- MỘT
CHUYẾN HÀNH HƯƠNG TRUNG QUỐC
Thời
gian: 21 tháng chín đến 13 tháng mười 1997
Tổ
chức: Thượng Tọa Thích Trí Minh, Chùa Khuông Việt Na Uy.
Tham
dự: Nam Úc có 7 người. Na uy 26. Đan Mạch 3,
Anh Quốc 2, Thụy sĩ 2, Pháp 3. Tổng số 43 mà phái nữ là 26 (một ni sư),
phái nam 17 (5 vị tăng). Phái đoàn Hoa kỳ thuộc chùa Đức Viên do sư bà
Đàm Lựu tổ chức cũng hành hương cùng thời gian gồm hơn 40 vị. Hai phái
đoàn thường đi chung nên rất đông, trên 80 người.
Phần I
Ngày
21 tháng 9 năm 1997.
Theo
chương trình, ngày 22 Thượng Tọa Thích Trí Minh và phái đoàn Na Uy mới ra
phi trường Oslo, sẽ đến Bắc Kinh lúc 7 giờ sáng ngày 23 và chính thức
hành hương vào ngày 23. Vì không có chuyến bay nào trùng thời gian như thế
nên phái đoàn Úc phải rời Adelaide ngày 21 và sẽ đến trước một ngày.
Tôi rất lo ngại vì khi đến nơi không ai đón rước, lại không biết tiếng
Hoa, làm sao xoay sở nên nhờ Ni sư Như Thiền hỏi Thày Trí Minh địa chỉ
của khách sạn. Sau khi liên lạc với Na Uy, cô nói: “Bác đừng lo, Thày
nói là sẽ có người ra sân bay đón”. Tôi nhất định đòi địa chỉ khách
sạn vì lúc đầu dự trù nghỉ tại khách sạn Thiên Đàn, các thông báo mới
đây lại ghi là Tiền Môn. Tôi thắc mắc không biết sẽ ở Thiên Đàn hay
Tiền Môn, cô lại phải liên lạc với Thầy và nhận được một bản ghi
tên tất cả các khách sạn cùng số điện thoại chứ không có địa chỉ.
Chúng
tôi rời Adelaide bằng chuyến bay QF 552 lúc 17g50 và đến Sydney lúc 20g10.
Xuống
phi trường Sydney, điền các mẫu đơn xuất ngoại và chờ đến 22g15 mới
có chuyến bay QF 187 đi Trung Quốc. Đây là loại Boeing B767-338 ER với các
đặc tính như sau: dài 48.51 m, sải cánh 47.57 m, hai động cơ phản lực
Pratt & Whitney JT9D-7R4E, vận tốc bình phi 857 km/g, độ cao từ 9,200 đến
12,500 km. Ghế hơi chật, ngồi lâu đau lưng nên mất cả thi vị của “Một
chuyến bay đêm”.
Hành
khách khá đông, tôi ngồi ghế hàng giữa cùng Hòa thượng và ông T, không
thể ngắm cảnh qua cửa sổ nên chỉ nhắm mắt dưỡng thần hay nhìn lên
màn ảnh truyền hình theo dõi vị trí của phi cơ. Vận tốc cũng như độ
cao tăng lên rất mau không mấy chốc đã ở mức 833 km/g và 9,451m, nhiệt
độ từ 19 độ C tụt dần đến -45 độ C. Tôi nghĩ là lạnh còn hơn Tây
Bá Lợi Á bên Nga. Nếu cửa phi cơ bung ra thì tất cả hành khách thành nước
đá trong vài phút. Khó ngủ quá và lưng nhức nhối, lấy mền gối chêm lưng
cũng không ăn thua, tôi phải lục cặp lấy Panamax nuốt một lần 2 viên
500mg mới đỡ.
Ngày
22 tháng 9 năm 1997.
Tới
Thượng Hải. Phi cơ đậu khoảng một giờ để hành khách đến cơ quan di
trú làm thủ tục nhập cảnh. Tôi có cảm giác rờn rợn là mình trở lại
Việt Nam với những cô và cậu công an trong đồng phục không được ủi
thẳng nếp, nét mặt lạnh như băng và cặp mắt gườm gườm như muốn
ăn tươi nuốt sống quân thù. Trình thông hành, giấy tờ cũng qua đi. Vào
toilet thấy thêm một màn không
thoải
mái với hai nhân viên y phục chỉnh tề lẹ làng móc túi đưa cho chúng
tôi giấy toilet hay lau khô bồn nước rửa tay. Tôi phân vân giữa hai ý nghĩ?
Trung Quốc sợ du khách là gián điệp nên ngay khi đi vệ sinh cũng có tới
hai công an trá hình làm nhân viên chiêu đãi theo dõi? Hay Trung Quốc thừa
người quá nên phải bày việc ra cho dân làm? Dù sao thì tất cả chúng
tôi đều khó chịu và không ai cho tiền tip, muốn cho cũng khó vì chưa có
tiền Tàu. Khi được lên máy bay trở lại, tôi thở cái phào nhẹ nhõm.
Trời
đã sáng, nhiều hành khách xuống Thượng Hải nên phi cơ đã trống, tôi
chọn một chỗ sát cửa sổ để ngắm cảnh. Khó xác định các vị trí
vì không thuộc bản đồ Trung Quốc và không quen địa hình nhưng thấy thế
đất thay đổi luôn. Khi gần xuống Bắc Kinh thấy nhiều dãy núi.
Đến
Bắc Kinh lúc 9g55. Phi trường lớn, khá sạch sẽ ngăn nắp, nhưng người
đông quá. Sau khi lấy hành lý chúng tôi ra phía ngoài chờ người đón. Chờ
mãi, chẳng thấy ai cả, chỉ thấy từng nhóm người dơ cao các tấm bảng
ghi tên tổ chức của mình để người đón nhận ra, tôi lấy một tấm giấy
nhờ Hòa Thượng viết hai chữ “Úc Châu” bằng chữ Hán rồi dơ lên cao
nhưng chẳng có ai đến cả. Sốt ruột quá,
chúng tôi phải nhờ nhân viên trực tại phi trường hỏi khách
sạn Tiền Môn xem có ai ra đón khôn, họ cho biết là không ai đón cả. Cũng
may là nhân viên tại khách sạn biết tiếng Pháp nên tôi hỏi là họ có
dành chỗ ở cho phái đoàn Úc không. Trả lời không biết. Nhắc đến phái
đoàn Na Uy, họ nói mai mới tới. Chúng tôi ngẩn ngơ, có cảm tưởng như
lũ con bị bỏ chợ. Quyết định là cứ về khách sạn chứ không lẽ ở
mãi phi trường sao. Mướn taxi, lại lo không hiểu họ có biết khách sạn
Tiền Môn không. May mắn là chúng tôi đã đến một khách sạn lớn với
hai chữ Tiền Môn trên bảng hiệu. Khi đó mới thấy mình lo hão. Khách sạn
lớn lắm chắc bất cứ tài xế taxi nào cũng biết. Đến nơi là một chuyện,
có được ở không lại là chuyện khác. Cứ đem hết hành lý vào cái đã.
Tôi đến quầy tiếp viên, đưa danh sách phái đoàn, hỏi: “Có dành sẵn
chỗ cho chúng tôi không?” Tiếp viên ngơ ngác nói không biết gì về phái
đoàn Úc cả. Tim tôi thót lại một cái. Rất may, sau vài hồi gọi người
này, réo người kia, cuối cùng nhân viên tìm ra được tờ fax của Na Uy có
tên chúng tôi. Mấy tảng đá đeo trên người phút chốc biến mất, thở
dài thật là thoải mái. Vui vẻ theo tiếp viên dẫn lên phòng, hành lý nặng
nề đã có người đem lên giúp. Khách sạn rất khang trang, 3 hay 4 sao cơ mà.
Tiếp đãi chu đáo, phòng ốc đủ tiêu chuẩn quốc tế với phòng toilet sạch
sẽ, không có mùi hôi, khăn tắm trắng tinh, bàn chải răng, thuốc đánh răng,
lựợc, dầu gội đầu, sà bông đầy đủ, phòng ngủ có hai giường
đơn, nệm hảo hạng, TV, tủ lạnh, máy điều hòa không khí. Y như bên
Úc. Thế mà cứ lo ngại mãi. Trước khi đi hỏi dò những người đi rồi
thì họ nói là các khách sạn vừa dơ vừa hôi, không có giấy toilet, giường,
mền nệm cũng dơ lắm làm tôi mang theo gối, drap, 4 cuộn giấy toilet. Lại
sợ trời lạnh nên va li đầy quần áo ấm mà suốt chuyến đi không dùng
tới nhưng cứ phải xách nặng suốt từ miền Bắc tới miền Nam Trung Quốc.
Thoải
mái, yên chí rồi chúng tôi rời khách sạn đi vòng vòng các phố xá chung
quanh. Đại khái như đang đi trong Chợ Lớn Việt Nam. Nhà cửa có cái cũ cái
mới nhưng thiếu bảo trì nên coi cũ xỉn. Vỉa hè nhiều chỗ bị vỡ nát
cũng chẳng ai buồn thay. Khi đi vừa ngó trên để ngắm chung quanh nhưng
cũng phải ngó dưới kẻo sụp hố. Đến trưa thì liên lạc được với
anh Cao Sĩ Bính pháp danh Quảng Hộ. Anh thuộc Loyang (Lạc Dương) lữ hành
xã là cơ quan tổ chức chuyến hành hương này. Anh nói tiếng Pháp, Đạo hữu
Diệu Hảo và tôi nói chuyện và thông dịch lại cho Hòa Thượng và phái
đoàn. Buổi chiều anh dẫn chúng tôi đi tham quan phố xá Bắc Kinh.
Ngày 23 tháng 9 năm 1997.
6g00 Ra phi
trường Bắc Kinh đón Thượng Tọa Trí Minh và phái đoàn Na Uy. Chúng tôi
đi lại con đường dài 30 km ngày hôm qua nhưng vẫn thích thú. Trời sương mù, hơi lạnh nhưng thành phố đã thức
giấc với xe cộ và người đi lại. Xe đạp chiếm đa số nên có đường
đi riêng sát lề đi bộ, nhiều đoạn có rào cao để ngăn chia với đường
giữa dành cho xe hơi. Tài xế lái rất “ngầu”. Tối hôm qua khi đi chơi
phố xá, anh Cao đã dặn chúng tôi coi chừng xe cho cẩn thận vì qui luật
không thành văn ở đây là: “Người tránh xe chứ xe không tránh người”.
Mỗi lần băng ngang đường dù có đèn lưu thông chúng tôi vẫn rất mệt.
Chứng cớ cụ thể lời anh Cao dặn là một tai nạn trên đường. Tuy xe
bus chúng tôi chạy khá mau mà cũng thấy được một xác nằm trên đường
cụt đầu vì bánh xe hơi cán nát. Chưa hành hương mà đã thấy máu đổ
thịt rơi rồi. Tôi niệm Phật cầu cho hương linh siêu sinh và cho lòng
mình an ổn.
Đường này
hôm qua đã đi rồi nên không quá bỡ ngỡ. Điểm rất đặc biệt là
ngoài đường chính cho xe bốn bánh chạy, còn có hai đường hai bên rìa
dành cho xe đạp. Bắc Kinh là thành phố xe đạp, ai ai cũng đạp xe. Nhiều
nhân viên chính phủ đạp xe đến nhà ga tầu hỏa, gửi xe rồi mua vé tàu
đến chỗ làm. Nhà tại Bắc Kinh đắt kinh khủng, giá thuê nhà cũng rất
cao nên họ thường ở vùng ngoại ô khá xa nơi làm việc.
Khi vào phi trường
xe bus phải trả lộ phí. Chờ đợi không lâu phái đoàn Na Uy đã đến. Phải
gọi là phái đoàn Âu Châu mới chính xác vì ngoài Na Uy ra còn Pháp, Đan Mạch,
Thụy Sĩ và Anh. Chúng tôi không lạ Thầy Trí Minh vì Thầy đã đến thăm
Chùa Pháp Hoa và kể chuyện tiếu lâm rất vui. Thầy cũng không ngần ngại
kể rõ cuộc đời hàn vi của Thầy phải làm đủ thứ nghề lao động để
kiếm sống nhưng cuối cùng đã đạt được nguyện vọng tha thiết là
vào chùa tu học. Thầy qua Na Uy là xứ lạnh lẽo và chưa biết Phật Pháp
là gì, nhưng nhờ tài năng, đức độ Thầy đã có một số Phật tử trẻ
được coi là thuần thành nhất Âu Châu. Lộ trình từ Âu qua Trung Hoa cũng
xấp xỉ như con đường chúng tôi vừa trải qua, ngồi lâu trên phi cơ, rất
mệt nhưng phái đoàn Âu Châu không muốn về khách sạn nghỉ mà muốn đi
tham quan thành phố ngay.
Cùng đi với
anh Cao còn có hai cán bộ nữa, sau này nghe nói một trong hai người là
công an. Nhưng hiện nay thì chỉ biết cô hướng dẫn tên Trương hay Sabine
rất dễ mến. Cô chào hỏi mọi người bằng tiếng Pháp và giới thiệu
thành phố. Cô Hằng Niệm, mang hai dòng máu Pháp Việt và sống tại Pháp,
thông dịch. Không mang theo máy thu âm, tôi chỉ ghi lại được rất thiếu
sót vài điểm chính như sau:
Bắc Kinh là
thủ đô của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, thành phố đông dân chỉ đứng
sau Thượng Hải, diện tích 16,800 cây số vuông, chia làm 9 khu, khu xe đang
chạy là khu 3 có nhiều khách sạn tối tân cất xong hồi 1980 để đón du
khách Âu Mỹ, xa lộ đang chạy dài 18 km vừa hoàn thành năm 1996. Tại Bắc
Kinh các đại khách sạn thuộc nhà nước quản lý, tư nhân mở vài khách
sạn nhỏ bé. Trong kinh doanh cũng vậy, những cửa hàng bách hóa đồ sộ là
quốc doanh, còn những hàng quán nho nhỏ là tư doanh. Đất và nhà cửa tại
Bắc Kinh rất đắt, với số lương khoảng 1,500 Yuan một tháng (100 USD =
800 Yuan), ít ai dám thuê nhà tại đây. Phải ở vùng ngoại ô xa xôi, sáng
đạp xe từ nhà đến nhà ga xe lửa rồi đi xe lửa tới BK, ăn cơm trưa tại
BK, tối mới về nhà.
Điểm đặc
biệt, trong con mắt tôi là cái cũ và cái mới cùng có mặt. Tử cấm
thành còn đấy, và rải rác trong thành phố hiện đại với những tòa cao
ốc kiến trúc tân kỳ dùng rất nhiều thủy tinh là những mảng tường thành,
những cổng cũ kỹ xây cất theo lối Trung Hoa gần ngàn năm rồi. Xa lộ rộng
thênh thang thiết kế theo lối Mỹ khiến nhiều khi tôi có cảm tưởng là
đang ở bất cứ một thành phố nào bên Mỹ hay Úc chứ không phải bên
Tàu, nhưng cảm tưởng đó sớm bị xóa nhòa vì những tòa nhà đồ sộ lối
mới nhưng trên nóc lại trang trí bằng những tháp (chorten) kiểu Tây Tạng,
những căn nhà cũ kỹ thấp lè tè, mái ngói âm dương rêu phủ bị sạt hẳn
một phía mà không ai nghĩ đến tu bổ, những xóm chật chội, những ngõ hẹp
quanh co ngoắt ngoéo tôi biết là không bao giờ được đặt chân tới vì
lý do an ninh và vì không có thì giờ. Xe hơi thì loại, cũ mới lẫn lộn.
Tôi chú ý đến những đoàn xe điện, trên nóc có cái cần lấy điện
như mọi loại xe điện khác, nhưng bên dưới không có đường sắt và
bánh xe cũng không phải bằng sắt thép mà là bánh cao su như xe hơi. Xe có
thể đảo qua đảo lại trên đường y như xe hơi nhưng đường đi nước
bước đã được qui hoạch vì đường giây điện tiếp tế năng lượng
cho xe chạy đã được ấn định theo lộ trình nên tuy không có hai đường
rầy mà xe cũng chẳng có tự do muốn chạy đâu thì chạy.
Bus chạy qua
một công viên, tôi thấy từng nhóm người đang tập Thái Cực Quyền với
những động tác múa chậm nhưng mềm mại, nhẹ nhàng. Gần đến ngày Quốc
Khánh nên các khẩu hiệu chăng đầy thành phố, câu hay thấy nhất là: “Tố
văn minh thị dân, Kiến văn minh thành thị”. (Hãy làm người dân thành thị
văn minh, Hãy xây cất thành thị văn minh).
Sau khi chạy
một vòng tham quan “đại khái” thành phố, chúng tôi đến “Bắc Hải Công
Viên Bắc Ngạn” hay Công Viên Bắc Hải để ăn trưa tại Ngự Thiện Đường.
Đây là nơi ngày xưa vua đến ăn. Chúng tôi ăn chay nên món ăn bị hạn chế
phần nào, những vị ăn mặn thì tha hồ thưởng thức tài nghệ đầu bếp
Bắc kinh. Ăn xong là đi.
Thăm Cố Cung (23-9-1997).
Cố Cung vốn
là Tử Cấm Thành, kiến trúc cổ, lớn nhất, hoàn chỉnh nhất còn lưu lại
tại Trung Quốc. Khởi xây năm Vĩnh Lạc thứ tư (1406) triều Minh, hoàn
thành 14 năm sau đó. Tính đến nay gần 600 năm, trải qua 24 đời vua, chiếm
một giải đất hơn 72 vạn thước vuông, gồm 9,999 phòng ốc cộng 15 vạn
thước vuông, tường bao quanh dài khoảng 3 cây số, hào phòng thủ rộng 52
thước. Cố cung chia làm hai phần là Ngoại triều và Nội đình. Ngoại triều
lấy ba điện Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa làm trung tâm, hai cánh có Văn
Hoa Điện và Võ Anh Điện, đây là nơi vua hành xử quyền lực. Nội đình
gồm Càn Thanh Cung, Văn Thái Điện, Khôn Vũ Cung, cùng với đông tây lục
cung là nơi vua xử lý chuyện hàng ngày, cũng là nơi ở của phi tần,
vương tử. Muốn đi thăm toàn thể Cố Cung chắc phải cần đến cả tuần
lễ, phần chúng tôi, chỉ coi cho biết sơ lược nên khá mau, có vài giờ
đồng hồ. Trước hết vào Ngọ Môn và lần lượt xem từng tòa nhà. Cũng
chẳng có gì lạ lắm vì đã thấy các cảnh này trong phim The Last Emperor,
cùng sân chầu rộng mênh mông, những bước tường cao có lẽ đến bảy,
tám thước dài tun hút, những lan can, bậc đá cẩm thạch trắng muốt chạm
rồng tinh vi, có khác chăng là ngồi trong rạp xi nê có máy lạnh thoải
mái, còn bây giờ thì nắng đổ mồ hôi và đi rạc cả hai chân. Người
đến xem đông quá, sợ lạc nên cái gì cũng coi sơ sơ rồi vội đi theo Thầy
Thiện Huệ. Thầy chú trọng tòa nhà “bảo tàng” bên trong có nhiều tủ
kính trưng bầy y phục, bao cung tên, chậu rửa mặt, đồ phục sức của
vua v.v... Thú thật tôi không hứng thú lắm. Đây là cái lối phi ngựa ngắm
hoa. Cái gì cũng phơn phớt gọi là. Mặc dù Thầy Thiện Huệ cắt nghĩa những
điều chính nhưng phái đoàn quá đông không phải ai ai cũng được nghe. Chỉ
hy vọng là máy video của đệ tử Thầy Trí Minh quay đầy đủ và Thầy sẽ
phát hành cho Phật tử thỉnh băng. Làm sao được, thì giờ eo hẹp. Nếu
muốn nghiên cứu kỹ thì phải mất rất nhiều thì giờ tham quan và đọc
sách.
Rời Cố Cung
bằng Thần Võ Môn, chúng tôi đi thăm Ngự Hoa Viên. Vườn vua có khác, nhiều
cây thông già cả ngàn năm, muốn “còng lưng" ngã gục nhưng vẫn phải
đứng thẳng vì có bao nhiêu là đai và cột sắt chống đỡ, nhiều kỳ
hoa dị thảo mà tôi không biết tên để diễn tả.
Cảnh Sơn.
Hòn núi ngó
ngay xuống toàn bộ cấm cung, ngày xưa chắc vua lên ngắm cảnh nên mang
tên núi cảnh. Trên núi cũng có những lầu các để vua nghỉ chân. Mệt
quá rồi và đã xế chiều nên không ai có lòng dạ nào ngắm cảnh lâu.
Nhìn sơ sơ rồi đi xuống. Nhưng nơi đây có cho mượn mũ mãng vua, hoàng hậu,
cung phi, ai thích thì mướn mặc vào chụp hình kỷ niệm nên chiếm thêm một
ít thì giờ.
Đi bộ nhiều
mệt quá phải nghỉ nhiều lần, khi lên còn ham, khi xuống mệt ngất ngư vì
cứ leo lên leo xuống mãi. Có ba lối xuống khác nhau, mỗi lối lại có nhiều
đường rẽ, chúng tôi già yếu đi chậm nên các bạn trong phái đoàn tản
lạc đâu hết cả. Đang luýnh quýnh không biết sao thì gặp anh Yang cũng là
nhân viên hướng dẫn nên theo anh xuống núi. Khi tới xe mới hay là mình xuống
sớm nhất, ngồi chờ một lát các vị khác mới lục tục xuống. Khi xuống
hết, điểm lại thì thiếu hai vị ở Thụy Sĩ. Chờ mãi không thấy, anh
Cao và anh Yang phải lên tìm. Nửa giờ sau các anh xuống nhưng hai bà Thụy
Sĩ vẫn biệt tăm. Vừa mệt, đói, sốt ruột lại e sợ cho hai bà già
không biết lúc này đang ở đâu. Nếu kẹt trên núi ban đêm nguy hiểm vô
cùng. Anh Cao cho biết có lẽ phải báo công an, nhờ họ giúp. Tôi nghĩ nếu
ở bên Úc thì có thể dùng trực thăng rọi đèn và bắc loa gọi chứ tại
đây làm gì có phương tiện sang như thế. Trong đoàn tự nhiên có người
nói: “Hay hai bà về khách sạn rồi?”. Trước khi lên núi anh Cao có dặn
phải tập trung tại chỗ nào và nếu không thấy xe thì cứ thuê taxi về
thẳng khách sạn. Anh Cao nghe có lý bèn dùng điện thoại cầm tay gọi về
KS Tiền Môn hỏi xem hai bà còn gửi chìa khóa phòng ở quầy tiếp tân
không. Họ cho biết là không thấy chìa khóa phòng hai bà. Toàn thể phái
đoàn mừng quá quên cả bực bội vì mất trên một giờ chờ đợi. Chúng
tôi vui vẻ đi ăn tối tại một nhà hàng ngoài khách sạn, vì đã trễ
quá không thể về Tiền Môn đón hai vị đi lạc.
Ngày
24 tháng 9 năm 1997: Hồng Loa Tự.
Hồng
Loa Tự (Chùa ốc đỏ) thuộc huyện Hoài Nhu, phía bắc ngoại thành Bắc
Kinh. Khởi công xây vào công nguyên năm 384, tên Đại Minh Tự. Qua đời nhà
Minh đổi tên thành Hộ Quốc Tư Phúc Thiền Tự. Truyền thuyết, trước
kia có hai con ốc lớn màu đỏ sống trong đầm trên đỉnh núi, khi chết vỏ
ốc phát ra ánh sáng, dân làng cho là linh vật, nên gọi núi này là Hồng
Loa Sơn (Núi ốc đỏ).
Chùa
gồm năm viện, các điện đường chủ yếu ở trung viện, từ nam đến bắc
lần lượt có Sơn môn, Thiên Vương Điện, Đại Hùng Bảo Điện, Tam Thánh
Điện. Hai bên đông tây chia làm Khách Phòng, Nhà Trù, Phòng Phương Trượng,
và Thập Phương Đường dành cho khách tăng. Cạnh đông viện là Diên Thọ
Đường dành cho chư tăng già yếu an dưỡng, cực tây của chùa là tháp viện.
Hồng
Loa Tự nổi danh nhờ là đạo tràng của Tổ thứ 12 Liên Tông, Ngài Tế Tỉnh
Triệt Ngộ Đại Sư (1741-1810) hiệu là Mộng Đông, thị tịch năm 70 tuổi.
Sau khi trà tỳ được hơn 100 viên xá lợi, hiện thờ tại chùa. Hiện nay
chùa nổi tiếng là địa điểm trọng yếu truyền dạy khí công ở phương
bắc.
Từ
khách sạn, chúng tôi mất hai giờ xe bus mới đến nơi, nhưng không ai tỏ
vẻ nóng ruột vì còn mải căng mắt ra ngắm cảnh hai bên đường. Trời mù
mù, không hiểu vì sương hay vì khói bụi. Cảnh không có gì đặc biệt,
cũng như mọi nơi với cây cỏ, nhà cửa lụp sụp. Tôi chú ý những công
nhân mặc áo bảo vệ màu da cam đang quét đường. Chổi là những nhánh
cây bó lại, đại khái như chổi chà bên Việt Nam nhưng không tề đầu.
Đi lên cao dần, ngang qua một trại nuôi đà điểu. Đây đó cũng có những
kiến trúc đồ sộ và mới. Cái cũ và cái mới cùng hiện diện một cách
không hài hòa. Khi gần đến chùa, con đường rất đẹp, có khúc trải nhựa
đen láng, có khúc gồ ghề, lởm chởm, hai bên trồng liễu. Xe vừa đậu
thì trời mưa ào ào. Đối diện chùa là một khu chợ, dân chúng bán các tượng
Phật nhỏ, sâu chuỗi, đồ kỷ niệm và rất nhiều dù che mưa. Phái đoàn
tranh nhau mua dù. Đồ đạc vừa xấu vừa đắt. Trời đã tạnh mưa nhưng
chưa có lệnh lên chùa vì phải chờ phái đoàn Mỹ. Khi xe bus của phái đoàn
Mỹ tới thì trời lại mưa nhưng các Phật Tử hăng hái che dù leo núi lên
chùa. Diệu Hảo và tôi ngồi trong phòng khách dưới chân núi, không dám
lên sợ trơn ngã, sợ bị cảm lạnh thì không còn sức viếng thăm nơi khác.
Chỉ có cháu Diệu Anh lên chùa thôi. Khi trở lại cháu cho biết, trời mưa,
đường lên núi nguy hiểm nên các Thầy (Trí Minh và Thiện Huệ) không cho
lên mà chỉ hướng dẫn vào chùa ngay dưới chân núi. Tôi nghĩ: “Vừa đi
thăm chùa mà đã vô duyên với chùa này rồi”. Không tiếc lắm vì theo chương
trình thì còn rất nhiều chùa để viếng.
Vạn Lý Trường Thành.
Đây
là chỗ ai cũng háo hức muốn đến xem. Trường thành là một kỳ quan
trên đất Trung Hoa. Thời Xuân Thu (770-476 trước CN), các nước Yên, Triệu,
Tần đắp thành phòng quân Hung Nô từ phương bắc tràn xuống. Sau khi gồm
thâu lục quốc, Tần Thủy Hoàng (221-206) bắt dân chúng đi phu lên miền bắc
lạnh lẽo đắp thành để nối liền những mảnh rời thành một bức tường
dài ngàn dặm. Các triều đại sau tiếp nối, tạo nên một bức trường
thành dài 6,700 cây số, cao khoảng 6-7 thước, rộng từ 4 đến 5 thước. Công
tác càng vĩ đại thì dân chúng càng khốn khổ. Đương thời chắc có nhiều
sự thê thảm nhưng truyền đến nay chỉ còn chuyện rất nổi tiếng về
Meng Jiang Nu (Mạnh Khương Nữ?) đi tìm chồng. Mạnh Nữ được sinh trưởng
trong cảnh đói nghèo, có lẽ do chiến tranh liên miên và chính sách hà khắc
của bạo Tần. Lấy chồng không bao lâu thì chồng bị gọi đi phu, lên miền
bắc đắp thành. Nghĩ là miền bắc lạnh lẽo vô cùng nên nàng đã dành dụm
tiền bạc, mua vải, bông và tự tay may cho chồng một tấm áo ngự hàn.
Nàng đã lần hồi, lớp làm thuê làm mướn, lớp ăn xin, trải qua một thời
gian khá dài gian nan khổ não mới từ quê hương Thiểm Tây đến Sơn Hải
Quan là nơi chồng làm việc. Lân la hỏi thăm mãi mới được các bạn phu
của chồng cho biết là chồng nàng đã chết và được chôn giũa lớp tường.
Niềm thất vọng và đau đớn lớn đến nỗi làm cho các thần linh cảm động,
khiến tường thành nứt ra một đoạn để nàng thấy thi thể của chồng.
Nàng đã ôm thây này nhẩy xuống biển tự trầm. Đời nhà Tống, một
ngôi đền được dựng lên để tưởng niệm, đến nay vẫn còn. Khi xe
chúng tôi tới nơi thì trời mưa. Mọi người phải ghé vào các hàng quán
bên đường mua áo mưa và cây gậy chống.
Đoạn chúng tôi lên coi nằm trên một ngọn đồi nên phải leo đồi trước
khi thấy trường thành. Đường lát đá xanh rất dốc và trơn phải chầm
chậm từng bước. Cũng may là có cable car (xe treo trên dây) nên mấy người
trẻ đề nghị mấy ông già bà lão nên đi xe còn họ leo chân lên. Kinh
nghiệm hai vị bị lạc tại Cảnh Sơn còn quá mới mẻ, trời lại sương
mù và mưa, nếu lạc tại đây thì rất khó tìm phương tiện trở lại khách
sạn, Trở ngại lớn nhất là không ai biết tiếng quan thoại để nói chuyện
với dân. Cho nên quí Thầy và Ban Hướng dẫn yêu cầu tất cả đi cable
car. Vé khá đắt nhưng không ai phàn nàn. Sáu người ngồi một xe, xe chạy
dần lên cao. Nhìn dưới chân và chung quanh chỉ mịt mù trăng trắng. Thật
là uổng công, uổng tiền. Lên tới nơi chỉ nhìn thấy các vật trong vòng
mười, hai mươi thước. Leo thêm chừng mười thước thì vào một vọng
lâu rất kiên cố. Tôi nghĩ đây là nơi ngày xưa quân lính đồn trú. Nhìn
qua khe hở, bên ngoài mù mịt. Đi tới đi lui, đi ra khỏi vọng lâu, tản bộ
trên trường thành một quãng rồi quay lại. Nhiều người thất vọng lắm.
Lên trường thành để chụp ảnh, để thấy tường chạy qua đồi qua núi,
uốn khúc như một con trăn khổng lồ, chứ ai phí công phí tiền lên đây
ngắm sương mù trắng xóa.
Phần
tôi thì cũng tạm vừa ý. Thiếu gì hình ảnh, phim ảnh về trường thành,
thêm hay bớt vài chục bức nữa có sao đâu. Cái chính yếu là tôi đang thực
sự đứng trên trường thành, chân dậm thấy cái cứng chắc của gạch đất,
tay rờ vào vách thấy lạnh và nhám. Tất cả đều quá thật, nhưng những
người xưa đâu? Đồn trú trên này chắc buồn chán lắm. Nhìn về phương
bắc chỉ thấy đồi núi chập chùng, có lẽ có cả tuyết trắng xóa trong
mùa đông. Lòng ngùi ngùi thương sót, tôi lẩm nhẩm cầu nguyện cho các hương
linh đó siêu thoát. Trời lạnh quá, đứng chừng hai chục phút phái đoàn
lại lục tục xuống trạm cable car để trở về mặt đất.
Còn
thì giờ nên trên đường về Bắc Kinh, ghé thăm một trung tâm thương mại
có tên là Hữu Nghị Thương Điếm. Hình ảnh tương phản gay gắt với các
hàng quán dưới chân trường thành. Tất cả đều sang trọng, đẹp đẽ và
đắt tiền. Đủ các loại hàng hóa xa xỉ của Trung Quốc như ngọc ngà
châu báu, lụa, đồ khắc và chạm trổ, hàng thêu, quần áo, thuốc bắc.
Thấy nhiều món muốn mua nhưng nhìn giá là “dội ngược”. Đúng là cửa
hàng cho du khách có tiền nên món nào món đó đắt kinh hồn
luôn.
Sau mới biết là có thể trả giá. Một món đề giá hàng chục nghìn Mỹ
kim có thể được bán với năm nghìn thôi. Không biết giá trị thực của
món hàng, mua lầm chết.
- ~~oOo~~