Nhường ngôi sớm
để dẫn dắt các vị vua trẻ vào con đường cai trị đến khi có thể
làm cho họ hoàn toàn yên tâm thì họ sẽ nhường lại toàn bộ quyền
lực để đi sâu vào khám phá đời sống tâm linh, thực nghiệm triết
lý Phật giáo. Đó chính là kế lâu dài - minh triết của vua Trần
Nhân Tông.
Dựng tượng
Trần Nhân Tông nhân Đại lễ tưởng niệm
Gần đến kỷ niệm
700 năm ngày mất của vua Trần Nhân Tông, chúng ta vẫn phải đặt
những câu hỏi về tuổi tác, trách nhiệm, kế lâu dài, sự tự do và
tự trọng của các cá nhân trong xã hội…
Trần Nhân Tông (1258-1308) tên húy là
Trần Khâm, con trưởng của Trần Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh
Thiên Cảm hoàng thái hậu, sinh năm Mậu Ngọ Nguyên Phong năm thứ
8, tháng 11/11, được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc
thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng.
Hai cung (Thượng hoàng Thái Tông và
vua Thánh Tông) đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử. Vua Nhân
từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở
trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần…
Nhận được sự giáo dục toàn vẹn để
tiếp nối bậc quân vương, Trần Nhân Tông lên ngôi năm 21 tuổi, ở
ngôi 14 năm (1279-1293). Nhằm nâng cấp, hoàn thiện nhân cách và
trách nhiệm của người đi sau, ngài đã ý thức noi gương người
trước nhường ngôi ở tuổi 35, về làm thái thượng hoàng 5 năm,
thực sự trao lại toàn bộ quyền bính năm 41 tuổi (1298), sau đó
xuất gia tu hạnh đầu đà và viên tịch ở am Ngọa Vân núi Yên Tử
năm 1308, thọ 51 tuổi.
Nhưng chỉ với khoảng 10 năm tu hành,
ngài đã đi chu du khắp nơi thôn xóm khuyến hóa dân chúng giữ gìn
năm giới hạnh, mười điều lành, sáng lập dòng thiền Trúc Lâm…
Bảo Sát từng bạch hỏi ngài: “Tôn
Đức tuổi đã cao mà xông pha sương tuyết như vậy, lỡ ra có chuyện
gì thì mạng mạch Phật pháp sẽ như thế nào?”. Ngài đáp: “Thời
giờ của ta đã đến, ta muốn tạo cái kế lâu dài vậy” (Thánh
đăng lục).
Tượng Trần Nhân
Tông.
Những thông tin vắn tắt trên đã gợi
cho chúng ta đôi điều đáng suy ngẫm.
Thời buổi đầu, nhà Trần đã rất ý thức
về việc chọn người nối ngôi nên họ đã sớm lập ra chế độ “Thái
thượng hoàng”. Nhường ngôi sớm để dẫn dắt các vị vua trẻ vào con
đường cai trị, song họ vẫn duy trì quyền lực đủ sức chi phối
trong một thời gian ngắn để những vị vua này có thể chín chắn,
trưởng thành hơn trong đường lối, quyết sách.
Đến khi vua trẻ có thể làm cho họ
hoàn toàn yên tâm thì họ sẽ nhường lại toàn bộ quyền lực để đi
sâu vào khám phá đời sống tâm linh, thực nghiệm triết lý Phật
giáo.
Độ chín về tuổi tác khi được chọn để
tham dự vào bộ máy thế quyền mà nhà Trần áp dụng đã thực sự kích
thích nhiệt huyết sáng tạo, từ đó đẩy trách nhiệm của những
người trẻ tuổi lên rất cao. Chính trong những khuyến khích ấy,
sự tự do và tự trọng đã giao hòa trong nhân cách, làm cho người
trẻ có thể yên tâm đương đầu đảm nhiệm những công việc mang
trọng trách ở tầm quốc gia.
Đến lúc thích hợp, các vị thái thượng
hoàng có thể xả bỏ quyền lực như bỏ đôi giày rách để tham gia
vào con đường thực nghiệm tâm linh, vì vậy họ thực sự đã trở
thành những triết nhân xuất trần. Bởi khi những danh vọng thế
gian đã không còn khả năng chi phối, là lúc họ có thể chuyên tâm
vào nghiên cứu Phật học và khám phá đời sống nội tâm.
Nhờ chuyên tâm mà họ có được những
khả năng siêu thoát, thực tu, thực chứng và thường để lại những
mẫu hình nhân cách rất đặc trưng. Đó là hình ảnh của những thiền
sư dấn thân nhập thế, hòa ánh sáng cùng cát bụi, có thể “mình
ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm”, “dụng chi tắc hành, xả chi
tắc tàng”, xuất nhập tư tại, cư trần lạc đạo, “chẳng hỏi đại ẩn
tiểu ẩn, không chia tại gia xuất gia” (Trần Thái Tông)…
Sự tự trọng của vai trò, trách nhiệm,
sự tự do trong tâm thức đã nuôi dưỡng những khả năng “xuất -
nhập” của họ rất lớn. Câu nói Trần Nhân Tông trả lời Bảo Sát cho
ta thấy rất rõ tâm nguyện về “kế lâu dài” của ông cho cả hai con
đường “xuất- nhập”, “đạo-tục”.
Tự tri được “thời giờ của ta đã đến”
(ở tuổi 51) càng làm cho Trần Nhân Tông ý thức nhiều hơn về “kế
lâu dài” ấy. Có nghĩa rằng khi làm bất cứ một việc gì không thể
không tính toán kỹ lưỡng trước sau cho trọn vẹn vì thời gian
không cho phép mình được sai lầm nữa.
Nếu không thể ngày đêm quán sát “thời
giờ của ta đã đến” trong từng hơi thở thì làm sao có thể bỏ
những điều khó bỏ, có thể buông ngai vàng như bỏ đôi giày rách,
cũng như lựa chọn, chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần thiết để
người kế vị có thể vững tin nhập chính…
Hóa ra việc lớn lại thường được ý
thức rất nhiều từ những việc mà người đời cho là nhỏ như quán
sát sự vô thường trong từng hơi thở ấy. Có thể nói, nhiều vị vua
Phật tử hơn người ở chỗ đã biết xây dựng xã hội từ những việc
nhỏ nên không tham quyền cố vị, không ảo tưởng với những điều
lớn lao, mà luôn chăm chút đến những thế hệ kế cận, lợi ích của
nhân dân.
Nhân cách thiền sư đã bổ túc, giao
hòa nhân cách thái thượng hoàng và ngược lại, chính vì thế khi
Trần Nhân Tông dù ở ngôi trị quốc hay ngôi dẫn đạo ông cũng
khiêm cung tôn Tuệ Trung Thượng sĩ làm thầy. Điều này đã làm cho
người dưới nể trọng, kính phục vì họ không cảm thấy việc làm của
họ có một bàn tay sắt can thiệp, vì Trần Nhân Tông dẫn dắt mà
không làm cho họ nhàm chán, chỉ ra cái sai mà không làm họ oán
hận, xét xử mà không làm cho họ oan ức, biết lấy tâm mà truyền
tâm...
Nếu để người dưới luôn cảm thấy bất
an trước sức nặng đè xuống, họ sẽ mất tự do, tự trọng, sáng tạo,
và họ sẽ mệt mỏi bằng mọi cách muốn thoát ra khỏi gánh nặng ấy.
Nếu người quản trị mà để mọi người rơi vào cái thế “cùng tranh”
ấy thì đó chính là mối nguy không lường trước được hậu quả vậy.
Trần Nhân Tông hiểu rõ việc “đứng sau
người thì không có tranh chấp” nên đúng như Đại Việt sử ký toàn
thư viết: “Vua Nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng
hưng sáng ngời thuở trước”, “Từ cố năng dũng” (Từ là người dũng
mãnh nhất trên đời).
Phải có lòng từ lớn mới có thể cố kết
lòng dân, tập hợp sâu rộng các thành phần dân tộc, không kéo
thiên hạ vào cái thế “loạn tranh”, mới không làm cho những nghi
ngờ, bạo động xuất hiện. Người quản trị trong những tình huống
lo cho cái “kế lâu dài” phải biết hạ mình cầu người, đặt mình ra
sau, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ…
Tự trọng là nói lời giữ lời, “tín
ngôn bất mỹ”. Nếu lời nói chỉ hoa văn trang sức, làm đẹp lòng
nhau một cách giả tạo, cầu toàn vụ lợi, tiền hậu bất nhất thì
không chứa nổi sự thật. Chính vì vậy, Trần Nhân Tông đã thực
hiện tôn chỉ của thánh nhân “công thành thân thoái”. Đó là khả
năng tin tưởng, “tự tri”, biết sở trường, sở đoản của mình mà
dung hội được nhiều hạng người khác nhau trong việc phục vụ cho
lợi ích chung.
Đó chính là “Phù dung bất yếm, thị dĩ
bất yếm” (Vì ta không chê, nên ta không chán). Vì thế có thể tin
tưởng nơi người, và vì thế mới có “kế lâu dài” vậy. Nếu người
quản trị suốt ngày chê bai, không tin tưởng người khác thì ai có
thể quy tụ, đồng lòng chung sức vì công cuộc chung?
Cho nên người xưa mới nói “cố thử bỉ
thủ khử” (Nên bỏ đó mà giữ đây). “Bỏ đó” là bỏ đi những cái
thành kiến, tự kiến, tự quý, “giữ đây” là giữ cái “tự tri” của
chính mình, chứ không phải bỏ người, phụ người. Tranh đấu, gây
hấn, chia rẽ là việc làm của người không biết giữ “kế lâu dài”,
đem mình lên trên để cầu thắng, đưa mình đến trước để cầu tiến,
đó cũng là cái “dũng”, nhưng đó là cái “dũng” của kẻ dùng cương
cường mà đánh cương cường, cái “dũng” ấy kéo thiên hạ vào chỗ
loạn tranh, cùng binh độc vũ vậy.
Thay người, phụ người, tiếm quyền,
đoạt lợi thì có khác gì thay người thợ đẽo để mình đẽo, làm
những việc vốn không phải của mình, ôm đồm hết việc của người,
tránh sao cho khỏi những lúc đứt tay. “Thị vi đại đại tượng
trác. Phù đại đại tượng trác giả. Hi hữu bất thương kỳ thủ hĩ”
(Có khác nào thế tay thợ đẽo. Thế tay thợ đẽo, ít thấy chẳng bị
đứt tay). Trần Nhân Tông nhường ngôi sớm chính là không muốn trở
thành người “thế tay thợ đẽo”.
Lão Tử có nói: “Làm việc khó bắt đầu
nơi chỗ dễ. Làm việc lớn bắt đầu nơi chỗ nhỏ” (Đồ nan ư kỳ dị,
vi đại ư kỳ tế). Chính vì săn sóc, chăm lo cho những điều nhỏ mà
làm được những điều lớn bất ngờ. Trần Nhân Tông tham chiếu tu
hành, nghiên cứu sâu Phật học, nhưng ngài không chủ đích khuyến
hóa đời bằng những lý lẽ cao siêu mà bằng những bài học bắt đầu
từ năm giới hạnh và mười điều lành. Giọt nước chảy lâu cũng làm
thủng cối đá. Lỗ mọt nhỏ cũng có thể làm chìm thuyền. Điều thiện
cũng như điều ác cũng đều nên được ý thức từ những điều rất nhỏ.
Nếu cái nhỏ gì cũng xem thường, để
cho qua loa thì sẽ có ngày trở thành những cái khó lớn. Biết khó
mà không xem thường thì có thể đối mặt với mọi hoàn cảnh mà
không rơi vào sự lúng túng, dao động. Biết nhỏ thì có thể lấy
mềm buộc chặt, lấy ít ngăn chế nhiều. Đó là thế thuật trị nước
của nhiều vị vua Phật tử Việt Nam.
“Thị dĩ thánh nhân, vi phúc bất vi
mục” (Thánh nhân vì bụng mà không vì mắt). Những cảnh sắc phát
triển bề nổi ưa dối đời lừa người, mắt thường thường nhìn vào
hiện tượng mà đưa ra những phán đoán sai lầm, chính vì vậy người
xưa xem những cái làm cho êm tai, đẹp mắt là những cái xa hoa,
phù phiếm, là đầu mối của những bất hòa, loạn lạc.
Người ta dù có đi đâu xa vạn dặm thì
cũng khởi đầu từ một bước chân, quên cái bước chân nhỏ ban đầu
ấy thì khó có thể tiếp tục đi xa mãi được. “Kế lâu dài” là biết
khó biết dễ, biết vì “bụng” mà không vì “mắt”. “Vi giả bại chi,
chấp giả thất chi”, người quản trị đứng đầu một quốc gia, tổ
chức mà lấy ý riêng của mình, thành kiến của mình mà đối đãi với
thiên hạ, người dưới thì càng làm càng hư, càng giữ càng mất.
Quốc sư Phù Vân từng khuyên vua Trần
Thái Tông: “Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý của thiên hạ
làm ý của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”.
Vì sao khi người ta làm việc gần đi
đến chỗ thành công thì lại gặp thất bại? Vì lúc gặp nhiều trắc
trở khó khăn thì cố gắng, thận trọng, đoàn kết, lắng nghe từng
việc nhỏ, phân tích từng điều khó, nhưng lúc thành công được một
phần thì tự mãn, chủ quan, lơ đễnh, không lắng nghe nhau nên đã
khiến cho việc hỏng một cách bất ngờ. Nếu có thể “thận chung như
thỉ” (thận trọng lúc cuối cùng cũng như lúc ban đầu) thì sao có
thể gây ra sự rối ren và hỏng việc được.
Trần Nhân Tông ở ngôi 14 năm, xuất
gia 10 năm, đạt được sự giác ngộ, tự tri nhưng luôn đau đáu đến
“kế lâu dài”. Phải chăng xã hội ấy xuất hiện nhiều những nhân
cách lớn vượt thời đại vì họ luôn ý thức “thời giờ của ta đã
đến”, không ham sống sợ chết, tham quyền cố vị, biết nâng đỡ
phát hiện người đi sau?
Gần đến kỷ niệm 700 năm ngày mất của
vua Trần Nhân Tông, chúng ta vẫn phải đặt những câu hỏi về tuổi
tác, về trách nhiệm, về kế lâu dài, về sự tự do và tự trọng của
các cá nhân trong xã hội.
“Thương thay Bành Tổ sống tám trăm
năm. Xót vậy Nhan Hồi tuổi hơn ba chục”. Sống nhiều hay sống ít
mang đến những ý nghĩa gì? Trần Nhân Tông xả báo thân ở tuổi 51,
tuổi của thế hệ trung niên trong xã hội hiện đại bây giờ, nhưng
sự nghiệp mà ngài để lại thì vô cùng to lớn.
Chúng ta vui mừng vì tuổi thọ trung
bình của người dân ngày nay càng tăng, nhưng có còn không những
bậc “trường sinh cửu thị” (sống lâu mà không già), người già mà
tâm không già, biết chung sức đặt “kế lâu dài” cho hậu thế.
Nguồn: http://www.baodatviet.vn