Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Lược giải Kinh 42 Chương
Thích Viên Giác

Chương 33 | Chương 34 | Chương 35 | Chương 36 | Chương 37


CHƯƠNG 33  [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Người tu hành theo Đạo như một người chiến đấu với vạn người. Mặc áo giáp ra cửa, tâm ý hoặc khiếp nhược, hoặc đi nửa đường thối lui, hoặc chiến đấu đến chết, hoặc đắc thắng mà về. Người Sa môn học Đạo (cũng vậy) phải có ý chí kiên cường, dũng mãnh tiến lên , không sợ cảnh tượng trước mắt (làm chướng ngại) phá tan các loài ma để đắc Đạo thành đạo quả" .

II. ĐẠI Ý

Người tu hành giống như người chiến sĩ, phải chiến đấu với phiền não ma, phải tinh tấn mới mong thành Đạo quả

III. GIẢNG NGHĨA

1. Giải thích từ ngữ, thuật ngữ :

Các loài ma : tiếng Phạn gọi là Mara, nghĩa là Giết hại, làm não hại thân tâm, tổn hại công đức, phá hoại trí tuệ. Có 4 loại ma :

  1. Ma phiền não : Tham, Sân, Si… não hại thân tâm .
  2. Ma năm ấm (ngũ ấm ma) : chấp thủ sắc thân, cảm giác, tri giác, tâm hành và nhận thức là ngã, nên bị năm ấm trói buộc .
  3. Ma chết (tử ma) : tử thần cắt đứt mạng sống con người làm gián đoạn sự tu tập .
  4. Ma trời (thiên ma) : là tha hóa tự tại thiên, cõi trời thứ 6 của Dục giới, còn gọi là ma vương, ma ba tuần, chuyên làm trở ngại cho việc tu hành và làm việc thiện .

2. Giải thích nội dung :

Chương này Đức Phật lấy thí dụ một người chiến sĩ ra mặt trận chiến đấu với vạn người để nói lên :

  • Tinh thần quyết thắng , sự nỗ lực vô biên của một người tu hành .
  • Nói lên sự khó khăn trở ngại mà người tu hành phải vượt qua .
  • Nói lên sự vinh quang của một hành giả đắc đạo .

Có 4 hạng chiến sĩ mà chương này đề cập :

  1. Hạng ý chí khiếp nhược : chưa đánh đã thua, đầu hàng từ trong ý thức, là hạng người tu hành không lập chí nguyện, không có lý tưởng và niềm tin. Hạng người này không có gì để bàn .
  2. Hạng nửa đường thối lui : là hạng người bỏ cuộc nửa chừng, có công hạnh tu tập, nhưng bị cám dỗ bởi danh lợi, không phát triển những gì đã đạt được để đi đến đích cuối cùng .
  3. Hạng chiến đấu đến chết : là hạng người có ý chí, có lý tưởng nỗ lực tiến lên, nhưng thiếu phương pháp tu tập tốt, do đó không thành công. Cũng có thể nói rằng, những người chấp thủ vào phương pháp, bảo thủ theo thói quen hay truyền thống cũng thuộc hạng này, tức là tu hành nghiêm chỉnh, nhưng không thành công .
  4. Hạng đắc thắng trở về : là người thành công, có ý chí quyết tâm, có phương pháp, có trí tuệ, vượt qua mọi chướng ngại để thành tựu mục đích tối hậu .

Tương đương chương này, trong kinh Tăng Chi, phẩm Người chiến sĩ, Đức Phật dạy có 5 hạng người chiến sĩ :

  1. Hạng chiến sĩ chỉ thấy bụi mù dấy lên thì chùn chân, nhụt chí, mất hết can đảm, không thể tham gia chiến trận. Tương đương với người tu hành mà khi nghe nói đến cô gái đẹp đẽ, khả ái… tâm dao động và rời bỏ giáo pháp .
  2. Hạng chiến sĩ khi thấy cờ xí của địch quân dựng lên, thì chùn chân, nhụt chí, mất hết can đảm. Tương đương với người tu hành khi thấy người con gái đẹp đẽ dễ thương, tâm dao động, thoái lui, rời bỏ giáo pháp .
  3. Hạng chiến sĩ nghe tiếng la hét của địch quân thì chùn chân, nhụt chí, mất hết can đảm. Tương đương với người tu hành khi gặp cô gái đẹp đẽ dễ thương cười nói, mơn trớn … tâm dao động, thoái lui, rời bỏ giáo pháp .
  4. Hạng chiến sĩ khi bị thương lúc xáp trận, liền thất kinh thất đởm. Tương đương với người tu hành khi gặp cô gái đẹp đẽ dễ thương đến ngồi sát một bên, nằm xuống một bên, vuốt ve, mơn trớn, không từ bỏ học tập, không biểu lộ sự yếu kém trong học tập, hành dâm với cô gái ấy .
  5. Hạng người chiến sĩ chịu đựng được bụi mờ dấy lên, cờ xí dựng lên, tiếng la hét, chịu đựng cuộc xáp chiến và vị ấy chiến thắng. Tương đương với người tu hành vượt qua cám dỗ của cô gái, bỏ cô gái, đi vào nơi thanh vắng an trú, thiền định, đoạn diệt tham, sân, si .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Bốn hạng người chiến sĩ của chương này tương tự như 5 hạng người chiến sĩ trong kinh Tăng Chi về mặt hình thức .
  2. Kinh Tứ Thập Nhị Chương nêu ra đối tượng chiến đấu một cách tổng quát, và phương thức chiến đấu là giữ vững tâm chí, tinh tấn tiến lên, đừng sợ sệt để diệt trừ chướng ngại .
  3. Kinh Tăng Chi thì chú ý đến đối tượng cụ thể là cô gái đẹp, thắng được cám dỗ của cô gái đẹp, dọn đường cho sự tu tập thiền quán, thì sẽ diệt trừ mọi chướng ngại .
  4. Người tu hành như một người chiến sĩ ra mặt trận, nếu không có ý chí vững vàng, không tinh tấn nỗ lực thì chắc chắn sẽ thất bại .

CHƯƠNG 34   [^]

I. CHÁNH VĂN

Có một vị Sa môn ban đêm tụng kinh Di giáo của Đức Phật Ca Diếp, tiếng ông ấy buồn bã, như tiếc nuối muốn thoái lui. Đức Phật mới hỏi : "Xưa kia, khi ở nhà ông thường làm nghề gì ?". Đáp rằng : "Thích chơi đàn cầm". Đức Phật hỏi : "Khi dây đàn chùng thì sao ?". Đáp rằng : "Không kêu được". "Dây đàn căng quá thì sao ?". Đáp rằng : "Tiếng bị mất". "Không căng không chùng thì sao ?". Đáp : "Các âm thanh đầy đủ". Đức Phật dạy : "Người Sa môn học đạo cũng như vậy, tâm lý được quân bình thì mới đắc Đạo. Đối với sự tu Đạo mà căng thẳng quá làm cho thân mệt mỏi, khi thân mệt mỏi thì tâm ý sẽ sinh phiền não. Tâm ý đã sinh phiền não thì công hạnh sẽ thoái lui. Khi công hạnh đã thoái lui, thì tội lỗi tăng trưởng. Chỉ có sự thanh tịnh và an lạc, Đạo mới không mất được" .

II. ĐẠI Ý

Người tu hành phải giữ quân bình trong sự tu tập, đừng quá căng thẳng, cũng đừng quá lười biếng, mới có thể thành tựu Đạo quả .

III. GIẢNG NGHĨA

Theo kinh A Hàm, trong đời quá khứ, trước Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đã có 6 vị Phật ra đời, mà Phật Ca Diếp (Kasyapa) là vị thứ 6, thứ 7 là Phật Thích Ca, trong chương này đề cập đến kinh Di Giáo của Phật Ca Diếp, có thể là bài kệ ở phần sau của luật Tỳ Kheo : "Tất cả điều ác đừng có làm đến; tất cả điều Thánh thiện kính cẩn mà làm; tự mình làm sạch tâm trí của mình, những điều như vậy là Chư Phật dạy". (TỲ KHEO GIỚI, TRÍ QUANG DỊCH ) .

Phần duyên khởi của chương này là một thầy Sa môn ban đêm tụng kinh tiếng nghe sầu thảm như muốn thoái chí, Đức Phật nghe được, biết ông đang nỗ lực một cách sai lầm nên dạy cho ông phương pháp tu của một người tu Đạo. Đức Phật sử dụng ví dụ về chiếc đàn cầm, nếu không quá căng, không quá chùng, thì âm thanh mới đầy đủ, hay ho. Người tu hành nỗ lực một cách quân bình mới có thể thành tựu Đạo quả .

Trong kinh Tăng Chi, phần Đại phẩm có câu chuyện tương tự : Tôn Giả Sona trú ở Vương Xá Thành, trong khi ngồi thiền thì tư tưởng sau đây nổi lên : "Những ai là đệ tử Thế Tôn, đều sống tinh cần, tinh tấn, riêng ta còn chấp thủ, chưa thoát khỏi lậu hoặc, gia đình ta có tài sản, ta có thể hưởng thụ và làm điều công đức. Vậy, ta hãy từ bỏ con đường tu hành này". Đức Phật biết được tư tưởng thoái chí của Sona nên đến giảng pháp tu tập quân bình. Đức Phật hỏi : "Có phải khi còn tại gia ngươi giỏi đánh đàn tỳ bà 16 dây ?" "Thưa phải". Phật hỏi : "Khi những sợi dây tỳ bà của ngươi quá căng thẳng ngươi có thể sử dụng được không ?" "Thưa không, Bạch Thế Tôn". "Khi sợi dây đàn tỳ bà của ngươi quá chùng ngươi có thể sử dụng được không ?" "Thưa không, Bạch Thế Tôn". "Khi sợi dây đàn tỳ bà của ngươi không quá căng, không quá chùng, vặn đúng vừa mức trung bình, ngươi sử dụng được không ?" "Bạch Thế Tôn, được". "Cũng vậy, này Sona khi tinh thần quá căng thẳng sẽ đưa đến dao động, khi tinh cần quá thụ động sẽ đưa đến biếng nhác. Do vậy, này Sona, người phải an trú tinh thần một cách bình ổn điều hòa…"

Qua đoạn kinh trên của kinh Tăng Chi, chúng ta thấy 2 bài kinh có những điểm giống nhau và những điểm khác nhau. Mối liên hệ của 2 bài kinh này được thấy rõ ràng nhất là thí dụ về cây đàn tỳ bà và cây đàn cầm. Cần chú ý đến phần kết của bài kinh, chương này thì nói : "Quá căng thẳng đưa đến thân mệt mỏi, thân mệt mỏi đưa đến công hạnh thoái lui. Công hạnh thoái lui thì tội lỗi gia tăng". Cách nói như vậy khá rõ lộ trình của sự gia căng thẳng quá mức .

Kinh Tăng Chi đơn giản hơn "Tinh cần quá mức đưa đến dao động (tương đương với phiền não), dao động đưa đến biếng nhác (tương đương với hạnh thoái lui) .

Điều khác nhau chỉ có ở phần duyên khởi, không đáng kể.

Qua so sánh trên, ta thấy 2 bài đều có chung cội nguồn. Ý thú của chương này đề cao sự thăng bằng về :

  1. Thăng bằng về sinh lý : ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc, học hành, tu tập, đừng để cho thân quá mệt, cũng đừng để cho thân biếng nhác .
  2. Thăng bằng về tâm lý : sự nôn nóng mong cầu mau được kết quả có thể điên loạn hoặc dao động, biếng nhác, ủ rũ không cầu tiến đưa đến buông thả .
  3. Thăng bằng về tình cảm : quá giận, quá thương, quá xúc động, nhạy cảm đều gây ra mất quân bình, ảnh hưởng cho sự tu tập .
  4. Thăng bằng về tu tập : pháp môn tu tập phải phù hợp với căn cơ trình độ của mình, thời khóa tu tập phải được sắp xếp hợp lý .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Chương 24 này có sự tương đồng với phẩm Đại phẩm, phần Sona trong kinh Tăng Chi II .
  2. Giải đãi lười biếng thì đạo nghiệp không thành. Nỗ lực quá mức sẽ mệt mỏi và thoái chí. Phải biết lượng sức mình, đừng ép uổng thân tâm quá mức, cũng đừng buông thả thì con đường tu tập chắc chắn có kết quả .

CHƯƠNG 35   [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Như người luyện sắt gạn lọc phần cặn bã, còn lại sắt tinh luyện, chế tạo đồ dùng một cách tinh xảo. Người học đạo phải loại bỏ tâm lý ô nhiễm đi thì công hạnh trở nên thanh tịnh" .

II. ĐẠI Ý

Phải gạn lọc tâm lý ô nhiễm thì hành vi mới thanh tịnh .

III. GIẢNG NGHĨA

Chương này Đức Phật sử dụng ví dụ người luyện sắt để nói lên hướng đi chính của người tu hành là phải gạn lọc tâm lý ô nhiễm, như người luyện sắt phải loại trừ các tạp chất trong sắt mới có thể luyện thành vật dụng tốt .

Tất cả mọi hành động đều do động cơ trong tâm. Tâm như là nguồn của dòng suối. Nếu nguồn suối đục thì dòng suối sẽ đục, nguồn suối trong thì dòng suối sẽ trong, nguồn suối lúc trong lúc đục thì dòng suối chảy về sẽ lúc đục lúc trong.Tâm chưa gạn lọc các tâm lý ô nhiễm thì hành động, hành vi sẽ có lỗi lầm. Vậy cho nên có người nói : "Chỉ có Thánh mới không sai lầm" .

Sự gạn lọc tâm lý phải có phương pháp, như người luyện sắt phải có phương pháp, các công đoạn tuần tự. Người tu hành cũng vậy, từ từ loại bỏ phần thô, phần dễ thấy của tâm lý ô nhiễm, dần dần loại bỏ đến tâm lý ô nhiễm tế nhị hơn. Điều đó có nghĩa là sự kiểm soát đối với tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi thô tháo cần phải chặt chẽ và gạn lọc một cách dứt khoát và triệt để .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Ví dụ về người luyện sắt bỏ các cặn bã để sắt thành tinh luyện rất phù hợp với quá trình gạn lọc phiền não của người tu hành .
  2. Phải gạn lọc loại trừ tâm lý ô nhiễm, bắt đầu từ thô cho đến tế, làm cho tâm trong sạch thì các hoạt động của thân và khẩu trở nên trong sạch .

CHƯƠNG 36   [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Kẻ thoát được ác đạo được sinh làm người là khó. Được làm người mà thoát được thân nữ làm thân nam là khó. Làm được thân nam mà sáu giác quan đầy đủ là khó. Sáu giác quan đầy đủ mà sinh vào xứ trung tâm là khó. Sinh vào xứ trung tâm mà được gặp thời Phật là khó. Đã gặp thời Phật mà gặp được Đạo là khó. Khởi được niềm tin mà phát tâm Bồ đề là khó. Phát tâm Bồ đề mà đạt đến chỗ vô tu vô chứng là khó" .

II. ĐẠI Ý

Đức Phật nêu 9 điều khó để khích lệ tinh thần tu tập của người tu hành .

III. GIẢNG NGHĨA

1. Giải thích từ ngữ, thuật ngữ :

Ađạo : địa ngục (Niraya), nơi không có cái gì là an ổn, hạnh phúc. Ngạ quỷ (Peta-yoni) là loài chúng sinh đau khổ vì không có thực phẩm nuôi thân. Súc sinh hay bàng sinh (Tina echannayoni) khổ vì tranh đấu và không có điều kiện giác tỉnh và thăng hoa .

6 căn (lục căn) : là 6 giác quan : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm ý .

Trung quốc : trung tâm văn hóa văn minh, trái với trung quốc là chốn biên cương hẻo lánh .

Tín tâm (Sadha) : niềm tin đối với Tam bảo, với Chánh pháp .

Bồ Đề Tâm (Bodhi- Citta) : đã nói ở chương 19, ở đây nói thêm : Tâm có Bồ đề gọi là Bồ đề tâm, tức là các loại tâm ý tương ứng với Trí tuệ .

Bồ đề là Tâm gọi là Bồ đề tâm, tức là tâm thức luôn luôn sẵn có hạt giống Bồ đề .

Vô tu vô chứng : đã đề cập ở chương 11, ở đây xác định lại đơn giản là quả vị Phật.

2. Giải thích nội dung :

Chương 12 có đề cập đến 20 điều khó, chương này nói thêm 9 điều khó bổ sung cho đầy đủ hơn. Sắc thái của 9 điều khó này mang tính khách quan vật lý hơn, trong khi có 20 điều khó chương 12 có tính tâm lý hơn, mặc dù những điều cuối cùng của chương 36 này chuyển hướng vào nội tâm, nội chứng :

  • Thứ nhất, được làm thân người là khó : chúng sinh trong 3 ác đạo sống trong môi trường không có thiện nghiệp, phước thiện, duyên lành nên không có điều kiện để thoát khỏi cảnh khổ. Khi gặp duyên lành mà sinh ra cõi người, chẳng khác nào khát quá có nước uống, đói quá có cơm ăn. Trong kinh Tương ưng diễn tả sự khó này bằng hình ảnh con rùa mù nằm dưới biển 100 năm mới nổi lên mặt nước một lần; trên biển có một bộng cây trôi lang thang, con rùa mà gặp được bộng cây rất khó. Con người từ ác đạo mà được sinh vào cõi người cũng vậy .

Môi trường ác sẽ nuôi dưỡng cái ác, cơ hội cải thiện khó vô cùng .

  • Thứ hai, tránh được thân nữ làm thân nam : thân phận người nữ có nhiều hạn chế, nhất là về mặt giải thoát ; về sinh lý ; người nữ cũng có nhiều khốn đốn nặng nề ; về tình cảm dễ thỏa mãn trong tình ái; về xã hội, nhất là xã hội Á Đông, người nữ bị coi là thấp kém. Trong A Hàm cũng có đề cập đến sự hạn chế của người nữ là khó làm Phật, Chuyển luân Thánh Vương, Phạm Thiên, Đế Thích và Ma Vương .

Phật giáo không xem thường phụ nữ, mà chỉ nói sự thực rằng người nữ có nhiều điều bị hạn chế hơn phái nam. Thật ra, trong Giáo đoàn nữ đệ tử Phật, vẫn đầy đủ các bậc Thánh A La Hán . Vấn đề trọng yếu là tâm lý, thái độ và trình độ giải thoát mới quan trọng, làm thân nữ mà đắc Đạo còn hơn làm thân nam mà ngu muội .

  • Thứ ba, sáu giác quan đầy đủ là khó : làm người hoàn hảo về thể xác đã là khó rồi, mắt không chột, không viễn hay cận thị, không bệnh; mũi, lưỡi, thân cũng vậy. Tâm lý không điên loạn, không mất thăng bằng; não bộ, hệ thần kinh lành mạnh là hạnh phúc vô cùng. Người này ở đời thâu hoạch được nhiều hạnh phúc hơn. Ở đạo thì có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tu hành. Hơn nữa, điều kiện để trở thành vị tỳ kheo là 6 giác quan đầy đủ. Điều này không phải dễ .
  • Thứ tư, sinh ở trung tâm văn minh văn hóa của một nước : có 6 giác quan đầy đủ mà không có môi trường sống tốt, con người khó mà thăng hoa đời sống, có điều kiện tìm kiếm hạnh phúc là điều ước mơ của nhiều người, ở xa trung tâm văn hóa, con người trở nên thô bạo thấp kém, khó phát triển trí tuệ. Đó là nói về nguyên tắc chung. Đối với người tu hành, chốn phồn hoa đôi khi trở thành cạm bẫy làm tan vỡ sự nghiệp tu tập. Nếu xét một cách thoáng rộng thì ở trong biên địa cũng có trung quốc, ở trong trung quốc cũng có biên địa .

Tư tưởng về sinh vào trung quốc, có lẽ xuất phát từ Trung Hoa, trong bài kinh Quy mạng nói: "Sinh phùng trung quốc, tưởng ngộ minh sư, chánh tín xuất gia, đồng chân nhập Đạo" .Tóm lại, có điều kiện để sống cao hơn về mặt tinh thần là khó .

  • Thứ năm, gặp Phật ra đời là khó : là được sinh vào thời có Phật xuất hiện là khó. Điều này có 2 ý :
  1. Ý như trên (chương 12).
  2. Thời kỳ Phật pháp còn lưu truyền, có điều kiện văn hóa hướng thượng, hướng thiện.
  • Thứ sáu, gặp được Phật pháp là khó : tức là tìm hiểu, học hỏi giáo pháp của Đức Phật, thích thú trong chánh pháp, hướng đến chánh pháp .
  • Thứ bảy, phát khởi tín tâm là khó : gặp được giáo pháp nhưng không phát khởi niềm tin, nên không phát triển tâm linh được, khởi tín tâm là có niềm tin đối với Chánh pháp, đi theo Chánh pháp, quy y Tam bảo, thực hành các giới luật … Chỉ có niềm tin, có lý tưởng thì công đức, tâm linh mới được phát triển .
  • Thứ tám, Pháp Bồ Đề tâm là khó : có được niềm tin, có lý tưởng, có tu tập giáo pháp nhưng trí tuệ không phát triển thì niềm tin đó trở nên hạn hẹp và thui chột. Tâm Bồ Đề là tâm trí tuệ, là tâm mong muốn thành tựu Phật quả, hóa độ chúng sinh .
  • Thứ chín, đạt được quả vị Phật là khó : mục tiêu của Phát Bồ đề tâm là Phật quả, đi đến tận cùng. Phát huy tận cùng của Bồ đề tâm là Phật, hoàn thành mục tiêu tối hậu là sự nghiệp lớn lao và khó khăn .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Chín điều khó Đức Phật dạy trong chương này, 5 điều đầu thuộc về nghiệp lực, 4 điều sau thuộc về khả năng tâm linh .
  2. Phần khó về khả năng Giác ngộ mới quan trọng. Tâm linh sáng suốt, có tu, có chứng thì ác đạo biến thành thiện đạo, nữ thành nam, biên địa thành trung quốc. Mắt mù mà thấy hết , tai điếc mà nghe khắp …

CHƯƠNG 37   [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Đệ tử của ta tuy ở xa ta vài nghìn dặm, luôn nghĩ đến giới pháp của ta thì chắc chắn sẽ chứng được đạo quả. Ở gần bên ta, tuy thường gặp mà ta không thực hành theo giới pháp của ta, cuối cùng vẫn không chứng được Đạo .

II. ĐẠI Ý

Người đệ tử Phật, điều quan trọng nhất là thực hành giới pháp của Phật, có vậy mới tu hành có kết quả .

III. GIẢNG NGHĨA

Chương này có mối tương quan với câu chuyện trong kinh Pháp cú thí dụ, phẩm "Hộ giới", chuyện "Gần Phật với xa Phật" : Bấy giờ, ở nước La Duyệt Kỳ, có 2 tỳ kheo muốn đến yết kiến Đức Phật, trên đường đi gặp lúc hạn hán, không có nước uống, gặp một vũng nước nhỏ, nhưng đầy những sinh vật nhỏ, không uống được. Một người vì giữ giới, quyết định không uống dù phải chết khát. Người kia chủ trương uống để sống và để gặp Phật, dù phạm giới sát sanh. Người không uống mà chết được sinh lên cõi trời Đao Lợi, xuống hầu thăm Đức Phật, đứng một bên Phật. Người kia uống nước được sống đến gặp Đức Phật, và báo cho Phật bạn mình đã mạng chung. Đức Phật chỉ vị Tiên nhân đang đứng bên cạnh bảo : "Đây là bạn của ngươi nhờ giữ giới nên gặp ta trước người". Sau đó, Phật dạy : "Ngươi tuy thấy hình ta mà không giữ giới pháp của ta, thì tuy thấy ta mà ta không thấy ngươi. Người kia, tuy cách ta ngàn dặm, nhưng giữ giới luật thì người ấy như đứng trước mặt ta" .

Rõ ràng chương này đề cao vai trò của giới luật, coi giới luật như là Đức Phật .Trong kinh Di giáo, Đức Phật cũng đã dạy tương tự : "Sau khi ta diệt độ, thì phải trân trọng giới luật như người mù thấy được ánh sáng, như người nghèo gặp được châu báu. Nếu ta có ở đời cũng không khác giới luật này vậy" .

Nhấn mạnh về giới luật là vì mục đích của Phật giáo là đoạn trừ khổ đau, thành tựu hạnh phúc tối thượng. Sự hạnh phúc phải được xây dựng trên cơ sở đạo đức. Đạo đức là nền tảng của hạnh phúc, của sự giải thoát giác ngộ. Đạo đức chính là Giới luật. Giới luật không phải giáo điều, mà là những điều kiện tất yếu để dẫn đến hạnh phúc tối thượng, tức giác ngộ Niết bàn .

Trong kinh Tương ưng, phẩm "RẮN ĐỘC", phần con rùa, kể rằng : "Có một con rùa đi giữa đường gặp một con giã can đang đi kiếm mồi, con rùa liền thụt 4 chân và cái đầu vào trong mai rùa của mình. Con giã can trông thấy con rùa, nghĩ rằng : "Khi con rùa này thò chân nào hay cái đầu ra, ta sẽ chộp lấy" . Nhưng con rùa kiên nhẫn ở trong mai rùa của mình, nên con Giã can bỏ đi". Người tu hành cũng vậy, phải sống với sự hộ trì các giác quan, sự tuân thủ giới luật sẽ không bị ác ma não hại. Công dụng của Giới luật rất lớn đối với người học Phật. Vì vậy, không thể coi thường giới luật .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Chương này có tương đồng với câu chuyện "Gần Phật với xa Phật"trong kinh Pháp cú thí dụ .
  2. Giới luật rất cần thiết đối với người tu hành theo Phật, vì đó là những nguyên tắc đạo đức, là điều kiện của hạnh phúc và giải thoát .

Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 |
| 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 |

 


Cập nhật: 1-12-2000

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang