Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Danh Lam Nước Việt
Võ Văn Tường va Huỳnh Như Phương

 

MỤC LỤC [^]
[1] Chùa Dâu (Tỉnh Hà Bắc)
[2] Chùa Phật Tích (Tỉnh Hà Bắc)
[3] Chùa Bút Tháp (Tỉnh Hà Bắc)
[4] Chùa Trấn Quốc (Hà Nội)
[4] Chùa Một Cột (Hà Nội)
[5] Chùa Láng (Hà Nội)
[6] Chùa Quán Sứ (Hà Nội)
[7] Chùa Kim Liên (Hà Nội)
[8] Chùa Thầy (Hà Tây)
[9] Chùa Trăm Gian (Hà Tây)
[10] Chùa Mía (Hà Tây)
[11] Chùa Hương (Hà Tây)
[12] Chùa Tây Phương (Hà Tây)
[13] Chùa Côn Sơn (Hải Hưng)
[14] Chùa Dư Hàng (Hải Phòng)
[15] Chùa Tháp (Phổ Minh) (Nam Hà)
[16] Chùa Cổ Lễ (Nam Hà)
[17] Chùa Hoa Yên (Quảng Ninh)
[18] Chùa Keo (Thái Bình)
[19] Chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên - Huế)
[20] Chùa Báo Quốc (Thừa Thiên - Huế)
[21] Chùa Quốc Ân (Thừa Thiên - Huế)
[22] Chùa Từ Đàm (Thừa Thiên - Huế)
[23] Chùa Thuyền Tôn (Thừa Thiên - Huế)
[24] Chùa Linh Ứng (Quảng Nam - Đà Nẵng)
[25] Chùa Chúc Thánh (Quảng Nam - Đà Nẵng)
[26] Chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi)
[27] Chùa Thập Tháp Di Đà (Bình Định)
[28] Chùa Phước Sơn (Phú Yên)
[29] Chùa Long Sơn (Khánh Hòa)
[30] Chùa Linh Sơn (Lâm Đồng)
[31] Thiền Viện Trúc Lâm (Lâm Đồng)
[32] Chùa Giác Lâm (Tp. Hồ Chí Minh)
[33] Chùa Ấn Quang (Tp. Hồ Chí Minh)
[34] Chùa Xá Lợi (Tp. Hồ Chí Minh)
[35] Chùa Vĩnh Nghiêm (Tp. Hồ Chí Minh)
[36] Tịnh Xá Trung Tâm (Tp. Hồ Chí Minh)
[37] Thiền Viện Vạn Hạnh (Tp. Hồ Chí Minh)
[38] Chùa Bửu Phong (Đồng Nai)
[39] Chùa Hội Khánh (Sông Bé)
[40] Chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang)
[41] Chùa Kh'leang (Sóc Trăng)
[42] Chùa Tây An (An Giang)
[43] Chùa Tam Bảo (Kiên Giang)
[44] Thích Ca Phật Đài (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Tài liệu Tham Khảo

LỜI GIỚI THIỆU [^]

Trong lịch sử phát triển của Phật giáo, một tôn giáo trầm mặc, cổ xưa nhưng luôn luôn sống động, mới mẻ, kiến trúc ngôi chùa cũng theo thời gian mà biến đổi cả về hình thức lẫn ý nghĩa. Lúc khởi đầu, người ta chỉ thấy những túp lều tạm trú cho một tăng sĩ, rồi trở thành một tịnh xá, nơi tá túc cho nhiều vị tu hành học tập, cùng với sự hiện diện của những ngôi tháp hình bán cầu hoặc hình có nhiều mặt tôn thờ xá lợi đức Phật hay chư Tổ. Thêm vào đó là những kiến trúc phụ, những phẩm vật trang trí, những bia, tượng, pháp khí … Đến nay, ngôi chùa là một kiến trúc Phật giáo tổng hợp các tính chất trên, đặc sắc, phong phú và đầy sáng tạo.

Phật giáo bắt rễ đến đâu là thâm nhập ngay vào mọi sinh hoạt của quần chúng nhân dân. Phật giáo Việt Nam là một tiêu biểu rõ nét : trong suốt hai ngàn năm gắn bó với đất nước và dân tộc, những ngôi chùa là những chứng tích lịch sử, tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật, in dấu những sinh hoạt của người Việt Nam qua các thời đại.

Trong những năm gần đây, khá nhiều công trình nghiên cứu, giới thiệu về chùa Việt Nam đã được xuất bản. Đây là dấu hiệu đáng mừng trong việc khơi dậy tinh thần tôn trọng văn hóa dân tộc cũng như văn hóa Phật giáo. Cuốn sách DANH LAM NƯỚC VIỆT do Võ Văn Tường và Huỳnh Như Phương biên soạn là một đóng góp đáng kể cho nỗ lực đầy ý nghĩa ấy. Đặc biệt, qua những hình ảnh và các bài viết miêu tả các ngôi chùa nổi tiếng, hai soạn giả còn giới thiệu một số sinh hoạt, hành trạng, có khi cả những tình cảm, tư duy và sự khéo léo tế nhị của Phật gia, danh nhân lịch sử, văn thi gia, nghệ nhân qua các mẩu chuyện, truyền thuyết, bài thơ gắn liền với những khung thời gian, không gian liên hệ. Tất cả tạo thành một màu sắc truyền thống, đa dạng và sáng tạo, khi thì rực rỡ sống động, khi thì lung linh thi vị.

Ở đây, dù khá công phu và cẩn thận khi trình bày các tư liệu, những người biên soạn hình như không đặt nặng tính chất khảo cứu khoa học mà chỉ nhằm giới thiệu một số nét kiến trúc và điêu khắc độc đáo của chùa Việt Nam lồng trong một tấm lòng hoài cổ.

Hơn mười bốn ngàn ngôi chùa được thống kê - và có lẽ con số thực sự còn cao hơn nữa - đã tô điểm cho non sông nước Việt. Người Việt thường dùng hai từ ghép "danh lam thắng cảnh" như mặc nhiên công nhận chùa nổi danh đi đôi với cảnh xinh đẹp. Thực vậy, thiên nhiên làm đẹp ngôi chùa và ngôi chùa tạo duyên dáng cho thiên nhiên. Ngay cả những nơi đô hội, sự hiện diện của ngôi chùa hẳn cũng làm dịu bớt không khí náo nhiệt, sôi nổi đến gần như hời hợt vô tình của nếp sống hiện đại. Trong ý nghĩa này, thật khó mà chọn hết được những ngôi chùa nổi tiếng.

Tại sao soạn giả chọn 45 trong số lượng lớn các danh lam của nước Việt ? Hiển nhiên, trước hết là do khuôn khổ giới hạn của cuốn sách ; kế đến, theo như Lời nói đầu, "… đây là những ngôi chùa tương đối tiêu biểu cho sự phát triển của đạo Phật ở Việt Nam, cho các hệ phái cũng như các địa phương trên cả nước". Có thể có độc giả sẽ không đồng ý về sự lựa chọn trên, vì tiêu chuẩn chọn lựa còn bị hạn chế ít nhiều. Tuy nhiên, đây không phải là một thống kê khoa học. Có lẽ những người biên soạn chỉ muốn cố gắng giới thiệu một số di sản văn hóa với lòng cảm xúc, sự kính mộ đối với tôn giáo Từ bi và Trí tuệ đã truyền sức sống của mình vào dân tộc và mang sức sống của chính dân tộc.

Nhận định như thế, tôi nghĩ rằng DANH LAM NƯỚC VIỆT của Võ Văn Tường và Huỳnh Như Phương là một công trình có giá trị và xin trân trọng giới thiệu cùng chư độc giả.

Chùa Từ Đàm, Trọng Đông Quý Dậu, 1993
Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU

LỜI NÓI ĐẦU [^]

Từ lâu, nhiều ngôi chùa ở Việt Nam đã trở thành nơi lưu giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Tìm hiểu ngôi chùa không chỉ là để nhận thức con đường du nhập và truyền bá đạo Phật ở nước ta mà còn là để lĩnh hội nhiều phương diện của văn hóa Việt Nam. Chính điều đó sẽ góp phần nâng cao lòng tự hào và ý thức bảo tồn những di sản văn hóa quý giá mà tiền nhân đã sáng tạo.

Trong bối cảnh đất nước đang đổi mới, hòa vào phong trào bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc, nhiều công trình nghiên cứu về chùa Việt Nam đã được công bố. Biên soạn cuốn sách DANH LAM THẮNG CẢNH này, chúng tôi muốn góp phần khiêm tốn của mình giới thiệu với bạn đọc những nét khái quát về lịch sử, cảnh quan, lễ hội, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cùng những sự kiện văn học có liên quan đến 45 ngôi chùa nổi tiếng trên đất nước ta. Theo thiển ý, đây là những ngôi chùa tương đối tiêu biểu cho sự phát triển của đạo Phật ở Việt Nam, cho các hệ phái cũng như các địa phương trên cả nước. Bên cạnh các bài viết là những tấm ảnh màu ghi lại phong cảnh, công trình kiến trúc và điêu khắc các ngôi chùa. Tất nhiên vẫn còn rất nhiều danh lam tiêu biểu khác mà hoặc do chưa có đầy đủ tư liệu, hoặc do khuôn khổ tập sách, chúng tôi chưa thể giới thiệu ở đây. Xin bạn đọc rộng lòng lượng thứ.

Viết cuốn sách này, chúng tôi được may mắn tiếp thu, kế thừa những tư liệu và nhận định của các nhà nghiên cứu đi trước qua các công trình biên khảo về Phật giáo Việt Nam cũng như về lịch sử các ngôi chùa. Kết hợp với các chuyến đi thực tế đến các địa phương, chúng tôi đã tìm hiểu, đối chiếu, bổ sung tư liệu để hoàn thành các bài viết của mình. Nhân dịp cuốn sách được xuất bản, chúng tôi chân thành cảm ơn chư vị trụ trì các tự viện, tịnh xá đã tận tình giúp đỡ chúng tôi thu thập nhiều tư liệu ; cảm ơn các tác giả những công trình mà chúng tôi đã tham khảo qua thư mục in ở cuốn sách ; đặc biệt cảm ơn các ông Trương Ngọc Tường, Trần Tuấn Mẫn và Nguyễn Thái Hòa đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Dù vậy, cuốn DANH LAM NƯỚC VIỆT chắc chắn vẫn không tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót.

Cuốn sách này rất vinh dự được Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni, viết lời giới thiệu. Chúng tôi vô cùng biết ơn sự quan tâm của Hòa thượng. Chúng tôi chân thành cảm ơn các dịch giả tiếng Anh - Trần Phương Lan, Nguyễn Văn Nghệ, Châu Văn Thuận và Thùy Dương. Chúng tôi cũng xin cảm tạ Ban Giám đốc Nhà xuất bản Mỹ Thuật đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cuốn sách được ra mắt.

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12-1993
VÕ VĂN TƯỜNG - HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Chân thành cảm ơn thầy Nguyên Tạng đã gởi tặng bản điện tử của tập sách. ĐPNN, 24-8-2000

Mục lục | Chùa miền Bắc | Chùa miền Trung | Chùa miền Nam | Sách tham khảo

 


Cập nhật: 24-8-2000

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang