Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
BA MƯƠI BA VỊ TỔ ẤN-HOA
H.T Thích Thanh Từ soạn dịch
Tu Viện Chơn Không 1971
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn Hành - PL. 2534 - 1990

 

Trung Hoa

 

Tổ thứ hai Trung-Hoa
29. Huệ-Khả (494 – 601 T.L )

 

Sư họ Cơ quê ở Võ-Lao, giòng tôn thất nhà Chu, cha mẹ Sư lớn tuổi không con, lắm phen đến chùa cầu con, sau mẹ có thai sinh ra Sư. Khi Sư lọt lòng mẹ, có hào quang lạ chiếu sáng trong nhà, nên đặt tên Sư là Quang.

Thuở bé, Sư học hết sách đời, rất thông Lão-Trang. Năm ba mươi tuổi, Sư tự cảm than: "Lão, Dịch là sách thế gian chẳng tột được đại lý". Sư bắt đầu xem kinh Phật. Sư viễn du tìm thầy học đạo, đến Lạc-Dương lên núi Hương-Sơn chùa Long-Môn gặp thiền sư Bảo-Tịnh bèn xin xuất gia. Sau đó, Sư đến chùa Vĩnh-Mục thọ giới ở tại Phù-Du Giảng-Tứ. Sư chuyên học Kinh luận, chưa bao lâu thảy được tinh thông. Năm 32 tuổi, Sư trở về Bổn sư nơi Hương-Sơn. Ở đây trọn ngày, Sư ngồi thiền quán trên núi. Trải tám năm như thế, một hôm khi Sư đang thiền định, bỗng có vị thần hiện ra thưa:

-Ngài không nên ở đây lâu, muốn được đạo quả hảy đi về phương Nam.

Hôm sau, trên đầu Sư chợt đau như kim châm không thể chịu được. Sư định đi tìm thuốc trị, chợt nghe trong hư không có tiếng nói: "Đây là đổi xương, chẳng phải bệnh thường". Sư đem việc nầy thuật lại Thiền-sư Bảo-Tịnh. Bảo-Tịnh ngăn không cho trị thuốc. Sáng hôm sau, Bảo-Tịnh xem trên đầu Sư quả thấy đầu xương nổi cao như năm ngọn núi,bảo:

-Lạ thay ! Ngươi có tướng tốt này ắt sẽ đắc đạo. Thần lại dạy ngươi sang miền Nam, ta nghe Đại-sĩ Bồ-Đề-Đạt-Ma đến ở chùa Thiếu-Lâm, chắc đó là thầy của ngươi vậy.

Nhơn có Thần mách bảo, nên Bổn sư Bảo-Tịnh đổi hiệu Sư là Thần-Quang. Sư tìm đến chùa Thiếu-Lâm yết kiến Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma và được truyền tâm ấn. Sư ở đây cho đến lúc Tổ qui tịch. Sau đó, sư sang Bắc-Tề hoằng truyền chánh pháp. Một hôm, Sư gặp một người cư sĩ trạc 40 tuổi, chẳng nói tên họ, đến đảnh lễ Sư thưa:

-Đệ tử mang bệnh ghẻ lở đầy mình, xin thầy từ bi vì đệ tử sám tội.

Sư bảo:

-Đem tội ra, ta sẽ vì ngươi sám hối. Ông cư sĩ đứng sững giây lâu thưa:

-Đệ tử tìm tội không thể được.

–Ta đã vì ngươi sám hối rồi. Nhưng, ngươi nên nương tựa Phật Pháp Tăng.

-Hiện giờ đệ tử thấy thầy đã biết được Tăng. Chẳng biết thế nào là Phật và Pháp ?

-Tâm ấy là Phật, tâm ấy là Pháp, Phật Pháp không hai, ngươi có biết đó chăng ?

–Nay đệ tử mới biết tánh tội không ở trong, ngoài, chặng giữa; như tội, tâm cũng vậy, thật Phật Pháp không hai. Sư nghe nói rất hoan hỷ, cho cạo tóc xuất gia, bảo:

-Ngươi là vật báu của ta, nên đặt tên Tăng-Xán. Ngày 18 tháng 3 niên hiệu Thiên-Bình năm thứ hai ( 536 T.L ).

Tăng-Xán được thọ giới cụ túc tại Chùa Quang-Phước. Từ đó, bệnh của ông lần lần thuyên giảm. Ông theo hầu thầy được hai năm. Một hôm, Sư Huệ-Khả gọi ông đến bảo:

-Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma chẳng ngại xa xôi từ Ấn-Độ sang, đem chánh pháp nhãn tạng truyền cho ta, nay ta trao lại cho ngươi cùng với y bát, ngươi khéo giữ gìn chớ để đoạn tuyệt. Nghe ta nói kệ:

Bổn lai duyên hữu địa,
Nhơn địa chúng hoa sanh,
Bổn lai vô hữu chủng,
Hoa diệc bất tằng sanh. 

Dịch:

Xưa nay nhơn có đất,
Bởi đất giống hoa sanh,
Xưa nay không có giống,
Hoa cũng chẳng từng sanh

Đọc bài kệ xong Sư lại tiếp:

-Ngươi phải tìm nơi núi sâu ở ẩn, không nên đi giáo hóa sớm, trong nước sẽ có nạn.

Tăng-Xán thưa:

-Thầy đã biết trước mọi việc, cúi xin từ bi dạy con rành rẽ.

–Đây không phải tự ta nói, mà là lời huyền ký của Tổ Bát-Nhã-Đa-La do Tổ Đạt-Ma thuật lại cho ta nghe:

-Sau khi Tổ nhập Niết-bàn 150 năm sẽ có những việc xảy ra như bài kệ nầy:

Tâm trung tuy kiết ngoại đầu hung,
Xuyên hạ tăng phòng danh bất trung,
Vi ngộ độc long sanh võ tử,
Hốt phùng tiểu thử tịch vô cùng.

Dịch:

Trong tâm tuy kiết ngoài đầu hung,
Đất xuyên phòng tăng tên chẳng trúng,
Vì gặp độc long sanh con võ,
Chợt nghe chuột nhỏ lặng vô cùng.

Xét về niên số nhằm đời của ngươi, ngươi cố gắng gìn giữ. Ta cũng có cái nợ ngày trước nay cần phải trả. Sư sang xứ Nghiệp-Đô tùy nghi giáo hóa thuyết pháp độ sanh ngót ba mươi bốn năm. Lúc đó, có một văn sĩ nổi tiếng là thần đồng tên Mã-Tăng-Ma. Năm 21 tuổi, ông đã giảng được sách Lễ, kinh Dịch tại miền Đông-Hải, thính giả đến nghe đông như chợ. Một phen gặp Sư, Tăng-Ma liền xin xuất gia đầu Phật. Từ đây về sau, ông chẳng cầm đến cây viết, bỏ hết sách thế gian, chỉ một y một bát, một tọa cụ, ngày ăn một bửa, dưới gốc cây ngủ một lần, chuyên tu hạnh đầu đà.

Lại có ông cư sĩ Hướng là nhà văn Uyên bác chẳng màng đến bả công danh, tánh thích rừng sâu quê vắng, đói ăn lá cây, khát uống nước giếng, làm bạn với nước biếc non xanh, để di dưỡng tinh thần. Nghe Sư hoằng hóa ở Bắc-Tề, ông biên thơ đến hỏi, thơ viết:

-Bạch-Thầy, Theo thiển ý của tôi, người đời cảnh tạm, công danh phú quý như lùm mây nổi, lạch biển cồn dâu, đài các phong lưu, như hòn bọt nước. Có cái gì là chơn thật, đáng để ta quí trọng.

-Vì bởi bóng do hình mà có, vang theo tiếng mà sanh, đuổi bóng nhọc hình, chẳng biết hình là gốc của bóng, to tiếng để ngăn vang, đâu biết tiếng là cội của vang. Trừ phiền não mà thú hướng Niết-bàn, dụ bỏ hình mà tìm bóng; lìa chúng sanh mà cầu Phật quả, dụ im tiếng mà tìm vang. Cho nên biết, mê ngộ một đường, ngu trí chẳng khác, không tên mà đặt tên, nhơn tên đó mà có thị phi. Không lý mà tạo thành lý, nhơn lý đó mà khởi tranh luận. Huyễn hóa chẳng phải chơn, thì cái gì phải ? Cái gì quấy ? Hư vọng chẳng thật, thì cái gì không ? Cái gì có ?

-Muốn đem cái biết "được mà không chỗ được, mất mà không chỗ mất" trình với Thầy mà chưa có dịp gặp. Nay thố lộ ý nầy, mong thầy từ bi đáp cho.

Sư đáp thơ:

Bị quán lai ý giai như thật,
Chơn u chi lý cảnh bất thù,
Bổn mê ma-ni vị ngõa lịch,
Hoát nhiên tự giác thị chơn châu,
Vô minh trí huệ đẳng vô dị,
Đương tri vạn pháp tất giai như,
Mẫn thị nhị kiến chi đồ bối,
Thân từ tá bút tác tư thơ,
Quán thân dữ Phật bất sai biệt,
Hà tu cánh mích bỉ vô dư ?

Dịch:

Ông cư sĩ Hướng,
 Xem rõ ý ông gởi đến đây,
Đối lý chơn u có khác gì,
Mê bảo ma-ni là ngói gạch,
Bỗng nhiên giác ngộ biết chơn châu,
Vô minh trí huệ đồng chẳng khác,
Muôn pháp đều như, phải liễu tri,
Thương kẻ chấp thường và chấp đoạn,
Bày lời mượn bút viết thơ này,
Quán thân với Phật không sai khác,
Nhọc gì tìm kiếm Niết-bàn chi ?

Ông cư sĩ Hướng được thơ Sư, đọc xong ông tìm đến đảnh lễ và thọ nhận ấn ký. Sau nầy, Sư đổi đạo phục, giả dạng thế gian, có khi vào quán rượu, hoặc lúc đến hàng thịt, hoặc ở giữa đám đông thuyết pháp, hoặc làm người khuân vác v.v… Có người biết hỏi Sư:

-Thầy là nhà tu, tại sao làm như thế ?

Sư đáp:

-Ta tự điều phục tâm, đâu có quan hệ gì đến việc của ngươi.

Sư đến huyện Quản-Thành, ở trước tam quan chùa Khuôn-Cứu diễn nói đạo vô thượng. Nhằm lúc ông trụ trì là pháp sư Biện-Hòa đang giảng Kinh Niết-bàn, thính giả bên trong từ từ rút lần ra nghe Sư diễn hóa. Ông Biện-Hòa bực tức mới đi cáo gian với quan Ấp-Tể tên Địch-Trọng-Khản rằng "Sư giảng tà thuyết làm việc phi pháp".

Địch-Trọng-Khản không biết nhận xét, cứ nghe bướng liền bắt Sư gia hình. Sư không đối khán vẫn mặc nhiên thừa nhận để trả nợ trước cho xong. Ngay lúc gia hình, Sư thị tịch nhằm niên hiệu Khai-Hoàng năm thứ 13 nhà Tùy (601T.L)

Sư hưởng thọ 107 tuổi. Thiện tín thương xót đem di thể của Sư về chôn ở Từ-Châu phía đông-bắc huyện Phú-Dương.

Đến đời vua Đức-Tông nhà Đường truy phong Đại-Tổ-Thiền-Sư.

_________________________________________

Phần-Phụ: Sư Mã-Tăng-Ma sau có đệ tử hiệu là Huệ-Mãn. Sư bảo Huệ-Mãn: -Tâm ấn của Tổ-Sư chẳng phải chuyện khổ hạnh, khổ hạnh chỉ là giúp đạo mà thôi. Nếu người khế được bản tâm, phát cái dụng tùy ý chơn quang, thì khổ hạnh như nắm đất thành vàng. Nếu người chỉ chú trọng khổ hạnh mà không rõ bản tâm, lại yêu ghét trói buộc thì khổ hạnh như đêm ba mươi đi trong đường hiểm. Ngươi muốn rõ được bản tâm, phải suy cùng xét cạn, khi gặp sắc gặp thinh mà chưa khởi suy nghĩ, tâm ở chỗ nào ? là không chăng ? là có chăng ? Đã chẳng rơi vào chỗ có không, thì tâm chân tự sáng thường chiếu thế gian, chưa có một mảy bụi làm gián cách, chưa từng có tướng khoảng sát-na đứt nối.

Huệ-Mãn sau cũng hành hạnh đầu đà.

Thiền-Sư Hạo-Nguyệt hỏi Thiền-Sư Trường-Sa-Cảnh-Sầm rằng: -Cổ-đức nói: "Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không, vị liễu ưng tu thường túc trái" ( Hai câu này trích trong "Chứng Đạo Ca" của Thiền-Sư Huyền-Giác ). 

Như Tổ Sư-Tử và Tổ Huệ-Khả vì sao lại đền nợ trước ?

Trường-Sa bảo:

-Đại-Đức chẳng biết bổn lai không.

Hạo-Nguyệt hỏi:

-Thế nào là bổn lai không ?

-Nghiệp chướng.

-Thế nào là nghiệp chướng ?

-Bổn lai không.

Hạo-Nguyệt lặng thinh. Trường-Sa dùng kệ chỉ bày:

Giả hữu nguyên phi hữu,
Giả diệt diệc phi vô,
Niết-bàn thường trái nghĩa,
Nhất tánh cánh phi thù.

Dịch:

Giả có vốn chẳng có,
Giả diệt cũng chẳng không,
Nghĩa Niết-bàn, đền nợ,
Một tánh lại nào hai . 

 


 

Tổ thứ Ba Trung-Hoa 
30. –Tăng-Xán (497 ‘?’ – 602 T.L.)

 

Không ai biết quê quán và gốc gác Sư thế nào. Chỉ biết Sư với hình thức cư sĩ mắc bệnh ghẻ lở đến lễ Tổ Huệ-Khả xin xám tội. Nhơn đó được ngộ đạo. Được Tổ cho thọ giới cụ túc tại Chùa Quang-Phước, nhằm niên hiệu Thiên-Bình thứ hai (536 T.L) nhà Bắc-Tề ngày 18 tháng 3. Sư theo hầu hạ Tổ được hai năm. Tổ truyền kệ và y bát bảo phải đi phương xa ẩn tránh kẻo có nạn. Sư đến ở ẩn nơi núi Hoàn-Công thuộc Thư-Châu.

Đời Châu-Võ-Đế ra lệnh diệt Phật pháp (561 T.L). Sư sang ở núi Tư-Không huyện Thái-Hồ. Sư thường đổi dời ít khi ở lâu một chỗ, nên hơn mười năm mà không ai biết tông tích. Thời gian Sư ở núi Tư-Không có một vị sư người Ấn tên Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi sang Trung–Hoa cầu pháp. Gặp sư, Lưu-Chi hết lòng kính mộ xin làm đệ tử. Sư truyền tâm ấn cho và khuyên qua phương Nam tiếp độ chúng sinh.

Đời nhà Tùy khoảng niên hiệu Khai-Hoàng có ông Sa-di hiệu Đạo-Tín được 14 tuổi đến lễ Sư thưa:

-Xin Hòa-Thượng từ bi ban cho con pháp môn giải thoát.

Sư hỏi:

-Ai trói buộc ngươi ? 

-Không ai trói buộc.

–Đã không trói buộc, đâu cần cầu giải thoát.

Đạo-Tín nghe liền đại ngộ. Từ đây, Đạo-Tín theo hầu hạ Sư suốt chín năm. Sau Đạo-Tín đến Kiết-Châu thọ giới, rồi trở lại hầu thầy rất cần mẫn. Sư thường dùng lý huyền diệu gạn hỏi, biết Đạo-Tín cơ duyên đã thuần thục, bèn truyền y pháp cho ông, Sư bảo:

-Đại pháp nhãn tạng của Như-Lai, nay ta trao lại cho ngươi cùng với y bát. Ngươi gắng mà gìn giữ. Nghe ta nói kệ:

Hoa chủng tuy nhơn địa,
Tùng địa chủng hoa sanh,
Nhược vô nhơn hạ chủng,
Hoa địa tận vô sanh.

Dịch:

Giống hoa tuy nhơn đất,
Từ đất giống hoa sanh,
Nếu không người gieo giống,
Hoa, đất trọn không sanh .

Sư dạy tiếp:

-Xưa Tổ Huệ-Khả trao pháp cho ta rồi, Ngài đến xứ Nghiệp-Đô hoằng hóa hơn ba chục năm mới thị tịch. Nay đã có người thừa kế cho ta thì việc của ta đã xong, còn mắc ở đây làm gì !

Sư đến núi La-Phù ngao du hai năm. Sư lại trở về Châu-Thư, ngụ tại chùa Sơn-Cốc. Dân chúng ở đây nghe Sư đến đều vui mừng tấp nập kéo đến thừa sự cúng dường. Sư đăng tòa thuyết pháp cho tứ chúng nghe. Thuyết xong, Sư đứng ngay thẳng dưới cây đại thọ chấp tay thị tịch.

Nhằm ngày rằm tháng 10 năm Bính-Dần, niên hiệu Đại-Nghiệp thứ hai (602 T.L) nhà Tùy. Sư có trước tác bài "Tín tâm minh" là một tác phẩm trọng yếu của thiền tông hiện còn lưu hành. Vua Huyền-Tông đời Đường truy phong hiệu là Giám Trí thiền sư.

_____________________________________________________________________________ 

Phần-Phụ: Đời Đường niên hiệu Thiên-Bảo (742 T.L) có quan Doãn huyện Hà-Nam tên Lý-Thường đến khai mộ Sư, thỉnh thi hàilàm lễ trà tỳ. Ông lượm xá-lợi xây tháp thờ, một phần tặng sư Thần-Hội ở Chùa Hà-Trạch, một phần mang luôn theo mình .
 

 


 

Tổ thứ tư Trung-Hoa 
31. -Đạo-Tín ( 580 – 651 T.L. )

 

Sư họ Tư-Mã, tổ tiên quê ở Hà-Nội, thân phụ Sư dời về Kỳ-Châu huyện Quảng-Tế, mới sanh Sư. Sư xuất gia khi còn để chóp. Tuy tuổi ấu thơ, mà Sư có ý chí siêu việt, ngưỡng mộ Không tông và các môn giải thoát.

Năm 14 tuổi là một Sa-di, Sư gặp Tổ Tăng-Xán cầu xin pháp môn giải thoát, được Tổ khai ngộ cho. Sư theo hầu Tổ suốt chín năm, mới được truyền pháp. Sau khi được pháp, Sư một bề tinh tấn trọn ngày đêm không nằm. Niên hiệu Đại-Nghiệp thứ 13 (613 T.L.) đời Tùy, Sư thống lãnh đồ chúng sang Kiết-Châu. Đến đây bị bọn giặc Tào-Võ-Vệ vây thành suốt bảy tuần. Dân chúng trong thành kinh hoàng. Sư dạy họ chí tâm niệm "Ma-ha-bát-nhã". Toàn dân trong thành đều thành kính tụng niệm. Quả nhiên bọn giặc nhìn trên thành có thần binh trùng điệp, chúng sợ hãi rút quân. Niên hiệu Võ-Đức thứ hai (619 T.L.) đời Đường, Sư sang đất Loa-Xuyên. Ở đây, Sư giáo hóa ngót bảy năm. Sau Sư trở về an trụ tại Kỳ-Xuân trên núi Phá-Đầu. Ở đây, Tăng chúng bốn phương đua nhau tìm đến tham vấn rất đông.

Đời Đường niên hiệu Trịnh-Quán thứ tư (630 T.L.) Sư đang ở trên núi Phá-Đầu nhìn xem khí tượng, biết trên núi Ngưu-Đầu có bậc dị nhơn. Sư đích thân tìm đến núi nầy, vào Chùa U-Thê hỏi thăm những vị tăng rằng:

-Ở đây có đạo nhơn chăng ?

Có vị tăng đáp:

-Phàm là người xuất gia ai chẳng phải đạo nhơn ?

Sư hỏi:

-Cái gì là đạo nhơn ?

Tăng im lặng không đáp được. Có vị tăng khác thưa:

-Cách đây chừng mười dặm bên kia núi,có một vị sư tên Pháp-Dung, lười biếng đến thấy người chẳng đứng dậy chào, cũng không chấp tay, phải là đạo nhơn chăng ?

Sư liền trèo núi tìm đến thấy Pháp-Dung đang ngồi thiền trên tảng đá, dường như chẳng để ý đến ai. Sư hỏi:

-Ở đây làm gì ?

Pháp-Dung đáp:

-Quán tâm.

-Quán là người nào, tâm là vật gì ?

Pháp-Dung không đáp được, bèn đứng dậy làm lễ thưa:

-Đại đức an trụ nơi nào?

Sư đáp:

-Bần tăng không có chỗ ở nhất định, hoặc Đông hoặc Tây.

–Ngài biết thiền sư Đạo-Tín chăng ?

–Vì sao hỏi ông ấy ?

–Vì nghe danh đức đã lâu, khao khát muốn đến lễ yết.

-Thiền sư Đạo-Tín là bần đạo đây.

–Vì sao Ngài quan lâm đến đây ?

–Vì tìm đến thăm hỏi ngươi, lại có chỗ nào nghỉ ngơi chăng ?

Pháp-Dung chỉ phía sau, thưa:

 -Riêng có cái am nhỏ. Pháp-Dung liền dẫn Sư về am. Chung quanh am toàn loài cọp sói nằm đứng lăng xăng, Sư giơ hai tay lên làm thế sợ. Pháp-Dung hỏi:

-Ngài vẫn còn cái đó sao ?

Sư hỏi:

-Cái đó là cái gì ?

Pháp-Dung không đáp được. Giây lát, Sư lại  tấm đá của Pháp-Dung ngồi vẽ một chữ PHẬT, Pháp-Dung nhìn thấy giật mình. Sư bảo:

-Vẫn còn cái đó sao ?

Pháp-Dung không hiểu, bèn đảnh lễ cầu xin Sư chỉ dạy chỗ chân yếu. Sư bảo:

-Phàm trăm ngàn pháp môn đồng về một tất vuông. Diệu đức như hà-sa thảy ở nơi nguồn tâm. Tất cả môn giới, định, huệ, thần thông biến hóa, thảy đều đầy đủ nơi tâm ngươi. Tất cả phiền não xưa nay đều không lặng. Tất cả nhơn quả đều như mộng huyễn, không có tam giới có thể ra, không có bồ-đề có thể cầu. Người cùng phi nhơn tánh tướng bình đẳng. Đại đạo thênh thang rộng lớn bặt suy dứt nghĩ. Pháp như thế, nay ngươi đã được không thiếu khuyết, cùng Phật không khác, lại không có pháp gì lạ.

Chỉ tâm ngươi tự tại, chớ khởi quán hạnh, cũng chớ lóng tâm, chớ khởi tham sân, chớ ôm lòng lo buồn, rỗng rang không ngại, mặc tình tung hoành, chẳng làm các việc thiện, chẳng làm các việc ác, đi đứng ngồi nằm, mắt thấy gặp duyên thảy đều là diệu dụng của Phật. Vì vui vẻ không lo buồn nên gọi là Phật.

Pháp-Dung thưa:

-Tâm đã đầy đủ, cái gì là Phật ? Cái gì là tâm ?

Sư đáp:

-Chẳng phải tâm thì không hỏi Phật, hỏi Phật thì chính là tâm.

Pháp-Dung thưa:

-Đã không khởi quán hạnh, khi gặp cảnh khởi tâm làm sao đối trị ?

Sư đáp:

-Cảnh duyên không có tốt xấu, tốt xấu khởi nơi tâm, nếu tâm chẳng theo danh (tên),vọng tình từ đâu khởi ? Vọng tình đã chẳng khởi, chơn tâm mặc tình biết khắp. Ngươi chỉ tùy tâm tự tại, chẳng cầu đối trị, tức gọi là pháp thân thường trụ, không có đổi thay. Ta thọ pháp môn đốn giáo của Tổ Tăng-Xán, nay trao lại cho ngươi. Nay ngươi nhận kỹ lời ta, chỉ ở núi nầy sau có năm vị đạt nhơn đến nối tiếp giáo hóa.

Một hôm Sư đến huyện Huỳnh-Mai, giữa đường gặp một đứa bé dáng vẻ khôi ngô, độ chừng bảy tuổi. Sư để tâm nơi đứa bé, bèn hỏi:

-Ngươi họ gì ?

Đứa bé đáp:

-Họ thì có, mà không phải họ thường.

–Là họ gì ?

–Là họ Phật. 

-Ngươi không họ à ?

–Vì họ ấy là không.

Sư nhìn những người thị tùng bảo:

-Đứa bé nầy không phải hạng phàm, sau nầy sẽ làm Phật pháp hưng thịnh.

Sư cùng thị tùng tìm đến nhà đứa bé, thuật những lời đối đáp lạ thường của nó và xin cha mẹ cho nó xuất gia. Cha mẹ đứa bé đồng ý cho nó xuất gia. Thế là, Sư nhận đứa bé làm đệ tử xuất gia, đặt tên là Hoằng-Nhẫn. Một hôm Sư gọi Hoằng-Nhẫn đến bảo:

-Xưa Như-Lai truyền chánh pháp nhãn tạng chuyển đến đời ta, nay ta trao lại cho ngươi cùng với y bát. Ngươi đều giữ gìn, cố gắng truyền trao không cho dứt bặt. Nghe ta nói kệ:

Hoa chủng hữu sanh tánh,
Nhơn địa hoa sanh sanh,
Đại duyên dữ tín hiệp,
Đương sanh sanh bất sanh.

Dịch:

Giống hoa có tánh sống,
Nhơn đất hoa nảy mầm,
Duyên lớn cùng tín hợp,
Chính sanh, sanh chẳng sanh.

Sư lại bảo Hoằng-Nhẫn:

-Trước trong thời Võ-Đức ta có viếng Lô-Sơn, lên tột trên đảnh nhìn về núi Phá-Đầu thấy một vầng mây màu tía giống như cái lộng, dưới phát ra lằn hơi trắng chia ra sáu đường, ngươi cho là điềm gì ?

Hoằng-Nhẫn thưa:

-Đó là điềm sau Hòa-Thượng con cháu sẽ chia thêm một nhánh Phật pháp.

Sư khen:

-Hay thay, ngươi khéo biết đó.

Niên hiệu Trinh-Quán thứ 18 (644 T.L.) nhà Đường, Vua Thái-Tông ngưỡng mộ đạo hạnh của Sư sai sứ mang chiếu thỉnh Sư về kinh đô để tham vấn đạo lý. Sứ đi đến ba phen mà thỉnh không được. Sư cứ từ chối là già bệnh. Lần thứ tư, vua hạ lệnh nếu Sư không chịu đi thì lấy thủ cấp đem về, vì Sư phạm tội trái lệnh. Sứ giả đọc chiếu chỉ xong, Sư ngửa cổ  cho sứ chém, mà thần sắc vẩn thản nhiên. Sứ giả thấy thế, không dám hạ thủ, trở về tâu lại nhà vua. Vua nghe việc nầy càng thêm kính phục, gởi đồ lụa gấm đến cúng dường.

Đến niên hiệu Vĩnh-Huy năm thứ 2 (651 T.L) đời Đường, ngày mùng 4 tháng 9 nhuần năm Tân-Hợi, Sư gọi môn nhân vào dặn:

-Tất cả các pháp thảy đều là giải thoát, các ngươi phải tự gìn giữ và giáo hóa đời sau.

Nói xong, Sư ngồi an nhiên thị tịch. Sư thọ 72 tuổi. Môn nhơn xây tháp thờ tại núi Phá-Đầu. Sư từ khi ngộ đạo cho đến lúc thị tịch gần ngót mười năm mà vẫn tinh tấn tu hành không khi nào nằm nghỉ.Thật là một gương sáng về hạnh giải đều tuyệt đỉnh.

Ngày mùng tám tháng tư năm sau, tự nhiên cửa tháp mở ra, nghi dung của Sư xinh tươi như lúc sống. Từ đây về sau môn nhơn không đóng cửa tháp. Đời Tống vua truy phong Sư hiệu Đại Y Thiền Sư.

_____________________________
 
 

Phần-Phụ: 1. –Tài Tòng Đạo Giả

Một hôm, Tổ Đạo-Tín đi viếng núi Long-Phong gặp một vị sư già trồng tòng, thời nhơn gọi là Tài-Tòng đạo giả. Vị sư ấy hỏi Tổ rằng:

-Đạo Pháp của Như-Lai có thể cho tôi nghe được chăng ?

Tổ đáp:

-Tuổi ông đã già, dù có nghe được cũng không hoằng hóa kịp. Nếu có tái sanh được thì ta cũng nán chờ.

Đạo giả nghe dạy rồi từ tạ đi xuống núi. Đến huyện Huỳnh-Mai, thấy một cô gái đang giặt áo ở bờ sông, ông chào và hỏi:

-Nhà cô ở gần xa, cô vui lòng cho tôi nghỉ nhờ được chăng ?

Cô đáp:

-Tôi còn cha mẹ không dám tự quyền, mời Sư vào nhà hỏi cha mẹ tôi là hơn.

 Ông bảo:

-Vậy cô có bằng lòng không cho tôi biết ?

Cô đáp:

-Riêng tôi bằng lòng. Đạo giả nghe cô hứa chịu, bèn trở về núi ngồi ngay thẳng viên tịch.

Cô gái kia là con út của nhà họ Châu, sau khi hứa lời với Đạo giả rồi, không bao lâu có thai. Cha mẹ cô thấy chưa chồng mà có thai, là làm ô nhục gia phong, quyết định đuổi cô đi. Cô đang tuổi trẻ mà mang phải cái nợ giữa đường, sống bơ vơ không chỗ nương đỡ, phải đi kéo chỉ mướn nuôi miệng qua ngày.

Đến ngày, cô sinh ra một đứa con trai xinh xắn, nhưng vì sự kỳ dị không chồng có con, nên cô đành đem thả xuống sông.

Sáng ngày, cô thấy đứa bé ngồi xếp bằng trên mặt nước, khí sắc tươi tỉnh lạ thường.Cô vừa lấy làm lạ vừa xót thương nên bồng về nuôi dưỡng. Đến bảy tuổi, đứa bé gặp Tổ Đạo-Tín đối đáp một cách phi thường, được Tổ xin về cho xuất gia đặt tên là Hoằng-Nhẫn. Hoằng-Nhẫn có nghĩa là mẹ nhẫn nhục nuôi con, cũng có nghĩa Tổ Đạo-Tín nhẫn chờ đứa bé khôn lớn truyền pháp. Theo truyện nầy, Tổ Hoằng-Nhẫn là thân sau của Tài-Tòng đạo giả.
 

2. -Thiền sư Pháp-Dung núi Ngưu Đầu (594 – 567 T.L.)
 

Sư họ Vi quê ở Duyên-Lăng, Nhuận-Châu. Năm mười chín tuổi, Sư đã học thông kinh sử, tìm xem đại bộ Bát-Nhã hiểu thấu lý chơn không. Một hôm, Sư tự than:

-Đạo nho sách đời, không phải pháp cứu cánh. Bát-Nhã chánh quán là thuyền bè xuất thế.Sư bèn vào ở ẩn núi Mao theo thầy xuất gia học đạo. Sau, Sư đến núi Ngưu-Đầu ở trong thất đá trên ngọn núi phía bắc chùa U-Thê. Lúc đó, có các loài chim tha bông đến cúng dường. Các loài thú dữ quanh quẩn bên Sư không ngớt.

Khoảng niên hiệu Trinh-Quán nhà Đường (627-650 T.L) Tổ Đạo-Tín nhơn thấy khí tượng lạ tìm đến gặp Sư. Nhơn đó, Sư được đại ngộ. Từ khi đắc pháp về sau, nơi pháp tịch của Sư đại thạnh. Khoảng niên hiệu Vĩnh-Huy đời Đường (650-656 T.L) đồ chúng thiếu lương thực, Sư phải sang Đơn-Dương hóa duyên. Đơn-Dương cách núi Ngưu-Đầu đến tám mươi dặm, Sư đích thân mang một thạch(tạ) tám đấu, sáng đi chiều về để cúng dường ba trăm tăng. Như vậy, mà ngót ba năm, Sư cung cấp không thiếu. Quan Ấp Tể tên Tiêu-Nguyên-Thiện thỉnh Sư giảng Kinh Bát-Nhã tại chùa Kiến-Sơ. Thính giả vân tập. Sư giảng đến phẩm Diệt-Tĩnh, đất chấn động. Bác-Lăng-Vương hỏi Sư:

 -Khi cảnh duyên sắc phát, không nói duyên sắc khởi; làm sao biết được duyên, muốn dứt cái khởi ấy ?

Sư đáp:

Cảnh sắc khi mới khởi,
Sắc cảnh tánh vẫn không,
Vốn không người biết duyên,
Tâm lượng cùng tri đồng,
Soi gốc phát chẳng phát,
Khi ấy khởi tự dứt,
Ôm tối sanh hiểu duyên,
Khi duyên, tâm chẳng theo,
Chí như trước khi sanh,
Sắc tâm không nuôi dưỡng,
Từ không vốn vô niệm,
Tưởng thọ ngôn niệm sanh,
Khởi pháp chưa từng khởi,
Đâu cầu Phật chỉ dạy.

Hỏi:

Nhắm mắt không thấy sắc,
Cảnh lự lại thêm phiền,
Sắc đã chẳng quan tâm,
Cảnh từ chỗ nào phát ?

Sư đáp:

Nhắm mắt không thấy sắc,
Trong tâm động lự nhiều,
Huyễn thức giả thành dụng,
Há gọi trọn không lỗi,
Biết sắc chẳng quan tâm,
Tâm cũng chẳng quan người,
Tùy đi có tướng chuyển,
Chim bay trông không thật.

Hỏi:

Cảnh phát không chỗ nơi,
Duyên đó hiểu biết sanh,
Cảnh mất hiểu lại chuyển,
Hiểu bèn biến làm cảnh,
Nếu dùng tâm kéo tâm,
Lại thành biết bị biết,
Theo đó cùng nhau đi,
Chẳng lìa mé sanh diệt ?

Sư đáp:

Tâm sắc,trước,sau,giữa,
Thật không cảnh duyên khởi,
Một niệm tự ngừng mất,
Ai hay tính động tịnh,
Đây biết tự không biết,
Biết,biết duyên chẳng hợp,
Nên tự kiểm bản hình,
Đâu cầu tìm ngoại cảnh,
Cảnh trước không biến mất,
Niệm sau chẳng hiện ra,
Tìm trăng chấp bóng huyền,
Bàn dấu đuổi chim bay,
Muốn biết tâm bản tánh,
Lại như xem trong mộng,
Ví đó băng tháng sáu,
Nơi nơi đều giống nhau,
Trốn không trọn chẳng khỏi,
Tìm không lại chẳng thành,
Thử hỏi bóng trong gương,
Tâm từ chỗ nào sanh ?

Hỏi:

Khi đều đặn dụng tâm,
Nếu là an ổn tốt ?

Sư đáp:

Khi đều đặn dụng tâm
Đều đặn không tâm dụng,
Bàn quanh danh tướng nhọc,
Nói thẳng không mệt phiền,
Không tâm đều đặn dụng,
Thường dụng đều đặn không,
Nay nói chỗ không tâm,
Chẳng cùng có tâm khác.

Hỏi:

Người trí dẫn lời diệu,
Cùng tâm phù hợp nhau,
Lời cùng tâm đường khác,
Hiệp thì trái vô cùng ?

Sư đáp:

Phương tiện nói lời diệu,
Phá bệnh đạo đại thừa,
Bàn chẳng quan bản tánh,
Lại từ không hóa tạo,
Vô niệm là chơn thường,
Trọn phải bặt đường tâm,
Lìa niệm tánh chẳng động
Sanh diệt chẳng trái lầm,
Cốc hưởng đã có tiếng,
Bóng gương hay ngó lại.

Niên hiệu Hiển-Khánh năm đầu (656 T.L) nhà đường, Ấp Tể Tiêu Nguyên Thiện thỉnh Sư xuống núi trụ trì chùa Kiến Sơ

Sư hết lời từ chối mà không được.Bất đắc dĩ, Sư gọi đệ tử thượng thủ là Trí-Nham truyền trao pháp ấn và dặn dò tiếp nối truyền dạy tại núi nầy. Sư sắp xuống núi bảo chúng:

-Ta không còn bước chơn lại núi nầy.

Lúc đó chim thú kêu buồn gần suốt tháng không dừng. Trước am có bốn cây ngô đồng, giữa tháng hè bỗng nhiên rụng lá.

Năm sau (657 T.L) ngày 23 tháng giêng, Sư thị tịch tại chùa Kiến-Sơ, thọ 64 tuổi, tuổi hạ được 41. Ngày 27 đưa quan tài lên núi Kê-Long an táng, số người tiển đưa hơn vạn.

Phái thiền của Sư truyền, sau nầy gọi là Ngưu-Đầu-Thiền, vì lấy tên núi mà đặt tên. Số môn đồ khá đông, lưu truyền thạnh hành đến sáu đời mới dứt.
 

 


 

Tổ thứ năm Trung-Hoa 
32. -Hoằng-Nhẫn (602 - 675 T.L.)

 

Sư họ Châu quê ở Châu-Kỳ thuộc huyện Huỳnh-Mai. Thuở nhỏ, Sư thông minh, xinh đẹp. Có ông thầy xem tướng khen rằng: "Đứa bé nầy có đầy đủ tướng tốt, chỉ thua Phật bảy tướng thôi".

Năm bảy tuổi, Sư gặp Tổ Đạo-Tín độ cho xuất gia. Từ đây về sau, Sư theo hầu Tổ đến khi được truyền tâm ấn. Khi Tổ tịch, Sư kế thừa trụ trì tại núi Phá-Đầu, giáo hóa nơi đây rất thạnh hành. Khi ấy, dân chúng kính mộ tông phong dù ở xa nghìn dặm cũng tìm đến tham học. Tại đạo tràng nầy, tăng chúng thường trực không dưới năm trăm người.

Khoảng niên hiệu Hàm-Hanh (670-674 T.L.) nhà Đường, có người cư sĩ họ Lư tên Huệ-Năng từ phương Nam đến yết kiến Sư. Sư hỏi:

-Ngươi từ đâu đến ?

Huệ-Năng thưa:

-Đệ tử ở Lãnh-Nam đến.

–Ngươi đến ý muốn cầu việc gì ?

-Đệ tử chỉ muốn cầu làm Phật.

-Người Lãnh-Nam không có Phật tánh, làm sao làm Phật được ?

-Người thì có Nam Bắc, Phật tánh há có Nam Bắc sao ?

Sư biết là bậc lợi căn, giả vờ nạt bảo:

 -Lại nhà sau đi !

Huệ-Năng đảnh lễ, đi xuống nhà sau lãnh phần bửa củi, giã gạo.

Một hôm, Sư dự biết thời kỳ truyền pháp đã đến, liền gọi đồ chúng đến bảo:

-Chánh pháp khó hiểu không nên nhớ ghi lời nói suông của ta, giữ làm nhiệm vụ của mình. Các ngươi, tùy ý mỗi người thuật một bài kệ, nếu ý ngộ thầm phù hợp, ta sẽ truyền pháp và y bát.

Lúc đó, hội chúng hơn bảy trăm người, ai cũng tôn sùng thượng tọa Thần-Tú làm bực thầy. Họ đồng bảo nhau:

-Nếu không phải Thượng-Tọa Tú, còn ai đảm đương nổi. Họ đồng nhường phần trình kệ cho Thần-Tú. Thần-Tú thầm nghe lời bàn tán của chúng như vậy, tự suy nghĩ phải làm kệ. Làm kệ xong, ban đêm ông lén biên lên vách chùa phía ngoài hành lang:

Thân thị bồ đề thọ,
Tâm như minh cảnh đài,
Thời thời cần phất thức,
Mạc sử nhạ trần ai.

Dịch:

Thân là cội bồ đề,
Tâm như đài gương sáng,
Luôn luôn phải lau chùi,
Chớ để dính bụi bặm.

Sáng ngày, Sư đi kinh hành qua thấy bài kệ, đọc qua biết là của Thần-Tú làm. Sư khen rằng:

-Người đời sau, nếu y bài kệ nầy tu hành cũng được thắng quả. Toàn chúng đều đua nhau đọc tụng. Ở nhà trù, Huệ-Năng đang giã gạo, có một ông đạo đi qua tụng bài kệ ấy. Hỏi ra biết của Thần-Tú làm, Huệ-Năng bèn nhờ dẫn đến chỗ biên kệ đảnh lễ, đồng thời nhờ biên giùm một bài kệ hòa lại:

Bồ đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài,
Bổn lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai.

Dịch:

Bồ đề vốn không cội,
 Gương sáng cũng chẳng đài,
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính trần ai.

Sư thấy bài kệ nầy thầm nhận, song không dám nói sợ e có người tật đố hại Huệ-Năng. Sư bôi, nói:

-Ai làm bài kệ nầy cũng chưa thấy tánh.

Sư bèn gọi Huệ-Năng nửa đêm vào thất. Sư lấy y che xung quanh thất, giảng kinh Kim-Cang cho Huệ-Năng nghe. Đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", Huệ-Năng bừng ngộ, Sư dạy:

-Chư Phật ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên, bởi chúng sanh căn cơ có lớn nhỏ, tùy đó hướng dẫn, mới có nói ra ba thừa, mười địa đốn tiệm, gọi đó là giáo môn. Như-Lai riêng đem chánh pháp nhãn tạng vô thượng chơn thật vi diệu trao cho Tổ Ma-Ha-Ca-Diếp, lần lượt truyền đến đời thứ 28 là Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma. Tổ Đạt-Ma sang Trung-Quốc truyền nối đến đời ta, nay ta đem đại pháp và y bát đã thọ trao lại cho ngươi. Ngươi phải gắng gìn giữ truyền trao đừng cho bặt dứt. Nghe ta nói kệ:

Hữu tình lai hạ chủng,
Nhơn địa quả hoàn sanh,
Vô tình ký vô chủng,
Vô tánh diệc vô sanh.

Dịch:

Hữu tình đến gieo giống,
Nhơn đất quả lại sanh,
Vô tình đã không giống,
Không tánh cũng không sanh.

Huệ-Năng thọ pháp và y bát xong, lễ bái thưa:

-Pháp đã nghe dạy, còn y bát có nên truyền cho người sau chăng ?

Sư bảo:

-Xưa Tổ Đạt-Ma sang là người nước khác, truyền pháp cho Tổ Huệ-Khả, vẫn ngại người đời không tin sự truyền thừa của thầy trò, nên lấy y bát truyền cho để làm tín nghiệm. Nay tông môn của ta thiên hạ đều biết rõ, không còn ai chẳng tin, nên y bát dừng ngay đời ngươi. Song chánh pháp đến đời ngươi truyền bá càng rộng, nếu còn truyền y sẽ sanh sự tranh giành. Cho nên nói: "người nhận y mạng như chỉ mành". Ngươi nên đi liền, khéo tránh, thời gian sau sẽ ra hoằng hóa.

Huệ-Năng lại hỏi:

-Nay con phải đi về đâu ?

Sư bảo:

-Đến Hoài thì dừng, gặp Hội thì ẩn.

Huệ-Năng lãnh dạy, lễ tạ rồi ra đi ngay đêm ấy. Sau khi truyền pháp, liên tiếp ba hôm, Sư không thượng đường thuyết pháp. Toàn chúng đều nghi ngờ, đồng đến thưa thỉnh. Sư bảo:

-Pháp của ta đã đi về phương Nam rồi. Giờ lại nói gì ?

Chúng thưa:

-Người nào được ?

Sư bảo:

-Năng thì được đó.

Chúng biết là cư sĩ Huệ-Năng. Họ đồng đuổi theo, song tìm không gặp.

Bốn năm sau, một hôm chợt Sư gọi đại chúng bảo:

-Việc ta đã xong, đến lúc nên đi. Sư vào trong thất ngồi an nhiên thị tịch, nhằm niên hiệu Thượng Nguyên thứ hai (675 T.L.) nhà Đường, thọ 74 tuổi. Chúng xây tháp ở Đông-Sơn huyện Huỳnh-Mai tôn thờ. Vua Đường-Đại-Tông truy phong là Đại-Mãn Thiền Sư, tháp hiệu Pháp-Võ.

Sư có trước tác tập "Tối thượng thừa luận" hiện giờ còn lưu hành. Sư được ba đệ tử ưu tú: Huệ-Năng, Thần-Tú, Huệ-An.

 


 

Tổ thứ sáu Trung-Hoa 
33. -Huệ-Năng (638 – 713 T.L.)

 

Sư họ Lư, Tổ tiên quê ở Phạm-Dương, cha tên Hành-Thao, mẹ là Lý-Thị. Đời Võ-Đức (618-627 T.L.) nhà Đường cha Sư làm quan ở Nam-Hải, sau dời về Tân Châu. Sư sanh tại Tân-Châu. Sư được ba tuổi, cha mang bệnh rồi mất, mẹ thủ chí nuôi con. Sư lớn lên trong gia đình rất nghèo túng. Mỗi ngày, Sư phải vào rừng đốn củi đem ra chợ đổi gạo nuôi mẹ.

Một hôm, nhơn gánh củi ra chợ bán, có người mua bảo gánh đến nhà. Sư gánh ngang qua một căn nhà, bỗng nghe người trong nhà tụng kinh, âm ba vang ra, Sư vừa nghe, chợt tỉnh ngộ, Sư hỏi khách:

-Tụng đó là kinh gì ? Phát xuất từ đâu ? 

-Khách đáp:

-Kinh Kim-Cang. Phát xuất từ Ngũ Tổ Hoằng-Nhẫn ở chùa Đông-Sơn, tại huyện Huỳnh-Mai.

Nghe nói xong, Sư tỏ chí muốn tìm đến đó học đạo, song gia cảnh còn mẹ già không ai nuôi ! Có người khách hàng quen xin đài thọ số tiền để Sư cung cấp mẹ già. Gặp cơ hội tốt, Sư về xin phép mẹ cho xuất gia, mẹ Sư hoan hỉ cho xuất gia.

Sư khăn gói lên đường, trải hơn một tháng mới đến huyện Huỳnh-Mai, Sư vào yết kiến Tổ, Tổ hỏi:

-Ngươi từ đâu đến ?

Sư thưa:

-Từ Lãnh-Nam đến.

-Đến đây để cầu việc gì ?

-Đến đây chỉ cầu làm Phật, không cầu việc gì khác.

-Người Lãnh-Nam không có Phật tánh, làm sao cầu làm Phật được ?

-Người thì có Nam Bắc, chớ Phật tánh không chia Nam Bắc.

 Tổ biết Sư là hàng pháp khí, bèn bảo xuống nhà trù làm công quả.

Ở đây, Sư chuyên bửa củi, giã gạo. Cối gạo to, chày đạp lớn, người Sư ốm, không đủ sức nặng cất được chày đạp, Sư phải cột thêm cục đá vào lưng để đủ sức giã gạo. Sư làm công việc nặng nhọc như vậy gần ngót sáu tháng, mà chưa khi nào trễ nải, thối chí. Một hôm, Tổ xuống nhà trù, đi ngay chỗ Sư giã gạo, thấy Sư mang đá giã gạo, Tổ bảo:

-Ngươi vì đạo quên mình như thế ư ? Ta biết ngươi căn tánh lanh lợi, nhưng ngại kẻ khác hại ngươi nên ta không nói chuyện với ngươi, ngươi có biết chăng ?

Sư thưa:

-Con đã biết thế.

Tổ biết thời cơ truyền pháp đã đến, liền ra lệnh cho toàn chúng trình kệ. Trong số chúng bảy trăm người đều suy nhường Thượng tọa Thần-Tú. Sư nghe bài kệ của Thần-Tú, biết là chưa thấy tánh, nên hòa lại một bài kệ. Đọc kệ của Sư, Tổ biết Sư đã thấy tánh. Mấy hôm sau, Tổ tìm cơ hội xuống nhà trù, đến chỗ Sư giã gạo hỏi:

 -Gạo trắng chưa ?

Sư thưa:

 -Đã trắng mà chưa có sàng.

Tổ bèn cầm gậy gõ trên tay cối ba cái, rồi đi lên. Canh ba đêm ấy Sư vào thất Tổ. Tổ truyền pháp và trao luôn y bát cho Sư, dạy đi về phương Nam.

Sư mang y bát đi được mấy hôm vừa đến Dưu-Lãnh bị một người hiệu Huệ-Minh đuổi theo. Sư để y bát trên tảng đá, vào rừng ẩn. Huệ-Minh đến dỡ y bát lên không nổi, đành phải kêu:

-Hành giả ! Tôi đến đây vì pháp, chớ không vì y bát.

Sư nghe nói, bước ra ngồi trên tảng đá bảo:

-Nếu ông vì pháp, hãy bình tâm lại nghe tôi nói.

Huệ-Minh đứng lặng yên giây lâu. Sư bảo:

-Khi không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?

Huệ-Minh nghe câu nầy liền đại ngộ. Sư thường tàng ẩn nơi hai ấp Hoài và Hội. Có lúc gặp phải cuộc sống khó khăn, Sư lại gia nhập vào đoàn thợ săn. Đến bửa ăn, Sư hái rau luộc nhờ trong nồi thịt, rồi chỉ ăn rau, không ăn thịt. Như vậy, Sư với hình thức cư sĩ, thường tùy nghi nói pháp cho họ nghe. Có lần Sư đến Thiều-Châu, gặp ông cư sĩ Lưu-Chí-Lược kết bạn. Chí-Lược có người cô làm Ni hiệu Vô-Tận-Tạng, thường tụng kinh Niết-Bàn. Sư vừa nghe tụng qua đã hiểu được thâm ý, vì bà giải nói nghĩa thú. Sư cô đem quyển kinh ra hỏi chữ, Sư bảo:

-Chữ thì tôi không biết, nghĩa tùy cô cứ hỏi.

Sư cô bảo:

-Chữ còn không biết, nghĩa làm sao hiểu nổi ?

Sư bảo:

-Diệu lý của chư Phật, chẳng quan hệ gì đến văn tự.

Sư cô nghe nói kinh ngạc, liền báo tin cho các bậc kỳ lão trong làng hay rằng:

-Có bậc đạo sĩ đáng cúng dường.

Dân chúng trong làng nghe tin, đua nhau đến chiêm lễ Sư. Gần đó có ngôi chùa cổ hiệu Bửu-Lâm, lâu đời bị đổ nát, dân chúng trong làng hợp sức tu bổ lại, thỉnh Sư về trụ trì. Hằng ngày tứ chúng bốn phương tụ hội về đông đảo, không bao lâu ngôi chùa Bửu-Lâm biến thành một đạo tràng xinh đẹp. Chẳng bao lâu có người theo dõi, Sư lại tìm nơi ẩn tránh.

Ngót mười sáu năm ẩn tránh. Sư biết cơ duyên hoằng pháp đã đến, bèn đến Quản-Châu, nhằm ngày mùng tám tháng giêng năm Bính-Tý, niên hiệu Nghi-Phụng năm đầu (676 T.L) nhà Đường. Sư vào nghỉ nhờ ngoài hiên chùa Pháp-Tánh.

Hôm ấy, pháp sư Ấn-Tông đang giảng kinh Niết-Bàn. Trước chùa treo lá phướng dài, gió thổi lá phướng phất phơ qua lại. Hai ông đạo lấy đó làm đề tài tranh luận. Người nói: "phướng động".người bảo "gió động"; bàn qua cải lại mà không ngã lẽ. Sư đến thưa:

-Có thể cho khách cư sĩ nầy lạm bàn chăng ?

Hai ông đồng ý, Sư bảo:

-Không phải phướng động, không phải gió động, mà tâm nhơn giả động.

Mọi người nghe qua đều ngạc nhiên. Họ vào báo cho Ấn-Tông biết lời bàn kỳ diệu ấy. 

Hôm sau, Ấn-Tông mời Sư vào hỏi về lý "Tâm động". Sư giải rõ thâm lý cực diệu. Ấn-Tông bất giác đứng dậy thưa:

-Ngài không phải là người thường. Nghe nói y pháp của Ngũ Tổ Huỳnh-Mai đã về phương Nam, vậy có phải Ngài chăng ?

Sư đáp:

-Chẳng dám.

Ấn-Tông bèn tập hợp bốn chúng, cầu xin Sư trình bày y bát của Tổ. Sư bèn đem y bát cho đại chúng chiêm bái. Ấn-Tông xin làm đệ tử, đồng thời cầu chỉ dạy thiền yếu.

Đến ngày rằm tháng giêng, Ấn-Tông thỉnh các bậc danh đức đến làm lễ thế phát cho Sư. Ngày mùng tám tháng hai, làm lễ truyền giới cụ túc cho Sư tại chùa Pháp-Tánh. Luật sư Trí-Quang làm Tuyên-luật-sư. Giới đàn nầy, đời Tống,Tam Tạng Cầu Na Bạt-Đà-La đã dự ký trước rằng:

-Sau sẽ có nhục thân Bồ Tát thọ giới tại đây.

Lại, thời Lương mạc, Tam Tạng Chân-Đế, đích thân trồng hai cây Bồ Đề tại giới đàn nầy và bảo chúng rằng:

-Sau khoảng một trăm hai chục năm, sẽ có bậc đại sĩ ở dưới cội Bồ Đề nầy khai diễn pháp vô thượng thừa, độ chúng sanh vô lượng.

-Sau đó có quan Thích Sử Thiều Châu tên Vi Cừ thỉnh Sư đến chùa Đại Phạm thuyết pháp môn vi diệu và thọ giới vô tướng tâm địa. Quan liêu, sĩ thứ và kẻ tại gia, người xuất gia đến dự nghe pháp trên ngàn người. Những thời thuyết pháp tại đây, được đệ tử Sư ghi lại đầy đủ trong kinh Pháp Bảo Đàn.

Năm sau, Sư muốn trở về chùa Bửu Lâm ở Tào Khê là chỗ ẩn xưa kia. Ấn Tông cùng quan liêu sĩ thứ đạo tục tiển đưa có hơn ngàn người. Sư an trú ở đây, tăng chúng xa gần đua nhau đến tham vấn. Trung bình chư tăng thường có mặt tại chùa không dưới một ngàn. Sư đã dựng lên cây cờ Đại pháp, bốn phương trông thấy đều hướng về.

Niên hiệu Thần Long năm đầu (705 T.L) Vua Trung Tông xuống chiếu sai sứ là Tiết Giảm đi thỉnh Sư về triều. Sư từ chối vì lý do bệnh. Trong lời từ chối của Sư có câu: "Tôi nguyện được trọn đời ở chốn núi rừng". Tiết Giảm thưa:

-Các bậc thiền đức nơi kinh thành đều nói "muốn được hội đạo cần phải tọa thiền tập định, nếu không nhơn thiền định mà được giải thoát, là việc chưa từng thấy". Chưa biết Thầy thường nói pháp dạy người thế nào ?

Sư đáp:

-Đạo do tâm ngộ, đâu phải ở ngồi. Kinh nói: "Nếu nói Như-Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc nằm là người ấy không hiểu nghĩa ta nói. Vì sao ? Vì Như-Lai không từ đâu đến cũng không đi đâu". Vì không từ đâu đến, nên không sanh, vì không đi đâu nên không diệt. Nếu không sanh diệt là Như-Lai thanh tịnh thiền, các pháp không tịch là Như-Lai thanh tịnh tọa. Tột cùng không được, cũng không có chỗ chứng, huống là ngồi ư ? 

Tiết Giảm thưa:

-Đệ tử trở về kinh đô ắt Chúa Thượng có hỏi. Cúi xin Hòa Thượng từ bi chỉ cho chỗ tâm yếu, ngõ hầu đối cảnh giải rành, khiến cho những kẻ học giả ở kinh đô hiểu biết tu hành. Ví như thấp một ngọn đèn, mồi được trăm ngàn ngọn đèn, khiến cho chỗ tối tăm được sáng, sáng mãi không cùng.

Sư bảo:

-Đạo không có tối sáng, tối sáng là nghĩa đối đãi nhau; dù sáng mãi không cùng, cũng là có cùng. Bởi vì đối đãi mà lập danh tự cho nên Kinh nói: "Pháp không có so sánh vì không có đối đãi".

–Sáng thí dụ trí huệ, tối thí dụ phiền não. Người tu hành nếu không dùng trí huệ chiếu phá phiền não, thì cái sanh tử từ vô thủy do đâu được ra khỏi ?

Sư bảo:

-Nếu dùng trí huệ chiếu phá phiền não, đây là kẻ tiểu căn Nhị thừa, là xe dê, xe nai, người đại căn thượng trí không như vậy.

Tiết Giảm hỏi:

-Thế nào là chỗ kiến giải của Đại thừa ?

Sư đáp:

-Sáng cùng không sáng tánh nó chẳng hai, tánh không hai tức là tánh thật. Tánh thật thì ở phàm phu chẳng bớt, ở hiền thánh chẳng thêm, dừng nơi phiền não mà chẳng loạn, đứng nơi thiền định mà chẳng lặng, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đến, chẳng đi, chẳng ở giữa và hai bên, chẳng sanh, chẳng diệt, tánh tướng như như, thường trụ không dời đổi, gọi đó là Đạo.

Tiết Giảm thưa:

-Hòa thượng nói chẳng sanh chẳng diệt, có khác gì chúng ngoại đạo nói ?

Sư bảo:

-Ngoại đạo nói chẳng sanh chẳng diệt là đem cái diệt chận cái sanh, lấy cái sanh để bày cái diệt. Diệt vẫn chẳng diệt, sanh nói không sanh. Ta nói không sanh diệt là xưa tự không sanh, nay cũng không diệt, đâu có thể đồng với ngoại đạo ư ? Ông muốn rõ được tâm yếu thì, đối tất cả việc thiện ác đều chớ suy nghĩ, tự nhiên được vào.Tâm thể trong trẻo thường lặng lẽ diệu dụng như hằng sa.

Tiết Giảm nghe qua liền đại ngộ, lễ bái Sư trở về triều. Về triều ông tâu hết tự sự cho vua nghe. Vua càng thêm cung kính và ngợi khen. Vua lại ban chiếu và cúng dường ca-sa, tích trượng bảo câu. Sắc đổi tên chùa Bửu-Lâm là Trung-Hưng.

Năm sau, vua lại sắc thích sử Thiều-Châu kiến thiết ngôi chùa Trung-Hưng lại và đổi tên là Pháp-Tuyền. Chùa của Sư ở trước, tại Tân-Châu đổi tên là Quốc-Ân. Một hôm Sư bảo chúng:

-Thiện tri thức ! Các ngươi mỗi người tịnh tâm nghe ta nói pháp, hết thảy các ngươi tâm mình là Phật, chớ có hồ nghi. Ngoài không có một pháp có thể dựng lập, đều là tâm mình sanh ra muôn pháp. Kinh nói: "Tâm sanh thì các thứ pháp sanh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt". Nếu muốn thành tựu chủng trí phải đạt nhất tướng tam muội và nhất hạnh tam muội. 

Nếu ở tất cả chỗ mà không trụ tướng, ở trong tướng ấy mà không sanh yêu ghét, chẳng lấy, chẳng bỏ, chẳng nghĩ việc lợi ích, thành hoại,v.v…an ổn thanh tịnh gọi là nhất tướng tam muội. Nếu ở tất cả chỗ đi đứng ngồi nằm, ròng một trực tâm, không dời khỏi đạo tràng, liền thành tịnh độ, gọi là nhất hạnh tam muội.Nếu người đủ hai tam muội nầy, như đất có giống hay chứa đựng, nuôi dưỡng thành tựu được bông trái của nó. Nhất tướng, nhất hạnh cũng lại như vậy. Nay ta nói pháp, ví như khi mưa thấm ướt cả đất, Phật tánh của các ngươi ví như các hột giống, vừa gặp thấm ướt, liền nảy mầm. Giữ đúng lời ta quyết được Bồ-Đề, đúng theo ta dạy mà thực hành nhất định chứng quả Phật.

Niên hiệu Tiên-Thiên năm đầu (712 T.L) một hôm Sư chợt gọi đồ chúng đến bảo:

-Ta ở chỗ Tổ Hoằng-Nhẫn thọ pháp yếu cùng y bát. Nay tuy nói pháp mà không truyền y bát, bởi vì các ngươi lòng tin đã thuần thục, không còn nghi ngờ, nên chẳng truyền. Nghe ta nói kệ:

Tâm địa hàm chư chủng,
Phổ vũ tất giai manh.
Đốn ngộ hoa tình dĩ,
Bồ-Đề quả tự thành.

Dịch:

Đất tâm chứa các giống,
Mưa khắp ắt nẩy mầm.
Hoa tình vừa đốn ngộ,
Trái bồ-đề tự thành.

Sư lại bảo:

-Pháp ấy không hai, tâm ấy cũng vậy. Đạo kia thanh tịnh cũng không các tướng. Các ngươi dè dặt chớ quán tịnh và tâm kia không.Tâm nầy sẵn tịnh, không lấy bỏ, mỗi người tự nỗ lực tùy duyên đi an lành.

Sư thuyết pháp độ sanh đã được bốn chục năm. Trước đây, Sư đã sai người về chùa Quốc-Ân ở Tân-Châu xây tháp. Đến ngày mùng 6 tháng 6 năm nầy, Sư lại sai người đến đốc suất làm nhanh.

Đến ngày mùng 1 tháng 7, niên hiệu Tiên-Thiên thứ hai (713 T.L),Sư gọi môn nhân bảo:

-Ta muốn trở về Tân-Châu, các ngươi lo sửa soạn thuyền.

Lúc ấy, đại chúng đều buồn bã, thỉnh Sư ở nán lại. Sư bảo:

-Chư Phật ra đời vẫn thị hiện vào Niết-Bàn. Có đến ắt có đi, lẽ đó là việc thường vậy. Thân hình hài của ta về ắt có chỗ.

Chúng hỏi:

-Hôm nay thầy đi bao giờ trở lại ?

 Sư bảo:

-Lá rụng về cội, trở lại không hẹn.

Chúng hỏi:

-Pháp nhãn tạng, thầy sẽ trao cho người nào ?

Sư bảo:

-Có đạo thì được, vô tâm thì thông.

Chúng thưa:

-Thầy để lời di chúc xem có nạn không ?

Sư bảo:

-Ta diệt độ khoảng năm, sáu năm ắt có người đến lấy đầu ta. Nghe ta nói kệ:

Đầu thượng dưỡng thân,
Khẩu lý tu xan.
Ngộ Mãn chi nạn,
Dương Liễu vi quan.

Dịch:

Trên đầu nuôi thân,
Trong miệng để ăn.
Gặp Mãn gây nạn,
Dương Liễu làm quan.

Sư nói tiếp:

-Sau khi ta diệt độ khoảng bảy chục năm, có hai vị Bồ-Tát từ phương Đông đến, một tại gia, một xuất gia chung hưng hóa Phật pháp, sửa lại các ngôi già lam nâng đỡ tông chỉ của ta.

Sư về đến Tân-Châu, vào chùa Quốc-Ân, tắm gội xong, ngồi kiết già, an nhiên thị tịch. Khi ấy có mùi hương lạ xông ra, móng trắng vòng chí đất. Sư tịch ngày mùng hai tháng tám năm Quý Sửu, niên hiệu Tiên-Thiên thứ hai (713 T.L), đời Đường, thọ 76 tuổi.

Bấy giờ môn đồ hai châu Thiều và Tân muốn đem hài cốt Sư về châu mình an táng. Bàn nhau không ngã lẽ, phải thấp hương cầu nguyện ý Sư; nếu khói hương bay về đâu, thì vâng theo ý đó. Khói hương bay thẳng hướng Tào-Khê. Thế là môn đồ ở Thiều Châu sửa soạn đưa linh cữu Sư về nhập tháp. Ngày 13 tháng 11 đưa linh cữu về nhập tháp tại bên bờ khe Tào-Hầu, nay là chùa Nam-Hoa.

Vua Đường Hiến-Tông truy phong Sư là Đại Giám thiền sư, tháp hiệu Nguyên Hòa Linh Chiếu. Môn đệ của Sư đắc pháp và hoằng hóa sau nầy có cả thảy bốn mươi ba vị:

1-Hành-Tư ở núi Thanh Nguyên.

2-Hoài-Nhượng ở Nam Nhạc. 

3-Pháp-Hải.

4-Huệ-Trung.

5-Bổn-Tịnh.

6-Thần-Hội.

7-Huyền-Giác.

8-Huyền-Sách.

9-Tam Tạng Quật-Đa v.v…

Những lời Sư chỉ dạy có thể đa số được sưu tập trong quyển Pháp-Bảo-Đàn Kinh.

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/33vitoan-hoa3.htm

 


Vào mạng: 18-9-2008

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang