nhị.
(3) Bất tuấn bồ tát nói, cảm thụ
với không cảm thụ là hai, nhưng nếu pháp không cảm thụ thì không thủ
đắc, vì không thủ đắc nên không lấy không bỏ, không làm không đi, ấy
là nhập vào pháp môn bất nhị.
(4) Đức đỉnh bồ tát nói, dơ với
sạch là hai, nhưng thấy được thật tánh của sự dơ thì cũng không có sự
sạch, tùy thuận với sự diệt, ấy là nhập vào pháp môn bất nhị.
(5) Thiện tú bồ tát nói, động với
nghĩ là hai, nhưng không động thì không nghĩ, không nghĩ thì không phân biệt,
thông suốt như vậy ấy là nhập vào pháp môn bất nhị.
(6) Thiện nhãn bồ tát nói, một tướng
với không tướng là hai, nhưng nếu biết một tướng là không tướng,
cũng không chấp thủ không tướng, thể nhập bình đẳng, ấy là nhập
vào pháp môn bất nhị.
(7) Diệu tý bồ tát nói, tâm bồ
tát với tâm thanh văn là hai, nhưng xét thật tánh của tâm là không, in như
ảo hóa, thì không tâm bồ tát không tâm thanh văn, ấy là nhập vào pháp
môn bất nhị.
(8) Phất sa bồ tát nói, thiện với
ác là hai, nhưng không nổi dậy thiện ác, thể nhập vô tướng mà thông
suốt, ấy là nhập vào pháp môn bất nhị.
(9) Sư tử bồ tát nói, tội với
phước là hai, nhưng nếu đạt được thật tánh của tội thì thấy không
khác phước, đem kim cương tuệ mà xác quyết trạng thái này, không buộc
không mở, ấy là nhập vào pháp môn bất nhị.
(10) Sư tử ý bồ tát nói, hữu lậu
với vô lậu là hai, nhưng nếu thấy được các pháp bình đẳng thì không
nổi lên ý tưởng hữu lậu vô lậu, không vướng mắc nơi tướng, cũng
không trú ở nơi vô tướng, ấy là nhập vào pháp môn bất nhị.
(11) Tịnh giải bồ tát nói, hữu
vi với vô vi là hai, nhưng nếu tách rời số lượng (35) thì tâm như hư không,
trí tuệ thanh tịnh không có trở ngại, ấy là nhập vào pháp môn bất nhị.
(12) Na la diên bồ tát nói, thế
gian với xuất thế là hai, nhưng thế gian tánh không tức là xuất thế,
trong đó không vào không ra, không đầy tràn không tản mạn, ấy là nhập
vào pháp môn bất nhị.
(13) Thiện ý bồ tát nói, sinh tử
với niết bàn là hai, nhưng thấy được thật tánh sinh tử thì không sinh
không tử, không buộc không mở, không sinh không diệt, hiểu như vậy ấy
là nhập vào pháp môn bất nhị.
(14) Hiện kiến bồ tát nói, tận với
bất tận là hai, nhưng cứu cánh của các pháp thì tận với bất tận
toàn là vô tận, vô tận là không, không thì không có tận với bất tận,
ngộ nhập như vậy ấy là nhập vào pháp môn bất nhị.
(15) Thiện thủ bồ tát nói, ngã với
vô ngã là hai, nhưng ngã còn không thể thủ đắc, vô ngã làm sao thủ đắc,
thấy thật tánh của ngã thì không còn nổi lên ý niệm nhị biên, ấy là
nhập vào pháp môn bất nhị.
(16) Lôi thiên bồ tát nói, minh với
vô minh là hai, nhưng thật tánh của vô minh chính là minh, minh cũng không thể
nắm lấy, siêu việt số lượng, ở đây bình đẳng bất nhị, ấy là nhập
vào pháp môn bất nhị.
(17) Hỷ kiến bồ tát nói, sắc với
sắc không là hai, nhưng sắc là không, không phải sắc diệt mới không,
mà là sắc tánh tự không, như vậy thọ tưởng hành thức, thức với thức
không là hai, thức là không, không phải thức diệt mới không, mà là thức
tánh tự không, trong đây thông suốt, ấy là nhập vào pháp môn bất nhị.
(18) Minh tướng bồ tát nói, bốn
đại với không là hai, nhưng thật tánh của bốn đại tức là thật tánh
của không: tối sơ và tối hậu đã không thì trung gian cũng không; biết
thật tánh của đại và không là như vậy ấy là nhập vào pháp môn bất
nhị.
(19) Diệu ý bồ tát nói, nhãn với
sắc là hai, nhưng nếu biết nhãn đối với sắc không tham sân si, đó là
tịch diệt, như vậy nhĩ với thanh, tyՠvới hương, thiệt với vị, thân với
xúc, ý với pháp là hai, nếu biết ý đối với pháp không tham sân si, đó
là tịch diệt, sống trong đó ấy là nhập vào pháp môn bất nhị.
(20) Vô tận ý bồ tát nói, bố
thí với hồi hướng nhất thế trí là hai, nhưng thật tánh bố thí là thật
tánh hồi hướng nhất thế trí, như vậy trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến,
thiền định, trí tuệ với hồi hướng nhất thế trí là hai, thật tánh
trí tuệ là thật tánh hồi hướng nhất thế trí, trong đó nhập vào sự
đồng nhất, ấy là nhập vào pháp môn bất nhị.
(21) Thâm tuệ bồ tát nói, không
vô tướng vô tác là hai, nhưng không là vô tướng, vô tướng là vô tác,
nếu không vô tướng vô tác thì không tâm ý thức, một cửa giải thoát
là ba cửa giải thoát, ấy là nhập vào pháp môn bất nhị.
(22) Tịch căn bồ tát nói, Phật
Pháp Tăng là hai, nhưng Phật là Pháp, Pháp là Tăng, Tam bảo như vậy toàn
là vô vi, đồng đẳng không gian, tất cả các pháp cũng là như vậy, và
thuận hành như vậy ấy là nhập vào pháp môn bất nhị.
(23) Tâm vô ngại bồ tát nói, thân
với thân diệt là hai, nhưng thân là thân diệt, tại sao, vì thấy thật
tánh của thân thì không nổi lên sự thấy thân và sự thấy thân diệt,
thân với thân diệt là bất nhị, bất phân biệt, trong đó không kinh
không sợ, ấy là nhập vào pháp môn bất nhị.
(24) Thượng thiện bồ tát nói,
thân khẩu ý nghiệp là hai, nhưng ba nghiệp toàn là thật tánh vô tác,
thân vô tác là khẩu vô tác, khẩu vô tác là ý vô tác, ba nghiệp vô tác
là các pháp vô tác, tùy thuận trí tuệ vô tác như vậy ấy là nhập vào
pháp môn bất nhị.
(25) Phước điền bồ tát nói, phước
hành tội hành bất động hành là hai, nhưng ba hành ấy thật tánh là
không, không thì không phước hành, không tội hành, không bất động hành,
ba hành mà không còn nổi dậy, ấy là nhập vào pháp môn bất nhị.
(26) Hoa nghiêm bồ tát nói, từ ngã
mà nổi lên nhị biên là hai, nhưng thấy thật tánh của ngã thì không nổi
lên nhị biên, không nổi lên nhị biên thì không nhận thức: không nhận
thức ấy là nhập vào pháp môn bất nhị.
(27) Đức tạng bồ tát nói, có thủ
đắc là hai, nhưng không đủ đắc thì không lấy không bỏ, không lấy
không bỏ ấy là nhập vào pháp môn bất nhị.
(28) Nguyệt thượng bồ tát nói, tối
với sáng là hai, nhưng không tối không sáng thì không có nhị biên, tại
sao, vì như nhập diệt tận định thì không tối không sáng, thật tánh
các pháp cũng là như vậy, trong đó bình đẳng hội nhập, ấy là nhập
vào pháp môn bất nhị.
(29) Bảo ấn thủ bồ tát nói,
thích niết bàn với chán thế gian là hai, không thích niết bàn, không chán
thế gian, thế là bất nhị, tại sao, vì có buộc thì có mở, nếu vốn
không buộc thì ai cầu mở, mà không buộc không mở thì không thích không
chán, ấy là nhập vào pháp môn bất nhị.
(30) Châu đỉnh vương bồ tát nói,
đường chính với đường tà là hai, nhưng sống theo đường chính thì
không phân biệt đây là tà đây là chính, thoát ly nhị biên ấy, ấy là
nhập vào pháp môn bất nhị.
(31) Lạc thật bồ tát nói, thật với
không thật là hai, nhưng thật còn không thấy là thật, huống chi không thật,
tại sao, vì đó không phải mắt thịt thấy mà là mắt tuệ thấy, nhưng mắt
tuệ thì không thấy không không thấy, ấy là nhập vào pháp môn bất nhị.
Các vị bồ tát mỗi người nói rồi,
hỏi Văn thù đại sĩ, thế nào là bồ tát nhập vào pháp môn bất nhị? Văn
thù đại sĩ nói, theo ý tôi thì đối với các pháp không nói không rằng,
không chỉ không biết, siêu việt vấn đáp, ấy là nhập vào pháp môn bất
nhị. Văn thù đại sĩ hỏi trưởng giả Duy ma, chúng tôi đã nói cả rồi,
trưởng giả cũng nên nói, thế nào là bồ tát nhập vào pháp môn bất nhị?
Trưởng giả lặng thinh, không nói gì cả. Văn thù đại sĩ khen, tốt lắm,
tốt lắm, đến nỗi không cả văn tự ngôn ngữ, mới thật là nhập vào
pháp môn bất nhị.
Khi nói về phẩm Nhập vào pháp
môn bất nhị này thì trong đại hội có năm ngàn vị bồ tát nhập vào
pháp môn bất nhị, thực hiện vô sinh pháp nhẫn.
Đư飍 Phật Hương Tích [^]
Bấy giờ tôn giả Xá lợi phất
trong tâm suy nghĩ, sắp đến đứng bóng, các vị bồ tát này sẽ thọ thực
ở đâu? Trưởng giả Duy ma biết ý nghĩ ấy nên thưa rằng, Phật dạy tám
pháp giải thoát, tôn giả thực hành, vậy có thể chen sự ăn vào sự nghe
pháp chăng? Tuy nhiên, tôn giả nghĩ đến sự ăn thì xin chờ chốc lát, con
sẽ làm cho tôn giả được thực phẩm rất hiếm có. Trưởng giả Duy ma tức
thì nhập vào chánh định, dùng thần thông lực mà thị hiện cho đại hội
thấy khu vức thiên đỉnh, quá bốn mươi hai hằng sa thế giới, có thế
giới tên là Chúng hương, đức Phật giáo chủ hiệu là Hương tích, hiện
đang tồn tại. Hơi thơm của thế giới này là bậc nhất so với hương liệu
của nhân loại và chư thiên trong mười phương thế giới. Thế giới này
không có đến cả cái tên thanh văn duyên giác, chỉ có chúng đại bồ tát
thanh tịnh, và được Phật Hương tích thuyết pháp cho. Thế giới này
toàn dùng hương thơm mà làm lầu đài. Kinh hành trên đất thơm. Hoa viên
toàn là hương thơm. Hơi thơm thực phẩm của thế giới này thì tràn cả
mười phương vô lượng thế giới. Bấy giờ là lúc Phật với chúng bồ
tát của thế giới ấy đang cùng thọ thực. Có các thiên nhân cùng tên Hương
nghiêm, cùng phát tâm vô thượng bồ đề, đang hiến cúng Phật và chúng bồ
tát của thế giới ấy. Đại hội ở đây không ai không nhìn thấy như vậy.
Trưởng giả Duy ma hỏi các vị bồ
tát, thưa các ngài, ai có thể đến lấy cơm của đức Phật Hương tích?
Do thần lực của Văn thù đại sĩ, ai cũng lặng thinh. Trưởng giả Duy ma
thưa Văn thù đại sĩ, rằng đại chúng này thật đáng xấu hổ. Văn thù
đại sĩ nói, như Phật đã dạy, đừng khinh những người tu học chưa thấu
đáo. Trưởng giả Duy ma tức thì không rời chỗ ngồi mà hóa hiện một vị
bồ tát trước mặt đại hội, với tướng hảo, ánh sáng và uy đức đều
siêu việt, làm mờ cả đại hội, và bảo rằng ông hãy đến khu vức thiên
đỉnh, quá bốn mươi hai hằng sa thế giới, có thế giới tên Chúng hương,
đức Phật giáo chủ hiệu là Hương tích, đang thọ thực với chúng đại
bồ tát của thế giới ấy. Ông đến đó, tác bạch đúng như lời tôi, rằng
Duy ma kính lạy dưới chân Thế tôn, tôn kính vô lượng, hỏi thăm Ngài
sinh hoạt bình thường, ít bịnh ít phiền, khí lực yên vui chăng? Xin được
phần thừa của thực phẩm đức Thế tôn để về làm việc Phật ở thế
giới Sa bà, là làm cho những người ưa thích pháp nhỏ đều được đạo
lớn, cũng để làm cho danh tiếng Thế tôn được nghe đến ở đây. Vị bồ
tát hóa thân tức thì ở trước đại hội mà thăng lên thiên đỉnh, cả
đại hội đều thấy. Lên đến thế giới Chúng hương, vị bồ tát hóa
thân kính lạy dưới chân đức Phật Hương tích, và cả đại hội đều
nghe lời nói của vị bồ tát ấy, rằng Duy ma kính lạy dưới chân Thế
tôn, tôn kính vô lượng, hỏi thăm Ngài sinh hoạt bình thường, ít bịnh
ít phiền, khí lực yên vui chăng? Xin được phần thừa của thực phẩm đức
Thế tôn để về làm việc Phật ở thế giới Sa bà, là làm cho những người
ưa thích pháp nhỏ đều được đạo lớn, cũng để làm cho danh tiếng Thế
tôn được nghe đến ở đây.
Các vị đại sĩ ở thế giới Chúng
hương thấy vị bồ tát hóa thân thì khen là hiếm có, và rằng vị thượng
nhân này từ đâu đến đây? Thế giới Sa bà ở đâu? Thế nào gọi là người
ưa thích pháp nhỏ? Họ hỏi đức Phật Hương tích. Ngài nói, ở thiên để,
cách đây bốn mươi hai hằng sa thế giới, có thế giới tên Sa bà, đức
Phật giáo chủ hiệu Thích ca mâu ni, hiện đang tồn tại. Ngài ở trong
giai đoạn dữ dội, đầy cả năm thứ dơ bẩn, phu diễn chánh pháp cho những
người ưa thích chánh pháp thấp nhỏ. Thế giới Sa bà có vị bồ tát tên
Duy ma, sống trong sự giải thoát Bất khả tư nghị, thuyết pháp cho các vị
bồ tát, nên phái hóa thân lên đây, tán dương danh hiệu và thế giới của
Như lai để làm cho các vị bồ tát ở thế giới ấy tăng tiến công đức.
Các vị bồ tát thế giới Chúng hương nói, bồ tát Duy ma là người như
thế nào mà hóa thân được như vầy? công đức, năng lực và thần thông
đến như thế nào? Đức Phật Hương tích nói rất lớn, mười phương ở
đâu bồ tát Duy ma cũng sai hóa thân đến đó để thi hành việc Phật, lợi
ích chúng sinh. Đức Phật Hương tích liền lấy bát thơm đựng đầy cơm
thơm, đưa cho bồ tát hóa thân. Lúc ấy chín trăm vạn bồ tát thế giới
Chúng hương cùng nói, chúng con muốn đến thế giới Sa bà để hiến cúng
đức Thích ca thế tôn, và hội kiến với Duy ma đại sĩ, với các vị bồ
tát. Đức Phật Hương tích nói nên đi đi. Nhưng phải thu hơi thơm thân thể
của các người, đừng để người thế giới Sa bà nổi lên mê hoặc,
tham trước. Lại nên bỏ hình cũ của các người, đừng để những người
cầu bồ tát đạo ở thế giới Sa bà tự khinh, xấu hổ. Các người cũng
đừng khinh thế giới Sa bà mà chướng ngại cho mình, tại sao, vì mười
phương thế giới toàn như hư không, với lại chư Phật hóa độ cho những
người ưa thích chánh pháp thấp nhỏ thì không để hiện hết ra tịnh độ
của mình. Vị bồ tát hóa thân lãnh nhận bát cơm rồi cùng chín trăm vạn
bồ tát thế giới Chúng hương, nhờ thần lực của đức Phật Hương tích
và của trưởng giả Duy ma mà bỗng chốc biến mất khỏi thế giới Chúng
hương và đến phòng trưởng giả Duy ma. Trưởng giả biến hóa chín trăm
vạn tòa sư tử đẹp như những tòa sư tử đã có. Các vị bồ tát thế
giới Chúng hương đều ngồi trên đó. Vị bồ tát hóa thân đưa bát cơm
thơm cho trưởng giả Duy ma, hương thơm khắp cả thành Tì da li và đại
thiên thế giới.
Bấy giờ trong thành Tì da li, bà la
môn, cư sĩ, v/v, nghe hơi thơm ấy thì cả thân và tâm đều thích thú, ai cũng
tán dương là chưa hề có. Chủ trưởng giả là trưởng giả Nguyệt cái,
và tám mươi bốn ngàn người, cùng đến phòng trưởng giả Duy ma, thấy
trong phòng bồ tát rất nhiều, các tòa sư tử rất đẹp, thì ai cũng đại
hoan hỷ, lạy các vị bồ tát và các vị đại đệ tử của Phật, rồi
đứng qua một phía. Các vị địa thần, hư không thần, chư thiên cõi Dục
và cõi Sắc, nghe hơi thơm thì ai cũng đến phòng trưởng giả Duy ma.
Trưởng giả Duy ma thưa với tôn giả
Xá lợi phất và các vị đại thanh văn, rằng xin các ngài thọ thực. Cơm
vị cam lộ này của Như lai là do đại bi xông ướp, vậy xin đừng đem cái
ý thức hữu hạn mà thọ thực, làm cho không tiêu được. Có vị thanh văn
nghĩ cơm này ít thế, làm sao cả đại chúng ai cũng thọ thực. Vị bồ tát
hóa thân thưa rằng xin ngài đừng đem cái đức nhỏ và cái trí nhỏ mà
ước lượng cái đức vô lượng và cái tuệ vô lượng của đức Như
lai. Bốn biển có thể khô hết mà cơm này vẫn vô tận. Giả sử có ai
ăn mỗi vắt bằng núi Tu di thì ăn đến một kiếp cũng không hết được.
Tại sao, vì thực phẩm dư ra của đấng giới vô tận, định vô tận, tuệ
vô tận, giải thoát vô tận, và giải thoát tri kiến vô tận, thì không
bao giờ cùng tận. Thế rồi cơm trong bát ấy làm no đủ cả đại hội mà
vẫn không hết. Các vị bồ tát, thanh văn, chư thiên, nhân loại, ai ăn
cơm ấy thân cũng khoái lạc tựa như chư vị bồ tát ở thế giới Nhất
thế lạc trang nghiêm. Những lỗ chân lông của họ cũng xuất ra hơi thơm
tinh tế, tựa như hơi thơm các thứ cây của thế giới Chúng hương.
Lúc ấy trưởng giả Duy ma hỏi các
vị bồ tát Chúng hương, rằng đức Hương tích như lai thuyết pháp bằng
gì? Các vị bồ tát ấy nói, đức Như lai của thế giới chúng tôi không
nói bằng lời chữ, chỉ dùng hương thơm mà làm cho chư thiên nhân loại
đều nhập vào chánh pháp. Các vị bồ tát ở thế giới chúng tôi cùng ngồi
dưới cây hương thơm, nghe hương thơm tinh tế ấy thì thể hiện chánh định
Nhất thế đức tạng. Thể hiện chánh định này thì bao nhiêu phẩm chất
của bồ tát đều hoàn hảo cả.
Các vị bồ tát Chúng hương hỏi
trưởng giả Duy ma, rằng đức Thích ca thế tôn thuyết pháp bằng gì? Trưởng
giả Duy ma nói, thế giới này chúng sinh ngoan cố, khó hóa cải, nên đức
Phật ở đây phải dùng lời nói cứng cỏi mà thuần hóa cho họ. Rằng đây
là địa ngục, đây là súc sinh, đây là ngạ quỉ, đây là những chỗ tai
nạn, đây là chỗ người ngu sinh đến; đây là tà hành của thân, đây
là quả báo tà hành của thân, đây là tà hành của miêểng, đây là quả
báo tà hành của miệng, đây là tà hành của ý, đây là quả báo tà hành
của ý; đây là sát sinh, đây là quả báo sát sinh, đây là trộm cắp, đây
là quả báo trộm cắp, đây là tà dâm, đây là quả báo tà dâm, đây là
vọng ngữ, đây là quả báo vọng ngữ, đây là lưỡng thiệt, đây là quả
báo lưỡng thiệt, đây là ác khẩu, đây là quả báo ác khẩu, đây là
ỷ ngữ, đây là quả báo ỷ ngữ, đây là tham lam, đây là quả báo tham
lam, đây là sân hận, đây là quả báo sân hận, đây là tà kiến, đây
là quả báo tà kiến; đây là keo kiết, đây là quả báo keo kiết, đây
là phá giới, đây là quả báo phá giới, đây là giận dữ, đây là quả
báo giận dữ, đây là biếng nhác, đây là quả báo biếng nhác, đây là
loạn ý, đây là quả báo loạn ý, đây là ngu si, đây là quả báo ngu si;
đây là kiết giới, đây là giữ giới, đây là phạm giới, đây là đáng
làm, đây là không đáng làm, đây là chướng ngại, đây là không chướng
ngại, đây là bị tội, đây là rời tội, đây là sạch, đây là bẩn, đây
là hữu lậu, đây là vô lậu, đây là tà đạo, đây là chánh đạo, đây
là hữu vi, đây là vô vi, đây là thế gian, đây là niết bàn. Người khó
hóa cải thì tâm họ như vượn như khỉ, nên phải áp dụng bao nhiêu cách
nói ấy mới chế ngự mà làm cho tâm họ thuần hóa. Voi ngựa hung hăng thì
phải làm đau đến xương cốt, sau đó mới thuần. Chúng sinh ngoan cố,
khó hóa cải, nên phải dùng mọi lời nói đắng cay đau đớn mới làm cho
họ nhập vào chánh pháp. Các vị bồ tát thế giới Chúng hương nghe nói
như vậy thì than rằng thật là hiếm có. Như đức Thích ca thế tôn mà phải
ẩn đi vô lượng năng lực tự tại, đem cái pháp người nghèo hèn ưa thích
mà hóa độ cho họ. Các vị bồ tát ở thế giới này cũng lao nhọc, khiêm
tốn, sinh trong thế giới này bằng tâm đại bi vô lượng.
Trưởng giả ma Duy ma nói, thế giới
này các vị bồ tát đối với chúng sinh lòng đại bi thật kiên cố, đúng
như các ngài đã nói. Nhưng các vị bồ tát ở thế giới này lợi ích
chúng sinh một đời cũng hơn cả trăm ngàn đời của thế giới các ngài.
Tại sao, vì thế giới Sa bà này có mười thiện pháp mà các thế giới
thanh tịnh khác không có. Mười thiện pháp ấy là gì? Là đem bố thí mà
thu phục nghèo nàn, đem tịnh giới mà thu phục phạm giới, đem nhẫn nhục
mà thu phục sân hận, đem tinh tiến mà thu phục biếng nhác, đem thiền định
mà thu phục loạn ý, đem trí tuệ mà thu phục ngu si, nói các pháp trừ khử
tai nạn để cứu vớt những kẻ bị tám nạn, đem pháp đại thừa cứu
độ những kẻ ưa thích pháp nhỏ, đem thiện căn cứu vớt những kẻ vô
phước, đem bốn nhiếp pháp tác thành chúng sinh. Đó là mười thiện pháp.
Các vị bồ tát thế giới Chúng hương nói, bồ tát thành đạt mấy pháp
thì sống trong thế giới này một cách không thương tổn mà sinh các tịnh
độ? Trưởng giả Duy ma nói, thành tựu tám pháp thì bồ tát sống trong thế
giới này không thương tổn mà sinh các tịnh độ. Tám pháp ấy là gì? Là
(một), lợi ích chúng sinh mà không trông mong báo đáp; (hai), thay chúng sinh
mà chịu mọi khổ não, công đức làm ra đem cho chúng sinh cả; (ba), tâm
lý bình đẳng đối với chúng sinh, khiêm tốn vô ngại; (bốn), coi các vị
bồ tát khác như Phật; (năm), kinh pháp chưa nghe thì nghe mà không hoài
nghi; (sáu), không chống đối các vị thanh văn, không ganh ghét sự được
hiến cúng của người khác và không tự cao về lợi lộc của mình; (bảy),
thuần hóa tâm mình, thường xét lỗi mình mà không kiện cáo khuyết điểm
của người; (tám), thường xuyên nhất tâm mà cầu công đức. Đó là tám
pháp (36) .
Trong đại hội, khi trưởng giả
Duy ma và Văn thù đại sĩ nói pháp này thì có trăm ngàn thiên nhân phát
tâm vô thượng bồ đề, mười ngàn bồ tát được vô sinh pháp nhẫn.
Việc Làm Bồ Tát [^]
Khi ấy đức Thế tôn thuyết pháp
ở lâm viên Yêm ma la. Vườn này bỗng nhiên rộng ra, đẹp lên, toàn thể
đại hội đều thành màu sắc hoàng kim. Tôn giả A nan thưa với Phật, bạch
đức Thế tôn, vì lý do nào mà có hiện tượng tốt lành như vầy, là vườn
này bỗng nhiên rộng ra và đẹp lên, tất cả đại hội đều thành màu sắc
hoàng kim? Đức Thế tôn bảo tôn giả A nan, ấy là trưởng giả Duy ma và
Văn thù đại sĩ, cùng đại chúng cung kính bao quanh, ý muốn đến đây,
nên trước hết hiện ra điềm lành như vầy.
Trưởng giả Duy ma thưa với Văn thù
đại sĩ, hãy cùng nhau đến yết kiến đức Thế tôn, cùng chư bồ tát lễ
bái hiến cúng. Văn thù đại sĩ nói, tốt lắm, hãy đi đi. Bây giờ là
lúc thích hợp. Trưởng giả Duy ma tức thì vận dụng thần lực, nâng cả
đại hội, cùng với các tòa sư tử, đặt trong bàn tay phải, đi đến chỗ
đức Thế tôn. Đến rồi, quì gối sát đất, kính lạy ngang chân Ngài,
đi quanh Ngài bảy vòng, chuyên chú, chắp tay, đứng về một phía. Các vị
bồ tát cũng đều rời khỏi tòa sư tử, lạy ngang chân Phật, rồi cũng
đi quanh Ngài bảy vòng, và đứng về một phía. Các vị đại đệ tử, Đế
thích, Phạn vương, bốn Thiên vương, v/v, cũng đều rời khỏi tòa sư tử,
lạy ngang chân Phật, đứng về một phía. Đức Thế tôn đúng phép an ủi
hỏi han các vị bồ tát rồi, bảo ngồi lại như cũ. Tất cả đều vâng
lời. Đại chúng ngồi yên rồi, đức Thế tôn bảo tôn giả Xá lợi phất,
tôn giả đã thấy việc làm của thần lực tự tại của bồ tát đại
sĩ chưa? Bạch đức Thế tôn, con đã thấy. Vậy ý tôn giả nghĩ thế nào?
Bạch đức Thế tôn, con thấy thật là bất khả tư nghị, ý không ngờ tới,
trí không lường nổi.
Lúc ấy tôn giả A nan thưa với Phật,
bạch đức Thế tôn, con nghe có hơi thơm mà trước đây chưa có, hương
thơm ấy là gì? Đức Thế tôn dạy tôn giả A nan, đó là hơi thơm xuất
ra từ những lỗ chân lông của các vị bồ tát. Tôn giả Xá lợi phất
nói với tôn giả A nan, những lỗ chân lông của chúng tôi cũng xuất ra
hơi thơm ấy. Tôn giả A nan nói, hơi thơm ấy từ đâu mà có? Tôn giả Xá
lợi phất nói, ấy là trưởng giả Duy ma xin cơm thừa của đức Phật ở
thế giới Chúng hương mà mời ăn mọi người đến phòng trưởng giả, nên
lỗ chân lông của ai cũng xuất ra hơi thơm như vậy. Tôn giả A nan hỏi trưởng
giả Duy ma, hơi thơm này tồn tại bao lâu? Trưởng giả thưa, tồn tại đến
khi cơm tiêu hết. Cơm này tồn tại bao lâu? Cơm này tồn tại đến bảy
ngày mới tiêu. Lại nữa, thưa tôn giả A nan, thanh văn chưa nhập chính vị,
ăn cơm này thì nhập chính vị mới tiêu. Nhập chính vị rồi, ăn cơm này
thì tâm giải thoát mới tiêu. Chưa phát tâm đại thừa, ăn cơm này thì
phát tâm ấy mới tiêu. Phát tâm ấy rồi, ăn cơm này thì được vô sinh
pháp nhẫn mới tiêu. Được vô sinh pháp nhẫn rồi, ăn cơm này thì được
địa vị một đời nữa làm Phật mới tiêu. Tựa như có thần dược tên
là Thượng vị, ai dùng thì độc chất trong người tiêu hết thần dược
ấy mới tiêu. Cơm này cũng vậy, trừ hết độc chất phiền não mới
tiêu.
Tôn giả A nan thưa với Phật, thật
là chưa từng có, bạch đức Thế tôn; cơm này mà làm được việc Phật
làm như vậy. Phật dạy tôn giả A nan, đúng như vậy, A nan. Có thế giới
lấy ánh sáng của Phật mà làm việc Phật. Có thế giới lấy bồ tát mà
làm việc Phật. Có thế giới lấy người Phật hóa ra mà làm việc Phật.
Có thế giới lấy cây bồ đề mà làm việc Phật. Có thế giới lấy y phục
hay đồ nằm của Phật mà làm việc Phật. Có thế giới lấy cơm ăn mà
làm việc Phật. Có thế giới lấy vườn rừng lầu đài mà làm việc Phật.
Có thế giới lấy ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp mà làm
việc Phật. Có thế giới lấy thân Phật mà làm việc Phật. Có thế giới
lấy sự trống không mà làm việc Phật. Chúng sinh thích ứng với những
duyên tố trên đây mà được vào chánh pháp. Có thế giới lấy chiêm bao,
ảo thuật, hình ảnh, tiếng vang, bóng trong gương, trăng dưới nước, sóng
nắng, những sự ví dụ như vậy mà làm việc Phật. Có thế giới lấy
âm thanh ngôn ngữ văn tự mà làm việc Phật. Có thế giới trong sạch lấy
sự vắng lặng, không nói năng, không chỉ bảo và không thi vi mà làm việc
Phật. Như thế ấy, A nan, chư Phật cử động tới ngừng, mọi việc toàn
là việc Phật. A nan, ma quân có bốn loại, phiền não có tám mươi bốn ngàn
thứ, chúng sinh vì thế mà khốn đốn, còn chư Phật thì lấy chính những
thứ ấy mà làm việc Phật.
Và như thế đó gọi là nhập được
pháp môn của Phật. Bồ tát nhập được pháp môn này thì thấy mọi thế
giới trong sáng không mừng, không ham, không tự cao, thấy mọi thế giới dơ
bẩn không lo, không ngại, không thoái lui. Đối với chư Phật, hãy sinh
tâm thanh tịnh, hoan hỷ, tôn kính, thấy rất hiếm có. Chư Phật thì phẩm
chất bình đẳng, chỉ vì giáo hóa chúng sinh mà hiện ra thế giới khác
nhau. A nan, tôn giả thấy đó, thế giới chư Phật đất có giới hạn mà
hư không đâu có giới hạn, sắc thân chư Phật cũng vậy, sắc thân ấy
có giới hạn mà tuệ giác vô ngại đâu có giới hạn. A nan, tất cả những
gì của chư Phật, như sắc thân, uy đức, tướng hảo, chủng tộc, giới,
định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, lực, vô úy, bất cọng, đại
từ, đại bi, uy nghi, việc làm, đời sống, thuyết pháp, giáo hóa, làm
nên chúng sinh, làm sạch thế giới, tất cả phẩm chất Phật toàn hảo như
vậy đồng đẳng hết thảy, nên tôn xưng là đấng Chánh biến tri, đấng
Như lai, đấng Giác giả. A nan, nếu Như lai nói rộng rãi về ba đức hiệu
ấy, thì tôn giả đem sự sống lâu cả một kiếp cũng không thể tiếp nhận
trọn vẹn. Giả sử chúng sinh cả đại thiên thế giới này đều như tôn
giả, đa văn bậc nhất, được tổng trì về ký ức, chúng sinh như vậy
đem sự sống lâu cả một kiếp cũng không thể tiếp nhận cho hết. A nan,
tuệ giác của Phật không có giới hạn, hùng biện của Phật không thể
nghĩ bàn.
Tôn giả A nan thưa với Phật, từ
nay sắp đi, con không dám tự gọi là đa văn nữa. Phật dạy, tôn giả đừng
có cái ý thức thoái lui ấy. Tại sao, vì Như lai nói tôn giả đa văn hơn
hết trong hàng thanh văn, đâu có nói trong hàng bồ tát. Thôi, hãy ngừng lại
ở đây, A nan; những người có trí thì không nên có một nhận thức giới
hạn nào về các vị bồ tát. Đại dương sâu thẳm còn có thể ước lượng
được, còn thiền định, trí tuệ, tổng trì, hùng biêển, tất cả phẩm
chất này của bồ tát thì không thể lường nổi. A nan, các người hãy
gác lại việc làm của bồ tát. Bởi vì trưởng giả Duy ma nhất thời thị
hiện thần lực mà thanh văn duyên giác tận lực biến hóa trong trăm ngàn
kiếp cũng không thể làm được.
Lúc ấy các vị bồ tát đến từ
thế giới Chúng hương, chắp tay thưa Phật, bạch đức Thế tôn, chúng con
mới thấy thế giới này thì cho là thấp kém, bây giờ tự hối, khử bỏ
tư tưởng ấy. Tại sao, vì phương tiện của chư Phật thật là bất khả
tư nghị, để độ chúng sinh nên hiện ra thế giới thích ứng khác nhau. Dạ,
kính bạch đức Thế tôn, xin Ngài ban cho chúng con chút ít huấn dụ, để
khi về thế giới của mình chúng con nhớ mãi về đức Thế tôn. Đức Thế
tôn dạy, bồ tát có một pháp môn giải thoát tên là Hết và không hết,
các vị nên tu học. Hết là hữu vi. Không hết là vô vi. Mà bồ tát thì
không hết hữu vi, không ở vô vi.
Không hết hữu vi là thế nào? Là
không rời đại từ. Không bỏ đại bi. Phát khởi sâu xa cái tâm cầu nhất
thế trí mà không bao giờ bỗng chốc quên mất. Giáo hóa chúng sinh không
bao giờ mỏi mệt. Thường nhớ và làm theo bốn thứ nhiếp pháp. Không tiếc
tính mạng mà giữ gìn chánh pháp. Không biết chán mệt trong việc gieo trồng
các gốc rễ thiện pháp. Chí nguyện thường ở trong sự phương tiện hồi
hướng. Cầu pháp không nhác. Thuyết pháp không lẫn. Nỗ lực phụng sự
chư Phật. Vào trong sinh tử mà không sợ. Vinh nhục không làm cho mừng lo.
Không khinh những người tu học chưa thấu đáo. Kính trọng những người
tu học như kính trọng Phật. Ai sa vào phiền não thì làm cho họ có chánh
niệm. Không quí trọng cái vui viễn ly. Không ham cái vui của mình. Vui mừng
cái vui của người. Ở trong thiền định thấy như ở trong địa ngục
(37) . Ở trong sinh tử thấy như du ngoạn hoa viên. Thấy ai đến cầu xin thì
coi như bậc thầy tốt. Xả bỏ tất cả, vì có đủ ý tưởng về nhất
thế trí. Thấy người phạm giới thì sinh tâm cứu vớt, giữ gìn. Đối với
sáu độ thì có ý tưởng cha mẹ. Đối với giác phần thì có ý tưởng bà
con. Thật hành thiện pháp không có giới hạn nào cả. Đem những sự trang
nghiêm của các tịnh độ mà làm thành quốc độ của mình. Thật hành bố
thí vô hạn. Tướng hảo hoàn bị. Tẩy trừ điều ác, làm sạch thân miệng
ý. Sống chết vô số kiếp mà ý chí vẫn dũng liệt. Nghe nói công đức vô
lượng của Phật mà chí nguyện không mệt mỏi. Dẹp giặc phiền não bằng
kiếm báu trí tuệ. Siêu thoát uẩn xứ giới. Gánh vác chúng sinh, vĩnh viễn
làm cho họ giải thoát. Đàn áp ma quân bằng sự đại tinh tiến. Thường
cầu sự không phân biệt, trí tuệ hội nhập thật tướng. Thật hành ít
ham muốn và biết vừa đủ mà không xả bỏ việc đời. Không thiếu sót
uy nghi mà tùy thuận việc đời. Sử dụng tuệ giác thần lực mà dẫn dắt
chúng sinh. Được tổng trì về ký ức. Nghe thì không quên. Khéo biết
trình độ, loại bỏ hoài nghi cho chúng sinh. Đem tài hùng biện mà thuyết
pháp vô ngại. Làm sạch mười thiện nghiệp mà chấp nhận phước báo
trongchư thiên nhân loại. Thực hành bốn tâm vô lượng mà mở đường Phạn
thiên. Khuyến thỉnh thuyết pháp, tùy hỷ tán dương, được âm thanh của
Phật. Thân miệng ý hoàn thiện, được uy nghi của Phật. Tu hành sâu xa
các loại thiện pháp. Tu hành chuyển tới hơn lên. Đem giáo lý đại thừa
mà tác thành cho bồ tát tăng. Tâm không phóng dật, không mất thiện pháp.
Hành trì như vậy thì gọi là bồ tát không hết hữu vi.
Không ở vô vi là thế nào? Là tu học
về không mà không lấy không làm chứng đắc. Tu học về vô tướng và
vô tác mà không lấy vô tướng và vô tác làm chứng đắc. Tu học sự không
phát khởi mà không lấy sự không phát khởi làm chứng đắc. Quan sát sự
vô thường mà không chán điều thiện. Quan sát sự đau khổ mà không ác cảm
sinh tử. Quan sát sự vô ngã mà huấn dụ cho người không mệt. Quan sát sự
dứt bặt mà không vĩnh viễn dứt bặt. Quan sát sự viễn ly mà cả thân
và tâm đều làm điều thiện. Quan sát sự không qui túc mà qui túc về thiện
pháp. Quan sát sự vô sinh mà đem sự sinh gánh vác chúng sinh. Quan sát sự
vô lậu mà không đoạn tuyệt các lậu. Quan sát sự không làm mà làm theo
các pháp giáo hóa chúng sinh. Quan sát về Không mà không bỏ đại bi. Quan sát
chính vị mà không tùy theo tiểu thừa. Quan sát các pháp dối trá, không chắc,
không sinh thể, không chủ thể, không khái niệm, vậy mà bản nguyện chưa
viên mãn thì chắc thật đối với phước đức, thiền định, trí tuệ.
Hành trì như vậy thì gọi là bồ tát không ở vô vi.
Thêm nữa, đủ phước đức thì
không ở vô vi, đủ trí tuệ thì không hết hữu vi. Từ bi vĩ đại nên
không ở vô vi, bản nguyện viên mãn nên không hết hữu vi. Tập hợp dược
phẩm chánh pháp nên không ở vô vi, tùy bịnh mà cho dược phẩm ấy nên
không hết hữu vi. Biết bịnh chúng sinh nên không ở vô vi, diệt bịnh
chúng sinh nên không hết hữu vi. Các vị bồ tát chánh sĩ hành trì như vậy,
không hết hữu vi, không ở vô vi, thì gọi là pháp môn giải thoát Hết
và không hết. Các vị hãy tu học pháp môn giải thoát ấy.
Lúc bấy giờ các vị bồ tát thế
giới Chúng hương nghe được pháp môn này thì đại hoan hỷ cả. Các vị
đem hoa quí với bao nhiêu màu sắc và hương thơm mà rải khắp đại thiên
thế giới, hiến cúng đức Thế tôn, hiến cúng kinh này, và hiến cúng
các vị bồ tát. Xong rồi, các vị ấy lạy ngang chân đức Thế tôn, than
rằng thật chưa từng có, nói đức Thích ca thế tôn làm được phương tiện
khéo léo như vậy, tại thế giới này. Nói rồi biến mất, trở về thế
giới Chúng hương của các vị ấy.
-oOo-
Chân thành cảm ơn quý cư sĩ Nguyễn Văn Củng, Đoàn Viết
Hiệp và Nguyễn Anh Tuấn đã phát tâm chuyển tác phẩm này từ dạng Help
File, VPS font sang dạng Word, VNI font. Thích Nhật Từ 29-4-2000
Tổng Quan | Phần I | Phần II | Phần III | Phần IV |