- Kinh Bát Đại Nhân Giác
- Thích Viên Giác dịch và giải
- 3
- BÀI VIII
- I . CHÁNH VĂN
- Đệ thất giác ngộ
- Ngũ dục quá hoạn
- Tuy vi tục nhân
- Bất nhiễm thế lạc
- Thường niệm tam y
- Ngõa bát pháp khí
- Chí nguyện xuất gia
- Thủ đạo thanh bạch
- Phạm hạnh cao viễn
- Từ bi nhất thiết.
-
- II. DỊCH NGHĨA
Điều thứ bảy giác ngộ rằng : Năm
loại dục là nguyên nhân gây ra tội lỗi và tai họa. Vậy tuy làm người
cư sĩ mà sống không đắm nhiễm năm thứ vui phàm tục ấy. Tâm thường
nghĩ đến ba y và bình bát. Tâm nguyện hướng về đời sống xuất gia. Vì
vậy, sống thanh tịnh, giữ gìn đạo hạnh, tu tập phạm hạnh thanh cao,
thương yêu tất cả muôn loài.
III. GIẢI THÍCH
NỘI DUNG
Điều thứ bảy giác ngộ về sự
nguy hiểm của các dục lạc thế gian mà người cư sĩ đang sống ở trong
đó ; sự nguy hiểm ấy có hai mặt là phát sinh hành vi tội ác, nảy sinh
những tai ương hoạn nạn, khổ đau.
Là một người cư sĩ tại gia thực
hành Bồ tát hạnh, người Phật tử phải có đời sống biểu hiện sự
giác ngộ, nghĩa là phải vượt lên trên các dục lạc phàm tình, giống như
hoa sen ở trong bùn vượt lên trên bùn mà không hôi mùi bùn. Trên căn bản
đạo đức thanh tịnh ấy, người cư sĩ phát triển lòng từ bi và cứu độ
chúng sanh có hiệu quả.
Điều thứ bảy nầy có các quan
điểm khác nhau giải thích về nó ; có người cho rằng đây là hạnh ly
nhiễm của người xuất gia, nghĩa là người xuất gia hành đạo giữa đời
thường có thể bị hệ lụy tham đắm năm dục. Như vậy cũng không có
gì là sai. Tuy nhiên Kinh văn ghi rất rõ là : "tuy vi tục nhân" thì
ta phải hiểu là người thế tục, "người đời". Các giảng sư
Trung Hoa như Ngài Thái Hư Đại sư, Ngài Tinh Vân… đều giảng là người
cư sĩ. Trong tác phẩm "Dịch giải tám điều giác ngộ của Bậc Thượng
Nhân" Hoà Thượng Trí Quang viết : "Điều giác ngộ thứ bảy dạy
riêng cho Phật tử tại gia. Phật tử tại gia nên tâm niệm xuất gia, nên
sống theo hạnh ly nhiễm : "cái hạnh hoa sen". Chúng tôi cho rằng đây
là điều dạy cho người cư sĩ để họ thực hành mục đích giải thoát
trong đời sống thế tục. Nâng cao vai trò người cư sĩ trong đời sống xã
hội, thực hành Bồ tát hạnh, hoằng pháp lợi sinh như người xuất gia là
đường lối Phật hóa nhân gian của Phật giáo Đại thừa.
- Người cư sĩ đạt được giải thoát giữa đời
sống thế tục qua các giai đoạn tu tập nhưng không nhiễm dục lạc, sống
đời thanh bạch, phạm hạnh cao viễn và thương yêu muôn loài thì giá trị
của người cư sĩ rất lớn, tác dụng rất lớn đối với cuộc đời. Đây
là đời sống lý tưởng của Bồ tát đạo. Thực ra, trong Kinh tạng Nguyên
Thủy, Đức Phật đã đưa ra mô thức của đời sống giải thoát ở trong
thế tục, như trong kinh Tăng Chi , Ngài dạy có bốn hạng xuất gia :
- 1. Thân xuất gia mà tâm không xuất gia.
- 2. Tâm xuất gia mà tâm không xuất gia.
- 3. Thân và tâm đều xuất gia.
- 4. Thân và tâm đều không xuất gia.
- (Chương bốn pháp)
Vậy, hạng thứ hai, tâm xuất gia
thân không xuất gia, chính là mô thức tu tập của Bồ tát cư sĩ.
Đời sống của người cư sĩ tại
gia bị vây quanh bởi năm dục thật không dễ dàng đoạn trừ chúng để
thực hành hạnh ly nhiễm. Kinh Trung Bộ có ghi rằng : Có lần một vị cư
sĩ đến gặp đức Phật và trình bày rằng ông ta nhờ thâm hiểu lời Phật
dạy, nên thấy rất rõ năm dục là nguy hiểm, hạ liệt, ô uế, vui ít khổ
nhiều… nhưng tại sao ông ta không đoạn trừ được chúng ? Đức Phật
đã dạy : Sở dĩ ông ta không đoạn trừ được năm dục là vì ông còn sống
đời sống thế tục, nên dù biết rõ về dục mà vẫn không đoạn trừ
được chúng.
Người tại gia sống với thói quen
hưởng thụ các dục lạc, lệ thuộc các cảm thọ lạc thú, bị ràng buộc
rất khó thoát ly. Hưởng thụ dục lạc là bản năng của sinh vật, của
con người, vì vậy chỉ cần chạm nhẹ là đánh thức bản năng ngay. Đời
sống của người cư sĩ đối với các đối tượng của dục lạc luôn
kích thích bản năng hưởng lạc làm cho nó luôn tăng trưởng, rất khó xả
ly chúng. Có những cư sĩ học rộng hiểu nhiều, học vị cao, có công đức
lớn đối với đạo pháp, lãnh hội được Phật pháp cao siêu nên họ tưởng
mình đã được tự tại giải thoát giữa đời thường. Thực ra, họ rất
khó vượt ra cái thói quen hưởng thụ : ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nghỉ dễ
chịu, nhu cầu tình dục, và các thú vui tế nhị khác… Thói quen tiện
nghi đã tạo cho họ dấu ấn trên thân thể, não bộ… nên nó có sức mạnh
tiềm ẩn khó nhận ra, vì vậy mà khó đoạn trừ được chúng.
Để đạt được trình độ "Bất
nhiễm thế lạc" như Kinh văn đã dạy : Người cư sĩ phải kiến tạo
cho mình một thói quen, một lối tư duy mới, đó là thường nhớ nghĩ đến
ba y và bình bát. Ba y và bình bát là tài sản bất ly thân của người xuất
gia. Ba y gồm có An-đà-hội, dịch là Tác-vụ-y, nghĩa là khi chấp tác lao
động phục dịch… thì bận y này ; Y Uất-đa-la-tăng dịch là Nhập chúng
y, nghĩa là khi vào trong chúng Tăng làm các Phật sự như : Trai tăng, nghe pháp,
tụng kinh, tọa thiền…thì bận y này ; và y Tăng-già-lê dịch là Tạp-
toái- y nghĩa là loại y này gồm nhiều mảnh ráp lại (có loại : y 9 điều,
y 11 điều, y 13 điều…) dùng để bận khi thăng tòa thuyết pháp, vào
làng khất thực, hàng phục ngoại đạo… Bình bát Phạn ngữ là Bát-đa-la
dịch là ứng lượng khí nghĩa là phù hợp dung lượng để đựng thực phẩm.
Y thì hoại sắc không đẹp, mang ý nghĩa giải thoát : giải thoát ý niệm
đẹp đẽ của sắc tướng. Bình bát thể hiện tính chất giải thoát sự
hệ lụy của món ăn. Thường nghĩ đến ba y và bình bát nghĩa là không
tìm kiếm lạc thú ở nơi ăn và mặc, do đó không hệ lụy vấn đề ăn mặc.
Thường nhớ nghĩ đến y bát tức đi ngược lại thói quen hưởng thụ về
món ăn và mặc, đó là hai thói quen quan trọng của đời sống thế tục.
Vậy bước đầu chú tâm giảm thiểu
nhu cầu hưởng thụ mang tính thô thiển bề ngoài, họ tạo được khoảng
cách giữa đức hạnh và sự cám dỗ của lạc thú. Mặc dù sống trong
vòng vây của các dục nhưng đã tạo được ranh giới cần thiết để có
sự bảo hộ đạo hạnh. Như người Bồ Tát cư sĩ ăn chay chẳng hạn, họ
sẽ tự tại với các lạc thú và sự tranh giành món ăn ngon của những
người xung quanh, họ cảm thấy "đứng ngoài" mặc dù ở chung với
nhau.
Bước tiếp theo người cư sĩ nuôi
dưỡng một ước muốn, một "chí nguyện" từ bỏ đời sống thế
tục. Đây là một bước đi quan trọng để thoát vòng vây của dục. Ngũ
dục là đối tượng của ước muốn, là nguyện vọng của đa số, của
thường tình ; nay ta không nuôi dưỡng ước vọng đó nữa, ta nuôi dưỡng
ước vọng khác : đời sống giải thoát, đời sống viễn ly. Tâm dục bất
thiện nay biến thành tâm dục thiện, hướng thượng, nhờ vậy mà thay đổi
xu hướng của tâm, thay đổi được bản năng . Như vậy, ta tạo được một
ranh giới cần thiết cho tâm hướng thượng trong biển tâm nhiễm ô.
Qua hai bước trên, người cư sĩ có
đươcức mạnh căn bản của thân và của tâm, từ đó họ tiến lên bước
thứ ba : Thay đổi toàn bộ lối sống của mình và của cả gia đình
mình; nghĩa là sống một đời sống thanh bạch, đạm bạc về vật chất,
về hình thức, nhưng phong phú giàu có về tinh thần, mà kinh văn gọi là
"thủ đạo thanh bạch".
Cuộc sống của người cư sĩ không
phải là một cuộc sống đơn độc mà còn có gia đình vợ con thân thuộc….
Cho nên những bước tu tập của mình phải đủ sức cảm hóa gia đình vợ
con… để họ cùng tu với mình, cùng nhìn về một hướng…. đây là một
điều khó cho một người tu tại gia. Cuộc sống đạm bạc thanh cao của
ta sẽ đổ vỡ nếu không được sự trợ duyên của vợ con. Mặt khác, nếu
ta không cảm hóa thuyết phục được vợ con tu tập thì ta chỉ là người
cư sĩ thường thôi chứ không thực hành nổi vai trò và hạnh nguyện của
một cư sĩ Bồ Tát. Bởi lẽ, chúng sinh trong nhà mà mình không độ được
làm sao độ được chúng sanh ở ngoài. Thiền truyện Trung Hoa có đề cập
đến gia đình ông Bàng Long Uẩn đắc đạo cả nhà là một mô hình lý tưởng
cho người cư sĩ tại gia.
Thay đổi lối sống từ hưởng thụ
dục lạc qua lối sống thanh bạch đạo vị, tức là kiến tạo được một
môi trường thuận lợi cho sự tu tập, là tạo điều kiện quá độ cho một
đời sống mới : Đời sống phạm hạnh và tình thương muôn loài.
Đời sống phạm hạnh là đời sống
không có tình dục và các thú vui phàm tục, không coi trọng hay bị lệ thuộc
vào ân ái vợ chồng, không bị ràng buộc bởi tình yêu giới tính. Tình
ân ái là một loại tình thương mang tính trói buộc, vị kỷ có tác dụng
làm con người gắn chặt hơn nữa vào đời sống bản năng và sự đau khổ.
Cho nên, đời sống phạm hạnh là đời sống từ bỏ tình yêu vị kỷ,
phát triển tình yêu vị tha. Đây là lý do tại sao kinh văn lại đưa công
hạnh phạm hạnh vào trong đời sống của Bồ Tát cư sĩ. Tâm từ đối với
muôn loài không thể có nơi Bồ Tát cư sĩ, nếu họ còn đắm nhiễm ân
ái , lạc thọ vị kỷ. Sống phạm hạnh trong đời sống thế tục không dễ
dàng và vấn đề giác ngộ đạo lý của vợ con là điều phải có. Vấn
đề phạm hạnh của người cư sĩ có thể có hai cách hiểu : Một là đoạn
trừ dâm dục ; hai là không bị trói buộc và đắm nhiễm dâm dục, không
bị tình ân ái cản trở hay hạn chế sự phát triển từ bi tâm. Một đời
sống như vậy thì không khác nội dung đời sống của một vị Bồ Tát xuất
gia.
IV.KẾT LUẬN
Người cư sĩ sống đời sống thế
tục có kinh nghiệm phong phú, có sự hiểu biết sâu sắc về con người:
căn cơ, trình độ, tâm lý, ước muốn của họ ; hiểu biết một cách trực
tiếp về bản chất của đời sống xã hội. Vì vậy họ có thể hiểu biết
cảm thông và thương yêu con người một cách chân thật. Tuy vậy, để đạt
được một đời sống lý tưởng " tâm xuất gia mà thân không xuất
gia" , đạt được mục đích và hạnh nguyện của một Bồ Tát cư sĩ
thì họ phải thực hành tuần tự từng bước :
Quán chiếu để thấy rõ bản chất
của năm dục lạc đưa đến tội ác và tai ương hoạn nạn, mà hoạn nạn
lớn nhất là bị che khuất trí tuệ và chìm đắm trong vòng sanh tử. Phải
tu tập để chiến thắng sự kiềm tỏa của năm dục, phải triệt tiêu
áp lực của chúng trong nội tâm mình.
Phải tạo thói quen, xu hướng mới
cho tâm thức, hướng tư duy về sự giải thoát, về đời sống viễn ly thành
tựu được chánh tư duy, thiện tâm bắt đầu tỏa sáng.
Kiến tạo một đời sống đạm bạc
thanh cao. Trong đó bao gồm các đối tượng bên cạnh mình như vợ con….để
thiết lập cuộc sống chung giàu trí tuệ và an lạc.
Từ đó, thiết lập đời sống phạm
hạnh coi nhẹ tình yêu ân ái vợ chồng giới tính biến thành tình yêu vị
tha đối với muôn loài, biến các chất liệu của tình thương đau khổ, hạn
chế thành chất liệu tình thương vô lượng ,an lạc.
Như vậy, người cư sĩ có thể kiến
tạo đạo tràng giữa cõi nhân gian, hoàn thành hạnh nguyện độ tha của Bồ
Tát đạo.
- BÀI IX
- I . CHÁNH VĂN
-
- Đệ bát giác tri
- Sanh tử xí nhiên,
- Khổ não vô lượng
- Phát đại thừa tâm,
- Phổ tế nhất thiết,
- Nguyện đại chúng sanh
- Thọ vô lượng khổ
- Linh chư chúng sanh
- Tất cánh đại lạc
-
- II . DỊCH NGHĨA
Điều thứ tám giác ngộ rằng lửa
sanh tử bừng cháy làm chúng sanh thọ khổ vô lượng. Vì vậy Bồ tát
phát tâm Đại thừa cứu giúp tất cả. Nguyện thay thế cho chúng sanh chịu
các khổ não vô lượng ấy. Làm cho mọi loài chúng sanh đạt được niềm
vui tối thượng.
III. GIẢI THÍCH
NỘI DUNG
Điều thứ tám là điều giác ngộ
sau cùng của Kinh Tám Điều Giác Ngộ của Bậc Đại Nhân. Điều giác ngộ
này là đỉnh cao của Bồ Tát hạnh, hay nói cách khác đây là đỉnh điểm
của từ bi tâm. Có thể nói, điều giác ngộ thứ tám này là tư tưởng
chủ đạo, là mục tiêu của Kinh Bát Đại Nhân Giác.
Như đã nói ở phần nhận thức tổng
quát, hướng đi của kinh Bát Đại Nhân Giác là cổ xúy tư tưởng Đại
thừa. Khai triển Bồ Tát hạnh và có hướng nghiêng về Bồ Tát cư sĩ.
Điều thứ bảy tình thương vị tha đã được xây dựng, tình thương ấy
đã được trí tuệ bình đẳng làm nền ở điều thứ sáu, đến đây lộ
trình tâm đã lên đến đỉnh cao, sự hợp nhất của trí tuệ và từ bi
trí tuệ và từ bi này được thiết lập trên nền tảng tâm thanh tịnh,
qua quá trình tu tập lâu dài (điều 1, 2, 3, 4, 5). Ngài AnThế Cao đã xây dựng
lộ trình tu tập một cách hệ thống, biện chứng. Đỉnh điểm của trí
tuệ và từ bi gồm có :
1. Sanh tử xí nhiên, khổ não vô lượng
: Sự giác ngộ về thế giới chủ quan và khách quan bao gồm lục đạo, ba
cõi đều nằm trong biển lửa, nói cách khác chúng là lửa, như Kinh nói :
"Tam giới vô an du như hỏa trạch"-(ba cõi không yên giống như ngôi
nhà lửa) - Thế giới ấy được kiến tạo bằng lửa tham dục, lửa sân
hận và lửa ngu si mê muội. Như vậy chúng sanh nói chung, con người nói
riêng đang sống ở trong đó phải chịu đựng nhiều nỗi đau khổ bất tận,
chịu những kết quả của tham, sân, si, tứ飠nghiệp báo nặng nề. Hình ảnh ngôi nhà lửa hay ngọn
lửa bùng cháy của cõi sanh tử tạo ấn tượng mạnh mẽ về những nỗi
khốn đốn thương đau của mọi loài. Chỉ nói về con người cũng thấy rõ
nỗi khổ là vô lượng : có những loại khổ thuộc về thân thể sinh lý,
có những loại khổ thuộc về tâm lý, có những nỗi khổ thuộc về hiện
tượng, có những nỗi khổ thuộc về bản chất… Những nỗi khổ ấy
có mặt thường xuyên hoặc âm ỉ, hoặc bộc phát, làm cho sự có mặt của
con người luôn kéo theo sự có mặt của bất an, khổ đau và rối loạn. Bề
ngoài thì có người giàu sang, kẻ nghèo hèn; người thông minh tài trí, kẻ
thì đần độn ngu si ; người thì thành công rực rỡ, kẻ thì thất bại
chua cay ; người thì mạnh mẽ vẹn toàn, kẻ thì yếu đuối bịnh hoạn…
Nhưng tất cả mọi người đều có một mẫu số chung : đó là nỗi ĐAU
KHỔ, mỗi người đều có nỗi đau khổ riêng tùy theo tâm trạng, hoàn cảnh,
địa vị… mà mỗi người gánh lấy niềm đau nỗi bất an của riêng
mình, làm như đau khổ là tài sản của nhân loại như Ôn Như Hầu nói :
- " Thảo nào khi mới chôn nhau
- Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra
- Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
- Ai bày trò bãi bể nương dâu…"
Nhờ trí tuệ mới nhận chân ra
được dòng sanh tử bùng cháy và nhờ từ bi mà cảm được nỗi khổ vô
lượng.
2. Phát tâm Đại thừa phổ tế nhất
thiết : Tâm Đại Thừa có nghĩa là tâm Đại Bi, tâm cứu giúp tất cả
chúng sanh đều được thoát khổ, là tâm ước muốn và hành động vì lợi
ích cho muôn loài. Để phát được tâm này ta phải thấy rõ và cảm thông
được nỗi khổ vô tận của mọi người trong dòng đời đen bạc.
Khi ta thấy rõ nỗi khổ thực sự
của người nào thì ta sẽ thương người ấy, ta không còn buồn, giận, đố
kỵ với người ấy. Quán chiếu cái khổ của mọi người để phát khởi
tình thương là một pháp tu tập từ bi tâm. Có những người hung dữ độc
ác nhưng khi ta thấy họ bị đánh đập đầy thương tích, đang quằn quại
trong vũng máu ta liền thay đổi thái độ : không ghét hay giận họ nữa
mà ta thương xót và giúp đỡ họ.
Khi ta thấy ai khổ thì ta thương
người ấy, đó là cái thấy hạn chế, nghĩa là cái thấy bằng mắt đòi
hỏi phải có hình ảnh cụ thể, trường hợp cụ thể ta mới xúc động,
ta mới thương. Vì vậy người được ta thương phải là người đang bị
tai ương hoạn nạn và phải gần ta, ta mới thấy, mới gặp. Có người không
có tình thương ai khi ở nhà, nhưng khi vào bệnh viện thấy cảnh đau đớn
của bệnh nhân liền khởi tâm thương yêu. Đó là tình thương bình thường,
không phải là Đại bi tâm.
Để đạt được tâm đại bi cần
phải quán chiếu, phải thấy bằng tuệ nhãn đưa tâm từ bi đến với muôn
loài không giới hạn, nhờ thấy được ngọn lửa sanh tử bùng cháy nên
thấy nỗi khổ vô lượng của chúng sanh. Vì vậy phát triển tâm đại bi
cứu giúp tất cả. Trong Kinh Từ Bi, Đức Phật dạy : Người tu tập tâm
thương yêu luôn tâm niệm rằng " Nguyện cho tất cả loài sinh vật
trên trái đất đều được sống an lành , những loài yếu , những loài mạnh
, những loài cao, những loài thấp ,những loài lớn, những loài nhỏ , những
loài ở gần những loài ở xa , những loài đã sanh và những loài sắp
sanh …" " Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao
trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới , từ trái sang phải
, lòng từ bi không bị bất cứ cái gì làm ngăn cách , tâm ta không còn vương
vấn một chút gì hờn oán hoặc căm thù . Bất cứ lúc nào khi đi, khi đứng,
khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm
từ bi" ( Metta Sutta- Nhất Hạnh –Dịch ) .
Lòng đại bi thương yêu một cách
vẹn toàn viên mãn không có chỗ khuyết hay khoảng hở như được diễn tả
trong kinh Từ Bi và đối tượng của tâm đại bi cũng đầy đủ viên mãn
không thiếu sót, không hạn chế, đó là ý nghĩa của "Phát đại thừa
tâm phổ tế nhất thiết"
3. Nguyện đại chúng sanh thọ vô lượng
khổ.
Tâm đại bi đã viên mãn chín mùi
thì sẽ tạo ra tác dụng tích cực một cách tự nhiên ; như ta thương ai một
cách đầy đủ thì ta sẽ có hành động, bước đầu là hành động giúp
đỡ cho họ cái gì mà họ cần để bày tỏ sự cảm thông hoặc để thỏa
mãn nội tâm chất chứa đầy tình thương của mình. Giả sử người kia
không muốn nhận sự giúp đỡ của mình, họ từ chối…. điều đó làm
mình đau xót lắm ! Đó là thái độ tâm lý của một bà mẹ thương đứa
con của mình.
Bước thứ hai là muốn chia sẻ nỗi
đau mà người kia đang gánh chịu mình không thể thờ ơ trước sự đau khổ
của kẻ khác, mình không muốn đứng ngoài, hay nói cách khác mình không thể
đứng ngoài được khi chánh niệm từ bi luôn có mặt. Với tâm từ bi bao
trùm mọi loài viên mãn cả không gian và thời gian mình cảm được cái khổ
của mọi người nên nỗi đau của người sẽ là nỗi đau của mình . Dưới
trí tuệ quán chiếu duyên khởi thì mọi loài, mọi người và mọi vật tương
quan tương duyên và tương tác với nhau, làm sao ta có thể tách rời khỏi
vạn vật được ?
Tâm đại bi muốn thay thế cho chúng
sanh thọ khổ là đỉnh cao của công trình tu tập từ bi tâm, tiêu biểu
cho hạnh nguyện đại bi này là Bồ Tát Địa Tạng Vương : "Địa ngục
vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng bồ đề"
( nếu chúng sanh trong địa ngục chưa hết, ta chưa thành Phật, chúng sanh
đã độ hết rồi mới chứng quả Bồ Đề) . Đây là một tâm nguyện, một
ước vọng vĩ đại mà tâm vô ngã làm nền- ta và chúng sanh là một, ta
ở trong chúng sanh, chúng sanh ở trong ta. Vậy chúng sanh chưa thành Phật ta
làm sao thành ?!
Có cách giải thích điều "
Nguyện thay thế chúng sanh thọ khổ vô lượng" là một nghịch hành
pháp môn, trong Túc Sanh truyện có khá nhiều chuyện minh họa cho pháp môn nầy
như thí thân cho cọp đói, bố thí vợ con…. Đó là một đời sống mang
tính chất lý tưởng hơn là hiện thực. Điều thực hiện ở đây chính
là tâm thương yêu rộng lớn biểu hiện trí tuệ thể nhập thực tại mà
kinh sách thường nói: "vô duyên đại từ, đồng thể đại bi". Tâm
nguyện thay thế chúng sanh thọ khổ chính là tâm từ bi viên mãn.
4. Linh chư chúng sanh tất cánh đại
lạc:
- Diệu dụng của tâm từ bi là
đem đến sự an vui hạnh phúc cho mọi người. Để đạt được kết quả
tốt đẹp ấy, người tu Bồ Tát hạnh phải dùng các phương tiện khác
nhau để cảm hóa con người. Phương tiện độ sanh của Bồ tát rất đa dạng,
đôi khi thi hành các phương tiện bề ngoài như là không tốt nhưng đạt
được mục đích hóa độ, có thể nói phương tiện có đến tám vạn bốn
ngàn môn. Trong kinh Nguyên Thủy cũng như Đại thừa, Đức Phật khái quát
bốn cách độ sanh chính, gọi là Tứ Nhiếp pháp : Bố thí, Ái ngữ, Lợi
hành, Đồng sự.
Khi ta đã có sẵn tâm từ bi bao la
thì tác dụng độ sanh là một nhu cầu thiết yếu như ăn, uống, hít thở….
không kể Nguyên thủy hay đường lối Đại thừa đều như vậy, vì vậy
ta sẽ có phương cách độ người, giúp người. Sự cứu giúp chúng sanh
ở đây không còn đơn giản là bố thí vật chất hay tinh thần để con
người có được niềm vui mà ta làm thế nào để mọi người đều đạt
được niềm vui tối thượng, nghĩa là giải thoát hoàn toàn sanh tử. Nếu
chưa đạt được như vậy thì Bồ Tát không thể nào thỏa mãn được
như hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng Vương. Vì vậy, lời nguyện hằng
ngày của Phật tử biểu hiện ý chí mạnh mẽ, lòng từ vô biên :
- " Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
- Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
- Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
- Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành"
IV. KẾT LUẬN
Điều giác ngộ thứ tám là đỉnh
cao của lộ trình tu tập Bồ Tát hạnh. Ở đó thể hiện trí tuệ và từ
bi viên mãn, đồng thời thể hiện tác dụng hóa độ chúng sanh một cách
cao độ. Tất cả những khả năng ấy đều được nói đến trong Kinh tạng
Nguyên Thủy cũng như Đại Thừa. Ở đây biểu hiện rất rõ hướng đi của
mẫu người lý tưởng : Bồ Tát nhập thế. Đây là con đường mà người
Bồ Tát cư sĩ có rất nhiều điều kiện và cơ hội thực hành.
- Khổ và thoát khổ là mối tư duy
chân chính xuyên suốt mọi pháp môn tu tập. Làm cho mình hết khổ, giúp
cho người bớt khổ là một công trình đòi hỏi trí tuệ, sức lực và thời
gian. Còn hòa vào đời chịu cảnh tối tăm lem luốc để dẫn dắt chúng
sanh lên bờ giải thoát là một hạnh nguyện vĩ đại của những Đại
Sĩ, cũng gọi là hạnh nguyện hay sự giác ngộ của Bậc Đại Nhân mà
Kinh này đề cập đến.
- C. PHẦN KẾT THÚC KINH
- BÀI X
- I . CHÁNH VĂN
-
- Như thử bát sự
- Nãi thị chư Phật
- Bồ Tát Đại Nhân
- Chi sở giác ngộ
- Tinh tấn hành đạo
- Từ bi tu huệ
- Thừa pháp thân thuyền
- Chí Niết Bàn ngạn
- Phục hoàn sanh tử
- Độ thoát chúng sanh
- Dĩ tiền bát sự
- Khai đạo nhất thiết
- Linh chư chúng sanh
- Giác sanh tử khổ
- Xã ly ngũ dục
- Tu tâm thánh đạo
- Nhược Phật đệ tử
- Tụng thử bát sự
- Ư niệm niệm trung
- Diệt vô lượng tội
- Tiến thú Bồ Đề
- Tốc chứng chánh giác.
- Vĩnh đoạn sanh tử
- Thường trụ khoái lạc
-
- II. DỊCH NGHĨA
Tám điều nói trên là những điều
giác ngộ của chư Phật, các vị Bồ Tát và các Bậc Đại Nhân. Các Ngài
đã tinh tấn hành đạo, tu tập từ bi và trí tuệ, nương thuyền pháp
thân mà lên bờ Niết Bàn, rồi lại trở về cõi sanh tử để giúp chúng
sanh được giải thoát. Các ngài lấy tám điều giác ngộ này mà chỉ dẫn
chúng sanh. Làm cho mọi chúng sanh giác ngộ được nỗi khổ sanh tử mà
buông bỏ năm dục lạc hướng tâm về con đường Thánh.
Nếu là đệ tử của Phật thì phải
đọc tụng tám điều này. Ở nơi mỗi ý niệm đều như vậy diệt được
vô lượng tội, hướng đến giác ngộ, mau lên chánh giác. Vĩnh viễn đoạn
trừ sanh tử, thường ở trong sự an lạc Niết Bàn.
III. GIẢI THÍCH
NỘI DUNG
Phần kết thúc Kinh là những lời
nói lên tác dụng siêu việt của tám điều giác ngộ của Bậc Đại Nhân
nhằm khích lệ tinh thần tu tập của các hành giả Phật tử. Phần nầy
có thể chia thành hai ý chính :
1. Tác dụng xuất thế của tám điều
giác ngộ :
Tám điều giác ngộ nầy không phải
là pháp môn thông thường mà nó có giá trị và lợi ích rất lớn : Là phương
tiện để giải thoát của chư Phật, Bồ tát, Thánh Hiền… Các Ngài nhờ
nỗ lực tu tập theo tám điều giác ngộ nầy mà viên mãn được đức tánh
từ bi và trí tuệ, nhờ từ bi và trí tuệ viên mãn mà tạo thành chiếc
thuyền pháp thân dẫn đến bến bờ Niết Bàn - giải thoát tối hậu.
Tác dụng xuất thế gồm những gì
? Đó là tu tập quán chiếu Tứ Niệm Xứ, trang bị cho mình nhận thức rõ
về thân, về thọ, về tâm và về pháp. Tu tập hạnh thiểu dục tri túc sống
đời thanh bạch từ bỏ các lạc thú ở đời. Nhờ vậy trí tuệ được
tăng trưởng - tuệ giải thoát phát sinh.
- Con đường tu tập để làm thanh
tịnh Thân - Khẩu - Ý, đoạn trừ các ác nghiệp và các ô nhiễm tâm lý,
làm chủ được các hành vi bản năng, mở rộng đường cho trí tuệ và giải
thoát ; đó là con đường tu tập chung của mọi người Phật tử. Dĩ nhiên
người xuất gia có lợi thế hơn. Đây là công hạnh căn bản, là hiện tướng
giải thoát của người tu, nếu không có hay không đạt được hoặc không
qua lộ trình tâm thanh tịnh nầy thì không có lộ trình giải thoát nào,
nghĩa là muốn qua sông thì phải biết bơi, còn sử dụng khả năng biết
bơi để cứu người hay không là chuyện khác. Vì vậy không thể chấp nhận
một người Phật tử, nhất là Phật tử xuất gia mà tham lam, sân hận
quá lớn, không có lý do chính đáng nào biện minh cho các việc làm hay
hành vi bất thiện.
- Con đường Bồ tát hạnh hay Đại
thừa cũng dựa trên cơ sở giải thoát và thanh tịnh nầy mà hướng tâm về
cứu độ chúng sanh.
- Thuyền pháp thân được làm bằng
trí tuệ và từ bi, trí tuệ và từ bi được làm bằng chất liệu thanh tịnh
không ô nhiễm. Con thuyền ấy đưa hành giả đến bờ giải thoát.
2. Tác dụng nhập thế của tám điều
giác ngộ :
- Tu tập hạnh thanh tịnh giải
thoát xuất thế đối với đường lối của Kinh tám điều giác ngộ có
hai mục đích : Một là trang bị cho mình khả năng giải thoát khỏi sự
trói buộc của sanh tử. Hai là sử dụng khả năng ấy để giúp cho chúng
sanh cũng được lợi ích giải thoát như mình. Thực ra, bản chất của
giáo pháp mà Đức Phật dạy luôn bao hàm hai khả năng ấy.
- Trong lời kết thúc nói rằng :
sau khi các Ngài đắc đạo nhờ tu tập tám điều giác ngộ, các Ngài từ
cõi Niết Bàn trở về cõi sinh tử giúp chúng sanh giải thoát. Điều nầy
rất rõ ràng, trước khi hóa độ chúng sanh thì phải hóa độ mình trước,
mình có giác ngộ, có giải thoát mới "trở về" hóa độ chúng
sanh, chứ không phải mình chưa giải thoát mà vội độ sanh chỉ tăng trưởng
phiền não và tội lỗi. Vì vậy, ta không có lý do gì để phê bình những
người đang nỗ lực tu tập "độ mình" là những người tiêu cực,
ích kỷ.
Tuy nhiên, nếu mình "độ mình"
lâu quá, chúng sanh đang đau khổ mà mình chưa "công viên quả mãn"
thì có phải đang bỏ rơi chúng sanh hay không ? Có lẽ đó là một điều
lo xuất phát từ thiện ý nhưng cũng như lo "voi chết không có
hòm", kiểu nói của tục ngữ Việt Nam.
Con đường tu tập của Phật giáo
không nên phân cách quá cứng ngắc giữa độ mình và độ người. Nếu quán
chiếu theo chân lý duyên sanh, ta sẽ thấy : Độ mình là độ người, độ
người cũng là độ mình. Chất liệu tu tập có chất liệu từ bi thì hệ
quả tất nhiên là có độ chúng sanh. Vì vậy, không thể nói Đại thừa mới
hoá độ chúng sanh được, còn các đường tu tập khác thì không !
Tác dụng nhập thế của tám điều
giác ngộ là thành tựu biện tài thuyết pháp cảm hóa chúng sanh, giúp đỡ
cho chúng sanh về mặt vật chất cũng như tinh thần để họ bớt khổ, tạo
cho họ cơ hội để họ tu tập hướng thượng, hướng thiện. Lấy nếp sống
mẫu mực thanh bạch và vô dục của mình làm tấm gương, làm thân giáo để
mọi người quay về chánh đạo. Cuối cùng nếu cần thiết, mình có thể
nhập cuộc nhận lãnh khổ đau nếu đó là điều giúp cho mọi người bớt
khổ thêm vui. Đó là con đường nhập thế của Bồ tát, của Kinh Tám Điều
Giác Ngộ.
Tất cả mọi phương tiện mà Bồ
tát thực hành đối với chúng sanh đều phải hướng đến các tác dụng
cụ thể :
a."Linh chúng sanh giác sanh tử
kho妱uot;: Làm cho chúng sanh có được trí
tuệ䠮hận chân khổ đế mà cái khổ lớn
nhất là cái khổ của sự sanh tử luân hồi. Điều nầy không dễ, người
ta dễ dàng nhận thức hay chấp nhận chân lý khổ như : khổ về sanh, lão,
bệnh, tử, thương yêu mà phải xa nhau, ghét mà phải gần nhau, hoặc cầu
mong mà không toại ý, tức là những cái khổ mang tính hiện tượng, còn
cái khổ bản chất thì họ không biết và rất khó biết. Vì vậy, họ chỉ
mong hết khổ thông thường chứ không mong được giải thoát.
b. "Xả ly ngũ dục":
Làm cho chúng sanh nhận chân được Tập đế là nguyên nhân của khổ, tham
ái ngũ dục. Chúng sanh đang ở trong cuộc đời, đang hưởng thụ ngũ dục,
đang hướng tâm trí đến các đối tượng của dục và vì vậy mà họ
đang đau khổ. Làm cho chúng sanh thấy rõ bản chất của dục là nguy hiểm
luôn gây ra hậu quả đau khổ, để họ dần dần nhận thức và từ bỏ
chúng.
c. Tu hành thánh đạo : Làm
cho chúng sanh hiểu được Đạo đế, tu hành con đường dẫn đến đoạn
trừ khổ đau.
- Tu hành thánh đạo là gì ? -
Chính là tu tập hành trì Bát Chánh Đạo : Chánh kiến , chánh tư duy, chánh
ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Nếu
chúng sanh tu tập thánh đạo nầy thì chắc chắn thoát ly khổ ách .
- Đoạﮠcuối cùng nhắc nhở
khích lệ người đệ tử Phật phải đọc tụng và nhớ nghĩ đến tám
điều giác ngộ nầy. Được như vậy thì trong từng ý nghĩ tiếp diễn chỉ
có thiện pháp, không có ác niệm, ác pháp. Nhờ đó mà ác nghiệp được
tiêu diệt, dẫn đến giác ngộ, thành tựu thánh quả và khổ sanh tử chấm
dứt, hưởng niềm vui tối thượng, an lạc Niết Bàn .
IV .KẾT LUẬN
- Lời kết thúc kinh bao hàm ý nghĩa
khái quát con đường tu tập của kinh, đó là thực hành sự thanh tịnh
làm cho tâm hết ô nhiễm thành tựu các đức tính trí tuệ và từ bi, nhờ
đó mà được giải thoát tối thượng. Sau khi đạt được sự giải thoát
thực hành hạnh lợi tha dùng khả năng giải thoát giác ngộ của mình
giúp cho mọi người có điều kiện hướng về chân lý và giải thoát như
mình.
- Đồ讧 thời lời kết thúc cũng đưa ra mục tiêu cụ thể cho
hành giả thực hành công cuộc hóa độ làm cho chúng sanh nhận chân về sự
khổ, về nguyên nhân đưa đến khổ và con đường đưa đến diệt khổ .
-Cuối cùng là khích lệ tu tập bằng
cách nêu bật lên công dụng quán chiếu chánh niệm đưa đến đoạn trừ
ác nghiệp thành tựu Niết Bàn .
Con đường mà kinh Bát Đại Nhân
Giác giới thiệu là con đường thuận tiện cho đời sống của người cư
sĩ thực hành để đáp ứng nguyện vọng của Bồ Tát dấn thân vào đời
cứu độ chúng sanh. Con đường ấy đặc biệt ở chỗ sống giữa cuộc
đời bụi bặm mà không dính bụi , ngược lại có thể chuyển hóa bụi bặm
ô nhiễm thành thanh tịnh thanh lương ./.
- D. THAY LỜI KẾT LUẬN
- GIỚI THIỆU MẪU NGƯỜI LÝ TƯỞNG
Ngài An Thế Cao khi chưa xuất gia một
hành giả Phật tử, tinh thông phật pháp, đức hạnh thanh cao. Ngài đã có
một cuộc sống giải thoát giữa cuộc đời đầy biến động. Động cơ
từ bỏ ngai vàng, truyền ngôi cho chú mà đi tu chắc chắn là do chí nguyện
xuất gia chín muồi.
Với tư cách là một người Phật
tử cư sĩ hiểu đạo và hành đạo giữa cuộc đời đầy ô nhiễm của lạc
thú, Ngài hiểu rất rõ sự khó khăn của một cư sĩ hướng về con đường
giải thoát. Đồng thời Ngài cũng hiểu rõ vai trò và tác dụng của người
cư sĩ đối với cuộc đời : Chuyển tải đạo lý vào đời sống xã hội,
khai mở tuệ giác xây dựng hạnh phúc cho nhân thế một cách phổ cập,
điều mà vai trò tu sĩ thoát tục rất khó thực hiện.
- Ngài An thế Cao đến Trung Hoa vào
thời nhà Hán. Bấy giờ, người Hán chưa được phép xuất gia làm tăng.
Trong quá trình phiên dịch kinh điển, Ngài có cộng sự là cư sĩ người Hán
có trình độ thế học và Phật học cao như cư sĩ Trần Tuệ, Nghiêm Phù
Điều, Hàm Lâm, Bì Nghiệp …. cộng tác dịch thuật còn có Ngài An Huyền
là người đồng hương với Ngài nhưng cũng là cư sĩ. Sau này cư sĩ Trần
Tuệ, Bì Nghiệp sang giao châu mang theo một số kinh sách mà Ngài An Thế Cao
đã dịch, họ đã tiếp tục sứ mạng của thầy mình truyền bá Phật
giáo bằng con đường dịch thuật kinh điển. Trần Tuệ đã chú giải Kinh
An Ban Thủ Ý và Thiền Sư Tăng Hội viết lời tựa.
Những tác phẩm mà Ngài An Thế Cao
dịch phần lớn thuộc về hệ Nguyên thủy, là những tác phẩm cần thiết
và hướng đến người tăng sĩ. Như vậy, chắc chắn Ngài đã đọc qua
kinh Bát Niệm của Trung A Hàm. Trên cơ sở Tám Điều Suy Niệm của Bậc Đại
Nhân, Ngài thiết lập hệ thống tu tập qua Kinh Bát Đại Nhân Giác mang sắc
thái vừa Nguyên thủy vừa Đại thừa và mục tiêu hướng đến là người
cư sĩ.
Như đã giới thiệu ở phần nhận
thức tổng quát đường lối tu tập của kinh Bát Niệm là đường lối tu
tập đoạn trừ lậu hoặc và chứng quả A La Hán. Lộ trình tu tập của
kinh Bát Niệm tiêu biểu cho đường lối tu tập truyền thống của Sangha.
Lộ trình này gồm ba bước Giới - Định – Tuệ mà định là xương sống
của pháp môn. Đây là đường lối tu tập không thuận tiện cho người
cư sĩ tại gia. Để thiết lập một lộ trình tu có tính phổ biến hơn, tích
cực hơn, để nhằm đáp ứng nhu cầu tu tập và hoằng pháp trong một bối
cảnh xã hội mới như xã hội Trung Hoa vào thời Hán, Phật giáo chưa được
chấp nhận một cách đầy đủ, các vị tăng sĩ chưa được xuất gia, thành
phần cư sĩ là chủ yếu. Vì vậy mà Kinh Bát Đại Nhân Giác ra đời. Đây
như là sự kiện tất yếu, nghĩa là phải có một mô thức mới phù hợp
với hoàn cảnh mới cho người cư sĩ tại gia thực hành, đặc biệt dành
cho những người cư sĩ có đạo tâm lớn - tâm thì muốn xuất gia , thân
thì ở thế tục. Con đường tu tập này không lấy Định làm cơ sở mà lấy
chánh niệm làm cơ sở, từ đó ý chí và nguyện lực được thiết lập.
Sự ra đời của kinh Bát Đại Nhân
Giác một mặt lấy nền tảng tu tập của Kinh Bát Niệm, mặt khác dựa
vào giáo nghĩa Đạ褐thừa mà lúc bấy giờ
công cuộc vận động Đại thừa đang lên cao. Chắc chắn Ngài An Thế Cao
đã thừa hưởng sắc thái của truyền thống Đại thừa một cách trọn vẹn
nên những điều giác ngộ cuối đã chuyển hướng sang sắc thái Đại thừa
một cách triệt để. Kinh Bát Đại Nhân Giác rõ ràng là một hướng đi mới
cho một điều kiện và xã hội mới. Đường lối ấy mệnh danh là Bồ
Tát đạo và mục tiêu hướng đến là người cư sĩ tại gia. Ngài An Thế
Cao đã gởi gấm lòng mình qua mẫu người thực hành Bồ Tát hạnh, giới
thiệu một mẫu người lý tưởng để kiến tạo một xã hội lý tưởng
, xã hội Phật hóa … Con đường tu tập này, chúng tôi cho rằng có thể
chia làm sáu bước :
- Bước một : Xây dựng một con người
có đầy đủ nhận thức sáng suốt về bản chất của cuộc sống, có một
tầm nhìn chính xác và rộng rãi về cuộc đời, về vũ trụ thiên nhiên,
về đời sống xã hội, về đời sống cá nhân gồm cả hai mặt thân thể
vật lý và hoạt động tâm lý ( Điều giác ngộ thứ nhất ) có được một
tầm nhìn như vậy gọi là có chánh kiến .
- Giáo dục trang bị tri thức hoàn
chỉnh và căn bản là bước đi đúng hướng, cần thiết như Đức Phật dạy
trong kinh Bốn Mươi Pháp : "Chánh kiến đi hàng đầu trong lộ trình tu
tập". Một người Phật tử chân chính là người có cái nhìn sáng suốt
và hiểu sâu về bản chất của hiện tượng giới .
- Bước thứ hai : Xây dựng đạo
đức bản thân qua lối sống thiểu dục và tri túc. Đi vào thực tiễn của
đời sống và dưới sự soi chiếu của nhận thức chánh kiến, người Phật
tử khép mình vào kỷ luật đạo đức qua tu tập hạnh thiểu dục và tri
túc. Cần chú ý là trong kinh Bát Niệm nói dứt khoát là vô dục chứ
không nói là thiểu dục . Vô dục của kinh Bát Niệm là đường lối Thánh
đạo vô nhiễm, vô trước của người xuất gia . Thiểu dục tức là ít
ham muốn , nghĩa là còn các dục nhưng hạn chế chúng tới mức tối thiểu
. Nhờ đời sống kiềm chế nhu cầu tiêu thụ và hưởng thụ , đạo đức
của người cư sĩ trở nên tăng trưởng và vững chãi. Nếu cứ để cho lòng
ham muốn phát triển không có giới hạn chắc chắn sẽ phát sinh cướp đoạt,
lừa đảo , gian trá và hãm hại….
- Bước thứ ba : Qua quá trình tu tập
ít ham muốn và biết đủ , người Phật tử sẽ tạo được cho tâm thức
mình một xu hướng mới : Xu hướng vượt thoát bản năng , tâm thức trở
nên hướng thượng thanh cao. Từ con người mang nặng dấu ấn thế tục bắt
đầu hình thành con đường giải thoát, đó là một cuộc cách mạng tâm
lý , đòi hỏi có sự nỗ lực lớ鮍 để tạo
một chuyển hóa đột phá trong tâm cũng như ngoại giới (Điều giác ngộ
thứ tư).
Khi mà đời sống dục lạc, ham muốn
vật chất giảm, xu hướng trí tuệ tăng, người Ph`ật tử có một hướng
đi rõ : Những gì đưa đến tăng trưởng trí tuệ đều được quan tâm,
coi trí tuệ là sự nghiệp của mình, do đó nhận thức càng sâu sắc và
toàn diện ( điều giác ngộ thứ năm).
- Bước thứ tư : Tri thức và trí
tuệ đã vươn tới tầm cao, điều đó có thể tạo ra một hướng đi phi
thực tiễn, trở nên cô độc, duy lý. Vì vậy để có sự quân bình, người
Phật tử hướng tâm và tuệ của mình vào đời sống thực tiễn để hiểu
và cảm thông với nỗi đau của quần chúng, những thái độ bạo động,
hằn học , căm thù xuất phát từ sự nghèo túng khốn đốn về đời sống
vật chất. Người Phật tử sử dụng năng lực trí tuệ để phát triển
tình thương yêu cứu giúp mọi người, tu tập hạnh bố thí để quân
bình trái tim và khối óc , đồng thời để tích lũy công đức trợ duyên
cho đời sống tu tập và chí nguyện độ sanh dễ thành tựu (điều giác
ngộ thứ sáu).
- Bước thứ năm: Điều hòa Bi-Trí
song hành tạo được sự thăng bằng về tâm. Nhưng vì đời sống cư sĩ tại
gia có những ràng buộc, những hệ lụy về tình ái nên dễ bị thối tâm
và khó phát khởi tâm từ bi đến chỗ không giới hạn. Vì vậy đến trình
độ này, người Phật tử bắt đầu thực hành phạm hạnh coi nhẹ tình
ái hay chấm dứt tình ái vị kỷ để khai mở cánh cửa đại bi tâm. Từ
đây ảnh hưởng của người Phật tử đã có tác dụng rộng, trước hết
là đời sống gia đình được thuần hóa, sau đó là môi trường xã hội
xung quanh đã có những ảnh hưởng đạo đức của mình.
- Bước thứ sáu : Bước cuối cùng,
trí tuệ䠴hấu suốt bản chất nỗi khổ của
chúng sanh. Vì vậy đại bi tâm mở rộng, tâm hồn của người Phật tử
thể nhập vào thế giới chúng sanh, cảm thông và chia sẻ niềm đau của
quần chúng. Người Phật tử không sợ đau khổ, dũng cảm dấn thân vào
đời, thấy mình ở trong chúng sanh, chúng sanh ở trong mình, chúng sanh và
mình là một. Vì vậy niềm đau của con người cũng chính là niềm đau của
mình, nên không thể thờ ơ trước nỗi đau khổ của nhân loại. Họ dấn
thân vào đời với trí tuệ vô ngã siêu việt, với trái tim thương yêu
không giới hạn dưới mọi hình thức, dùng mọi phương tiện để đạt
được mục đích đưa con người đến chỗ giải thoát an vui.
* Sáu bước đi của một người
cư sĩ thực hành Bồ Tát hạnh như vậy không phải là những bước đi siêu
thực, mà đó là những bước đi hiện thực, là những điều kiện cho một
con người toàn diện hay con người lý tưởng cho một xã hội lý tưởng :
Một xã hội bình đẳng, an lạc, văn minh và giải thoát.
Các góp ý, phê
bình hoặc trao đổi về nội dung tác phẩm, xin vui lòng gởi
về tác giả theo địa chỉ điện thư: viengiac@hcmc.netnam.vn hoặc Chùa Từ Tân,90/153 Cách Mạng Tháng Tám, F.12,Q.Tân
Bình.TP.HCM, VN.
Phần
1 | Phần 2 | Phần 3