- Tứ Diệu Đế
- Ajahn Sumedho
- Dương Vĩnh Hùng dịch
Giới thiệu
Đại Đức Ajahn Sumedho là một vị tu sĩ theo tông phái
Nguyên thủy của Phật Giáo, một truyền thống rất thịnh hành ở Tích
Lan và Đông Nam á. Trong thế kỷ vừa qua, những giáo lý thực dụng và rõ
ràng của truyền thống này đã được hưởng ứng nồng nhiệt ở phương
Tây như một nguồn hiểu biết và an lạc đã trải qua những thử thách khắc
khổ trong thời đại của chúng ta. Ajahn Sumedho gốc người Mỹ sinh ra ở
Seattle, Washington năm 1934. Ông rời Mỹ vào năm 1964, xuất gia và trở thành
một Tỳ-Kheo ở Nong Khai, miền Đông Bắc Thái Lan vào năm 1967. Sau đó ông
đã cùng Đại Đức Ajahn Chah, một thiền sư người Thái đến trú ngụ tại
một tu viện trong rừng có tên là Wat Nong Pah Pong ở Ubon. Đây là một
trong những tu viện của Ajahn Chah nổi tiếng về sự khổ hạnh và nổi bật
về phương pháp giãn dị, trực tiếp trong sự thực hành Pháp. Ajahn Sumedho
đã tu ở đó mười năm trong môi trường này trước khi được mời đến
Luân Đôn bởi Hội Tăng-Già Anh Quốc cùng với ba người bạn Tây Phương
đồng tu khác.
Lời Người Dịch
Đây là một cuốn sách giáo lý căn bản của Phật Giáo
mà ngày nay đa số chúng ta đều biết qua tựa đề Tứ Diệu Đế. Cũng với
nội dung này, minh triết của Tứ Diệu Đế đã được Đức Phật giảng
giải lần đầu tiên tại Vườn Lộc Uyển cách đây hơn hai ngàn năm trăm
năm. Sự kiện này đã dánh dấu một cuộc cách mạng về tư tưởng và đời
sống tâm linh của nhân loại. Mặc dầu bài thuyết pháp này chỉ được
giảng lần đầu tiên cho năm vị tu sĩ khổ hạnh, ngày nay thông điệp này
của Đức Phật đã xuyên thấu đến những vùng xa xôi nhất trên thế giới.
Và vì vậy mà nhu cầu cho sự nhận thức và thấm nhuần giáo lý này một
cách chính xác và sâu sắc càng trở nên quan trọng.
Bài giảng về Tứ Diệu Đế của Ajahn Sumedho có một giá
trị đặc biệt. Với sự đối chứng bằng những kinh nghiệm sống cụ thể
Ajahn Sumedho đã đưa chúng ta vào cốt lỏi tinh hoa của những chân lý này.
Tôi tin rằng những bài thuyết pháp về Tứ Diệu Đế này sẽ là một sự
tham khảo lý thú cho nhiều Phật Tử và hành giả. Tuy vậy toàn quyển
sách này đều là văn nói vì trong lúc giảng, tác giả chú trọng vấn đề
áp dụng giáo lý để tu tập và đối chiếu nên cách trình bày không dành
cho những học giả nghiên cứu. Riêng về bản dịch này, người dịch đã
cố gắng diễn dịch hết sức cẩn thận để giữ sắc thái nghiêm túc của
giáo lý Đạo Phật bằng những ngôn từ thích hợp. Trong văn diện của tiếng
Anh có chữ khó dịch hơn hết là 'as it is' hoặc 'as they are'; được dịch
nôm na là 'như nó đang là', 'như cái đang là' hoặc có khi được dịch là
'hiện thể'; còn chữ insight được dịch là sự tự chứng, có khi cũng
được dịch là trí tuệ hoặc nội tưởng tùy trường hợp. Thêm vào đó,
để việc tham khảo được dễ dàng một số chú thích ở cuối trang được
thêm vào nhằm giải thích thêm về những từ chuyên môn.
Nhân đây tôi xin cám ơn anh Vũ Đức Quỳnh đã đóng góp
nhiều ý kiến quý báu cho việc sửa chửa để bản dịch này được hoàn
tất hơn. Cuối cùng e rằng, người diễn dịch những lời vàng ngọc này,
với văn nghĩa vụng về và kiến giải hạn hẹp về Phật Giáo, dù cố gắng
hết sức nhưng không tránh khỏi lầm lẫn. Nếu có điểm nào sai sót kính
mong quý độc giả và đạo hữu hoan hỷ chỉ giáo.
Melbourne, 10/12/1999
Dương Vĩnh Hùng
Chuyện Một Nắm Lá
Đức Phật có lần đã sống ở Kosambi trong rừng cây
simsapa. Ngài nhặt một nắm lá khô, và hỏi các thầy Tỳ Kheo, 'Này, các Tỳ
Kheo, các thầy hiểu như thế nào ? cái nào nhiều hơn, số lá Ta nhặt được
trong tay hay những lá còn trên cây rừng'
'Thưa Ngài, số lá Ngài đã nhặt được trong tay ít hơn. Số
lá trong rừng nhiều hơn'.
''Đúng vậy, những điều ta biết bằng trực kiến vẫn
nhiều hơn; những điều Ta đã dạy các thầy chỉ ít thôi. Tại sao Ta
không nói nhiều hơn? Bởi vì những điều đó không đem lại lợi ích, sự
tiến bộ cho đời sống đạo hạnh, và bởi vì chúng không đem lại sự tự
tại, sự giảm bớt (đau khổ), sự chấm dứt (đau khổ), sự an định, không
giúp cho trực kiến, cho sự ngộ đạo, không dẫn đến Niết Bàn. Đó là
lý đó tại sao Ta không đề cập đến chúng. Còn những gì Ta đã dạy
các thầy ? Đó là khổ; đó là nguồn gốc của khổ; đó là sự diệt khổ;
đó là đường dẫn đến diệt khổ. Đó là những điều Ta đã dạy các
thầy. Vì sao Ta trình bày những điều đó. Bởi vì nó mang lại lợi ích,
sự tiến bộ cho đời sống đạo hạnh, và bởi vì nó dẫn tới sự tự
tại, sự giảm bớt (đau khổ), sự chấm dứt (đau khổ), sự an định, giúp
cho trực kiến, cho sự ngộ đạo, dẫn đến Niết Bàn. Như thế, công việc
của các thầy phải là : đây là khổ; đây là nguồn gốc của khổ; đây
là sự diệt khổ; đây là đường dẫn đến diệt khổ.' [Kinh Tương Ưng
Bộ, LVI, 31]
Lời Nói Đầu
Quyển sách nhỏ này đã được biên soạn và tu chỉnh từ
những bài thuyết pháp của Đại Đức Ajahn Sumedho về những lời dạy chính
của Đức Phật; rằng sự phiền não của nhân loại có thể được khắc
phục qua những phương tiện tâm linh.
Giáo lý này được truyền bá qua Tứ Diệu Đế của Đức
Phật, lần đầu tiên được giảng giải vào năm 528 trước công nguyên tại
Vườn Lộc Uyển (Samath gần Varanasi) và đã được lưu truyền trong thế
giới Phật Giáo từ đó đến nay.
Đại Đức Ajahn Sumedho là một vị Tỳ Kheo theo truyền thống
Nguyên thủy của Phật Giáo. Ông xuất gia năm 1966 ở Thái Lan và đã tu tại
đó mười năm. Ông hiện là viện trưởng Tu Viện Phật Giáo Amaravati, được
coi là bậc thầy và là giáo thọ cho nhiều tăng ni và phật tử.
Quyển sách này đã được phổ biến nhờ sự cố gắng
thiện nguyện của nhiều người vì phúc lợi của những người khác.
Chú thích về nguyên bản:
Giáo lý đầu tiên của Tứ Diệu Đế là bài thuyết pháp
về Chuyển Pháp Luân Kinh. Những đoạn kinh từ bài giảng này được trích
dẫn làm đề mục của mỗi chương nhằm diễn đạt Bốn Chân Lý. Những
dẫn chứng này chỉ rõ những phần kinh điển lưu truyền có liên quan đến
bài giảng. Tuy vậy, chủ đề chính của Tứ Diệu Đế được lập đi lập
lại nhiều lần, ví dụ như trong đoạn dẫn chứng của phần Nhập Đề.