- KHAI ĐẠO GIỚI TỬ THỌ BỒ
TÁT GIỚI
Chư vị Giới tử,
Chư vị đã thọ Sa-di giới, đã thọ
Tỳ-kheo giới; chư vị sắp sửa thọ Bồ-tát giới. Bồ-tát giới nói cho
đủ là Đại thừa Bồ-tát tâm địa giới. Danh từ Bồ-tát nói cho đủ là
Bồ-đề-tát-đỏa; nghĩa là Giác hữu tình. Một chúng sinh, một
hữu tình đã có sự giác ngộ, đồng
thời phát nguyện giác ngộ cho kẻ khác gọi là Bồ-tát. Danh từ Bồ-tát
đó chẳng những hôm nay các vị được mang, mà trước đây những vị thọ
giới Bồ-tát cũng đã được mang và mười phương Bồ-tát mà chúng ta hằng
kính lễ cũng được mang.
Cùng một danh từ Bồ-tát, nhưng phân
biệt ra có: Sơ phát tâm Bồ-tát, Gia hạnh Bồ-tát, Địa thượng Bồ-tát,
Địa hậu Bồ-tát khác nhau. Như hôm nay, các vị phát tâm thọ giới Bồ-tát,
là chỉ mới phát tâm thôi, chưa làm gì xứng đáng với sự phát tâm ấy,
chưa hoàn thành những giới hạnh của một vị Bồ-tát thì chỉ được gọi
là Sơ phát tâm Bồ-tát. Từ đó, tu tập trải qua các giai đoạn Tín, Trụ,
Hạnh, Hướng, tu luyện theo những pháp môn Đại thừa mà đức Phật đã
chỉ dạy thì gọi là Gia hạnh Bồ-tát. Nhờ sự gia hạnh đó mà vô
minh sẽ diệt bớt, chân như sẽ được chứng thành, dần dần nhập vào Sơ
địa, Nhị địa, Tam địa, Tứ địa, cho đến Thập địa. Những Bồ-tát
ở địa vị này được gọi là Địa thượng Bồ-tát.Các vị ấy, sau khi
đã thành tựu Đắng giác, Diệu giác, vẫn tùy duyên hóa độ chúng sinh dưới
nhiều hình thức, dưới nhiều căn cơ, dưới nhiều phương tiện. Tính
cách tùy duyên hóa độ, không trú Niết-bàn
của các đức Phật, gọi là Địa
hậu Bồ-tát. Vậy cùng một danh từ Bồ-tát nhưng có Sơ phát tâm Bồ-tát,
Gia hạnh Bồ-tát, Địa thượng Bồ-tát, Địa hậu Bồ-tát khác nhau. Hiểu
rõ như thế chúng ta mới có một ấn tượng rõ rệt để phát tâm một
cách vững chắc, tu hành một cách sáng suốt. Địa vị đã khác nhau như
thế, thì tại sao chúng ta cũng được gọi là Bồ-tát, các vị Gia hạnh,
Địa thượng, Địa hậu cũng gọi là Bồ-tát cả? Bởi vì tuy cấp bậc
khác nhau, nhưng có mộl điểm đồng nhất, đó là Bồ-đề tâm. Bắt đầu
phát Bồ-đề tâm là phát tâm thượng cầu hạ hóa (trên cầu được giác
ngộ, dưới cầu hóa độ chúng sinh). Tâm đó phát ra giờ phút nào thì
chính giờ phút đó, chúng ta được gọi là Bồ-tát. Tâm ấy bền chắc
mãi mãi, suốt thời gian không gian không bao giờ lay chuyển, cho đến khi trải
qua các địa vị Gia hạnh, Địa thượng, Địa hậu vẫn một tâm Bồ-đề
ấy, không khác gì một sợi chỉ xuyên các hột chuỗi. Nhìn vào địa vị
thì có Sơ phát tâm Bồ-tát, Gia hạnh Bồ-tát, Địa thượng Bồ-tát, Địa
hậu Bồ-tát khác nhau. Chúng ta không thể nào sánh bằng đức Quán Thế
Âm, đức Đại Thế Chí; chúng ta cũng không thể nào sánh bằng những vị
Bồ-tát trên các địa vị Tín, Trụ, Hạnh, Hướng ở Thập địa... nhưng
bên trong vẫn là một tâm Bồ-đề xuyên suốt tất cả. Vì cái tâm Bồ-đề
xuyên suốt tất cả đó mà tất cả đều được mang danh từ Bồ-tát, căn
cứ vào sự phát Bồ-đề tâm. Như đức Bổn sư Thích-ca của chúng ta,
lúc ban sơ cũng là một chúng sinh lăn lộn trong vòng luân hồi đau khổ. Một
hôm nọ, như bao nhiêu chúng sinh khác trong cảnh địa ngục, phải vất vả
kéo xe mà còn bị ngục tốt hành hạ, Ngài phát tâm mong sao cho mình được
mạnh khỏe để kéo thay cho tất cả những chúng sinh khác để họ khỏi bị
hành hạ. Bắt đầu từ đó, Ngài phát một tâm lợi tha. Tâm ấy là căn bản,
rồi từ đấy chuyển nghiệp tiến tu, cho đến khi thành Phật, tâm Bồ-đề
ấy vẫn không dứt đoạn. Cũng vì sự phát lâm ấy là một sự phát tâm
rộng lớn, căn cứ vào Đại thừa tánh, nên Kinh thường tán thán rằng những
người nào phát Bồ-đề tâm tức là đã thành giác ngộ, không cần trải
qua các địa vị, vì đã cầm chắc trong tay quả vị giác ngộ rồi. Bởi
thế, sự phát Bồ-đề tâm trở thành Bồ-tát là một điều hết sức
quan trọng.
Khi đức Phật dạy các giới pháp
Sa-di và Tỳ-kheo, khi chúng ta lãnh thọ các giới pháp ấy, là chúng ta đã
trở thành những người xuất gia với những giới luật và tư cách đã đầy
đủ lắm rồi. Nhưng còn phương diện lợi tha, hành đạo rộng rãi vô
biên nữa nên Phật mới căn cứ vào tâm địa giác là giác tánh có sẵn
ở trong tất cả chúng sinh cũng như nơi đức Phật và Bồ-tát. Tất cả
đều có tâm địa giác, nhưng ở chúng ta thì không thành tâm địa giới,
bởi vì tâm địa giác ở chúng ta không được để ý, không được khai
thác, không được khuếch truơng, không được hiểu biết. Tâm địa giác
nơi chúng ta luôn bị vùi lấp dưới những hành vi sai quấy, những nghiệp
chướng nặng nề, những tâm niệm ích kỷ, nên không thành Đại thừa tâm
địa giới. Phật thấy chúng sinh đã có tâm địa giác nhưng chưa có tâm
địa giới, nên mới căn cứ vào tâm địa giác đó mà chế ra những điều
mục tu hành để thành tựu tâm địa giới. Tâm địa giới ấy gọi là Đại
thừa Bồ-tát tâm địa giới mà hôm nay các vị sắp thọ. Tâm địa chúng
ta vốn có khả năng ngăn ngừa tất cả điều ác, Phật từ đó chế ra Nhiếp
luật nghi giới. Tâm địa chúng ta vốn đủ khả năng làm mọi điều lợi
ích, chuyển nghiệp, căn cứ vào đó Phật chế ra Nhiếp thiện pháp giới.
Tâm địa chúng ta vốn là giác tánh bình đẳng, lợi lạc hữu tình, từ
bi hỉ xả, quảng đại vô biên, vô lậu, Phật căn cứ vào đó chế ra Nhiếp
chúng sinh giới (Nhiêu ích hữu tình giới). Tu tập theo Nhiếp luật nghi
giới, chúng ta ngăn ngừa mọi tội lỗi ba nghiệp thân miệng ý. Tu tập
theo Nhiếp thiện pháp giới, chúng ta làm mọi việc lành, ba ngàn oai nghi,
tám vạn tế hạnh hay tám muôn bốn nghìn pháp môn mà đức Phật đã chỉ
giáo cho chúng ta tu hành. Nhiếp luật nghi giới là 10 giới trọng cấm và
48 giới khinh mà kinh Phạm Võng đã đề ra và lát nữa đây các vị sẽ thọ.
Tám vạn bốn nghìn pháp môn là những pháp môn phụng thờ Tam Bảo, thừa
sự Như Lai, không phải một hai đức Phật mà vô lượng đức Phật. Với
một tâm Đại thừa quả cảm, dõng mãnh tinh tấn phụng thờ Tam Bảo mà
khi gặp đức Phật Đề-sa đi ngang qua, Ngài (Bồ-tát Thích-ca văn) đã say
sưa chiêm ngưỡng đức Phật trong bảy ngày; một cái chân giơ lên, không
để xuống mà không biết; mắt không nháy mà không hay. Lúc đó Ngài chỉ
thấy việc tán dương đức Phật là sung sướng, quý báu hơn tất cả, thời
gian không có nữa đối với Ngài. Nhiếp thiện pháp giới có vô số phương
pháp tu tập, nhưng nói tóm Tứ nhiếp, Lục độ là những phương pháp
viên mãn nhất để lợi lạc chúng sinh. Cuối cùng, vượt lên trên tất cả
Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới là Nhiếp chúng sinh giới.
Đây là một điều nhằm vào sự cứu độ chúng sinh, lợi lạc hữu tình.
Trong Sa-di giới, Tỳ-kheo giới, sự cứu độ này được coi nhẹ, nhưng ở
Bồ-tát giới thì rất trọng. Vì lẽ, một tâm Bồ-đề “thượng cầu hạ
hóa” là một tâm nhìn xa, thấy rộng, biết sâu không phải là một tâm
còn hạn cuộc trong một chúng sinh, trong một thân ngũ uẩn. Tâm đó vượt
ngoài biên cương của một thể xác để nhìn khắp tất cả chúng sinh
cùng chung một tâm địa giác như mình, khổ đau như mình, cùng chung một
khả năng giác ngộ như mình, để theo niệm đại bi đồng thể đó mà cứu
độ tất cả. Tu tập theo đó là Nhiếp chúng sinh giới.
Nói tóm lại, Bồ-tát giới chia ra
từng đề mục, 10 giới trọng, 48 giới khinh, nhưng tóm tắt có ba mục
chính yếu gọi là:
1. Nhiếp luật nghi giới: ngăn ngừa
tất cả tội lỗi.
2. Nhiếp thiện pháp giới: làm tất
cả việc lành.
3. Nhiếp chúng sinh giới: làm những
việc ích lợi chúng sinh.
Trong Tỳ-kheo hay Sa-di giới, đức
Phật dạy chúng ta chú trọng vào việc giải thoát sinh tử luân hồi. Sự
giải thoát sinh tử này nhằm vào bản thân, nên giới cấm đầu tiên, đức
Phật răn chúng ta bất dâm, rồi mới đến bất đạo, bất sát, bất vọng.
Dục là căn bản của vô lượng sinh tử luân hồi. Còn nước ái dục thì
gốc luân hồi còn sinh mãi; nước ái dục hết thì gốc luân hồi sẽ phải
cháy khô. Thấy rõ như vậy, nên đức Phật dạy người xuất gia, muốn cầu
giải thoát thì phải chú trọng đến việc diệt trừ ái dục. Do đó, giới
trọng đầu tiên của Tỳ-kheo là bất dâm, rồi mới đến bất đạo, bất
sát, bất vọng. Trong Bồ-tát giới, không phải chỉ ngó vào mình mà xoay
cái nhìn vào chúng sinh, cho nên giới trọng đầu tiên là bất sát rồi mới
đến bất đạo, bất dâm, bất vong. Trong Tỳ-kheo thì bất dâm đứng đầu,
trong Bồ-tát giới thì bấl sát đứng đầu, vì Bồ-tát xem việc cứu
chúng sinh trọng hơn việc giải thoát luân hồi sinh tử của bản thân. Vì
sự sai biệt ấy, nên nếu muốn hoàn thành cả hai khía cạnh tự giác
giác tha, tự lợi lợi tha thì phải thọ cả giới Sa-di, Tỳ-kheo và Bồ-tát.
Cũng chính vì lẽ đó, mà sau khi thọ Sa-di giới, Tỳ-kheo giới, các vị đã
hăng hái thọ thêm Bồ-tát giới.
Cái nhìn đã khác, mục đích đã
khác, cho nên những điều mục tu hành ở Bồ-tát giới cũng khác. Chẳng hạn,
ở giới Sa-di, uống rượu là một trọng tội, nhưng qua giới Bồ-tát,
bán rượu là một trọng tội, đem ruợu mời kẻ khác là một trọng tội,
vì lẽ trong khi uống rượu, mình chỉ mất phần tự lợi, còn bán rượu
hay mời rượu là làm hại bao nhiêu người khác. Đó là cách phân biệt để
thấy rõ sự khác biệt, sự liên hệ giữa hai giới. Vậy nhằm vào việc
giải thoát bản thân, chúng ta nên giữ giới Tỳ-kheo, nhằm mục đích lợi
tha thì nên giữ giới Bồ-tát.
Giới Bồ-tát luôn luôn nhìn đến
chúng sinh dưới những khía cạnh đau khổ mà chúng sinh phải gánh chịu.
Chính những đau khổ đó, mình cũng mắc phải, nhưng kẻ không có Bồ-đề
tâm thì không bao giờ biết. Bằng vào sự khổ của mình mà thông cảm với
nỗi khổ của người khác; bằng vào sự ưa muốn của mình mà cảm thông
sự ưa muốn của kẻ khác; do đó, cứ muốn chúng ta sống mà không biết
đến kẻ khác chết, cứ muốn chúng ta vui mà không kể gì đến kẻ khác
khổ. Vì thiếu tâm Bồ-đề nên không bao giờ có được sự thông cảm đại
đồng đó mà thuật ngữ Phật giáo gọi là đồng thể đại bi. Người thọ
giới Bồ-tát luôn luôn đem tâm Bồ-đề thông cảm với mọi chúng sinh qua
những cạnh khía an lạc, khổ đau để cứu giúp tất cả Đó là yếu điểm
của tâm Bồ-đề, của giới bổn Bồ-tát.
Giới Bồ-tát muốn thọ trì, truớc
hết phải phát Bồ-đề tâm, vì đây là giới mà đức Phật đã căn cứ
vào tâm địa giác để chế ra. Có Bồ-đề tâm thì giới ấy mới được
thành tựu; mất Bồ-đề tâm thì giới ấy không thể hành trì. Bồ-đề tâm
là tâm viên mãn, tâm giải thoát, tâm giác ngộ, tâm vô ngã, vô nhân, vô
chúng sinh, vô thọ giả, như trong kinh Kim Cang Phật dạy: "Dĩ vô ngã,
vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả, tu nhất thiết thiện pháp tức đắc
A-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề; nhược hữu ngã, nhân, chúng sinh, thọ
giả, tức thị ma nghiệp".
Nhờ phát Bồ-đề tâm mà chúng ta
có thể thành tựu được trí giác sáng suốt, không bị vô minh mù quáng
che lấp. Cho nên những vị Bồ-tát có khi làm những việc long trời lở đất
mà chúng ta không thể làm, nếu không sáng suốt. Và giả như có nhắm mắt
làm càn cho long trời lở đất thì lại thành ra tai nạn. Bởi thế, phát Bồ-đề
tâm cũng là tôi luyện trí Bát-nhã để có thể nhìn thấy mọi khía cạnh
của việc làm lợi lạc chúng sinh. Phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát giới
là phát bốn hoằng thệ nguyện:
– Chúng sinh vô biên thệ nguyện
độ,
– Phiền não vô tận thệ
nguyện đoạn,
– Pháp môn vô lượng thệ nguyện
học,
– Phật đạo vô thượng thệ
nguyện thành.
Bốn đại nguyện là duyên theo Bốn
đế mà phát ra. Một người muốn giữ trọn Bồ-tát giới phải phát Bồ-đề
tâm, lập bốn đại nguyện. Từ căn bản đó mới phát sinh, thành tựu
các giới đức viên mãn.
(Khai đạo Giới tử thọ Bồ-tát giới tại
giới đàn Vĩnh Gia, năm 1970).
Mục Lục
| 1 | 2 | 3
| 4 | 5 | 6