- Kinh Kim Cang Giảng
Giải
- HT. Thích Thanh Từ
Phần 1-8
Bản giảng này là y theo bản dịch
của ngài Tam tạng pháp sư Cưu-ma-la-thập, vì bản này được công nhận
là văn chương lưu loát và sâu sắc hơn hết. Nếu xem lại bản của ngài
Nghĩa Tịnh cũng như của ngài Huyền Trang, chúng ta thấy cả hai bản dịch
đều nặng về văn nghĩa. Ngài La-thập không kẹt trong văn nghĩa, chỉ cốt
làm sao cho ta nhận được lời Phật dạy, ý Phật nói, nên văn dịch của
Ngài thâm thúy và gẫy gọn dễ hiểu.
Thái tử Chiêu Minh đời Lương, khi
đọc Kim Cang, lãnh hội được ý chỉ nên chia quyển kinh làm ba mươi hai
phần để cho người đọc dễ nhận hiểu.
ĐỀ KINH: Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật. [Mục lục]
- Kim Cang là một chất cứng hay
phá các thứ khác mà các kim loại khác không phá được nó.
- Bát-nhã là âm theo tiếng Phạn.
- Ba-la-mật là âm theo tiếng Phạn.
- Kinh là chữ Hán.
Đề kinh gồm cả chữ Hán lẫn chữ
Phạn. Người Trung Hoa khi dịch kinh, chữ nào dịch được thì dịch, chữ
nào không thể dịch hết nghĩa thì để nguyên âm tiếng Phạn.
Bát-nhã nghĩa chánh là trí tuệ.
Ba-la-mật hoặc dịch là đến bờ
kia hoặc dịch là cứu kíùnh viên mãn. Trí tuệ được cứu kính viên mãn
gọi là Bát-nhã ba-la-mật, vì nếu chỉ nói "trí tuệ" e có lầm lẫn.
Ở thế gian người khôn ngoan lanh lợi cũng gọi là người có trí tuệ, thế
nên từ ngữ "Trí tuệ Bát-nhã" là để giản trạch cho đừng lầm
với trí tuệ của người thế gian. Trí tuệ Bát-nhã là trí tuệ thấu
được lý thật, thấy được thể chân thật của các pháp, không còn kẹt
trong các kiến chấp, trong những cái nhìn thiên lệch chưa thấu đáo. Do thấu
được lẽ thật, nên trí tuệ này khi đến chỗ cứu kính chẳng những
phá được tất cả tà thuyết ngoại đạo mà còn dẹp hết những mê lầm
chấp trước của mọi người. Cho nên khả năng công phá đó vượt hơn tất
cả, dụ như kim cương là chất cứng nhất có thể phá tan các kim loại
khác mà các thứ khác không phá hoại được nó. Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật
là một trí tuệ vững chắc, kiên cố phá dẹp tất cả tà thuyết ngoại
đạo làm cho chúng ta sạch hết những chấp trước sai lầm, những mê mờ
đen tối để đến bờ giải thoát, giác ngộ.
Kinh là những lời giảng dạy của
đức Phật góp lại thành bộ. Kinh là khế kinh tức là khế lý và khế cơ.
Tất cả những kinh Phật đều phải đủ hai nghĩa khế lý khế cơ, nghĩa
là vừa hợp chân lý, vừa hợp căn cơ người. Thiếu một trong hai điều
kể trên thì chưa gọi là kinh được, vì chủ yếu của đạo Phật cốt
giáo hóa chúng sanh giác ngộ, thấy được lẽ thật (đúng chân lý) và
chúng sanh tin nhận được (hợp căn cơ). Khế cơ và khế lý còn có thể
hiểu là tùy duyên và bất biến. Kinh Phật nói ngàn đời cũng không sai,
đó là bất biến; nhưng vào mỗi thời theo căn cơ mà nói, hoặc thấp hoặc
cao, đó là tùy duyên.
ĐOẠN 1 : PHÁP HỘI NHÂN DO [Mục lục]
Như thị ngã văn: Nhất thời Phật
tại Xá-vệ quốc, Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên dữ đại Tỳ-kheo chúng
thiên nhị bách ngũ thập nhân câu. Nhĩ thời Thế Tôn thực thời, trước
y trì bát, nhập Xá-vệ đại thành khất thực. Ư kỳ thành trung thứ đệ
khất dĩ, hoàn chí bổn xứ. Phạn thực ngậtù, thu y bát, tẩy túc dĩ, phu
tòa nhi tọa.
DỊCH: NGUYÊN DO CỦA PHÁP HỘI.
Tôi nghe như vầy: Một hôm đức
Phật ở nước Xá-vệ (Sràvasti) tại rừng Kỳ-đà (Jeta) trong vườn Cấp
Cô Độc cùng với chúng đại Tỳ-kheo là một ngàn hai trăm năm mươi vị.
Khi ấy gần đến giờ thọ trai, đức Thế Tôn đắp y mang bát vào đại
thành Xá-vệ khất thực. Trong thành ấy, Ngài theo thứ lớp khất thực
xong, trở về nơi chúng ở. Thọ trai rồi, Ngài dẹp y bát, rửa chân, trải
tòa ngồi.
GIẢNG:
Đoạn này diễn tả pháp hội Phật
nói kinh Kim Cang.
Phần đầu chỉ cho lục chủng chứng
tín. Sáu điều này mở đầu kinh nào cũng như thế cả. Đây giống như một
lối biên bản của ngài A-nan (Ananda) để cho thấy lời Ngài nói có giá
triï thật.
"Như thị ngã văn" là
"Tôi nghe như vầy", chỉ cho người nghe và pháp được nghe. "Tôi"
chỉ người nghe tức ngài A-nan. "Như vầy" là pháp được nghe tức
là đề tài trong buổi thuyết pháp.
"Nhất thời" chỉ thời
gian. Vì thuở xưa thời gian mỗi nước mỗi khác cho nên chỉ nói một
hôm, chớ không xác định hôm đó là mấy giờ ngày mấy tháng mấy.
Phật là vị chủ tọa trong buổi
nói pháp.
Xá-vệ quốc, Kỳ thọ Cấp Cô Độc
viên là nơi Phật thuyết pháp.
Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên: Trưởng
giả Cấp Cô Độc tên thật là Tu-đạt-đa (Sudatta), do ông hay bố thí, cứu
giúp những người nghèo khổ cô độc nên được gọi là Cấp Cô Độc.
Ông muốn mua vườn của thái tử Kỳ-đà để cất tinh xá thỉnh Phật đến
thuyết pháp. Thái tử bảo ông đem vàng lót đầy vườn thì thái tử sẽ
bán vườn cho ông. Khi ông trải vàng gần xong, thái tử vui vẻ bảo thôi
đừng chở vàng thêm nữa và thái tử cũng xin cúng tất cả cây cối trong
vườn cho đức Phật, do đó nên thành tên rừng Kỳ-đà vườn Cấp Cô Độc.
Chúng đại Tỳ-kheo gồm một ngàn
hai trăm năm mươi vị là cử tọa. Thời gian, nơi chốn và số cử tọa
cho thấy bài kinh này không phải tự ý ngài A-nan nói, mà do Ngài nghe trong
hội thuyết pháp gồm cả thảy một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo.
Sáu điều trên đây gọi là lục
chủng chứng tín, nghĩa là sáu điều làm bằng chứng để cho chúng ta tin
kinh này không phải tự ý ngài A-nan nói ra, mà chính là Ngài thuật lại buổi
thuyết pháp của đức Phật.
Đến phần thứ hai tả cảnh Phật
sắp nói pháp.
Khi ấy là buổi sáng gần đến giờ
thọ trai, đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực.
Khất thực theo thứ lớp: Nếu
hàng phật tử thỉnh thọ trai thì không cần theo thứ lớp, cứ đi thẳng
đến nhà thỉnh mình. Còn khất thực theo thứ lớp, là trong xóm có nhà
nghèo, nhà giàu, cứ tuần tự đến nhà thứ nhất, nếu không được cúng
dường thì đến nhà thứ hai, thứ ba v.v… không phân biệt giàu nghèo đến
khi được cúng dường thì về.
Thọ trai xong, xếp y, dẹp bát, rửa
chân rồi, trải tòa ngồi kiết già. Đoạn này tả lại cuộc sống bình dị
của đức Phật, sáng đi khất thực, về ăn xong rửa bát, xếp y, rửa
chân, trải tòa ngồi kiết già, sắp nói chuyện với chúng. Đó là ý thâm
sâu muốn chỉ rằng chân lý không ngoài việc bình thường để đánh tan
lòng hiếu kỳ, tưởng chân lý là những gì mầu nhiệm ngoài việc bình thường.
Thấy được chân lý trong việc bình thường là thấy đạo, nếu trái lại
là lạc hướng.
Khi ngài Triệu Châu Tùng Thẩm hỏi
ngài Nam Tuyền "Thế nào là đạo?" thì Nam Tuyền trả lời
"Bình thường tâm thị đạo", nghĩa là tâm bình thường là đạo.
Ông Lý Tường đến hỏi ngài Dược
Sơn Duy Nghiễm "Thế nào là đạo?" Ngài bảo "Vân tại thanh
thiên, thủy tại bình", nghĩa là mây trên trời xanh, nước trong bình.
Việc bình thường này hợp với tinh thần Đại thừa.
ĐOẠN 2 : THIỆN HIỆN KHẢI THỈNH [Mục lục]
Thời trưởng lão Tu-bồ-đề tại
đại chúng trung, tức tùng tòa khởi, thiên đản hữu kiên, hữu tất trước
địa, hiệp chưởng cung kính nhi bạch Phật ngôn: "Hy hữu Thế Tôn! Như
Lai thiện hộ niệm chư Bồ-tát, thiện phó chúc chư Bồ-tát. Thế Tôn! Thiện
nam tử, thiện nữ nhân, phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm, vân
hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm?" Phật ngôn: "Thiện tai,
thiện tai! Tu-bồ-đề, như nhữ sở thuyết, Như Lai thiện hộ niệm chư Bồ-tát,
thiện phó chúc chư Bồ-tát, nhữ kim đế thính, đương vị nhữ thuyết.
Thiện nam tử, thiện nữ nhân phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm,
ưng như thị trụ, như thị hàng phục kỳ tâm". "Duy nhiên, Thế
Tôn! Nguyện nhạo dục văn".
DỊCH:
THIỆN HIỆN THƯA HỎI.
Khi ấy trưởng lão Tu-bồ-đề
(Subhuti) ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai áo
bên mặt, gối mặt quì xuống đất, chấp tay cung kính bạch Phật rằng:
"Thế Tôn! Rất ít có, đức Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát,
khéo phó chúc các vị Bồ-tát. Bạch Thế Tôn! Người thiện nam, người
thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên làm sao trụ,
làm sao hàng phục tâm kia?" Đức Phật bảo: "Lành thay, lành thay!
Này Tu-bồ-đề, như lời ông nói, Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát,
khéo phó chúc các vị Bồ-tát, nay ông hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông
mà nói. Người thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác nên như thế mà trụ, như thế mà hàng phục tâm kia". - "Xin
vâng, bạch Thế Tôn! Con nguyện thích được nghe".
GIẢNG:
Đây là phần thưa hỏi của ngài
Tu-bồ-đề. Tu-bồ-đề là một vị A-la-hán thâm hiểu lý Bát-nhã. Có chỗ
dịch là Thiện Hiện, có chỗ dịch Không Sanh, có chỗ dịch Kiết Tường.
Nói Tu-bồ-đề là dịch âm tiếng Phạn. Trong Đại Bát-nhã dịch là Thiện
Hiện, đây nói Tu-bồ-đề cũng chỉ là một vị. Thiện Hiện là khéo hiện.
Ngài Tu-bồ-đề thuộc hàng trưởng lão.
Trước hết là phần nghi thức.
Theo lễ nghi Ấn Độ, khi đệ tử muốn thưa hỏi Phật điều gì thì phải
bày vai áo bên mặt, quì gối mặt xuống rồi chấp tay cung kính thưa hỏi.
Hộ niệm: Hộ là bảo hộ, niệm
là nhớ nghĩ.
Phó chúc là trao dặn lại.
Trước hết ngài Tu-bồ-đề tán
thán Phật: Đức Thế Tôn là bậc ít có trong thế gian, Ngài thường bảo
hộ và nhớ nghĩ các vị Bồ-tát, khéo trao dặn lại các vị Bồ-tát.
Tán thán Phật xong rồi, ngài Tu-bồ-đề
bắt đầu thưa hỏi.
Phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác là phát tâm cầu thành Phật.
Ngài Tu-bồ-đề hỏi Phật: Giả sử
có người thiện nam, thiện nữ muốn phát tâm cầu thành Phật thì phải
làm sao để an trụ tâm đó và làm sao hàng phục được tâm đó? Làm
sao an trụ, làm sao hàng phục tâm kia? là hai câu hỏi then chốt của
toàn bộ kinh, hai câu hỏi quan trọng cho sự tu hành. Tất cả chúng ta, ai
đã phát tâm tu theo đạo Phật, đều nguyện tiến tới Phật quả, nhưng
muốn tiến tới Phật quả phải làm sao? Tức là phải an trụ tâm và hàng
phục tâm, vì nếu còn tâm điên đảo làm sao thành Phật được? Thế nên
đó là chỗ chính yếu của người tu. Phát tâm vô thượng là đặt mục
tiêu mình tiến, nhưng an trụ trong đó và hàng phục vọng tưởng không phải
là chuyện dễ. Phát tâm cầu thành Phật là buổi đầu, nhưng còn nhiều
chướng ngại phải vượt qua.
Phật thừa nhận lời tán thán của
ngài Tu-bồ-đề là đúng nên đức Phật bảo rằng: "Lành thay, lành
thay! Đúng như lời ông nói, Như Lai thường hộ niệm các vị Bồ-tát và
khéo phó chúc các vị Bồ-tát". Bởi vì đức Phật luôn luôn nhớ nghĩ
làm sao cho các vị Bồ-tát được tiến lên Phật quả và dặn dò các vị
Bồ-tát làm lợi ích cho chúng sanh để cùng tiến lên Phật quả. Đó là
chủ đích mà đức Phật hằng mong mỏi và hằng giáo hóa.
Tiếp đến Phật dạy: Bây giờ
ông phải lắng tâm nghe cho kỹ, tôi sẽ vì ông mà nói. Những người thiện
nam, thiện nữ nào phát tâm cầu thành Phật thì nên như lời tôi dạy ở
sau mà an trụ tâm, nên như lời tôi dạy ở sau mà hàng phục tâm. Đó là
lời của Phật hứa sẽ dạy, ngài Tu-bồ-đề thưa: Xin vâng, đức Thế Tôn
con nguyện thích được nghe những lời này. Đây là bắt đầu thời thuyết
pháp chánh.
Qua đoạn này chúng ta thấy rõ tinh
thần người xưa đến học đạo. Trong hội chúng đông đảo, khi đức Phật
thọ trai xong, trải tọa cụ ngồi kiết già rồi, ngài Tu-bồ-đề theo đúng
nghi lễ quì gối chấp tay tán thán Phật trước, kế đến mới thưa hỏi
những điểm quan trọng. Như vậy đức Phật thuyết pháp là do đệ tử có
những thắc mắc nghi ngờ đem ra thưa hỏi, nhân đó đức Phật mới thuyết
pháp. Hiện nay chúng ta đi chùa học đạo cũng vậy, khi nào có gì thắc mắc
cũng đem ra hỏi, như thế chính mình có lợi và cũng lợi cho những người
chung quanh.
Ai muốn hàng phục được tâm
mình, an trụ được tâm mình, phải theo dõi lời Phật dạy ở sau.
ĐOẠN 3: ĐẠI THƯ`A CHÁNH TÔNG [Mục lục]
Phật cáo Tu-bồ-đề: Chư Bồ-tát
ma-ha-tát ưng như thị hàng phục kỳ tâm. Sở hữu nhất thiết chúng sanh
chi loại, nhược noãn sanh, nhược thai sanh, nhược thấp sanh, nhược hóa
sanh, nhược hữu sắc, nhược vô sắc, nhược hữu tưởng, nhược vô tưởng,
nhược phi hữu tưởng phi vô tưởng, ngã giai linh nhập vô dư Niết-bàn
nhi diệt độ chi. Như thị diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng
sanh, thực vô chúng sanh đắc diệt độ giả. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề, nhược
Bồ-tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng
tức phi Bồ-tát.
DỊCH: ĐẠI THỪA CHÁNH TÔNG
Phật bảo Tu-bồ-đề : Các vị
Bồ-tát lớn nên như thế mà hàng phục tâm kia. Có tất cả các loài
chúng sanh hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc sanh
chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc
có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng chẳng không tưởng,
ta đều khiến vào vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó. Diệt độ
như thế vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh mà thật không có chúng sanh
được diệt độ. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn có tướng
ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải là
Bồ-tát.
GIẢNG:
- Chín loài chúng sanh chỉ trùm tất
cả chúng sanh.
- Niết-bàn nghĩa là vô sanh. Niết-bàn
có hữu dư y Niết-bàn và vô dư y Niết-bàn. Những vị chứng quả
A-la-hán, được vô sanh nhưng còn thân hình tướng thì gọi là hữu dư Niết-bàn;
được Niết-bàn sau khi xả thân nghĩa là được vô sanh sau khi không còn
thân tướng thì gọi là vô dư Niết-bàn.
- Bốn tướng:
Tướng ngã: Thấy có mình thật.
Tướng nhân: Thấy có người thật.
Tướng chúng sanh: Thấy tất cả
loài có thật.
Tướng thọ giả: Thấy có mạng sống
tiếp nối trong một thời gian.
Đây là đến phần Phật trả lời
hai câu hỏi trước của ngài Tu-bồ-đề. Câu hỏi đầu là an trụ tâm,
câu hỏi thứ hai là hàng phục tâm, nhưng khi trả lời đức Phật đổi lại
trả lời câu hỏi hàng phục tâm trước và câu hỏi an trụ tâm sau. Trong
đoạn này Phật dạy cách hàng phục tâm tức chỉ phương pháp tu hành. Đức
Phật dạy: Đối với tất cả loài chúng sanh ta đều đưa họ vào chỗ Niết-bàn
không còn hình tướng để họ được diệt độ. Diệt độ như thế không
biết bao nhiêu chúng sanh mà thật không có một chúng sanh nào được diệt
độ. Đó là hàng phục được tâm, quí vị làm được điều đó không?
Phật lại bảo tiếp: Tại sao thế? Vì nếu Bồ-tát còn một tướng ngã
hay tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì không phải là Bồ-tát.
Phật trả lời khó hiểu quá, thấy
như lạc đề. Đây là chỗ chính yếu nhưng vừa mở đầu chúng ta thấy
ngỡ ngàng, chúng ta mong Phật trả lời làm sao hàng phục tâm mà đức Phật
trả lời như thế này thì làm sao hàng phục tâm được. Tôi không nói
loài sanh bằng trứng, những loài sanh chỗ ẩm ướt, những loài sanh do biến
hóa, những loài có sắc, không sắc v.v… mà chỉ nói những loài thai sanh
và trong loài sanh bằng thai, tôi hạn chế trong loài người thôi. Chừng
nào chúng ta độ tất cả loài người vào vô dư Niết-bàn mà không thấy
họ được diệt độ, chừng đó chúng ta mới hàng phục được tâm. Vậy
chừng nào chúng ta làm được việc đó? Nếu như không làm được việc
đó thì hàng phục tâm không được. Tại sao hỏi hàng phục tâm mà Phật
dạy độ chúng sanh ở ngoài? Đó là điều khó, từ xưa đến giờ chính
khi chúng tôi học, đến chỗ này chúng tôi cũng lắc đầu, điều Phật dạy
rất khó áp dụng trong việc tu hành. Nếu chúng ta hiểu theo lời theo chữ
thì sẽ có hai điểm không thể thực hiện được. Điểm thứ nhất là
chúng ta thấy Phật chưa thành Phật. Tại sao? Vì khi đức Phật thành Phật,
thử hỏi tất cả người - chỉ nói là người thôi - ở Ấn Độ, Phật
đã độ được vào vô dư Niết-bàn hết chưa? Chúng ta thấy rõ rằng lúc
đó còn ngoại đạo rất nhiều, Ngài chỉ độ một số mấy ngàn vị
thôi chớ đâu phải tất cả, vậy tại sao Ngài được thành Phật? Nếu
hàng phục tâm chưa được thì làm sao thành Phật? Điểm thứ hai là Phật
dạy chúng ta làm một việc mà không bao giờ chúng ta làm nổi. Thử hỏi tất
cả quí vị cũng như chúng tôi, ai đã được vô dư Niết-bàn? Thế mà
chúng ta phải đưa tất cả chúng sanh vào vô dư Niết-bàn, chừng đó mình
mới hàng phục được tâm. Vậy đến bao giờ chúng ta mới làm được việc
đó? Chỗ mình chưa đạt tới mà Phật bảo mình độ người đạt được
chỗ đó, làm sao chúng ta làm được? Cũng như chúng ta còn dốt mà bảo dạy
tất cả người đậu tiến sĩ hết, chừng đó mới được làm quan thì thật
là vô lý. Thế nên nếu học kinh Phật, nhất là kinh Đại thừa, mà hiểu
theo chữ, theo lời thì không làm sao giải thích được.
Điểm thứ nhất ta thấy mâu thuẫn
với Phật, điểm thứ hai mâu thuẫn với chúng ta, như thế làm sao có thể
áp dụng trong việc tu hành? Nhưng đến sau này khi tu thiền và đọc sách
thiền rồi, chúng tôi mới giật mình, không ngờ mình không hiểu lời Phật
nói. Kinh nói trong chúng ta có đủ cả thập pháp giới, đó là tứ thánh
và lục phàm. Quí vị thấy có khi chúng ta phát lòng từ bi giống như Phật,
như Bồ-tát, có khi chúng ta xấu xa như con heo, con bò, có khi chúng ta hung dữ
như con cọp, con sói. Trong chúng ta có đủ trăm thứ nghĩ, tốt xấu lẫn lộn.
Thế nên mỗi một dấy niệm về người thì đó là một chúng sanh thai
sanh, một dấy niệm về chim chóc thì đó là chúng sanh noãn sanh, một dấy
niệm về con bướm, con ong thì đó là hóa sanh, một dấy niệm về con đom
đóm đó là thấp sanh, nghĩ đến hư không đó là chúng sanh vô sắc, dấy
niệm về con người có tưởng, đó là chúng sanh có tưởng, dấy niệm buông
hết vọng tưởng, buông hết cả những tâm tưởng đó là chúng sanh vô tưởng…
dấy niệm là sanh. Tại sao? Bởi vì khi lặng thì không có niệm, mà niệm
dấy lên là do duyên với cảnh hoặc người, hoặc vật. Vọng thức bên
trong duyên theo bóng dáng của vọng trần, cả hai phối hợp nhau mà sanh
nên gọi là chúng sanh. Mỗi một niệm dấy lên như vậy là một chúng
sanh. Những chúng sanh do niệm vừa dấy lên đó chúng ta liền độ vào vô
dư Niết-bàn. Làm sao độ? Chúng sanh đó dấy lên, ta biết chúng sanh này
giả tức nhiên nó lặng xuống chỗ không sanh và khi nó lặng xuống không
còn thấy tăm dạng nên gọi là vô dư Niết-bàn. Như thế chúng ta thấy đức
Phật độ hết chúng sanh, Ngài hàng phục được tâm, Ngài thành Phật. Như
thế mới có lý, mới đúng sự thật.
Cũng thế nếu những vọng tưởng
của chúng ta đang điên cuồng chạy ngược, chạy xuôi theo có sắc, không
sắc, có tưởng, không tưởng… theo tất cả hình tướng bên ngoài, bây
giờ chúng ta đưa nó vào vô dư Niết-bàn, vào chỗ lặng lẽ không sanh diệt,
tâm chúng ta không còn loạn nữa, đó là chúng ta hàng phục được tâm. Hiểu
như vậy chúng ta mới tu được. Như thế chúng ta mới thấy rõ đức Phật
thành Phật trong khi tất cả chúng sanh vẫn còn. Ngài hàng phục được tâm
của Ngài nên mới được đến chỗ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như
bây giờ chúng ta vừa phát tâm tu thì chúng ta cũng hàng phục như vậy, lần
lần tâm an định chúng ta mới tiến bộ được. Nếu cứ lo độ chúng
sanh ở ngoài trong khi chính mình chưa độ được mình thì độ được ai?
Hiểu như vậy rồi chúng ta thấy
kinh Phật rất cao siêu, lời lẽ diễn tả những hình ảnh mà chúng ta
không hiểu là những hình ảnh đó quy về mình rồi chúng ta cứ tưởng là
việc bên ngoài. Khi chúng ta tưởng như thế chúng ta sẽ thối chí không biết
làm sao thực hành. Thế nên ngày xưa chính tôi đã từng nói rằng: Kinh Đại
thừa chắc chỉ để trên gác thờ, không thể áp dụng trong việc tu hành,
nhưng nay chúng ta hiểu rõ rồi, mới thấy chính đoạn này trả lời rất
sát câu hỏi của ngài Tu-bồ-đề. Ngài Tu-bồ-đề hỏi làm sao hàng phục
được tâm? Phật dạy: Một niệm dấy lên là một chúng sanh, đưa những
niệm đó vào chỗ vô sanh là hàng phục tâm. Đây là tự tánh chúng sanh thệ
nguyện độ. Rõ ràng là Phật trả lời việc hàng phục tâm. Nếu nói độ
tất cả chúng sanh thì ta thấy như là người hỏi việc bên trong mà Phật
trả lời việc bên ngoài, không dính dáng gì với nhau. Nhưng ở đây,
chúng ta đã thấy rõ ý nghĩa độ tất cả chúng sanh, đó là đưa tất cả
niệm vào chỗ không còn sanh diệt. Khi nào thực hành quí vị mới thấy
rõ. Một niệm dấy lên nghĩ về người, chúng ta liền nói niệm đó giả
dối không thật, không theo. Khi biết nó giả, ta không theo thì nó lặng xuống,
lặng xuống chỗ không còn thấy tướng mạo, đó là vô dư Niết-bàn.
Không sanh là Niết-bàn, không còn tướng mạo là vô dư . Bao nhiêu niệm đều
đưa vào đó nên nói độ tất cả chúng sanh mà không thấy có chúng sanh
nào được diệt độ, nghĩa là đưa tất cả vào đó hết mà không còn thấy
có một người nào hay một niệm nào thật. Quí vị thấy thật là khó,
khó ngay ở buổi đầu.
Thế nên Phật nói tiếp: Vì cớ
sao? Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng
sanh, tướng thọ giả, thì không phải là Bồ-tát. Tại sao vậy? Bởi
vì một niệm dấy lên tức là có chấp ngã trong đó. Quí vị nhớ từ
cái chấp ngã của Đại thừa đi lần đến chấp ngã sâu kín vi tế của
Thiền tông. Hai cái tương ưng nhau. Chấp ngã của Đại thừa là chấp
thân làm ngã và chấp tâm làm ngã. Từ cái chấp thân, tâm làm ngã đến
niệm dấy lên chấp niệm đó là mình, đó cũng là chấp ngã. Niệm dấy
lên cho là mình nghĩ, đó là chấp ngã. Tại sao? Dấy niệm là suy nghĩ về
người, suy nghĩ về cảnh, thử hỏi ai nghĩ, ai nghĩ về người, ai nghĩ về
cảnh? Thô thì chấp thân này, tế thì chấp một niệm, vì vậy còn thấy
một niệm thật là còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng
thọ giả; nếu đưa hết những niệm vào vô dư Niết-bàn rồi thì đâu
còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Người làm
được như vậy, đức Phật nói: Đó là Bồ-tát độ chúng sanh.
Quí vị thấy mỗi ngày chúng ta ngồi
ở tảng đá chơi, hoặc ngồi ở trước hành lang nhà, hoặc ngồi trong vườn,
nếu chúng ta cứ lo độ chúng sanh như vậy, nghĩa là mỗi chúng sanh dấy
lên chúng ta đưa vào vô dư Niết-bàn, đó cũng là Bồ-tát độ chúng sanh
rồi. Tại sao gọi là Bồ-tát? Vì Bồ-tát là một chúng hữu tình giác ngộ
và đem sở giác của mình giáo hóa kẻ khác, tức là tự giác và giác tha.
Niệm dấy lên chúng ta biết nó là hư giả, đó là giác; giác rồi đưa nó
vào chỗ vô sanh, đó là độ chúng sanh. Như vậy quí vị thấy giờ nào
mà không độ chúng sanh? Chúng ta độ chúng sanh đó thì sẽ đi đến chỗ
an trụ Niết-bàn. Tóm lại đức Phật chủ yếu dạy chúng ta đối với tất
cả niệm khởi về người về vật v.v… muôn ngàn hình tướng đều cho lặng
xuống hết, lặng vào chỗ không còn sanh diệt, khi đó là hàng phục tâm.
Tâm chúng ta không còn loạn động nữa, mà hết loạn động tức là chúng
ta hàng phục được tâm thuần thục. Như thế câu trả lời rất là xác
đáng. Và như vậy mới hết tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng
thọ giả. Hiện giờ có nhiều người không hiểu, cho thân này là ngã nên
bảo: "Thôi tôi xả thân, tôi không nghĩ gì đến tôi hết, tôi bố
thí tất cả thức ăn, thức mặc, cái gì tôi cũng không kể", nhưng niệm
của họ vẫn còn khởi thì cái xả đó vẫn chưa sạch. Tỉ dụ cứ nghĩ
ta là người bố thí, ta là người nhẫn nhục tức là còn ngã chớ gì?
Cho nên còn một niệm là còn ngã, cái ngã tế nhị như vậy. Thành ra có
nhiều người làm việc coi như xả ngã mà chính là nuôi cái ngã thêm to,
đó là cái ngã vọng tưởng ở tâm. Thế nên khi hiểu rồi quí vị mới
thấy ở đây đức Phật bảo: Độ tất cả chúng sanh mà không thấy có một
chúng sanh nào được diệt độ. Tại sao? Vì nếu Bồ-tát còn bốn tướng
đó không phải là Bồ-tát. Còn bốn tướng là còn dấy niệm thấy có
mình tức có ngã, mà có ngã tức là có nhân, có chúng sanh, có thọ giả…
Có dấy niệm mới chấp, mới nghĩ ta phải người quấy, mới thấy ta hay
người dở v.v… nếu không dấy niệm thì chấp cái gì? Đó là chỗ cứu
kính trong việc tu hành. Hiểu được rồi chúng ta thấy rõ ràng vừa bước
vào đoạn thứ nhất là đã biết được phương pháp tu hành.
ĐOẠN 4 : IỆU HẠNH VÔ TRỤ [Mục lục]
Phục thứ Tu-bồ-đề, Bồ-tát
ư pháp ưng vô sở trụ hành ư bố thí, sở vị bất trụ sắc bố thí, bất
trụ thanh hương vị xúc pháp bố thí. Tu-bồ-đề, Bồ-tát ưng như thị bố
thí, bất trụ ư tướng. Hà dĩ cố? Nhược Bồ-tát bất trụ tướng bố
thí, kỳ phước đức bất khả tư lương. Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Đông
phương hư không khả tư lương phủ? Phất dã Thế Tôn! Tu-bồ-đề, Nam Tây
Bắc phương tứ duy thượng hạ hư không, khả tư lương phủ? Phất dã Thế
Tôn! Tu-bồ-đề, Bồ-tát vô trụ tướng bố thí, phước đức diệc phục
như thị bất khả tư lương. Tu-bồ-đề, Bồ-tát đản ưng như sở giáo
trụ.
DỊCH:
DIỆU HẠNH KHÔNG CHỖ TRỤ.
Lại nữa Tu-bồ-đề, Bồ-tát đối
với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí, gọi là chẳng trụ
nơi sắc để bố thí, chẳng trụ thanh hương vị xúc pháp để bố thí.
Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng.
Vì cớ sao? Nếu Bồ-tát bố thí chẳng trụ tướng thì phước đức không
thể nghĩ lường.
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Hư không
ở phương Đông có thể nghĩ lường được chăng?
- Bạch Thế Tôn, không vậy.
- Này Tu-bồ-đề, hư không phương
Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phía trên dưới có thể nghĩ lường
được chăng?
- Bạch Thế Tôn, không vậy.
- Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát không trụ
tướng mà bố thí, phước đức cũng lại như thế, không thể nghĩ lường.
Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát chỉ nên như lời dạy mà trụ.
GIẢNG:
Đến phần trả lời câu hỏi thứ
hai. Nói đến trụ, quí vị nghe cũng rối tai không biết làm sao trụ. Tôi
nhắc lại cho quí vị thấy trong đoạn này Phật bảo: Những vị Bồ-tát
đối với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí. Không chỗ
trụ là sao? Không trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Nếu
Bồ-tát bố thí mà không trụ tướng thì phước đức không thể nào nghĩ
lường được. Ngài dùng thí dụ hỏi: Hư không ở phương Đông có thể
nghĩ lường được không? Hư không ở các phương Nam, Tây, Bắc và trên dưới
có thể nghĩ lường được không? Dĩ nhiên là không. Phật bảo: Cũng vậy,
nếu Bồ-tát bố thí mà không trụ tướng thì phước đức cũng như hư không,
khắp cả mười phương, không thể nghĩ lường được. Phật lại dạy tiếp:
Các Bồ-tát chỉ nên như lời dạy trên mà trụ.
Làm sao an trụ đây? Phật dạy: Bố
thí mà không trụ nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Tôi hỏi quí vị
bố thí mà không trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì làm sao bố
thí? Giả sử như thấy có người đói, mình muốn bố thí cho họ hết đói
thì phải lấy cái gì bố thí? Lấy cơm hoặc là tiền. Cơm, tiền là sắc
phải không? Nếu tay ta bưng cơm hay cầm tiền cho họ, tức là chúng ta có
nghĩ về cơm, về tiền, đó là chúng ta trụ nơi sắc mà bố thí rồi…
Hoặc giả chúng ta dùng lời nói an ủi cho họ bớt đau khổ, đó cũng là
thanh, hoặc dùng những thứ có hương vị ngọt ngào, đó là hương v.v…
Như vậy thế nào cũng phải nghĩ đến một cái gì mới đem bố thí được,
nếu không thì làm sao bố thí? Không trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc,
pháp bố thí thì phải làm sao? Đó là một câu hỏi mà chúng ta không biết
làm sao giải đáp để áp dụng trong việc tu hành. Có người nói: Mình cho
mà đừng chấp, đừng nghĩ gì hết, cứ cho rồi thôi. Thử hỏi thế nào
là đừng chấp? Làm sao thôi được? Thế nên chính đây là chỗ mà đa số
người đọc kinh Kim Cang đều lúng túng không biết làm sao thực hành.
Chúng ta phải hiểu rõ rằng bố thí là ban cho, là buông xả, trụ là dính
mắc. Chúng ta phải buông xả đừng có dính với sắc, thanh, hương, vị, xúc,
pháp đó là bố thí. Không trụ như vậy tâm mới trụ. Sở dĩ tâm chúng
ta động, loạn là vì nó chạy theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Bởi
dính với sáu trần nên tâm mới loạn, , nó kẹt nơi sắc, kẹt nơi thanh,
nơi hương, vị, xúc, pháp. Do kẹt trong sáu trần nên tâm chúng ta cứ loạn
mãi, bây giờ chúng ta bố thí tức là buông xả không dính với sáu trần
nữa thì tự nhiên tâm an trụ. Như vậy khi chúng ta an trụ là lúc chúng ta
không dính với sáu trần, nếu còn dính với sáu trần là chưa trụ. Thí dụ
trên bàn có sáu, bảy món nào ly, nào bao kiếng, nào khăn, đồng hồ v.v…
trong sáu thứ đó, nếu tay tôi nắm một thứ là tôi dính một cái, phải
không? Dính một cái thì khi ấy tâm tôi an trụ hay bất an? Dính một cái tức
là tôi đang cầm, đang chấp. Cầm chấp tức là động chứ đâu có an được.
Còn cả sáu cái, tay tôi đều không dính thì sao? Tức là tay tôi để một
chỗ, nó không động. Nếu dính một cái là động rồi. Thế nên nói
không trụ mà chính là trụ. Không trụ nghĩa là không dính tất cả sáu trần,
đó mới thật an trụ. Trong đoạn trước, hàng phục tâm là vọng vừa khởi
liền biết và đưa nó vào chỗ lặng lẽ vô sanh. Trong đoạn này tế nhị
hơn, đức Phật dạy chúng ta: Đối với sáu trần đừng để tâm dính mắc,
đó là an trụ tâm. Thế nên các thiền sư , nhất là ngài Bá Trượng, khi
nói đến chỗ giải thoát, Ngài chỉ bảo rằng: "Tâm cảnh không đến
nhau là giải thoát". Cảnh là sáu trần, tâm không đến với cảnh, không
dính với cảnh đó là giải thoát, đó là an trụ. Thế nên chúng ta phải
thấy rõ phương pháp tu hành, tu là buông xả đừng dính với sáu trần, đó
là trụ tâm. Khi hàng phục được tâm, an trụ tâm là đi đến Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác, đi đến Phật quả. Vì vậy trong đoạn này Phật
bảo: Nếu người nào bố thí thì công đức của người đó không thể
tính kể, ví dụ như hư không. Hư không không dính với bất cứ vật gì
nên nó thênh thang vô cùng. Chúng ta cũng vậy, nếu tâm chúng ta không dính
với sáu trần thì nó cũng thênh thang như hư không, do đó Phật mới bảo:
Công đức không thể nghĩ lường. Nhiều khi chúng ta không hiểu cứ nghĩ bố
thí mà không chấp tướng thì công đức lớn. "Không chấp tướng"
nghĩa như thế nào? Nghĩa là bố thí rồi thì thôi, đừng nhớ nghĩ gì nữa.
Đó là chúng ta chỉ hiểu phần thô thiển bên ngoài. Đúng ra chữ bố thí
phải hiểu là buông xả hết vọng niệm, tâm không dính với sáu trần,
lúc đó tâm mới an trụ và tâm an trụ như vậy thì công đức đồng với
hư không, không thể nghĩ lường. Tại sao? Bởi vì khi tâm không còn trụ nơi
sáu trần thì nó trở về với tâm thể vô sanh, mà chỗ vô sanh thì không
biết làm sao lường được. Thế nên nói công đức không thể nghĩ lường,
không thể tính kể.
Trong phần cuối, Phật bảo: Bồ-tát
chỉ nên như lời dạy mà trụ. Như vậy, muốn trụ tâm quí vị phải làm
sao? Phải buông xả đừng dính với sáu trần. Muốn hàng phục tâm phải
làm sao? Phải đưa vọng niệm vào chỗ vô sanh. Thật là rõ ràng không có
gì nghi ngờ nữa. Trái lại, nếu chúng ta hiểu theo chữ nghĩa hình tướng
bên ngoài thì chúng ta không thể nào giải thích nổi và cũng không thể
nào thực hành được. Bố thí mà không kẹt trong sáu thứ đó thì làm sao
bố thí? Sở dĩ có bố thí được là do sáu thứ hoặc sắc, hoặc thanh.
hoặc hương, vị… mà không được dính vào thứ nào hết thì phải làm
sao? Thế nên hiểu rồi mới thấy chủ ý Phật dạy chúng ta an trụ tâm,
hàng phục tâm ở trong, chớ không phải dạy chúng ta làm việc bên ngoài.
Vì không hiểu, chúng ta nghĩ độ chúng sanh là độ chúng sanh bên ngoài,
và bố thí cũng là bố thí cho người bên ngoài; nếu thế thì không liên
quan gì đến việc an trụ và hàng phục tâm của chính mình.
Hai đoạn này đã trả lời đầy
đủ cho ngài Tu-bồ-đề rồi. Đọc kinh Kim Cang nếu người lợi căn thì tới
đây đã đủ. Hai câu hỏi này là hai câu hỏi quan trọng nhất của quyển
kinh mà trả lời thỏa mãn được hai câu này thì coi như đủ rồi. Nếu
người căn cơ chậm lụt thì phải đọc hết bộ!
ĐOẠN 5 : NHƯ LY' THẬT KIẾN [Mục lục]
Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Khả dĩ
thân tướng kiến Như Lai phủ? Phất dã Thế Tôn! Bất khả dĩ thân tướng
đắc kiến Như Lai. Hà dĩ cố? Như Lai sở thuyết thân tướng tức phi thân
tướng. Phật cáo Tu-bồ-đề: Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược
kiến chư tướng phi tướng tắc kiến Như Lai.
DỊCH: THẤY LẼ THẬT ĐÚNG LÝ
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao?
Có thể do thân tướng mà thấy Như Lai chăng? -Bạch Thế Tôn, không phải
vậy. Không thể do thân tướng thấy được Như Lai. Vì cớ sao? Như Lai đã
nói thân tướng tức không phải thân tướng. Phật bảo Tu-bồ-đề: Phàm
những gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải
tướng tức thấy Như Lai.
GIẢNG:
Thường trong giới tu hành, ai cũng
thuộc lòng câu: Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến
chư tướng phi tướng tắc kiến Như Lai. Đoạn này Phật chỉ cho chúng
ta thấy đúng lý và như thật. Thật ra, chúng ta hiện nay thấy không đúng
lý, chỉ thấy theo giả tướng, chớ không đúng như thật. Hiện giờ ta thấy
Như Lai là Như Lai nào? Quí vị thường nói thấy Phật là Phật ở đâu?
Phật ngồi trên bàn, trên tòa sen mà chúng ta đang thờ phải không?
Đức Phật hỏi: Này Tu-bồ-đề,
ý ông nghĩ sao? Có thể do thân tướng mà thấy Như Lai không? Nếu thấy Phật
trên bàn là do thân tướng mà thấy Phật! Ngài Tu-bồ-đề không phải như
chúng ta, Ngài thưa: Không, không thể do thân tướng mà thấy được Như
Lai. Vì cớ sao? Vì Như Lai đã nói thân tướng tức không phải thân tướng.
Thân tướng tức không phải thân tướng nên đức Phật kết thúc: Phàm
sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tắc
kiến Như Lai.
Như vậy quí vị mới thấy rõ Như
Lai là Phật nhưng không phải đức Phật có ba mươi hai tướng tốt và
tám mươi vẻ đẹp ở Ấn Độ thuở xưa mà hiện giờ chúng ta đang tượng
hình để thờ. Như Lai đây là chỉ cho Phật pháp thân sẵn có của tất cả
chúng ta. Phật pháp thân là thể chẳng sanh chẳng diệt sẵn có nơi mọi
người. Nếu chúng ta nhìn hình tướng của đức Phật có tám mươi vẻ đẹp,
ba mươi hai tướng tốt ở Ấn Độ thì đức Phật đó hiện giờ còn
không? Đã hoại rồi! Thế nên những gì có hình tướng đều vô thường,
đều tan hoại! Chính những tượng Phật chúng ta thờ trên bàn, đức Phật
đó có tướng hay không? Đức Phật đó còn mãi hay cũng phải hoại? Như vậy
phàm có tướng đều hư vọng không thật.
Nếu chúng ta muốn thấy Phật pháp
thân thì phải làm sao? Nếu thấy các tướng không phải tướng thì thấy
Như Lai, thì thấy Phật. Như thế chúng ta phải thấy tất cả những gì
có hình có tướng ở trần gian này đều là hư giả. Bởi vì những gì
có tướng đều do nhân duyên hòa hợp, đã là nhân duyên hòa hợp thì khi
nhân duyên đủ nó còn, nhân duyên thiếu nó mất. Có hợp thì phải có
tan, mọi sự vật do duyên hợp rồi cũng do duyên tan, hợp tan không cố định,
đó là hư giả. Thế nên tất cả tướng thế gian đều hư giả, hư giả
là bại hoại.
Theo quan niệm thông thường của chúng
ta, cái gì là giả, cái gì là thật? Trong sách vở, người xưa hay nói: Bọt,
bóng, sương tuyết là giả phải không? Như vậy thì bọt có hay không?
Bóng có hay không? Sương tuyết có hay không? Điện chớp có hay không? Nếu
có, tại sao nói nó giả? Vì chợt có rồi mất, mới thấy đó chốc lát
liền tan, vừa thấy kế mất. Như vậy, y cứ trên cái gì mà nói nó giả?
Đó là y cứ trên thân mấy mươi năm, nhìn sự vật có mặt trong tích tắc
đồng hồ, cái có mặt chỉ trong phút giây rồi mất, đó là giả. Cho nên
nói cái giả là cái tạm có rồi mất như sương đầu ngọn cỏ buổi sáng,
trong vài mươi phút, nắng lên là tan. Chúng ta thật là vì chúng ta có mặt
đến mấy mươi năm. Giả sử có cái gì tồn tại được đến mấy ngàn
năm, nhìn lại chúng ta thì sao? Tôi định nghĩa cái thật cái giả, từ từ
rồi quí vị sẽ biết, chớ bây giờ chúng ta có mặt nơi đây mà nói là
giả thì không ai tin hết. Người ta như thế này, biết đi đứng, biết hoạt
động v.v… mà nói giả thì ai mà chịu. Nhưng sở dĩ chúng ta nói giả là
vì cái đó có mặt trong thời gian quá ngắn ngủi. Đối với cái có mặt
lâu dài hơn thì cái tạm bợ ngắn ngủi gọi là giả và cái có mặt lâu
dài hơn gọi là thật.
Cũng như chúng ta nói giấc mộng
là giả. Tại sao? Trong khi chúng ta ngủ mộng, có giấc mộng dài khoảng mười
phút, có giấc mộng dài hai mươi, ba mươi phút hay đến một giờ chẳng hạn.
Khi mộng chúng ta cũng thấy đủ hết, chúng ta đều thấy thật như lúc thức,
đâu biết là giả phải không? Chúng ta cũng thấy bạn bè, cũng thấy ăn uống
v.v… tất cả đều thật trăm phần, nhưng khi giật mình tỉnh giấc thì tất
cả đều mất, tìm lại không được!
Giờ đây thử hỏi những vị khoảng
sáu mươi tuổi nhớ lại tất cả bạn bè, anh em, những người mình quen
biết thuở xưa, nay có còn đủ như thuở mình mười lăm, mười bảy tuổi
không? Tìm lại thì mất đâu hết, kẻ xứ này, người xứ nọ, người thì
mồ đã phủ cỏ xanh… Như vậy có giống giấc mộng hay không? Nhất là
khi hấp hối, nếu ôn lại cuộc đời của mình thì thấy như một giấc mộng.
Tất cả những gì mình tạo lập suốt cuộc đời, đến khi gần tắt thở,
nhớ lại xem còn được cái gì? Khi đó nói cuộc đời của mình là giả
hay thật? Nhưng đợi đến lúc đó mới thấy nó giả thì muộn quá rồi,
trở tay không kịp. Thế nên ngay bây giờ phải sớm thấy nó giả để có
thì giờ chuẩn bị cho ngày cuối của cuộc đời mình được an ổn, được
tự tại. Chúng ta phải dùng trí tuệ nhìn theo cái nhìn của đức Phật,
phải làm sao mà hiện tại chúng ta không lầm mê và ngày ra đi chúng ta
được tự tại, đó là chủ yếu của sự tu hành.
Thử hỏi tất cả chúng ta làm sao
biết thân này là giả? Như tôi đã ví dụ, nếu người nào sống được
khoảng hai ngàn, ba ngàn tuổi thấy chúng ta sống có vài mươi tuổi thì họ
nói sao? Ối! Mấy chú đó giả! Cũng như hiện giờ chúng ta gọi mấy con
phù du vậy, sớm còn, chiều mất, đó là kiếp phù du! Đó là chúng ta nói
những người sống mấy ngàn năm, giả sử có một cái chưa bao giờ chết,
chưa bao giờ hoại, kiếp kiếp đời đời không hoại, đứng từ cái đó
nhìn cái tuổi thọ vài mươi năm này thì nói thế nào? Cho nên nói như bọt,
như bóng, như điện chớp, như sương mù, không có gì là thật, chỉ vì
chúng ta chưa tìm được cái đó. Chúng ta chỉ bám vào cái thân mấy chục
năm này rồi hãnh diện là ta sống được mấy chục năm. Người bảy
mươi tuổi hãnh diện là ta thọ hơn người sáu mươi tuổi, người tám mươi,
chín mươi tuổi cho là ta thọ hơn người bảy mươi tuổi. Nhưng hơn chín,
mười năm rồi cũng chết, chớ có người nào khỏi chết. Những cái hơn
đó là hơn tạm bợ trong đối đãi chớ không phải thật. Chúng ta cần
tìm cái hơn tuyệt đối, vượt ngoài đối đãi. Như Phật đã dạy: Nếu
thấy các tướng không phải tướng là thấy Như Lai. Như Lai này là Như
Lai bất sanh bất diệt nơi mọi người chúng ta. Hiện giờ chúng ta thấy
các tướng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đều là thật, bởi tất cả
đều thật nên chúng ta cứ dính với nó mãi. Một lời khen cho là thật
nên nhớ mãi, một lời chê cho là thật nên cũng trằn trọc ngủ không
yên. Một hình tướng hoặc đẹp hoặc xấu hiện trước mắt, chúng ta cũng
không quên, do đó tâm chúng ta không bao giờ an. Không an đó là tâm nào?
Tâm vọng tưởng điên đảo cứ trào lên dính cả với sáu trần.
Chúng ta biết sáu trần là hư giả
không thật, những gì có tướng đều hư giả không thật, lúc đó chúng
ta như thế nào? Biết là giả thì có gì quan trọng mà dính mắc. Thí dụ
như quí vị đi qua một gian hàng, biết rõ những món hàng đó đều giả,
khi đi qua rồi quí vị có nhớ không? Dĩ nhiên là không thèm chú ý. Nếu
thấy có một món hàng nào thật thì quí vị để tâm nhớ nghĩ. Như vậy
khi biết các pháp là duyên hợp hư giả thì thấy tướng mà không phải tướng,
do đó tâm chúng ta mới không dính với sáu trần, do tâm không dính với
sáu trần nên nói là an trụ, và an trụ là Như Lai. Thế nên Phật bảo: Nếu
thấy các tướng không phải tướng là thấy Như Lai. Như vậy mới đúng
với đoạn trước là không dính sáu trần, đó là trụ tâm. Tâm dấy động
là tâm sanh diệt, chấp tâm sanh diệt làm tâm mình, đó là tướng sanh diệt
dẫn mình đi trong luân hồi. Trái lại tất cả niệm sanh diệt lặng xuống,
cái chưa từng sanh diệt hiện tiền, đó mới là Như Lai, là bất sanh bất
diệt. Từ cái đó nhìn lại thì thân này là hư ảo như bọt, như bóng. Nếu
người nào sống được với cái đó thì muôn đời muôn kiếp không bao giờ
bị sanh diệt, nên đức Phật bảo: Công đức không thể nghĩ bàn.
Như vậy người tu phải tìm đến chỗ cứu kính chân thật, chớ không phải
chỉ tạo phước nho nhỏ rồi sau sanh diệt nữa. Muốn cho cái không sanh diệt
hiện tiền thì đừng dính với sáu trần, phải thấy sáu trần là tướng
hư giả. Thế nên tôi nói rằng tất cả người xuất gia đều phải thuộc
lòng câu: Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nghĩa là phàm cái
gì có hình tướng đều là hư dối, nếu thấy các hình tướng đều không
phải tướng đó là thấy Phật. Chúng ta thấy như thế là thấy đúng lẽ
thật.
Ở đây chúng ta nhìn đúng lý hay
không? Những cái giả tạm mà cứ cho là thật, ngày mai tắt thở mà ngày
nay cũng còn tranh giành hơn thua, cũng còn nói mình là thật, không bao giờ
thấy mình là giả, nên vọng tưởng cứ chạy cuồng loạn theo tất cả những
pháp trần không bao giờ dừng. Nếu chúng ta thấy tất cả những gì có tướng
đều do duyên hợp, bởi duyên hợp nên chúng không phải là tướng thật,
khi duyên thiếu liền hoại ngay. Như vậy các tướng không thật, bản thân
chúng không thật thì chúng ta đắm nhiễm cái gì? Do không đắm nhiễm nên
không dính mắc, đó là tâm an trụ, tâm an trụ thì pháp thân hiện tiền.
Tóm lại, qua đoạn này quí vị thấy
ý nghĩa của sự tu hành: Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy được cái
chân thật, thấy như vậy là thấy đúng chân lý. Thấy Như Lai không phải
là thấy đức Phật ở Ấn Độ mà chính là thấy pháp thân Phật bất
sanh bất diệt ngay nơi chúng ta. Kinh Đại thừa chỉ cho chúng ta đức Phật
thật hằng có nơi mình mà đức Phật đó chỉ hiển hiện khi nào chúng ta
không còn vọng tưởng điên đảo chạy theo sáu trần. Vọng tưởng lặng
rồi thì đức Phật đó hiện tiền. Đó là thấy thật, thấy đúng lý.
ĐOẠN 6 : CHÁNH TÍN HY HỮU [Mục lục]
Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Thế
Tôn! Phả hữu chúng sanh, đắc văn như thị ngôn thuyết, chương cú, sanh
thật tín phủ? Phật cáo Tu-bồ-đề: Mạc tác thị thuyết. Như Lai diệt hậu,
hậu ngũ bách tuế, hữu trì giới tu phước giả, ư thử chương cú năng
sanh tín tâm, dĩ thử vi thật, đương tri thị nhân bất ư nhất Phật, nhị
Phật, tam tứ ngũ Phật nhi chủng thiện căn, dĩ ư vô lượng thiên vạn Phật
sở, chủng chư thiện căn. Văn thị chương cú, nãi chí nhất niệm sanh tịnh
tín giả, Tu-bồ-đề, Như Lai tất tri, tất kiến thị chư chúng sanh đắc
như thị vô lượng phước đức. Hà dĩ cố? Thị chư chúng sanh vô phục
ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, vô pháp tướng
diệc vô phi pháp tướng. Hà dĩ cố? Thị chư chúng sanh, nhược tâm thủ tướng
tắc vi trước ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nhược thủ pháp tướng tức
trước ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Hà dĩ cố? Nhược thủ phi pháp tướng
tức trước ngã nhân chúng sanh thọ giả. Thị cố bất ưng thủ pháp, bất
ưng thủ phi pháp. Dĩ thị nghĩa cố, Như Lai thường thuyết: Nhữ đẳng Tỳ-kheo
tri ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống
phi pháp.
DỊCH: CHÁNH TÍN ÍT CÓ (Người
tin đúng rất ít có).
Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng:
Bạch Thế Tôn, vả lại có chúng sanh được nghe những lời nói và chương
cú như thế, sanh lòng tin chân thật chăng? Phật bảo Tu-bồ-đề: Chớ nói
như thế. Sau khi Như Lai diệt độ, sau khoảng năm trăm năm, có người giữ
giới, tu phước, đối với những chương cú này hay sanh lòng tin cho đây
là thật, nên biết người ấy không phải ở nơi một đức Phật, hai đức
Phật, ba, bốn, năm đức Phật gieo trồng căn lành mà đã ở chỗ vô lượng
ngàn muôn đức Phật gieo trồng căn lành. Người nghe chương cú này cho đến
một niệm sanh lòng tin thanh tịnh, này Tu-bồ-đề, Như Lai ắt biết, ắt
thấy các chúng sanh ấy được vô lượng phước đức như thế. Vì cớ
sao? Vì các chúng sanh ấy không còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng
sanh, tướng thọ giả, không có tướng pháp cũng không tướng phi pháp. Vì
cớ sao? Vì nếu các chúng sanh ấy, tâm còn chấp tướng là còn chấp ngã,
nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu còn chấp tướng pháp tức còn chấp ngã
nhân chúng sanh thọ giả. Vì cớ sao? Nếu còn chấp tướng phi pháp tức
còn chấp ngã nhân chúng sanh thọ giả. Thế nên không nên chấp pháp,
không nên chấp phi pháp. Bởi do nghĩa ấy, Như Lai thường nói: Tỳ-kheo
các ông nên biết, ta nói pháp ví dụ như chiếc bè, pháp còn nên bỏ, huống
là phi pháp.
GIẢNG:
Trong đoạn này đức Phật dạy thêm:
Người nào nghe kinh này sanh niềm tin thì người đó đã có những duyên
lành như thế nào. Trước tiên do ngài Tu-bồ-đề gợi ý, Ngài hỏi Phật
rằng: Có những chúng sanh nào được nghe chương cú này sanh lòng tin chân
thật chăng? Những chúng sanh nghe Phật nói những lờiø như thế, họ có
tin chăng? Đức Phật xác nhận: Sau khi Phật nhập Niết-bàn khoảng năm
trăm năm có những người biết giữ giới, biết tu phước, ngay nơi kinh
Kim Cang, họ sanh niềm tin cho là thật, là đúng thì nên biết người đó
không phải chỉ gieo trồng căn lành ở một, hai, ba, bốn, năm Đức Phật
mà đã gieo trồng căn lành ở chỗ ngàn muôn đức Phật rồi. Qua lời xác
định của đức Phật, quí vị kiểm lại xem mình đã gieo trồng căn lành
bao lâu? Nơi bao nhiêu đức Phật?
Đức Phật xác nhận là nếu ngay
những lời Phật dạy mà người nào tin quả quyết đó là thật thì người
đó đã gieo trồng căn lành ở chỗ vô lượng ngàn muôn đức Phật rồi!
Như vậy chúng ta có tủi thân là mình mới phát tâm tu hay không? Hay là
chúng ta đã gieo trồng căn lành nơi nhiều chư Phật, nhưng tại chúng ta tu
hành lôi thôi nên bây giờ còn sót lại đây? Hiện nay nếu chúng ta cố gắng
tu nữa, dần dần sẽ có ngày mình đến, chớ không có căn lành thì nghe
kinh này không tin nổi. Ngày nay chúng ta nghe mà tin được và quả quyết
là Phật nói đúng chân lý, đủ niềm tin là đã có căn lành từ lâu rồi.
Song đã gieo trồng căn lành ở nhiều đời chư Phật mà còn lang thang ở
đây, thật đáng tủi hổ quá phải không? Tuy nhiên chúng ta cũng có chút
hãnh diện là đã có căn lành chớ không phải mình là con số không, mà đã
có căn lành rồi nếu quyết chí tu, chúng ta có thể tiến được chớ không
đến nỗi phải lui sụt. Do tin như thế, chúng ta có thể cố gắng tiến tới.
Tiếp theo đức Phật hạ thấp xuống
một tầng nữa. Ngài bảo: Giả sử như có những người nghe lời dạy đây,
chỉ sanh một niệm, một niệm thôi, một niệm tin trong sạch thì người
đó sẽ được Phật thấy biết chắc chắn người đó được công đức
vô lượng. Đó là cái thấy biết của Phật như thế chớ không phải
Ngài nói suông. Quí vị có được một niệm tin trong sạch chưa? Nghe lời
dạy như vậy mà được một niệm tin trong sạch đã là công đức vô lượng
rồi. Vì cớ sao? Vì những chúng sanh đó không còn tướng ngã, tướng nhân,
tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Tại sao? Vì một niệm tin trong sạch
là tin rằng nếu chúng ta còn một niệm tức là còn một chúng sanh chưa độ
được. Vậy là còn ngã, còn nhân, còn chúng sanh, còn thọ giả. Trái lại
nếu tất cả chúng sanh được độ vào vô dư Niết-bàn rồi thì tướng
ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả đâu còn, nên nói
không còn những tướng đó.
Đức Phật lại bảo thêm: Không
còn tướng pháp và cũng không còn tướng phi pháp nữa. Thường trong nhà
Phật nói pháp là đúng pháp, phi pháp là không đúng pháp, cũng như chúng
ta nói pháp là phải, phi pháp là quấy, việc phi pháp là việc tà, việc
sai quấy. Pháp và phi pháp, hai tướng đó không còn nữa. Vì cớ sao? Nếu
tâm còn chấp tướng thì còn chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu
còn chấp tướng pháp thì cũng còn chấp tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ
giả. Pháp là phải, nếu còn chấp phải thì cũng còn ngã, nhân, chúng
sanh, thọ giả. Thí dụ việc đó là việc phải, tôi làm việc phải hay ai
làm việc phải? Hoặc tôi làm hoặc người làm? Nếu có người làm việc
phải thì người đối với mình tức có nhân là có ngã, trái lại có ngã
là có nhân. Thế nên chấp cái phải là thật thì cũng có ngã, nhân, chúng
sanh, thọ giả; chấp cái quấy là thật thì cũng có ngã, nhân, chúng sanh,
thọ giả. Vậy chẳng những chúng ta không chấp vào cái tướng của tâm
niệm mình mà cũng không nên chấp pháp phải và quấy. Có nhiều khi mình
không chấp các tướng mà chấp điều phải điều quấy là thật. Các tướng
là không thật còn điều phải quấy có thật hay không? Phải quấy cũng là
cái giả định của một thời thôi. Tùy theo mỗi thời đặt việc này là
phải thì chúng ta thấy nó phải, đặt việc kia là quấy thì chúng ta thấy
nó quấy, chớ đâu có gì là cố định. Nếu chúng ta chấp có một cái cố
định, đó cũng là chấp pháp mà chấp pháp là cũng còn chấp ngã. Ngã và
pháp không tách rời nhau được. Chấp pháp và phi pháp là chấp pháp; chấp
ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả là chấp ngã. Hai cái chấp này dứt sạch
thì mới an lành giải thoát. Thế nên trong đoạn sau, đức Phật bảo: Như
ta thường nói Tỳ-kheo các ông nên biết, ta nói pháp ví dụ như chiếc
bè, pháp còn nên bỏ huống là phi pháp.
Thí dụ như chúng ta cho những câu
chuyện tầm phào ở thế gian là những lời nói bậy, là phi pháp, còn những
lời dạy trong kinh sách là lời vàng ngọc đúng pháp. Nhưng chấp phi pháp
là thật cũng bệnh, chấp pháp là thật cũng bệnh! Do đó đức Phật dạy
rằng: Lời Phật nói dụ như chiếc bè giúp người qua sông. Khi chưa qua khỏi
bờ mê thì chiếc bè rất quí, khi nương chiếc bè qua đến bờ giác rồi,
chiếc bè có còn giá trị gì nữa không? Trong kinh A-hàm đức Phật ví dụ
ở bên này bờ sông có giặc cướp đuổi hại người, có người chạy tránh
giặc cướp, muốn qua bờ sông bên kia là chỗ an lành, không tai họa. Bấy
giờ họ mới chặt tám cây kết thành bè (tám cây ví dụ cho Bát chánh đạo)
rồi nương chiếc bè qua được bên kia bờ sông. Khi qua đến nơi, người
đó bước lên bờ, dĩ nhiên chiếc bè phải bỏ lại. Như vậy Bát chánh
đạo là pháp của Phật nói mà khi đến bờ giác còn phải bỏ huống nữa
là việc phi pháp, điều sai quấy bậy bạ. Song hiện giờ, phi pháp quí vị
bỏ được chưa? Như vậy nếu nói với quí vị thì phải nói thế nào?
Phi pháp còn chẳng bỏ huống là pháp! Phật thì bảo: Pháp còn phải bỏ
huống là phi pháp. Quí vị thì trái lại phi pháp, tức là những chuyện
nói xằng nói bậy không có nghĩa gì, còn bỏ không được huống là pháp,
là cái hay, làm sao bỏ nổi! Như vậy chúng ta ngược lại với Phật!
Tóm lại qua đoạn này, trước hết
đức Phật nêu lên người tu hành mà tin được các lời Phật nói trong
kinh Kim Cang là đã gieo trồng căn lành sâu dầy rồi. Đoạn thứ hai đức
Phật bảo rằng đúng ra người tin được kinh này thì phải thấy rõ tất
cả tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả đều không thật. Chẳng những
bốn tướng không thật mà phải thấy tất cả tướng thế gian đều không
thật và tất cả pháp phải và không phải cũng đều không thật. Thấy
được như vậy người đó mới đúng là tin kinh này một cách chân chánh.
Đây là phá chấp ngã và chấp pháp vì ngã là giả dối thì pháp cũng là
giả dối. Nếu chúng ta biết ngã giả dối nhưng còn cho pháp là thật, đó
cũng là bệnh. Lời Phật nói chỉ có giá trị khi chúng ta còn mê và khi
chúng ta nhờ lời nói đó thoát khỏi mê lầm rồi thì phải bỏ lời đó
đi. Quí vị thấy chỉ có Phật mới dám nói như vậy, chớ ở thế gian
chưa có ai dám nói như thế. Chúng ta thấy rõ giá trị Phật pháp là ở chỗ
không để chúng ta kẹt trong một cái chấp nào. Lời Phật dạy là phương
thuốc trị bệnh, bệnh lành thì bỏ thuốc. Nghe ngôn ngữ phải biết ứng
dụng để tu, chớ không nên bám vào ngôn ngữ cho đó là cứu kính, kiếp
kiếp đời đời giữ hoài không bỏ thì vô tình chúng ta bị kẹt.
Đến bờ thì phải bỏ bè, nhưng nếu
chưa đến bờ mà vội bỏ bè thì đó là điều hiểm nguy. Thế nên việc
quan trọng là chúng ta phải nhận đúng lẽ thật, phải biết mình đang ở
vị trí nào, mình là người đến bờ hay là người mới sửa soạn bước
xuống bè. Nếu vừa sửa soạn bước xuống bè thì rán kiếm dây ràng bè
cho chắc để nhờ nó đưa mình qua sông, còn nếu mình đã đến bờ rồi
thì chiếc bè trở thành vô nghĩa, bỏ nó không chút tiếc nuối. Người học
đạo phải sáng suốt như thế, chớ đừng lầm lẫn hai vị trí đó, chưa
tới bờ mà đã vội bỏ bè, hay đến bờ rồi mà còn giữ chiếc bè; cả
hai đều là bệnh, đều lầm lẫn, hiểu vậy là chúng ta hiểu đạo.
ĐOẠN 7 : VÔ ĐẮC VÔ THUYẾT [Mục lục]
Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai đắc
A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề da? Như Lai hữu sở thuyết pháp da? Tu-bồ-đề
ngôn: Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, vô hữu định pháp, danh A-nậu-đa-la
tam-miệu tam-bồ-đề, diệc vô hữu định pháp Như Lai khả thuyết. Hà dĩ
cố? Như Lai sở thuyết pháp, giai bất khả thủ, bất khả thuyết, phi
pháp, phi phi pháp. Sở dĩ giả hà? Nhất thiết Hiền Thánh giai dĩ vô vi
pháp nhi hữu sai biệt.
DỊCH: KHÔNG ĐƯỢC, KHÔNG NÓI
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao?
Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng? Như Lai có nói
pháp chăng? Tu-bồ-đề thưa: Như con hiểu qua nghĩa Phật nói, không có
pháp nhất định tên là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có
pháp nhất định Như Lai có thể nói. Vì cớ sao? Vì pháp Như Lai nói đều
không thể chấp, không thể nói, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp.
Vì cớ sao? Vì tất cả bậc Hiền Thánh đều do pháp vô vi mà có sai biệt.
GIẢNG:
Chắc hẳn quí vị đều thắc mắc
tự hỏi tại sao Phật nói kinh mình học mà nói không nói, còn tu là cốt
được đắc quả mà ở đây Phật nói không đắc là tu làm sao? Trong đoạn
trước, quí vị nhớ đức Phật phá pháp và phi pháp. Phải và quấy đã
phá rồi, đến đây cái chúng ta quí kính nhất là pháp Vô thượng Chánh
đẳng Chánh giác, tức pháp chứng quả thành Phật, pháp đó có thật hay
không? Phải và quấy không thật chúng ta đồng ý rồi, còn pháp Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác mà Phật chứng có thật hay không? Nhiều khi những
cái tầm thường thì thấy giả, nhưng đến cái cao quí hơn thì thấy thật.
Thí dụ như chì, kẽm… chúng ta nói là giả, đến vàng lại thấy là thật.
Nhưng nếu thấy vàng là thật thì cũng còn thấy thật, vì một cái thật
thì những cái khác cũng thật luôn, cho nên pháp và phi pháp là giả rồi
nhưng đến pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nếu chúng ta thấy thật
thì cũng là bệnh. Vì thế đức Phật mới hỏi: Vậy Như Lai có được Vô
thượng Chánh đẳng Chánh giác hay không? Và Như Lai có nói pháp hay không?
Đó là hai câu hỏi Phật đặt ra để ngài Tu-bồ-đề trả lời. Ngài Tu-bồ-đề
thưa: "Như chỗ hiểu của con qua nghĩa Phật nói", đây là ngài
Tu-bồ-đề dè dặt, những gì Ngài biết thì nói biết, những gì học được
nơi Phật thì nói con học của Phật. Thế nên Ngài thưa: Con biết theo
nghĩa của Phật nói, chớ không phải con biết theo ý riêng của con, không
có pháp nhất định tên Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có
pháp nhất định Như Lai nói. Ngài trả lời dứt khoát như vậy. Tiếp
theo Ngài mới giải thích lý do. Vì cớ sao? Như Lai nói pháp đều không thể
chấp, không thể nói, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp. Vì cớ sao? Vì
tất cả bậc Hiền Thánh đều do pháp vô vi mà có sai biệt. Câu này thật
là khó! Quí vị thấy khi chúng ta chấp pháp thấp thì đức Phật phá pháp
thấp không thật, đến khi pháp thấp phá rồi, chúng ta lại chấp pháp cao
nên ở đây đức Phật phá luôn cả pháp cao. Thường ai tu cũng mong chứng
quả thành Phật. Thành Phật rồi mới nói pháp, cũng như Phật chứng quả
rồi Ngài nói pháp vậy. Như thế Ngài có chứng đắc và có nói pháp hay
không?
Trong đoạn trước Phật đã dạy:
Phàm có tướng đều là hư vọng, và nếu còn thấy có pháp thật là cũng
còn chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Vậy pháp Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác tức là pháp thành Phật có thật không? Nếu thấy pháp đó thật
thì cũng còn tướng ngã, tướng nhân… Tại sao? Vì nói thành Phật thì hỏi
ai thành? Ta thành phải không? Thấy có pháp thành Phật thật thì phải có
người thành Phật, đó là còn ngã, còn ngã thì còn nhân, còn chúng sanh,
thọ giả. Nếu thế Phật là phàm phu mất rồi! Cho là Phật có nói pháp
thật cũng không được, vì phàm những gì nói ra đều là tướng hư giả.
Như vậy Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác hay nói gọn là Phật, là đối với chúng sanh. Chúng sanh là mê nên Phật
là giác, giác đối với mê, hết mê rồi còn nói giác làm gì. Giác là đối
đãi với mê, mê không thật thì giác cũng không thật; và nếu mê giác đều
không thật thì có thành Phật hay không? Nếu không còn thấy có mê thật,
giác thật thì tâm không còn chấp hai bên mà tâm không chấp hai bên, đó
là như như, đó là Phật pháp thân hiện, không thấy được thành Phật
mà đã thành Phật. Hiện giờ chúng ta mơ ước thành Phật mà không thành
Phật được, vì mơ ước là vọng tưởng, mà vọng tưởng còn thì Phật
pháp thân đâu có hiện, thế nên cầu mà không được. Trái lại, không thấy
có pháp để cầu thành Phật, nên tâm thể lặng lẽ không còn hai bên mê
giác đối đãi, do đó tâm hoàn toàn thanh tịnh, tâm thể thanh tịnh tức
là pháp thân Phật, là Như Lai. Không được mà được, đó là điều không
thể nói cho thế gian hiểu, vì thế gian nói hoặc là được, hoặc là
không, chớ không bao giờ nói không được mà được. Nhưng ở đây không
đắc mà đắc, không chứng mà chứng, đó mới là khó khăn, bởi vì nếu
thấy chứng đắc là còn có ngã tức là có pháp. Nếu phá được ngã
pháp rồi thì đâu còn nói chứng nói đắc, mà không chứng đắc thì đó
là Phật. Nhưng hễ nói Phật tức là có chứng có đắc rồi. Vì vậy Phật
pháp vượt ngôn ngữ của thế gian. Ngôn ngữ thế gian luôn rơi vào hai
bên hoặc được, hoặc mất, hoặc có, hoặc không. Ở đây phá hết những
chấp ngã và pháp, khi ngã và pháp hết rồi thì đó là Phật. Nếu còn thấy
có pháp để đắc là còn pháp, còn thấy mình chứng là còn ngã thì đâu
phải là Phật, ngã pháp còn làm sao gọi là Phật được. Dẹp hết ngã
pháp đó là Phật mà không có chứng, có đắc, đó mới thật là lạ. Cho
nên không chứng mà chứng, không đắc mà đắc, chớ không phải một bề
nói không đắc là không đắc. Như trong kinh Bát-nhã quí vị đọc "vô
đắc v.v…" đừng nói như vậy là không ngơ; có nhiều người nói
Bát-nhã nói cái gì cũng không, tất cả đều không. Không phải thế, khi
không còn những chấp ngã pháp thì pháp thân mới hiện tiền. Cũng như tôi
đã nói không dính vào tất cả thì tâm mới an trụ, an trụ đó mới là
an trụ thật. Ở đây cũng vậy, nếu tâm niệm còn dính còn chấp thì tâm
niệm đó là tâm niệm cuồng loạn, là tướng sanh diệt. Không còn dính chấp
vào cái hư giả đó mới là vô sanh, mới là chân thật, cho nên thật tướng
là vô tướng, cái chỗ không tướng là tướng chân thật. Thật rất lạ,
vì vậy người học Phật nếu không tu thì không bao giờ hiểu nổi, mình
có tu rồi khi hết vọng tưởng thì thấy cái chân thật hiện tiền, còn nếu
không tu thì nghe rất lạ, ngôn từ quá khó hiểu. Thế nên ngài Tu-bồ-đề
mới nói rằng: Không có pháp cố định tên A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề,
cũng không có pháp cố định để Phật nói. Vì cớ sao? Vì Như Lai nói
pháp đều không nên chấp, cả pháp và phi pháp cũng đều không chấp, vì
không chấp nên nói tất cả Hiền Thánh đều do pháp vô vi mà có sai biệt.
Thế nào là Hiền Thánh? Thí dụ như
trong tứ quả Thanh văn: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán thì ba quả
vị đầu còn ở bậc Hiền. Tại sao? Vì ba quả vị này còn ở trong vòng
sanh. Tu-đà-hoàn còn bảy phen sanh, Tư-đà-hàm còn một phen sanh, A-na-hàm
thì sanh trong cõi trời. Đến A-la-hán mới hoàn toàn vô sanh, mới là vô lậu
hoàn toàn nên gọi là Thánh. Đối với hàng Bồ-tát thì từ Thập tín, Thập
trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng là bậc Hiền, từ Sơ địa trở lên
đến Thập địa mới gọi là Thánh. Như vậy các bậc Hiền Thánh sai biệt
nhau tại điểm nào? Chính tại pháp vô vi, tức là do cái pháp thân bất
sanh bất diệt đó. Người sống được với nó viên mãn là Thánh, người
sống được một phần nhỏ là Hiền bậc thấp, người sống được một
phần lớn hơn, là bậc Hiền cao hơn. Như thế chúng ta thấy do pháp vô vi,
bất sanh bất diệt mà có chư Hiền Thánh sai biệt, chớ không phải căn cứ
trên quyền lực gì ở bên ngoài. Cũng như hiện giờ quí vị tu, có người
mới tu ngồi trong một giờ đồng hồ, có thể có một trăm lần vọng tưởng,
có người tu khá hơn, ngồi trong một giờ chỉ còn tám mươi lần vọng
tưởng, đối với phàm phu người đó khá hơn, nếu người nào ngồi trong
một giờ mà chỉ có hai mươi lần vọng tưởng thì đó là khá lắm. Đến
khi trong một giờ mà không có một vọng tưởng nào, đó là đã bước vào
địa vị Hiền rồi. Song suốt một ngày một đêm đến hai mươi bốn giờ
mà chỉ được một giờ không vọng tưởng, đó mới được một phần nhỏ
xíu trong thời gian một ngày một đêm; nếu chúng ta thêm hai giờ rồi đến
bốn giờ không vọng tưởng… thì chỗ không vọng tưởng đó là pháp vô
vi bất sanh bất diệt. Nếu chúng ta được một ngày không vọng tưởng, sánh
với người được mười ngày không vọng tưởng thì người được mười
ngày đó tiến bộ hơn mình, mình được một năm không vọng tưởng mà người
được mười năm không vọng tưởng thì người đó cao hơn mình. Vì vậy
khi nói cao thấp là căn cứ trên pháp vô vi mình sống được trọn vẹn
hay được từng phần.
Thập tín là mới tin được mình
có cái bất sanh bất diệt thôi, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng
là mới được lóe thấy, đến Thập địa mới được từng phần rõ
ràng. Thế nên nói sai biệt nhau là căn cứ trên pháp vô vi, chớ không phải
căn cứ trên cái gì bên ngoài, không phải vị Thầy thọ ký cho người này
chứng cái gì, người kia chứng cái gì v.v… Mà chính trên pháp vô vi bất
sanh bất diệt, ai sống được với cái đó nhiều là cao, ai sống được
với cái đó ít là thấp. Còn chưa sống được với cái đó là phàm phu.
Hiểu như vậy, chúng ta thấy người tu sở dĩ khác hơn người thế gian là
ở chỗ đó. Quí vị thử kiểm lại nếu mình biết tu chút ít thì có
khác hơn người thế gian không? Người thế gian cứ tha hồ nghĩ, cả đến
khi ngủ, nằm xuống cũng chưa chịu ngủ, vẫn nghĩ hết chuyện này đến
việc kia, chừng nào ngủ quên mới thôi. Còn chúng ta vừa khởi nghĩ là đã
rầy nó rồi. Đấy là chỗ khác nhau. Mình rầy lần lần nó cũng giảm bớt,
đến bao giờ mình vừa nhìn nó liền mất như trâu thuần thục, rồi từ
từ cho đến hết nghĩ, lúc đó mình mới sống với cái chân thật. Sự thật
cái nghĩ không phải là mình. Khi không nghĩ mình vẫn hiện tiền chớ
không có mất, nếu cái nghĩ là mình thì hết nghĩ mình mất phải không?
Không phải, hết nghĩ mình vẫn hiện tiền, mình vẫn sờ sờ, tai vẫn
nghe, mắt vẫn thấy. Thế nên khi nào hết nghĩ thì lúc đó pháp vô vi hiện
tiền. Pháp vô vi còn gọi là pháp thân hay là chân tâm. Sở dĩ chúng ta sai
biệt nhau trên phương diện tu hành là sai biệt ở điểm đó, chớ đừng
tính năm tu, như tôi tu mười năm, người kia tu bảy năm, vậy người đó
thua tôi ba năm hay là người khác mới tu hai năm, thua tôi đến tám năm v.v…
Ngay nơi pháp vô vi đó, chúng ta được sâu hoặc được cạn mới là khác
nhau.
ĐOẠN 8 : Y PHÁP XUẤT SANH [Mục lục]
- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Nhược
nhân mãn tam thiên đại thiên thế giới thất bảo, dĩ dụng bố thí, thị
nhân sở đắc phước đức, ninh vi đa phủ?
Tu-bồ-đề ngôn: Thậm đa, Thế Tôn!
Hà dĩ cố? Thị phước đức tức phi phước đức tánh, thị cố Như Lai
thuyết phước đức đa.
- Nhược phục hữu nhân ư thử
kinh trung thọ trì nãi chí tứ cú kệ đẳng, vị tha nhân thuyết, kỳ phướùc
thắng bỉ. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề, nhất thiết chư Phật cập chư Phật
A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề pháp, giai tùng thử kinh xuất. Tu-bồ-đề,
sở vị Phật pháp giả tức phi Phật pháp.
DỊCH: Y NƠI CHÁNH PHÁP MÀ SANH
RA TẤT CẢ QUẢ VỊ.
- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ
sao? Nếu có người dùng bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới
để bố thí, người ấy được phước đức thật nhiều chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn rất
nhiều! Vì cớ sao? Vì phước đức ấy tức chẳng phải là tánh phước đức,
thế nên Như Lai nói phước đức nhiều.
- Nếu lại có người ở trong kinh
này, thọ trì cho đến bốn câu kệ v.v… vì người khác giảng nói thì phước
đức này còn hơn phước đức của người kia. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề,
tất cả chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật
đều từ nơi kinh này ra. Này Tu-bồ-đề, nói là Phật pháp đó tức chẳng
phải Phật pháp.
GIẢNG:
Quí vị nghe giải nghĩa đoạn này
có dễ hiểu không? Đức Phật nói rằng: Giả sử có người đem bảy báu
(vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não) đầy dẫy cả tam thiên
đại thiên thế giới ra bố thí. Tam thiên đại thiên thế giới quá rộng
đối với chúng ta, giả sử đem bảy báu đầy dẫy cả thế giới của chúng
ta ra bố thí thì quí vị nghĩ phước nhiều ít? Thật tình là phước rất
nhiều. Cho nên ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn phước rất nhiều.
Nhưng khi nói phước rất nhiều ngài Tu-bồ-đề sợ chúng ta hiểu lầm
Ngài thấy phước đức là một việc có thật cho nên Ngài nói: Phước
đức ấy không phải tánh phước đức thế nên nói là phước đức nhiều.
Bởi vì theo tinh thần kinh Kim Cang lúc nào đức Phật cũng chỉ cho chúng ta
thấy rằng tất cả pháp ở thế gian, từ những hình tướng đến tâm tưởng
danh ngôn đều là pháp nhân duyên, mà đã là nhân duyên hòa hợp thì không
có tự tánh, tức là chúng không có cái tánh thật. Quí vị nhớ phàm những
gì do nhân duyên hòa hợp thì tự bản tánh nó không có thật, nếu có thật
thì đâu do duyên hòa hợp. Đã là hòa hợp thì ngay bản tánh nó không thật,
phải do cái này cái kia hợp lại thành, nếu có cái thật thì không đợi
duyên hợp. Thế nên ngài Tu-bồ-đề sợ chúng ta hiểu lầm là phước đức
có tự tánh thật nên Ngài nói tiếp: Phước đức ấy tức không phải
tánh phước đức nên nói phước đức nhiều. Nó không có tánh cố định
vì vậy mà nói nhiều. Nói nhiều là một lối nói tùy theo tâm niệm, tùy
theo sở chấp của chúng sanh, chớ không phải nó có tánh thật. Đức Phật
đưa thí dụ trước, tiếp theo Ngài mới so sánh với pháp. Nếu có người
đem bảy báu, chúng ta chỉ nói một thứ báu tầm thường là vàng thôi, giả
sử có người đem vàng đầy chùa này ra bố thí, quí vị nghĩ phước đức
nhiều ít? Mấy mươi kiếp mình làm chưa đủ vàng chứa đầy chùa này, nếu
đem bao nhiêu đó ra bố thí thì phước cũng quá nhiều rồi, huống nữa
là đầy dẫy cả quả địa cầu. Song thử hỏi chừng bao nhiêu kiếp
chúng ta làm được số vàng đầy dẫy cả quả địa cầu? Một đời mình,
nếu may mắn làm đâu được đó thì cũng chỉ có thể làm được chừng
vài trăm lượng, tức khoảng chừng một giỏ xách. Làm đâu được đó
trong một đời mà chỉ được chừng một giỏ xách thì bao nhiêu đời mới
được một làng, rồi bao nhiêu đời mới đầy cả một nước, bao nhiêu
đời mới đầy được cả thế giới? Nếu tính số vàng đầy cả tam thiên
đại thiên thế giới thì ít ra phải cả triệu triệu kiếp mới có thể
có được. Cả triệu triệu kiếp khổ công nhọc nhằn mà gom lại đem bố
thí hết thì chúng ta tưởng tượng phước đức nhiều ít? Không thể
tính nổi. Bấy giờ đức Phật mới so sánh: Nếu có người ở trong kinh này
thọ trì cho đến bốn câu kệ v.v…, vì người khác nói thì phước của
người thọ trì bốn câu kệ này còn hơn phước của người bố thí bảy
báu kia. Quí vị tin nổi không? Đó là điều thật hy hữu, thật khó tin
mà tin được là chuyện phi thường. Vậy mà tôi tin, chuyện khó tin mà tin
được mới là lạ. Như tôi thường ví dụ mỗi sáng chúng ta thấy những
hạt sương đọng ở đuôi những lá cây, khi mặt trời lên những hạt sương
đó lóng lánh giống như những hạt kim cương, những hạt kim cương đem ra
ngoài ánh nắng cũng lóng lánh như thế. Nhưng có người được hạt kim
cương chừng bằng ngón tay cái, có người nói: À hạt kim cương của chị
lóng lánh như những hạt sương trên lá cây, chúng tôi xin đổi hạt kim
cương này bằng một triệu hạt sương lóng lánh đó. Thử hỏi quí vị chịu
không? Không chịu. Mười triệu hạt sương, một tỷ triệu hạt sương
được không? Vẫn không đồng ý. Khắp cả thế giới có bao nhiêu hạt sương
tôi hốt hết đem đổi hạt kim cương, quí vị đồng ý không? Dĩ nhiên
là không. Tại sao? Bởi kim cương là thật, hạt sương là giả, bởi giả
cho nên bao nhiêu cũng không đổi được cái thật.
Trên nhân gian này, khi người ta
quan niệm vàng là quí thì vàng là quí, nếu người ta cho rằng vàng không
quí thì vàng hết quí. Như vậy cái quí đó chỉ là do quan niệm của con
người, chớ không phải nó thật quí. Nó là cái giả tạm do con người đặt
ra.
Trì đây đừng hiểu là đọc. Thí
dụ như cứ đọc: Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến
chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai, đọc mãi như vậy có phải
là trì chưa? Đừng hiểu chữ trì theo nghĩa quá tầm thường đó. Trì là
thọ trì, thọ là nhận, trì là giữ. Chúng ta nhận hiểu được kinh Kim
Cang và sống được với nó gọi là trì; thọ trì là sống được với trí
tuệ Bát-nhã, mà trí tuệ Bát-nhã là cái chân thật muôn đời muôn kiếp
không bao giờ hoại. Song đối với đức Phật, Ngài thấy nó thật, còn đối
với chúng ta, vì chưa thấy nên khó hiểu, khó tin. Như vậy trí tuệ
Bát-nhã là cái thật, tất cả vàng bạc của báu thế gian là cái giả, vậy
phải đem bao nhiêu cái giả để chúng ta đồng ý đổi một cái thật? Cũng
như phải đem bao nhiêu hạt sương lóng lánh để chúng ta nhận đổi một
hạt kim cương? Chắc chắn không bao giờ chúng ta đồng ý. Cái giả dù nhiều
thế mấy cũng không bì được một cái thật. Cho nên khi nào chúng ta ngộ
được thể Kim Cang Bát-nhã, chúng ta mới thấy rằng tất cả thế gian
không cái gì bì được với nó cả. Vì thế đức Phật bảo: Dù đem bao
nhiêu của báu thế gian bố thí, công đức cũng không bằng trì bốn câu
Kim Cang. Thọ trì nghĩa là sống được với cái chân thật đó thì muôn
triệu cái giả cũng không bì kịp. Lại vì người khác nói, chỉ cho người
biết và sống được thì đó là phước đức không có gì bì kịp.
Kế đến, đức Phật bảo: Này
Tu-bồ-đề, tất cả chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác
của chư Phật đều từ kinh này mà ra. Câu này quí vị làm sao hiểu?
Như vậy sẽ có người hỏi: Phật nói kinh Kim Cang mà tại sao kinh Kim Cang
lại nói rằng chư Phật đều từ kinh này ra? Vậy kinh này sanh ra Phật hay
Phật sanh ra kinh này? Do đó có một nghi vấn là: Kinh có trước hay Phật có
trước? Nếu kinh này sanh ra chư Phật thì kinh có trước. Nhưng mà ai nói
kinh? Phật nói kinh là Phật có trước. Tại sao nói chư Phật và pháp Vô
thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật đều từ kinh này ra? Như thế
tức là kinh này có trước. Nếu chúng ta hiểu kinh này theo nghĩa văn tự
thì không bao giờ hiểu nổi. Có một vị hỏi một thiền sư: Pháp có trước
hay Phật có trước? Thiền sư trả lời: Nói thì Phật trước pháp sau,
nghe thì pháp trước Phật sau. Câu trả lời đó quí vị hiểu không? Nói
thì Phật trước pháp sau, tại sao? Bởi vì nói thì đức Phật ngộ đạo
rồi Ngài mới nói được kinh, tức là Phật trước pháp sau. Còn nghe thì
pháp trước Phật sau, quí vị là người chưa ngộ cho nên nghe kinh rồi mới
ngộ, sau mới thành Phật, vậy là pháp trước Phật sau.
Ở đây nói kinh này là mẹ tất cả
chư Phật và cả pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trí tuệ Kim Cang
Bát-nhã là trí tuệ bất sanh bất diệt. Trí tuệ đó ai cũng sẵn có, nếu
quên nó là chúng sanh, ngộ được nó thì thành Phật. Nhân ngộ trí tuệ
đó mà thành Phật thì chính trí tuệ đó sanh ra Phật, nhân trí tuệ đó
diễn đạt cho người ta hiểu, là pháp. Như vậy là từ trí tuệ đó sanh
ra pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thế nên nói "Kinh này"
không có nghĩa đơn giản là bao nhiêu chữ, bao nhiêu tờ mà là chỉ thẳng
trí tuệ Bát-nhã chân thật. Vì kinh này nói về trí tuệ Bát-nhã chân thật
nên trí tuệ đó tức là kinh này. Hiểu như thế mới gọi là hiểu. Trì bốn
câu kệ của kinh này là trì ngay tinh thần của kinh chớ không phải trì văn
tự của kinh. Có nhiều người nói kinh này phước lớn quá, nên ngày nào
cũng đọc bốn câu kệ rồi tự hào rằng tôi có phước đức vô lượng
vô biên, như vậy đúng chưa? Đó là chúng ta chấp tướng chớ chưa đúng
được tinh thần công đức. Thế nên ở đây nói kinh này để chỉ cho trí
tuệ Bát-nhã bất sanh bất diệt, là mẹ của chư Phật, là mẹ của tất
cả kinh.
Đức Phật lại bảo ngài Tu-bồ-đề:
Nói Phật pháp tức không phải Phật pháp. Vì chúng ta nghe nói Phật pháp rồi
chấp thật Phật pháp, nên Phật liền bác không phải Phật pháp. Tại sao?
Vừa có ngôn từ Phật pháp thì ngôn từ đó cũng là tướng duyên hợp. Thể
của danh từ Phật pháp là không thật, nhưng tùy theo chúng sanh mê, gọi đó
là Phật pháp để cảnh tỉnh họ. Bản chất của Phật pháp không thật
nên nói không phải Phật pháp, vì tùy chúng sanh nên gọi là Phật pháp.
Lời
đầu sách | Lược khảo | Phần 1-8 | 9-17 | 18-24 | 25-32