- Gương Lành Thánh Ðại Ca
Diếp (Mahà Kasapa)
Vị Tăng Thống Phật Giáo đầu tiên
- Tác giả: Hellmuth Kecker
- Diễn dịch: Nguyễn Ðiều (1992)
Phần 3
VI. ÐỐI XỬ VỚI THIÊN CHÚNG
Có hai lần Ðại Ca Diếp đã tiếp
xúc với Thiên chúng từ các cõi trời Dục giới và Ðao Lợi. Những mẫu
chuyện này được ghi lại trong Tam Tạng kinh điển, không phải để đề
cao một cách phàm tình oai lực của một đại Thánh nhân A-la-hán, mà là
chỉ để nhắc lại cái tính "không sẵn sàng hưởng thụ" của
Trưởng lão Ðại Ca Diếp. Ngoài ra, ấy cũng để chứng tỏ một tâm tư bình
đẳng, độc lập và bất vụ lợi của một Sa-môn đã chứng quả giải
thoát.
Số là một lần nọ, có một tiên
nữ tên Làjà, nhân nhớ lại nguyên nhân nàng được sinh lên cõi trời,
là nhờ kiếp trước tuy làm người đàn bà nghèo khổ, nhưng đã cúng dường
được một nắm cơm khô đến Sa-môn Ðại Ca Diếp, và trong tâm phát nguyện
rằng: "Xin cho tôi chia sớt một phần chân lý mà người đã chứng ngộ!"
Rồi trên đường về nhà, người đàn bà nghèo khổ ấy, trong khi thỏa
thích với việc lành của mình, vô ý dậm phải một con rắn độc và bị
nó cắn chết. Nhờ khi nhắm mắt nàng còn hoan hỉ với thiện nghiệp mới
tạo nên nàng lập tức được sinh lên cõi trời thứ ba mươi ba, chào đời
trong một khung cảnh vô cùng lộng lẫy...
Vị tiên nữ trẻ đẹp nầy biết
rõ những gì đã xảy ra trong tiền kiếp và xuyên qua lòng biết ơn, nàng
muốn đích thân phục vụ, hộ trì Trưởng lão đại Sa-môn Ca Diếp. Nàng
liền từ thiên giới hiện xuống cõi trần, "tự tay" dọn quét sạch
sẽ chỗ ở của Ðại Ca Diếp và đổ đủ lượng nước cần thiết vào
bình cho Ngài! (Dịch giả cần nói rõ ở đây là các hàng Thiên chúng, khi
thực hành một số công tác trên thế gian, họ có thừa "quyền lực"
mà chúng ta cho là phép lạ! Họ chỉ dùng "tâm tư" sai khiến, mọi
việc tự nhiên thành! Nhưng khi họ phải hiện ra hình người để "đích
thân" làm một việc gì đó, tức là để chứng tỏ sự thành tâm và
mức kính trọng cao độ!).
Trải qua ba ngày, vị tiên nữ
Làjà hộ trì Sa-môn Ðại Ca Diếp một cách "lén lút" như thế!
(Nghĩa là chờ khi ông đi khất thực hay khi ông bận nhập định thì nàng
mới dám hiện ra làm việc). Nhưng đến ngày thứ tư, nhân suy nghĩ rằng:
"Chắc Ngài đã nhận sự hộ trì của ta", nên nàng liền hiện ra
tiên nữ để phục dịch vị Sa-môn công khai...! Trưởng lão Ðại Ca Diếp
thấy hào quang sáng rực trong tịnh thất liền chất vấn vị tiên nữ, rồi
yêu cầu nàng không nên tiếp tục hành động như thế! Ông nêu lý do rằng:
"Các Tỳ-khưu khác hay các tu sĩ mới nhập môn, khi chứng kiến sự ưu
đãi nầy họ sẽ dị nghị, và không tinh tấn noi gương ông nữa!"
Lời yêu cầu ngay thật của Ðại
Ca Diếp dĩ nhiên không tránh khỏi làm buồn lòng vị tiên nữ. Nàng lập tức
bay bổng lên không trung quay về thiên giới, trong tâm chứa đầy nỗi hối
tiếc.
Ðức Phật biết rõ chuyện đó, liền
hiện ra trước mặt nàng tiên nữ để an ủi cô ta. Ngài cắt nghĩa cho nàng
biết quả phúc vô lượng của hành động mà nàng đã làm. Tiên nữ không
nên buồn phiền vì lời khuyên của Ðại Ca Diếp, bởi đức tánh tự
nhiên của một Sa-môn nghiêm trì hạnh tu đầu đà là như vậy! (Theo cổ
truyện chú giải Pháp Cú kinh số 118 - Dhammapada 118).
Còn câu chuyện thứ hai thuật lại:
Khi ấy Ðại Ca Diếp đang ẩn tu trong động "Trường Tịnh"
(Pipphali Cave). Nhân sau một cuộc đại nhập định liên tục không gián đoạn,
không thay đổi oai nghi (chỉ ngồi mà thôi) trong vòng bảy ngày, ông xả
thiền để vào Vương Xá thành khất thực... Lúc ấy có năm trăm vị tiên
nữ là những "vương phi", của vua trời Ðế Thích (Sakka) từ
thiên giới chờ đợi muốn cúng dường Sa-môn Ðại Ca Diếp (Mahà Kassapa).
Và với những thực phẩm quý báu đã được chuẩn bị sẵn, họ đồng
loạt hiện xuống nghinh đón vị Sa-môn trên đường hướng vào thành Vương
Xá, để được dâng cúng đầu tiên. Nhưng dung lượng cái bình bát của
Sa-môn Ðại Ca Diếp chỉ cần một phần cúng dường của một tiên nữ
mà thôi cũng đủ để đầy, huống chi có đến năm trăm phần dâng cúng?!
Vì vậy Trưởng lão Ðại Ca Diếp đã chỉ nhận của mỗi tiên nữ một
ít thực phẩm tượng trưng...
Ông hiền từ phân trần:
"Nầy các tiên nữ thiện tâm!
Bần đạo muốn gieo rắc một phần nghiệp lành cho những người nghèo khổ,
bất hạnh trong làng xóm hay trong thành thị. Họ sở dĩ phải chịu khổ sở
là vì đã không có dịp tạo thiện nghiệp, và giờ đây bần đạo đang
đưa đến cho họ cơ hội tốt ấy!"
Các tiên nữ, sau khi đã năn nỉ
nhiều lần, để được "độc quyền" cúng dường, vẫn nghe Trưởng
lão Ðại Ca Diếp lập lại những lời tương tự, nên sau cùng họ phải
chịu rút lui, tránh đường cho vị Sa-môn tiếp tục vào thành hóa độ...
Khi vua trời Ðế Thích (Sakka) hay
tin đó, chính vua chợt cảm thấy "lo ngại". Vì ai cũng biết rằng
"cúng dường bữa ăn đầu tiên của một Thánh nhân, sau bảy ngày nhập
định bằng hạnh đầu đà, sẽ được phước báu vô lượng vô
biên!". Và để tránh cảnh bị "từ chối " sự "độc quyền
dâng cúng" như năm trăm vị tiên nữ kia, vua trời Ðế Thích đã dùng
thần thông hóa thành một người thợ dệt quê mùa già yếu. Lão thợ dệt
chờ cho Sa-môn Ðại Ca Diếp đến gần, rồi cung kính hiến dâng một phần
cơm (ý nói đủ cho một bữa ăn) vào trong bình bát. Nhưng oai lực của một
vua trời, sau khi được toại nguyện, liền tự động phát tác, khiến cho
Thiên vương không che giấu được chân tướng của mình. Phần cơm nghèo
nàn mà ông vừa dâng cúng cũng bất thần tươi tốt, tỏa mùi thơm như một
món ăn thượng hạng!
Ðại Ca Diếp nhận ra lão thợ dệt
là vua trời Ðế Thích, liền từ bi quở trách:
"Nầy Kosiya (tên của Ðế
Thích)! Như thế là ông đã giảm mất của người khác một cơ hội làm
phước. Ở cương vị một bậc vua trời, nếu ông không cúng dường được
lần nầy, ông có thể cúng dường trong một lần khác, vì ông có nhiều
thần thông và hưởng tuổi thọ rất dài. Nhưng một phàm nhân nghèo khổ,
giữa các kiếp sống vô thường, phù du, ngắn ngủi ấy, nếu chưa tạo
được thiện nghiệp mà cái chết đến, họ sẽ nhắm mắt luân hồi,
trong tâm không có phước lành làm hành trang thì thật là tội nghiệp! Bần
tăng khuyên ông nên nghĩ đến những chúng sanh bất hạnh khác!"
Vua trời Ðế Thích liền biện luận:
"Bạch Thánh nhân! Nhưng trên
thiên giới chúng tôi cũng rất cần phúc đức! Yêu cầu Thánh Tăng hãy cho
biết hành động làm phúc trá hình của tôi vừa qua có ảnh hưởng đến
quả lành hay không?"
"Nầy Ðế Thích! Chắc chắn
là ông sẽ có phúc lành vô lượng, có một cách trọn vẹn! Vì hành động
trá hình cúng dường của ông được thúc đẩy bằng thiện tâm, chứ
không phải do ác ý!"
Thế là vua trời Ðế Thích tỏ ra
rất hoan hỉ. Ông xá chào cáo biệt Trưởng lão Ðại Ca Diếp, rồi bay
lên không trung trở về thiên giới...
Theo kinh Udàna, số 3, đoạn 7, phần
truyện chú giải cho Pháp Cú (Dhammapada) câu thứ 56 thì vua trời Ðế
Thích, khi ấy đã ngâm vang kệ rằng:
"Thánh nhân, bình bát, độ đời...
Gieo duyên ban phúc cho người trầm luân.
Mừng thay Thánh hạnh thuần chân!
Còn gương Ca Diếp là ân đức còn!"
--(N. Ð. diễn dịch thành thơ)
VII. NHÂN DUYÊN VỚI ÐỆ TỬ VÀ ÐỒNG
ÐẠO
Một Sa-môn chí tâm trong việc tu
thiền và thường xuyên thọ hạnh đầu đà, như Thánh Tăng Ðại Ca Diếp
dĩ nhiên rất khó làm cho người ta tin là ông đã thâu nhận và huấn luyện
được nhiều đệ tử! Ðiều này có lẽ rất đúng, vì trong kinh điển Phật
giáo chỉ ghi lại một ít đệ tử của Ðại Ca Diếp mà thôi.
Một trong số các bài pháp hiếm
hoi, mà Ðại Ca Diếp đã thuyết cho những Tỳ-khưu hữu duyên với ông
nghe, đề cập đến sự chủ quan tự phụ, định giá quá cao các
"trình độ hiểu biết " của mình. Ðại Ca Diếp đã nói:
"Nầy chư huynh đệ! Có thể một
vài Sa-môn loan tin rằng mình đã đạt được trí tuệ siêu việt, đắc quả
A-la-hán. Nhưng khi chính đức Bổn Sư hay những Trưởng lão có khả năng xác
nhận sự THẬT, gặp họ để chất vấn, thì họ lại tỏ ra lúng túng,
và trả lời bâng quơ! Người chất vấn chừng đó mới hiểu rõ: Một
vài Tỳ-khưu ấy vốn đã cao hứng mà tuyên bố phóng đại, xuyên qua tính
tự kỷ ám thị (hay ngã mạn), chứ không phải họ phát ngôn một cách
chân thật! Rồi bậc chất vấn ấy lại cũng nhận thấy: Vì các Tỳ-khưu
nầy đã "nhớ" khá nhiều Phật ngôn và có tài biện luận, phân
tích rất hay, tưởng thế là mình đã trở thành bậc giác ngộ..., nên tự
họ đề cao sự "hiểu biết" của mình, lầm lẫn cho đó là quả
giải thoát! Bậc đã thật chứng vô lậu, tiếp theo bèn dùng Tha Tâm Thông
để "đọc" trong ý nghĩ của các Tỳ-khưu "Có tài nhớ nhiều"
kia, thì tìm ra rằng: Cái khả năng thuộc lòng của họ, nhiều khi chính
là một trở ngại lớn lao, cho sự giải thoát phiền não tham, sân, si!
Vì "biết nhiều" chỉ có
thể là một phương tiện để hành giả thực hiện đến cùng một công
trình nào đó, chứ nó không phải là một Thánh quả gì cả! Người biết
nhiều Phật ngôn có thể ví như kẻ có lắm dụng cụ leo núi. Nhưng ngày
nào họ vẫn chưa dùng các dụng cụ ấy để lên tới đỉnh, thì họ chẳng
hơn gì kẻ trong tay không có chi hết. Nhiều khi họ còn lầm lẫn tự hào,
đem các dụng cụ ấy ra khoe, tưởng như mình đã lên đến chót núi rồi
vậy! Năm pháp chướng ngại trong tâm, chính là năm vách núi đang bao vây
phàm nhân trong vùng lửa phiền não tham, sân, si! Và người biết nhiều Phật
ngôn mà chẳng thực hành, không khéo sẽ trở thành kẻ chưa nhìn thấy năm
vách núi ấy! (N.Ð. diễn dịch theo Tăng Chi A Hàm số 10: 86).
Ngoại trừ vài trường hợp, Ðại
Ca Diếp đã huấn dụ một số ít chư Tỳ-khưu (Không được nêu tên)!
Còn hầu hết những bản kinh ghi lại, thì ông chỉ có liên hệ mật thiết
với hai vị đại tông đồ khác của đức Phật là Xá Lợi Phất
(Sarìputta) và A Nan Ðà (Ananda). Theo Túc Sinh Truyện (Jàtaka) thì Xá Lợi Phất
trong nhiều kiếp quá khứ đã tái sinh làm con của tiền thân Ðại Ca Diếp
(Jàtaka số 326 và 448), và hai lần khác ông tái sinh làm cháu nội, rồi
làm bạn của Ðại Ca Diếp. (Theo Jàtaka: Túc Sinh Truyện số 450 và 525).
Các Tôn Túc Kệ Ngôn (Theràgàthà) số 1082-1086 cũng thuật lại rằng Trưởng
lão Ðại Ca Diếp, một lần nọ, đã nhìn thấy hàng ngàn vị Phạm Thiên
từ cõi trời kéo xuống đảnh lễ và tán dương Xá Lợi Phất
(Sàrìputta).
Có hai cuộc đàm thoại giữa Ðại
Ca Diếp và Xá Lợi Phất được ghi lại trong kinh Kassapa Saưuytta (Tạm dịch
là Ca Diếp Tuyển Pháp). Theo đó, chính vị đại tông đồ Xá Lợi Phất
này, vào những buổi chiều, sau khi xả thiền đã đến gặp Trưởng lão
Ðại Ca Diếp.
Trong bản văn của cuộc đàm thoại
thứ nhất thì Xá Lợi Phất đã hỏi:
- Nầy đạo huynh Ðại Ca Diếp!
Theo lời Phật dạy: Kẻ lười biếng và chẳng ghê sợ tội lỗi là người
không thể nhìn thấy ánh sáng giác ngộ, không thể đạt tới Niết Bàn
và không thể tìm ra trạng thái an ninh tuyệt đối! Nhưng nếu bậc xuất
gia mà biết chăm chỉ tu hành luôn luôn ghê sợ làm tội, thì có thể chứng
quả giải thoát, đạt được Niết Bàn và đưa mình đến vị trí an vui
cao nhất...
- Nầy đạo huynh Ðại Ca Diếp! Vậy
hai loại người nói trên được diễn tả một cách rõ rệt như thế nào?
- Nầy đạo hữu Xá Lợi Phất! Có
bốn trường hợp tiêu biểu để diễn tả họ:
1. Khi một bậc xuất gia nghĩ rằng: "Những
tư tưởng xấu hay bất thiện, tuy nguy hiểm, nhưng hiện tại chưa xuất hiện
trong tâm, nên ta không cần lưu ý... rồi họ dễ ngươi và không sợ tội
lỗi!"
2. Khi một bậc xuất gia nghĩ rằng: "Những
tư tưởng xấu xa hay bất thiện vốn tự nhiên xảy ra trong ta và ta đã
vô ý hành động sai rồi. Hậu quả không biết nguy hiểm ra sao và chừng
nào mới đến!". Rồi họ dễ ngươi và không ghê sợ vấp phải tội
lỗi!
3. Khi một bậc xuất gia nghĩ rằng: "Những
tư tưởng xấu hay bất thiện trong quá khứ đã không xảy ra trong ta, thì
ta biết đâu mà tránh trong hiện tại?". Rồi họ dễ ngươi và không
ghê sợ đề phòng tội lỗi!
4. Khi một bậc xuất gia nghĩ rằng: "Nếu một
tư tưởng xấu, hay bất thiện xảy ra trong ta, mà ta cứ buông xuôi, không
hành động gì hết, thì nó sẽ biến mất...!" Rồi họ dễ ngươi và
không để ý đến tội lỗi!
- Nầy đạo hữu Xá Lợi Phất!
Ðây là bốn trường hợp tiêu biểu hằng làm cho các bậc xuất gia coi thường
những tà tư duy, bị giảm nghị lực, và bị thoái hóa trên con đường tìm
đạo giải thoát, đạt tới Niết Bàn hay chứng nghiệm an vui tuyệt đối!
Ngược lại, nếu một bậc xuất gia, trong cả bốn trường hợp trên,
không phân biệt quá khứ, hiện tại hay vị lại. không coi thường những
ý nghĩ xấu xa đã đến, đang đến hay chưa đến, luôn luôn tinh tấn,
giác tỉnh và biết mình, thì họ sẽ thấy được ánh sáng giác ngộ, sẽ
đắc Niết bàn, và sẽ ở trong trạng thái an vui tuyệt đối! (Theo Tạp A
Hàm số 16: 2 -Saưuyutta Nikàya 16:2).
Vào một dịp khác, Xá Lợi Phất
(Sàrìputta) đã hỏi Ðại Ca Diếp một số vấn đề rất siêu hình, mà đối
với chúng ta, ấy phải là một chuyện lạ.
Xá Lợi Phất đã hỏi:
- Nầy Ðại Ca Diếp! Sau khi viên tịch,
đấng Toàn Giác (Tathàgata), sẽ hằng còn hay tuyệt diệt?... Hoặc theo một
ý nghĩa sâu xa nào đó, Phật nhập Niết bàn, tức là trở thành tổng thể:
một phần trường cửu và một phần không trường cửu? Hay Phật nhập Niết
Bàn tức là trở thành vừa không trường cửu, vừa cũng không không trường
cửu?"
Trước mỗi câu hỏi, Ðại Ca Diếp
đã trả lời rằng: "Ðức Phật đã không bao giờ tiết lộ về chuyện
ấy!". Và khi bị gạn hỏi "Tại sao đấng Toàn Giác đã không tiết
lộ chuyện ấy? ", Ðại Ca Diếp lại phân tích:
- Bởi vì những điều đó không
có lợi ích gì cho đời sống tu hành, không liên quan gì đến phẩm hạnh
Sa-môn, không thúc đẩy các bậc xuất gia xa lánh trần tục, giảm thiểu
ham muốn, không chấm dứt khổ não, không trở thành thanh tịnh, đạt trí
tuệ giải thoát, không thực chứng chân lý và đắc Niết Bàn!
Xá Lợi Phất lại hỏi:
- Nhưng nầy Ðại Ca Diếp! Vậy
thì Ðức Thế Tôn đã nói ra những gì?
- Nầy Xá Lợi Phất! Ðức Thế
Tôn đã dạy: "Ðây là sự KHỔ, đây là NGUYÊN NHAÂN của sự khổ, đây
là chỗ CHẤM DỨT sự khổ. Và đây là CON ÐƯỜNG dẫn tới chỗ chấm dứt
ấy! Nầy đạo hữu Xá Lợi Phất! Ðức Thế Tôn đã thuyết ra như thế,
bởi vì các điều ấy có lợi ích thiết thực cho sự tu hành, có liên
quan trực tiếp tới đời sống phạm hạnh, khiến cho hành giả xa lánh trần
tục, chấm dứt tham vọng, thanh tịnh nội tâm, hiểu biết trực tiếp,
giác ngộ chân lý, và đạt tới Niết bàn! (Theo Tạp A Hàm số 16: 12 -
Samyutta Nikàya 16: 12).
Chúng ta không tìm ra một điển cố
nào chỉ rõ tại sao Xá Lợi Phất lại nêu lên những câu hỏi siêu hình
như thế. Vì đối với một bậc A-la-hán như Xá Lợi Phất, các câu hỏi
ấy dường như không thích hợp cho lắm! Tuy nhiên, rất có thể cuộc đối
thoại nầy đã xảy ra chẳng bao lâu sau khi Ðại Ca Diếp đã được xuất
gia, tức là được đức Phật đích thân nhận làm môn đồ. Hoặc cuộc
đối thoại ấy cũng có thể nằm trong khoảng từ khi Ðại Ca Diếp chính
thức gia nhập Phật giáo, cho đến khi ông đắc quả A-la-hán. Và mẫu chuyện
Xá Lợi Phất chất vấn Ðại Ca Diếp vừa kể, có khi chỉ để thẩm xét
trình độ liễu đạo của Ðại Ca Diếp mà thôi. Hoặc giả vì Xá Lợi Phất
đã nhân dịp đối thoại với Ðại Ca Diếp (như qua một trung gian) mà
nêu lên những thắc mắc thầm kín của hầu hết các đạo hữu hay Tỳ-khưu
chưa thấu đáo Phật giáo khác.
Trong bộ Trung A Hàm (Majjhima Nikàya)
kinh số 32 tên là Mahàgosinga, có thuật lại Ðại Ca Diếp đã tham dự một
buổi luận đạo của chư Sa-môn tôn túc đệ tử Phật, do Xá Lợi Phất
đứng đầu.
Lúc ấy nhằm cơ duyên hầu hết
các Trưởng lão trong cộng đồng Tăng già đang cùng với đức Phật nhập
hạ trong rừng Gosinga. Vào một đêm trăng thật sáng, chư đại Sa-môn, sau
một thời nhập định, đã cu hội gần tịnh thất của Xá Lợi Phất, để
thảo luận thiền pháp...
Khi mọi người vừa tề tựu, Xá Lợi
Phất liền tuyên bố:
- Kính bạch chư huynh đệ! Thật là
kỳ diệu cho ngôi rừng Gosinga nầy: dưới ánh trăng rằm vằng vặc, không
một gợn mây che, những cây song long thọ phủ đầy hoa, tỏa mùi thơm bát
ngát, như được tắm gội trong cõi hào quang tỏa từ thiên giới, bần đạo
bỗng cảm thấy cái thanh tịnh trong tâm hòa đồng với cái thanh tịnh của
vạn vật! Sự thanh tịnh đó chẳng khác nào vầng trăng tinh khiết xán lạn
như pha lê kia, bần đạo dám hỏi chư huynh đệ, đức hạnh nào trong
chúng ta có thể so sánh với nguyệt cầu tuyệt hảo hôm nay? Ở đây có mặt
các vị tôn túc, đại đệ tử Phật: A Nan Ðà, Revata, Anuruddha, Mahà
Kassapa và Mahà Moggallàna v. v..., vậy vị nào là Sa-môn có thể hằng ngày
soi sáng ngôi rừng Gosinga nầy bằng đạo hạnh của mình?
Các Trưởng lão thay phiên nhau mỗi
người trả lời một cách. Riêng Ðại Ca Diếp (Mahà Kassapa) thì câu trả
lời phản ảnh nguyện vọng của ông như sau:
"Vị Sa-môn là người chuyên lấy
rừng làm nhà, an tịnh với cảnh màn trời chiếu đất, hằng ngày khất
thực độ đời. Sa-môn nào là người triệt để chế ngự lòng tham, chỉ
có tam y và thản nhiên mặc vải vá, giảm thiểu những vật dụng. Sa-môn
nào là người luôn luôn tri túc, thận trọng với mọi tiếp xúc, xa lánh sự
tụ họp phù phiếm và giàu nghị lực. Sa-môn nào là người chân thành
hoan nghinh những đức tánh ấy, mặc dù trong mình, họ có đủ các phẩm hạnh
như giới đức, định tâm, trí tuệ, giải thoát mà chính họ đã thụ hưởng
quả tịnh lạc, đồng thời nếu có ai yêu cầu thì họ cũng có thể chỉ
dẫn cách tu để đạt được các thành công ấy một cách sốt sắng, rõ
ràng và chính xác!"
Ðối với A Nan Ðà, kinh điển đã
ghi rõ: Ðại Ca Diếp (Màhà Kassapa) cũng có nhiều mối quan hệ cộng nghiệp
với A Nan Ðà, trong những kiếp quá khứ. Theo các Túc Sinh Truyện số 488
và 535 (Jàtaka 488-535) thì A Nan Ðà đã hai lần tái sinh làm anh em với tiền
thân Ðại Ca Diếp. Còn trong Túc Sinh Truyện 450 thì tiền thân A Nan Ðà là
con của tiền thân Ðại Ca Diếp. Thậm chí có một lần, A Nan Ðà đã tái
sinh làm kẻ sát hại con trai của tiền thân Ðại Ca Diếp. Và trong kiếp
chót nầy, Ðại Ca Diếp lại đóng vai vị thầy hướng dẫn cách tu hành
cho A Nan Ðà. (Theo Ðại Phẩm I, 74 - Mahà Vàgga I, 74). Vì trong "Ca Diếp
Tuyển Pháp" (Kassapa Samyutta) chúng ta tìm thấy hai cuộc đối thoại của
A Nan Ðà và Ðại Ca Diếp có liên quan trực tiếp đến những pháp thực
hành hơn là giảng thuyết. Trong khi đó thì những mẫu luận đạo giữa A
Nan Ðà và Xá Lợi Phất, phần nhiều vẫn mang tính chất đả thông giáo
lý, minh giải các thắc mắc thuộc phạm vi tư tưởng nhiều hơn!
Vì ở vai trò là vị thầy
"giám luật", hướng dẫn cách hành đạo cho A Nan Ðà, nên Ðại Ca
Diếp đã luôn luôn tỏ ra rất nghiêm khắc; ít có một hành động sơ ý
nào của A Nan Ðà mà ông bỏ qua. Nhất là trước mối liên quan với phái
nữ, ông lại càng khuyên nhủ gắt gao hơn nữa. Ðại Ca Diếp bảo vệ giới
luật của những Sa-môn hữu duyên với ông, không phải vì ông muốn tỏ
ra mình là người hoàn toàn, để tự hào, mà chỉ vì ông là Thánh nhân ;
nghĩ rằng "Quả giải thoát sẽ không bao giờ thành tựu, nếu một bậc
xuất gia không trọn vẹn trong giới luật!"
Một lần nọ (Theo Tạp A Hàm số
16: 10 -Samyutta Nikàya 16:10), thì A Nan Ðà bỗng nảy ra nhã ý đưa Ðại Ca
Diếp đến thuyết pháp tại một nữ tu viện. Thoạt đầu Ðại Ca Diếp
đã ôn tồn từ chối, và bảo A Nan Ðà rằng: "Nếu muốn, ông có thể
đi một mình!". Nhưng A Nan Ðà lại năn nỉ: "Lời thuyết giáo
không đáng kể, chính sự có mặt của một bậc hằng ngày chăm chỉ tu hành
mới đáng cho người nghe noi gương!". A Nan Ðà đã yêu cầu và nhắc lại
lý do ấy đến hai lần, khiến cho sau cùng Ðại Ca Diếp đã nhận lời.
Nhưng bất hạnh thay, thiện tâm của
A Nan Ðà đã không đem đến kết quả mong muốn! Một trong những Tỳ-khưu-ni
tên là Thullatissà đã vô lễ lớn tiếng châm chích Ðại Ca Diếp như sau:
"Ðại Ca Diếp làm sao có thể
xem mình là người thuyết pháp hấp dẫn, trước mặt Ðại đức A Nan
Ðà, một bậc nghe nhiều và học rộng cho được! Thật chẳng khác nào như
kẻ đi bán dạo những cây kim (ám chỉ Ðại Ca Diếp), lại quảng cáo,
khoe khoang phẩm chất món hàng của mình trước mặt người chuyên môn chế
tạo ra các cây kim ấy!" (ám chỉ A Nan Ðà).
Hiển nhiên là Tỳ-khưu-ni nầy vốn
có nhiều tật xấu, mà bài pháp của Ðại Ca Diếp lại vô tình "chỉ
trích" gắt gao những điểm nhược ấy, nên y thị bèn thốt lời chữa
thẹn. So sánh cách thuyết pháp luôn luôn "dịu ngọt" của A Nan
Ðà với phong độ nói pháp nghiêm khắc của Ðại Ca Diếp.
Khi Ðại Ca Diếp nghe rõ sự công
kích, ôn tồn hỏi A Nan Ðà:
- Nầy đạo hữu A Nan Ðà! Phải chăng
bần Tăng là kẻ bán kim và đạo hữu là người chế tạo? Hay bần Tăng là
người chế tạo, còn đạo hữu là người bán kim?
A Nan Ðà liền trả lời:
- Bạch đại huynh! Xin đại huynh rộng
lượng vì ni cô ấy có lẽ đã mê muội!
Rồi Ðại Ca Diếp thẳng thắn nhắc
lại:
- Nầy A Nan Ðà! Ðạo hữu nên cẩn
thận tối đa trong việc làm vui lòng nữ phái, kẻo Tăng chúng có thể hiểu
lầm hạnh kiểm của đạo hữu đấy! Nầy A Nan Ðà! Khi đức Bổn Sư nói:
"Hỡi chư Tỳ-khưu! Bốn đề mục định tâm và bốn bậc thiền Vô sắc
cũng như các khả năng chấm dứt mọi tác ý trần tục đạt đến trí lực
siêu phàm, Như Lai đã thuần thục như thế nào thì A Nan Ðà cũng thuần thục
như thế ấy", hay... "Như Lai đã thuần thục như thế nào thì Ðại
Ca Diếp cũng thuần thục như thế ấy?"
- Kính bạch đại sư huynh! Ðức Thế
Tôn đã nói câu đó để xác nhận sự chứng đạt của Ðại Ca Diếp, chứ
không phải để xác nhận sự chứng đạt của A Nan Ðà!...
Từ mẫu đối thoại nêu trên,
chúng ta phải nhận thấy rằng: Ðại Ca Diếp đã gián tiếp "bình phẩm"
câu trả lời "giải hòa" của A Nan Ðà (xin đại huynh rộng lượng,
vì ni cô ấy có lẽ đã mê muội!) một cách rất thẳng thắn. Là một
Thánh nhân, có trí tuệ đặc biệt, Ðại Ca Diếp nhắc lại lời Phật
nói, không phải để tự khen mình, mà là để bày tỏ phẩm tính không
còn bị ô nhiễm của ông, hầu hóa độ các Tỳ-khưu-ni hữu hạnh khác
và để che chở cho A Nan Ðà, trong hoàn cảnh bị tình cảm chi phối!
Sự châm chích của Tỳ-khưu-ni thiếu
đạo đức Thullatissà biểu lộ lòng luyến ái vì nhục dục của cô đối
với A Nan Ðà, chứ không phải vì cảm phục ông là một Sa-môn luôn luôn
nâng đỡ nữ giới. Ðức tính muốn tiếp độ phái yếu của A Nan Ðà, hằng
thúc đẩy ông thỉnh cầu đức Phật cho đến cùng trong việc thành lập hệ
thống Tỳ-khưu-ni, đã bị cô hiểu lầm là A Nan Ðà rất "yêu thương"
đàn bà! Căn cứ vào nét biểu lộ tình cảm đặc biệt mà Tỳ-khưu-ni
Thullatissà thuở ấy thường dành cho A Nan Ðà, và câu trả lời "cầu
hòa" (xin đại huynh rộng lượng, vì ni cô ấy có lẽ đã mê muội) của
A Nan Ðà, thì Ðại Ca Diếp đã "xử sự" vừa sáng suốt vừa xứng
đáng cung cách!
Thoạt nghe câu nhắc nhở: "Nầy
A Nan Ðà! Ðạo hữu nên cẩn thận cảnh giác trong việc làm vui lòng nữ
phái, kẻo Tăng chúng có thể hiểu lầm hạnh kiểm của đạo hữu đấy!",
chúng ta có cảm tưởng là Ðại Ca Diếp nhận xét vấn đề quá nghiêm khắc,
thiếu tế nhị! Nhưng khi học kỹ trong Tam Tạng, nhất là phần các diễn
tiến và lịch sử của sự thành lập hệ thống ni giới, chúng ta mới biết
rằng "chỉ cần một Tỳ-khưu-ni tỏ ra luyến ái người có công sáng
lập ni hội là A Nan Ðà, mà không bị ai "chặt dứt" thói xấu
ngay từ đầu, thì toàn thể Tỳ-khưu-ni về sau sẽ hư hỏng, không sao đặt
nền móng cho một phẩm giá tu nữ lâu dài được!
Lại nữa, A Nan Ðà lúc ấy chưa đắc
Thánh quả, phàm tâm của ông, dù được phúc hậu do công phu hầu hạ Phật
hỗ trợ, cũng chỉ có thể vượt qua được một số cám dỗ của những
trần cảnh khác như danh lợi, vật chất v.v... chứ phàm tâm ấy làm sao chọc
thủng màng lưới tình cảm, nhất là màng lưới ô nhiễm tình dục!? Sự
nguy hiểm nầy (tình dục) người phàm càng coi thường bao nhiêu thì một bậc
thánh A-la-hán càng thận trọng bấy nhiêu, vì chư Thánh Bất Lai đều biết
rằng "Mầm tình dục" chính là nguyên nhân sinh ra mọi thứ phiền
não trầm luân khác!
Tiếp theo Ðại Ca Diếp lại nhắc
đến lời Phật xác nhận về "Sự thuần thục trong bốn đề mục định
tâm, bốn bậc thiền vô sắc và các khả năng chấm dứt mọi tác ý phàm
tục, đạt đến trí lực siêu phàm" của ông, là để nói lên sự
khác biệt giữa một tâm phàm với một tâm Thánh, đồng thời cũng để
khuyến khích A Nan Ðà và chư Tỳ-khưu-ni có nguyện vọng giải thoát, cần
tinh tấn hơn nữa trong việc tu hành.
Kết quả, Tỳ-khưu-ni Thullatissa đã
tự biết cô không thể nào cảm dỗ A Nan Ðà nổi, cô lập tức hoàn tục.
Và phẩm giá giới luật của hệ thống nữ tu cũng được ổn định từ
đó.
Lần khác, sự quở trách của Trưởng
lão Ðại Ca Diếp đến A Nan Ðà cũng gây "rắc rối" không kém: số
là một lần nọ A Nan Ðà đã dẫn một đám đông đệ tử mới xuất gia
du hành thăm viếng chư Phật tử về hướng mấy ngọn đồi nằm phía nam
Vương Xá thành (Ràjagaha). Trong cuộc du hành ấy, có đến ba mươi tân Tỳ-khưu,
hầu hết là giới trẻ, đã hoàn tục. Sau khi kết thúc chuyến du hành và
trở lại Vương Xá thành, A Nan Ðà vì buồn phiền mất nhiều đệ tử liền
đến thăm Ðại Ca Diếp, rồi thuật lại biến cố "ba mươi Tỳ-khưu
hoàn tục" kia, tưởng sẽ được Ðại Ca Diếp an ủi. Nào ngờ, vừa
an tọa và thuật xong câu chuyện, ông đã bị Ðại Ca Diếp quở trách một
cách nghiêm khắc...! Ðại Ca Diếp nói:
- Nầy A Nan Ðà! Ðể tránh hậu quả
nào và vì lợi ích gì mà đấng Giác Ngộ đã dạy: "Các hàng Sa-môn
khi được mời, cùng nhau đến chúc pháp tại nhà chư Phật tử, không nên
đi một nhóm quá ba người? ".
- Bạch sư huynh Ðại Ca Diếp! Có
ba hậu quả mà sự vầy đoàn đông người khó tránh là:
1. Trong đám đông thói xấu hễ xuất hiện, dễ
truyền nhiễm đến nhiều người.
2. Hạnh phúc thanh tịnh của từng Sa-môn sẽ giảm
xuống.
3. Người đời thấy nhiều Tỳ-khưu trò chuyện
cùng một lúc sẽ coi thường phẩm hạnh xuất gia!
- Vậy thì, nầy A Nan Ðà, tại sao
đạo hữu lại dắt một đám đông Tỳ-khưu mới xuất gia đi du hành, tiếp
xúc với cảnh sống cư sĩ! Những Tỳ-khưu nầy là những người chưa thuần
thục trong việc thu thúc lục căn, chưa biết tiết độ trong sự ăn uống,
chưa rèn luyện đầy đủ đức tính biết mình! Ðạo hữu phải chăng đã
vô tình làm giảm niềm tin của các hàng tín thí? Dưới sự hướng dẫn
như thế, những hạt giống lành mới nẩy mầm, đã tàn úa! Ðạo hữu chẳng
khác nào một Sa-môn chưa đầy đủ trưởng thành, thiếu hẳn kinh nghiệm!
Trước sự phê bình hết đường
chối cải ấy, A Nan Ðà vì còn phàm, và mang một tâm trạng vừa trách
mình, vừa hờn dỗi Ðại Ca Diếp đã không an ủi, lại còn chỉ trích
nghiêm khắc, nên ông buộc miệng:
- Thật là đáng thương cho A Nan
Ðà nầy, đầu đã hai thứ tóc mà còn bị Ðại Ca Diếp gọi là chưa đủ
trưởng thành!
Nhưng Trưởng lão Ðại Ca Diếp một
lần nữa cứ lập lại những lời quở trách tương tự...!
A Nan Ðà ngoài miệng trả lời như
vậy, nhưng trong thâm tâm ông tự biết rằng: "Lời quở trách của Ðại
Ca Diếp vẫn chính xác!"
Vấn đề xem như được kết thúc.
Vì sau đó A Nan Ðà, để đáp lại sự khuyên nhủ của Ðại Ca Diếp, đã
cố gắng huấn luyện những đệ tử còn lại của mình gìn giữ đúng đắn
kỷ luật.
Nhưng sự rắc rối một lần nữa
lại xảy ra, do một Tỳ-khưu-ni ác ý là Thullanandà. Tỳ-khưu-ni nầy vốn
là bạn tâm giao với Tỳ-khưu-ni trắc nết Thullatissà, đã thuật ở đoạn
trước! (Theo kinh điển ghi lại thì hai Tỳ-khưu-ni ấy được mệnh danh là
hai con "cừu đen" trong đám cừu trắng!).
Khi Tỳ-khưu-ni Thullanandà nghe tin A
Nan Ðà đã bị Ðại Ca Diếp gọi là "Sa-môn chưa trưởng thành"
và phải chấp nhận những lời quở trách rất "gay gắt", cô liền
lớn tiếng phản đối:
"Ðại Ca Diếp không có quyền
chỉ trích A Nan Ðà như vậy. Tại sao Ðại Ca Diếp không tự xét mình là
một người trước đây thuộc ngoại đạo, không nằm trong giòng dõi
Thích Ca!"
Cứ như thế mà Tỳ-khưu-ni
Thullanandà cố ý lái câu chuyện từ lãnh vực kỷû luật tu hành, sang phạm
vi nói xấu, bôi nhọ cá nhân! Trên thực tế, ai cũng biết rằng Ðại Ca
Diếp, trước khi được đức Phật đón nhận vào Phật giáo, ông là một
đạo sĩ độc lập, tự tu tự độ và tiếp tục du phương tìm chánh giác
chứ không gia nhập một môn phái tà đạo nào cả! Thế mà Tỳ-khưu-ni
Thullanandà đã nói xấu ông thuộc về ngoại đạo, thành ra quả ác nhãn
tiền đã trả đến cô chẳng bao lâu sau đó, khiến cô phải rời khỏi
hàng ngũ ni giới, không được một Tỳ-khưu-ni nào khác trong Giáo hội
nhìn nhận, rồi cô thất đạo đi lang thang, để cho dục vọng dẫn mình
trôi đến đâu hay đến đó, giống như người bạn thân trắc nết của
cô đã hành động mê muội trước đây vậy!
Khi Trưởng lão Ðại Ca Diếp nghe
những lời phỉ báng vô căn cứ của Tỳ-khưu-ni Thullanandà, ông đã nói với
A Nan Ðà rằng: "Ni cô nầy quả thực là một người dại dột và
không suy nghĩ. Từ khi bần đạo từ bỏ gia đình quyết định sống một
đời sống tu hành cho đến nay, bần đạo chưa nhận một ai làm thầy, ngoại
trừ đức Phật, một bậc đã thánh thiện tròn đủ và hoàn toàn giác ngộ!"
(Theo Samyutta Nikàya 16: 11- Tạp A Hàm số 16: 11).
Lời nói đầu
| Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4