- MỘT
CHUYẾN HÀNH HƯƠNG TRUNG QUỐC
Phần III
- Ngày 28
tháng 9 năm 1997.
Ngày hôm qua leo núi ớn quá, được biết hôm
nay còn leo cao hơn nữa nên Diệu Hảo và tôi quyết định đi thăm mấy chùa
dưới chân núi thôi. Trước hết chúng tôi đi xem mấy gian hàng bầy bán
đồ kỷ niệm dọc hai bên đường. Có hai bà trong phái đoàn cũng đi theo.
Chúng tôi xem và mua một số sâu chuỗi đeo tay bằng hổ phách, mề đay tượng
Phật cùng các tấm thẻ plastic in hình các vị Phật để về làm quà cho
các đạo hữu trong Đạo tràng Bát Quan Trai. Đi ngang Ngọc Phật Đường,
chúng tôi bèn vào lễ Phật và xem gian hàng bán tượng tạc bằng cẩm thạch
trắng. Tượng đẹp quá, muốm mua nhưng nặng quá không đem về Úc được.
Chúng tôi rất thích vì khỏi mỏi chân leo cao, lại tự do muốn đi đâu
thì đi. Đến gần trưa thì về khách sạn nghỉ. Trên đường về gặp
người hướng dẫn của địa phương, ông hỏi tại sao chúng tôi lại ở
đây. Các bạn chúng tôi sáng nay đã đi thăm Kỳ Viên Tự. Tôi trả lời bằng
Anh Ngữ là núi cao quá không đủ sức leo. Ông nói không sao vì chiều nay tất
cả đi cable car. Nói xong ông dùng xe hơi chở chúng tôi đến chân Kỳ viên
Tự chờ phái đoàn xuống đủ rồi qua trạm cable car. Cable car này cùng loại
với thứ tại Vạn Lý Trường Thành. Trời quang mây tạnh, từ trên cao
nhìn xuống toàn cảnh Cửu Hoa Sơn thích thú vô cùng và càng cảm phục
Ngài Vô Hà. Hiện nay có cơ man nào là chùa, di chuyển bằng xe, lên núi cao
bằng cáng hay cable car mà còn thấy cảnh hoang vu, huống hồ lúc Ngài Vô
Hà lên núi Làm sao Ngài sống cảnh hoang vu này một mình trong một trăm
năm? Không lẽ truyền thuyết nói sai sự thật? Có lẽ Ngài đã tu chứng
được vài phép Du già hay Khí công nên không cần tiếp xúc với ai khác
mà vẫn an lạc, không cần ăn ngũ cốc và muối mà vẫn có thể sống được.
Hay là Ngài không có thần thông nào cả nhưng Định Lực rất sâu nên
không bị ngoại cảnh chi phối.
Trong thời đại chúng ta, Hư Vân hòa thượng
còn có thể nhập định hơn một tháng huống hồ Ngài Vô Hà sống trước
đây gần 600 năm, cơ thể dẻo dai hơn, môi sinh trong lành hơn? Tôi không
sao biết được sự thật về Ngài nhưng hễ nghĩ đến hai chữ Vô Hà là
tự nhiên tôi cảm xúc, ứa nước mắt.
Tuy không đích thân lên Kỳ Viên Tự, nhưng
cháu Diệu Anh đã lên lễ Phật, gặp trụ trì và mang về ba chiếc mề
đay (mạ) vàng kỷ niệm nên cũng ghi chi tiết về chùa này.
Kỳ Viên
Tự.
Khởi xây năm Gia Tĩnh triều Minh (1522-1566),
đây là năm mà Truyện Kiều ghi: “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh, Bốn
phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng.” Chùa chia làm ba phần chính, thứ
nhất là Môn Sảnh cao ba từng, rộng năm gian, bên trong thờ Vi Đà Hộ
Pháp và hai vị thần Dạ Xoa thủ hộ Phật Pháp, tục gọi là Hanh Cáo nhị
tướng, đề hai câu đối: “Cử mục chiêm ngưỡng, hà tất sinh cơ phần
cụ ý. Hồi đầu mãnh tỉnh, hoàn tu tồn nhất điểm trung tâm” (Ngước
mắt chiêm ngưỡng, không cần sinh ý sợ. Quay đầu chợt tỉnh, lòng còn
chút điểm trung) Ngoài cổng lại có hai cẩu đối: “Kỳ thọ vinh quang biến
vũ trụ, Viên lâm xuân sắc mãn càn khôn” (Kỳ thọ soi sáng khắp vù trụ,
Vườn rừng sắc xuân tỏa ngát trời) Thứ hai là Thiên Vương Điện thờ
đức Di Lặc bồ tát và Tứ Thiên Vương. Trì Quốc Thiên Vương sắc trắng,
cầm tỳ bà, ở phương đông. Tăng Trưởng Thiên Vương sắc xanh, cầm bảo
kiếm, ở phương nam. Quảng Mục Thiên Vương sắc đỏ, cầm con rắn, ở
phương tây. Đa Văn Thiên Vương, sắc xanh lục, tay phải cầm lọng tay trái
cầm ngân thử (chuột bạc). Hai bên tượng đức Di Lặc đề hai câu: “Đại
đổ năng dung, dung thiên hạ nam dung chi sự. Từ nhan thường tiếu, tiếu
thiên hạ khả tiếu chi nhân” (Bụng lớn khéo chịu, chịu những sự
thiên hạ khó chịu. Vẻ từ hay cười, cười những kẻ phàm nhân đáng cười).
Thứ ba là Đại Hùng Bảo Điện phụng thờ Tam Bảo, chíng giữa là Phật
Thích Ca, hai bên là Phật Dược Sư và Phật Di Đà, chung quanh thiết trí Thập
Bát La Hán, hai vị Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền. Đâu lưng Tam Bảo Phật
là Nam Hải Quán Âm. Góc đông nam treo hồng chung do trụ trì Đại Căn đúc
vào đời Quang Tự năm thứ tư (1878), góc tây nam có giá trống do tăng Hoằng
Xã quyên tạo năm 1933. Ngoài ra còn Pháp Đường, Trai Đường, Phương Trượng
Liêu, Y Bát Liêu, các phòng nghị sự, đọc kinh, phòng tăng, đến cả trăm
căn.
Cable car đưa chúng tôi lên một ngọn núi
cao chót vót. Xuống xe tôi đi bộ lên chùa. Thăm các chùa sau đây:
Thiên
Thai Tự.
Còn gọi là Địa Tạng Thiền Tự, trên lưng
Thanh Long của đỉnh Thiên Thai. Kim Địa Tạng từng tu tập trên đỉnh Thiên
Thai nên nơi này trở thành Thánh tích chiêm bái của hương khách, được gọi
là Trung thiên thế giới. Cao tăng Tông Quá đời Tống từng viết: “Đạp
biến Thiên Thai bất tác thanh, Thanh chung nhất xứ vạn sơn minh” (Dẫm nát
Thiên Thai không tiếng động, Dóng chuông một chỗ vạn núi vang). Nơi đây
có dấu chân của Địa Tang. Từ sau chùa có thể lên Vân Giáp, điểm cao
nhất của toàn sơn, được coi là một trong mười cảnh của Cửu Hoa Sơn.
Huệ Cư
Tự.
Vốn là Huệ Khánh Am, xây vào đời nhà
Thanh. Năm 1938, trụ trì đương thời Phổ Minh pháp sư quyên góp nới rộng
chùa và đổi danh xưng thành Huệ Cư Thiền Tự. Tượng Tịnh Thủy Quan
Âm, đầu đời Nam Bắc Triều, trong Quan Âm lầu là pho bảo tượng tối tôn
ở Cửu Hoa.
Ngày 29
tháng 9 năm 1997.
Chúng tôi ăn sáng sớm rồi lên xe bus lúc
6g15 để ra ga Đồng Lăng, Trì Châu Thanh Dương, cũng thuộc tỉnh An Huy. Từ
trên núi cao thanh tịnh xuống đồng bằng nhiều trần lụy. Đi ngang nhiều
nhà dân thấp lè tè cũ nát và nhiều nhà mới xây theo kiểu hiện đại.
Đồng Lăng là một thị trấn khá lớn vì có nhiều dẫy cao ốc. Chúng
tôi ra ga và lên xe lửa, trục lộ Thượng Hải - Nam Kinh - Đồng Lăng. Toa
hạng nhất cách biệt với những hành khách địa phương. Toa cố làm cho
sang với những ghế quay nhìn về phía trước, mỗi dẫy hai ghế, giữa là
lối đi. Có một khu từng cặp bốn ghế đối diện, ở giữa là chiếc
bàn như salon, phủ khăn trắng. Cửa sổ có rèm che. Muốn coi phong cảnh
phái vén và gài hai bên. Hành khách đông lắm. Toàn người là người, nhìn
thấy phát ngốt.
Xe chạy một lát thì có những hàng quà đẩy
xe lên bán. Rất tiếc là toàn thể phái đoàn ăn chay mà quà là món mặn
như gà nướng nên không ai mua. Một lát có hai anh chàng lên rao bán những
đồ thêu Trung Quốc, cũng không ai mua cả. Ông Đoàn T. vì nể vợ là bà
Nguyễn, nên đi hành hương, nhưng ông không hứng thú vì thiếu “la de”
và phở. Ông khoe là ngày nào cũng ăn phở và uống bia. Nay không có thì
thèm. Ông cũng không thâm tín Phật giáo nên không thấy ích lợi gì nhiều
ở các chùa chiền. Ông đi hành hương như du khách thôi. Nhân lúc xe lửa
đậu tại một nhà ga khá lâu, ông đưa tiền nhờ một nhân viên trong đoàn
hướng dẫn mua bia giúp. Anh chàng này nhanh nhẩu nhận tiền, chạy xuống
ga mua. Từ khi có bia uống ông T mới thấy vui hơn lên. Ông mời tôi nhưng
tôi xin kiếu. Tôi cũng mừng là ông tìm lại được thú vui, bia thì cũng dễ
mua thôi. Thú vui của ông rất dễ tìm.
Đến Nam Kinh chúng tôi vào khách sạng Đại
Nguyên Lâu (Mandarin) 5 sao, rất lớn và rất sang. Tôi nhớ có một thời Nam
Kinh mang tên Kim Lăng. Nam Kinh là kinh đô của Trung Hoa Dân Quốc do Tôn Trung
Sơn và Tưởng Giới Thạch lãnh đạo. Trong trận chiến tranh Hoa Nhật, Nam
Kinh chịu một thảm cảnh, đến nay nghĩ lại vẫn còn rùng rợn. Vì Nam
Kinh nhất định không đầu hàng quân xâm lăng Nhật Bản nên khi quân đội
Thiên Hoàng tràn vào được là tàn sát trên trăm ngàn người. Tại Nam
Kinh, tỉnh Giang Tô, chúng tôi đến viếng hai chùa là Linh Cốc Tự và Thê
Hà Tự.
Linh Cốc
Tự.
Thuộc tỉnh Giang Tô, thành phố Nam Kinh. Cao
tăng Bảo Chí đời Lương viên tịch, vua Võ Đế xây tháp an táng ngài
trên Độc Long Phụ, núi Chung Sơn. Thiên Giám năm thứ 13 (514), Khai Thiện
Tinh Xá được xây trước bảo tháp, còn gọi là Bảo Công Viện (tiền
thân chùa Linh Cốc). Bắc Tống niên hiệu Tường Phù (1008-1021) đổi tên
là Thái Bình Hưng Quốc Tự, đời Minh gọi là Tưởng Sơn Tự. Hồng Võ năm
thứ 14 (1381) Thái Tổ Chu Nguyên Chương, vì lý do xây lăng tẩm trên Gò Độc
Long, nên hạ lệnh dời Tưởng Sơn Tự, Bảo Công Tháp, Định Lâm Tự, Tống
Hy Tự, Trúc Viên Tự, Ngộ Chân Am, xây chung lại thành Linh Cốc Tự, với
quy nô quảng đại, từ cổng chùa đến đại điện dài 2,5 km, có đoạn
chứa âm thanh, khi vỗ tay âm vang như tiếng đàn nên gọi là Tỳ Bà Nhai.
Chùa có các cảnh như Vô Lượng Điện, Bảo
Công Tháp, Bát Công Đức Thủy, ao phóng sinh Vạn Công Hồ. Đương thời
điện vũ trùng trùng, chứa hơn ngàn tăng. Đời Thanh, vua Khang Hy và Càn
Long đều viếng chùa trong dịp tuần tra phương nam.
Cổng chùa còn treo tấm biển “Đệ Nhất
Thiền Lâm” do Minh Thái Tổ ban tặng. Chùa bị chiến nạn phá hủy trầm
trọng từ đời Hàm Phong đến năm đầu Đồng Trị. Linh Cốc Tự ngày nay
được trùng tu dưới thời Đồng Trị, tuy không rộng lớn như xưa, nhưng
tùng bách vẫn phủ chùa, cảnh trí u tĩnh mỹ lệ vẫn không dời đổi.
Tượng Bổn Sư và hai ngài Ca Diếp và A Nan
tôn trí trong Đại Hùng Bảo Điện với 18 vị La Hán thần thái sinh động,
được tạc vào đời Minh, ở bên trái và phải đức Bổn Sư. Từ bên phải
đại điện vào Giải Thoát Môn là “Huyền Trang Pháp Sư Kỷ Niệm Đường”
có tháp thờ đảnh cốt xá lợi của ngài, hai bên bầy biện các trước tác
và dịch phẩm của ngài. Rời Giải Thoát Môn đến Thâm Tùng Giác Uyển, với
hai hàng trồng đủ loại mẫu đơn, trúc, mai, quế hoa, ngọc lan, hương
thơm tỏa ngát, giữa có lầu, trên là Tàng Kinh, dưới là Pháp Đường, bên
trong treo bức họa tượng ngài Bảo Chí.Vô Lượng Điện còn gọi là Vô Lương
Điện (không có xà nhà), kiến trúc duy nhất từ thời Minh Hồng Võ còn
sót lại, tuy sửa chữa nhiều lần nhưng kết cấu chủ yếu không đổi.
Điện dài 53 thước 8, rộng 37 thước 8, nóc lợp ngói lưu ly, dùng toàn gạch
lớn và cột đồng đỡ mái nên gọi là điện Vô Lương.
Sau Vô Lương Điện có Tùng Phong Các và
Tháp Linh Cốc. Đứng trên Tùng Phong thấy khắp bốn bề. Tháp Linh Cốc
xây năm 1929, hình bát giác, cao hơn 60 thước gồm 9 tầng. Phía tây Tùng
Phong Các là tháp Bảo Công, do vua Lương Võ Đế xây kỷ niệm ngài Bảo
Chí. Lục Triều sự tích ghi: Lương Thiên Giám năm thứ 13, dùng 20 vạn tiền
xây tháp 5 từng, an táng ngài Chí Công ở Độc Long Phụ, trước chùa Định
Lâm, do công chúa Vĩnh Định dựng.
Tam Tuyệt Bi khắc chân dung cao tăng Bảo Chí
theo nét vẽ của danh họa Ngô Đạo Tử đời Đường, bên trái khắc bài
thơ xưng tán của thi hào Lý Bạch theo nét chữ của thư pháp gia Nhan Chân
Khanh nổi tiếng đời Đường. Đời sau gọi tấm bia này là Bia Tam Tuyệt,
trên bia còn khắc “Bảo Công Bồ Tát thập nhị hồi ca” do thư pháp gia
Triệu Mạnh Phủ viết. Chúng tôi đã
đến tận nơi, Thầy Thiện Huệ tìm kiếm mãi, hỏi thăm cả Hướng Dẫn
Viên địa phương nhưng không ai biết Tam Tuyệt Bi hiện nay ở chỗ nào.
Được giấu kín để các hồng vệ binh thời Cách Mạng Văn Hóa đừng đập
phá? Có người độc chiếm làm báu vật riêng? Nhà nước không muốn để
bia đó ngoài trời sợ hư hỏng? Cả chục giả thuyết, nhưng thực tế là
không được chiêm ngưỡng bia.
Còn Tỳ Bà Nhai, nghe tên rất lạ nhưng chỉ
là một hành lang giữa hai tòa nhà. Không hiểu xây cất ra sao mà mỗi khi vỗ
tay thì có tiếng ngân vang như đàn tỳ bà. Kể ra cũng thích thú và hay hay
nhưng không có thì giờ thưởng thức. phải vội vã theo đoàn đi thăm chỗ
khác. Đúng là “phi ngựa xem hoa”!
Ngày 30
tháng 9 năm 1997.
Rời khách sạn đi Thê Hà bằng xe bus lúc 8
giờ để thăm Thê Hà tự và sau đó đi Thái Hồ và Thượng Hải.
Thê Hà Tự.
Trên núi Thê Hà, đông bắc Nam Kinh. Xây đời
Nam Tề (438) do ẩn sĩ Minh Tăng Thiệu cúng nhà làm chùa, gọi là Thê Hà
Tinh Xá. Kiến trúc qui mô vào đời Đường với tên Công Đức Tự, đời
Tống đổi thành Hổ Huyệt Tự, Minh Hồng Võ gọi là Thê Hà Tự (1392). Trải
qua bao thăng trầm, hiện phần lớn kiến trúc được xây vào thời Thanh mạt.
Mặt tiền có hồ Minh Kính và đình Thái Hồng nay đã cạn khô. Các tấm
bia Minh Chinh do Minh Tăng Chiêu viết, tương truyền hai chữ đại tự Thê
Hà do Đường Cao Tông thảo.
Bảo điện Tỳ Lô Giá Na cao năm thước, hai
bên có Phạm Vương, Đế Thích đứng hầu. Ngọc Phật thờ trên Tàng Kinh
Các. Sau chùa có Tháp Xá Lợi 5 từng, xây vào đời Tùy Nhân Thọ đã bị
tiêu hủy, được cất lại vào đời Nam Đường (937-975) cao 18 thước, bằng
đá hoa cương, gồm bẩy từng hình bát giác. Từng một khắc bát tướng
thành đạo (thác thai, đản sinh, xuất du, thâu thành, thành đạo, hàng ma,
thuyết pháp và niết bàn). Tháp này được coi là một kiêt tác về nghệ
thuật điêu khắc thời Ngũ Đại.
Đại Phật Các ở phía đông tháp, dưới chân
Thiên Phật Nham, còn gọi là Tam Thánh Điện, tượng Di Đà ở giữa bằng
đá cao 13 thước 3, phục sức và thần thái hao hao với đại Phật ở Vân Cương, hai pho Bồ
Tát hai bên cao 11 thước. Cả ba được tạc vào khoảng năm 484 sớm hơn
ở Vân Cương đôi chút. Trước Đại Phật Các là hai tôn tượng Phật Tiếp
Dẫn cao khoảng 3 thước, điêu khắc rất tinh xảo.
Thiên Phật Nham có 294 động, 515 tôn tượng,
pho lớn cao hơn 10 thước, được coi như Vân Cương của Giang Nam. Đáng tiếc
bị hủy hoại nghiêm trọng vào đời Thanh Hàm Phong, phần lớn đều bị sứt
mẻ, chỉ còn số ít nguyên vẹn. Thời Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch
lãnh đạo, các nhà sưu tập đồ cổ người Mỹ được chính quyền cho
phép cưa đầu tượng đem về nước. Thời Cách Mạng Văn Hóa cả chục
ngàn pho bị đập phá, tổng cộng toàn quốc là 72,000 pho. Nhìn những tượng
rất đẹp mà bị mất đầu, mất tay tôi thấy đau lòng. Làm ra một pho như
thế tốn rất nhiều công sức, tiền của và thì giờ, còn phá đi thì dễ
dàng, mau chóng hơn nhiều. Khi phá có nghĩ là mang tội rất lớn không?
Điện Thạch Công phía bắc Đại Phật Các,
bên trong có tượng một người đang tạc đá, được coi là tượng kỷ niệm
điêu khắc gia Vương Thọ (đời Minh), tác gia phần lớn các nghệ thuật
phẩm điêu khắc ở Thê Hà.
Tôi không nhớ là thấy pho tượng Quan Âm do
Lý Trị (Cao Tông) cho tạc ở chỗ nào. Tượng rất đẹp và giống y như bà
Võ Tắc Thiên. Võ Hậu là một phụ nữ tài sắc vẹn toàn nhưng khi đọc
chuyện hay coi phim thì ta thấy bà là một người tai ác, hoang dâm, vô đạo.
Sự thực bà rất sùng đạo Phật và thông thạo giáo lý. Bà đã cầu các
cao tăng chỉ dậy những điểm khó nhất như Thập Huyền Môn trong kinh Hoa
Nghiêm. Các nhà Nho trọng nam khinh nữ ghét và bôi nhọ bà là chuyện dễ
hiểu.
Ngày nay các Phật tử mỗi khi tụng kinh đều
đọc bốn câu Khai Kinh Kệ do bà soạn: “Vô thượng, thậm thâm vi diệu
pháp. Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ. Ngã kim kiến văn đắc thọ trì.
Nguyện giải Như Lai chân thiệt nghĩa”.
Tôi cũng được nghe câu chuyện linh dị về
một pho tượng A Di Đà. Khi chiêm bái thì thấy tượng cũng thường như các
tượng khác, nhưng nghe chuyện xong thì chú ý nhiều hơn. Khi quân Nhật chiếm
Nam Kinh, một sĩ quan Nhật thích pho tượng này, muốn đem về Nhật nhưng nặng
quá nên cưa lấy cái đầu thôi. Ông giữ làm của riêng một thời gian rồi
đem hiến cho một viện bảo tàng. Trong đời ông thì chưa thấy gì lạ, nhưng
con cháu liên tiếp nằm mộng thấy Phật ra lệnh phải đem cái đầu trả
lại chùa. Ban đầu không ai tin nhưng giấc mộng được lặp lại quá nhiều
lần nên họ hoảng sợ phải tốn bao nhiêu là tiền bạc di chuyển từ Nhật
về chùa. Đầu đã được gắn trở lại, người không biết, nhìn tượng
chỉ thấy là một pho như ngàn muôn pho khác thôi.
Thê Hà Tự cùng Linh Nham Tự (Sơn Đông, Lâm
Thanh), Ngọc Tuyền Tự (Hồ Bắc. Giang Lăng), Quốc Thanh Tự (Triết Giang,
Thiên Thai) là Tứ Đại Tùng Lâm được gọi làThiên Hạ Tứ Tuyệt.
Ngày
30 tháng 9 năm 1997.
Viếng
Thê Hà Tự xong lúc 11giờ 20, chúng tôi đi Thượng Hải bằng xe bus. Trên
đường, ghé Vô Tích thăm Chùa Tường Phù. Nghe hai chữ Vô Tích tôi sực
nhớ Truyện Kiều. Lúc Từ Hải chiếm được một vùng đất lớn để
xưng hùng thì Kiều nghĩ ngay đến chuyện đền ân trả nghĩa. Truyện Kiều
ghi:
- “Trong
quân có lúc vui vầy,
- Thung
dung mới kể sự ngày hàn vi:
- Khi
Vô Tích, khi Lâm Chuy
- Nơi
thì lừa đảo, nơi thì sót thương.
- Tấm
thân rày đã nhẹ nhàng,
- Chút
còn ân oán đôi đường chửa xong.
- Từ
Công nghe nói thủy chung,
- Đùng
đùng nổi trận lôi đình sấm vang,
- Nghiêm
quân, tuyển tướng sẵn sàng,
- Dưới
cò một lệnh vội vàng ruổi sao
- Ba
quân chỉ ngọn cờ đào
- Đạo
ra Vô Tích, đạo vào Lâm Chuy”.
Chiều
vợ đến thế là cùng. Có lẽ Từ Hải là vị Tư Lệnh duy nhất trên thế
giới đã điều động hai đạo binh mã hùng hậu đi bắt những người đã
đối xử một cách quá độc ác với vợ mình đem về cho vợ toàn quyền
phân xử theo tình cảm riêng.
Chùa
Tường Phù thuộc Mã Sơn, Vô Tích, cạnh Thái Hồ. Pho tượng Phật A Di Đà
cao 88 thước vừa hoàn thành, nằm trên đỉnh một ngọn đồi, từ mặt đất
lên đến chân tượng cao 60 thước với 218 bậc. Tôi chỉ đưa mắt ngắm
tượng còn Diệu Anh và vài vị trẻ tuổi leo lên tận nơi coi, nói thấy
to và đẹp lắm. Tượng không phải là một khối đồng đặc mà rỗng ruột,
gồm nhiều tấm đồng ghép lại, bên trong có ba tầng diện tích tổng cộng
là 8888 thước vuông. Chùa chiền dưới chân tượng đang xây cất dở dang.
Công trình rất vĩ đại do Thầy Tinh Vân thực hiện. Thầy Tinh Vân đã cất
Chùa Tây Lai ở California, Huê Kỳ và Chùa Nam Thiên ở Wollongong, Sydney bên
Úc. Khi đến nơi đã xế chiều nên không có thì giờ bái trụ trì, chỉ
đi thăm các nơi thôi. Điểm độc đáo của chùa này là những bàn tay cao
hai, ba thước chĩa năm ngón lên trời và lòng bàn tay có vẽ bánh xe pháp.
Chùa đẹp quá, phong cảnh hữu tình. Tên Vô Tích đã gợi nhớ chuyện Kiều
còn Thái Hồ làm liên tưởng một cô gái đẹp như Kiều hay hơn Kiều là
Tây Thi. Thái Hồ cùng Tây Hồ, Động Đình Hồ, Phan Dương Hồ, Sào Hồ
là năm hồ danh tiếng, nơi Phạm Lãi rong thuyền cùng Tây Thi tiêu dao tuế
nguyệt sau khi đại thắng Ngô Phù Sai. Tôi muốn ở lại đây ít ra là nửa
ngày để ngắm cảnh, để sống lại những tình sử Trung Hoa diễm tuyệt
nhưng quý Thầy đã dục lên xe bus trực chỉ Thượng Hải. Tới nơi đã tối,
nơi nghỉ là khách sạn Thiên Hạc.
Thượng
Hải là một thành phố rất lớn, trước kia là tô giới của các cường
quốc muốn xâu xé Trung Quốc như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nhật v.v.Nhà
cửa, đường xá chật chội với rất nhiều nhà thờ Thiên chúa, Hồi
giáo. Nhà thờ Thiên Chúa đầu tiên đặt tại đây.
- ~~oOo~~