Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Lược giải Kinh 42 Chương
Thích Viên Giác

Chương 19 | Chương 20 | Chương 21 | Chương 22 | Chương 23 | Chương 24 | Chương 25


CHƯƠNG 19 [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Quán trời đất nghĩ là vô thường, quán thế giới nghĩ là vô thường, quán linh giác tức là Bồ đề. Hiểu biết như vậy thì chóng đắc đạo" .

II. ĐẠI Ý

Đức Phật dạy về đối tượng quán chiếu để mau thành Đạo quả .

II. GIẢNG NGHĨA

1. Chú thích từ ngữ, thuật ngữ :

Bồ đề : dịch âm của tiếng Phạn là Bodhi, dịch nghĩa là Giác, giác ngộ, trí tuệ.Tâm giác ngộ gọi là Tâm Bồ đề. Linh giác : tâm linh giác ngộ, hay tuệ giác linh thiêng của chúng sinh .

2. Giải thích nội dung :

Chương này, Đức Phật dạy về đối tượng quán chiếu. Có 2 đối tượng :

  1. Trời đất và thế giới, có thể gọi là vũ trụ vạn vật, quán vũ trụ vạn vật cho sâu sắc để thấy cái tính vô thường của nó .
  2. Tâm linh giác ngộ là Bồ đề ; quán tâm niệm tỉnh giác của mình chính là sự giác ngộ .

Vấn đề thứ nhất : Vũ trụ vạn vật chung quanh ta là đối tượng tiếp xúc của các giác quan và ý thức. Ta luôn luôn thấy nó bền vững, chắc thật như tảng đá, ngọn núi, bầu trời, trái đất … Chúng ta dễ dàng thấy sự vô thường của bọt nước, của ánh chớp, của sương mai … nhưng ít khi chúng ta thấy rõ sự vô thường của các thiên hà, của những hiện tượng lớn trong vũ trụ. Vì vậy Đức Phật dạy, phải thấu triệt bản chất của vũ trụ vạn vật từ lớn cho đến nhỏ đều vô thường. Thấy sự vô thường một cách toàn diện của mọi sự vật là ta đã có trí tuệ, rất gần với sự giải thoát .

Vấn đề thứ hai : Quán linh giác tức là Bồ đề Linh giác là Tâm linh giác ngộ có sẵn trong mỗi chúng sanh. Vì không tu tập khai mở khả năng sẵn có ấy nên chúng sanh chìm trong mê muội. Bồ đề là Tuệ giác để khai mở kho tàng giác ngộ thiêng liêng ấy. Vì vậy nếu xét để thấy rằng tâm niệm tĩnh giác (chánh niệm tĩnh giác) cao độ là Bồ đề, tâm Bồ đề với nguồn linh giác là một .

Sự nhận thức về bản chất vô thường của vũ trụ vạn vật chính là tâm Bồ đề. Tâm ấy với nguồn cội giác tánh không khác nhau. Do đó thấy được tánh giác của mình. Rốt cuộc sự tu tập quán chiếu về vô thường vẫn là điều quan trọng nhất để đạt được giác ngộ .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

Chương này, Đức Phật dạy về đối tượng quán chiếu, thấy rõ tính chất của các đối tượng ấy để mau đắc Đạo. Đối tượng thứ nhất là vạn vật vũ trụ, phải thấy được tính vô thường của nó. Đối tượng thứ hai là tâm tĩnh giác; phải thấy rõ chính tâm tĩnh giác là Bồ đề. Như nói niệm giác ngộ với sự giác ngộ là một .

Do quán thiên địa mà thấy bản chất của vạn vật vũ trụ và do quán linh giác mà thấy khả năng giác ngộ của mình. Như vậy, có thể nhanh chóng thành tựu Đạo quả .


CHƯƠNG 20 [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Phải biết rằng bốn đại ở trong thân thể, mỗi đại có một cái tên (Địa, Thủy, Hỏa, Phong) đều là không có Ngã, cái Ngã đã không có, thì cái có chỉ như ảo hóa mà thôi .

II. ĐẠI Ý

Đức Phật dạy phải quán xét sự huyễn hóa của thân thể .

III. GIẢNG NGHĨA

1. Chú thích từ ngữ, thuật ngữ :

Bốn đại : tiếng Phạn là Mahabhutas, là bốn yếu tố vật chất : Đất, Nước, Lửa, Gió .

Ngatiếng Phạn là Atman, nghĩa là Ta hay Tôi, tức quan niệm rằng thân của ta có một năng lực chủ thể thường hằng bất biến .

Như ảo (như huyễn) : giống như thật mà không phải thật, sự vật có thể nhìn thấy, nghe thấy như thật mà không phải thật .

2. Giải thích nội dung :

Khi ta nói đến thân tôi có nghĩa là ta nói đến các chủ thể ngự trị trên thân xác, thường gọi là linh hồn, là cái tôi. Cái được gọi là Ngã, nghĩa là một thực thể tồn tại độc lập, bất biến, trường cửu, cái linh hồn ấy đứng đằng sau sự chuyển biến vô thường của thể xác. Sau khi chết, xác tàn hoại, linh hồn sẽ rời khỏi đi đầu thai ở đâu đó. Thực ra, theo đạo Phật chẳng có cái ngã nào như vậy. Chủ trương vô ngã của đạo Phật hết sức đặc biệt, và đó là điều chính yếu để phân biệt giữa Đạo Phật và các tôn giáo khác. Chủ trương đó xuyên suốt hệ thống Phật học, phù hợp với chân lý, với thực tiễn, chỉ có điều nó ngược lại với sự suy tư và mong ước của người đời .

Trong chương này đề cập đến cái thân xác này do bốn đại tạo nên, là tập hợp của bốn yếu tố vật chất : đất, nước, lửa, gió . Không có cái gì là Ngã, là chủ thể cả. Cái mà ta hiện có ta tưởng là Ngã, là chủ thể, thực ra chúng có mà không thật, không độc lập, không tồn tại lâu, gọi là huyễn, ảo mà thôi .

Nói một cách đầy đủ hơn, con người là tập hợp của 5 yếu tố : vật chất, cảm giác, tri giác, tâm hành và nhận thức. Năm yếu tố này làm nhân, làm duyên nương tựa nhau mà tồn tại. Không có cái nào được gọi là "chủ" cả, ngay cả "nhận thức" là yếu tố thứ năm tồn tại nhờ sắc (vật chất), thọ, tưởng… Kinh Tương ưng nói : "Nếu có người nói tôi sẽ chỉ ra sự đến, sự đi, sự sinh, sự phát triển của nhận thức biệt lập với sắc, thọ, tưởng, hành thì người ấy đã nói một chuyện không có thực" .

Sự tồn tại của thân hay của sự vật nói chung là sự tồn tại duyên sinh :"Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt" .

Đó chính là lẽ tự nhiên của cuộc đời, không có một linh hồn, một chủ thể nào độc lập ngự trị trên thân xác một người, chỉ có sự nhận lầm của con người về sự hiện hữu của cái Ngã, từ đó chấp thủ cái Ngã, lo tô bồi cái Ngã, thỏa mãn cho nó, vì vậy mà chiến tranh, đau khổ, tàn phá…xảy ra. Chấp Ngã là nguyên nhân toàn diện cho mọi sự đau khổ của thế gian .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Chương này Đức Phật dạy quán thân là vô thường, không có chủ thể, chỉ có sự tập hợp của bốn yếu tố : đất, nước, lửa, gió mà thôi .
  2. Do không có một thực thể bất biến, nên vạn vật chuyển biến không ngừng. Sự có mặt của thân vật… như thật mà không phải thật, chỉ là hư ảo mà thôi .
  3. Quán Vô Ngã như thế, sẽ thấy được chân lý và chấm dứt mọi khổ đau .

CHƯƠNG 21 [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy :"Người thuận theo lòng dục để mong được danh tiếng, khi danh tiếng vừa nổi, thì thân đã mất rồi. Ham muốn cái danh tiếng thường tình mà không lo học đạo chỉ uổng công mệt sức mà thôi. Giống như đốt hương, khi người ta ngửi được mùi thơm, thì cây hương đã tàn rồi. Cái lửa hại thân theo liền cái danh tiếng.

II. ĐẠI Ý

Đức Phật dạy không nên cầu mong được danh tiếng, có hại cho sự học Đạo .

III. GIẢNG NGHĨA

Danh tiếng là mục đích hướng đến của nhiều người. Nó được liệt vào trong năm dục, tức năm đối tượng hấp dẫn con người. Từ những danh tiếng dễ thấy như thích chức vụ, đăng báo, chụp hình, đến những danh tiếng tế nhị khó thấy như mừng vui khi được người khác khen ngợi, ca tụng và buồn rầu khi bị chỉ trích chê bai, đều là danh cả. Cho đến các việc làm từ thiện mang tính nhân ái cao cả vẫn bị danh tiếng làm cho hoen ố. Mấy ai mà không ham danh ! Ở đâu mà không có danh ! Do vậy đau khổ ở đâu cũng có. Ham danh là khổ, bởi lẽ sự việc ở cuộc đời không bao giờ thuận theo ý thích của mình, làm sao mà đạt được sự không bị chỉ trích ? Người xưa nói : "Thùy nhân bối hậu vô nhân thuyết" (Ai là người mà không bị kẻ khác nói xấu sau lưng) , được khen thì vui, bị chê thì buồn. Đó là tai họa của kẻ thích danh. Kinh Pháp Cú đã dạy : "Như ngọn núi kiên cố chẳng bao giờ bị lay động. Những lời hủy báng hay tán dương chẳng bao giờ làm lay động người đại trí." Đừng khốn khổ vì sự chỉ trích là lo làm vui lòng kẻ khác, vì không có gì ngu ngốc hơn là muốn làm hài lòng mọi người. Có những người suốt đời chạy theo danh tiếng, làm lụng vất vả để mưu cầu tiếng thơm, đúng như người xưa đã nói : "Càng cao danh vọng càng dày gian nan", nhưng cho đến khi có danh hoặc khi mọi người biết đến mình thì mình đã chết rồi, đúng là "Chết mới nói được nên lời" . Thí dụ đốt hương rất hay, khi hương đã lan tỏa đến người thưởng thức thì bản thân cây hương đó sắp tàn hay đã tàn rồi .

Cái danh thường tình của cuộc đời nó làm hại mình nhiều hơn là lợi, vì danh mà ta phải làm nhiều điều thất nhân tâm, vì danh mà ta đánh mất con người thật của chính mình. Trang tử nói : "Làm theo danh mà bỏ mất mình thì không phải là kẻ sĩ" . (Đại Tông Sư). Lão tử cũng nói : "Danh mà có thể gọi được không phải là danh thường" . Danh đó là vô thường nên chỉ là "Uổng công mệt sức", như trong chương này đã nói mà thôi .

Câu cuối cùng của chương này nói rằng ngọn lửa tham danh làm hại thân theo liền sau đó là Đức Phật xác định rằng tai họa của sự tham danh xảy ra ngay trong đời sống hiện tại chứ không hẳn đời sau mới chịu.

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

1. Tham danh tiếng là một trong năm đối tượng hấp dẫn đó là Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy .

  1. Người tùy theo lòng dục chạy theo danh tiếng hão huyền, tâm luôn dao động không có điều kiện tu tập giải thoát, nên kết quả thì đau khổ cho đời này và đời sau .

CHƯƠNG 22 [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy :"Tiền tài và sắc đẹp đối với con người rất khó buông xả. (Tiền tài và sắc đẹp ấy) giống như chút mật trên lưỡi dao, không đủ cho bữa ăn ngon, thế mà đứa trẻ liếm vào thì bị nạn đứt lưỡi" .

II. ĐẠI Ý

Đức Phật dạy về sự ràng buộc tai hại của tiền tài và sắc đẹp .

III. GIẢNG NGHĨA

Chương 21 nói về danh tiếng là đối tượng của dục thứ ba trong năm dục. Chương này Đức Phật dạy về hai đối tượng của dục là tiền tài và sắc đẹp, là hai đối tượng chủ yếu của năm dục .

Sự nguy hiểm của dục (tiền tài và sắc đẹp) ở chương này được ví dụ như chút mật trên lưỡi dao, có vị ngọt đấy, nhưng không đủ để bù đắp cái thiệt hại đứt lưỡi .

Trung A hàm Kinh ANLETRA, Đức Phật có dạy thêm một số ví dụ vị ngọt và sự nguy hiểm của dục như :

  1. Khúc xương : chỉ còn một chút ít thịt dính vào xương, con chó gặm rất vất vả . Dục cũng như vậy .
  2. Miếng thịt : con quạ có miếng mồi ngon là miếng thịt, những con quạ khác tranh nhau cắn mổ để giành miếng thịt. Dục cũng như thế .
  3. Bó đuốc cỏ khô : cây đuốc cháy hết sẽ bị nạn cháy tay. Dục cũng như vậy .
  4. Dục như hầm lửa : người bị bệnh phong đến bên hầm lửa hơ rất thích thú, nhưng sau khi đó bị nóng rát…
  5. Rắn độc : cầm nắm đầu rắn độc không vững sẽ bị rắn cắn chết .
  6. Như giấc mộng : như người nằm mộng thấy nhiều cái đẹp nhưng tỉnh giấc mộng không có gì cả, như mộng Nam kha, mộng Hoàng lương…. Chẳng hạn. Dục cũng như thế .
  7. Như đồ vay mượn : đồ vật mượn của kẻ khác thì phải trả, không phải của mình. Dục cũng như vậy .
  8. Như gậy nhọn : người cầm cây gậy nhọn nếu không cẩn thận vấp té sẽ tự đâm hại bản thân mình .
  9. Như trái cây : cây có trái ngon có nhiều người đến hái. Dục cũng như vậy .
  10. Như lò thịt : là chỗ giết thú lấy thịt, nơi đầy máu và nước mắt. Dục cũng như vậy

Đó là 10 ví dụ về dục được trình bày trong các Kinh A Hàm, và Nikàya nói lên mặt nguy hiểm của tài sản, sắc đẹp, danh vọng, ăn, ngủ. Sự nguy hiểm của Dục trong kinh Đại Khổ Uẩn có nói 7 sự nguy hiểm như :

  1. Vì dục mà lo đấu tranh, nỗ lực làm việc vất vả .
  2. Nỗ lực mà vẫn không đạt được tài sản như ý, sinh ra thất vọng .
  3. Nếu đạt được tài sản … lo giữ gìn, sợ cướp giựt .
  4. Cha con anh em tranh đoạt nhau, đâm chém nhau .
  5. Con người vì dục mà sinh ra chiến tranh .
  6. Vì dục mà giết hại, đi ăn trộm, tà dâm, bị bắt bớ tù đày .
  7. Thân khẩu ý bất thiện, chết sinh vào đọa xứ .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Chương này nói về hai đối tượng hấp dẫn trong năm dục, đó là tiền bạc và sắc đẹp.
  2. Không buông xả hai loại đối tượng của sự ham muốn này rất nguy hiểm, giống như chút mật trên lưỡi dao, liếm vào có thể bị đứt lưỡi .

CHƯƠNG 23 [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Người bị vợ con, nhà cửa ràng buộc còn hơn là lao ngục. Lao ngục có kỳ hạn được phóng thích còn đối với vợ con không có ý tưởng xa rời. Khi đã đam mê sắc đẹp, đâu có ngại gì đến gian nguy ! Dù tai họa nơi miệng cọp vẫn cam tâm ! Tự đắm mình vào chốn bùn lầy nên gọi là phàm phu. Vượt thoát cảnh ấy sẽ là bậc Alahán.

II. ĐẠI Ý

Đức Phật dạy con người khi bị tình ái, vợ con, tài sản ràng buộc khó mà ra khỏi. Người thấu rõ được sự nguy hiểm này của nó sẽ trở thành bậc Thánh .

III. GIẢNG NGHĨA

Kinh Pháp Cú, kệ 345 có thể nói là tương đương với chương này. Kệ nói : "Đối với người trí, sự trói buộc bằng dây gai, bằng cây, bằng sắt chưa phải là kiên cố. Chỉ có lòng luyến ái vợ con, tài sản, mới thật sự trói buộc chắc bền" .

Sự trói buộc đối với vợ con và tài sản là sự trói buộc tự nguyện nên không có kỳ hạn ra khỏi. Nói đến điều này là dạy cho hàng xuất gia biết sự nguy hiểm mà tránh, mặt khác cảnh tỉnh những người có tâm niệm muốn thoát ly sinh tử . Đối với người thường, thì vợ con tài sản là niềm hạnh phúc. Vợ hiền con thảo, tài sản sung túc, đó là niềm mong ước của nhiều người.

Sự trói buộc của vợ con có hai mặt : Một là tình ân ái, yêu thương giữa vợ chồng bắt nguồn từ sự hấp dẫn giới tính, đưa đến sự tìm kiếm cảm giác lạc thú, rồi đến chức năng di truyền nòi giống, tạo thành chuỗi gắn bó ngày càng sâu. Cảm giác lạc thọ giữa nam nữ trở thành thói quen, thiếu sẽ trở nên hụt hẫng, đó là bản chất lạc thọ. Hai là sự gắn bó vì trách nhiệm ngoài tình ân ái, trách nhiệm đóng vai trò lớn để trói buộc nam nữ với nhau trong hôn nhân. Luân lý đạo đức xã hội, về mặt pháp luật cũng như về mặt lương tâm không cho phép một người buông trôi vợ con do chính anh đã tạo nên .

Nhưng điều quan trọng nhất là về mặt tâm lý, cảm giác lạc thọ trở thành tập quán, kích thích con người tiếp diễn theo hướng đi đã định và điều tất nhiên là đằng sau các lạc thú, nỗi khổ đau phiền muộn, bất an cũng tiếp diễn bất tận .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Chương này tiếp tục đề cập đến tài sắc, nhưng cụ thể hóa tài sắc ấy là vợ con và tài sản .
  2. Sự trói buộc của vợ con, tài sản không có ngày ra khỏi, hơn sự trói buộc của lao ngục thế gian .
  3. Tâm tham ái rất mạnh, làm cho con người có thể hy sinh mạng sống để giữ gìn.Cho nên ai thấy được bản chất của ái dục, sẽ thoát khỏi trần lao, chứng được Thánh vị .

CHƯƠNG 24 [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Trong các thứ ái dục, không gì bằng sắc dục. Sự ham muốn sắc dục mạnh hơn mọi thứ khác. Chỉ có một sắc dục như vậy, nếu có cái thứ hai giống như sắc dục thì người trong thiên hạ không có ai có thể tu tập theo Đạo .

II. ĐẠI Ý

Đức Phật cảnh giác rằng trong các dục (5 dục), sắc dục là mạnh hơn hết .

III. GIẢNG NGHĨA

Chương 22 nói về sự nguy hiểm của Dục, chú trọng sắc đẹp và tiền tài. Chương 23 cụ thể hơn, sắc dục nguy hiểm ấy là vợ con và tiền tài, qua chương 24, một lần nữa nói lên sự nguy hiểm của các dục, nhưng chương này đề cập nặng một mình sắc dục. Sắc dục được coi là có sự hấp dẫn mạnh nhất so với các đối tượng ham muốn khác, đến nỗi phải nhấn mạnh rằng nếu có đối tượng ham muốn tương đương với sắc dục thì không ai tu hành được. Chương này rõ ràng nhấn mạnh vai trò chướng ngại pháp của sắc dục. Tương tự kinh Tăng Chi II (Phẩm Triền Cái) nói : "Này các tỳ kheo, ta không thấy một sắc nào lại khả ái như vậy, đẹp đẽ như vậy, mê ly như vậy, trói buộc như vậy, say sưa như vậy, chướng ngại cho sự tu tập như vậy, này các tỳ kheo, đó là sắc đẹp của nữ nhân. Và này các Tỳ kheo, người nào ái nhiễm, tham luyến, say đắm sắc đẹp nữ nhân, chúng sẽ sầu ưu lâu dài, vì bị rơi vào uy lực của nữ sắc". "Nữ nhân khi đang đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi cười, khi nói, khi hát, khi khóc, khi bất tỉnh, khi chết đều có thể chinh phục tâm của người đàn ông". "Này các Tỳ kheo, nếu có ai nói rằng : "Nữ nhân là bẫy mồi toàn diện của Mara", thì người ấy đã phát biểu một cách chân chánh về nữ nhân" .

Điều ta cần chú ý là qua các lời nhấn mạnh cảnh giác, chỉ trích nữ nhân, không phải Đức Phật coi thường nữ nhân mà chỉ nói lên sự hấp dẫn giới tính làm chướng ngại đạo Pháp. Đối với các Tỳ kheo Ni, thì nam nhân là nguy hiểm, là "bẫy mồi toàn diện của Mara" .

Thực vậy, sự thèm muốn nữ sắc có sức mạnh đến nỗi vượt qua vòng lễ giáo, mọi chướng ngại, có những trường hợp loạn luân, hay cưỡng bức dâm, những ranh giới giữa cha con, thầy trò, vua tôi … rất mong manh, kẻ trí người ngu đều một đường. Người xưa nói : "Anh hùng bất quá mỹ nhân quan", quả thật là đúng như vậy .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Chương này cũng nhấn mạnh về sự nguy hiểm của các dục, nhưng chú trọng về sắc dục .
  2. Sắc dục oai lực rất mạnh, đến nỗi nếu có một đối tượng của dục nào mạnh bằng sắc dục thì không ai có thể hành đạo được .
  3. Nói lên sự nguy hiểm của nữ sắc, là nói lên khía cạnh hấp dẫn của giới tính là chướng ngại sự tu tập của người Sa môn , chứ không phải khinh khi phụ nữ .

CHƯƠNG 25  [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Người đam mê ái dục giống như người cầm đuốc đi ngược gió, chắc chắn sẽ bị tai họa cháy tay".

II. ĐẠI Ý

Đức Phật nhấn mạnh cái nguy hiểm của người đam mê ái dục .

III. GIẢNG NGHĨA

Chương 24 nói về sức mạnh của sắc dục, chương này lại nhấn mạnh sự nguy hiểm của ái dục, càng đam mê càng tự hại cho mình, thí dụ người cầm đuốc đi ngược gió gần giống với một trong 10 ví dụ về dục trong kinh Trung A Hàm, dục được ví như bó đuốc cỏ khô (đã trình bày ở chương 22). Người cầm bó đuốc bằng cỏ khô lửa sẽ cháy xuống tay. Ở đây, người cầm đuốc đi ngược gió cũng bị nạn cháy tay, cả hai ví dụ đều hay, đều có chung một hình ảnh .

Những chương kinh tập trung nói về cái hại của ái dục, mục đích cho người xuất gia nhận thức rõ rệt để mà tránh. Lý thuyết về đoạn trừ ái dục có thể đem đến sự khó chịu cho nhiều người, biết vậy Đức Phật vẫn cứ đề cập một cách mạnh mẽ, vì lòng thương đối với đệ tử, với chúng sanh. Trong kinh Đức Phật dạy rằng : "Như một đứa trẻ bị hòn bi vào miệng, thì điều quan trọng là phải cấp tốc móc họng lấy ra, dù cho bị đau và chảy máu (nếu không đứa trẻ sẽ chết). Cũng vậy, dù nói đến vấn đề đoạn trừ ái dục làm khó chịu một số người, nhưng đó là điều cần thiết cho cuộc sống tu hành .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Chương này cũng vẫn nhấn mạnh sự nguy hiểm của ái dục. Ở đây chỉ cho sắc dục .
  2. Hình ảnh người cầm đuốc đi ngược gió tương đương với ví dụ người cầm đuốc bằng cỏ khô trong Trung A Hàm đều diễn tả nạn cháy tay .
  3. Nói về sự nguy hiểm của dục và phải đoạn trừ chúng, sẽ làm cho một số người khó chịu, nhưng Đức Phật vẫn nói vì cần thiết cho sự tu tập giải thoát .

Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 |
| 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 |

 


Cập nhật: 1-12-2000

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang