- Kinh Kim Cang Giảng
Giải
- HT. Thích Thanh Từ
ĐOẠN 9 : NHẤT TƯỚNG VÔ TƯỚNG.
[Mục lục]
- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Tu-đà-hoàn
năng tác thị niệm ngã đắc Tu-đà-hoàn quả phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Phất
dã Thế Tôn! Hà dĩ cố? Tu-đà-hoàn danh vi Nhập lưu nhi vô sở nhập, bất
nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thị danh Tu-đà-hoàn.
- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Tư-đà-hàm
năng tác thị niệm: Ngã đắc Tư-đà-hàm quả phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Phất
dã Thế Tôn! Hà dĩ cố? Tư-đà-hàm danh Nhất vãng lai nhi thật vô vãng
lai, thị danh Tư-đà-hàm.
- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? A-na-hàm
năng tác thị niệm: Ngã đắc A-na-hàm quả phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Phất
dã Thế Tôn! Hà dĩ cố? A-na-hàm danh vi Bất lai, nhi thật vô bất lai, thị
cố danh A-na-hàm.
- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? A-la-hán
năng tác thị niệm: Ngã đắc A-la-hán đạo phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Phất
dã Thế Tôn! Hà dĩ cố? Thật vô hữu pháp danh A-la-hán. Thế Tôn! Nhược
A-la-hán tác thị niệm: Ngã đắc A-la-hán đạo, tức vi trước ngã, nhân,
chúng sanh, thọ giả. Thế Tôn! Phật thuyết ngã đắc Vô tránh tam-muội,
nhân trung tối vi đệ nhất, thị đệ nhất ly dục A-la-hán. Thế Tôn! Ngã
bất tác thị niệm: Ngã thị ly dục A-la-hán. Thế Tôn! Ngã nhược tác thị
niệm: Ngã đắc A-la-hán đạo, Thế Tôn tắc bất thuyết Tu-bồ-đề thị
nhạo A-lan-na hạnh giả. Dĩ Tu-bồ-đề thật vô sở hành, nhi danh Tu-bồ-đề
thị nhạo A-lan-na hạnh.
DỊCH: MỘT TƯỚNG KHÔNG TƯỚNG.
- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ
sao? Tu-đà-hoàn hay khởi nghĩ thế này: Ta được quả Tu-đà-hoàn chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Tu-đà-hoàn gọi
là Nhập lưu mà không có chỗ nhập, chẳng nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc,
pháp, ấy gọi là Tu-đà-hoàn.
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Tư-đà-hàm
hay khởi nghĩ thế này: Ta được quả Tư-đà-hàm chăng? Tu-bồ-đề thưa:
Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Vì Tư-đà-hàm tên là Nhất vãng lai
mà thật không có vãng lai, ấy gọi là Tư-đà-hàm.
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? A-na-hàm
hay khởi nghĩ thế này: Ta được quả A-na-hàm chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch
Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? A-na-hàm tên là Bất lai mà thật không có
bất lai, thế nên tên A-na-hàm.
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? A-la-hán
hay khởi nghĩ thế này: Ta được đạo A-la-hán chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch
Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Thật không có pháp tên là A-la-hán. Bạch
Thế Tôn nếu A-la-hán khởi nghĩ thế này: Ta được đạo A-la-hán tức là
còn chấp ngã nhân chúng sanh thọ giả. Bạch Thế Tôn! Phật nói con được
Vô tránh tam-muội là bậc đệ nhất trong số người đó, là A-la-hán ly dục
đệ nhất. Bạch Thế Tôn! Con không khởi nghĩ con là ly dục A-la-hán. Bạch
Thế Tôn! Nếu con khởi nghĩ: Con được đạo A-la-hán, Thế Tôn ắt chẳng
nói Tu-bồ-đề là người ưa hạnh A-lan-na. Do Tu-bồ-đề thật không có sở
hành nên gọi là Tu-bồ-đề ưa hạnh A-lan-na.
GIẢNG:
Trước nói về bốn quả Thanh văn,
đó là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Người tu Phật, tu theo
Thanh văn thừa, chúng ta thường gọi là Tiểu thừa, thì chứng bốn quả,
quả thứ nhất là Tu-đà-hoàn, quả thứ hai là Tư-đà-hàm, quả thứ ba
là A-na-hàm, quả thứ tư là A-la-hán.
Quả thứ nhất là Tu-đà-hoàn,
Trung Hoa dịch ra hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là Thất lai. Thất là bảy, lai
là trở lại. Tu-đà-hoàn là những vị có chứng quả nhưng vẫn còn trở
lại trần gian bảy phen nữa mới chứng A-la-hán, mới không còn sanh tử.
Nghĩa thứ hai là Nhập lưu, nhập là vào, lưu là dòng, nghĩa là vào được
dòng Thánh. Người tu chứng quả Tu-đà-hoàn, tuy còn sanh tử song nhất định
không lui sụt, từ đó tiến vào dòng Thánh đến trọn vẹn thành A-la-hán.
Thế nên cố định là bảy phen trở lại rồi chứng A-la-hán, trong bảy
phen đó dầu ai làm gì cũng không lui sụt cho nên gọi là vào dòng Thánh.
Quả thứ hai là Tư-đà-hàm, Trung
Hoa dịch là Nhất lai. Nhất là một, lai là lại. Những vị này chỉ còn một
phen trở lại nhân gian rồi chứng quả A-la-hán nên gọi là Nhất lai.
Quả thứ ba là A-na-hàm, Trung Hoa dịch
là Bất lai. Bất là chẳng, lai là lại. Những vị chứng A-na-hàm chỉ còn
một phen sanh lên cõi Ngũ A-na-hàm Thiên, lên cõi trời đó rồi chứng
A-la-hán, nhập Niết-bàn chớ không trở lại trần gian nữa nên gọi là Bấât
lai.
Đến quả thứ tư là A-la-hán.
A-la-hán dịch nghĩa là Vô sanh. Vị này không còn sanh tử nữa, đó là
viên mãn trong bốn quả Thanh văn.
Đây là kinh Đại thừa, vậy tại
sao đức Phật lại lấy bốn quả Thanh văn để đối chiếu? Đó là ý
nói rằng dù cho trong bốn quả Thanh văn nhưng tinh thần Đại thừa vẫn hợp,
vẫn không khác. Tu-đà-hoàn không khởi nghĩ: Ta được quả Tu-đà-hoàn , nếu
khởi nghĩ có quả Tu-đà-hoàn thì không gọi là Tu-đà-hoàn nữa. Tại sao
Tu-đà-hoàn gọi là Nhập lưu mà thật không có sở nhập, tức là không
có chỗ nhập? Không chỗ nhập nghĩa là sao? Tức là không kẹt vào sắc,
thanh, hương, vị, xúc, pháp. Như Lục tổ không dính vào sáu trần nên
Ngài thấy được chỗ ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Ngài ngộ đạo
tức là ngài Nhập lưu rồi. Vì vậy nên Ngài thốt lên: À, mình có một
cái mà từ trước đến nay chưa từng thấy, đầy đủ, thanh tịnh, chưa từng
sanh diệt v.v… Đó là Nhập lưu mà thật không có chỗ nào để nhập, thấy
rõ không dính với sáu trần mà hiện có cái chân thật, đó gọi là Tu-đà-hoàn,
là bước vào dòng Thánh.
Đến quả Tư-đà-hàm, cũng gọi là
Nhất lai. Nhất lai mà thật không có vãng lai. Đến quả này là còn một
phen qua lại, nghĩa là còn sanh ra trên thế gian một lần nữa, như vậy tức
có đến, có đi, nhưng sự thật ở đây không có đến có đi mới gọi là
Tư-đà-hàm. Tại sao? Vì trên chỗ chân thật bất sanh bất diệt không có
đến có đi, còn thấy có đến có đi là chưa nhập được trong đó. Thế
nên nói rằng nếu còn thấy có đến có đi thì chưa phải là Tư-đà-hàm.
Thật không có đến, đi tức là an trụ, không còn qua lại nữa, đó mới
là Tư-đà-hàm.
A-na-hàm tức là Bất lai, những vị
này cũng không khởi nghĩ ta được quả A-na-hàm. Tại sao? A-na-hàm là chẳng
lại, song thật không có cái chẳng lại. Có đi mới nói có lại, mà Như
Lai là vô sở tùng lai diệc vô sở khứ cố danh Như Lai, nghĩa là Như
Lai không từ đâu đến cũng không đi đâu nên gọi là Như Lai. Ở đây tuy
nói bốn quả Thanh văn nhưng sự thật đều nhằm chỉ cái thể chân thật
Như Lai. Trên cái thể chân thật Như Lai đó, người nào còn khởi niệm chấp
thì không thể đạt được.Thế nên Tu-đà-hoàn do buông xả sáu trần mới
nhập được thể Như Lai đó, đến Tư-đà-hàm do an trụ được trong đó,
không vãng lai, đến đây đã an trụ rồi thì đâu còn qua lại, nếu còn
qua lại thì chưa phải an trụ; đến quả A-na-hàm nói là Bất lai mà sự
thật không phải Bất lai, ấy mới gọi là A-na-hàm.
Đến quả cuối cùng là A-la-hán.
A-la-hán có khởi nghĩ mình chứng A-la-hán không? Ngài Tu-bồ-đề nói
không. Vì cớ sao? Vì thật không có pháp tên A-la-hán… Tại sao? Trong kinh
thường nói đến A-la-hán mà ở đây nói không có pháp tên A-la-hán? Chúng
ta mượn việc thế gian để hiểu qua nghĩa Phật pháp. Như hiện giờ quí
vị mỗi người được mang một cái tên, song người biết tên quí vị là
thật biết quí vị chưa? Như có người tên là Bạch Mai nghĩa là mai trắng,
khi người khác nghe tên Bạch Mai thì có ấn tượng cô ấy chắc trắng lắm,
không ngờ người tên Bạch Mai lại đen. Vậy quí vị nghĩ thế nào? Tên
chưa hẳn thật là người phải không? Chẳng qua là giả danh do cha mẹ hoặc
Thầy Tổ đặt cho, thế nên nghe tên, biết tên chưa phải là biết người,
gặp người, thấy được người mới gọi là biết người. Tên chỉ là
giả danh bên ngoài, đâu phải là bản chất của người đó. Trong Phật
pháp cũng vậy, A-la-hán là chỉ cho cái bất sanh bất diệt, ngộ được cái
bất sanh bất diệt gọi là A-la-hán, hay sống được với cái bất sanh bất
diệt đó là A-la-hán. Như vậy, A-la-hán là một cái tên chỉ người sống
được với cái đó, tên chưa phải là bản chất bất sanh bất diệt, vì
vậy nói thật không có pháp tên A-la-hán. Tên A-la-hán chỉ là giả danh
còn cái bất sanh bất diệt đó không có tên. Vì thế ngài Tu-bồ-đề mới
nói: Bạch Thế Tôn, nếu A-la-hán khởi nghĩ ta được đạo A-la-hán tức
là chấâp ngã nhân chúng sanh thọ giả. Quí vị thấy câu này làm sáng
nghĩa trên vô cùng, bởi vì A-la-hán nếu khởi nghĩ ta được đạo A-la-hán
là còn có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Tại sao? Ta được đạo thì đạo
A-la-hán là cái bị được và ta là người hay được, như vậy tức nhiên
là có ngã, mà có ngã thì có nhân, có chúng sanh có thọ giả không nghi ngờ
gì nữa. Thế nên đến chỗ đó Phật không thấy mình là người hay được,
không thấy mình là người hay được mới là cái được chân thật. Đến
chỗ đó, nhập vào đó mà không có niệm, không niệm thì nói gì mình được.
Quí vị thử ngồi thiền, bao giờ
được yên tịnh chừng năm phút thôi, trong năm phút yên tịnh đó quí vị
thấy có cái ngã nào dấy lên không? Có nghĩ được không? Vừa dấy niệm
được là đã mất cái an tịnh vô sanh rồi. Vừa dấy niệm được là mất
liền, đó là chỗ không dấy niệm, nếu nói mình được là đã dấy niệm
tức mất quả A-la-hán. Chỗ đó thật là tế nhị. Vì vậy đến đây
ngài Tu-bồ-đề nói thêm: Bạch Thế Tôn, Phật nói con được Vô tránh
tam-muội, trong số người đó con là bậc nhất. Vô tránh tam-muội là cái
chánh định không còn tranh luận. Chúng ta hiện nay, ngồi lại thì luôn
luôn tranh luận, tranh luận với người này, người kia… Thí dụ như buổi
tối quí vị ngồi niệm Phật, hoặc tọa thiền, lúc đó quí vị có nói
chuyện với ai không? Ngồi xuống là chúng ta bắt đầu lý luận với người
này, tranh luận với người kia, sắp đặt việc nọ… Khi ngồi đó coi như
là ngồi thiền, thiền là định mà sự thật cứ tranh luận mãi. Khi nào
ngồi mà không còn tranh luận nữa gọi là "Vô tránh tam-muội", nghĩa
là được cái chánh định không còn tranh luận. Không còn tranh luận tức
là thanh tịnh lặng lẽ.
Ngài Tu-bồ-đề muốn chỉ rằng
A-la-hán không khởi nghĩ mình được đạo A-la-hán. Ngài lấy mình làm bằng
chứng. Ngài nói: Thế Tôn khen con ở trong số người tu về chánh định không
còn dấy động đó, con là bậc nhất. Nếu con khởi nghĩ con là người lìa
dục được A-la-hán, ắt Thế Tôn không nói con là người ưa hạnh
A-lan-na. A-lan-na cũng gọi là A-lan-nhã, tức là hạnh tịch tĩnh. Tịch là
yên, tĩnh là lặng, chỗ rất là yên lặng tức là chỗ không còn dấy động,
không còn sanh diệt. Tại sao? Vì vừa khởi nghĩ là đã động rồi, đã động
thì đâu còn ưa hạnh tịch tĩnh nữa. Ngài Tu-bồ-đề nói tiếp: Do Tu-bồ-đề
thật không có sở hành nên gọi là Tu-bồ-đề ưa hạnh A-lan-na. Không có
sở hành tức là không có chỗ dấy động, nên mới thật là người ưa hạnh
tịch tĩnh.
Như vậy rõ ràng trong đoạn này đức
Phật chỉ một tướng là không tướng. Một tướng tức là một tướng
chân thật vô sanh, nó không có tướng mạo. Vừa có tướng mạo hoặc là
thấy mình Nhập lưu cũng chưa phải là Tu-đà-hoàn, thấy mình Vãng lai cũng
chưa phải là Tư-đà-hàm, còn thấy mình Bất lai cũng chưa phải là
A-na-hàm, còn thấy mình được đạo A-la-hán cũng chưa phải là A-la-hán.
Như vậy chỗ chân thật đó không có tướng mạo, vừa dấy bất cứ một
niệm nào về tướng mạo đều là sai, chưa vào được chỗ đó, dù cho
A-la-hán là quả cứu kính của Thanh văn nhưng thật ra cũng phải đến chỗ
đó mới gọi là A-la-hán.
ĐOẠN 10 :TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ [Mục lục]
Phật cáo Tu-bồ-đề: Ư ý vân hà?
Như Lai tích tại Nhiên Đăng Phật sở ư pháp hữu sở đắc phủ?
- Phất dã Thế Tôn! Như Lai tại
Nhiên Đăng Phật sở, ư pháp thật vô sở đắc.
- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Bồ-tát
trang nghiêm Phật độ phủ?
- Phất dã Thế Tôn! Hà dĩ cố?
Trang nghiêm Phật độ giả, tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm.
- Thị cố Tu-bồ-đề, chư Bồ-tát
Ma-ha tát ưng như thị sanh thanh tịnh tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất
ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ
tâm. Tu-bồ-đề, thí như hữu nhân, thân như Tu-di sơn vương, ư ý vân hà?
Thị thân vi đại phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Thậm đại, Thế Tôn! Hà dĩ cố?
Phật thuyết phi thân, thị danh đại thân.
DỊCH: TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ.
Phật hỏi Tu-bồ-đề: YÙ ông
nghĩ sao? Như Lai thuở xưa ở chỗ đức Phật Nhiên Đăng, đối với pháp,
có sở đắc chăng?
- Bạch Thế Tôn, không vậy! Như
Lai ở nơi đức Phật Nhiên Đăng, đối với pháp, thật không có sở đắc.
- Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Bồ-tát
trang nghiêm cõi Phật chăng?
- Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ
sao? Trang nghiêm cõi Phật tức không phải trang nghiêm, ấy gọi là trang
nghiêm.
- Thế nên Tu-bồ-đề, các Bồ-tát
lớn nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ nơi sắc sanh tâm,
không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ
mà sanh tâm kia. Tu-bồ-đề, ví như có người thân to như núi Chúa Tu-di
(Sumeru), ý ông nghĩ sao? Thân ấy là lớn chăng? Tu-bồ-đề thưa: Rất lớn,
bạch Thế Tôn! Vì cớ sao? Phật nói chẳng phải thân, ấy gọi là thân lớn.
GIẢNG:
Trong đoạn này trước tiên đức
Phật hỏi ngài Tu-bồ-đề: Thuở xưa, ở chỗ đức Phật Nhiên Đăng, đức
Phật có pháp để được chăng? Nếu chúng ta đọc tiền thân Phật thì thấy
trong đó Phật kể thuở xưa khi Ngài còn tu Bồ-tát hạnh nơi đức Phật
Nhiên Đăng (Dipamkara-buddha), do Ngài cúng dường, bố thí nên được đức
Phật Nhiên Đăng thọ ký sau sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni
(Sàkyamuni). Như vậy ở nơi đức Phật Nhiên Đăng, đức Phật Thích-ca đã
được thọ ký thành Phật. Nhưng ngài Tu-bồ-đề thưa: Không, ở chỗ đức
Phật Nhiên Đăng, đức Phật thật không có pháp để được. Quí vị thấy
như là phủ nhận việc đức Phật đã nói trước kia, phải không? Nhưng
không phải. Như đoạn trước nói nếu A-la-hán thấy được đạo A-la-hán
là còn tướng ngã, tướng nhân v.v… Như vậy nếu Phật còn thấy có
pháp để được thì cũng còn tướng ngã, tướng nhân… mà còn tướng ngã,
tướng nhân thì làm sao được thọ ký thành Phật? Thế nên ngài Tu-bồ-đề
xác định rằng đức Phật ở chỗ Phật Nhiên Đăng thật không có pháp
để được.
Tiếp theo đức Phật hỏi ngài Tu-bồ-đề:
YÙ ông nghĩ sao, Bồ-tát có trang nghiêm cõi Phật không? Ngài Tu-bồ-đề
thưa: Không. Vì cớ sao? Trang nghiêm cõi Phật, tức không phải trang
nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm. Tại sao không phải trang nghiêm ấy gọi
là trang nghiêm? Thường trong các kinh Đại thừa hay nói rằng: Người tu Bồ-tát
hạnh nên trang nghiêm cõi Phật hay là trang nghiêm Tịnh độ. Muốn trang
nghiêm Tịnh độ thì cõi đó ở đâu và chúng ta làm sao trang nghiêm? Về
công hạnh đó, trong kinh nói: Mỗi đức Phật đều có hạnh nguyện. Ví dụ
đức Phật Di-đà (Amita) có hạnh nguyện Di-đà, đức Phật Thích-ca có hạnh
nguyện Thích-ca, hạnh nguyện đó gọi là để trang nghiêm cõi Phật. Vị
nào nguyện làm hạnh nhẫn nhục viên mãn thì khi tu hạnh nhẫn nhục trong
thế gian này là tạo nhân trang nghiêm cõi Phật của vị ấy, hoặc tu hạnh
bố thí ở cõi này, cũng là nhân trang nghiêm cõi Phật của vị ấy về
sau. Thế nên những hạnh đó được viên mãn thì cõi Phật trang nghiêm đẹp
đẽ phi thường. Chúng ta tu cái nhân ở đây tốt đẹp bao nhiêu thì cõi
Phật của mình cũng sang cả tốt đẹp bấy nhiêu. Vậy ngay hiện tại
chúng ta hành những hạnh hợp đạo lý, đó là chúng ta trang nghiêm cõi Phật.
Chúng ta thử lấy ví dụ trong thế gian: Như có người dự trù năm năm nữa
sẽ cất một cái nhà đẹp. Khi họ dự định như thế thì từ đó về
sau họ phải tích lũy tiền, dự trữ sắt, đá v.v… Họ chuẩn bị những
vật liệu tốt đầy đủ cho đến ngày xây nhà, đến lúc ấy họ mới thực
hiện được một cái nhà đẹp. Như vậy khi chúng ta chuẩn bị những vật
liệu hoặc tiền bạc tức là chúng ta trang nghiêm cho cái nhà mai sau phải
không? Trái lại nếu hiện tại chúng ta không dự trữ cái gì hết, đến
khi muốn cất nhà đẹp thì có cất được không?
Trong Phật pháp cũng vậy, khi chư
Phật thành Phật rồi, cõi nước các Ngài đầy đủ công đức vô lượng
vô biên là vì khi tu Bồ-tát hạnh các Ngài đã hành những công hạnh, những
phước đức để trang nghiêm cõi nước của các Ngài mai sau, đến khi thành
Phật thì tất cả đều viên mãn. Như quí vị đọc kinh Di-đà thấy trong
kinh diễn tả nơi cõi Cực lạc, cái gì cũng sung mãn, cái gì cũng tốt đẹp,
đó là do khi tu hạnh Bồ-tát, đức Di-đà đã nguyện như thế; cho nên mỗi
công hạnh của Ngài đều hướng về cõi nước của Ngài sau này, đếân
khi viên mãn công hạnh thì được cõi nước trang nghiêm. Đức Phật muốn
khi thành Phật được cõi nước trang nghiêm thì hiện tại Ngài cũng tập
những công hạnh như thế. Vậy Bồ-tát có trang nghiêm cõi Phật không? Những
công hạnh lục độ là trang nghiêm chớ gì? Song ở đây ngài Tu-bồ-đề
thưa: Bạch Thế Tôn không, vì cớ sao? Trang nghiêm cõi Phật tức không phải
trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm. Bởi vì tất cả công hạnh của mình
đều là tướng hữu vi, mà tướng hữu vi là tướng duyên hợp; đã là tướng
duyên hợp thì đâu phải là cố định, là chân thật nên không phải là
trang nghiêm, nhưng theo thế tục gọi đó là trang nghiêm. Trên bản chất
không phải là trang nghiêm vì là tướng duyên hợp, nhưng trên giả danh đó
là trang nghiêm. Nếu thấy có trang nghiêm tức là chấp hành động đó thật,
tức phi trí tuệ Bát-nhã. Không có trí tuệ Bát-nhã sao được gọi là Bồ-tát?
Vì vậy chúng ta phải thấy rõ thâm ý của từng lời kinh, nói trang nghiêm
tức không phải trang nghiêm, nếu chúng ta thấy thật có trang nghiêm thì
cõi Phật của mình là cõi giả dối rồi!
Tiếp đến đức Phật liền nhắc
lại một ý, tôi gọi là điệp khúc, tức là nhắc lại ý khi Ngài giảng
về nghĩa an trụ tâm ở đoạn trước: An trụ tâm là không nên trụ sắc,
thanh, hương, vị, xúc, pháp. Đức Phật bảo: Các Bồ-tát lớn nên như thế
mà sanh tâm thanh tịnh. Như thế là sao? Chẳng nên trụ nơi sắc, chẳng
nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không chỗ trụ mà sanh
tâm kia, tức là đừng kẹt vào sáu trần, đó mới thật là trang
nghiêm cõi Phật, mới thật là cứu kính của hàng Bồ-tát. Nếu vừa khởi
niệm mình làm việc này là trang nghiêm cõi Phật, mình làm việc kia để dành
mai sau chẳng hạn thì còn trụ vào sắc, thanh, hương v.v…, tức là chưa
phải trang nghiêm cõi Phật, chưa phải là Bồ-tát. Thế nên câu không nên
kẹt nơi sắc, không kẹt nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp, nên không chỗ kẹt
mà sanh tâm kia, tức là không có chỗ trụ mới đúng là cái tâm thanh tịnh
chân thật, bất sanh bất diệt.
Phật dạy tiếp: Này Tu-bồ-đề,
như có người thân như núi chúa Tu-di, thân ấy lớn chăng? Quí vị thấy
chỉ cần nói về kích thước của một cây cột hay là của một vật gì
tương đối hơi lớn như cái nhà chẳng hạn thì thân mình có bằng một
cây cột không? Chưa bằng. Thân mình có bằng cái nhà không? Cũng không bằng.
Thường trong kinh nói núi Tu-di là ngọn núi lớn nhất có bốn châu thiên hạ
ở chung quanh như Nam Thiệm bộ châu (Jambudvipa) - chỗ chúng ta ở - Bắc
Câu Lô châu (Uttara-kuru) v.v… Vậy núi Tu-di khoảng bao lớn? Có người thân
lớn bằng núi chúa Tu-di chớ không phải núi Tu-di thường. Giả sử có người
thân bằng Núi Lớn Vũng Tàu này thì quí vị tưởng tượng người đó như
thế nào? Họ nặng nề, họ đi tới đâu thì chết thiên hạ tới đó,
không có đường sá nào họ đi được phải không? Nếu bằng núi chúa Tu
di thì quá sức to không thể tưởng tượng. Khi Phật hỏi: YÙ ông nghĩ
sao, thân đó lớn chăng, ngài Tu-bồ-đề liền thưa: Bạch Thế Tôn rất lớn.
Khi nói rất lớn rồi Ngài liền chuyển trở lại: Phật nói không phải
thân, ấy mới gọi là thân lớn. Tại sao? Bởi vì nói thân lớn thì e
chúng ta tưởng lầm tướng lớn tướng nhỏ là thật, thế nên Ngài liền
nói "Không phải thân, ấy gọi là thân lớn". Không phải thân nghĩa
là thân đó là tướng duyên hợp không thật, do nhiều duyên, nhiều yếu tố
hợp thành thì nói là lớn, chớ sự thật nó không thật có, nếu chúng ta
thấy có thân thật thì nó không phải lớn. Điều đó để cho chúng ta thấy
rằng tất cả những tướng ở thế gian dù tướng thân to lớn cũng là tướng
duyên hợp hư giả, mà đã là duyên hợp thì không phải thật lớn, chẳng
qua nói lớn nói nhỏ là tùy theo giả danh mà nói thôi.
ĐOẠN 11 : VÔ VI PHƯỚC THẮNG [Mục lục]
Tu-bồ-đề, như Hằng hà trung sở
hữu sa số, như thị sa đẳng Hằng hà. Ư ý vân hà? Thị chư Hằng hà sa,
ninh vi đa phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Thậm đa, Thế Tôn! Đản chư Hằng hà, thượng
đa vô số, hà huống kỳ sa.
- Tu-bồ-đề, ngã kim thật ngôn
cáo nhữ, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, dĩ thất bảo mãn nhĩ
sở Hằng hà sa số tam thiên đại thiên thế giới, dĩ dụng bố thí, đắc
phước đa phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Thậm đa, Thế Tôn! Phật cáo Tu-bồ-đề:
Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân ư thử kinh trung, nãi chí thọ trì tứ
cú kệ đẳng, vị tha nhân thuyết, nhi thử phước đức thắng tiền phước
đức.
DỊCH: PHƯỚC VÔ VI LÀ HƠN HẾT.
Này Tu-bồ-đề, như trong sông Hằng
có bao nhiêu số cát, số sông Hằng bằng số cát như thế, ý ông nghĩ
sao? Số cát của các sông Hằng ấy thật là nhiều chăng? Tu-bồ-đề
thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Chỉ các sông Hằng còn nhiều vô số, huống
là số cát kia.
- Này Tu-bồ-đề, nay ta bảo thật
với ông, nếu có người thiện nam, thiện nữ đem bảy báu đầy dẫy tam
thiên đại thiên thế giới bằng số cát những sông Hằng kia ra bố thí
thì được phước nhiều chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, rất
nhiều!
Phật bảo Tu-bồ-đề: Nếu người
thiện nam thiện nữ, đối trong kinh này cho đến thọ trì bốn câu kệ v.v…
vì người khác giảng nói, phước đức này nhiều hơn phước đức trước.
GIẢNG:
Đây tôi giản trạch cho quí vị dễ
hiểu: Sông Hằng số một có bao nhiêu cát, mỗi một hột cát đó là một
sông Hằng thứ hai. Trong đợt thứ hai là bao nhiêu sông Hằng? Nào ai biết
trong sông Hằng có bao nhiêu cát, mà có bao nhiêu cát là có bấy nhiêu sông
Hằng, vậy biết bao nhiêu sông Hằng mà kể! Mỗi sông Hằng thứ hai đó
có bao nhiêu cát, quí vị tính thử xem có bao nhiêu? Chỉ nói số sông Hằng
thứ hai là không thể tính rồi, huống là cát của những sông Hằng thứ
hai thì không làm sao tưởng tượng nổi. Mỗi một hột cát là một tam
thiên đại thiên thế giới và trong tam thiên đại thiên thế giới chứa
đầy cả bảy báu. Quí vị tưởng tượng bảy báu đầy khoảng bao nhiêu?
Quá sức tưởng tượng của chúng ta, không còn con số nào tính nổi!
Đức Phật hỏi ngài Tu-bồ-đề: Nếu
có người đem bảy báu đầy dẫy cả tam thiên đại thiên thế giới bằng
số cát của những sông Hằng thứ hai ra bố thí thì phước nhiều chăng?
Phước đó chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi. Như thế mà Phật bảo
phước đức đó không bằng phước đức của người trì bốn câu kinh Kim
Cang v.v… vì người nói. Chữ vân vân đó có thể hoặc là ba câu, hoặc
là hai câu. Như vậy phước đức của người này là bao nhiêu? Đó là chỗ
mà ai tụng kinh Kim Cang cũng không thể tin nổi. Đây chúng tôi nói một lẽ
thật. Tôi dẫn thí dụ này, trích trong kinh, là quí vị thấy rõ nhất.
Ngày xưa có một nhà vua sanh được
một cô công chúa. Công chúa độ mười một, mười hai tuổi, vì con một
nên nhà Vua và Hoàng hậu cưng chiều quá mực. Một buổi sáng mùa hạ, trời
mưa, công chúa thức dậy nhìn mưa từng hạt rơi xuống, ánh nắng xuyên
qua, hạt mưa lóng lánh. Công chúa thích quá muốn được một xâu chuỗi hạt
nước mưa, song vì con cưng nên nàng nằm im trên giường không thèm nói năng.
Hoàng hậu gạn hỏi mãi nàng cũng không trả lời. Nhà Vua được tin, tưởng
công chúa đau, vội đến thăm, dỗ dành mãi, sau cùng nàng mới nói: Con
thích được một xâu chuỗi bằng hạt nước lóng lánh đó, đeo vào con sẽ
hết bệnh ngay, nếu không được con sẽ không ăn cơm, chắc con sẽ chết.
Vua và Hoàng hậu hoảng hốt không biết làm sao, e công chúa nhịn đói thật,
đành phải hứa sẽ tìm người xâu chuỗi bằng hạt nước mưa cho nàng.
Vào triều, nhà Vua truyền lịnh cho quần thần báo cho dân chúng hay rằng
ai có tài xâu được chuỗi hạt nước mưa cho công chúa đeo thì sẽ được
phong quan chức. Đã bao tháng trôi qua nhưng chưa ai thực hiện được. Bỗng
một hôm có một ông già chống gậy đến nói: Tôi có thể xâu được chuỗi
hạt nước cho công chúa. Nhà Vua mừng quá, không cần hỏi lý do lai lịch
chi cả, vội sai quan đưa ông già đến trình diện với công chúa. Khi nghe
ông già xác nhận có thể xâu được chuỗi bằng hạt nước cho mình đeo,
công chúa vui mừng trỗi dậy hỏi: Bao giờ bắt đầu? Ông già đáp: Tôi
có tài xâu hạt chuỗi nước, nhưng rất tiếc, tôi già rồi, con mắt sờ
sệt, vậy sáng mai, công chúa chịu khó ra đứng lựa những hạt nước thật
đẹp đưa cho tôi xâu. Công chúa mừng quá, bằng lòng ngay. Sáng hôm sau
công chúa đích thân ra hiên lựa những hạt nước mưa, còn ông già đứng
bên cạnh chờ xâu chuỗi. Nàng thấy một hạt nước mưa lóng lánh rơi liền
đưa tay nắm, hạt nước theo kẽ tay rơi mất. Từ sáng đến trưa không giữ
được một hạt nào, công chúa mệt mỏi, chán nản rồi giận dỗi, nàng
nói với nhà Vua: Thưa phụ vương, con không muốn đeo chuỗi hạt nước nữa.
Khi ấy nhà vua bảo: Cha sẽ cho con xâu chuỗi kim cương. Nhà Vua liền bảo
quan giữ kho mang xâu chuỗi kim cương ra, công chúa vui vẻ đeo vào cổ.
Như thế, qua câu chuyện trên quí vị
hiểu thế nào? Đó là để chỉ rằng tất cả của báu thế gian đều đẹp,
nhưng vừa nắm vào tay, liền qua kẽ tay rơi mất. Cái đẹp thế gian là ý
nghĩa hạnh phúc của cuộc đời. Ở thế gian này người ta tưởng cái gì
đẹp đó là hạnh phúc, nhưng có hạnh phúc nào lâu dài đâu, vừa nắm
được nó lại qua kẽ tay rơi mất. Rốt cuộc rồi những điều mà thế
gian cho là đẹp đẽ là hạnh phúc đều không còn, càng đeo đuổi nó chừng
nào thì càng mệt mỏi chán chường chừng nấy, cuối cùng nhìn lại cũng
tay không! Như nàng công chúa thấy vẻ đẹp lóng lánh của hạt nước, thích
quá, nhưng nhìn xa thấy nó đẹp, đến khi lại gần nắm nó thì nó theo kẽ
tay rơi mất. Như vậy cả buổi không giữ được một hạt nào, chừng đó
mới chán nản không còn ham thích gì nữa, đến khi ấy nhà Vua mới cho
nàng xâu chuỗi kim cương. Nhà Vua ví dụ cho đức Phật, nàng công chúa ví
dụ cho ai? Quí vị nhận biết là ai rồi phải không? Những vị hiện giờ
khoảng sáu mươi tuổi trở lên chắc là như nàng công chúa lúc buổi chiều,
nắm mãi các hạt nước mà đến chiều vẫn tay không, chán quá! Còn những
người khoảng mười lăm, mười bảy, hai mươi thì còn hăng hái như nàng
công chúa vào buổi sáng, còn lựa, còn nắm bắt các hạt nước mưa. Đến
khoảng sáu mươi tuổi trở lên thì mới chán nản, bấy giờ cũng như nàng
công chúa vào buổi chiều, lắc đầu không thích xâu chuỗi hạt nước nữa,
khi đó nhà Vua sẽ cho một xâu chuỗi kim cương thật đẹp và đời đời
không hư hoại. Kim cương đó là kim cương Bát-nhã, chính cái đó mới
không mất không hoại. Kinh này ví dụ là kim cương.
Như vậy quí vị thấy bao nhiêu hạt
nước lóng lánh đổi được xâu chuỗi kim cương? Khi được xâu chuỗi
kim cương rồi quí vị mới thấy giá trị xâu chuỗi kim cương là hơn. Giả
sử có ai nói gạt quí vị: Tôi đem những xâu chuỗi hạt nước lóng lánh
đổi chuỗi kim cương của anh thì quí vị nghĩ sao? Dù đem tất cả những
hạt nước lóng lánh đầy bầu trời ra đổi, quí vị cũng không bằng
lòng phải không? Bởi vì cái đó là giả. Chỉ khi nào còn mê như nàng
công chúa thì mới ham thích. Đến khi nó qua kẽ tay rơi mất thì khi ấy hết
thích, không còn thích nữa thì được xâu chuỗi thật. Cũng như thế khi
người ta chán cả hạnh phúc thế gian rồi, đức Phật chỉ cho chúng ta
cái chân thật, chừng đó chúng ta được một xâu chuỗi đời đời không
hoại. Cho nên cái chân thật có giá trị vô lượng vô biên không thể bì,
dù đem bao nhiêu cái giả dối cũng không sánh được. Hiểu như vậy chúng
ta mới thấy đức Phật nhắc đi nhắc lại giá trị kinh Kim Cang, chỉ trì
bốn câu kệ là phước đức hơn bao nhiêu của báu thế gian. Quí vị thấy
chúng ta giống mấy đứa trẻ độ mười hai, mười ba tuổi hay làm nũng
phải không? Cứ chạy đuổi theo những hạt nước lóng lánh trên lá cây
hay từ mái nhà rơi xuống hay những bong bóng nước mưa; cứ mải đuổi bắt
những cái đó mà quên mệt. Nếu quí vị trở lại với đức Phật, chừng
đó mới được cái chân thật. Thế nên giá trị của người học đạo
không thể tính được, không có gì so sánh được. Còn những điều thế
gian ca ngợi chỉ là trong đối đãi, trong tạm bợ thôi, khi chưa được thì
mình thấy nó quí, nắm được rồi thì nó lại qua kẽ tay rơi mất chớ
không có gì tồn tại lâu dài, vậy mà người đời cứ mải chìm mê trong
đó. Vì vậy chúng ta thấy lời Phật dạy rất đúng khi Ngài bảo rằng
công đức trì kinh hơn tất cả của báu thế gian.
ĐOẠN 12 : TÔN TRỌNG CHÁNH GIÁO. [Mục lục]
Phục thứ Tu-bồ-đề! Tùy thuyết
thị kinh nãi chí tứ cú kệ đẳng, đương tri thử xứ, nhất thiết thế
gian thiên nhân A-tu-la giai ưng cúng dường như Phật tháp miếu, hà huống hữu
nhân tận năng thọ trì, độc tụng. Tu-bồ-đề! Đương tri thị nhân
thành tựu tối thượng đệ nhất hy hữu chi pháp. Nhược thị kinh điển
sở tại chi xứ tức vi hữu Phật, nhược tôn trọng đệ tử.
DỊCH: TÔN TRỌNG KINH ĐIỂN CHÂN
CHÁNH.
Lại nữa này Tu-bồ-đề, tùy nơi
nói kinh này cho đến bốn câu kệ v.v… nên biết chỗ này, tất cả thế
gian trời, người, A-tu-la đều nên cúng dường như tháp miếu của Phật,
huống nữa có người trọn hay thọ trì đọc tụng. Này Tu-bồ-đề, nên
biết người ấy thành tựu pháp tối thượng đệ nhất hy hữu. Nếu kinh
này ở chỗ nào ắt là có Phật hoặc là những đệ tử lớn của Phật.
GIẢNG:
Đây nói về việc tôn trọng kinh.
Như chúng ta đã biết trong phần trước, vì kinh này chỉ thẳng cái thể
chân thật bất sanh bất diệt cho nên nó có giá trị vô lượng vô biên
không gì sánh được. Thế nên người biết được giá trị của kinh này
thì ở chỗ nào có nói kinh này, dù là cõi người hay cõi trời cũng phải
quý kính như là tháp miếu của Phật. Vì sao? Vì biết kinh đó chỉ cho
chúng ta thấy được lẽ thật. Lẽ thật đó là cái cứu kính ít có trên
thế gian này, nên kinh nói ra những lẽ thật đó chúng ta phải quí kính.
Như vậy chỗ nói kinh, lời dạy của kinh mình đã quí huống nữa là người
thọ trì đọc tụng kinh. Thế nên đối với người thọ trì, đọc tụng
kinh mình cũng phải quí kính, biết người ấy là người được pháp tối
thượng đệ nhất hy hữu, nghĩa là tối thượng đệ nhất ít có. Do đó
nói kinh này ở chỗ nào tức chỗ đó có Phật hoặc là có đệ tử lớn
của Phật.
Tuy nhiên chúng ta đừng hiểu lầm,
cứ đóng cái khám đẹp, sơn son phết vàng rồi đem quyển kinh để trong
đó thờ và nói chỗ đó có Phật. Như vậy Phật hiện được không? Kinh
chẳng qua là chữ, là mực là giấy để viết chữ. Vậy kinh này cũng chỉ
là giấy mực mà thôi, chớ không có giá trị siêu thoát gì cả, siêu
thoát chăng là nhân chúng ta đọc, hiểu, ứng dụng tu, chớ nếu chúng ta cứ
để thờ, lạy hoài thì cũng trở thành mê tín thôi. Chúng ta nhân nơi kinh
này mà hiểu đạo, hiểu đạo thì biết kinh này là quí. Quí là nhân nó
mà hiểu đạo chớ không phải nghe nó quí rồi để thờ hoài. Vì vậy
chúng ta hiểu ý nghĩa lời Phật dạy, giá trị của lời dạy cao siêu tuyệt
đỉnh nên chúng ta rất quí trọng kinh này. Kinh đã quí thì người thọ trì
đọc tụng lại càng quí hơn nữa. Thế nên kết luận là chúng ta phải trọng
kinh và trọng người trì kinh. Đó là ý nghĩa chân chánh.
ĐOẠN 13 : NHƯ PHÁP THỌ TRÌ.
[Mục lục]
Nhĩ thời Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn:
Thế Tôn! Đương hà danh thử kinh, ngã đẳng vân hà phụng trì? Phật cáo
Tu-bồ-đề: Thị kinh danh vi Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật, dĩ thị danh tự nhữ
đương phụng trì. Sở dĩ giả hà? Tu-bồ-đề! Phật thuyết Bát-nhã
ba-la-mật tức phi Bát-nhã ba-la-mật, thị danh Bát-nhã ba-la-mật. Tu-bồ-đề,
ư ý vân hà? Như Lai hữu sở thuyết pháp phủ? Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn:
Thế Tôn! Như Lai vô sở thuyết.
- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Tam
thiên đại thiên thế giới, sở hữu vi trần, thị vi đa phủ? Tu-bồ-đề
ngôn: Thậm đa, Thế Tôn!
- Tu-bồ-đề! Chư vi trần, Như Lai
thuyết phi vi trần thị danh vi trần. Như Lai thuyết thế giới phi thế giới
thị danh thế giới. Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Khả dĩ tam thập nhị tướng
kiến Như Lai phủ?
- Phất dã Thế Tôn! Bất khả dĩ
tam thập nhị tướng đắc kiến Như Lai. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết tam thập
nhị tướng, tức thị phi tướng, thị danh tam thập nhị tướng.
- Tu-bồ-đề, nhược hữu thiện
nam tử, thiện nữ nhân, dĩ Hằng hà sa đẳng thân mạng bố thí, nhược
phục hữu nhân ư thử kinh trung nãi chí thọ trì tứ cú kệ đẳng, vị
tha nhân thuyết, kỳ phước thậm đa.
DỊCH: ĐÚNG PHÁP THỌ TRÌ.
Khi ấy ngài Tu-bồ-đề bạch Phật
rằng: Bạch Thế Tôn, thế nào là tên của kinh này, chúng con làm sao phụng
trì? Phật bảo Tu-bồ-đề: Kinh này tên là Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật, do
danh tự ấy ông nên phụng trì. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, Phật nói
Bát-nhã ba-la-mật tức không phải Bát-nhã ba-la-mật, ấy gọi là Bát-nhã
ba-la-mật. Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có nói pháp chăng? Tu-bồ-đề
bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, Như Lai không có nói pháp.
- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao?
Tam thiên đại thiên thế giới có bao nhiêu vi trần, ấy là nhiều chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!
- Này Tu-bồ-đề, các vi trần Như
Lai nói không phải vi trần, ấy gọi là vi trần. Như Lai nói thế giới
không phải thế giới ấy gọi là thế giới. Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ
sao? Có thể do ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai chăng?
- Bạch Thế Tôn không vậy! Không
thể do ba mươi hai tướng được thấy Như Lai. Vì cớ sao? Như Lai nói ba mươi
hai tướng tức không phải ba mươi hai tướng ấy gọi là ba mươi hai tướng.
- Này Tu-bồ-đề nếu có người
thiện nam, người thiện nữ đem thân mạng nhiều như cát sông Hằng để
bố thí, hoặc lại có người ở trong kinh này cho đến thọ trì bốn câu
kệ v.v… vì người khác nói thì phước này rất là nhiều.
GIẢNG:
Kinh này tên là Kim Cang Bát-nhã
Ba-la-mật. Như tôi đã nói trong đoạn trước Kim Cang là chỉ cho kim cương
của thế gian, vì kim cương là chất quí và cứng nhất hay phá hoại mọi
kim loại khác mà các thứ khác không phá hoại được nó. Trí tuệ
Bát-nhã là trí tuệ bất sanh bất diệt hay phá hoại tất cả pháp sanh diệt
của thế gian, hay thấu suốt được tất cả các pháp sanh diệt của thế
gian, nên ví dụ trí tuệ đó như là kim cương, do đó nói là Kim Cang
Bát-nhã. Trí tuệ đó là trí tuệ cứu kính viên mãn nên nói là ba-la-mật.
Như vậy tên kinh này là trí tuệ thấu suốt tất cả pháp và trí tuệ đó
được tròn đầy, được viên mãn. Vậy người phụng trì phải phụng
trì như thế, tức là phải sống được với cái trí tuệ đó mới gọi
là phụng trì kinh này hay thọ trì kinh này. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, Phật
nói Bát-nhã ba-la-mật tức không phải Bát-nhã ba-la-mật ấy gọi là
Bát-nhã ba-la-mật. Khi nói đến Bát-nhã ba-la-mật tức là trí tuệ cứu
kính thì không phải là trí tuệ cứu kính, bởi vì còn có ngôn thuyết là
còn có giả danh giả tướng không phải là thật thể, vì thế nên không
phải là Bát-nhã ba-la-mật, nhưng tùy theo thế gian mà lập danh nên gọi
là Bát-nhã ba-la-mật.
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao?
Như Lai có nói pháp chăng? Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, Như
Lai không có nói pháp. Quí vị thấy thầy trò nói chuyện nghe sao khó hiểu
quá! Phật đang giảng kinh mà hỏi Như Lai có thuyết pháp không thì Ngài
Tu-bồ-đề trả lời rằng Như Lai không có thuyết pháp. Tại sao đang giảng
kinh mà nói không có thuyết pháp? Quí vị hẳn nhớ đoạn trước nói còn
thấy có sở đắc là còn có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Ở đây nếu
còn thấy mình nói kinh thì còn ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, thế nên
nói Phật không nói pháp.
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, tam
thiên đại thiên thế giới có bao nhiêu vi trần, ấy là nhiều chăng? Tôi
không muốn nói tam thiên đại thiên thế giới e quí vị khó hiểu. Quả địa
cầu (hay trái đất) có bao nhiêu hạt bụi, bụi nhiều không? Quí vị trả
lời xem? Ngài Tu-bồ-đề thưa rằng: Bạch Thế Tôn, rất nhiều! - Này Tu-bồ-đề,
các vi trần Như Lai nói không phải vi trần, ấy gọi là vi trần. Sao
lạ vậy? Vi trần là những hạt bụi rất nhỏ. Trong đoạn trước quí vị
thấy đức Phật hỏi: Thân như núi Tu-di Chúa có lớn chăng? Ngài Tu-bồ-đề
thưa: Rất lớn, nhưng Ngài nói thêm: Không phải thân, ấy gọi là thân lớn.
Lớn như núi Tu-di hay nhỏ như hạt bụi đức Phật cũng bảo không phải hạt
bụi, ấy gọi là hạt bụi. Tại sao? Thường chúng ta cứ nghĩ rằng cái lớn
là do duyên hợp còn cái nhỏ như hạt bụi đâu phải do duyên hợp. Chúng
ta cứ tưởng những khối đất có là do những hạt bụi hợp lại, hạt bụi
là đơn vị cuối cùng của một khối đất, nhưng không ngờ chính hạt bụi
đó cũng chưa phải là cuối cùng nữa. Hiện nay khoa học chứng minh cho
chúng ta thấy đơn vị nhỏ như hạt bụi vẫn là một hợp thể do các
đơn vị khác họp lại. Ngay đến nguyên tử cũng chưa phải là đơn vị
cuối cùng. Như thế mới thấy rõ lời Phật dạy: Phàm những gì có tướng
dù nhỏ như hạt bụi cũng đều là tướng duyên hợp. Thế nên ở đây
Ngài nói: Vi trần không phải là vi trần ấy mới gọi là vi trần. Vi trần
cũng là tướng duyên hợp cho nên chỉ giả danh mà gọi là vi trần, nhưng
sự thật nó không phải là một nguyên thể, một đơn vị cuối cùng.
Như Lai nói thế giới không phải
thế giới, ấy gọi là thế giới. Nói thế giới thì dễ hiểu rồi
vì nó to quá, thế giới là tướng duyên hợp. Qua hai đoạn này chúng ta thấy
rõ, lớn như thế giới cũng là tướng duyên hợp không có tự thể, thật
nhỏ như vi trần cũng là tướng duyên hợp không tự thể, nên không phải
thế giới, vi trần, ấy tạm gọi là thế giới, là vi trần.
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, có
thể do ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai chăng? Bạch Thế Tôn, không vậy,
không thể do ba mươi hai tướng được thấy Như Lai. Vì cớ sao? Như Lai
nói ba mươi hai tướng tức không phải ba mươi hai tướng, ấy gọi là ba
mươi hai tướng. Ban đầu đức Phật nói vi trần, là những đơn vị hợp
thành thế giới, rồi Ngài nói đến thế giới; vi trần là tướng duyên hợp
không thật thì thế giới cũng là tướng duyên hợp không thật. Đến thân
Phật có thật hay không? Nhiều khi phân tích bên ngoài thì thấy không thật
nhưng đến khi trở về mình liền thấy là thật, đó là cái bệnh của
phàm phu chúng ta. Thí dụ cái đồng hồ không thật vì mở từng cái chốt,
từng bộ phận ra thì không có cái đồng hồ, chúng ta biết nó không thật,
nhưng chúng ta đâu có tự mở chúng ta được phải không? Vì vậy cứ thấy
mình là thật! Đức Phật phân tích thế giới vi trần bên ngoài rồi trở
về ngay nơi thân Ngài để chỉ dạy chúng ta. Ngài hỏi có thể do ba mươi
hai tướng thấy Như Lai không? Thường chúng ta thấy trong sử diễn tả đức
Phật có tám mươi vẻ đẹp và ba mươi hai tướng tốt. Nhưng khi đặt câu
hỏi: Phải do ba mươi hai tướng tốt mà thấy Như Lai chăng thì ngài Tu-bồ-đề
trả lời là không thể do ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai. Tại sao? Vì
ba mươi hai tướng không phải ba mươi hai tướng ấy gọi là ba mươi hai
tướng. Như vậy để chúng ta đừng lầm cho thân này là thật. Phật là
tánh giác không sanh không diệt, là trí tuệ kim cang không sanh không diệt,
còn ba mươi hai tướng là tướng sanh diệt. Nếu cho ba mươi hai tướng là
Phật thì Phật là sanh diệt rồi, thế nên không thể do ba mươi hai tướng
thấy Như Lai. Tại sao? Vì Như Lai nói rằng ba mươi hai tướng không phải
ba mươi hai tướng, ấy gọi là ba mươi hai tướng. Ba mươi hai tướng là
tướng duyên hợp nên nó không có tự thể, nó không thật nhưng tùy theo
giả danh của thế gian, gọi là ba mươi hai tướng. Ba mươi hai tướng của
Phật còn không có thật thể thì cái thân không có được một tướng tốt
nào, không có được một điểm đáng kể của chúng ta có thật được không?
Vậy mà chúng ta thấy nó là thật! Thân Phật có tám mươi vẻ đẹp, ba
mươi hai tướng tốt mà Ngài còn bảo là giả, huống nữa là cái thân xấu
xí của chúng ta mà là thật được sao? Vậy mà ai cũng chấp nó là thật,
cứ bám vào nó rồi vì nó tạo không biết bao nhiêu thứ nghiệp.
ày Tu-bồ-đề, nếu có người
thiện nam, thiện nữ đem thân mạng nhiều như cát sông Hằng để bố thí,
hoặc lại có người ở trong kinh này cho đến thọ trì bốn câu kệ v.v…
vì người khác nói thì phước này rất là nhiều. Phước này hơn phước
của người kia, tức là hơn phước của người bố thí thân rất nhiều.
Ở đây, quí vị thấy lời dạy của Phật có hệ thống rõ ràng. Trước
hết Ngài phân tích thân ba mươi hai tướng của Phật là giả, thân Phật
là giả thì thân của chúng ta đâu có thật. Vì không thật nên đem thân
này nhiều như cát sông Hằng ra bố thí cũng không bằng trì bốn câu kinh
Kim Cang. Kim Cang là trí tuệ chân thật, còn thân này là tướng duyên hợp
hư giả, dù đem bao nhiêu thân mạng hư giả cũng không sánh được với trí
tuệ chân thật. Chúng ta cho thân mạng là của báu tối thượng, nhưng đem
bao nhiêu thân mạng hư giả đó ra bố thí cũng không bằng trì bốn câu
kinh Kim Cang. Đoạn này chỉ phước của người trì kinh hơn.
ĐOẠN 14 : LY TƯỚNG TỊCH DIỆT [Mục lục]
Nhĩ thời Tu-bồ-đề văn thuyết thị
kinh, thâm giải nghĩa thú, thế lệ bi khấp, nhi bạch Phật ngôn: Hy hữu Thế
Tôn! Phật thuyết như thị thậm thâm kinh điển, ngã tùng tích lai sở đắc
tuệ nhãn, vị tằng đắc văn như thị chi kinh. Thế Tôn! Nhược phục hữu
nhân đắc văn thị kinh, tín tâm thanh tịnh tắc sanh thật tướng, đương
tri thị nhân thành tựu đệ nhất hy hữu công đức. Thế Tôn! Thị thật
tướng giả tức thị phi tướng, thị cố Như Lai thuyết danh thật tướng.
Thế Tôn! Ngã kim đắc văn như thị kinh điển, tín giải thọ trì, bất
túc vi nan. Nhược đương lai thế, hậu ngũ bách tuế, kỳ hữu chúng sanh
đắc văn thị kinh, tín giải thọ trì, thị nhân tắc vi đệ nhất hy hữu.
Hà dĩ cố? Thử nhân vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng,vô
thọ giả tướng. Sở dĩ giả hà? Ngã tướng tức thị phi tướng, nhân tướng,
chúng sanh tướng, thọ giả tướng tức thị phi tướng. Hà dĩ cố? Ly nhất
thiết chư tướng tức danh chư Phật.
Phật cáo Tu-bồ-đề: Như thị,
như thị! Nhược phục hữu nhân đắc văn thị kinh bất kinh, bất bố, bất
úy, đương tri thị nhân, thậm vi hy hữu! Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề! Như Lai
thuyết đệ nhất ba-la-mật, tức phi đệ nhất ba-la-mật, thị danh đệ nhất
ba-la-mật. Tu-bồ-đề! Nhẫn nhục ba-la-mật, Như Lai thuyết phi nhẫn nhục
ba-la-mật thị danh nhẫn nhục ba-la-mật. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề! Như ngã
tích vi Ca-lợi vương cát tiệt thân thể, ngã ư nhĩ thời vô ngã tướng,
vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng. Hà dĩ cố? Ngã
ư vãng tích tiết tiết chi giải thời, nhược hữu ngã tướng, nhân tướng,
chúng sanh tướng, thọ giả tướng, ưng sanh sân hận. Tu-bồ-đề! Hựu niệm
quá khứ, ư ngũ bách thế tác nhẫn nhục tiên nhân, ư nhĩ sở thế vô
ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng. Thị
cố, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ưng ly nhất thiết tướng phát A-nậu-đa-la tam-miệu
tam-bồ-đề tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị
xúc pháp sanh tâm, ưng sanh vô sở trụ tâm. Nhược tâm hữu trụ , tắc vi
phi trụ. Thị cốâ Phật thuyết Bồ-tát tâm bất ưng trụ sắc bố thí.
Tu-bồ-đề! Bồ-tát vị lợi ích nhất thiết chúng sanh, ưng như thị bố
thí. Như Lai thuyết nhất thiết chư tướng tức thị phi tướng hựu thuyết
nhất thiết chúng sanh tức phi chúng sanh. Tu-bồ-đề! Như Lai thị chân ngữ
giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả, bất dị ngữ
giả. Tu-bồ-đề! Như Lai sở đắc pháp, thử pháp vô thật vô hư. Tu-bồ-đề!
Nhược Bồ-tát tâm trụ ư pháp nhi hành bố thí như nhân nhập ám tắc vô
sở kiến. Nhược Bồ-tát tâm bất trụ pháp nhi hành bố thí như nhân hữu
mục, nhật quang minh chiếu, kiến chủng chủng sắc. Tu-bồ-đề! Đương
lai chi thế, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân năng ư thử kinh thọ
trì độc tụng tức vi Như Lai dĩ Phật trí tuệ, tất tri thị nhân, tất
kiến thị nhân giai đắc thành tựu vô lượng vô biên công đức.
DỊCH: LÌA TƯỚNG TỊCH DIỆT.
Khi ấy ngài Tu-bồ-đề nghe Phật
nói kinh này, hiểu sâu được nghĩa thú, rơi lệ dầm dề bạch Phật rằng:
Đức Thế Tôn! Rất ít có. Phật nói kinh điển sâu xa như thế, con từ
trước đến giờ đã được tuệ nhãn mà chưa từng được nghe kinh như
thế. Bạch Thế Tôn! Nếu lại có người được nghe kinh này, lòng tin
thanh tịnh ắt sanh thật tướng, nên biết người ấy thành tựu được công
đức ít có bậc nhất. Bạch Thế Tôn! Thật tướng ấy tức không phải tướng,
thế nên Như Lai nói tên là thật tướng.
Bạch Thế Tôn! Nay con được nghe
kinh điển như thế, tin hiểu thọ trì không đủ làm khó. Nếu đời sau,
khoảng năm trăm năm về sau, lúc đó có những chúng sanh được nghe kinh này,
tin hiểu thọ trì, người ấy ắt là ít có bậc nhất. Vì cớ sao? Vì người
này không tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Vì
cớ sao? Vì tướng ngã tức không phải tướng, tướng nhân, tướng chúng
sanh, tướng thọ giả tức không phải tướng. Vì sao? Vì lìa tất cả tướng
tức gọi là chư Phật.
Phật bảo Tu-bồ-đề: Đúng thế,
đúng thế! Nếu lại có người được nghe kinh này, không kinh, không hãi,
không sợ, nên biết người ấy rất là ít có. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề!
Như Lai nói đệ nhất ba-la-mật tức không phải đệ nhất ba-la-mật ấy gọi
là đệ nhất ba-la-mật. Tu-bồ-đề! Nhẫn nhục ba-la-mật, Như Lai nói
không phải nhẫn nhục ba-la-mật ấy gọi là nhẫn nhục ba-la-mật. Vì cớ
sao? Này Tu-bồ-đề như thuở xưa ta bị vua Ca-lợi (Kali) cắt đứt thân thể,
ta khi ấy không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ
giả. Vì cớ sao? Ta thuở xưa khi thân thể bị cắt ra từng phần nếu còn
tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, lẽ nên sanh
sân hận. Tu-bồ-đề! Lại nhớ thuở quá khứ năm trăm đời, ta làm tiên
nhân nhẫn nhục, vào thuở ấy không có tướng ngã, tướng nhân, tướng
chúng sanh, tướng thọ giả. Thế nên, Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên lìa tất cả
tướng mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chẳng nên trụ sắc
sanh tâm, chẳng nên trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, nên sanh tâm
không chỗ trụ. Nếu tâm có trụ ắt là không phải trụ. Thế nên Phật
nói tâm Bồ-tát không nên trụ sắc mà bố thí. Tu-bồ-đề! Bồ-tát vì lợi
ích tất cả chúng sanh nên như thế mà bố thí. Như Lai nói tất cả các tướng
tức là không phải tướng, lại nói tất cả chúng sanh tức không phải
chúng sanh.
Này Tu-bồ-đề! Như Lai nói lời
chân, lời thật, lời như, lời không dối, lời chẳng khác. Này Tu-bồ-đề!
Như Lai được pháp, pháp này không thật, không hư. Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát
tâm trụ nơi pháp mà làm việc bố thí thì như người vào trong tối ắt
không thể thấy. Nếu Bồ-tát tâm không trụ pháp mà hành bố thí thì như
người có mắt lại thêm ánh sáng mặt trời chiếu soi, thấy các thứ
hình sắc. Này Tu-bồ-đề! Ở đời sau nếu có người thiện nam, thiện nữ
hay ở trong kinh này thọ trì đọc tụng ắt là Như Lai dùng trí tuệ Phật
ắt biết người ấy, ắt thấy người ấy đều được thành tựu vô lượng
vô biên công đức.
GIẢNG:
Trong phần trước, quí vị thấy đức
Phật đã phân giải rõ ràng. Ngài Tu-bồ-đề nghe Phật nói, hiểu sâu được
nghĩa thú của kinh, Ngài rơi lệ dầm dề. Ngài rơi lệ dầm dề là tại
sao? Có phải vì Ngài tủi thân không? Đây là Ngài lãnh hội được tức
Ngài ngộ đạo. Thường người nào nghe kinh hay đọc kinh đến chỗ mình
hiểu tự nhiên sung sướng liền cười, hoặc cảm động liền khóc. Khóc
và cười đều nói lên chủng duyên sẵn có với kinh đó, vì mình có
duyên với chỗ mình đã lãnh hội, thành ra khóc và cười là hai trạng
thái của sự ngộ đạo. Khi được ngộ thì hoặc có người cười ha hả,
hoặc có người khóc sướt mướt. Ở đây ngài Tu-bồ-đề nghe Phật nói
đến chỗ này, lãnh hội được nghĩa thú nên Ngài khóc. Cũng như ngài
Khuê Phong Tông Mật khi đọc kinh Viên Giác rồi cũng khóc. Đó là cái khóc
lãnh hội chớ không phải cái khóc buồn tủi chi hết. Hiểu như thế thì
khi nào đọc kinh đến chỗ hiểu rồi, quí vị có những trạng hái như vậy
thì biết mình lãnh hội được phần nào trong chỗ đó.
Sau khi lãnh hội được nghĩa thú
sâu xa, ngài Tu-bồ-đề bạch Phật: Thế Tôn! Thật là ít có. Phật nói
kinh điển sâu xa như vậy, con từ trước đến giờ đã được tuệ nhãn,
tức là chứng A-la-hán, mà chưa từng được nghe kinh như thế. Qua lời của
ngài Tu-bồ-đề quí vị thấy chúng ta còn nhục nhãn mà được nghe thì thật
là phước vô lượng vô biên. Ngài đã được tuệ nhãn mà chưa từng được
nghe, đến bấy giờ mới được nghe, còn chúng ta còn nhục nhãn, còn phàm
phu mà được nghe thì thật là quí vô cùng.
Ngài Tu-bồ-đề nói tiếp: Bạch Thế
Tôn, nếu có người được nghe kinh này, lòng tin thanh tịnh, ắt sanh thật
tướng. Người nghe kinh này mà tin một cách đúng đắn trong sạch, người
đó sanh thật tướng. Thật tướng là gì? Thật tướng tức là phi tướng.
Có chỗ khác nói thật tướng tức là vô tướng. Tướng không là đối với
tướng có, có đối với không, thành ra cái có là giả thì cái không là
đối đãi, nên cũng không thật. Danh từ có không là đối đãi không thật,
còn thật tướng không thuộc tướng không và tướng có nên nói là vô tướng.
Nó không nằm trong tướng có tướng không, nó là tánh giác không có tướng
mạo, thế nên nói thật tướng không phải tướng. Người nào tin được
kinh này một cách trong sạch thì người đó sanh thật tướng. Tại sao? Vì
chúng ta tin được kinh này một cách đúng đắn thì chúng ta không còn chấp
ngã là thật, không chấp nhân là thật, không chấp cảnh là thật… Tất
cả đều không thật. Chúng ta dùng trí tuệ đó nhìn tất cả pháp nên
không bị các pháp lôi, không bị các pháp làm mình loạn, do đó tướng chân
thật tức cái tâm thể chân thật hiển lộ nên gọi là sanh thật tướng.
Người được như thế thì thành tựu được công đức mà trần gian này
rất ít có. Tuy nhiên khi nói thật tướng, Ngài sợ chúng ta chấp danh từ
thật tướng là thật, nên Ngài thưa: Bạch Thế Tôn thật tướng đó tức
không phải tướng, thế nên Như Lai nói tên là thật tướng.
Đến đây thương cho người sau, Ngài
thưa: Nay con được nghe kinh điển này rồi tin hiểu thọ trì không đủ làm
khó. Tại sao? Vì Ngài đã có tuệ nhãn nên nghe cao hơn một chút nữa cũng
nhận hiểu, ngộ và ứng dụng tu. Còn sau khi Phật nhập Niết-bàn khoảng
năm trăm năm, khi đó có những chúng sanh được nghe kinh này, tin hiểu thọ
trì, người ấy ắt là ít có bậc nhất. Nếu sau Phật Niết-bàn năm trăm
năm, còn trong thời tượng pháp, người nghe kinh này, tin hiểu, thọ trì
thì gọi là đệ nhất ít có. Hiện nay chúng ta sau đến hơn hai ngàn năm,
vào đời mạt pháp, nghe kinh tin hiểu thì gọi là ít có thứ mấy? Tức
là không biết dùng thứ mấy để tính nữa! Điều này cho thấy rằng tất
cả chúng ta ở vào thời sau Phật thật xa mà được nghe kinh rồi hiểu,
ứng dụng tu thì thật quí vô kể, không còn dùng ngôn từ nào nói cho xứng.
Vậy còn ai tủi thân là hiện nay mình mới tu thì đã trễ rồi không?
Chúng ta được nghe, được thọ trì, như vậy là đại phước rồi, quí
vô cùng rồi, chỉ có điều nghe mà không chịu hiểu, không thọ trì, đó
mới đáng buồn thôi. Nếu nghe, tin hiểu thọ trì thì không có gì đáng buồn
cả.
Ngài Tu-bồ-đề liền đặt câu hỏi
tiếp: Vì cớ sao? Vì người này không còn tướng ngã, tướng nhân, tướng
chúng sanh, tướng thọ giả. Tại sao? Vì khi nhận được kinh này tức
là sống với trí tuệ Bát-nhã; đã sống với trí tuệ Bát-nhã thì đâu
còn thấy có mình thật, người thật… Nếu nghe, hiểu mà còn thấy mình
thật, người thật, đó là hiểu ngoài da, đó là chưa thật hiểu. Bởi vì
kinh này nói ngã tướng không thật, nhân tướng không thật…, tất cả tướng
đều không thật, nếu thấy có mình thật thì đâu hiểu kinh. Thế nên người
tin hiểu thọ trì kinh này thì bốn tướng không còn, bốn tướng không
còn tức là bậc Thánh rồi. Người đó công đức rất là hy hữu. Vì cớ
sao? Vì tướng ngã tức không phải tướng, tướng nhân, tướng chúng
sanh, tướng thọ giả tức không phải tướng, những tướng đó đều
hư giả không thật. Vì cớ sao? Vì lìa tất cả tướng, ấy gọi là chư
Phật. Câu này xác định một điều hết sức quan trọng. Ngài giải
thích: Tướng ngã không phải tướng, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng
thọ giả, tất cả tướng này đều không phải tướng, mà không phải tướng
thì chúng ta đừng dính mắc, đừng chấp, do đó chúng ta lìa được tất
cả tướng, ấy gọi là chư Phật. Lìa tất cả tướng, đó là Phật. Dễ
hay khó? Chịu khó lìa các tướng thì được. Nếu còn thấy có mình thật
thì chưa lìa. Vì chưa lìa nên không phải là Phật. Tất cả tướng, tướng
mình, tướng người v.v… đều là hư giả, đã là giả thì có cái nào
nên chấp đâu. Không chấp đó là sanh tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác, tức là Phật. Trái lại, nếu còn chấp, đó là chúng sanh, thế nên
nói lìa tất cả tướng tức gọi là chư Phật. Vì tất cả tướng là giả
dối, chấp cái giả đó là mê, biết giả dối không chấp, đó là giác,
giác tức là Phật. Thật là đơn giản, nhưng vì tập quán lâu đời nên
thành khó. Ngồi suy nghĩ ai không biết mình là giả. Thân là một túi đồ
dơ bên trong chứa máu v.v… bên ngoài là da thịt, da thì kỳ cọ ra đất bợn,
máu chảy ra thì có mùi tanh, trong thân chỗ nào hư đem cắt bỏ ra thì hôi
thúi… Vậy mà cứ nói nó thật là mình, không phải mê muội là gì? Vì cứ
mê lầm chấp thật nên làm chúng sanh kiếp kiếp. Bây giờ biết nó là giả,
biết mình giả, thì biết người cũng giả, do đó các tướng chúng sanh,
thọ giả… cũng đều giả, tất cả sự vật có tướng cũng là giả thì
không còn bám vào các tướng. Không bám tức là ly, ly tức là giác. Thật
là đơn giản! Chấp thì mê, lìa thì giác, thế nên nói lìa các tướng đó
là Phật. Thật là gần! Đang nắm là chúng sanh, buông ra là Phật. Tại sao
không biết buông bỏ? Không biết ma lực nào cứ bắt chúng ta nắm mà
không chịu buông. Biết buông bỏ là Phật, đâu có gì khó, vậy mà cứ nắm
giữ để làm chúng sanh rồi chịu luân hồi sanh tử. Thật là mê muội
làm sao!
Ngài Tu-bồ-đề nói xong, đức Phật
khen ngợi: Đúng thế, đúng thế, đúng như lời ông nói, lìa tất cả tướng
là chư Phật. Nếu lại có người được nghe kinh này không kinh, không
hãi, không sợ nên biết người ấy rất là ít có. Trong đoạn trước
ngài Tu-bồ-đề nói: Nghe kinh này, thọ trì đọc tụng là ít có. Đến đây
Phật hạ thấp xuống một tầng nữa: Nghe kinh này không kinh, không hãi,
không sợ cũng rất là ít có. Vì như trong đoạn trước có ví dụ đem của
báu đầy dẫy thế giới bố thí cũng không bằng trì kinh này, đem thân mạng
bằng số cát sông Hằng bố thí cũng không bằng trì kinh này, nghe vậy ai
mà không kinh không sợ? Chúng ta nghe, hiểu, không kinh, không sợ cũng là việc
ít có.
Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, Như
Lai nói đệ nhất ba-la-mật tức không phải đệ nhất ba-la-mật ấy gọi
là đệ nhất ba-la-mật. Ba-la-mật nghĩa là đến bờ kia hay nghĩa là cứu
kính. Cái cứu kính bậc nhất không phải là cứu kính bậc nhất, bởi vì
lập ra cái cứu kính đó cũng là ngôn thuyết. Cứu kính tức là tuyệt đối,
nhưng lập cái tuyệt đối cũng là đối với cái tương đối mà lập,
nên cũng là hư giả không thật, chỉ tùy theo thế gian mà lập thôi, ấy gọi
là cứu kính bậc nhất.
Tu-bồ-đề, nhẫn nhục ba-la-mật,
Như Lai nói không phải nhẫn nhục ba-la-mật ấy gọi là nhẫn nhục ba-la-mật.
Trong lục độ, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí
tuệ, đức Phật nói đến nhẫn nhục ba-la-mật tức là nhẫn nhục cứu
kính. Nhẫn nhục cứu kính không phải nhẫn nhục cứu kính, vì trong sự
nhẫn nhục còn sức chịu đựng của thân và tâm, mà thân tâm là tướng
giả cho nên sức chịu đựng đó cũng là cái tướng của duyên hợp chớ
không thật; dù sự chịu đựng đó đến tột đỉnh cũng vẫn là tướng
duyên hợp hư giả, chỉ theo thế gian tạm gọi là nhẫn nhục cứu kính.
Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, như
ta thuở xưa bị vua Ca-lợi cắt đứt thân thể, ta khi ấy không có tướng
ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Vì cớ sao? Thuở trước
khi thân bị cắt đứt từng phần nếu ta còn tướng ngã, tướng nhân, tướng
chúng sanh, tướng thọ giả thì nên sanh sân hận! Đức Phật dẫn rằng:
Thuở xưa, có một lần đức Phật tu hạnh nhẫn nhục, khi vua Ca-lợi đến
hỏi: Ngài thật tu hạnh nhẫn nhục không? Ngài đáp: Tôi thật tu hạnh nhẫn
nhục. Nhà vua liền lấy gươm cắt từng mảnh thịt của Ngài rồi hỏi:
Ngài có giận tôi không? Ngài nói: Ta không giận. Phật bảo nếu Ngài còn
thấy tướng ngã, tướng nhân thì khi thân bị cắt đứt từng phần, làm
sao không giận được. Như chúng ta hiện nay, đừng nói là cắt thịt, giả
sử có ai nhổ sợi tóc, sợi râu chúng ta có giận không? Hẳn là giận. Tại
sao? Vì tướng ngã lớn quá nên động tới là giận, còn Ngài vì không
còn tướng ngã nên cắt thịt cũng không giận. Thế nên người hay sân là
ngã to lắm, động tới thân mình cũng sân, động tới tên, tới danh dự
mình cũng nổi sân.
ại nữa, Tu-bồ-đề, ta nhớ thuở
quá khứ năm trăm đời làm vị tiên nhân nhẫn nhục, khi ấy không có tướng
ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Thế nên Tu-bồ-đề,
Bồ-tát nên lìa tất cả tướng mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác, chẳng nên trụ sắc sanh tâm, chẳng nên trụ thanh hương vị xúc
pháp sanh tâm, nên sanh tâm không chỗ trụ. Nếu tâm có trụ ắt là không
phải trụ. Thế nên Phật nói tâm Bồ-tát không nên trụ sắc mà bố thí.
Đến đây đức Phật chỉ cho chúng ta thấy rõ nếu còn trụ nơi ngã,
nhân, chúng sanh, thọ giả thì còn sân hận, sự nhẫn nhục không đến chỗ
cứu kính. Ngài nói rằng: Chẳng những trong một đời Ngài đã từng nhẫn
nhục, mà cả năm trăm đời Ngài nhẫn nhục đến chỗ cứu kính là do
Ngài không có bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Vì thế Ngài
khuyên tất cả các vị Bồ-tát nên lìa tất cả tướng mà phát tâm cầu
thành Phật. Kể cả chúng ta bây giờ khi tu cũng nên tập lìa tất cả tướng.
Phát tâm cầu thành Phật thì phải lìa tất cả tướng. Muốn lìa tất cả
tướng thì phải làm sao? Không nên trụ tức không nên kẹt nơi sắc sanh tâm
bồ-đề, không kẹt nơi thanh hương vị xúc pháp sanh tâm bồ-đề, nên
sanh tâm không chỗ trụ, vì còn có chỗ trụ tức là còn kẹt. Tôi thường
thí dụ như trên bàn có bao kiếng, có ly, đồng hồ v.v… năm, bảy vật,
nếu tay tôi nắm vật này thì tôi mắc kẹt vật này. Khi tay tôi nắm vật
là tôi động hay là tôi trụ? Chấp là một hình tướng bám chặt, bám chặt
tức là động chớ đâu phải an trụ. Thế nên trong năm, bảy vật ở trên
bàn, tôi không nắm một vật nào thì đó mới là an. An trụ như thế mới
gọi là tâm bồ-đề. Trái lại, nếu còn bám vào một vật thì tâm còn
đang động, động tức là sanh diệt, đâu phải bồ-đề. Vô thượng Chánh
đẳng Chánh giác là tâm bồ-đề viên mãn, mà tâm bồ-đề viên mãn là
không dính bất cứ một cái nào. Thế nên đối với các tướng ngã,
nhân, chúng sanh, thọ giả hay đối với tất cả pháp sắc thanh hương vị
xúc pháp, chúng ta không dính một cái nào thì tâm không dính mắc, đó là
tâm bồ-đề. Muốn cầu bồ-đề thì phải phát tâm đó, còn nếu tâm
duyên theo bất cứ một cái nào cũng không phải là bồ-đề. Như thế quí
vị thấy khó hay dễ? Nó có sẵn nơi chúng ta, chỉ không dính tức là
không duyên theo cái nào, không kẹt với cái nào thì đó là tâm bồ-đề,
không có gì xa lạ cả. Vì thế mà đức Phật khuyên các vị Bồ-tát, tâm
không nên trụ sắc bố thí v.v… tức là không nên bám vào sắc mà phải
buông xả.
ồ-tát vì lợi ích tất cả
chúng sanh nên như thế mà bố thí. Vì làm lợi ích cho tất cả chúng
sanh nên không bám vào một hình tướng nào, hoặc đừng bám vào ngã,
nhân, chúng sanh, thọ giả hoặc đừng bám vào sắc thanh hương vị xúc
pháp, đó mới là người chân thật lợi ích cho chúng sanh.
hư Lai nói tất cả tướng tức
không phải tướng. Phật xác định rằng tất cả tướng đều là
duyên hợp hư giả, nên đều không phải tướng. Lại nói tất cả
chúng sanh tức không phải chúng sanh, vì chúng sanh cũng là hư giả. Các
tướng chỉ cho sắc thanh hương vị xúc pháp, chúng sanh chỉ cho ngã nhân
chúng sanh thọ giả. Như vậy cả hai đều hư giả. Hiện nay chúng ta đang
kẹt ở chỗ nào? Trong thì ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, ngoài thì sắc
thanh hương vị xúc pháp, chỉ hai cái đó thôi, mà cả hai Phật đều xác
nhận là giả. Cả hai đều giả mà chúng ta cứ dính mắc hoài nên làm
chúng sanh đờùi đời.Thử hỏi chừng nào thành Phật, quí vị trả lời
xem? Chừng nào lìa hết các tướng thì thành Phật, còn khi chưa lìa thì chưa
thành Phật. Như vậy ai trả lời câu "Chừng nào thành Phật" cho
quí vị? Mỗi người phải tự trả lời. Nếu buông được phân nửa thì
được phân nửa thành Phật, nếu buông được trọn vẹn thì tin chắc phải
thành Phật trọn vẹn.
ày Tu-bồ-đề, Như Lai nói lời
chân, lời thật, lời như, lời chẳng dối, lời chẳng khác. Phật xác
định rằng lời Ngài nói là chân thật, là như như, là không dối, không
khác để cho chúng ta đủ niềm tin, chớ nhiều khi nghe Phật nói chúng ta
còn ngờ vựïc. Phật xác nhận lời Ngài là chân thật v.v… như vậy chúng
ta chịu tin chưa? Lòng từ bi của Phật thật là vô cùng, nói đúng lẽ thật
rồi mà còn sợ chúng ta không chịu tin nên phải xác nhận lời Ngài là
chân thật v.v…
Ngài bảo tiếp: Này Tu-bồ-đề,
Như Lai được pháp, pháp này không thật, không hư. Vì pháp Phật được
không kẹt ở hai bên. Nói hư, nói thật là nói hai bên, mà pháp Phật được
là thoát tất cả đối đãi cho nên nói không thật, không hư.
ày Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát tâm
trụ nơi pháp mà làm việc bố thí thì như người vào trong tối ắt không
thể thấy, nếu Bồ-tát tâm không trụ pháp mà hành bố thí như người có
mắt lại thêm ánh sáng mặt trời chiếu soi thấy được các thứ hình sắc.
Trong đoạn này đức Phật nói về hiệu dụng của người làm lợi
ích chúng sanh. Nếu chúng ta làm lợi ích chúng sanh mà còn kẹt trong cái chấâp
tướng ngã và pháp thì, tuy làm việc phước mà như người có mắt vào
nhà tối, tuy có mắt nhưng nào có thấy gì! Còn người làm lợi ích chúng
sanh mà không chấp tướng thì như người có mắt sáng lại được ánh
sáng mặt trời chiếu soi, người đó thấy tất cả không có nghi ngờ,
làm đến đâu thì sáng đến đấy.
ày Tu-bồ-đề, ở đời sau nếu
có người thiện nam, thiện nữ hay ở trong kinh này thọ trì đọc tụng,
ắt là Như Lai dùng trí tuệ Phật ắt biết người ấy, ắt thấy người
ấy đều được thành tựu vô lượng vô biên công đức. Đức Phật xác
nhận một lần nữa: Về sau nếu người nào hoặc là nam, hoặc là nữ, đối
với kinh Kim Cang mà thọ trì, đọc tụng thì Phật dùng trí tuệ Phật thấy
rõ người này và biết rõ người này sẽ thành tựu công đức vô lượng
vô biên không một chút nghi ngờ. Quí vị muốn được công đức vô lượng
vô biên hay không? Nếu muốn được công đức vô lượng vô biên thì y
theo lời Phật dạy mà ứng dụng tu, mà thọ trì, nhất định công đức
không thể kể hết. Như vậy quí vị thấy công đức nào là tối thượng?
Công đức của những việc làm bằng hình thức ở bên ngoài với công đức
thọ trì kinh Kim Cang, công đức nào tối thượng? Nên rán chọn cái tối
thượng mà làm cho xứng công của mình.
ĐOẠN 15 : RÌ KINH CÔNG ĐỨC [Mục lục]
Tu-bồ-đề! Nhược hữu thiện nam
tử thiện nữ nhân, sơ nhật phần, dĩ Hằng hà sa đẳng thân bố thí,
trung nhật phần phục dĩ Hằng hà sa đẳng thân bố thí, hậu nhật phần
diệc dĩ Hằng hà sa đẳng thân bố thí. Như thị vô lượng bách thiên vạn
ức kiếp dĩ thân bố thí. Nhược phục hữu nhân văn thử kinh điển, tín
tâm bất nghịch, kỳ phước thắng bỉ, hà huống thư tả, thọ trì độc
tụng vị nhân giải thuyết. Tu-bồ-đề! Dĩ yếu ngôn chi, thị kinh hữu bất
khả tư nghị, bất khả xứng lượng, vô biên công đức, Như Lai vị phát
Đại thừa giả thuyết, vị phát Tối thượng thừa giả thuyết. Nhược hữu
nhân năng thọ trì độc tụng, quảng vị nhân thuyết, Như Lai tất tri thị
nhân, tất kiến thị nhân, giai đắc thành tựu bất khả lượng, bất khả
xứng, vô hữu biên, bất khả tư nghị công đức. Như thị nhân đẳng tắc
vi hà đảm Như Lai A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề!
Nhược nhạo tiểu pháp giả, trước ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến,
thọ giả kiến, tức ư thử kinh bất năng thính thọ độc tụng, vị nhân
giải thuyết. Tu-bồ-đề! Tại tại xứ xứ, nhược hữu thử kinh, nhất
thiết thế gian thiên, nhân, a-tu-la sở ưng cúng dường. Đương tri thử xứ
tắc vi thị tháp, giai ưng cung kính tác lễ vi nhiễu, dĩ chư hoa hương nhi
tán kỳ xứ.
DỊCH : CÔNG ĐỨC TRÌ KINH.
Tu-bồ-đề! Nếu có người thiện
nam thiện nữ, buổi sáng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố
thí, buổi trưa lại đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi
chiều cũng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, như thế vô
lượng trăm ngàn muôn ức kiếp đem thân mạng bố thí. Nếu lại có người
nghe kinh điển này, lòng tin không nghịch, phước của người này hơn phước
của người kia, huống là chép viết, thọ trì, đọc tụng, vì người giải
nói.
Này Tu-bồ-đề! Tóm tắt mà nói,
kinh này có công đức vô biên không thể nghĩ, không thể lường. Như Lai vì
những người phát tâm Đại thừa mà nói, vì những người phát tâm Tối
thượng thừa mà nói. Nếu có người hay thọ trì đọc tụng, rộng vì người
nói, Như Lai ắt biết người ấy, ắt thấy người ấy đều được thành
tựu công đức không thể lường, không thể tính, không có bờ mé, không
thể nghĩ bàn. Những người như thế tức là gánh vác pháp Vô thượng Chánh
đẳng Chánh giác của Phật. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề! Nếu người thích
pháp nhỏ tức chấp ngã, chấp nhân, chấp chúng sanh, chấp thọ giả tức
là đối với kinh này không thể lắng nghe, thọ trì, đọc tụng vì người
giải nói. Này Tu-bồ-đề! Ở nơi nào nếu có kinh này thì tất cả thế
gian trời, người, a-tu-la đều nên cúng dường, nên biết chỗ này tức
là tháp, đều nên cung kính làm lễ vây quanh, dùng các thứ hương hoa mà rải
cúng nơi ấy.
GIẢNG:
Trong đoạn này đức Phật nói về
công đức trì kinh Kim Cang. Quí vị nhớ trong đoạn trước đức Phật đã
từng nói, giả sử như đem bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới
bằng số cát sông Hằng ra bố thí, cũng không bằng công đức trì kinh
này. Ở đây Ngài lại nói nếu có người buổi sáng đem thân của mình
nhiều bằng số cát sông Hằng để bố thí, buổi trưa đem thân nhiều bằng
số cát sông Hằng bố thí, buổi chiều cũng như vậy thì một ngày bố
thí chừng bao nhiêu thân? Chỉ buổi sáng cũng tính không hết! Lại không
phải chỉ một ngày mà trải vô lượng trăm ngàn muôn kiếp thì bố thí
chừng bao nhiêu thân? Đem thân bố thí nhiều như vậy mà nếu có người
nghe kinh Kim Cang, lòng tin không nghịch thì phước của người này còn hơn
phước của người đó, quí vị tin nổi không? Giả sử có ai nói: Người
đem thân bố thí, ai cần mũi thì cho mũi, ai cần tai thì cho tai, cần phần
nào trong thân thể đều cho hết không tiếc, với người nghe kinh này tin
nhận, thọ trì thì phước của người thọ trì kinh hơn phước của người
bố thí, điều đó chúng ta còn chưa tin thay! Cho cái mũi đâu phải dễ,
cho cái tai đâu phải dễ, vậy tại sao cái khó làm có phước ít hơn cái
dễ làm? Phần nhiều nếu so sánh thì cái khó làm phải có công đức nhiều
hơn cái dễ làm. Tại sao ở đây Phật bảo cái dễ công đức nhiều, cái
khó công đức ít? Chỉ bố thí một thân thôi mà còn không làm nổi, huống
nữa là vô lượng thân trong vô lượng kiếp, thế mà phước lại thua người
trì kinh, thật là khó hiểu! Cho nên nói: Phật nếu nói đủ, người ta sẽ
hoang mang, hồ nghi, không tin. Thật ra nếu chúng ta, ai ai cũng đều thấy thân
này là thật thì chắc chắn không bao giờ tin nổi kinh này. Trái lại nếu
chúng ta biết rõ thân này như hạt sương buổi sáng, như đám mây chiều,
không có gì lâu bền thì người đem những vật tạm bợ bố thí sánh với
người biết trở về pháp thân bất sanh bất diệt, người nào hơn? Pháp
thân bất sanh bất diệt mới là hơn chứù? Xả một triệu, một muôn, một
ức cái thân bèo bọt này để được cái bất sanh bất diệt mới là quí
chứ! Nhưng chắc là chúng ta không chịu. Vì chúng ta thấy không phải là
bèo bọt. Tuy nghe Phật nói như thế song trên thực tế chúng ta còn thấy
thân là thật, cho nên bảo xả nó chúng ta thấy thật là khó. Bởi thấy
nó thật nên khi nghe Phật bảo xả bao nhiêu thân cũng không sánh được
người trì kinh này, chúng ta không thể tin nổi. Chỉ có hàng Bồ-tát thấy
thân như huyễn như hóa, khi nghe Phật nói, các Ngài cười và tin ngay. Thế
nên đức Phật bảo rằng "Lòng tin không nghịch thì phước còn nhiều
hơn người kia", huống nữa là cố gắng biên chép ra, thọ trì, đọc
tụng, vì người giải nói thì phước vô kể. Như vậy trong hai việc bố
thí thân và trì kinh, quí vị chọn việc nào? Tại sao chúng ta chọn trì
kinh? Có phải vì chúng ta biết thân này là giả nên trì kinh để trở về
cái chân thật, hay vì chúng ta sợ đau không dám bố thí thân? Như vậy để
thấy rằng chúng ta trì kinh với cái niệm xem thân là quí, chớ không phải
vì biết thân là giả và việc trì kinh chánh đáng hơn. Tuy còn cho thân là
quí nhưng biết hướng về trì kinh để ứng dụng tu thì từ từ rồi cũng
thấm, thân lần lần cũng hết quí, như vậy cũng có công đức lớn.
Ở đây chúng ta thuộc về hạng Tối
thượng thừa hay hạng Đại thừa? Hay là hạng gì? Hạng Nhân thừa. Vì
còn thấy thân là quí, muốn bỏ thân này được thân khác tốt hơn đó
là thuộc Nhân thừa, chớ không phải Đại thừa, huống nữa là Tối thượng
thừa! Trong kinh này, Phật vì người Đại thừa, vì người cầu Tối thượng
thừa mà nói, nên nhiều khi chúng ta thấy khó hiểu. Nếu thật chúng ta thuộc
hai hạng trên thì nghe kinh này, trì tụng và ứng dụng tu hành không có gì
khó, vì chuyện đó dễ tin quá. Tất cả chúng ta không biết mê lầm từ
thuở nào mà hiện giờ ai cũng đều thấy thân mình là thật. Nhưng ngày
nay không bảo đảm được ngày mai, lấy gì gọi là thật? Nếu thật thì
có bảo đảm. Trái lại không bảo đảm được một ngày, huống nữa đến
một năm! Pháp thân là cái chưa từng sanh chưa từng diệt, là bảo đảm,
nghĩa là sống được với cái đó rồi thì muôn kiếp ngàn đời không hoại.
Còn sống với thân này thì không bảo đảm ngày mai. Như vậy đem cái
không bảo đảm đổi cái bảo đảm mà tiếc không muốn đổi. Bố thí gồm
có tài thí và pháp thí. Trong tài thí có chia hai phần: ngoại tài và nội
tài. Ngoại tài là của cải, nội tài là thân mạng. Trong đoạn trước Phật
nói về bố thí ngoại tài, đoạn này đức Phật nói đến bố thí nội
tài. Đem thân này bố thí thì ngã không còn, ngã không còn thì niềm tin đối
với pháp này không lui sụt. Thế nên đức Phật bảo rằng: Nếu người
nào hay thọ trì, đọc tụng kinh này, rộng vì người nói thì Như Lai ắt
biết người ấy, ắt thấy người ấy đều được thành tựu công đức
không thể nghĩ, không thể lường, không thể suy tính được, người ấy
ắt là hay gánh vác pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Như Lai.
Người nào hiểu đúng kinh này, ứng dụng để sống, lại vì người giảng
nói thì Phật biết chắc người đó là người gánh vác pháp Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác tức pháp thành Phật, người đó xứng đáng kế thừa
Phật.
Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, nếu
người ưa pháp nhỏ là chấp ngã, chấp nhân, chấp chúng sanh, chấp thọï
giả. Ưa pháp nhỏ là pháp gì? Tỉ dụ chúng ta đem bố thí chừng năm,
mười đồng bạc thì chúng ta nghĩ với số tiền bố thí này đời sau mình
sẽ được giàu có. Như vậy chúng ta chỉ thích được giàu sang, sung sướng
ở đời sau mà sự giàu sang đó nhiều lắm chỉ là năm, sáu chục năm thôi,
đó là tướng sanh diệt, mà mình thích cái sanh diệt thì không phải ưa pháp
nhỏ là gì? Người ưa pháp nhỏ là còn nghĩ đời sau mình hưởng đó là
ngã kiến, người giúp cho mình được hưởng đó là nhân kiến, chúng sanh
kiến, thọ giả kiến đầy đủ. Vì thế đối với kinh này, người đó
khó mà nghe, thọ trì, đọc tụng, vì người giải nói. Người chấp ngã
đối với kinh Kim Cang thì khó nghe, khó nhận, khó thọ trì đọc tụng tại
vì không tin. Kinh Kim Cang chỉ thẳng ngã là tướng hư dối, các pháp hiện
tại là tướng hư dối, chỉ sống trở về với trí tuệ Bát-nhã, sống
trở lại với pháp thân, cái đó mới chân thật. Vậy người biết rõ
thân và cảnh giả dối, đó là hiểu kinh Kim Cang (Phàm sở hữu tướng
giai thị hư vọng) và biết ngay nơi mình có cái trí tuệ Bát-nhã bất sanh
bất diệt, đó là trì kinh Kim Cang. Biết rõ cảnh không thật, thân không
thật mới nhận ra mình có cái chân thật, trong người giả có lồng cái
chân thật, nhận được như thế mới tin kinh Kim Cang. Như vậy được bao
nhiêu người tin? Lời Phật dạy, ai cũng tin cả. Nói thì nói thế, nhưng
tin được lẽ đó là lẽ thật thì hơi khó, vì thấy mình thật mà Phật
nói giả, thấy cảnh thật mà Phật nói giả thì làm sao mình chịu, còn
cái Phật nói là thật thì mình lại không thấy, thế nên nói kinh này rất
khó tin. Nhưng nếu tin được thì người đó không còn bốn tướng ngã
nhân chúng sanh thọ giả, còn người chưa tin là còn nguyên bốn tướng.
Người ấy không làm sao tu pháp cao siêu giải thoát được, họ chỉ thích
những pháp nhỏ, nghĩa là đời này tu đời sau hưởng, hoặc bây giờ làm
mai mốt hưởng.
Kết luận Phật nói rằng kinh này
ở nơi nào thì tất cả thế gian trời, người, a-tu-la đều nên cúng dường
như là cúng dường tháp, đi nhiễu chung quanh, đem hương hoa dâng cúng. Đây
là đức Phật chỉ pháp này cao siêu tối thượng vượt hơn tất cả pháp
thế gian, ai hiểu được pháp đó đều nên cung kính cúng dường.
ĐOẠN 16 : NĂNG TỊNH NGHIỆP
CHƯỚNG [Mục lục]
Phục thứ Tu-bồ-đề! Nhược thiện
nam tử, thiện nữ nhân thọ trì, độc tụng thử kinh, nhược vi nhân khinh
tiện, thị nhân tiên thế tội nghiệp, ưng đọa ác đạo, dĩ kim thế nhân
khinh tiện cố, tiên thế tội nghiệp tắc vi tiêu diệt, đương đắc A-nậu-đa-la
tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Ngã niệm quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ-kiếp,
ư Nhiên Đăng Phật tiền đắc trị bát bách tứ thiên vạn ức na-do-tha chư
Phật, tất giai cúng dường thừa sự vô không quá giả. Nhược phục hữu
nhân ư hậu mạt thế năng thọ trì độc tụng thử kinh, sở đắc công đức,
ư ngã sở cúng dường chư Phật công đức, bách phần bất cập nhất,
thiên vạn ức phần, nãi chí toán số thí dụ sở bất năng cập. Tu-bồ-đề!
Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân, ư hậu mạt thế, hữu thọ trì độc
tụng thử kinh, sở đắc công đức, ngã nhược cụ thuyết giả, hoặc hữu
nhân văn tâm tắùc cuồng loạn hồ nghi bất tín. Tu-bồ-đề! Đương tri
thị kinh nghĩa bất khả tư nghị, quả báo diệc bất khả tư nghị.
DỊCH: HAY LÀM SẠCH CÁC NGHIỆP CHƯỚNG.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nếu
có người thiện nam, thiện nữ thọ trì đọc tụng kinh này, nếu bị người
khinh chê, người này do tội nghiệp đời trước lẽ ra phải đọa trong
đường ác, do đời này bị người khinh chê nên tội nghiệp đời trước
ắt là tiêu diệt, sẽ được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này
Tu-bồ-đề, ta nhớ thuở quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, ở trước
đức Phật Nhiên Đăng, ta được gặp tám trăm bốn ngàn muôn ức na-do-tha
các đức Phật, ta đều cúng dường thờ phụng không sót một vị nào. Nếu
lại có người ở đời mạt pháp sau này hay thọ trì đọc tụng kinh này,
được công đức, đối với công đức cúng dường chư Phật của ta,
trăm phần chẳng bằng một, ngàn muôn ức phần cho đến toán số thí dụ
đều không thể bằng.
Này Tu-bồ-đề! Nếu người thiện
nam thiện nữ ở đời mạt pháp sau này, có người thọ trì đọc tụng
kinh này, được công đức, nếu ta nói cho đủ hoặc có người nghe tâm tất
cuồng loạn, hồ nghi, không tin. Này Tu-bồ-đề, nên biết kinh nghĩa này
không thể nghĩ bàn nên quả báo cũng không thể nghĩ bàn.
GIẢNG:
Trước khi giảng qua phần thứ mười
sáu, tôi nhắc lại phần trước một chút khi nói về bố thí thân. Tôi dẫn
một ví dụ nhỏ để quí vị thử xem mình dám bố thí không. Giả như ban
đêm chúng ta ngủ, mộng thấy đi nơi này, nơi kia và cũng có nhà cửa đủ
các thứ. Đến một lát sau giật mình tỉnh cơn mộng, đó là mộng số một,
thân mộng số một. Đến khuya lại mộng lần nữa, cũng thấy cảnh thân
v.v… đó là mộng số hai. Như vậy cọng lại, cả đời mình bao nhiêu lần
mộng? Không biết mấy ngàn cái mộng. Trong mấy ngàn mộng đó, đều có
thân có cảnh. Giả sử có người đem hết các thân cảnh trong mộng đó
đổi lấy thân của một đứa nhỏ chừng năm, ba tuổi, quí vị chịu đổi
không? Bao nhiêu thân và cảnh trong mộng đó, dù là cả trăm ngàn thân và
cảnh mộng, đem đổi một đứa bé thật độ năm, ba tuổi thì ai chịu đổi?
Thân của đứa bé sống dài lắm chỉ là chín mươi năm thôi mà đổi bao
nhiêu thân trong mộng mình còn không chịu đổi thay! Trong mỗi giấc mộng
đều có thân có cảnh nhưng khi hết mộng thì mất, vậy thân cảnh trong mộng
đó thật hay giả? Trong mộng thì ai nói giả được, chỉ khi thức rồi mới
biết nó giả. Hiện tại chúng ta cũng giống như thế, bao nhiêu thân cảnh
chúng ta đang sống - nghĩa là đang mê - thì đều thấy nó thật cả, nên nếu
đổi nó với một thân chân thật thì chúng ta không đồng ý. Nhưng đến
chừng giật mình thức giấc, tức là được tỉnh rồi, khi đó mới thấy
rằng đổi bao nhiêu thân mộng cho một cái thân thật này cũng không xứng
đáng nữa. Song phải đợi tỉnh đã, bây giờ còn mê thì thấy nó quí vô
ngần!
Đến phần mười sáu, trước hết
đức Phật bảo rằng nếu có người thiện nam thiện nữ hay thọ trì đọc
tụng kinh này, nếu người đó bị người ta chê bai thì đó là do tội đời
trước, đáng lý họ phải đọa trong địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh nhưng
hiện đời này bị chê bai cho nên tội nghiệp đời trước liền tiêu diệt,
sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy Phật nói rất rõ.
Ai trì kinh này thì tội nghiệp đời trước sẽ giảm đi, lý đáng phải bị
đọa trong địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh nhưng nhờ trì kinh này nên chỉ
bị người chê bai thôi và tương lai sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác. Như thế, nếu có người nói: Coi chừng trì kinh này thì đổ nghiệp,
quí vị phải trả lời thế nào? Người đó nói theo Phật hay nói theo ai?
Phật bảo một đàng mà nói một ngã thì đó là ma nói rồi. Nói đổ nghiệp
để ngăn không cho người ta trì kinh , đó là ngăn trở người ta tu hành
phải không? Ở đây Phật khuyên chúng ta trì kinh để giảm nghiệp, đáng
lẽ phải đọa trong ba đường ác mà bây giờ chỉ bị chê bai một chút
thôi thì nhẹ biết chừng nào, vậy là giảm tối thiểu đó. Thế mà có
người nói coi chừng tụng kinh Kim Cang thì đổ nghiệp, quí vị xác định
cho kỹ xem câu nói đó là ai nói? Câu đó là ma nói. Giả sử người cạo
tóc ở chùa mà nói câu đó thì không phải là người tu nữa, vì Phật bảo:
Ngoài kinh mà nói là ma nói. Ở đây kinh chỉ rõ ràng mà họ nói khác đi,
không có chỗ y cứ thì không phải ma là gì? Như vậy quí vị nên dè dặt
đừng nói sai kinh mà mang tội. Thế nên chúng ta phải hiểu rõ lời Phật
dạy. Nếu có ai hỏi: Tôi có thể trì kinh Kim Cang được không và trì kinh
Kim Cang có đổ nghiệp không, thì quí vị trả lời ra sao? Chúng ta phải
nói: Trì kinh Kim Cang là giảm nghiệp chớ không phải đổ nghiệp và dẫn
câu này làm chứng: Nếu có người trì kinh này bị người khinh chê, người
này do tội ác đời trước, lẽ ra bị đọa đường ác mà đời này bị
người khinh chê nên nghiệp ác đời trước hết và sau sẽ thành Phật.
Tiếp theo đức Phật so sánh công
đức trì kinh, trong đoạn trước Ngài so sánh với công đức bố thí nội
tài và ngoại tài rồi, đến đây Ngài so sánh với công đức cúng dường
Phật. Ngài bảo rằng: Trước đức Phật Nhiên Đăng (đến Phật Nhiên
Đăng, Ngài được thọ ký thành Phật), Ngài đã gặp tám trăm bốn ngàn
muôn ức na-do-tha chư Phật, Ngài đều cúng dường thờ phụng không sót một
vị nào. Nếu trong đời mạt pháp này có người trì kinh Kim Cang, thì sánh
với công đức Ngài cúng dường bao nhiêu đức Phật đó, công đức của
Ngài không bằng một phần công đức của người trì kinh Kim Cang kia, cho
đến toán số thí dụ cũng không bì kịp. Như vậy quí vị có tin nổi
không? Quí vị có cúng dường được đức Phật nào chưa? Thật ra trong
kinh nói: Ra đời mà gặp Phật là quí vô lượng vô biên, huống nữa là
cúng dường bao nhiêu đức Phật, vậy mà không bằng người trì kinh Kim
Cang là tại sao? Cúng dường đó là chúng ta đem cái gì cúng dường? Của
cải bên ngoài và tâm thành kính bên trong của mình phải không? Nhưng tâm
thành kính đó là sanh diệt hay là bất sanh diệt? Tâm thành kính cúng dường
đó là tâm sanh diệt, của cải cũng là tướng sanh diệt. Trì kinh là
không còn thấy ngã thật, nhân thật mà thấy được ngay nơi mình có trí
Kim Cang, nhận ra được trí chân thật đó tức là trì kinh Kim Cang. Như vậy
bao nhiêu cái sanh diệt kia đâu bì được với cái chân thật. Thế nên Phật
bảo công đức cúng dường không bằng một phần công đức trì kinh. Nhưng
hiện nay nghe nói cúng dường thì thích mà nói trì kinh thì ngán phải
không? Nếu bảo quí vị tổ chức lễ cúng dường Phật, cúng dường chư
tăng được phước vô lượng thì ai cũng chịu, nếu bảo trì kinh Kim Cang
thì ai cũng ngán. Chao ôi! Kinh gì nói không có ngã, không có nhân, không có
chúng sanh, thọ giả, vậy chớ ai đây? Ai kia? Cứ thấy mình thật, người
thật nên không kham trì kinh Kim Cang, chớ nếu hiểu rõ ngã, nhân và pháp
đều là tướng hư giả không thật thì người trì kinh Kim Cang là công đức
vô kể.
Thế nên đức Phật mới bảo rằng:
Này Tu-bồ-đề, nếu có người thiện nam thiện nữ nào ở trong đời mạt
pháp thọï trì kinh Kim Cang, thì công đức của người đó nếu ta nói cho
đủ hoặc có người nghe thì tâm họ sanh cuồng loạn hồ nghi. Vì quá
sức tưởng tượng của con người nên họ hoảng hốt, họ hồ nghi, không
tin. Ngài bảo thêm: Nên biết nghĩa của kinh này không thể nghĩ bàn cho
nên quả báo cũng không thể nghĩ bàn. Tại sao nghĩa không thể nghĩ bàn?
Vì Kim Cang Bát-nhã là trí chân thật bất sanh bất diệt của chúng ta, là
chân tâm bất sanh bất diệt hay pháp thân bất sanh bất diệt của mình,
cái đó không bị giới hạn trong thời gian và không gian. Bởi không giới
hạn trong thời gian, không gian nên thường nói là tuyệt đối, vượt ngoài
đối đãi. Còn tất cả pháp thế gian đều nằm trong tương đối, vì tương
đối nên là tướng sanh diệt. Quí vị kiểm lại xem trong cuộc sống này
có cái gì không phải là tương đối? Như tối và sáng là tương đối,
cho nên hiện giờ sáng, một lát nữa tối, rồi đến sáng, sáng tối đuổi
nhau sanh diệt. Như vậy sáng tối là tương đối nên là tướng sanh diệt.
Nam nữ cũng là tương đối cho nên nam nữ hợp là có sanh, sanh thì có tử,
đó là tướng sanh diệt. Trên thế gian này tất cả đều là tương đối,
đó là pháp sanh diệt. Pháp sanh diệt bì sao được với pháp không sanh diệt.
Thế nên nghĩa của pháp không sanh diệt cao siêu vô tận và quả báo cũng
vô tận. Còn nghĩa của pháp sanh diệt là hữu tận thì quả báo cũng hữu
tận. Đem cái hữu tận so với cái vô tận thì không bao giờ sánh kịp.
Quí vị hiểu như thế nào? Hiểu
qua lời giải chớ chưa hiểu thật sự. Người nào thấy rõ thân này là
ảo mộng là huyễn hóa như bọt như bóng, thấy cảnh cũng vậy thì người
đó mới thật hiểu, người đó là người trì kinh Kim Cang. Còn nếu hiểu
mơ hồ, vẫn thấy mình là thật thì chưa trì nổi kinh Kim Cang. Nếu có, đó
là trì bằng chữ, bằng ngôn ngữ chớ chưa phải trì bằng tâm trí quán
chiếu. Trái lại nếu thấy rõ hoặc xét rõ thân cảnh là tướng duyên hợp
hư giả, đó là trì bằng trí tuệ quán chiếu. Trì bằng chữ nghĩa gọi là
văn tự Bát-nhã , còn dùng trí soi xét quán chiếu đó là quán chiếu
Bát-nhã. Sống được với trí tuệ bất sanh bất diệt, đó là thật tướng
Bát-nhã, đó mới là bất sanh bất diệt. Quí vị nhớ nên ứng dụng cái
thứ hai hơn là cái thứ nhất, vì văn tự chữ nghĩa đọc qua rồi mất, còn
quán chiếu mới thấm sâu vào trong, đó là cái để đi đến thật tướng.
ĐOẠN 17 : ỨU KÍNH VÔ NGÃ.
[Mục lục]
Nhĩ thời Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn:
Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhân phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề
tâm, vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm? Phật cáo Tu-bồ-đề: Thiện
nam tử, thiện nữ nhân phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm giả,
đương sanh như thị tâm, ngã ưng diệt độ nhất thiết chúng sanh, diệt
độ nhất thiết chúng sanh dĩ nhi vô hữu nhất chúng sanh thật diệt độ
giả. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề! Nhược Bồ-tát hữu ngã tướng, nhân tướng,
chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ-tát. Sở dĩ giả hà? Tu-bồ-đề!
Thật vô hữu pháp phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm giả. Tu-bồ-đề!
Ư ý vân hà? Như Lai ư Nhiên Đăng Phật sở, hữu pháp đắc A-nậu-đa-la
tam-miệu tam-bồ-đề phủ?
- Phất dã Thế Tôn! Như ngã giải
Phật sở thuyết nghĩa, Phật ư Nhiên Đăng Phật sở, vô hữu pháp đắc
A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.
Phật ngôn: Như thị, như thị! Tu-bồ-đề,
thật vô hữu pháp Như Lai đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề!
Nhược hữu pháp Như Lai đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề giả, Nhiên
Đăng Phật tắc bất dữ ngã thọ ký: Nhữ ư lai thế đương đắc tác Phật,
hiệu Thích-ca Mâu-ni. Dĩ thật vô hữu pháp đắc A-nậu-đa-la tam-miệu
tam-bồ-đề, thị cố Nhiên Đăng Phật dữ ngã thọ ký, tác thị ngôn: Nhữ
ư lai thế, đương đắc tác Phật, hiệu Thích-ca Mâu-ni. Hà dĩ cố? Như
Lai giả, tức chư pháp như nghĩa. Nhược hữu nhân ngôn: Như Lai đắc A-nậu-đa-la
tam-miệu tam-bồ-đề, Tu-bồ-đề! Thật vô hữu pháp Phật đắc A-nậu-đa-la
tam-miệu tam-bồ-đề. Tu-bồ-đề! Như Lai sở đắc A-nậu-đa-la tam-miệu
tam-bồ-đề, ư thị trung, vô thật vô hư, thị cố Như Lai thuyết: Nhất
thiết pháp giai thị Phật pháp. Tu-bồ-đề! Sở ngôn nhất thiết pháp giả
tức phi nhất thiết pháp, thị cố danh nhất thiết pháp. Tu-bồ-đề! Thí
như nhân thân trường đại.
Tu-bồ-đề ngôn: Thế Tôn! Như Lai
thuyết nhân thân trường đại tắc vi phi đại thân, thị danh đại thân.
Tu-bồ-đề! Bồ-tát diệc như thị.
Nhược tác thị ngôn: Ngã đương diệt độ vô lượng chúng sanh, tức bất
danh Bồ-tát. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề! Thật vô hữu pháp danh vi Bồ-tát, thị
cố Phật thuyết nhất thiết pháp vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ
giả. Tu-bồ-đề! Nhược Bồ-tát tác thị ngôn: Ngã đương trang nghiêm Phật
độ, thị bất danh Bồ-tát. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết trang nghiêm Phật độ
giả, tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm. Tu-bồ-đề! Nhược Bồ-tát
thông đạt vô ngã pháp giả, Như Lai thuyết danh chân thị Bồ-tát.
DỊCH: TỘT CÙNG KHÔNG CÓ NGÃ.
Khi ấy ngài Tu-bồ-đề bạch Phật
rằng: Bạch Thế Tôn! Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác làm sao an trụ, làm sao hàng phục tâm kia? Phật bảo
Tu-bồ-đề: Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh
đẳng Chánh giác nên sanh tâm như thế này: Ta nên diệt độ tất cả chúng
sanh, diệt độ tất cả chúng sanh rồi mà không có một chúng sanh thật diệt
độ. Vì cớ sao? Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn tướng ngã, tướng nhân, tướng
chúng sanh, tướng thọ giả ắt không phải là Bồ-tát. Vì cớ sao? Tu-bồ-đề,
thật không có pháp phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề!
YÙ ông nghĩ sao? Như Lai ở nơi Phật Nhiên Đăng có pháp được Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác chăng?
- Bạch Thế Tôn, không vậy! Như chỗ
hiểu của con qua nghĩa Phật nói, Phật ở nơi Phật Nhiên Đăng không có
pháp được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Phật bảo: Như thế, như thế! Tu-bồ-đề,
thật không có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này
Tu-bồ-đề! Nếu có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác
thì đức Phật Nhiên Đăng ắt không thọ ký cho ta: Ở đời sau, ông sẽ
được thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni. Do thật không có pháp được Vô
thượng Chánh đẳng Chánh giác, thế nên đức Phật Nhiên Đăng mới thọ
ký cho ta, nói thế này: Ở đời sau, ông sẽ được thành Phật hiệu là
Thích-ca Mâu-ni. Vì cớ sao? Như Lai tức là nghĩa Như của các pháp. Nếu
có người nói Như Lai được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, này
Tu-bồ-đề, thật không có pháp Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác. Này Tu-bồ-đề! Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác,
ở trong ấy không thật, không hư. Thế nên Như Lai nói tất cả pháp đều
là Phật pháp. Này Tu-bồ-đề! Nói tất cả pháp đó tức không phải tất
cả pháp, nên gọi là tất cả pháp. Này Tu-bồ-đề thí như có người thân
cao lớn.
Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn!
Như Lai nói thân người cao lớn ắt không phải thân lớn, ấy gọi là
thân lớn.
- Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng như
thế, nếu nói lời thế này: Ta sẽ diệt độ vô lượng chúng sanh, ắt
không gọi là Bồ-tát. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề! Thật không có pháp tên
là Bồ-tát. Thế nên Phật nói: tất cả pháp không ngã, không nhân, không
chúng sanh, không thọ giả. Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát nói lời thế
này: Ta sẽ trang nghiêm cõi Phật, ấy chẳng gọi là Bồ-tát. Vì cớ sao?
Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật tức chẳng phải trang nghiêm, ấy gọi là
trang nghiêm. Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát thông đạt pháp vô ngã, Như Lai
gọi đó là chân thật Bồ-tát.
GIẢNG:
Chúng tôi đã nói với quí vị rằng:
Kinh Kim Cang chủ yếu là trả lời hai câu hỏi: Làm sao an trụ tâm, làm
sao hàng phục tâm, nhưng câu hỏi đó phải đi đôi với câu trước là
người phát tâm cầu thành Phật chớ không phải người thường.
Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tức phát tâm cầu
thành Phật, làm sao trụ tâm, làm sao hàng phục tâm? Câu hỏi đó ở trước
Phật trả lời rồi, vậy tại sao ở đây ngài Tu-bồ-đề lại hỏi nữa?
Bởi vì hai câu hỏi này là tối hệ trọng trên đường tu hành, nếu
chúng ta nghe lướt qua, không chăm chỉ để hết tâm trí vào đó thì khó
mà lãnh hội nổi, cho nên Ngài nhắc lại một lần nữa để Phật giải.
Do đó tôi gọi là điệp khúc. Đó là vì Ngài muốn chúng ta thấy rõ ý Phật
dạy cách hàng phục tâm, cách an trụ tâm.
Đức Phật trả lời: Nếu người
thiện nam, thiện nữ phát tâm cầu thành Phật nên sanh tâm như thế này:
Ta nên diệt độ tất cả chúng sanh, nhưng độ tất cả chúng sanh rồi mà
không có một chúng sanh nào được diệt độ. Độ là qua, diệt là mất,
tức là đưa tất cả chúng sanh qua chỗ tịch diệt qua mất hết. Tôi đã
từng nói với quí vị: Mỗi niệm là một chúng sanh, đưa nó đến chỗ vô
sanh, đưa nó qua đó rồi nhìn lại không còn chúng sanh nào hết, mà không
còn một chúng sanh nào, như vậy lúc đó có còn tướng ngã, nhân, chúng
sanh, thọ giả không? Quí vị nhớ chúng ta còn thấy ngã, nhân, chúng sanh,
thọ giả là do niệm sanh phải không? Do niệm khởi mới chấp ngã, nhân,
chúng sanh, thọ giả. Nếu niệm không khởi thì lấy gì chấp? Thế nên
nói độ qua hết rồi thì không còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng
sanh, tướng thọ giả. Sở dĩ hiện tại ai nói đến tên chúng ta liền nổi
giận là vì vừa nghe nói, niệm liền khởi phân biệt nên mới giận, nếu
nghe nói mà niệm không khởi thì đâu có giận. Nếu dấy niệm thì chấp
ngã cho nên sân, không dấy niệm thì không chấp ngã cho nên không sân.
Không chấp ngã thì không chấp nhân do đó tham sân si đâu còn. Như vậy chúng
ta thấy rõ độ tất cả niệm đến chỗ vô sanh rồi bốn tướng cũng
theo đó hết. Trái lại còn có niệm sanh thì còn bốn tướng. Thế nên muốn
hàng phục tâm mình đến chỗ an trụ viên mãn thì phải độ tất cả chúng
sanh. Tại sao ở đây đức Phật chỉ trả lời câu hàng phục tâm chớ
không nói an trụ tâm? Bởi vì hàng phục rồi là an trụ. Ởû đoạn trước
Phật dạy an trụ riêng, hàng phục riêng, nhưng ở đây kết thúc lại thì
hàng phục là an trụ. Quí vị thử hàng phục tâm mình đi. Nếu mình độ
hết tất cả chúng sanh rồi thì có an trụ không? Đó là an trụ rồi, vì
vậy không cần nói đến an trụ nữa. Nói độ tất cả chúng sanh mà
không thấy có chúng sanh thật diệt độ. Do đó Phật bảo: Này Tu-bồ-đề,
nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ
giả thì không phải là Bồ-tát. Người không còn bốn tướng là người
gì? Như vậy quí vị lo gì mình không làm Bồ-tát được. Nếu mình đừng
dấy niệm, đừng khởi chấp ngã, lúc đó dù mình không tự xưng là Bồ-tát,
không mang nhãn hiệu Bồ-tát nhưng vẫn là Bồ-tát. Trái lại dù mang nhãn
hiệu Bồ-tát A, Bồ-tát B v.v… mà niệm khởi liền liền thì có phải là
Bồ-tát chưa? Như vậy chúng ta thấy rõ Bồ-tát là người tâm không còn
chấp, không còn kẹt. Hiểu như thế mới thấy được ý nghĩa của sự tu
hành là phải đi đến chỗ độ hết chúng sanh, độ hết chúng sanh rồi
là hàng phục, hàng phục rồi liền an trụ. Như thế mới thật là Bồ-tát.
Tiếp theo Phật liền đặt câu hỏi:
Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, thật không có pháp phát tâm Vô thượng Chánh
đẳng Chánh giác. Thường thường khi tu, chúng ta thích lựa pháp cao để
tu cốt mau thành Phật. Tuy nhiên khi phát tâm cầu thành Phật thì pháp để
chúng ta ứng dụng tu là thật hay không thật? Nếu thấy pháp đó thật
thì tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả còn hay
không? Như muốn qua sông, tôi nhờ chiếc đò đưa qua sông rồi, tôi thấy
chiếc đò là thật thì thế nào? Đò thật thì tôi cũng thật, người chèo
đò cũng thật. Tất cả đều thật! Thế nên qua sông rồi, thấy đò
không còn quan trọng nữa mới bỏ đò được. Như vậy còn có pháp thì
còn có ngã, còn có ngã thì còn có pháp, hai cái đó hỗ tương. Đoạn trước
Phật phá chấp ngã, ở đây Phật phá thêm chấp pháp. Đây không phải
pháp thường, pháp này là pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà còn
không thấy là thật, thì tất cả pháp thế gian có pháp nào thật đâu!
Khi chúng ta đưa ra một ý kiến, đó là pháp, nhưng nếu điều mình nói
mà người ta không theo thì sao? Chúng ta giận phải không? Cái đó là phi
pháp thì tại sao chúng ta giận? Pháp còn nên xả, hà huống phi pháp,
nên nhớ câu đó. Nếu không chấp pháp thì không còn buồn phiền. Trái lại
nếu nói việc này là thật là phải mà người ta không chịu nghe thì sao?
Bởi chấp nó phải nên biến thành sân si, mà biến thành sân si thì còn phải
nữa không? Chúng ta chấp việc phải là chấp pháp phải, chấp pháp phải
rồi thì ngã nổi lên, ngã nổi lên tức si mê dấy khởi. Thế nên người
tu đến cả pháp cũng không chấp nữa.
Đến đây tôi nói tế nhị hơn,
như hiện nay quí phật tử thường nghe chúng tôi dạy tu thiền, thấy tu
thiền hay liền ứng dụng tu. Bất thần, hôm nào có người chỉ mặt nói
tu thiền là điên, là ngu si thì quí vị nghĩ sao? Lúc đó nếu chấp pháp của
tôi hay thì ngã nổi lên, tức thì muốn đàn áp, muốn gây sự với họ.
Như vậy có pháp là có ngã. Đó là chỉ nói pháp tu thiền thôi. Còn đức
Phật bảo cả pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng không thật. Thật
là cao siêu, thâm diệu! Thế gian chúng ta quá nông nổi, những vọng tưởng
là ý nghĩ không thật mà còn chấp, nghĩ ra là muốn bắt người khác theo,
ai không theo thì giận ngay, thật là phi lý làm sao! Nếu ai gạt bỏ được
những cái phi lý đó thì lần lần sẽ bớt khổ, bớt sân si. Đó là chỗ
tu. Thế nên phải thuộc lòng câu Pháp thượng ưng xả hà huống phi
pháp. Pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác còn phải bỏ, huống nữa
là cái phi pháp. Hiểu như vậy, quí vị mới sống một cách thoải mái nhẹ
nhàng. Chúng ta hiểu, chúng ta ứng dụng tu mặc người đời chê khen. Giải
thoát hay không là việc làm của mình, họ khen mình cũng không giải thoát,
họ chê mình cũng không trầm luân. Chúng ta biết rõ tu như thế là có ích
lợi cho mình thì cứ việc tu. Thí dụ như quí phật tử hàng ngày, buổi
sáng, buổi trưa khi đói bụng thì ăn cơm, xong rồi thấy khỏe, đi làm
công tác được; đều đều bữa nào như bữa ấy, mình thấy vui vẻ nhẹ
nhàng. Bây giờ bất thần có người bảo ăn cơm là ngu si, là vô ích thì
lúc đó chúng ta cứ ăn hay là ngưng không ăn? Vô lý quá, mình không ăn để
đói sao? Thế nên những lời nói dù là lời chửi mắng, chê bai, mình nghe
làm gì, nổi sân làm chi? Chúng ta biết rõ trăm phần đó là lẽ thật thì
ai nói gì cũng mặc, chuyện mình làm mình biết rõ rồi. Người như vậy mới
là người thật tin lẽ thật. Có nhiều người đang làm một việc lợi
ích thật, nhưng vừa nghe người khác chỉ trích liền hoảng hốt nghi ngờ,
đó là chưa có kinh nghiệm, chưa nhận lẽ thật; chớ nếu có kinh nghiệm,
nhận lẽ thật rồi thì ai nói gì cũng không thay đổi lập trường. Trong
sự tu hành cũng phải như thế. Quí vị thấy câu Pháp còn nên bỏ huống
là phi pháp thật hay vô cùng, chúng ta ứng dụng thì lợi ích biết bao
nhiêu. Chúng ta nghĩ phải mà nếu ai nói không phải, chúng ta bảo làm, họ
nói không phải không làm, thì chúng ta nghĩ pháp của Phật còn phải xả
huống nữa là cái phi pháp này, do đó chúng ta không giận hờn chi cả.
Chúng ta có quyền đề nghị nhưng nghe theo hay làm theo là quyền của người,
như vậy chúng ta mới không sân hận. Nhất là quí đạo hữu có quyền
làm chủ gia đình, hay lấy quyền làm chủ bắt mọi người theo mình, nhiều
khi đề nghị sai nhưng tự ái không dám nhận lỗi. Thế nên nếu mình cởi
mở, cho mỗi người được tự do, mình đề nghị nhưng khi thấy hợp, thấy
hay thì họ làm, khi thấy không hợp, không hay thì thôi, mình cũng cười,
không hờn gì cả, như vậy là an ổn nhất trong đời tu của mình.
Đức Phật lại hỏi tiếp: Tu-bồ-đề,
ý ông nghĩ sao? Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng có pháp được Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác không? Ngài Tu-bồ-đề phủ nhận: Bạch Thế
Tôn, không. Tại sao Ngài dám phủ nhận? Chúng ta thấy Ngài nói thật
là dè dặt: Như chỗ hiểu của con qua lời Phật nói, Phật ở chỗ Phật
Nhiên Đăng không có pháp được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bởi
vì Ngài chưa thành Phật, Ngài chưa xả được, nhưng hiện giờ Ngài hiểu
qua lời Phật dạy. Người xưa thật kỹ lưỡng, còn chúng ta bây giờ vừa
hiểu một chút là nói bướng, xưng là ta nói, ta hiểu. Phật khen: Đúng
như vậy, đúng như vậy, này Tu-bồ-đề, thật không có pháp Như Lai được
Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu thấy có pháp để được thì
còn ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Phật giải nghĩa thêm: Này Tu-bồ-đề,
nếu có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì đức Phật
Nhiên Đăng ắt không thọ ký cho ta: Ở đời sau ông sẽ được thành Phật
hiệu là Thích-ca Mâu-ni. Nếu ta còn thấy có pháp để được thì Phật
Nhiên Đăng không bao giờ thọ ký cho ta thành Phật. Do thật không có
pháp được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên đức Phật Nhiên Đăng
mới thọ ký cho ta. Bởi Phật không thấy có pháp được nên Ngài được
thành Phật, trái lại nếu thấy có một pháp được là không được thành
Phật. Cũng thế, tất cả chúng ta tu mà còn thấy thân này thật, cảnh thật,
pháp thật, thì không giác ngộ. Trái lại nếu chúng ta thấy nó giả, tạm
có trong một thời gian ngắn chừng vài mươi năm không đáng kể, thì
chúng ta trở về sống với cái thật. Đó là chúng ta tỉnh, chúng ta giác,
do tỉnh giác tương lai sẽ được Phật thọ ký. Như trong đoạn trước Phật
bảo người trì kinh này, do tội đời trước, đáng lẽ bị đọa địa ngục,
nhưng chỉ bị mắng chê thôi và sau này sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác. Đó là đúng lời Phật nói chớ tôi đâu dám ức thuyết. Phật
nói rõ ràng như vậy, nghĩa là người nào biết rõ thân này, cảnh này là
hư giả, do duyên hợp tạm có một lúc rồi hoại, trong cái tướng hư giả
đó có cái chân thật đang bày hiện nơi sáu căn của chúng ta, nếu chúng
ta sống được với nó thì tất cả cái hư giả đều vô nghĩa. Nếu không
còn chấp thân, chấp cảnh, chấp pháp thì lúc đó sẽ được Như Lai ắt
thấy chúng ta, ắt biết chúng ta tương lai sẽ thành Phật không nghi. Như
thế làm người giác có khó không? Tôi thấy không khó chút nào, chỉ cần
vận dụng trí nhìn cho đúng, thấy cho đúng thôi. Tỉnh rồi thì giác. Vậy
tại sao không dùng trí mà cứ dùng tình thương ghét, buồn, giận rồi cả
ngày nó cứ dẫn mình chạy loanh quanh không dừng. Thương ai, vắng mặt thì
trông, thì tìm; ghét ai, gặp mặt thì tức, thì tránh. Chúng ta sống với
cái Biết tất cả là giả, mang cái giả chạy tìm cái giả làm chi cho cực.
Biết thế rồi cả ngày sống an lành tự tại, lúc nào cũng cười, vì tất
cả đều giả thì có gì quan trọng mà giận, mà buồn!
Tuy không quan trọng nhưng vẫn phải
làm, đó là chủ trương của Bồ-tát. Như Ngũ minh và Tứ nhiếp pháp là
những phương tiện để Bồ-tát giáo hóa chúng sanh. Biết rằng thân giả,
cảnh giả nhưng khi mê người ta thấy nó thật. Họ đang đói phải cho họ
cơm ăn cho đỡ đói rồi mới giảng đạo lý, lúc tỉnh rồi họ mới
nghe. Vì vậy mà Bồ-tát biết thân cảnh như huyễn, nhưng vẫn phải làm
giúp người no ấm rồi mới giảng đạo lý cho họ nghe. Quí vị phải hiểu
cho rõ, nếu không hiểu thì học Đại thừa trở thành Tiểu thừa tiêu cực.
Tại sao? Bởi vì nghe cái gì cũng giả thì chúng ta muốn ngồi không cho rồi,
làm chi nữa vô ích. Như vậy trở thành tiêu cực yếm thế. Chỉ có mình
biết nó giả chớ mọi người chưa biết, muốn cho người biết, mình phải
có nghề nghiệp cho khéo (công xảo minh) để dạy người ta làm, trong khi
làm mới nói chuyện đạo lý cho họ nghe, lần lần người ta thấm, đó
là hạnh Bồ-tát. Quí vị phải hiểu như vậy mới đúng tinh thần kinh Kim
Cang, đừng hiểu khác rồi trở thành tiêu cựïc yếm thế, trái đạo Đại
thừa. Đó là chỗ thực tế của Phật pháp. Tóm lại đức Phật chỉ rõ
nếu ở chỗ Phật Nhiên Đăng, Ngài còn thấy có pháp Vô thượng Chánh đẳng
Chánh giác thì Phật Nhiên Đăng không thọ ký cho Ngài, bởi Ngài không thấy
có pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên mới được Phật Nhiên
Đăng thọ ký cho sau này thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.
Ngài nói thêm: Vì cớ sao? Như
Lai tức là nghĩa như của các pháp. Học kinh Kim Cang là quí vị thâm nhập
được nghĩa Như Lai. Kinh Kim Cang giải thích nghĩa Như Lai quá rõ. Nếu có
người hỏi thế nào là Như Lai, quí vị dùng kinh Kim Cang mà đáp: Như
Lai giả vô sở tùng lai diệc vô sở khứ cố danh Như Lai, hoặc Như
Lai giả tức chư pháp như nghĩa. Như Lai là gì? Như Lai là nghĩa như của
các pháp. Nghĩa như các pháp là thế nào? Các pháp như đó là Như Lai. Các
pháp làm sao như được? Tỉ dụ khi chúng ta đi, lúc đi là như như hay là
động? Nếu là động, là biến đổi, là xê dịch thì đâu phải là như,
cho đến tất cả sự vật ở cõi này có cái nào như đâu, cái nào cũng
đang động, đang xê dịch, tại sao nói Như Lai là nghĩa như của các pháp?
Đúng vậy, Như Lai là nghĩa như của các pháp, bởi vì các pháp tự nó
không động, mà động là do duyên hợp và do tâm động tịnh của mình,
nên phân biệt cảnh động tịnh, như chuyện hai Sa di nói phướn động với
gió động, còn Lục tổ nói tâm nhân giả động. Nếu tâm không động thì
phướn còn động, gió còn động không? Tâm mình như thì cảnh cũng như,
cho nên nói Như Lai là nghĩa như của các pháp. Khi nào đối với cảnh, tâm
mình như như bất động thì đó là Như Lai chớ không có gì lạ cả. Như
thế Phật chỉ hết sức rõ. Ví dụ như nhìn tất cả quí vị tôi thấyï
rõ hết, nhưng tôi không dấy một niệm phân biệt để thương người này,
ghét người kia. Tâm không dấy niệm thương ghét, đó là tâm Phật bình đẳng,
đó là như, do tâm như nên cảnh cũng như. Đối với tất cả pháp ở cõi
này cũng thế, gió thổi lá cây rung v.v… nhưng tâm mình như thì không dấy
niệm phân biệt động tịnh. Phân biệt động tịnh thì các pháp động tịnh;
không dấy niệm thì các pháp tự như đó là nghĩa Như Lai. Như vậy chúng
ta thấy có cái nhất quán từ trước đến giờ. Phật dạy độ tất cả
chúng sanh mà không thấy chúng sanh được diệt độ, đó là Như Lai. Đến
chỗ đó, không còn một niệm tức tâm mình như thì đối cảnh cũng như,
đó là Như Lai, đó là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Rõ ràng lời Phật
dạy thỉ chung nhất quán. Như thế trong kinh đã nói rõ, chúng ta không còn
gì nghi ngờ.
Nếu có người nói Như Lai được
pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, này Tu-bồ-đề, thật không có
pháp Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề, Như
Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ở trong ấy không thật
không hư. Thật hư là đối đãi, mà chỗ Phật thấy, chỗ Phật ngộ
không còn đối đãi. Còn chúng ta thấy có được, có mất là đối đãi,
có thật, có hư là đối đãi. Thế nên chỗ Phật thành Phật, chỗ đó
không còn đối đãi, đó mới là Phật, còn thấy đối đãi thì chưa phải
là Phật. Thấy được tức là đối với mất, thấy hư là đối với thật.
Như thế chỗ Phật đạt là chỗ không thật không hư.
Thế nên Như Lai nói tất cả
pháp đều là Phật pháp. Câu đó quí vị thấy thật là cao siêu và lý
thú làm sao! Chỉ một câu này là một bài giảng rồi. Tại sao? Bởi vì nếu
chúng ta nhìn tất cả mọi mặt của các pháp thế gian thì pháp nào cũng là
Phật pháp. Đây tôi chỉ cho quí vị thấy, ngay trong cảnh tham sân si nếu
mình biếât ứng dụng đúng tinh thần đạo đức đó thì tham sân si là Phật
pháp. Tại sao? Tỉ dụ bây giờ quí vị phát tâm tu mạnh mẽ, khi đó có
người kêu tên mình chửi, mình nổi sân lên thì đó là gì? Là phiền
não, là phi Phật pháp. Còn nếu biết mình đang phát tâm tu mạnh mẽ mà người
này chửi mình, có lẽ họ thử mình tức họ là Bồ-tát thử xem mình có
kiên tâm chưa, nhân đó mình cảm ơn họ, mình vươn lên, không buồn giận
gì hết. Như vậy phải là Phật pháp hay không? Tất cả việc khác cũng vậy,
mọi việc đến với mình, mình cũng đều cho là thử thách xem mình có bền
vững không, có tu thật không? Những thử thách đó, nếu vượt qua khỏi,
là mình tiến lên một bước, như thế người giúp mình tiến là người
ân phải không? Việc họ làm là Phật pháp rõ ràng, vì giúp cho mình tiến
bộ. Tất cả pháp đều là Phật pháp. Phật pháp có nghĩa là hữu ích cho
chúng sanh. Tất cả ở thế gian này quí vị thấy cái nào là vô ích cho
mình, cho người hay không? Cho đến vật mà mình chê như mấy đống rác
hôi hám, nhưng cũng có những người làm rẫy hốt về làm phân trồng rau,
cho đến những thứ của mình bỏ ra, người ta cũng dùng được nữa thì
có cái gì là vô ích đâu. Nếu biết dùng thì tất cả đều hữu ích cho
chúng sanh, hữu ích tức là Phật pháp. Đó là mình nhìn một cách phổ biến.
Bây giờ đến cái cao hơn, như người
ta hay than phiền ở thế gian có nhiều chướng ngại khó tu. Tỉ dụ người
nặng về sắc dục thì nói rằng thấy những người đẹp nên chướng ngại
khó tu, người nặng về tham của cải thấy những món vật tốt nên chướng
ngại khó tu v.v… Tôi hỏi lại: Người đẹp, vật tốt có phải là cái
chướng ngại hay không? Hay chướng ngại tại nơi lòng tham của mình? Sự
thật người, vật không chướng. Nếu thấy nó làm chướng, làm mình động
tâm thì đó là phiền não. Trái lại khi thấy người đẹp chúng ta liền
dùng trí Bát-nhã thấy đó là tứ đại duyên hợp hư giả không thật, thấy
vật tốt cũng biết đó là tứ đại duyên hợp hư giả không thật. Vừa
thấy đó trí Bát-nhã liền hiện, như thế là Phật pháp rồi! Tất cả những
cái khác cũng thế thì cái gì không phải là Phật pháp? Cao hơn nữa, là
"Chư pháp như nghĩa". Thấy cái nào cũng như hết thì có cái gì
không phải là Phật pháp? Trong kinh nói: Xúc mục là bồ-đề, tức thấy cái
gì cũng là bồ-đề cả, cái gì cũng là như thì có cái gì không phải là
Phật pháp? Quí vị thử kiểm xem thế gian có cái gì là chướng không?
Không có chướng thì tại sao mình sợ, sợ là sợ cái gì? Sợ thế gian
hay sợ tâm mình? Sợ vọng tưởng điên đảo của mình? Như vậy nếu người
nào biết vọng tưởng điên đảo là cái đáng sợ thì hàng ngày cứ trị
nó chớ cần gì phải trốn thế gian. Quí vị nghĩ đi đâu trốn thế gian
được? Bất cứ nơi nào cũng nằm trong thế gian, vô rừng cũng là thế
gian, ở núi cũng là thế gian, ở chợ cũng là thế gian… Chỉ có tâm
mình an thì chỗ nào cũng là Phật pháp cả. Vậy tại sao chúng ta không lo
trị vọng tưởng mà cứ lo trốn cảnh, trốn người v.v… Vậy thì chúng
ta thấy cái nào là trọng tâm, là then chốt để chúng ta làm. Nếu muốn
tu thì ngay nơi tâm mình mà tu. Trước hết nhắm thẳng tâm mình, làm sao trị
những chú vọng tưởng thành những người lương thiện, chúng không còn
điên đảo ngược xuôi nữa, chừng đó chúng ta mới nhẹ nhàng, rồi lần
lần nó thuần thục nằm yên như con trâu mà mình ngồi trên lưng nó thổi
sáo đi tự tại, thế là thảnh thơi lắm rồi đó. Như vậy mình phải trị
mình, phải sợ mình chớ không sợ thế gian, vì tất cả pháp trên thế
gian đều là Phật pháp. Nhất thiết pháp vô phi Phật pháp. Vô phi Phật
pháp hay giai thị Phật pháp cũng thế, cũng có nghĩa đều là Phật pháp.
Nhất thiết pháp giai thị Phật
pháp. Phật xác nhận rõ như vậy. Đây tôi dẫn một câu chuyện để
nhiều khi quí vị nghe mà không hiểu. Như có một lần, Ngài Văn Thù bảo
Thiện Tài đồng tử: Ngươi ra ngoài núi tìm những cây cỏ thuốc đem về
cho ta. Thiện Tài đồng tử bước ra ngoài thấy cây nào cũng là cây thuốc
cả, liền về thưa: Bạch Hoà Thượng sao con thấy cây nào cũng là cây thuốc
cả. Ngài Văn Thù mới bảo: Thôi ngươi ra ngoài tìm cây nào không phải
cây thuốc đem về cho ta. Thiện Tài đồng tử đi ra nhìn thấy cây nào cũng
không phải cây thuốc!* Như vậy là tại sao? Đó là để nói rằng nếu
chúng ta nhìn đúng, nếu chúng ta có quan niệm đúng đắn thì các pháp đều
là Phật pháp. Trái lại nếu chúng ta có quan niệm sai lầm thì tất cả
pháp đều là phiền não. Tại sao? Vì khi nói không phải thuốc thì Thiện
Tài đồng tử đinh ninh trong tâm trí cái không phải thuốc rồi thấy cây
nào cũng không phải thuốc. Chúng ta hiện nay cũng như thế. Vì chúng ta
đang sống với vọng tưởng điên đảo nên nhìn cái nào cũng là vọng tưởng
điên đảo. Khi chúng ta dùng trí tuệ Bát-nhã nhìn thì cái nào cũng là
trí tuệ Bát-nhã. Như thế chúng ta thấy rằng tất cả cảnh không phải
đẹp, không phải xấu, không phải lợi, không phải hại mà đẹp xấu lợi
hại là tại tâm mình phân biệt. Nếu tâm mình không phân biệt thì các
pháp có lỗi lầm gì! Như vậy chúng ta thấy cái trọng tâm là do tâm mình
chớ đừng nói tìm pháp nào thuận lợi cho mình. Câu Tất cả pháp đều
là Phật pháp rất chí lý. Tuy nhiên khi nói câu này, đức Phật lại e
chúng ta bám vào đó, chấp cho là thật nên Phật mới bảo: Này Tu-bồ-đề,
nói rằng tất cả pháp đó tức không phải tất cả pháp, nên gọi là tất
cả pháp. Như vậy khi nói tất cả pháp đều là Phật pháp là nhìn
theo khía cạnh nào? Đó là nhìn theo trí tuệ Bát-nhã, nghĩa là thấy tất
cả pháp đều là tướng duyên hợp hư huyễn, thấy pháp nào cũng thế tức
là trí tuệ Bát-nhã rồi. Trái lại nếu thấy tất cả pháp là thật, thì
tất cả không phải là Phật pháp. Vì vậy không phải là thật, ấy là Phật
pháp, nghĩa là thấy tất cả pháp đều là tướng duyên hợp không thật,
nhưng trên giả danh thì tạm gọi là tất cả pháp.
Này Tu-bồ-đề, thí như có người
thân cao lớn. Ngài Tu-bồ-đề đang dùng trí tuệ Bát-nhã thấy tất cả
pháp không phải tất cả pháp nên ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, Như
Lai nói thân người cao lớn ắt không phải thân lớn, ấy gọi là thân lớn.
Nếu còn thấy thật cao, thật lớn thì chưa phải là lớn mà phải thấy
rõ thân cao lớn đó chẳng qua là tướng duyên hợp, bởi tướng duyên hợp
nên không thật là cao lớn nhưng trên giả danh thì gọi là cao lớn.
Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát cũng
như thế, nếu nói lời thế này: Ta sẽ diệt độ vô lượng chúng sanh,
ắt không gọi là Bồ-tát. Đức Phật nhấn mạnh lại chỗ chấp ngã,
nếu còn thấy mình diệt độ tất cả chúng sanh thì không phải là Bồ-tát
rồi. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, thật không có pháp tên là Bồ-tát. Kể
cả danh tự Bồ-tát cũng không thật! Nếu còn chấp Bồ-tát là thật cũng
còn kẹt. Thế nên đức Phật nói tất cả pháp không ngã, không nhân,
không chúng sanh, không thọ giả. Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát nói lời
thế này, ta sẽ trang nghiêm cõi Phật, ấy chẳng gọi là Bồ-tát. Vì cớ
sao? Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật tức chẳng phải trang nghiêm ấy gọi
là trang nghiêm. Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát thông đạt pháp vô ngã, Như
Lai gọi đó là chân thật Bồ-tát. Như vậy quí vị thấy trong đoạn này
đức Phật chỉ rõ: Những vị Bồ-tát nếu còn thấy mình là Bồ-tát thì
đó không phải là Bồ-tát. Như thế ai dám vỗ ngực xưng Bồ-tát thì người
đó phải là Bồ-tát chưa? Vậy mà có người dám xưng Phật mẫu thì sao?
Mạo xưng Phật mẫu, chúng ta tin được không? Xưng là Bồ-tát còn không
phải Bồ-tát huống nữa là xưng danh hiệu gì. Xưng danh đó là ngã, nhân,
chúng sanh, thọ giả, người đó không phải là Thánh. Không phải Thánh mà
xưng Thánh là mù quáng, mê tín. Vì thế trong nhà Phật thường nói những
vị Bồ-tát khi thị hiện giáo hóa chúng sanh, lúc đang làm việc, không ai
biết đó là Bồ-tát, đến khi gần tắt thở mới làm một bài thơ để lại,
khi chúng ta biết đó là Bồ- tát là các Ngài đã đi rồi, chớ không bao
giờ đang hiện tại mà xưng mình là Bồ-tát. Như vậy những người xưng
mình là Thánh đó đều là tà quái chớ không phải Thánh đâu, kinh đã chỉ
rõ ràng. Quí vị phải nhớ kỹ, có khi Bồ-tát ở bên cạnh phá mình tơi
bời, nên mình xem không ra gì. Vì vậy chúng ta không dám khi một người nào,
giả sử chúng ta mới phát nguyện tu mà có người tướng như yêu quái đến
phá, mình đừng vội nghĩ họ là yêu quái mà phải tự bảo: Đây chắc
là Bồ-tát thị hiện thử mình. Nghĩ như thế nên mình thầm mang ơn người,
thầm kính phục người tự nhiên quí vị tiến, quí vị thành công; trái lại
nếu chúng ta nghĩ họ là yêu quái muốn trị họ, muốn phạt họ, làm dữ
với họ tự nhiên mình thành yêu quái. Như vậy quí vị mới thấy rõ, khi
nghĩ người ta yêu quái, mình biến thành yêu quái, khi nghĩ người ta là Bồ-tát
mình là Bồ-tát. Thế nên, ai làm khó ngăn trở sự tu tiến của mình, hoặc
là quyến rủ bằng cách này, cách khác, mình đều thấy họ là Bồ-tát. Tỉ
dụ người đem đạo lý khuyên dạy mình, nhắc nhở mình từng cái dở,
cái xấu để mình sửa, đó là Bồ-tát thuận hạnh; người làm trở ngại
ngăn bước tiến của mình để mình vươn lên, đó là Bồ-tát nghịch hạnh.
Tất cả đều là Bồ-tát. Như vậy đối với tất cả chúng sanh mình có
tâm bình đẳng, ai cũng là người mình quí cả. Tâm Bồ-tát là tâm từ bi
bình đẳng đối với tất cả chúng sanh. Nếu chúng ta thấy người này
là ơn, người kia là thù thì bất bình, bất bình thì mình đã thành phàm
phu mất rồi. Đây là cứu kính chân thật. Chúng ta muốn thành Bồ-tát
(nói muốn được cũng là tham vọng), muốn tiến tu thì phải thấy tất cả
mọi người đều là Bồ-tát, Bồ-tát thuận hạnh, Bồ-tát nghịch hạnh,
như vậy cả ngày không một niệm thù hằn, giận hờn. Nếu mọi người
đều có tâm niệm tu như vậy thì có ai phiền não không? Ngày nào chúng ta
cũng vui vẻ, ai chúng ta cũng quí cũng kính, giả sử người không phải Bồ-tát
thật nhưng chúng ta đối với họ như vậy thì lâu ngày họ cũng thành Bồ-tát,
bởi vì lúc đầu họ có niệm xấu, ngăn trở mình nhưng thấy mình vẫn
kính, vẫn thương họ, sau cùng họ bị mình cảm hóa. Đó là một điều rất
hay, lợi mình, lợi người đầy đủ. Đó là chỗ quan trọng trong sự tu
hành. Thế nên chúng ta hiểu Phật pháp cho chí lý thì nhìn lại thấy cuộc
đời đáng quí vô cùng, không có chỗ nào đáng chê, vì tất cả pháp đều
là Phật pháp. Ai cũng là Bồ-tát thuận hạnh, nghịch hạnh, cõi này toàn
là Bồ-tát còn gì mà chán, đợi về Cực lạc làm bạn bất thối chuyển
thì xa quá, lâu quá. Ở ngay đây mình có bạn Bồ-tát rồi, vui biết chừng
nào! Sống ở chùa không có chán gì cả, chúng ta thấy cõi đời này như Cực
lạc, toàn thiện hữu tri thức bậc thượng vì toàn là Bồ-tát, và pháp
nào cũng là Phật pháp thì đâu còn gì buồn chán. Đợi về Cực lạc mới
nghe chim thuyết pháp, mới nghe nhạc trời thì lâu quá. Nơi đây, nếu biết
tất cả pháp đều là Phật pháp thì còn gì không phải Phật pháp mà phải
đi kiếm Phật pháp làm chi. Như vậy quí vị thấy nếu chúng ta có tâm địa
cứng cỏi và khéo léo thì việc tu hành ở cõi đời này hay vô cùng, chuyển
cõi ta bà thành tịnh độ ngay trong cuộc sống này, chuyển tất cả những
bạn bè không tốt trở thành tốt, tất cả mọi người đều thành người
tốt, dù ai nói sao đi nữa cũng bái bái: Tôi xin lỗi Bồ-tát, tôi lầm!
Nói đến trang nghiêm Phật độ. Tôi
ví dụ như lối tu bên Tịnh độ, muốn trang nghiêm tịnh độ thì phải
làm sao? Trong kinh thường dạy muốn trang nghiêm tịnh độ thì hàng ngày phải
niệm Phật, đến khi tâm mình tịnh rồi thì cõi Phật sẽ thanh tịnh, đó
là nhân trang nghiêm tịnh độ. Có những vị Bồ-tát khác trang nghiêm tịnh
độ bằng cách hoặc phát nguyện bố thí, hoặc phát nguyện nhẫn nhục,
hoặc phát nguyện tinh tấn, mỗi hạnh tu là để trang nghiêm tịnh độ,
khi thành Phật thì cõi nước phước đức viên mãn. Như vậy vô tình còn
có chỗ để mình được phải không? Việc làm này còn có nghĩ tới chỗ
mình được, mà còn nghĩ chỗ mình được thì còn ngã pháp, vì vậy Phật
mới bảo rằng: Bồ-tát nếu khởi nghĩ ta sẽ trang nghiêm Phật độ ấy
không phải Bồ-tát. Vì cớ sao? Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật là không
phải trang nghiêm, ấy mới gọi là trang nghiêm. Nghĩa là làm tất cả lợi
ích chúng sanh mà không thấy có gì thật cả thì không trang nghiêm mà là
trang nghiêm cho nên không phải trang nghiêm đó mới gọi là trang nghiêm. Cuối
cùng đức Phật giải thích: Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát thông đạt được
pháp vô ngã, Như Lai nói đó mới là chân thật Bồ-tát. Thấy được
pháp vô ngã mới là chân thật Bồ-tát, còn chưa thấy được thì chưa phải
thật Bồ-tát.
Lời
đầu sách | Lược khảo | Phần 1-8 | 9-17 | 18-24 | 25-32